Trong vòng hơn 10 năm tới, ngành nông nghiệp được xác định đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế huyện Di Linh. Đó là một trong các nội dung tại Quyết định số 91 của UBND tỉnh “Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Di Linh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” do Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt ký ban hành mới đây, ngày 17/1/2018 (gọi tắt là Quyết định 91).
Cây cà phê đạt năng suất cao sau khi đã ghép giống mới. Ảnh: Xuân Long
Nền kinh tế Di Linh chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Vì vậy trước nay Di Linh luôn là một trong các vùng trọng điểm cây công nghiệp của tỉnh, nhất là về sản xuất cà phê, chè… và cây ăn trái. Do đó, việc hoạch định phát triển kinh tế của huyện trong trung hạn và có tính tới tầm nhìn dài hạn, đặt trong mối liên hệ phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng Tây Nguyên mang ý nghĩa chiến lược quan trọng việc xác định đường hướng phát triển kinh tế trong năm, mười năm tới. Để từ đó tập trung ưu tiên, nguồn nhân lực, vật lực đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả. Theo Quyết định 91, dựa trên quan điểm phát triển kinh tế - xã hội, xác định “nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo” trong nền kinh tế của huyện Di Linh. Qua đó, phương hướng phát triển nông nghiệp của huyện theo hướng sản xuất hàng hóa, đầu tư chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nền nông nghiệp sạch và nâng cao chất lượng tăng trưởng mà khu vực này mang lại. Để thực hiện tăng trưởng đi đôi với nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản cần phải chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn; đồng thời phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Cụ thể, chuyển đổi diện tích cà phê kém hiệu quả, diện tích lúa 1 vụ sang trồng cây ăn quả, rau hoa, cây cảnh… có giá trị kinh tế cao. Đầu tư chiều sâu, nâng cao hiệu quả sử dụng diện tích đất nông nghiệp thông qua việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ sinh học, công nghệ sạch và giống cây trồng, vật nuôi mới để tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, phát triển chăn nuôi trở thành ngành kinh tế hàng hóa, nâng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Với những vấn đề đặt ra nêu trên, mục tiêu phát triển nông nghiệp huyện Di Linh từ nay đến năm 2020 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp bình quân hàng năm khoảng 4,5 - 5% và tăng từ 5,5 - 6,5% trong giai đoạn 2021 - 2030. Để có mức tăng trưởng kỳ vọng nêu trên, việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, đầu tư hạ tầng kinh tế nông thôn cần phải được quan tâm, tương xứng. Vì vậy, mục tiêu đến năm 2020 có trên 65% diện tích cây trồng được chủ động nước tưới và tỷ lệ nông, lâm sản qua chế biến đạt trên 60%. Tương ứng với chỉ tiêu này, đó là trên 70% diện tích chủ động nước tưới và có trên 80% nông, lâm sản qua chế biến - trong đó đạt trên 70% chế biến bằng công nghệ cao vào năm 2030. Mặt khác, từng bước hình hành các khu nông nghiệp công nghệ cao, khu chăn nuôi gia súc tập trung (đối với bò sữa, bò thịt) và vùng sản xuất cây dược liệu tập trung với các loại cây trồng như đinh lăng, đương quy, hà thủ ô, ba kích, đẳng sâm… Các khu nông nghiệp công nghệ cao được xác định tại 5 khu vực thuộc địa bàn các xã Đinh Lạc, Hòa Bắc, Gia Hiệp, Tân Châu, Gung Ré với quy mô nhỏ nhất có diện tích 50 ha và khu vực lớn nhất lên tới 300 ha. Ngoài ra hình thành khu vực chăn nuôi tập trung tại các xã Liên Đầm, Tam Bố, Gia Bắc và Đinh Trang Thượng với quy mô nhỏ nhất 50 ha và lớn nhất 200 ha. Riêng thị trấn Di Linh sẽ phát triển chăn nuôi bò sữa với quy mô 70 ha diện tích, tổng đàn khoảng 5.000 con vào năm 2030. Các giải pháp để phát triển nền kinh tế nông nghiệp Di Linh cũng được đề ra cụ thể, từ đầu tư hạ tầng cơ sở, cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ…đến các vấn đề ưu tiên thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất, mở rộng thị trường đầu ra cho nông sản. Đáng chú ý, bên cạnh các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, một số dự án phục vụ nông nghiệp cũng được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn này và có thể kể tới các dự án thủy lợi như: Đập dâng Đạ R’sal, hồ chứa nước Liên Hòa 1 và hồ chứa Thôn 9, xã Hòa Trung… Với việc điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như xác định những bước đi phát triển nông nghiệp của huyện nêu trên nếu được triển khai, thực hiện có hiệu quả, đến năm 2020, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 42,9% trong cơ cấu kinh tế của huyện Di Linh và tỷ trọng này sẽ giảm xuống còn 29% vào năm 2030. Đặc biệt, có 18/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Di Linh đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2022. XUÂN TRUNG - baolamdong.vn
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/nganh-nong-nghiep-dong-vai-tro-chinh-trong-hoat-dong-kinh-te-cua-vung-a38981.html