Thông tin Y tế | Phẫu Thuật Lỗ Khóa Xâm Lấn Tối Thiểu Trong Điều Trị U Não Ở Bệnh Nhân Lớn Tuổi: Báo Cáo Trường Hợp Lâm Sàng

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Bệnh lý u não là bệnh có tỉ lệ mắc tăng dần theo độ tuổi. Nhóm tuổi càng cao tỉ lệ mắc càng lớn. Bệnh nhân ở nhóm cao tuổi có nhiều yếu tố nguy cơ và bệnh lý khác kèm theo. Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật trên nhóm bệnh nhân này cần phải xem xét thật kỹ lưỡng. Hiện nay, phương pháp phẫu thuật lỗ khóa xâm lấn tối thiểu (keyhole) được lựa chọn vì nhiều ưu điểm trong việc hạn chế tiếp xúc nhu mô não, giảm các biến chứng phẫu thuật, tăng tốc độ phục hồi nhưng vẫn đảm bảo cắt bỏ khối u một cách an toàn tối đa và bảo tồn được chức năng cho bệnh nhân.

Báo cáo trường hợp lâm sàng: Bệnh nhân nữ, 81 tuổi, đau đầu kèm yếu tứ chi, không đi lại được. Kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT) có cấu trúc tăng tỷ trọng bên trái bao bọc bởi vùng phù nề giảm tỷ trọng xung quanh. Phim chụp cộng hưởng từ sọ não (MRI) cho thấy khối tăng tín hiệu cạnh xoang dọc trên bên trái liềm não, đường kính 54mm; cấu trúc đường giữa di lệch nhẹ, hiệu ứng choáng chỗ trên lều, hệ thống não thất bình thường. Tiến hành phẫu thuật vi phẫu loại bỏ khối u cho bệnh nhân bằng phương pháp keyhole. Sau phẫu thuật, vận động cải thiện dần. Bệnh nhân có thể tự đi lại được trước khi ra viện.

Kết luận: Chuẩn bị đầy đủ trước phẫu thuật và đánh giá theo phân loại của Hiệp hội Gây mê Hoa Kỳ (ASA) là chính phối hợp với thang điểm lão khoa (GSS) giúp tiên lượng rủi ro, dự đoán kết quả từ đó quyết định phẫu thuật ở bệnh nhân u não lớn tuổi, đặc biệt là với bệnh nhân trên 80. Phương pháp keyhole có thể được coi là lựa chọn thay thế hợp lý cho các phương pháp mổ sọ truyền thống khi điều kiện bệnh nhân thuận lợi.

Từ khóa: phẫu thuật, lỗ khóa, keyhole, u não, trên 80 tuổi.

Mở đầu

Khối u não được định nghĩa là mô bất thường trong đó các tế bào phát triển và nhân lên không kiểm soát được vì bất hoạt các cơ chế ức chế của tế bào bình thường. Hơn 150 loại u não khác nhau đã được ghi nhận. Trong đó u màng não chiếm tỷ lệ cao nhất (36%) [1]. Tùy thuộc vào loại u não mà có tỉ lệ mắc khác nhau đối với mỗi nhóm tuổi. Nhưng nhìn chung, tỉ lệ mắc u não tăng theo độ tuổi. Tỉ lệ mắc cao nhất thường gặp ở nhóm người lớn tuổi [2]. Các khối u não chiếm 85-90% tổng số khối u nguyên phát của hệ thần kinh trung ương. Tuổi càng cao, tỷ lệ sống sau 5 năm, 10 năm càng giảm dần [2]. U não có thể lành hoặc ác tính. Chẩn đoán ban đầu chủ yếu bằng chụp cộng hưởng từ có tiêm thuốc đối quang từ.

Có nhiều phương pháp điều trị u não. Các phương pháp chính phải kể đến phẫu thuật, hóa xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích, gamma knife, … Các phương pháp này nhằm mục đích loại bỏ hoàn toàn hoặc một phần khối u, làm bất hoạt hoặc làm chậm quá trình phát triển của khối u. Trong số đó phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt căn tại chỗ được ưu tiên xem xét từ đầu trước khi chuyển sang các phương pháp điều trị khác.

Quyết định có nên phẫu thuật cho bệnh nhân lớn tuổi bị u não hay không rất khó khăn và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố liên quan đến bệnh lý, tình trạng chức năng trước phẫu thuật và mức độ phức tạp của phẫu thuật [4] [19]. Do đó lựa chọn phương pháp mổ có mức độ sang chấn thấp đem lại kết quả tốt cho bệnh nhân lớn tuổi.

Phương pháp truyền thống với đường mổ lớn, mở nắp sọ rộng làm thời gian mổ kéo dài; sẹo xấu ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Đặc biệt tổn thương não (dập não, khô vỏ não) nhiều hơn do não bị bộc lộ nhiều, thời gian tiếp xúc không khí, ánh sáng đèn lâu. Phương pháp keyhole (lỗ khoá) thực hiện bằng đường mổ nhỏ, mở nắp sọ có kích thước nhỏ theo kiểu lỗ khoá, mở màng cứng lỗ nhỏ. Do đó thời gian phẫu thuật ngắn hơn, tổn thương não ít hơn nên giảm mức độ đau sau mổ cho bệnh nhân, thời gian hậu phẫu rút ngắn.

Dưới đây, chúng tôi mô tả một trường hợp của u màng não độ I ở bệnh nhân trên 80 tuổi được chỉ định phẫu thuật lỗ khóa. Từ đó thảo luận về nguy cơ, tiên lượng, kết quả hậu phẫu của bệnh nhân đồng thời rút ra ưu điểm của phương pháp điều trị này trên bệnh nhân.

Báo cáo trường hợp lâm sàng

Bệnh nhân nữ 81 tuổi với tiền sử tăng huyết áp điều trị thường xuyên với Amlodipine 10 mg/ngày. Cách ngày nhập viện 2 tuần, bệnh nhân xuất hiện đau đầu kèm yếu tứ chi, không đi lại được, người nhà đưa bệnh nhân đi khám tại tuyến dưới được chẩn đoán theo dõi tai biến mạch máu não được điều trị nội khoa, phục hồi chức năng nhưng không cải thiện. Bệnh nhân đi khám ở Bệnh viện Đại học Y Dược Huế. Thăm khám lâm sàng ghi nhận: bệnh nhân ý thức tốt, đau đầu, yếu nửa người phải. Cơ lực tay phải 3/5. Cơ lực tay trái 4/5. Cơ lực chân phải 2/5. Cơ lực chân trái 4/5. Soi đáy mắt thấy phù gai thị độ III. Đại tiểu tiện thường, không nhìn mờ, không có tiền sử động kinh.

Kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT) có cấu trúc tăng tỷ trọng bên trái bao bọc bởi vùng phù nề giảm tỷ trọng xung quanh. Chẩn đoán vào viện: Theo dõi u não được đặt ra trên bệnh nhân.

Tại đơn vị phẫu thuật sọ não cột sống, chúng tôi tiến hành chỉ định chụp MRI sọ não có tiêm thuốc đối quang từ. Phim chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy khối tăng tín hiệu cạnh xoang dọc trên bên trái liềm não, đường kính 54mm, ngấm thuốc mạnh; cấu trúc đường giữa di lệch nhẹ, hiệu ứng choáng chỗ trên lều, hệ thống não thất bị đè đẩy nhẹ.

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lỗ khóa vị trí sau xương chẩm (retromastoid) cắt bỏ toàn bộ khối u (Simpson I).

Bệnh nhân được tập phục hồi chức năng ngay sau mổ. Bệnh nhân đỡ đau đầu, vận động cải thiện rõ và xuất viện sau 7 ngày.

Hình 1: Hình ảnh MRI sọ não bệnh nhân trước và sau phẫu thuật 1 tháng ở cả 3 mặt phẳng.

Bàn luận

Phẫu thuật u não ở người lớn tuổi (trên 65) được chứng minh trong nhiều nghiên cứu là có nguy cơ cao hơn người bình thường, đặc biệt là người trên 80 tuổi. Một nghiên cứu đoàn hệ trên bệnh nhân từ 65-86 tuổi cho thấy 46% bệnh nhân có ít nhất một biến chứng sau phẫu thuật u não. Tình trạng xấu đi dai dẳng sau ba tháng theo dõi được ghi nhận ở 20,3% bệnh nhân. Rủi ro do phẫu thuật đối với bệnh nhân u não trên 80 tuổi có thể tăng cao gấp 15 lần so với bệnh nhân u não dưới 80 tuổi [6]. Biến chứng hậu phẫu thường gặp nhất là xuất huyết nội sọ, suy tim-hô hấp và phù [7]. Mặt khác, mức độ phức tạp của phẫu thuật dường như chỉ ảnh hưởng đáng kể đến kết quả sớm ở bệnh nhân lớn tuổi trải qua phẫu thuật khối u não. Trong khi đó, biến chứng sớm sau phẫu thuật là yếu tố ảnh hưởng đến thời gian theo dõi kéo dài đến hơn 3 tháng [3]. Vì bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh đi kèm hơn và thể chất suy nhược hơn người trẻ tuổi nên có khả năng dễ xảy ra các biến chứng phẫu thuật hơn dẫn đến phải theo dõi và chăm sóc lâu dài. Việc có nên phẫu thuật u não cho bệnh nhân lớn tuổi hay không đôi khi là một quyết định khó khăn do phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cụ thể là tình trạng bệnh nhân, bao gồm tình trạng chức năng trước phẫu thuật và các khía cạnh liên quan đến bệnh lý, chẳng hạn như bản chất khối u cũng như là độ mô học và mức độ phức tạp của phẫu thuật [4] [5]. Các yếu tố khác cần xem xét như tuổi thọ và chất lượng cuộc sống hiện tại của bệnh nhân. Vậy nên, việc đánh giá trước phẫu thuật dựa trên những yếu tố này để tiên lượng cuộc mổ từ đó đưa ra quyết định phù hợp và tối ưu đối với trạng thái của bệnh nhân lớn tuổi là vô cùng quan trọng. Nhiều hệ thống tính điểm đã được đề xuất để dự đoán các rủi ro và kết quả phẫu thuật. Dưới đây, chúng tôi nêu ra một số thang điểm và chỉ số đánh giá được chứng minh là có hiệu quả trong nhiều nghiên cứu.

Sacko và cộng sự đã chỉ ra một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả hậu phẫu như giới tính, thang đo hiệu suất Karnofsky (KPS) đánh giá khả năng hoạt động thường ngày, phân loại của Hiệp hội Gây mê Hoa Kỳ (ASA), vị trí của khối u và mức độ phù quanh khối u (SKALE). Những bệnh nhân lớn tuổi có điểm SKALE trên 8 có kết quả hậu phẫu tốt, ngược lại đối với những bệnh nhân có điểm SKALE dưới 8 [8]. Do đó, phẫu thuật u não ở bệnh nhân lớn tuổi khá khả thi khi điểm SKALE từ 8 trở lên. Về giới tính có ảnh hưởng đến biến chứng sau phẫu thuật còn gây tranh cãi mặc dù giới tính nam trong một số nghiên cứu có liên quan đến tỷ lệ tử vong sau mổ cao hơn [9] [10]. KPS trước phẫu thuật > 70 được cho là thuận lợi phẫu thuật trên bệnh nhân lớn tuổi [11]. Một số nghiên cứu khác quy định ở mức > 80. Bên cạnh đó vị trí khối u quan trọng (xâm lấn nền sọ, liên quan mạch máu thần kinh) và phù nề quanh khối u mức độ trung bình trở lên có tiên lượng xấu và khó khăn để quyết định mổ [7]. Ngoài ra, các bệnh đi kèm có liên quan đến tỷ lệ tử vong sau phẫu thuật cao hơn [7]. Cụ thể, chỉ số bệnh đi kèm Charlson (CCI) gồm 19 bệnh lý có mức điểm khác nhau được liệt kê như nhồi máu cơ tim, suy tim, đái tháo đường, bệnh lý gan thận,... [10] [12].

Hệ thống điểm lão khoa (GSS) cũng được đề xuất bởi nhiều nghiên cứu vì nó bao hàm các yếu tố toàn thân trên bệnh nhân như tuổi, chỉ số khối cơ thể (BMI), tình trạng sức khỏe, thuốc, ăn uống, độ hụt cân, vận động và tâm thần. Có thể thấy thang điểm này là khá chung chung và không đặc hiệu như những thang điểm được đưa ra ở trên nhưng GSS vẫn trở nên phổ biến do tính đơn giản và mối liên quan của chúng với kết quả hậu phẫu [13]. GSS > 16 được tin tưởng là có tiên lượng tốt sau phẫu thuật kèm giảm tỷ lệ tử vong, giảm tái phát, tình trạng dùng thuốc chống động kinh hậu phẫu thấp ở bệnh nhân u não. Hệ thống tính điểm Ibañez cũng là một cách phân loại quan trọng khác để dự đoán kết quả do biến chứng . Bên cạnh đó, mức độ cắt bỏ khối u (Simpson) và cũng dự đoán được các kết quả tương tự trên bệnh nhân. Simpson I-II cho kết quả tốt hơn III-IV [14]

Ngoài ra thang điểm đánh giá lo âu và trầm cảm HADS và trạng thái tâm thần MMSE cũng được khuyến cáo để đánh giá trước mổ [15].

Nghiên cứu ở 44 bệnh nhân trên 80 tuổi sau phẫu thuật u não cho thấy một số đặc điểm của khối u (vị trí, thể tích, mô bệnh học) không tương quan với kết quả hậu phẫu, trong khi đó tình trạng mạch máu não (xơ vữa động mạch) và bệnh đi kèm có triệu chứng trước mổ có mối liên quan trực tiếp đến các biến chứng, tỷ lệ tử vong hậu phẫu do nhồi máu não, suy tim, viêm phổi,... [20]. Vì vậy, để tiên lượng kết quả mổ trên bệnh nhân u não lớn tuổi, chúng tôi khuyến cáo sử dụng phân loại tình trạng sức khỏe của Hiệp hội Gây mê Hoa Kỳ (ASA) là chính trên cơ sở phối hợp với thang điểm lão khoa (GSS) để cho ra kết quả ưu việt nhất.

Kết quả mô bệnh học trường hợp này cho thấy màng não độ I theo tiêu chuẩn phân loại dựa vào độ mô học của Tổ chức Y tế Thế giới là u có độ mô học lành tính tương quan với nguy cơ tái phát thấp và tỷ lệ sống sót chung cao. Chỉ định phẫu thuật được đưa ra sau khi xem xét các chỉ số đánh giá trước mổ của bệnh nhân (yếu tố bên trong) là thuận lợi. Giảm chức năng vận động (27-65%), thay đổi tâm thần (51-59%) và co giật (16-43%) là những chỉ định phẫu thuật phổ biến nhất. Hầu hết bệnh nhân được phẫu thuật u màng não nội sọ (41,2-86,5%) đã cải thiện chức năng vận động của họ trong quá trình theo dõi sau phẫu thuật [7]. Tuy nhiên, mức độ phức tạp của phẫu thuật (yếu tố bên ngoài) cũng có ảnh hưởng đến kết quả hậu phẫu. Chẳng hạn như thời gian phẫu thuật > 4 giờ được chứng minh là càng gia tăng tỷ lệ biến chứng sau mổ nên loại phẫu thuật không quá phức tạp (thời gian mổ ngắn, mức độ sang chấn thấp, đóng vết mổ nhanh) nhưng vẫn cho ra kết quả loại bỏ khối u tốt được ưu tiên [14]. Do đó, phương pháp lỗ khóa xâm lấn tối thiểu là lựa chọn thay thế cho phương pháp phẫu thuật truyền thống hiện đang được đặt lên bàn cân để thảo luận vì những ưu điểm vượt trội của nó.

Phương pháp phẫu thuật sọ truyền thống thường sử dụng các vết mổ lớn, loại bỏ xương sọ, màng cứng diện rộng và hướng đến loại bỏ khối u tối đa làm mục tiêu chính. Tuy nhiên, kết quả từ nhiều loạt nghiên cứu sử dụng các phương pháp này cho thấy việc cắt bỏ khối u quá mức có thể dẫn đến tỷ lệ tổn thương dây thần kinh sọ vĩnh viễn tương đối cao và các biến chứng thần kinh khác [16]. Do đó, việc duy trì bảo tồn chức năng thần kinh và chất lượng cuộc sống ngày càng được ưu tiên hơn và nguyên tắc cắt bỏ khối u an toàn tối đa dần được chấp nhận rộng rãi [16]. Kết quả phẫu thuật ở bệnh nhân lớn tuổi đã được cải tiến qua nhiều thập kỷ đặc biệt là trong 20 năm trở lại đây với việc áp dụng các phương pháp lỗ khóa (Keyhole) xâm lấn tối thiểu bao gồm nội soi qua đường mũi và các phương pháp xuyên sọ có sự hỗ trợ của nội soi (đường mổ trên ổ mắt, sau xương chẩm, trán-thái dương, qua liềm não đối bên). Tuy nhiên, thuật ngữ “phẫu thuật lỗ khóa” đã được Donald Wilson giới thiệu cách đây 50 năm trong ghi chú năm 1971 của ông là “hạn chế tiếp xúc trong phẫu thuật não” [16]. Khái niệm “lỗ khóa” nhấn mạnh việc sử dụng các phương pháp tiếp cận phù hợp và có mục tiêu nhằm hạn chế tiếp xúc với não thông qua các vết mổ được đặt ở vị trí chiến lược, giảm thiểu thao tác não mà không cần dụng cụ banh não (brain retractor), được hỗ trợ bởi trọng lực và với mục tiêu cuối cùng là loại bỏ khối u an toàn tối đa [16].

Các kỹ thuật phẫu thuật xâm lấn tối thiểu ngày càng được áp dụng trên nhiều chuyên khoa phẫu thuật thường với sự hỗ trợ của nội soi. Tuy phương pháp lỗ khóa có vết mổ nhỏ khiến phẫu trường hẹp hơn nhưng nội soi hỗ trợ có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi để loại bỏ khối u. Một loạt trường hợp cho thấy phương pháp lỗ khóa với sự hỗ trợ của nội soi có kết quả với tỷ lệ cắt bỏ an toàn tối đa cao, biến chứng hậu phẫu thấp, thời gian nằm viện ngắn (trung bình 3 ngày) kèm thang đo Karnofsky 90 ngày tốt hơn so với các báo cáo sử dụng phương phương pháp mổ sọ truyền thống [16] [17]. Vì vết mổ nhỏ nên bệnh nhân ít đau đớn, tăng tốc độ phục hồi, lành vết thương và có thể quay trở lại sinh hoạt thường ngày nhanh chóng, xuất viện sớm nên tiết kiệm chi phí nằm viện, giảm thiểu gánh nặng bệnh tật. Bên cạnh đó, hạn chế tiếp xúc cũng như thao tác với nhu mô não là một điểm cộng. Thời gian mổ rút ngắn, bộc lộ não ít nên giảm thiểu tiếp xúc não với yếu tố môi trường xung quanh như tiếp xúc không khí, ánh sáng đèn lâu và yếu tố từ phẫu thuật viên từ đó hạn chế tình trạng tổn thương não (dập não, khô vỏ não). Nhiều bằng chứng cho thấy dụng cụ banh não (brain retractor) có thể gây tổn thương não cấp tính và kéo dài do đó sử dụng nội soi hỗ trợ để loại bỏ khối u được khuyến cáo thay thế [18]. Một nghiên cứu hồi cứu từ năm 2015-2018 giữa nhóm bệnh nhân u màng não trên 65 tuổi được phẫu thuật lỗ khóa nội soi với nhóm điều trị bằng phương pháp phẫu thuật truyền thống cũng cho thấy nhóm sử dụng phương pháp lỗ khóa có kết quả phẫu thuật và kiểm soát khối u tốt hơn khi được lựa chọn cẩn thận trước phẫu thuật [17].

Mặc dù phẫu thuật lỗ khóa vẫn có nguy cơ xảy ra biến chứng nhưng tỷ lệ thấp hơn đáng kể so với phương pháp mổ truyền thống. Một nghiên cứu tổng quan dựa trên loạt ca bệnh cho thấy tỉ lệ rối loạn chức năng thần kinh sọ não (4%) và đột quỵ (2%) là những biến chứng hay gặp, ngoài ra rò rỉ dịch não tủy và viêm màng não là chỉ 1%, các biến chứng còn lại chiếm tỷ lệ không đáng kể, không có trường hợp nào bị huyết khối tĩnh mạch sâu, tắc mạch phổi, nhồi máu cơ tim hoặc tử vong trong vòng 30 ngày chu phẫu. Tỷ lệ cho phép xuất viện lên đến 94%, tái nhập viện sau 90 ngày chỉ 7% [16].

Trong trường hợp này bệnh nhân trên 80 tuổi được chỉ định phẫu thuật lỗ khóa vị trí sau xương chẩm (retromastoid) để cắt bỏ hoàn toàn u màng não độ 1. Kết hợp sự thuận lợi của đánh giá yếu tố bên trong của bệnh nhân (chỉ số đánh giá, tiên lượng trước mổ) và yếu tố bên ngoài (mức độ phức tạp phẫu thuật lỗ khóa giảm), kết quả bệnh nhân sau mổ phục hồi các hoạt động chức năng như bình thường, chưa ghi nhận biến chứng hậu phẫu, bệnh nhân ít đau, được xuất viện và theo dõi tại nhà. Ưu điểm của phương pháp lỗ khóa đã được thể hiện trong trường hợp này. Ngoài ra, phương pháp lỗ khóa cũng thường được sử dụng cho u màng não độ 1 trong nhiều nghiên cứu [16].

Dựa trên các bằng chứng sẵn có, điều trị phẫu thuật cho bệnh nhân u não từ 80 tuổi trở lên dường như là một thủ thuật tương đối an toàn, lợi ích vượt trội so với rủi ro tiềm ẩn ở nhiều bệnh nhân, đặc biệt nếu quá trình đánh giá rủi ro, tiên lượng trước phẫu thuật được tiến hành cẩn thận. Vì vậy, tuổi cao có lẽ không nên được xem như là một chống chỉ định cho phẫu thuật u não. Ngược lại, với một số trường hợp đặc biệt ở người lớn tuổi, những bệnh nhân u não nam giới lớn tuổi có nhiều bệnh đi kèm nặng (ASA ≥ 3), chức năng hoạt động trước phẫu thuật bị suy giảm (KPS < 80), phù nề quanh khối u ở mức độ trung bình và mạnh, vị trí khối u quan trọng (xâm lấn nền sọ, gần các mạch máu lớn, thần kinh) có nguy cơ tử vong và biến chứng hậu phẫu cao hơn [7]. Chỉ định phẫu thuật nên được xem xét thận trọng với những bệnh nhân này.

Kết luận

Chuẩn bị đầy đủ trước phẫu thuật và đánh giá phân loại của Hiệp hội Gây mê Hoa Kỳ ASA phối hợp với thang điểm lão khoa GSS để tiên lượng rủi ro, dự đoán kết quả là cơ sở chính để quyết định phẫu thuật ở bệnh nhân u não lớn tuổi, đặc biệt là với bệnh nhân trên 80. Thực hiện loại bỏ khối u não bằng phương pháp lỗ khóa là một thủ thuật tương đối an toàn, lợi ích vượt trội so với rủi ro tiềm ẩn ở nhiều bệnh nhân, đảm bảo cắt bỏ khối u an toàn tối đa mà vẫn bảo tồn được chức năng cho bệnh nhân. Vì vậy, phẫu thuật lỗ khóa có thể được coi là lựa chọn thay thế hợp lý cho các phương pháp mổ sọ truyền thống ở bệnh nhân lớn tuổi trên điều kiện đánh giá cẩn thận bệnh nhân trước mổ.

Video bệnh nhân sau mổ 3 ngày

Video bệnh nhân sau mổ 1 tháng

Tài liệu tham khảo

  1. American Association of Neurological Surgeons, Brain tumors.
  2. Miller KD, Ostrom QT, Kruchko C, Patil N, Tihan T, Cioffi G, Fuchs HE, Waite KA, Jemal A, Siegel RL, Barnholtz-Sloan JS. Brain and other central nervous system tumor statistics, 2021. CA Cancer J Clin. 2021 Sep;71(5):381-406.
  3. Ferroli P, Vetrano IG, Schiavolin S, Acerbi F, Zattra CM, Schiariti M, Leonardi M, Broggi M. Brain Tumor Resection in Elderly Patients: Potential Factors of Postoperative Worsening in a Predictive Outcome Model. Cancers (Basel). 2021 May 12;13(10):2020.
  4. Ius T, Somma T, Altieri R, Angileri FF, Barbagallo GM, Cappabianca P, Certo F, Cofano F, D'Elia A, Della Pepa GM, Esposito V, Fontanella MM, Germanò A, Garbossa D, Isola M, La Rocca G, Maiuri F, Olivi A, Panciani PP, Pignotti F, Skrap M, Spena G, Sabatino G. Is age an additional factor in the treatment of elderly patients with glioblastoma? A new stratification model: an Italian Multicenter Study. Neurosurg Focus. 2020 Oct;49(4):E13.
  5. Ferroli P, Broggi M, Schiavolin S, Acerbi F, Bettamio V, Caldiroli D, Cusin A, La Corte E, Leonardi M, Raggi A, Schiariti M, Visintini S, Franzini A, Broggi G. Predicting functional impairment in brain tumor surgery: the Big Five and the Milan Complexity Scale. Neurosurg Focus. 2015 Dec;39(6):E14.
  6. Steinberger J, Bronheim RS, Vempati P, Oermann EK, Ladner TR, Lee NJ, Kothari P, Caridi JM, Shrivastava RK. Morbidity and Mortality of Meningioma Resection Increases in Octogenarians. World Neurosurg. 2018 Jan;109:e16-e23.
  7. Rautalin I, Niemelä M, Korja M. Is surgery justified for 80-year-old or older intracranial meningioma patients? A systematic review. Neurosurg Rev. 2021 Apr;44(2):1061-1069.
  8. Sacko, Oumar M.D.; Sesay, Musa M.D.; Roux, Franck-Emmanuel M.D., Ph.D.; Riem, Tanguy M.D.; Grenier, Bruno M.D.; Liguoro, Dominique M.D., Ph.D.; Loiseau, Hugues M.D. Intracranial meningioma surgery in the ninth decade of life. Neurosurgery 61(5):p 950-955, November 2007.
  9. Poon, M.TC., Fung, L.HK., Pu, J.KS. et al. Outcome comparison between younger and older patients undergoing intracranial meningioma resections. Journal of Neuro-oncology 114, 219-227 (2013).
  10. Konglund A, Rogne SG, Helseth E, Meling TR. Meningioma surgery in the very old-validating prognostic scoring systems. Acta Neurochir (Wien). 2013 Dec;155(12):2263-71; discussion 2271.
  11. Chen ZY, Zheng CH, Tang Li, Su XY, Lu GH, Zhang CY, Xiao SW, Tan YF. Intracranial meningioma surgery in the elderly (over 65 years): prognostic factors and outcome. Acta Neurochir (Wien). 2015 Sep;157(9):1549-57; discussion 1557.
  12. Grossman R, Mukherjee D, Chang DC, Bennett R, Brem H, Olivi A, Quiñones-Hinojosa A. Preoperative charlson comorbidity score predicts postoperative outcomes among older intracranial meningioma patients. World Neurosurg. 2011 Feb;75(2):279-85.
  13. Cohen-Inbar O, Sviri GE, Soustiel JF, Zaaroor M. The Geriatric Scoring System (GSS) in meningioma patients-validation. Acta Neurochir (Wien). 2011 Jul;153(7):1501-8; discussion 1508.
  14. Bir SC, Konar S, Maiti TK, Guthikonda B, Nanda A. Surgical Outcomes and Predictors of Recurrence in Elderly Patients with Meningiomas. World Neurosurg. 2016 Jun;90:251-261.
  15. Bunevicius A. Personality traits, patient-centered health status and prognosis of brain tumor patients. Journal of Neurooncoly. 2018 May;137(3):593-600.
  16. Thakur JD, Mallari RJ, Corlin A, Yawitz S, Eisenberg A, Rhee J, Sivakumar W, Krauss H, Martin N, Griffiths C, Barkhoudarian G, Kelly DF. Critical appraisal of minimally invasive keyhole surgery for intracranial meningioma in a large case series. PLoS One. 2022 Jul 28;17(7):e0264053.
  17. Thakur JD, Mallari RJ, Corlin A, et al. Minimally invasive surgical treatment of intracranial meningiomas in elderly patients (≥ 65 years): outcomes, readmissions, and tumor control. Neurosurgical Focus. 2020 Oct;49(4):E17.
  18. Rosenørn J, Diemer N. The risk of cerebral damage during graded brain retractor pressure in the rat. J Neurosurg. 1985 Oct;63(4):608-11.
  19. Corniola M.V., Lemée J.-M., Meling T.R. Resection of meningiomas in octogenarians: A comparison with a younger geriatric population. Neurosurg. Focus. 2020;49:E18.
  20. Pietilä TA, Stendel R, Hassler WE, Heimberger C, Ramsbacher J, Brock M. Brain tumor surgery in geriatric patients: a critical analysis in 44 patients over 80 years. Surg Neurol. 1999 Sep;52(3):259-63; discussion 263-4.

Trần Đức Hoàng, Lê Trọng Hiếu, Phan Lê Vy, Lê Mai Tuyết Trinh, Nguyễn Thanh Minh

Khoa Ngoại tiết niệu - Thần kinh, Bệnh viện đại học Y - Dược Huế

Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/thoi-gian-hoi-phuc-sau-khi-mo-u-nao-a40114.html