Xin chữ đầu năm: Nét đẹp văn hoá của người Việt

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua”.

Nhắc đến những câu thơ này hẳn ai cũng nghĩ về phong tục xin chữ đầu năm, một nét đẹp trong văn hóa của người Việt.

Mấy bạn nhỏ chăm chú xem ông đồ cho chữ tại Hồ Văn - Văn Miếu Quốc Tử Giám ngày mồng 2 Tết Quý Mão 2023 (Ảnh: Khánh Hòa/TTXVN)

Ngày xuân, đối với người Việt, là ngày khởi đầu của năm mới, cũng là khởi đầu của mọi sự mới. Vào những ngày này, mọi người đều mong muốn gia đình, bản thân có được những điều tốt đẹp, khởi sắc hơn.

Tục xin chữ - cho chữ, có lẽ bắt nguồn từ những người hiếu học, trân trọng con chữ đẹp, nên ngày xuân xin về, như xin một thứ phúc lộc may mắn, giỏi giang. Về sau, phong tục tốt đẹp này càng phổ biến. Chữ xin được thể hiện lời chúc của người viết hoặc mong muốn của người xin, thường là sự an lành, may mắn, thành công, đỗ đạt, con cái đầy nhà.

anh-2-1674606558.jpg

Đông đảo người dân xin chữ tại Hồ Văn-Văn Miếu Quốc Tử Giám vào ngày mùng 2 Tết Quý Mão 2023. (Ảnh: Khánh Hòa/TTXVN)

Mỗi độ tết đến xuân về, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại xuất hiện những ông đồ, mỗi người một xếp giấy, vài chiếc bút lông và nghiên mài mực, ngồi khoanh chân trên chiếc chiếu hoa vuông vức xinh xắn để sẵn sàng cho những người xin chữ. Ông đồ già thì viết chữ Hán, ông đồ trẻ viết thư pháp Việt, họ đã sum tụ lại trên mảnh đất tôn vinh truyền thống hiếu học của người Việt Nam, cùng nhau khôi phục và gìn giữ một nét đẹp trong văn hóa người Việt, đó là xin chữ đầu xuân.

Theo phong tục truyền thống, người dân thường đến xin chữ về treo với hy vọng một năm mới sức khỏe, bình an, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn. Tùy vào mục đích và lứa tuổi, người xin chữ sẽ được tư vấn chọn chữ phù hợp.

Những ước vọng tốt đẹp cho một năm mới hạnh phúc, bình an được lồng trong những nét mực uyển chuyển. Mỗi chữ thầy đồ viết không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật thư pháp mà còn bộc lộ tấm lòng, tính cách, tâm hồn và cả sự sáng tạo của mỗi cá nhân.

Vừa viết chữ, ông đồ vừa giới thiệu ý nghĩa của từng nét cho người xin chữ để họ có thể hiểu được hết những ý nghĩa sâu sắc của từng chữ, qua đó thấu hiểu thêm về một nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Chữ xin về thường được chủ nhà treo ở những nơi trang trọng trong nhà. Câu đối được xin về để treo đầu năm mới không chỉ nhằm trang trí cho ngôi nhà thêm phần sinh khí mới, mà còn thể hiện ước vọng của chủ nhà về một năm mới bình yên, thuận lợi và may mắn.

Theo nhiều chuyên gia, từ xưa, việc xin chữ treo trong nhà đầu năm mới là một việc làm quan trọng với mỗi gia đình. Treo chữ gì trong nhà thể hiện bản sắc của mỗi gia đình, cũng là thể hiện những mong ước trong năm mới.

Ý nghĩa của một số chữ thường được nhiều người xin trong dịp đầu năm mới:

Chữ LỘC: Biểu tượng cho sự thịnh vượng và hạnh phúc, mong muốn một năm phát tài, phát lộc.

Chữ PHÚC: Tượng trưng cho hạnh phúc, may mắn, thể hiện mong muốn có cuộc sống ấm no.

Chữ THỌ: Mong muốn người trong gia đình được sống lâu trăm tuổi. Người xin chữ Thọ thường xin để biếu ông bà, cha mẹ với mong muốn gia đình mạnh khỏe, an khang.

Chữ TÂM: mang một ý nghĩa hơi hướng Phật Giáo với mong muốn con người tu dưỡng đạo đức, để có một tâm hồn thanh tịnh, yên bình và thanh thản.

Chữ ĐỨC: Biểu tượng cho đạo đức của con người, luôn sống thực, sống tốt với chính bản thân mình và xã hội.

Chữ TÀI: Xin chữ tài với mong muốn con người có được tài năng, hy vọng thành đạt ở trong công việc.

Chữ AN: Mong muốn có cuộc sống an lành, bình an.

Chữ NHẪN: Mong muốn có một bản tính nhẫn nhịn, độ lượng và khoan dung, do đó nhiều người thường treo chữ Nhẫn ở trong nhà.

Chữ HIẾU: Đầu năm nhiều người thường xin chữ Hiếu để tặng cho ông bà, bố mẹ như lời biết ơn về công sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ…

Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/index.php/xin-chu-dau-nam-a65186.html