Lộc vừng là loài cây được ưa chuộng trong khuôn viên của mỗi gia đình Việt, cây mang ý nghĩa phong thủy tốt lành cho gia chủ. Những chùm hoa màu đỏ mềm mại và thơ mộng tượng trưng cho hỷ sự, gắn liền với ngụ ý phát lộc. Vì thế trồng cây lộc vừng trong khuôn viên nhà mang lại nhiều tài lộc và may mắn cho gia chủ. Chữ Lộc ứng với Tài lộc, còn Vừng mang hàm ý nhỏ nhưng nhiều. Gốc cây lộc vừng to, vững chắc tượng trưng cho ý chí kiên định, khó lay chuyển của gia chủ.
Để trồng được một cây Lộc Vừng thực sự là điều không quá khó, tuy nhiên để giúp cho cây có thể sống khỏe mạnh, ra hoa đều đặn và tươi mới lại là điều không phải ai cũng có thể làm được. Hãy cùng Vườn Sài Gòn tìm hiểu cách chăm sóc cây Lộc Vừng nhé.
Chậu cây: chọn chậu phải có lỗ thoát nước, rộng rãi để bộ rễ phát triển tốt như chậu truyền thống, chậu bonsai vuông,…
Đất trồng: thích hợp với loại có độ tơi xốp cao và có khả năng thoát nước tốt, bổ sung dinh dưỡng như phân hữu cơ đã qua xử lí (phân bò, phân trùn quế).
Hoa thường nở hai vụ trong năm vào tháng 7 và 11 âm lịch.
Nếu trồng cây Lộc vừng dưới đất cần trồng nơi có nhiều ánh sáng, có thể trồng nơi ven bờ sông hồ, cây Lộc vừng sẽ ra hoa tự nhiên không cần xử lý kích thích, loài cây Lộc vừng có lá tròn nhỏ ( thường có xuất xứ từ miền Trung trở ra Bắc) sẽ siêng có hoa hơn cây Lộc vừng có lá dài to ( còn gọi là cây Chiếc hay cây Mực ).
Trường hợp trồng cây Lộc vừng trong chậu thì đặt cây nơi có đầy đủ ánh sáng không bị che bóng. Cây trong chậu sẽ rất khó ra hoa do điều kiện dinh dưỡng kém nên thường xuyên kết hợp bón phân hữu cơ như phân bò đã xử lí và phân DAP để cây sinh trưởng tốt.
Thời gian từ khi kích thích đến khi ra hoa là 03 tháng, khi thấy cây Lộc vừng có bộ tán lá xanh tốt thì bắt đầu xử lý kích thích ra hoa.
Ví dụ: Để canh cây Lộc vừng ra hoa vào dịp Tết thì chọn đầu tháng 9 âm lịch bắt đầu kích thích ra hoa.
Cách 1: Làm cho cây sinh trưởng trong điều kiện ngập nước:
Dùng đất bít lỗ thoát nước dưới đáy chậu xong đổ nước vào chậu cho nước ngập một phần rễ cây khoảng 30 %. Sau một tháng khi cây vừa quen với tình trạng rễ ngập nước thì thoát nước ra, lúc này bắt đầu phun KNO3 kết hợp vitamin B1 liều lượng 100 gam KNO3 + 12 ml B1 cho bình 8 lít nước phun ướt toàn bộ tán lá cây ( lúc chiều mát).Thời gian phun là 3 lần cách nhau 7-10 ngày.Tưới nước vừa đủ, khi thấy cây Lộc vừng phún chồi lá thì mới tưới nhiều.
Cách 2: Siết nước tưới kết hợp lặt bỏ lá cây:
Khi cây Lộc vừng sinh trưởng tốt, để giúp cây chuyển sang giai đoạn phân hóa mầm hoa thì bắt đầu cắt nước không tưới hoàn toàn trong thời gian 5- 7 ngày, khi thấy lá cây có dấu hiệu vàng héo thì tưới nhẹ vừa đủ ẩm, sau đó lặt bỏ hết lá trên cây. Dùng KNO3 và vitamin B1 với liều lượng 120 g KNO3 + 12 ml B1 pha trong bình 8 lít nước phun ướt toàn bộ tán cây ( lúc chiều mát).Phun 3 lần cách nhau 7- 10 ngày. Khi thấy cây phun lá non thì tưới nước đầy đủ.
Nếu cây Lộc Vừng trồng không đúng kỹ thuật dẫn đến bị úng nước, lá héo. Khi đấy bạn phải nhanh tay khắc phục bằng cách:
- Nếu đó là cây mới trồng: bạn phải vặt bỏ hết phần lá, sau đó khoan một lỗ nhỏ sát đáy để nước thoát thật nhanh ra ngoài, sau đó để phơi khoảng 2-3 ngày cho đất khô ráo rồi mới tưới nhẹ cho cây giữ độ ẩm và phát triển bình thường trở lại.
- Nếu cây đã được trồng lâu năm: có 2 cách khắc phục.
Cách 1: Tương tự như cách phía trên, bỏ hết phần lá sau đó khoan lỗ chậu. Kết hợp đào bỏ đất và rễ xung quanh chậu khoảng 10 phân (từ phần miệng chậu xuống đến đáy). Sau đó, tiếp tục cho đất, phân, các loại trấu đã được trộn đều vào thay cho phần đất và rễ được bỏ ra ngoài. Tưới nước vào cho đến khi thấy nước chảy ra ra ngoài các lỗ thoát nước là được.
Cách 2: Bỏ phần lá sau đó đánh bầu cây ra, khoan lỗ thoát nước kết hợp với việc cắt bỏ phần rễ thối, khô và cho phần đất cùng phân mới vào để trồng lại giống như cách 1.
Bên trên là cách chăm sóc cho cây Lộc vừng rất chi tiết và đơn giản, các bạn hãy cùng Vườn Sài Gòn thực hiện nhé. Để mua được các sản phẩm chăm sóc cho cây hay cần hỗ trợ về kĩ thuật, các bạn hãy liên hệ ngay cho Shop nhé.
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/cham-soc-cay-loc-vung-a36883.html