Van tim là gì? Những điều cần biết về cấu tạo và chức năng của van
Van tim là một phần của trái tim và hoạt động giống như những “cánh cửa”, giữ vai trò mở và đóng để máu chảy từ vùng này sang vùng khác trong tim. Khi van tim trục trặc, không đóng và mở đúng cách, sẽ ảnh hưởng đến khả năng bơm máu đi nuôi cơ thể của tim.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Thị Oanh, khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.
Van tim là gì?
Van tim là một phần của trái tim và hoạt động giống như những “cánh cửa”, giữ vai trò mở và đóng để đảm bảo máu di chuyển đúng lúc và đúng hướng từ vùng này sang vùng khác.
Trái tim có 4 van, bao gồm:
Van hai lá: Hoạt động nhịp nhàng theo chu kỳ, đóng, mở để máu có thể di chuyển từ tâm nhĩ trái đi vào tâm thất trái. Khi van hai lá đóng lại đúng lúc sẽ ngăn chặn tình trạng máu chảy ngược trở lại tâm nhĩ.
Van ba lá: Bao gồm lá trước, lá sau và lá lách. Van 3 lá mở ra trong thời kỳ tâm trương, cho máu sẽ chảy từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải. Van đóng lại đảm bảo cho máu không bị chảy ngược.
Van động mạch phổi: Vị trí van ở giữa động mạch phổi và tâm thất phải. Van có vai trò kiểm soát dòng máu từ tim qua động mạch phổi, đảm bảo máu chảy đúng một chiều, không bị rò rỉ ngược.
Van động mạch chủ: Tâm thất trái co bóp đẩy máu vào động mạch chủ thông qua van động mạch chủ. Khi van này đóng lại sẽ ngăn dòng máu chảy về lại thất trái trong thời kỳ tâm trương. (1)
Van tim hoạt động như thế nào?
Trái tim có 4 buồng: hai tâm nhĩ (buồng ở phía trên) và hai tâm thất (buồng ở phía dưới), đảm nhận chức năng bơm máu đi khắp cơ thể. Khi tim thực hiện việc co bóp, các van tim sẽ tuần tự đóng, mở theo đúng chu kỳ tâm trương. Điều này giúp cho máu chảy tâm thất và hai động mạch lớn đúng thời điểm.
Khi tâm thất trái giãn ra, van động mạch chủ sẽ đóng lại và van hai lá mở ra, cho phép máu chảy từ tâm nhĩ trái vào tâm thất trái.
Tâm nhĩ trái co lại, tạo điều kiện cho máu chảy nhiều hơn vào tâm thất trái.
Khi tâm thất trái co bóp, van hai lá đóng lại và van động mạch chủ mở ra để máu chảy vào động mạch chủ, đi ra phần còn lại của cơ thể.
Trong khi tâm thất trái giãn ra thì tâm thất phải cũng giãn ra. Lúc này, van động mạch phổi đóng lại và van ba lá mở ra để máu từ tâm nhĩ phải chảy vào tâm thất phải.
Khi tâm thất trái co lại thì tâm thất phải cũng co lại. Lúc này van động mạch phổi mở ra và van ba lá đóng lại. Máu chảy ra từ tâm thất phải đến phổi trước khi quay trở lại tâm nhĩ trái dưới dạng máu tươi, giàu oxy. (2)
Cấu tạo và chức năng của 4 van tim
Mỗi van tim có cấu tạo và chức năng cụ thể khác nhau.
Van hai lá: có chức năng đưa máu chảy từ tâm nhĩ trái vào tâm thất trái và ngăn dòng chảy ngược từ tâm thất trái sang tâm nhĩ trái.
Van ba lá: van 3 lá mở ra sẽ cho phép máu chảy từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải. Đồng thời, ngăn máu chảy ngược từ tâm thất phải sang tâm nhĩ phải bằng việc đóng lại.
Van động mạch phổi: máu đi từ tâm thất phải đến động mạch phổi khi van động mạch phổi mở ra. Động mạch này dẫn đến phổi để máu được làm giàu oxy. Van động mạch phổi ngăn không cho máu chảy ngược bằng cách đóng lại đúng thời điểm.
Van động mạch chủ: có 3 lá van thanh mảnh, hoạt động đóng, mở nhịp nhàng theo chu kỳ co bóp của tim. Điều này giúp máu được luân chuyển đúng hướng, đủ lượng máu đến động mạch chủ. Van động mạch chủ cũng thực hiện đóng lại đúng thời điểm để đảm bảo cho máu sẽ không chảy ngược. (3)
Một số bệnh lý van tim thường gặp
Nếu van tim đóng, mở bất thường sẽ gây ra một số bệnh lý, bao gồm:
Hở van tim: Bệnh lý xảy ra khi van không đóng hoàn toàn và máu chảy ngược qua van, dẫn đến rò rỉ máu trở lại tâm nhĩ từ tâm thất đối với van hai lá và van ba lá; hoặc gặp tình trạng rò rỉ trở lại tâm thất đối với van động mạch chủ và động mạch phổi. Điều này có thể khiến các buồng tim phải làm việc quá sức vì phải bơm thêm lượng máu trả ngược về. Theo thời gian tình trạng này sẽ gây ra những thay đổi về cấu trúc và chức năng trong buồng tim, khiến các các buồng tim không thể bơm máu bình thường.
Hẹp van tim: Diễn tả tình trạng lỗ van bị thu hẹp và van không mở đúng cách. Điều này khiến tim khó bơm máu hơn khi đi qua van bị hẹp và phải sử dụng nhiều lực hơn, gây ra những thay đổi về cấu trúc và chức năng đối với các buồng khác nhau của tim. Những thay đổi này cản trở quá trình bơm máu bình thường của tim.
Teo van: Điều này có nghĩa là việc mở van không phát triển bình thường trong thời thơ ấu; lượng máu đi qua van bị giảm đi đáng kể do van bị teo lại, không đủ diện tích cho máu lưu thông. Hiện tượng này thường gặp do bẩm sinh, có thể kết hợp với thông liên nhĩ hoặc thông liên thất.
Sa van: Xảy ra khi lá van lồi võng xuống vượt quá mặt phẳng van. Sa van hai lá là tình trạng phổ biến nhất, ngoài ra có thể sa van động mạch chủ, sa van ba lá. Trong một số trường hợp, sa van vô hại và ngược lại, ở những trường hợp khác lại dẫn đến rò rỉ máu đáng kể.
Van tim có thể bị nhiều vấn đề cùng một lúc (hở van và hẹp van tim) và nhiều van tim cùng bị ảnh hưởng. Lúc này, tim có thể bị tổn thương nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến quá trình bơm máu đi khắp cơ thể. (4)
Các dấu hiệu nhận biết bất thường van tim
Khi một hoặc nhiều van tim có bất thường, đóng, mở không đúng nhịp, hoặc không đóng, mở hoàn toàn, khiến dòng máu chảy qua tim đến với các bộ phận khác trên cơ thể bị gián đoạn.
Một số trường hợp, bệnh nhân bị các vấn đề ở van tim trong thời gian dài nhưng lại không có triệu chứng rõ rệt. Tình trạng van tim có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian, vì vậy các dấu hiệu có thể xuất hiện, như là:
Tim có tiếng rít (tiếng thổi của tim) khi bác sĩ nghe tim bằng ống nghe;
Có cảm giác đau tức ở vùng ngực, khó thở ( khi hoạt động hoặc nằm nghỉ ngơi);
Bụng cổ trướng (phổ biến hơn với hở van ba lá tiến triển);
Chóng mặt, ngất xỉu;
Bị sưng phù ở mắt cá chân, bàn chân;
Nhịp tim không đều.
Bệnh van tim có thể gây ra nhiều biến chứng như: suy tim, đột quỵ, hình thành huyết khối, rối loạn nhịp tim, nguy hiểm hơn là gây tử vong.
>> Xem thêm: 2 loại van tim nhân tạo: Ưu, nhược điểm và lựa chọn van phù hợp
Phương pháp chẩn đoán bệnh van tim thường gặp
Trước tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra thể chất người bệnh và lắng nghe tiếng thổi ở tim để có được những đánh giá ban đầu về các bất thường ở van tim.
Cùng với đó, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, chỉ định thực hiện một số kiểm tra cận lâm sàng nhằm củng cố chẩn đoán tình trạng van tim của người bệnh, chẳng hạn:
Siêu âm tim: Phương pháp sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh video về chuyển động của tim nhằm đánh giá cấu trúc tim, van tim và lưu lượng máu qua tim. Siêu âm tim giúp bác sĩ ghi nhận bất thường cấu trúc các van tim và hoạt động của van.
Một loại siêu âm tim khác được gọi là siêu âm tim qua thực quản, sử dụng một đầu dò nhỏ gắn vào đầu ống được đưa qua miệng xuống đến thực quản, dạ dày. Kỹ thuật này giúp bác sĩ xem xét kỹ hơn các van tim so với siêu âm tim qua thành ngực thông thường.
Điện tâm đồ (ECG): Các điện cực gắn trên da ở thành ngực và các chi giúp đo xung điện từ tim của người bệnh. Điện tâm đồ có thể phát hiện các buồng tim phì đại, bệnh tim và nhịp tim bất thường.
X-quang ngực: Phương pháp này giúp bác sĩ xác định xem tim có to ra hay không nhằm phát hiện một số loại bệnh van tim.
Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này tạo ra hình ảnh chi tiết của trái tim nhằm xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh, đánh giá kích thước và chức năng của các buồng tim, cũng như các bất thường cấu trúc cơ tim, bệnh tim bẩm sinh.
Nghiệm pháp gắng sức: Các bài kiểm tra gắng sức khác nhau giúp đo khả năng chịu đựng hoạt động của người bệnh và theo dõi phản ứng của tim đối với việc gắng sức.
Lưu ý để giúp van tim luôn khỏe mạnh
Để giúp van tim luôn khỏe mạnh, việc thực hiện một lối sống lành mạnh cho tim là rất quan trọng, bao gồm:
Bạn nên có chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe, lành mạnh cho tim: Tăng cường bổ sung dưỡng chất từ trái cây tươi, các loại rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt gia cầm được loại bỏ phần da,… Đồng thời, cần hạn chế lượng muối và đường khi chế biến món ăn. Tránh xa các thực phẩm đã được chế biến sẵn, đồ đóng hộp, thực phẩm nhiều chất béo bão hòa.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh giúp đảm bảo sức khỏe tim mạch. Nếu đang trong tình trạng thừa cân hoặc béo phì, chúng ta nên giảm cân.
Hoạt động thể chất thường xuyên: Mỗi người cần đặt mục tiêu cho bản thân thói quen tập thể dục khoảng 30 phút/ngày.
Kiểm soát stress bằng các hoạt động thư giãn như thiền, hít thở sâu; thực hiện các sở thích của bản thân hoặc kết nối nhiều hơn với mọi người xung quanh.
Tránh xa thuốc lá, bao gồm cả khói thuốc lá.
Chủ động thăm khám sức khỏe, tầm soát bệnh tim mạch định kỳ.
Đối với phụ nữ mắc bệnh van tim, cần phải trao đổi với bác sĩ trước khi mang thai. Bác sĩ sẽ cung cấp các loại thuốc có thể dùng một cách an toàn và liệu có cần thực hiện thủ thuật để điều trị tình trạng van trước khi mang thai hay không. Trong suốt quá trình mang thai, thai phụ cần có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám, tầm soát và điều trị bệnh van tim và các bệnh tim mạch tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Vì van tim là một phần quan trọng của tim nên những bất thường của van tim cần được phát hiện sớm, theo dõi chặt chẽ và can thiệp vào thời điểm phù hợp. Do đó, khi có bất kỳ dấu hiệu khác thường, người bệnh nên thăm khám để được chẩn đoán và điều trị đúng, kịp thời.