Trong khi một số khóa tu mùa hè bị biến tướng khiến dư luận lên án thì vẫn có những nơi con trẻ đến chùa được vui chơi, được học lối sống tự lập, được dạy yêu thương muôn loài.
Cách Hà Nội 157km, giữa thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) có một ngôi làng được đặt tên Làng Phật giáo nguyên thủy, hay còn gọi là làng tu. Ngôi làng với vài chục tu sĩ và các gia đình cư sĩ cùng nhau sinh sống. Họ cũng dang tay đón nhận những đứa trẻ chọn về đây mỗi mùa hè.
Nhưng, như sư cô Thích Tâm Thuận nói về việc trẻ con về làng: “Ở đây, chúng tôi không có khóa tu nào cả. Mùa hè là lúc con trẻ được nghỉ ngơi vui chơi. Chúng tôi không muốn tạo thêm áp lực học hành mệt mỏi thân tâm cho con trẻ, nên không có hình thức các con phải ngồi hàng giờ nghe học giáo lý hay tụng kinh lễ lạy gì".
“Khi về làng, mỗi đứa trẻ đều phải có cha mẹ, người lớn đi cùng và ở cùng trong thời gian đó. Ở đây, trẻ con được vui chơi thoải mái, ăn uống, ngủ nghỉ sinh hoạt bình thường.
Các con được gần gũi thiên nhiên, được dạy nếp sống gọn gàng, sạch sẽ, không xả rác bừa bãi, sống tự lập theo lứa tuổi, được ăn chay sống lành theo đạo đức hiếu sinh, yêu thương muôn loài, được học hành về đạo hiếu nghĩa, kính lễ ông bà cha mẹ, yên mến bạn bè, nhường nhịn anh em".
Sư cô Tâm Thuận cho biết, những bài học này không được truyền tải theo cách rao giảng một chiều, mà trẻ sẽ học bằng cách nhìn và làm theo mọi người xung quanh.
“Làng tu có môi trường cảnh quan bình yên, gần gũi thiên nhiên, con người thiện lành. Quý thầy cô, tu sinh ở làng chỉ dành thời gian tu tập, thực hành, chứ không chăm lo, trông nom con cái thay cho bố mẹ. Chúng tôi chỉ làm hình mẫu, làm thân giáo sống thiện lành để bố mẹ và các con nhỏ nhìn thấy mà học theo thôi”.
Chính vì thế, khi về làng, trẻ học được 1 thì cha mẹ cũng học được 10. “Cha mẹ phải học cùng con: Học yêu thương, học lắng nghe thấu hiểu, làm bạn đồng hành cùng con chứ không áp đặt con cái”.
Sư cô Tâm Thuận - người đã tu ở làng được 5 năm - cho biết, dù làm gì, làng tu cũng đặt mục tiêu hàng đầu là sống lặng lẽ, giữ thanh tịnh, không gây ồn ào, náo loạn và thượng tôn pháp luật.
“Ai ở nơi khác muốn đưa con cái đến đây đều phải đăng ký lưu trú. Làng cũng không nhận quá nhiều người tới cùng một lúc, mỗi mùa hè chỉ chừng vài chục đứa trẻ là con cháu của gia đình Phật tử, cư sĩ về nghỉ ngơi, học tập. Người nọ học theo người kia. Gia đình nọ học theo gia đình kia. Trẻ con này học theo trẻ con kia…”.
Về làng tu, trẻ con được chơi những trò chơi lành mạnh, tìm hiểu thiên nhiên, đi thăm hồ Thác Bà, đi nghịch cát, tắm sông, tắm suối, cắm trại… Bố mẹ, con cái cùng nhau vui chơi, học tập.
Thầy giáo Pháp Lưu - người tạo dựng và đại diện Làng Phật giáo nguyên thủy Yên Bái chia sẻ, mùa hè là thời điểm con trẻ được nghỉ ngơi, vui chơi. Vì thế, trẻ con về làng sẽ không phải nghe thuyết sáo, bàn luận kinh sách. Các tu sĩ và cư sĩ trong làng luôn coi trọng hiện thực đời sống, hành động cụ thể, những đóng góp thiết thực…
“Làng tu không hướng tới giáo dục kiểu phong trào, chạy theo hình thức cho đông, cho nhiều, mà hướng tới chất lượng dạy dỗ các con và dành cho các con tình thương nhân bản, để lớn lên các con biết tôn trọng lại những người xung quanh” - thầy Pháp Lưu chia sẻ.
Nhớ về những mùa hè thời sinh viên, chị Thúy Nga, 28 tuổi (Hà Đông, Hà Nội) tâm sự, đó là quãng thời gian tuyệt vời nhất khi chị được sống chậm lại, buông bỏ hết những lo lắng, bài vở ở ngoài cánh cửa chùa. Đó cũng là lần đầu tiên chị không dùng điện thoại suốt 4-5 ngày mà không cảm thấy thiếu vắng, bí bách.
“Trước đây, mùa hè của tôi khá nhàm chán, chủ yếu xoay quay tivi, mạng xã hội, học hành. Bao năm vẫn diễn ra như vậy cho đến khi tôi được cô ruột đăng ký cho tham gia khoá tu mùa hè ở chùa Từ Xuyên, Thái Bình. Đó là lần đầu tiên tôi xa cái điện thoại lâu đến như thế, không lướt mạng xã hội, không liên lạc với ai, nhưng đó cũng là những ngày rất đẹp khi tôi nhận được rất nhiều bài học quý giá” - chị Nga, người đã trải nghiệm 4 khóa tu mùa hè, tâm sự.
Khi tham gia khóa tu, các khóa sinh phải ngủ sớm, dậy sớm để thiền và tập thể dục thay. Hàng ngày, chị được nghe thầy thuyết giảng nhiều chủ đề khác nhau, chẳng hạn vì sao phải biết chia sẻ, vì sao phải sống hiếu thảo. “Khoá tu hàng năm diễn ra vào tháng 7, vì thế chùa thường tổ chức một buổi lễ vu lan báo hiếu. Những người con được nói những điều muốn nói nhưng chưa dám nói với cha mẹ, được cài hoa lên cho áo cha mẹ... Chưa bao giờ tôi khóc nhiều và thương cha mẹ đến thế”.
“Ngoài việc trở nên sống tích cực, biết yêu thương nhiều hơn, chúng tôi cũng được cùng nhau rèn luyện thể chất thông qua các hoạt động thể thao, trò chơi, nhảy múa.
Quãng thời gian này cũng cho tôi những tình bạn rất đẹp - những người bạn thiện lành, chân thật. Lần đầu tiên tôi cởi mở, quảng giao nói chuyện với tất cả mọi người. Ai cũng quen mặt, ai cũng có thể vỗ vai nói cười dù không thể nhớ tên. Tôi cảm thấy bản thân ‘lớn lên’ rất nhiều”.
Chị cũng cho biết, bây giờ dù không còn thời gian để tham gia các khóa tu nhưng đó luôn là quãng thời gian bình yên mà chị luôn nhớ về và muốn quay trở lại.
Trò chuyện với PV báo VietNamNet, sư Thích Lệ Phú, trụ trì chùa Vạn Linh (Đồng Tháp) - nơi vẫn tổ chức các khóa tu mùa hè hằng năm - chia sẻ, mục tiêu hàng đầu của khóa tu là giúp các em hướng thiện. Ngoài ra, khóa tu mong muốn giúp các em thoát khỏi việc lệ thuộc vào điện thoại, máy vi tính.
Khóa tu năm nay dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 5-7/7, sẽ có nhiều hoạt động như lớp hoa đăng tri ân, học giáo lý, học cách ngồi thiền, học kỹ năng sống…
Sư Lệ Phú cho biết, để tổ chức một khóa tu dài 3 ngày cho khoảng 100-200 em nhỏ, nhà chùa phải lên kế hoạch từ sớm để hạn chế tối đa những sự cố không mong muốn. Trước khi khóa tu bắt đầu, ban tổ chức cũng sắp xếp sinh viên tình nguyện đến hỗ trợ.
“Chư tăng tại chùa phải liên tục kiểm tra, đảm bảo tốt việc ăn, ngủ, sinh hoạt thường ngày của các khóa sinh. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ việc đảm bảo an ninh cho khóa tu”.
Ảnh: NVCC