Đa dạng hóa các loại hình giáo dục, tăng nguồn lực, mở rộng quy mô và tăng cơ hội học tập cho mọi người - thuathienhue.gov.vn/vi-vn

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân thông tin các nội dung của đề án "Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045". Theo đó, đề xuất các quan điểm, mục tiêu, giải pháp làm cơ sở để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển mạng lưới trường, lớp; phát triển đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục và phát triển cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tại các trường học giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2030,100% nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn trình độ đào tạo; 82,2% trường đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày; 100% trường mầm non, 85% trường tiểu học tổ chức bán trú. Về phạm vi đề án, nhằm đánh giá thực trạng phát triển quy mô, mạng lưới trường, lớp của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015-2020; Đánh giá thực trạng phát triển phát đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015-2020; Đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đến năm học 2020- 2021; Dự báo tốc độ phát triển đô thị và quy mô dân số từng vùng, từng địa phương theo độ tuổi mầm non, phổ thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Dự báo về sự phát triển mạng lưới trường, lớp đáp ứng nhu cầu đi học của người dân; xác định nhu cầu về đội ngũ nhà giáo và CBQL, về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học có chất lượng, đáp ứng yêu cầu mới; đề xuất phương hướng, giải pháp phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Về cấu trúc, Đề án được kết cấu gồm 5 phần.

Với mục tiêu, phát triển giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu học tập, bảo đảm công bằng trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân. Phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền; xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQL đủ về số lượng và cơ cấu, đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo, năng lực và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong giai đoạn mới. Hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo tốt các điều kiện dạy và học. Đẩy mạnh chuyển đổi số và các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong giáo dục.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân báo cáo nội dung dự thảo đề án tại hội thảo

Bên cạnh đó, hội thảo cũng dành thời gian thào luận về Đề án “Phát triển Trường THPT chuyên Quốc Học Huế giai đoạn 2022- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và một số chính sách đối với học sinh, giáo viên Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế”, phấn đấu đưa Quốc Học thuộc top 5 trường có thành tích mũi nhọn (giải quốc gia, quốc tế) cao nhất toàn quốc, đạt kiểm định chất lượng cấp độ 3. Ít nhất 85% số học sinh xếp loại giỏi, 100% học sinh giỏi, khá về tin học, trên 80% giáo viên có trình độ thạc sĩ; 5% giáo viên có trình độ tiến sĩ chuyên ngành…

Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp, trao đổi các ý kiến về dự thảo của các đề án, trong đó tập trung vào chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 với bối cảnh, thời cơ và thách thức, quan điểm chỉ đạo, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu phát triển, và nhiệm vụ giải pháp. Qua đó, Đề án cần được xem xét toàn diện trên các khía cạnh về thể chế và công tác quản lý; tiếp cận và công bằng, chất lượng, nhân lực ngành giáo dục; nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất; ứng dụng công nghệ thông tin; nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.

Các đại biểu tham gia ý kiến tại hội thảo

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cần cập nhật nội dung đề án vào quy hoạch chung, phải được xây dựng dựa trên kết quả phân tích ngành và cũng đưa ra bộ chỉ số đánh giá chiến lược giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045. Qua đó để nâng cao chất lượng của giáo dục và đào tạo cần xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Ngành Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện đa dạng hóa các loại hình giáo dục nhằm tăng nguồn lực, mở rộng quy mô và tăng cơ hội học tập cho mọi người; quan tâm giáo dục khuyết tật; chú trọng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Rà soát cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học trong các giai đoạn. Qua đó cần tính toán phân bố nguồn lực hợp lý cho từng giai đoạn triển khai đề án. Đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong giáo dục hỗ trợ đắc lực cho quản lý giáo dục và làm đa dạng hóa các hình thức dạy và học.

Về Đề án “Phát triển Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế giai đoạn 2022- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và một số chính sách đối với học sinh, giáo viên Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế”, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh đến chất lượng mũi nhọn trong dạy học tại nhà trường; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý việc dạy - học, cơ sở dữ liệu về học liệu.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao những góp ý của đại diện các sở ban ngành liên quan, bổ sung kịp thời để hoàn thiện các nội dung của đề án quan trọng này. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo nhanh chóng tổng hợp, phối hợp với các đơn vị có liên quan thẩm định, bổ sung, hoàn chỉnh thống nhất các nội dung Đề án trong thời gian sớm nhất.

Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/index.php/da-dang-hoa-cac-loai-hinh-truong-lop-a67576.html