Hướng tới mục tiêu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 - TIÊU ĐIỂM - Tạp chí Cộng sản

Thực trạng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước

Những thành tựu đạt được

Thứ nhất, nhận thức của Đảng ngày càng đầy đủ và rõ nét về mô hình phát triển với mục tiêu rõ ràng, sách lược và chiến lược đưa ra có sự điều chỉnh phù hợp với bối cảnh mới(2). Đặc biệt, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17-11-2022, “Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Thứ hai, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, thu nhập bình quân đầu người (GDP)/người và thu nhập quốc dân (GNI)/người tăng liên tục trong nhiều năm qua, tiệm cận gần tới mức của nhóm nước có thu nhập trung bình cao. Tốc độ tăng trung bình của GNI/người giai đoạn 2009 - 2022 là 10,5%. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới(3), năm 1991, GNI/người của Việt Nam chỉ đạt 110 USD/người (thuộc nhóm quốc gia có thu nhập thấp nhất thế giới), tăng lên 1.120 USD/người vào năm 2009, giúp nước ta chuyển từ quốc gia có thu nhập thấp sang nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp và đạt 4.010 USD/người vào năm 2022 (tăng gấp 3,58 lần so với năm 2009 và tăng gấp 36,5 lần so với năm 1991), giúp nước ta thu hẹp khoảng cách ngày càng nhanh hơn với mốc thu nhập của nhóm nước có thu nhập trung bình cao.

Thứ ba, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp trong GDP và giảm tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp trên tổng lao động xã hội. Số liệu của Tổng cục Thống kê(4) cho thấy, tỷ trọng giá trị sản lượng của ngành công nghiệp - xây dựng trong GDP tăng từ 33,02% năm 2010 lên 38,17% năm 2022; tỷ trọng lao động trong nông nghiệp giảm từ 73,2% năm 1990 xuống còn 27,5% vào năm 2022. Năng suất lao động trong ngành nông nghiệp tăng từ 16,22 triệu đồng/lao động năm 2010 lên 81,9 triệu đồng/lao động năm 2022 (tăng hơn 5 lần sau 12 năm) nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp, đồng thời phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ mới để hấp thu lao động từ nông nghiệp chuyển sang.

Thứ tư, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phát triển tương đối năng động, đóng góp tích cực vào nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp. Theo báo cáo của Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) năm 2022(5), ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam đã đóng góp 24,76% trong GDP, giá trị gia tăng bình quân đầu người của Việt Nam (MVApc) tăng từ 190 USD/người năm 2010 lên 829 USD/người năm 2020 (tăng 4,63 lần trong 10 năm). Điều này giúp Việt Nam vươn lên tốp 30 của thế giới về năng lực cạnh tranh công nghiệp theo tính toán chỉ số giá tiêu dùng (CIP) của UNIDO vào năm 2023.

Thứ năm, trình độ phát triển con người có sự cải thiện đáng ghi nhận. Năm 2019, Việt Nam lọt vào nhóm quốc gia có chỉ số phát triển con người (HDI) cao. Theo dữ liệu tổng hợp của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP)(6), năm 1990, HDI của Việt Nam chỉ đạt 0,477, là một trong các quốc gia có chỉ số phát triển con người thấp nhất thế giới, sau đó tiến dần lên. Năm 2018, chỉ số HDI của Việt Nam đạt 0,697 điểm; đến năm 2019 đạt 0,703, lọt vào nhóm có HDI cao; năm 2020 là 0,710 điểm và năm 2022 là 0,703 điểm.

Thứ sáu, tốc độ đô thị hóa có sự tăng trưởng ngày càng cao qua các năm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê(7), tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đã tăng từ 20,3% vào năm 1990 lên 37,55% năm 2022. Đặc biệt, quá trình đô thị hóa hướng tới mục tiêu phát triển theo hướng xanh hơn, thực hiện cam kết giảm phát thải khí mê-tan xuống 30% và đạt được mức phát thải các-bon ròng bằng 0 vào năm 2050.

Một số hạn chế

Nếu so với mục tiêu đặt ra thì quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển thời gian qua của Việt Nam còn bộc lộ một số hạn chế và rào cản, được thể hiện qua Bảng 1 ở trên.

Theo Bảng 1, có thể thấy rõ một số thách thức và hạn chế:

Một là, khoảng cách tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao GDP/người đạt 7.500 USD và GNI/người đạt trên 7.000 USD vào năm 2030 là thách thức không nhỏ với Việt Nam trong 6 năm tới. Khoảng cách cần phấn đấu tăng thêm GNI/người là trên 2.990 USD/người (tương đương với mức thu nhập tăng thêm mà nước ta đã phấn đấu trong 13 năm, từ năm 2009 đến năm 2022). Điều này đòi hỏi có những đột phá trong thời gian tới. Việt Nam có nguy cơ tụt hậu so với các quốc gia trên thế giới khi chuyển từ mức thu nhập trung bình thấp sang mức thu nhập trung bình cao, vì Trung Quốc chuyển sang nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp vào năm 1999, đến năm 2010 đã chuyển sang nhóm quốc gia thu nhập trung bình cao (sau 11 năm); In-đô-nê-xi-a vào nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp năm 2003 nhưng đến các năm 2019, 2022 đã từng bước chuyển lên nhóm quốc gia thu nhập trung bình cao (sau 16 năm)(9).

Hai là, sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp sẽ có thể không đạt kỳ vọng nếu thiếu quyết tâm. Đến năm 2030, mục tiêu đưa tỷ trọng lao động trong nông nghiệp xuống dưới 20% rất khó đạt được khi khoảng cách còn hơn 7,5% nữa vì cần làm rất nhiều việc, bao gồm đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và tăng năng suất lao động trong nông nghiệp; phát triển công nghiệp và dịch vụ để tạo việc làm, có khả năng hấp thụ lao động từ nông nghiệp chuyển sang; đào tạo nguồn nhân lực có đủ khả năng tự tạo việc làm thông qua thành lập doanh nghiệp hoặc nguồn nhân lực có đủ kiến thức, kỹ năng làm việc trong doanh nghiệp công nghiệp và dịch vụ trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, nếu duy trì và phát huy tốt tốc độ tăng trưởng và giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp như thời gian qua thì có thể đạt được vì đây cũng là khoảng cách mà Việt Nam đã đạt được trong giai đoạn 2018 - 2023.

Ba là, HDI của Việt Nam, mặc dù đã đạt ở mức cao (trên 0,7), tuổi thọ trung bình đã gần tiệm cận mục tiêu 75 tuổi, nhưng vẫn chưa thực sự ổn định và thiếu bền vững. Việt Nam vẫn là một quốc gia có điểm số HDI thấp nhất trong nhóm các quốc gia có HDI cao. Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 115/191 quốc gia và vùng lãnh thổ(10), chỉ cải thiện 5 bậc từ năm 2015 đến nay.

Bốn là, khả năng đạt mục tiêu về tỷ lệ đô thị hóa vào năm 2030 là tương đối thách thức. Ngay cả khi đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam vẫn thấp hơn các nước khác trong khu vực và rất khó đạt mục tiêu có tỷ lệ đô thị hóa trên 50% như các quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Năm là, chỉ số giá trị gia tăng ngành chế biến, chế tạo bình quân đầu người (MVApc) còn khoảng cách quá xa so với mục tiêu phải đạt trên 2.000 USD vào năm 2030. Theo UNIDO, mặc dù năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam (CIP) nằm trong tốp 30 của thế giới, nhưng MVApc của Việt Nam vẫn còn rất thấp. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa đạt được mức của nhóm nền kinh tế công nghiệp mới nổi (khi MVA bình quân đầu người đạt trên 1.000 USD).

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu và dịch bệnh, tình hình địa - chính trị thế giới diễn ra phức tạp dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và đặc biệt sự phát triển với tốc độ chóng mặt của khoa học - công nghệ, quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước còn một số hạn chế là do các nhóm nguyên nhân đến từ nội tại nền kinh tế - xã hội của Việt Nam:

Thứ nhất, mặc dù Việt Nam đã chuyển đổi mô hình tăng trưởng và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhưng vẫn chưa đạt được nhận thức đầy đủ về hệ sinh thái khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia, kết cấu hạ tầng cho phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo ở trình độ thấp, chưa trở thành nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong khi khoa học - công nghệ trên thế giới đang có tốc độ phát triển nhanh, máy móc, công nghệ có vòng đời ngắn và dễ lạc hậu, đặc biệt là công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI). Do đó, nếu Việt Nam phát triển khoa học - công nghệ theo tuần tự và theo kiểu truyền thống, sẽ không còn phù hợp, khó đuổi kịp với trình độ phát triển công nghệ trên thế giới, không phát huy được thế mạnh. Năng lực sáng tạo của Việt Nam thể hiện qua chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố hằng năm đang có xu hướng tụt hậu so với các quốc gia khác. Kết quả xếp hạng GII qua các năm cho thấy(11), năm 2019, Việt Nam đã được xếp hạng thứ 42/132 quốc gia, nhưng giai đoạn 2020 - 2022, chúng ta bị tụt hạng liên tục, xuống thứ 48, năm 2023 được xếp thứ 46, nằm trong tốp 50 của thế giới. Trong khi đó, nguồn lực vốn cho phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo còn rất thiếu so với nhu cầu phát triển và so với các quốc gia trong khu vực. Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2021(12), tổng chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D)/GDP của Việt Nam chỉ đạt 0,42% (giảm từ 0,53% năm 2019 xuống 0,42% vào năm 2021), thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực (tỷ lệ chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D)/GDP của Trung Quốc là 2,99%; Ma-lai-xi-a là 1,44%, Thái Lan là 0,78%). Theo Niên giám thống kê năm 2022, tỷ lệ chi từ ngân sách cho khoa học - công nghệ có xu hướng giảm từ 0,77% năm 2018 xuống còn 0,55% năm 2022, không đạt mục tiêu tối thiểu 2% ngân sách được đề ra trong Quyết định số 418/QĐ-TTg, ngày 11-4-2012, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020”.

Thứ hai, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, năng lực cạnh tranh tài năng của Việt Nam kém hơn so với các quốc gia trong khu vực. Theo Báo cáo về chỉ số cạnh tranh tài năng toàn cầu(13), Việt Nam xếp hạng thứ 74/133 quốc gia, trong khi Trung Quốc xếp hạng thứ 36, Xin-ga-po xếp hạng thứ 2. Tỷ lệ người học đại học trên 1 vạn dân của Việt Nam quá thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Kết quả báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy, Việt Nam chỉ có 215 sinh viên/1 vạn dân(14); 7,6 cán bộ nghiên cứu trên 1 vạn dân (số cán bộ nghiên cứu trên 1 vạn dân ở Trung Quốc là 13,1; Ma-lai-xi-a: 68,8; In-đô-nê-xi-a: 57,5 và Thái Lan: 93,4). Theo Báo cáo khảo sát của Tổng cục Thống kê và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) năm 2022(15), chỉ 39% thanh, thiếu niên của Việt Nam từ 15 - 24 tuổi có kỹ năng tốt về công nghệ thông tin và truyền thông. Tỷ lệ nhà nghiên cứu trên 1 vạn dân của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam còn thiếu các trường đại học xếp hạng cao trên thế giới và chưa có chiến lược đầu tư bài bản để thu hút nhân tài.

Thứ ba, năng lực khoa học - công nghệ nội sinh thấp, phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), điều này được thể hiện ở số đăng ký sáng chế chủ yếu của nước ngoài. Theo báo cáo của Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia(16), năm 2021 có tổng số 94,9% bằng sáng chế và độc quyền sáng chế được cấp cho người nước ngoài và doanh nghiệp nước ngoài, chỉ 5,1% được cấp cho người Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam. Báo cáo này cũng cho thấy, 80% doanh nghiệp FDI có công nghệ trung bình, 15% doanh nghiệp có công nghệ thấp và chỉ 5% doanh nghiệp FDI có công nghệ cao, hiệu quả chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI rất thấp so với các quốc gia thế giới và đang có xu thế tụt hậu.

Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/index.php/quoc-gia-nao-hien-nay-co-muc-do-cong-nghiep-hoa-cao-va-nhanh-a71976.html