Suốt bao nhiêu năm, Đức Naropa đi theo thị giả mà Thượng sư không hề dạy cho Ngài một chữ nào. Trái lại, Đức Naropa lại tỏ ra hết lòng phụng sự và tin tưởng Thượng sư tuyệt đối, dù phải chịu đựng vô vàn thử thách.
Một lần, khi đi cạnh một ống cống lộ thiên, Đức Tilopa quay sang hỏi các đệ tử cùng đi với mình:
- Nếu ta yêu cầu thì ai trong số các ngươi dám uống nước cống này?
Vấn đề không chỉ là vượt qua được cảm giác ghê tởm, mà còn phải chịu đựng sự uế tạp, một điều rất nghiêm trọng đối với tu sĩ thuộc đẳng cấp Bà la môn. Trong khi các đệ tử khác còn đang do dự thì Đức Naropa đã bước tới để uống thứ nước cống kinh tởm kia.
Một lần khác, hai thầy trò sống trong một thảo am ở bìa rừng. Khi đi khất thực ở làng về, Đức Naropa thấy trong lúc Ngài vắng mặt, Đức Tilopa đã vót một số xiên tre và đang trui chúng trên lửa. Đức Naropa ngạc nhiên, liền hỏi Bậc Thượng sư dùng thứ đó để làm gì.
Đức Tilopa mỉm cười đầy ý nghĩa, rồi hỏi:
- Nếu bị ta bắt buộc thì liệu ngươi có chịu đau nổi không?
Đức Naropa liền trả lời rằng ông đã chí tâm phụng sự Thượng sư nên xin tùy thuận theo Ngài.
- Vậy thì hay lắm, Đức Tilopa ra lệnh, ngươi hãy chìa tay ra đây.
Đức Naropa ngoan ngoãn vâng lời. Đức Tilopa liền dùng các xiên tre đang nóng đâm vào từng móng tay, móng chân của Đức Naropa. Bỏ mặc người đệ tử đang quằn quại đau đớn trong thảo am, Đức Tilopa thản nhiên bỏ đi ra ngoài và dặn Đức Naropa cứ nằm đó chờ ông về.
Mấy ngày hôm sau, Bậc Thượng sư mới quay về. Ngài thấy vị đệ tử đang ngồi xổm trong lều, các xiên tre vẫn còn đâm sâu vào da thịt.
Đức Tilopa cất tiếng hỏi:
- Mấy ngày qua sống một mình, ngươi suy nghĩ những gì? Giờ đây có phải ngươi đang nghĩ rằng ta là một người Thầy mất hết nhân tính và tốt nhất là nên bỏ đi, có đúng vậy không?
Đức Naropa liền đáp:
- Con đang nghĩ đến cuộc sống khủng khiếp đang chờ con ở địa ngục, nếu như con không có cơ duyên được gặp Thượng sư để học pháp môn “Đốn ngộ”, giúp con chứng ngộ và giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.
Trong một thử thách khác, Đức Tilopa đang cùng đệ tử đi dạo thì gặp một đám rước cô dâu. Đức Tilopa liền ngoảnh mặt hỏi các đệ tử:
- Trong các ngươi đây, ai có thể cướp được cô dâu đem đến cho ta? Ta thích cô ta.
Một lần nữa, trước khi Đức Tilopa dứt lời, Đức Naropa đã xông tới đám rước. Đoàn người trong đám rước nhận ra đó là một vị tu sĩ Bà la môn nên ngỡ rằng ông ta đến để ban phước cho cô dâu. Nhưng khi thấy Đức Naropa nắm lấy cô dâu toan dắt đi thì nào gậy gộc, nào guốc dép, nào hộp đựng lễ vật thi nhau đập tới tấp lên người Ngài. Và đệ tử kia một lần nữa lại nằm im bất động tại chỗ sau trận đòn chí mạng.
Ngay sau khi hồi tỉnh, Ngài đã vội lê bước một cách khó nhọc theo Đức Tilopa. Bậc Thượng sư vẫn chào đón Ngài bằng câu nói quen thuộc sau mỗi lần thử thách: “Ngươi có hối hận không?”. Và cũng như mọi lần, Đức Naropa khẳng định dù phải có chết muôn vạn lần Ngài vẫn mong cầu được làm đệ tử của Đức Tilopa.
Đức Naropa còn phải trải qua các thử thách nhảy xuống từ mái nhà cao, băng qua lò lửa, và nhiều thử thách lạ thường suýt khiến Ngài mất mạng.
Sau một chuỗi dài những thử thách, cuối cùng Đức Naropa đã được viên mãn tâm nguyện, nhưng không phải bằng hình thức truyền pháp thông thường. Sự kiện Ngài đạt chứng ngộ được miêu tả trong nhiều bản văn như sau: “Đức Naropa đang ngồi bên đống lửa ở giữa trời với Thượng sư, bất thình lình, Đức Tilopa cởi giày, quất vào mặt Ngài một cái trời giáng khiến vị đệ tử tối tăm mặt mày, nhưng cũng đúng vào thời khắc đó, Ngài hoát nhiên đại ngộ diệu pháp “Đốn ngộ” thượng thừa”.
Nhờ sự gia trì của Đức Tilopa và sự tịnh hóa của chính mình, Đức Naropa thực chứng được bản tâm quang minh tịch tĩnh, thể nhập tự tính Kim Cương Trì Vajradhara. Sau khi thành tựu giác ngộ huy hoàng, Đại thành tựu giả Naropa truyền dạy Phật pháp cho vô số đệ tử ở rất nhiều nơi đặc biệt tại vùng Kashmir, nơi có rất nhiều ngôi tự viện do chính Ngài xây dựng.
Trong lịch sử Phật giáo, Ngài Tilopa và Naropa là một trong số những Đại thành tựu giả xuất chúng trong số tám mươi tư Đại thành tựu giả.
(Nguồn: “Câu chuyện tầm sư học đạo của hai vị Tổ Mật tông Tilopa và Naropa”
Tác giả: Alexandra David Néel
Việt dịch: Huỳnh Ngọc Chiến
Nguyệt san Báo Giác Ngộ, 2018)
Tham khảo thêm
Những thử thách Đức Narop phải trải qua để đón nhận giáo pháp từ Thượng sư (Phần 1)
Những thử thách Đức Narop phải trải qua để đón nhận giáo pháp từ Thượng sư (Phần 2)