Lý thuyết Sinh học 10 Bài 3 (Chân trời sáng tạo): Các cấp độ tổ chức của thế giới sống

Lý thuyết Sinh học 10 Bài 3: Các cấp độ tổ chức của thế giới sống

A. Lý thuyết Sinh học 10 Bài 3: Các cấp độ tổ chức của thế giới sống

I. Các cấp độ tổ chức của thế giới sống

1. Khái niệm cấp tổ chức sống

- Các cấp độ tổ chức của thế giới sống:

+ Khái niệm: Các cấp độ tổ chức của thế giới sống là tập hợp tất cả các cấp tổ chức từ nhỏ nhất đến lớn nhất trong thế giới sống.

- Gồm: nguyên tử, phân tử, bào quan, tế bào, mô, cơ quan, hệ cơ quan, cơ thể, quần thể, quần xã - hệ sinh thái, sinh quyển.

Lý thuyết Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 3: Các cấp độ tổ chức của thế giới sống

- Các cấp độ tổ chức sống:

+ Khái niệm: Các cấp độ tổ chức sống là các cấp độ tổ chức biểu hiện các đặc trưng của sự sống như chuyển hóa vật chất và năng lượng, sinh trưởng và phát triển, sinh sản, cảm ứng,…

+ Gồm: phân tử, bào quan, tế bào, mô, cơ quan, hệ cơ quan, cơ thể, quần thể, quần xã - hệ sinh thái, sinh quyển.

- Các cấp độ tổ chức sống cơ bản gồm tế bào, cơ thể, quần thể, quần xã - hệ sinh thái.

2. Các cấp độ tổ chức của thế giới sống

Lý thuyết Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 3: Các cấp độ tổ chức của thế giới sống

- Các cấp độ tổ chức của thế giới sống từ thấp đến cao là: Nguyên tử → phân tử → bào quan → tế bào → mô → cơ quan → hệ cơ quan → cơ thể → quần thể → quần xã - hệ sinh thái → sinh quyển.

3. Mối quan hệ giữa các cấp độ tổ chức sống

Các cấp độ tổ chức sống có mối quan hệ chặt chẽ với nhau về cấu trúc và chức năng:

- Về cấu trúc: Cấp độ tổ chức nhỏ hơn sẽ làm nền tảng để hình thành cấp độ tổ chức cao hơn.

- Về chức năng: Các cấp độ tổ chức hoạt động luôn thống nhất với nhau để duy trì các hoạt động sống.

II. Đặc điểm chung của các cấp độ tổ chức sống

1. Tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc

- Tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc được thể hiện như sau:

+ Tổ chức sống cấp dưới làm cơ sở để hình thành nên tổ chức sống cấp trên.

+ Tổ chức sống cấp cao hơn vừa có những đặc điểm của tổ chức sống thấp hơn, vừa mang những đặc tính nổi trội mà tổ chức cấp dưới không có.

+ Đặc tính nổi trội được hình thành là do sự tương tác giữa các bộ phận cấu thành.

- Ví dụ: Một loại tế bào ở dạ dày chỉ thực hiện một chức năng nhất định (tế bào chính tiết ra pepsinogen - enzyme pepsin ở trạng thái chưa hoạt động, tế bào viền tiết ra HCl, hoặc tế bào cơ chỉ có tác dụng co dãn) nhưng khi có nhiều loại tế bào hợp lại, dạ dày vừa có chức năng tiết dịch vị vừa co bóp để tiêu hóa thức ăn.

Lý thuyết Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 3: Các cấp độ tổ chức của thế giới sống

Dạ dày được cấu tạo từ nhiều loại tế bào

2. Hệ thống mở và tự điều chỉnh

- Các cấp độ tổ chức sống là hệ thống mở:

+ Các cấp độ tổ chức sống luôn diễn ra quá trình trao đổi chất và năng lượng với môi trường. Nhờ có quá trình trao đổi chất mà giữa sinh vật và môi trường có mối quan hệ gắn kết, sinh vật không chỉ chịu tác động của môi trường mà còn góp phần làm thay đổi môi trường.

+ Ví dụ: Thông qua quá trình thoát hơi nước mà thực vật hấp thụ khí CO2 cung cấp cho quá trình quang hợp. Đồng thời, hơi nước thoát ra làm giảm nhiệt độ môi trường, O2 được giải phóng từ quang hợp góp phần điều hòa khí quyển.

Lý thuyết Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 3: Các cấp độ tổ chức của thế giới sống

Quang hợp ở thực vật có sự trao đổi chất giữa cây và môi trường

- Các cấp độ tổ chức sống có cơ chế tự điều chỉnh:

+ Vai trò: nhằm duy trì và điều hòa các hoạt động sống trong hệ thống để tồn tại và phát triển.

+ Ví dụ: Sự điều chỉnh đường huyết trong máu.

Lý thuyết Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 3: Các cấp độ tổ chức của thế giới sống

Sơ đồ điều chỉnh đường huyết trong máu

3. Thế giới sống liên tục tiến hóa

- Sự sống được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác nhờ quá trình sinh sản. Trong đó:

+ Quá trình nhân đôi DNA giúp các đặc tính được ổn định và kế thừa qua các thế hệ.

+ Các cơ chế phát sinh biến dị (đột biến gene, đột biến nhiễm sắc thể) luôn diễn ra, giúp tạo ra các sự đa dạng về mặt di truyền.

- Ngoài ra, môi trường sống thay đổi buộc sinh vật phải có sự thích nghi để tồn tại nên quá trình chọn lọc tự nhiên đã giúp loại bỏ những dạng sống kém thích nghi và giữ lại những dạng sống thích nghi với những môi trường khác nhau.

→ Các loài sinh vật luôn tiến hóa để thích nghi và tạo ra thế giới sống vô cùng đa dạng ngày nay.

Sự tiến hóa của thế giới sống từ tổ tiên chung

B. Bài tập trắc nghiệm Sinh học 10 Bài 3: Các cấp độ tổ chức của thế giới sống

Câu 1: Tế bào được xem là cấp độ tổ chức sống cơ bản nhất vì

A. tế bào là cấp độ tổ chức nhỏ nhất trong thế giới sống và tất cả các sinh vật sống đều được cấu tạo từ tế bào.

B. tế bào là cấp độ tổ chức nhỏ nhất có biểu hiện đầy đủ các đặc tính của sự sống và tất cảcác cấp độ tổ chức của thế giới sống đều được cấu tạo từ tế bào.

C. tế bào là cấp độ tổ chức nhỏ nhất có biểu hiện đầy đủ các đặc tính của sự sống và tất cả các sinh vật sống đều được cấu tạo từ tế bào.

D. tế bào là cấp độ tổ chức nhỏ nhất trong thế giới sống và tất cảcác cấp độ tổ chức của thế giới sống đều được cấu tạo từ tế bào.

Câu 2: Cho các phát biểu sau:

(1) Mô là tập hợp các tế bào có cùng chức năng.

(2) Cơ quan là tập hợp các mô cùng thực hiện một chức năng nhất định.

(3) Quần thể là tập hợp các cá thể khác loài phân bố trong một khu vực nhất định.

(4) Quần xã gồm nhiều hệ sinh thái phân bố trong khu vực địa lí nhất định.

Số phát biểu đúng là

A. 1.

B. 2.

C. 3.

D. 4.

Câu 3: Đặc điểm nào sau đây thể hiện mối quan hệ chặt chẽ về cấu trúc của các cấp độ tổ chức sống?

A. Mọi cấp độ tổ chức sống đều được cấu tạo từ tế bào.

B. Mọi hoạt động sống đều được thực hiện trong tế bào.

C. Cấp độ tổ chức nhỏ hơn sẽ làm nền tảng để hình thành cấp độ tổ chức cao hơn.

D. Các cấp độ tổ chức luôn hoạt động thống nhất để duy trì các hoạt động sống.

Câu 4: Cấp độ tổ chức sống nào sau đây không tồn tại trong cơ thể của một sinh vật đa bào?

A. tế bào.

B. mô.

C. cơ quan.

D. quần thể.

Câu 5: Đặc điểm nào sau đây không phải là đặc điểm chung của các cấp độ tổ chức sống?

A. Tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc.

B. Là hệ thống mở và tự điều chỉnh.

C. Là hệ thống khép kín và ổn định.

D. Liên tục tiến hóa.

Câu 6: Thế giới sống được tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc có nghĩa là

A. tổ chức sống cấp dưới sẽ làm cơ sở để hình thành nên tổ chức sống cấp trên.

B. tổ chức sống cấp dưới sẽ hoạt động không phụ thuộc vào tổ chức sống cấp trên.

C. tổ chức sống cấp trên có những đặc tính nổi trội so với tổ chức sống cấp dưới.

D. tổ chức sống cấp trên có cấu trúc phức tạp và đa dạng hơn tổ chức sống cấp dưới.

Câu 7: Biểu hiện nào sau đây cho thấy các cấp độ tổ chức sống là hệ thống mở?

A. Các cấp độ tổ chức sống luôn bị biến đổi trước những thay đổi dù là nhỏ nhất của môi trường.

B. Các cấp độ tổ chức sống luôn tiến hóa liên tục để thích nghi với những thay đổi của môi trường.

C. Các cấp độ tổ chức sống luôn diễn ra quá trình trao đổi chất và năng lượng với môi trường.

D. Các cấp độ tổ chức sống luôn có cơ chế tự điều chỉnh để thích nghi với những thay đổi của môi trường.

Câu 8: Các cấp độ tổ chức của thế giới sống là

A. tập hợp tất cả các đơn vị cấu tạo nên thế giới sống từ nhỏ nhất đến lớn nhất.

B. tập hợp tất cả các đơn vị cấu tạo nên thế giới sống từ vô cơ đến hữu cơ.

C. tập hợp tất cả các đơn vị cấu tạo nên thế giới sống từ đơn bào đến đa bào.

D. tập hợp tất cả các đơn vị cấu tạo nên thế giới sống từ nhân sơ đến nhân thực.

Câu 9: Cấp độ tổ chức nào sau đây không phải là cấp độ tổ chức sống?

A. Quần thể.

B. Cơ thể.

C. Phân tử.

D. Nguyên tử.

Câu 10: Cho các cấp độ tổ chức sống sau:

(1) Phân tử.

(2) Tế bào.

(3) Mô.

(4) Cơ quan.

(5) Cơ thể.

(6) Quần thể.

(7) Quần xã - hệ sinh thái.

Số cấp độ tổ chức sống cơ bản là

A. 3.

B. 4.

C. 5.

D. 6.

Xem thêm tóm tắt lý thuyết Sinh học 10 sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 4: Khái quát về tế bào

Lý thuyết Bài 5: Các nguyên tố hóa học và nước

Lý thuyết Bài 6: Các phân tử sinh học trong tế bào

Lý thuyết Bài 8: Tế bào nhân sơ

Lý thuyết Bài 9: Tế bào nhân thực

Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/index.php/sinh-10-bai-3-a72393.html