Ung thư gan là căn bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư tại Việt Nam. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan khá nhiều, những triệu chứng lâm sàng sớm của ung thư gan thường không điển hình nên bệnh rất dễ bị bỏ qua ở giai đoạn đầu nếu không kịp thời thăm khám.
Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết, ung thư gan là tình trạng các tế bào bình thường trong mô của gan phát triển, tăng trưởng không kiểm soát và có những bất thường cả về hình thái lẫn chức năng. Các tế bào này phát triển gây ảnh hưởng đến mô liền kề và có thể lây lan sang các vùng khác của gan cũng như các cơ quan bên ngoài gan. Từ đó phá hủy các tế bào gan và làm cản trở các hoạt động của bộ phận này. (1)
Theo số liệu thống kê từ Globocan 2020, tỷ lệ mắc mới ung thư gan tại Việt Nam là 26.418 ca mỗi năm, chiếm 14,5% tổng số ung thư. Số ca tử vong do ung thư gan dẫn đầu với 25.272 ca, chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư, gấp 3,8 lần tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông năm 2020 (6.700 ca). Đây là căn bệnh nguy hiểm không chỉ do tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro có thể gây mắc bệnh nhưng dễ chủ quan bỏ qua; mà còn do xu hướng ngày càng trẻ hóa, tỷ lệ tử vong cao đe dọa tính mạng của hàng triệu người nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Không giống như các tế bào khác, tế bào ung thư có thể tách khỏi vị trí ban đầu và di chuyển đến các cơ quan trong cơ thể thông qua mạch máu hoặc hệ thống hạch bạch huyết. Khi đến các cơ quan hoặc mô khác, chúng có thể bắt đầu phát triển ở đó. (2) Vì vậy dựa vào căn nguyên sinh ra các tế bào ung thư có trong gan mà ung thư gan được chia làm 2 dạng:
Bài viết này tập trung vào ung thư gan nguyên phát, có nghĩa là ung thư bắt đầu trong các tế bào gan.
Theo Tiến sĩ Khanh, có nhiều yếu tố rủi ro gây ung thư gan, bao gồm:
Ung thư gan chủ yếu xảy ra ở nam giới. Theo thống kê từ Globocan 2020, tại Việt Nam, tỷ lệ ung thư gan ở nam cao hơn gần 3 lần ở nữ (nam giới chiếm 20,5% và nữ chiếm 7,4%). Thông tin từ trường Đại học USC phía Nam California cho thấy, hiện các nhà khoa học đang xem xét vai trò của hormone người nam và nữ để lý giải điều này. Có giả thuyết cho rằng estrogen có tác dụng bảo vệ đối với phụ nữ, đặc biệt là trong những năm tiền mãn kinh. Một số nghiên cứu trên động vật thí nghiệm cũng cho thấy nội tiết tố nam androgen có thể góp phần tăng nguy cơ mắc ung thư gan. (3)
Theo Tổ chức Mayfair Diagnostics (Canada), lối sống khác nhau giữa nam và nữ có thể là nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch về tỷ lệ mắc ung thư gan ở 2 đối tượng này. Ngoài thói quen hút thuốc, tiêu thụ thức uống có cồn, tác nhân tiềm ẩn gây nguy cơ mắc ung thư gan ở nam cao hơn ở nữ còn xuất phát từ việc nam giới ít kiểm tra sức khỏe định kỳ hơn nữ giới.
Bên cạnh đó tuổi tác cũng là yếu tố nguy cơ gây mắc ung thư gan do người cao tuổi dễ bị tổn thương gan hơn người trẻ. Ở Hoa Kỳ, ung thư gan nguyên phát ở người lớn thường xảy ra trên những người hơn 60 tuổi. (4)
Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ người mắc ung thư gan cũng khác nhau theo từng chủng tộc, xếp theo thứ tự từ cao đến thấp như sau: Người Mỹ gốc Á và người dân đảo Thái Bình Dương - người gốc Tây Ban Nha/La-tinh - người Mỹ gốc Ấn và thổ dân da đỏ Alaska - người Mỹ gốc Phi - người da trắng.
Ở Bắc Mỹ, ung thư gan chiếm ít hơn 1% so với các loại ung thư khác trong khi ở châu Phi, Đông Nam Á và Trung Quốc chiếm tới 50% các trường hợp ung thư. Để giải thích cho sự khác biệt này, các nhà nghiên cứu cho rằng nguy cơ mắc bệnh ung thư gan ở châu Phi và châu Á cao do những người sống trong các khu vực này mang virus viêm gan B và bị xơ gan nhiều hơn. (5)
Tình trạng nhiễm trùng mạn tính do virus viêm gan B (HBV) hoặc virus viêm gan C (HCV) là yếu tố nguy cơ lớn nhất của ung thư gan trên toàn thế giới. Mỗi năm thế giới có khoảng 1.3 triệu ca tử vong do ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) tiến triển từ viêm gan virus mạn tính. (6)
Viêm gan virus C mạn tính là nguyên nhân phổ biến dẫn tới ung thư biểu mô tế bào gan ở Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, trong khi ở châu Á và châu Phi, viêm gan virus B mạn tính lại là bệnh tăng nguy cơ mắc ung thư gan. Nếu bị nhiễm cả HBV và HCV, người bệnh có nguy cơ cao mắc viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan. Thậm chí nguy cơ cao hơn nữa nếu họ là những người nghiện rượu nặng.
HCV và HBV được xác định lây từ người sang người qua 3 đường: máu, tình dục và tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết cơ thể. Bên cạnh đó cũng có thể xảy ra trường hợp lây từ mẹ sang con.
Các loại virus khác như virus viêm gan A và virus viêm gan E cũng có thể gây viêm gan nhưng không diễn tiến thành viêm gan mạn tính hoặc xơ gan. Vì thế virus viêm gan A hay E không làm tăng nguy cơ bị ung thư gan.
Hầu hết những người nghiện rượu nặng đều bị gan nhiễm mỡ. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong số những người bị gan nhiễm mỡ có 10-35% sẽ phát triển viêm gan do rượu. Khoảng 20-40% người viêm gan do rượu tiến triển xơ gan. Trên 20% số người bị gan nhiễm mỡ do rượu tiến triển trực tiếp sang giai đoạn xơ gan. Trong khi người bị xơ gan có nguy cơ cao mắc ung thư gan. (7)
Mỗi ngày một người tiêu thụ trên 30 g rượu, tương đương 375 ml bia sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm gan do rượu. Nếu uống trên 80 g rượu/ngày trong ít nhất 5 năm có nguy cơ mắc bệnh về gan. Nếu uống trên 60 g rượu mỗi ngày trong 2-4 tuần sẽ gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ ở người khỏe mạnh. Nếu uống trên 80 g/ngày có thể gây viêm gan do rượu, trên 160 g/ ngày có thể gây xơ gan trong vòng 10 năm. Do vậy nghiện rượu bia làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan.
Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư gan. Nguy cơ mắc bệnh ung thư gan tỷ lệ thuận với số lượng thuốc lá tiêu thụ mỗi ngày và số năm người đó đã hút.
Xơ gan phát triển khi các tế bào trong mô gan bị tổn thương và để lại sẹo trên gan. Lúc này gan không thể hoạt động bình thường và dẫn đến nhiều biến chứng, trong đó có ung thư. Phần lớn bệnh nhân ung thư gan đều tiến triển từ xơ gan. Tại Hoa Kỳ, bệnh xơ gan là yếu tố nguy cơ mắc ung thư gan phổ biến nhất.
Xơ gan do nhiễm virus viêm gan là một yếu tố tăng nguy cơ ung thư gan. Theo kết quả của nghiên cứu “Ung thư biểu mô tế bào gan trong xơ gan: tỷ lệ mắc và các yếu tố nguy cơ” của khoa Tiêu hóa, Đại học Verona (Verona, Ý) công bố trên Thư viện Y khoa Hoa Kỳ: trong vòng 5 năm, tỷ lệ người mắc HCC từ xơ gan kèm nhiễm HCV ở Nhật Bản là 30%, cao gấp đôi các nước phương Tây với 17%.Trong xơ gan liên quan đến HBV, nguy cơ HCC là 15% ở các vùng lưu hành bệnh cao và 10% ở phương Tây.
Tình trạng đồng nhiễm HBV/HCV và HBV/HDV làm tăng nguy cơ HCC, cao gấp 2 đến 6 lần so với mỗi trường hợp nhiễm riêng lẻ.
Trường hợp không nhiễm HCV và HBV, tỷ lệ mắc HCC thấp hơn ở bệnh nhân xơ gan do rượu và bệnh nhân xơ gan mật tiến triển.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ung thư biểu mô tế bào gan hiện là nguyên nhân chính gây tử vong ở những bệnh nhân xơ gan còn bù.
Béo phì cũng là bệnh tăng nguy cơ mắc ung thư gan. Do khi bị béo phì, các chất béo dư thừa tích tụ trong gan dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ không do rượu hoặc xơ gan, từ đó có thể hình thành ung thư gan.
Gan nhiễm mỡ không do rượu là tình trạng phổ biến ở người bị béo phì. Đây là một trong những yếu tố gây bệnh ung thư biểu mô tế bào gan ở Hoa Kỳ. Kết quả của một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí khoa học sciencedirect (Hoa Kỳ) năm 2021 cho thấy khoảng 41.2% bệnh nhân gan nhiễm mỡ không do rượu tiến triển ung thư gan bị tử vong.
Xơ gan ứ mật nguyên phát là tình trạng mật bị tổn thương, khiến dịch mật và các chất độc không thể đào thải được bị tích tụ lại trong gan, gây hại cho gan và làm trầm trọng thêm tình trạng viêm đường mật, từ đó dẫn đến xơ gan. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người mắc xơ gan ứ mật nguyên phát tiến triển có nguy cơ mắc ung thư gan cao.
Người bị tiểu đường type 2 có nguy cơ ung thư gan khi đồng thời bị viêm gan siêu vi mạn tính hoặc nghiện rượu bia. Chưa kể nhóm người mắc tiểu đường type 2 thường có xu hướng thừa cân, béo phì nên có thể gặp nhiều vấn đề về gan như gan nhiễm mỡ hay xơ gan.
Một số bệnh chuyển hóa di truyền có thể gây ra nguy cơ xơ gan, ung thư gan, chẳng hạn bệnh huyết sắc tố di truyền (hemochromatosis) - một dạng rối loạn chuyển hóa sắt.
Thông thường, khi cơ thể dự trữ đủ sắt, ruột sẽ giảm hấp thụ khoáng chất này từ thức ăn và đồ uống để ngăn không cho nồng độ của nó trong máu tăng quá cao. Tuy vậy, những người bị rối loạn chuyển hóa sắt lại hấp thụ nhiều sắt hơn bình thường. Khi cơ thể không thể bài tiết được lượng sắt dư thừa, sắt sẽ bị tích tụ lại trong các mô ở gan, tim và tuyến tụy. Nếu sắt lắng đọng trong gan quá nhiều, lâu ngày có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
Bệnh rối loạn chuyển hóa đồng bệnh wilson, làm tăng lăng đọng đồng ở gan dẫn tới xơ gan và tăng nguy cơ ung thư gan.
Ngoài ra còn một số bệnh tăng nguy cơ mắc ung thư gan như:
Nguy cơ phát triển ung thư gan có thể tăng lên nếu ăn phải thực phẩm bị mốc đặc biệt trong lạc mốc có chứa aflatoxin B1, nếu kết hợp trên những người bị nhiễm viêm gan B hay C.
Aflatoxin là chất độc từ một loại nấm mốc (thuộc giống Aspergillus) có trong thực phẩm không được bảo quản đúng cách, chẳng hạn như ngô, gạo, đậu phộng, lúa mì; thường xuất hiện ở các khu vực có khí hậu nhiệt đới và ấm.
Đồng hóa là một nội tiết tố nam được một số vận động viên thể thao sử dụng để tăng cường sức mạnh cơ bắp. Việc lạm dụng đồng hóa trong thời gian dài là yếu tố rủi ro gây ung thư gan.
Mặc dù không có biện pháp ngăn ngừa hoàn toàn nhưng những giải pháp sau có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư gan:
Bệnh viêm gan virus B mạn tính là yếu tố rủi ro gây ung thư gan hàng đầu. Vì thế tiêm vacxin phòng bệnh viêm gan virus B cho trẻ em và người lớn theo đúng phác đồ có lợi ích bảo vệ cơ thể tránh khỏi nguy cơ mắc ung thư gan do virus HBV gây ra.
Do chưa có vacxin ngừa virus HCV nên cần nghiêm túc thực hiện một số phương pháp để giảm thiểu nguy cơ bị ung thư gan do viêm gan virus C như sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, không dùng chung kim tiêm với người khác…
Tiến sĩ Khanh khuyến cáo: Bị nhiễm viêm gan virus HBV/HCV, tiểu đường type 2, huyết sắc tố… đều có nguy cơ mắc bệnh ung thư gan. Do đó cần điều trị những bệnh lý này trước khi chúng phát triển thành ung thư gan, góp phần làm giảm các nguy cơ biến chứng.
Bên cạnh đó cần thiết lập lối sống lành mạnh như hạn chế uống rượu bia, ngưng hút thuốc lá, duy trì cân nặng hợp lý, xây dựng chế độ ăn uống cân bằng và tham gia hoạt động thể chất phù hợp để có sức khỏe tốt, giảm nguy cơ mắc ung thư gan. Đồng thời tầm soát ung thư gan định kỳ 6 tháng/lần là yếu tố rất quan trọng đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/nguyen-nhan-ung-thu-gan-a37928.html