Bạn muốn được nghe: “Tôi yêu bạn” hay “Tôi thương bạn”? Đã bao giờ bạn ngẫm nghĩ về sự khác biệt trong ý nghĩa giữa 2 câu nói ấy?
Mặc dù ít người trong chúng ta có thể nhận ra, nhưng yêu và thương mang 2 ý nghĩa hoàn toàn khác nhau, đặc biệt là dưới góc độ tâm lý học. Cảm giác yêu một người thường tồn tại trong giai đoạn đầu của một mối quan hệ lãng mạn, khi mọi thứ vẫn còn đang mới mẻ và thú vị. Nó chủ yếu xuất phát từ việc bị thu hút và đắm chìm trong những xúc cảm si mê. Mặt khác, ban đầu, bạn không nhất thiết phải có tình cảm để có thể thương một ai đó, vì đây là thứ cảm xúc có khuynh hướng phát triển một cách tự nhiên theo thời gian, khi tình bạn, sự thấu hiểu và chấp thuận dần được hình thành giữa đôi bên.
Bạn cũng cần lưu ý rằng không loại trừ khả năng yêu và thương ai đó xảy ra đồng thời. Có những lúc khi yêu, chúng ta phải học cách thương một khía cạnh khác của người đó ngày qua ngày (đồng thuận nhiều hơn là yêu thương, điều mà các cặp vợ chồng thường cảm nhận hậu hôn nhân). Nhưng chúng ta có thể thương những người mà chúng ta không thể yêu, như một người bạn tốt hoặc một thành viên trong gia đình.
Dựa vào đó, để giúp bạn phân biệt chúng rõ hơn, dưới đây là 7 điểm khác biệt chính giữa thương và yêu một người:
1. Lựa chọn so với Cảm xúc
Thương một người là một sự lựa chọn có ý thức, nhưng yêu một ai đó không phải là điều mà chúng ta có thể kiểm soát được. Đó là lý do tại sao rất nhiều người trong chúng ta vô tình đem lòng yêu đối tượng mà chúng ta không nên có tình cảm, những người không cùng cảm nhận, không biết rõ hoặc chẳng thể tìm thấy điểm chung. Tất cả chỉ là vấn đề của sự đồng điệu trong cảm xúc! Nhưng khi bạn thương một ai đó - có thể là bạn thân hoặc người trong nhà - đó là vì bạn đã lựa chọn làm như vậy. Và theo đó, bạn cũng có thể quyết định ngừng thương và loại bỏ họ ra khỏi cuộc sống của mình. Tuy nhiên, chấm dứt tình cảm với người mà bạn đang yêu say đắm không dễ dàng như thế.
2. Cần thời gian so với Ngay tức thì
Bạn đã từng gặp một người mà bạn rất yêu và đinh ninh rằng họ chính là "một nửa hoàn hảo còn lại" của mình chưa? Có phải được nhìn thấy họ, ở bên họ, và thậm chí chỉ cần nghĩ về họ thôi cũng đủ khiến bạn bị choáng ngợp trong cảm xúc của chính mình? Đó chính là cảm giác khi yêu một ai đó: đắm đuối, mãnh liệt và gần như ngay lập tức. Nó có thể đến một cách bất chợt vào thời điểm mà bạn không thể ngờ. Nhưng ngược lại, cần một khoảng thời gian rất lâu để bạn có thể đem lòng thương một người. Và dù không nhanh chóng hoặc dồn dập vào lần đầu gặp gỡ, nhưng sau mỗi cuộc trò chuyện và khoảnh khắc ý nghĩa được sẻ chia, tình thương sẽ từ từ nảy nở cho đến khi bạn nhận ra mình đang đặc biệt quan tâm đến họ (Mikulincer & Goodman, 2006).
3. Lâu dài so với Nhất thời
Một trong những điểm khác biệt chính giữa thương và yêu là mọi người sẽ hết yêu nhanh như cách mà họ rơi vào tình yêu đó vậy. Dù nguyên nhân có là do bất đồng, lỗi lầm hay phẩm chất kém hấp dẫn gì chăng nữa, thì tình yêu là thứ tình cảm nồng nàn và đầy thú vị nhưng đồng thời cũng mong manh và rất dễ đổi thay. Các nghiên cứu thậm chí còn cho thấy kiểu “tình yêu cuồng nhiệt” này thường thăng hoa trong 6-12 tháng đầu tiên và kết thúc không lâu sau đó (Langeslag, Muris & Franken, 2013). Mặt khác, tình thương sẽ ngày càng vững vàng và lâu dài hơn vì nó chỉ phát triển mạnh mẽ hơn qua thời gian. Nó không có quá nhiều thời điểm cao trào hay nhạt nhòa, mà thay vào đó được xây dựng trên nền tảng vững chắc của sự đồng hành thoải mái và tính cởi mở.
4. Thách thức so với Dễ dàng
Người ta thường nói “yêu thì dễ” và “thương thì không khó”, nhưng thực tế thì điều đó chỉ đúng một nửa. Đúng là chúng ta rất dễ rung động khi bị thu hút bởi mối liên kết với một ai đó. Khi yêu một người, tất cả những gì bạn quan tâm thường là những xúc cảm thăng hoa mà họ mang lại - cảm giác bồn chồn, tiếng đập loạn nhịp của trái tim và tia lửa lãng mạn trong tình yêu giữa hai người. Lần đầu tiên biết yêu một ai đó, mọi thứ dường như đều chuyển thành màu hồng. Nhưng hãy nhớ rằng cảm giác đó không kéo dài mãi mãi. Khi thực sự thương một người (và không chỉ yêu họ), bạn cần phải nỗ lực rất nhiều để mọi thứ trở nên hiệu quả. Bạn phải trải qua vô số lần cãi vã và hòa giải, nhưng sau tất cả, cả hai sẽ luôn đứng về phía nhau.
5. Hy sinh so với Hỗ Trợ
Nói thật đi, bạn có sẵn sàng từ bỏ mọi thứ vì người mình yêu không? Để hy sinh vì lợi ích của họ và từ bỏ hạnh phúc của riêng mình? Thật sự thì rất hiếm ai trong chúng ta có thể thật lòng chấp nhận điều đó. Mặc dù say mê và yêu họ rất nhiều, nhưng sâu thẳm bên trong, chúng ta biết rằng bản thân sẽ chỉ cảm thấy hối tiếc một khi tình cảm dần bắt đầu phai nhạt. Ừ thì bạn luôn muốn hỗ trợ và nhìn thấy họ hạnh phúc, nhưng bạn không bao giờ cố gắng hết mình để trở thành người làm cho họ hạnh phúc. Nhưng sự thật là, tình yêu đôi khi là sự vị tha và đặt lợi ích của người bạn yêu lên trên nhu cầu của bản thân. Nó có nghĩa là ưu tiên và dành sự quan tâm cho họ nhiều như cách bạn quan tâm bản thân trong cuộc sống của chính mình.
6. Cộng sự so với Sự chiếm hữu
Khi yêu một ai đó vô cùng mãnh liệt, thường thì chúng ta luôn khao khát được chiếm hữu và muốn họ là của riêng mình. Chúng ta rất hay cảm thấy ghen tị và trở nên ích kỷ vì chỉ muốn mình là người duy nhất mà họ muốn ở bên. Và có lúc, khi mọi thứ vượt ra khỏi tầm kiểm soát, những cảm giác này thậm chí có thể khiến chúng ta trở nên ảo tưởng và ràng buộc họ quá mức. Nhưng thương một người (và không chỉ yêu họ) thiên về mối quan hệ cộng sự hơn là sự chiếm hữu. Nó lành mạnh hơn rất nhiều vì cả hai đều cho nhau khoảng không gian riêng tư và đưa ra lựa chọn của riêng mình (Aron & cộng sự, 2005).
7. Cảm giác của họ so với Cảm giác của bạn
Cuối cùng nhưng có lẽ quan trọng nhất là vấn đề bạn cảm thấy thế nào về người kia và họ cảm thấy thế nào về bạn. Khi yêu, tất cả chỉ bao hàm những cảm xúc mà họ mang lại và mức độ hạnh phúc của bạn khi họ ở bên. Và miễn là họ làm cho bạn hạnh phúc, bạn vẫn sẽ yêu họ. Mặt khác, thương (trái ngược với yêu) là dành sự quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của người kia và xem liệu họ có cảm thấy được trân trọng, có giá trị và thấu hiểu hay không. Nó ít nghiêng về bản thân và vị tha hơn (Hatfield, 2004).
Như đã nói, vì chúng ta thường nhầm lẫn giữa việc thật lòng thương và yêu một người, nên nó sẽ giúp bạn phân biệt được tình yêu trưởng thành với sự say mê đơn thuần hay sự hấp dẫn lãng mạn. Cảm xúc khi yêu thường phấn khích, cuồng nhiệt và mãnh liệt, trong khi thương một ai đó mang thiên hướng ý nghĩa, gần gũi và lâu dài hơn.
Nguồn (trong bài viết)
Mikulincer, M., & Goodman, G. S. (Eds.). (2006). Dynamics of romantic love: Attachment, caregiving, and sex. Guilford Press.
Langeslag, S. J., Muris, P., & Franken, I. H. (2013). Measuring romantic love: psychometric properties of the infatuation and attachment scales. Journal of sex research, 50 (8), 739-747.
Aron, A., Fisher, H., Mashek, D. J., Strong, G., Li, H., & Brown, L. L. (2005). Reward, motivation, and emotion systems associated with early-stage intense romantic love. Journal of neurophysiology.
Hatfield, E. (2004). Passionate love, companionate love, and intimacy. In Intimacy (pp. 267-292). Springer, Boston, MA.
Tác giả: Chloe
Nguồn: https://psych2go.net
Dịch giả: Đông Đông
Biên tập: Jinie Đinh
Minh họa: behance.net
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên dịch giả - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(***) Tham gia group để cùng nhau lắng nghe và chia sẻ nhiều câu chuyện mỗi ngày: https://www.facebook.com/groups/2652906038263372
(***) Follow Facebook Tâm Lý Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/tamlyhoctuoitre để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.
(***) Follow Instagram tamlyhoctuoitre_ybox tại https://www.instagram.com/tamlyhoctuoitre_ybox/ để đọc thêm nhiều quotes hay mỗi ngày.