Tiếc nuối
Ngày đầu tiên trên đất Mỹ kết thúc không thể hoàn hảo hơn trước khi bắt đầu vào tuần làm việc dày đặc. Gần 20.000 bước chân đã đi qua một góc rất nhỏ của Washington D.C, đến những địa danh nổi tiếng toàn thế giới.
Thủ đô nước Mỹ nằm bên bờ sông Potomac ở Bờ Đông, là thành phố duy nhất không trực thuộc tiểu bang nào. Mỹ có tiểu bang Washington, nhưng ở phía bắc Bờ Tây. Tên Washington được đặt để tưởng nhớ vị Tổng thống đầu tiên của Mỹ, còn D.C là viết tắt của District of Columbia - quận mang tên nhà thám hiểm Christopher Columbus, người tìm ra châu Mỹ.
Đi từ khách sạn tới Quảng trường Quốc gia trong tiết trời mùa thu nắng vàng trời xanh trong vắt với cây lá bắt đầu chuyển vàng, đỏ, dạo một vòng Đại lộ Độc lập và Hiến pháp, tới Đài tưởng niệm Washington mà nhà mình hay gọi là Tháp Bút chì, Đài tưởng niệm Jefferson, Đài tưởng niệm Lincoln… Vẻ đẹp yên bình của những con đường rộng lớn, công viên xanh mát và sự hiện đại của thành phố với các tòa nhà cao chọc trời, tạo nên khung cảnh vô cùng ấn tượng và choáng ngợp.
Các địa danh quyền lực nổi tiếng bậc nhất thế giới như Quốc hội Mỹ, Lầu Năm Góc ở Washington D.C hay trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York… đều mở cửa cho công chúng tham quan, với điều kiện phải đặt trước.
Quốc hội Mỹ tọa lạc trên đồi Capitol nên khi nói Điện Capitol tức là nói đến tòa nhà Quốc hội Mỹ - thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Tour tham quan Điện Capitol thường kéo dài khoảng 45 phút, tham quan các khu vực như nơi lưu giữ hài cốt của các tổng thống Mỹ; nơi trưng bày các bức tượng đại diện cho 50 tiểu bang của Mỹ; nơi diễn ra các phiên họp của Thượng viện và Hạ viện...
Tôi thực sự choáng ngợp với những tác phẩm nghệ thuật đồ sộ trong Điện Capitol, chẳng hạn như bức tranh “The Apotheosis of Washington” của Constantino Brumidi dài 40 mét, rộng 16 mét. Bức tranh được treo trên trần của Rotunda, khu vực trung tâm của Điện Capitol, mô tả vị Tổng thống đầu tiên George Washington được thần thánh hóa và đưa lên thiên đường…
Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Mỹ do Viện Smithsonian quản lý là một nơi tuyệt vời để đến thăm, dù nói thật (hơi xấu hổ) người Việt mình không có thói quen đi bảo tàng. Nói không phải chê ta khen người nhưng giá mà nhà mình cũng làm được bảo tàng như vậy, đảm bảo môn lịch sử sẽ được nhiều trò yêu thích. Chẳng hạn, trong khu giới thiệu tổ tiên của loài người có phần mềm tương tác, xem mình nếu là người thời nào thì hình dáng sẽ thế nào, rất thú vị...
Điều tiếc nuối nhất là lỡ mất cơ hội vào Nhà Trắng. Đoàn phóng viên có lịch làm việc với các quan chức bên trong Nhà Trắng, ấy vậy mà vì lý do “trục trặc kỹ thuật” nên không có tên trong sách kiểm tra an ninh. Thế là đoàn đưa nhau ra quán cafe gần đó ngồi họp. Cuộc họp diễn ra suôn sẻ, nhưng cánh phóng viên ai nấy đều tiếc hùi hụi vì mất cơ hội nghìn năm có một vào xem ông chủ Nhà Trắng “ăn ở” thế nào. Tôi thì thầm nghĩ, để lần sau!
Tình cảm với Việt Nam
Các quan chức Mỹ và những người dân thường mà tôi gặp trong chuyến đi đều dành những lời tốt đẹp về Việt Nam. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Nathaniel Tek khẳng định, Việt Nam là một đối tác cực kỳ quan trọng và một người bạn trân quý của Mỹ.
Biết được ông Tek - sinh ở Mỹ - có bố là người Hàn Quốc, mẹ là người Ethiopia, lấy vợ người Philippines, tôi đùa rằng, ông có một “gia đình Liên Hợp Quốc”. Phó phát ngôn viên hào hứng cho biết, ông đã có dịp tới Hà Nội, và với vẻ bề ngoài “Liên Hợp Quốc” ấy, nhiều người lầm tưởng ông là người Đông Nam Á.
Ông kể, Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung có vị trí đặc biệt trong trái tim. Và rồi, bỏ lại cảm xúc ấy, ông quay lại vị trí của một phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng: “Nếu nhìn vào toàn bộ lịch sử giữa Mỹ và Việt Nam, thật đáng trân trọng khi chúng ta đã đi từ lịch sử đau thương trong quá khứ đến hòa giải và hữu nghị. Giờ đây, Việt Nam là một đối tác thực sự quan trọng và một người bạn trân quý đối với Mỹ”.
Bất chợt nhớ lại lúc tới thăm Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở Washington D.C, anh bạn người Mỹ đi cùng hỏi tôi cảm xúc. Bảo với bạn rằng, biết nói gì đây, một quá khứ đau thương với cả hai bên. Hai bức tường đá hoa cương màu đen dài 75m ghép lại theo hình chữ V - với một cánh chỉ về phía Đài tưởng niệm Washington và cánh kia chỉ về nhà lưu niệm vị Tổng thống giải phóng người nô lệ da đen Abraham Lincoln - khắc tên của hơn 58.000 lính Mỹ tử trận tại Việt Nam, dường như vẫn ẩn hiện nỗi đau với nhiều gia đình.
Hàng ngày vẫn có những dòng người lặng lẽ đi dọc bức tường, đặt những bó hoa tươi, cố tìm tên người thân đã khuất của mình… Tôi nói với bạn, may mắn là chiến tranh đã lùi xa, hai bên đã gác lại quá khứ, trở thành đối tác và bạn bè…
Hai mặt của New York
Ấn tượng đầu tiên khi tàu chạy đến ga Penn ở New York là kiểu “Ủa, New York đây á, không được sạch lắm nhỉ”. Cũng phải thôi, hệ thống tàu điện ngầm của New York bận rộn nhất ở Tây bán cầu, vận chuyển gần 1,8 tỉ lượt hành khách trong năm 2022. Với lượng khách khổng lồ như vậy, thì việc tàu điện ngầm có hơi bẩn một chút cũng là điều dễ hiểu.
Trên tàu điện ngầm thậm chí còn có cả bán hàng rong. Tôi đã gặp không ít người phụ nữ địu đứa con nhỏ trên lưng với giỏ kẹo cao su, bút, khóa và những đồ linh tinh đi bán trên tàu điện ngầm. Dễ nhận ra không ít trong số họ là người nhập cư, thậm chí tiếng Anh còn kém. Tôi đã phải nói chuyện với một người bán sạp hàng rong trên cầu Brooklyn bằng “ngôn ngữ cơ thể”, và mặc cả mua đồ lưu niệm bằng máy tính trên điện thoại vì cô không nói tiếng Anh.
Tham quan tượng Nữ thần Tự do trên đảo Liberty vào một ngày mưa gió, may có những người bán rong, tôi đã mua được một chiếc áo mưa mặc một lần quen thuộc ở Việt Nam với giá 5 USD… Rồi đôi lần gặp những người vô gia cư ngủ vạ vật trên đường phố, chứng kiến những người nhặt từng vỏ chai trong thùng rác ở công viên Central Park, mới thấy một góc khác của thành phố này.
Trong khi đó, ở một thái cực đối lập là một New York có nhịp sống hối hả, náo nhiệt, với những tòa nhà chọc trời hiện đại, những con đường đông đúc, và những hoạt động văn hóa, giải trí sôi nổi.
Trung tâm Thương mại Thế giới Một là tòa nhà cao nhất ở New York, cao 541 mét, được xây dựng trên địa điểm của Trung tâm Thương mại Thế giới cũ, nơi tòa tháp đôi bị sụp đổ hoàn toàn trong vụ khủng bố lịch sử ngày 11.9.2001, khiến gần 3.000 người thiệt mạng, 400 trong số đó là cảnh sát và lính cứu hỏa. Tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới Một được khánh thành vào ngày 3.11.2014, là biểu tượng của sự hồi sinh và đoàn kết của thành phố New York và của cả thế giới.
Dấu vết của vụ khủng bố 11.9 còn hiển hiện trong tour thăm quan Lầu Năm Góc ở Washington D.C. Tour mở cho công chúng chừng 1 tiếng, đi bộ khoảng gần 3 km. Rất hay là trong chừng ấy thời gian và chừng ấy quãng đường, hướng dẫn viên luôn luôn đi ngược, mặt đối mặt với khách. Một điều trùng hợp khá bi thương là Lầu Năm Góc bắt đầu xây dựng vào ngày 11.9.1941, để rồi 60 năm sau, vào ngày 11.9.2001, chuyến bay 77 của American Airlines bị không tặc, đâm vào Lầu Năm Góc làm 59 người trên máy bay và 125 người đang làm việc trong Lầu Năm Góc thiệt mạng.
Đặt chân đến nước Mỹ, tận mắt chứng kiến những dấu tích đau thương, càng thấy trân quý hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn…