Tuy nhiên, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, ung thư tuyến giáp là một trong những dạng ung thư dễ chữa trị thành công nhất, cơ hội sống trên 5 năm cho các bệnh nhân là gần 100%. Vì vậy, việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.
Biểu hiện sớm của ung thư tuyến giáp
Dấu hiệu nhận biết sớm nhất của bệnh ung thư tuyến giáp là tình trạng sưng ở cổ hoặc xuất hiện các khối u và hạch bất thường ở cổ. Các khối u thường khá cứng, có bờ rõ và chuyển động theo nhịp nuốt của người bệnh. Trong khi đó, các hạch lại mềm, có khả năng di động và nằm cùng bên với khối u.
Các biểu hiện khác của ung thư tuyến giáp bao gồm:
-Mệt mỏi
-Khàn tiếng, giọng nói thay đổi
-Sưng các tuyến ở cổ
-Ho kéo dài nhưng không phải do cảm lạnh
-Đau cổ, vị trí đau có thể là ở trước cổ hoặc lan ra phía sau tai
-Khó thở hoặc các vấn đề về hô hấp khác
-Gặp khó khăn khi nuốt
Biểu hiện ung thư tuyến giáp khi phát triển
Ung thư tuyến giáp ở giai đoạn muộn có thể có các biểu hiện nghiêm trọng, bao gồm:
-Khối u có kích thước lớn, cứng và nằm cố định ở phía trước cổ
Khối u to dần chèn ép khí quản và dây thanh quản gây khó thở, khò khè, khàn giọng
-Cảm giác nghẹn ở cổ họng
-Gặp phải tình trạng khó nuốt
-Da vùng cổ bị thâm đỏ, thậm chí chảy máu
Chẩn đoán ung thư tuyến giáp
Ngoài những biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ có thể chỉ định nhiều loại xét nghiệm khác nhau giúp chẩn đoán bệnh, bao gồm:
Chẩn đoán hình ảnh trong đó siêu âm hay được sử dụng nhất. Siêu âm là phương pháp dùng sóng âm để tái tạo lại hình ảnh của các cơ quan trong cơ thể trong đó có tuyến giáp. Từ đó, các bác sĩ có thể đánh giá mức độ ác tính qua hình ảnh siêu âm.
Chọc hút tế bào kim nhỏ - bác sĩ sẽ dùng một kim nhỏ chọc vào khối u ở tuyến giáp lấy ra một ít bệnh phẩm, sau đó sẽ quan sát chúng qua kính hiển vi để chẩn đoán. Đây là phương pháp rất có giá trị để chẩn đoán khối u lành tính hay ác tính.
Điều trị ung thư tuyến giáp
Quyết định chọn lựa phương pháp điều trị phụ thuộc chủ yếu vào loại ung thư, giai đoạn bệnh, tuổi và tình trạng sức khỏe khác của người bệnh.
Khi được chẩn đoán tế bào học là nghi ngờ hoặc xác định ung thư tuyến giáp, người bệnh không nên quá lo lắng, điều trị ung thư tuyến giáp có các khả năng sau:
- Chỉ cắt bỏ thùy và eo tuyến giáp bị ung thư. Nếu khối u có đường kính dưới 1cm, thậm chí là dưới 1,5cm ở một thùy (một bên) của tuyến giáp, u ở eo tuyến giáp có đường kính dưới 1cm, khi phẫu thuật, khối u chưa xâm lấn nhiều vào vỏ bao tuyến giáp hoặc các cơ quan lân cận, cũng như chưa di căn hạch (tạm hiểu là chưa di căn), đồng thời bên còn lại của tuyến giáp không có tổn thương khác kèm theo thì các bác sĩ sẽ chỉ cắt một thùy tuyến giáp của bệnh nhân.
- Cắt toàn bộ tuyến giáp nhưng không cần điều trị iod phóng xạ. Nếu khối u có kích thước lớn hoặc bị cả ở 2 bên thùy tuyến giáp có xâm nhập tối thiểu vỏ bao tuyến giáp, nhưng chưa xâm lấn ra cơ quan lân cận và chưa di căn hạch cổ thì phẫu thuật viên sẽ cân nhắc cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo vét hạch cổ (nếu có).
Bệnh nhân sẽ được đánh giá sau phẫu thuật và được uống bổ sung hormone tuyến giáp thay thế. Những trường hợp này có khả năng không cần phải điều trị iod phóng xạ sau mổ, tuy nhiên cân nhắc việc điều trị bằng iod phóng xạ sẽ được đánh giá chi tiết bởi các bác sĩ chuyên khoa về Y học hạt nhân và phóng xạ như việc các tế bào ung thư tuyến giáp còn sót lại hay không, đã di căn xa hay chưa…
Biểu hiện ung thư tuyến giáp tái phát
Các dấu hiệu và triệu chứng tái phát ung thư tuyến giáp có thể bao gồm:
Cổ bị sưng hoặc có khối u ở cổ. Khối u này thường có xu hướng phát triển nhanh chóng Cảm giác đau bắt đầu ở phía trước cổ, đôi khi lan rộng đến tai Khó thở và khó nuốt Khàn tiếng, giọng nói thay đổi Ho liên tục và kéo dài nhưng không liên quan đến cảm lạnh.
Theo nghiên cứu tỷ lệ tái phát của ung thư tuyến giáp là khoảng 30%. Trong đó, tỷ lệ tái phát ung thư chỉ ở vùng cổ chiếm khoảng 80%. Số còn lại được chẩn đoán là ung thư tuyến giáp tái phát di căn xa. Ung thư di căn là tình trạng khối u hình thành ở các vị trí khác trên cơ thể, chẳng hạn như phổi, gan và xương.
Tóm lại: Ung thư tuyến giáp nguyên phát và tái phát hoàn toàn có thể điều trị được nếu phát hiện sớm. Đối với người đã từng điều trị ung thư tuyến giáp, việc theo dõi thường xuyên tình trạng bệnh cũng như tham gia đầy đủ các buổi hẹn tái khám là vô cùng quan trọng. Điều này giúp bệnh nhân phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư tuyến giáp tái phát để ngăn ngừa khả năng ung thư quay trở lại và trở nên nghiêm trọng hơn.
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/cach-nhan-biet-u-tuyen-giap-a37288.html