Chế độ dinh dưỡng phục hồi sau điều trị Covid-19-che do dinh duong phuc hoi sau dieu tri covid-19

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG PHỤC HỒI SAU ĐIỀU TRỊ COVID-19

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ rất quan trọng đối với sức khỏe, giúp cơ thể có sức khỏe tốt, nâng cao sức đề kháng, khôi phục sức khỏe sau bệnh tật.

Người bệnh COVID-19 rất dễ mệt mỏi, chán ăn, thậm chí rất khó ăn khi bị sốt, nhiễm trùng, suy hô hấp. Vì vậy, sau thời gian điều trị tình trạng sức khỏe bệnh nhân bị suy giảm, cơ quan hô hấp, tiêu hóa bị suy yếu, có nguy cơ bị suy dinh dưỡng (SDD) ở các mức độ khác nhau. SDD làm giảm khối cơ và suy giảm chức năng, ảnh hưởng xấu tới mô mỡ và khối xương, làm cho cơ thể bệnh nhân bị suy kiệt. Đồng thời SDD còn ảnh hưởng tới sức đề kháng, đáp ứng miễn dịch, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.

Do vậy, ăn uống đầy đủ và hợp lý là điều quan trọng để giúp cho người bệnh nhanh chóng cải thiện tình trạng dinh dưỡng và phục hồi sức khỏe.

Chế độ dinh dưỡng hồi phục sức khỏe sau điều trị Covid-19 cần đảm bảo:

1. Chế độ ăn đa dạng, cung cấp đủ năng lượng và cân đối các thành phần cho cơ thể:

- Không bỏ bữa, ăn đủ bốn bữa chính gồm 4 nhóm thực phẩm: chất bột đường có nhiều trong ngũ cốc, gạo, củ khoai, mì...; chất đạm: thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu đỗ; chất béo: mỡ động vật, dầu thực vật, dầu đậu nành, dầu oliu...; vitamin và muối khoáng có nhiều trong rau xanh và các loại hoa quả.

- Đảm bảo tỷ lệ hợp lý từ 3 chất sinh năng lượng là đạm (protein) từ 13-20%, chất béo (lipid) từ 20-25% và chất bột đường (glucid) từ 55-65%. Ví dụ một người cần có tổng năng lượng ăn vào là 2000 kcal/ngày với tỷ lệ năng lượng từ P:L:G là 15:20:55 thì sẽ cần được cung cấp 300 kcal từ 75g chất đạm, 400 kcal từ 45g chất béo và 1100 kcal từ 275g chất bột đường.

- Ăn đa dạng, phối hợp từ 15-20 loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày. Khẩu phần ăn hàng ngày nên có sự phối hợp ở tỷ lệ cân đối giữa giữa nguồn chất đạm động vật (thịt, cá, trứng, sữa…) và thực vật (đậu, đỗ,…).

- Về chất béo, nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật, tỷ lệ chất béo động vật/chất béo tổng số dưới 60%. Tuy nhiên, nên sử dụng các loại chất béo có nguồn gốc từ cá, dầu thực vật, hạn chế các chất béo có nguồn gốc từ các loại gia cầm (gà, vịt...), các loại động vật có vú (lợn, bò...).

- Người sau điều trị COVID-19 thường mệt mỏi, chán ăn vì vậy cần ăn nhiều lần trong ngày, khoảng 4 - 5 bữa/ngày, tránh ăn quá no. Nên ăn các món luộc, hấp, nấu thay thế các món ăn chiên, rán, nướng vì nó khó tiêu; Thay đổi món ăn thường xuyên, tránh đơn điệu để bữa ăn được ngon hơn.

2. Tăng cường các thực phẩm chứa nhiều vitamin

Các vitamin và khoáng chất chống oxy hóa có tác dụng tốt với người sau điều trị bệnh là vitamin A, C , D, E và chất khoáng như sắt, kẽm,…có vai trò trong chống viêm, chống nhiễm trùng. Rau quả là nguồn cung cấp các vitamin - khoáng chất và chất xơ. Vitamin và chất khoáng có vai trò rất quan trọng giúp nâng cao sức đề kháng và miễn dịch chống lại các virus, vi khuẩn gây bệnh. Ăn các loại rau màu xanh sẫm và hoa quả màu đỏ hoặc vàng có chứa nhiều vitamin A, C, E. Ngoài ra, rau quả còn giúp cho tiêu hóa tốt hơn, hạn chế hấp thu cholesterol, hạn chế táo bón. Nhu cầu rau xanh và hoa quả là từ 400 - 600 g/người/ngày.

3. Uống đủ nước

Người mắc bệnh COVID-19, thường bị mất nước và một số chất điện giải như natri, kali do sốt, viêm phổi và nhiễm trùng, vì thế tăng cường bổ sung nước để bù lại lượng nước đã mất giúp cho cơ thể mau phục hồi là rất cần thiết.

Cách tính lượng nước uống theo cân nặng và độ tuổi như sau:

- Trẻ em từ 1- 10kg nhu cầu nước là 100ml/kg, trẻ em từ 11 - 20kg nhu cầu nước: 1000ml, cộng thêm 50ml cho mỗi 10kg cân nặng tăng lên, trẻ em từ 21kg trở lên nhu cầu nước là: 1.500ml cộng thêm 20ml cho mỗi 20kg cân nặng tăng lên.

- Trẻ vị thành niên (10-18) tuổi nhu cầu nước là 40ml/kg, từ 19-30 tuổi nhu cầu nước là 40ml/kg, từ 19-55 tuổi hoạt động thể lực trung bình nhu cầu nước là 35ml/kg, người trưởng thành trên 55 tuổi nhu cầu nước là 30ml/kg.

4. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm:

Ăn chín, uống sôi; uống nước thường xuyên, không để khát mới uống. Sử dụng găng tay, khẩu trang khi mua thực phẩm, nhất là khi mua thịt gia súc, gia cầm. Tránh xa khu vực chứa chất thải, nước thải trong chợ. Không sử dụng thịt động vật chết. Khi chế biến thực phẩm dùng tạp dề, găng tay, khẩu trang; sử dụng dao, thớt riêng để tránh nhiễm chéo từ thực phẩm sống vào đồ ăn chín. Không dùng chung đũa, thìa, ly nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus, vi khuẩn qua đường ăn uống. Rửa tay bằng xà phòng để loại bỏ các mầm bệnh sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống hoặc trước khi tiếp xúc với thực phẩm chín.

5. Một số thực phẩm cần hạn chế:

- Không nên ăn những loại thực phẩm có nhiều cholesterol như óc hay nội tạng động vật;

- Hạn chế ăn mặn và tránh những loại thực phẩm có chứa nhiều muối như chả, xúc xích, giò, đồ hộp, đồ khô, đồ biển, các loại đồ muối như cà, dưa,...;

- Hạn chế những loại thực phẩm đồ uống có nhiều gas. Không nên uống nước trước hoặc trong khi ăn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam (Ban hành kèm theo Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế).

2. Viện Dinh dưỡng (2012). Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của người Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 2012.

Khoa Dinh dưỡng

Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/phuc-hoi-suc-khoe-sau-covid-a36880.html