TƯ VẤN DU LỊCH ĐÀ LẠT MIỄN PHÍ
Hotline: 02633912999
Đồi Mộng Mơ rộng khoảng 15ha, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 7km về hướng Đông Bắc nằm đối diện XQ Đà Lạt Sử Quán và ngay bên cạnh Thung Lũng Tình Yêu xinh đẹp. Đến với Đồi Mộng Mơ, du khách sẽ đắm chìm trong không gian yên tĩnh của một Đà Lạt xưa với những con đường hoa rực rỡ đủ các sắc màu. Thắng cảnh thiên nhiên hòa quyện với bàn tay khéo léo của con người tạo nên một khung cảnh thật thơ mộng, hữu tình với đá, với hoa, với rừng, với hồ nước và những công trình kiến trúc.
Nhà rường Huế cổ trong khu du lịch Đồi Mộng Mơ
Ngay khi bước chân qua cổng khu du lịch Đồi Mộng Mơ, du khách có thể tham quan ngôi nhà Rường xuất xứ từ Bình Định gần 400 năm tuổi. Ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ quý và lợp ngói, cột kèo được điêu khắc rất tinh xảo. Khi vào trong ngôi nhà đừng quên trải nghiệm thử với chiếc bàn xoay kỳ lạ nhé!
Ngay phía sau ngôi nhà cổ đó chính là cây Tình Yêu và Tài Lộc luôn nhận được sẽ quan tâm đặc biệt khi thấy nó hiện ra trước mắt. Thực ra cây này là một cây Đa cao khoảng 15m với tán rộng khoảng 20m, thân cây to bằng một vòng tay người trưởng thành. Những cành của cây này được phủ kín bởi hàng vạn dải lụa màu đỏ và màu hồng. Theo ý tưởng của người tạo ra cây này thì màu đỏ sẽ tượng trưng cho tài lộc, màu hồng sẽ là biểu tượng của tình yêu đôi lứa. Những đôi uyên ương đến đây thường viết tên mình và ước nguyện lên hai dải lụa này sau đó cột thật chặt lại với nhau và vắt lên cây để cho mơ ước của mình trở thành hiện thực.
Cây Tình yêu & Tài Lộc trong khu du lịch Đồi Mộng Mơ
Đi qua vườn thơ Hàn Mặc Tử du khách sẽ thấy một bức chân dung của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được làm bằng đá đang đăm chiêu nhìn đời, kiếm tìm một đóa hoa vô thường giữa núi rừng. Và đâu đó thi phẩm Đà Lạt Trăng Mờ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử như đang vang lên đâu đây:
“Ai hãy lặng thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hồ reo,
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để…nghe trời giải nghĩa yêu”.
Để Hàn Mặc Tử và Trịnh Công Sơn gần nhau rõ ràng là một sự sắp đặt, hai tâm hồn lãng mạn, không ngừng sáng tạo những tác phẩm để đời. Dù chỉ là “sỏi đá cũng phải cần có nhau”. Những ai yêu nhạc Trịnh thì chắc không thể quên được những tác phẩm mà ông viết về Đà Lạt đầy thơ mộng và lãng mạn tuy có đượm chút buồn.
Ngay đầu của Tiểu Vạn Lý Trường Thành là tượng của mẹ Âu Cơ với 50 người con lên rừng khai thiên lập địa. Sự tích con Rồng cháu Tiên như nhắc nhở mỗi chúng ta phải biết nhớ đến nguồn cội, giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết của những con người mang dòng máu Lạc Hồng.
Dòng chữ: “Bất đáo trường thành phi hảo hán’ hiện ra ngay trước mắt du khách, chắc có lẽ ai cũng đã biết tới Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc nhưng chưa chắc được tận mắt chứng kiến. Tiểu Vạn Lý Trường Thành ở đây được xây dựng nhằm mang đến cho du khách những khám phá mới, trải nghiệm mới về những kỳ quan trên thế giới. Trường thành dài khoàng hơn 1km, được xây hoàn toàn bằng đá chẻ vắt ngang qua hai triền đồi dường như đang kích thích lòng hiếu kỳ của du khách.
Tiểu Vạn Lý Trường Thành tại Đồi Mộng Mơ Đà Lạt
Phía bên phải của Trường Thành là sân khấu cồng chiêng. Đây là nơi những người con buôn làng giao lưu văn hóa văn nghệ với du khách mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Dưới hầm của sân khấu này là một hầm rượu khổng lồ có tên “Mộng Mơ Tửu” với sức chứa hơn 20.000 lít, du khách có thể thưởng thức các loại rượu như: Mộng Mơ Xanh, rượu cần Mộng Mơ, vang Đà Lạt… Rời hầm rươu, con đường sẽ dẫn đến một thung lũng với hơn 10 căn nhà sàn đó chính là làng văn hóa dân tộc Tây Nguyên. Những ngôi nhà ở đây được làm theo kiến trúc nhà dài và nhà rông của các dân tộc Tây Nguyên. Với những căn nhà như: nhà trưng bày chum chóe rượu cổ, nhà làm rượu cần, nhà sinh hoạt cộng đồng và đặc biệt nhất là nhà biểu diễn các nhạc cụ truyền thống, vào nhà này du khách sẽ được thưởng thức những bản tình ca đến từ các nhạc cụ đơn sơ mộc mạc của những người con bản địa, để cảm nhận được tâm hồn văn hóa văn nghệ của đồng bào Tây Nguyên.
Khu nghỉ dưỡng tạiĐồi Mộng Mơ Đà Lạt
Rời làng văn hóa, tiếp tục chinh phục Trường Thành, ngay bên lối ra là hệ thống bungalow xinh xắn trải dọc triền đồi được làm bằng gỗ. Mỗi căn đều được đặt tên gắn liền với các loài hoa đặc trưng của Đà Lạt như: Pense, Dạ Yến Thảo, Phong Lữ Thảo, Thu Mộc Lan, Thu Hải Đường… là địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng của du khách trong chuyến du lịch Đà Lạt.
Bảng giá vé: 250.000 đồng/người lớn, 125.000 đồng/trẻ em.
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/doi-mong-mo-da-lat-a36565.html