Lý thuyết Sinh học 9 Bài 23: Đột biến số lượng nhiễm sắc thể
- Đột biến số lượng NST là đột biến làm biến đổi số lượng nhiễm sắc thể.
- Có 2 dạng đột biến số lượng NST: thể dị bội (những biến đổi số lượng xảy ra ở một hoặc một số cặp NST) và thể đa bội (những biến đổi số lượng xảy ra ở tất cả bộ NST).
I. THỂ DỊ BỘI
- Thể dị bội là cơ thể mà trong tế bào dinh dưỡng có một hoặc một số cặp NST bị thay đổi về số lượng.
- Các dạng thường gặp:
+ Thể ba (2n + 1): tế bào lưỡng bội có thêm 1 NST vào 1 cặp NST nào đó (1 cặp NST nào đó thay vì chỉ có 2 chiếc NST thì lại có 3 chiếc NST).
+ Thể một (2n - 1): tế bào lưỡng bội bị mất 1 NST của 1 cặp NST nào đó (1 cặp NST nào đó thay vì chỉ có 2 chiếc NST thì lại có 1 chiếc NST).
+ Thể không (2n - 2): tế bào lưỡng bội bị mất nguyên 1 cặp NST nào đó.
Một số dạng đột biến thể dị bội thường gặp
- Ở loài lưỡng bội (2n), số dạng thể dị bội bằng bộ NST đơn bội (n) của loài.
Các dạng đột biến thể ba khác nhau ở cà độc dược
II. SỰ PHÁT SINH THỂ DỊ BỘI
- Đột biến thể dị bội có thể xảy ra ở người, động vật và thực vật.
- Nguyên nhân phát sinh: xảy ra do các tác nhân gây đột biến vật lí, hóa học và sinh học hoặc rối loạn môi trường trong cơ thể.
- Cơ chế phát sinh thể dị bội: Thể dị bội phát sinh do rối loạn sự phân li của một hoặc một số cặp NST trong nguyên phân hoặc giảm phân.
+ Trong nguyên phân ở các tế bào sinh dưỡng, sự không phân li của một hoặc một số cặp NST ở kì sau làm một phần cơ thể mang đột biến lệch bội.
Cơ chế hình thành thể dị bội trong nguyên phân
+ Trong giảm phân, một (một số) cặp NST không phân li tạo nên các giao tử thừa hoặc thiếu một (một số) NST. Trong thụ tinh, sự kết hợp của các giao tử bất thường này với nhau hoặc với giao tử bình thường tạo nên các thể dị bội.
Cơ chế phát sinh các thể dị bội có (2n + 1) và (2n - 1) NST
Trắc nghiệm Sinh học 9 Bài 23: Đột biến số lượng nhiễm sắc thể
Câu 1: (NB) Đột biến số lượng NST bao gồm
A. lặp đoạn và đảo đoạn NST.
B. đột biến dị bội và chuyển đoạn NST.
C. đột biến đa bội và mất đoạn NST.
D. đột biến đa bội và đột biến dị bội trên NST.
Câu 2: (NB) Hiện tượng dị bội thể là sự tăng hoặc giảm số lượng NST xảy ra ở
A. toàn bộ các cặp NST trong tế bào.
B. ở một hay một số cặp NST nào đó trong tế bào.
C. chỉ xảy ra ở NST giới tính.
D. chỉ xảy ra ở NST thường.
Câu 3: (NB) Ở người, hiện tượng dị bội thể được tìm thấy ở
A. chỉ có NST giới tính.
B. chỉ có ở các NST thường.
C. cả ở NST thường và NST giới tính.
D. không tìm thấy thể dị bội ở người.
Câu 4: (NB) Hiện tượng một cặp NST trong bộ NST bị thay đổi về số lượng được gọi là đột biến
A. dị bội thể.
B. đa bội thể.
C. tam bội.
D. tứ bội.
Câu 5: (NB) Thể một nhiễm có đặc điểm nào sau đây?
A. Trong tế bào sinh dưỡng có hiện tượng thừa 2 NST ở một cặp tương đồng nào đó.
B. Trong tế bào sinh dưỡng có hiện tượng thừa 1 NST ở một cặp tương đồng nào đó.
C. Trong tế bào sinh dưỡng có hiện tượng thiếu 2 NST ở một cặp tương đồng nào đó.
D. Trong tế bào sinh dưỡng có hiện tượng thiếu 1 NST ở một cặp tương đồng nào đó.
Câu 6: (NB) Thể không nhiễm có đặc điểm nào sau đây?
A. Trong tế bào không còn chứa bất kì NST nào.
B. Trong tế bào không có NST giới tính, chỉ có NST thường.
C. Trong tế bào không có NST thường, chỉ có NST giới tính.
D. Trong tế bào thiểu hẳn một cặp NST nào đó.
Câu 7: (NB) Thể ba nhiễm (hay tam nhiễm) là thể mà trong tế bào sinh dưỡng có
A. tất cả các cặp NST tương đồng đều có 3 chiếc.
B. tất cả các cặp NST tương đồng đều có 1 chiếc.
C. tất cả các cặp NST tương đồng đều có 2 chiếc.
D. một cặp NST nào đó có 3 chiếc, các cặp còn lại đều có 2 chiếc.
Câu 8: (NB) Kí hiệu bộ NST nào sau đây dùng để chỉ thể không nhiễm?
A. 2n + 1.
B. 2n - 1.
C. 2n + 2.
D. 2n - 2.
Câu 9: (NB) Số NST trong tế bào là thể 3 nhiễm ở người là
A. 47 chiếc NST.
B. 47 cặp NST.
C. 45 chiếc NST.
D. 45 cặp NST.
Câu 10: (NB) Trường hợp nào sau đây không phải là thể lệch bội?
A. Thể 3 nhiễm trên NST thường.
B. Người bị hội chứng Down.
C. Thể không nhiễm trên NST giới tính.
D. Người bị bệnh ung thư máu.
Xem thêm các bài tổng hợp lý thuyết Sinh học lớp 9 đầy đủ, chi tiết khác:
Lý thuyết Bài 20: Thực hành: quan sát và lắp mô hình ADN
Lý thuyết Bài 21: Đột biến gen
Lý thuyết Bài 22: Đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể
Lý thuyết Bài 24: Đột biến số lượng nhiễm sắc thể (tiếp theo)
Lý thuyết Bài 25: Thường biến
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/index.php/sinh-9-bai-23-a76326.html