Nghiên Cứu Lịch Sử

Untitled

Jesse Bryant Wilder

Trần Quang Nghĩa dịch

Giới thiệu

Mục đích của tôi khi viết Lịch Sử Nghệ Thuật là viết hữu dụng, đọc hấp dẫn, và thuận tiện như sách hướng dẫn du lịch. Sách này đề cập đến phần lớn sử nghệ thuật, nhưng không phải là tất cả. Tộí tập trung vào truyền thống nghệ thuật Tây phương và đề cập đến nghệ thuật và một số phong trào nghệ thuật mà những sách lịch sử nghệ thuật khác bỏ qua.

Phần lớn sách sử nghệ thuật trong thời gian này cân nặng khoảng 10 cân. Tôi viết quyển sách này mỏng hơn để bạn có thể nhét nó vào ba lô và mang nó đi đến lớp mà không nặng lung, hoặc bạn có thể mang nó theo trên một chuyến du lịch dài như một cẩm nang hoặc cầm theo vào viện bảo tàng như một nguồn tham khảo.

Khi bạn đọc Lịch Sử Nghệ Thuật, bạn sẽ như đi vòng quanh thế giới và du lịch ngược thời gian. Đọc nhiều chương này như đi nghỉ hè vào vùng đất xa lạ trong thời xa xưa. Bạn có thế thù tạc với nữ hoàng Byzantine hay một pha ra-ông Ai cập, tham dự các kỳ tranh tài Olympic cổ xưa (các cuộc tranh tài thường được mô tả trên các bình gốm Hy lạp), hay lẩn thẩn dạo qua Cổng Thành Ishtar ở xứ Babylon cổ.

Tại sao có người nghiên cứu lịch sử nghệ thuật còn người khác thì không? Chắc chắn vì trường trung học không dạy lịch sử nghệ thuật và cao đẳng thường xem nó là môn tùy chọn, trừ khi bạn theo chuyên ngành nghệ thuật. Nhưng lịch sử nghệ thuật là khía cạnh thị giác của lịch sử_ chúng là những môn học anh em. Học lịch sử nghệ thuật và lịch sử như thêm tranh vào văn bản. Nó khiến toàn bộ câu chuyện trở nên rõ ràng hơn và hấp dẫn hơn. Trong Lịch Sử Nghệ Thuật, tôi ghép phần lịch sử và nghệ thuật lại với nhau, cho bạn thấy được bối cảnh của nghệ thuật.

Một số người tin rằng lịch sử nghệ thuật là một chủ đề cao cấp. Với tất cả những thuật ngữ bằng tiếng Ý và Pháp, nghe nó có vẻ hợm hĩnh, đúng không? Tôi không đồng ý. Tôi tin rằng lịch sử nghệ thuật là một chủ đề của mỗi người nam hay nữ vì nó thuộc về di sản văn hóa phổ thông của nhân loại. Lịch sử nghệ thuật phản ánh tiến hóa của con người. Nó cho thấy sự tiến hóa của nhân loại qua nhiều thời đại, từ hang động đến lâu đài, từ túp lều rừng rậm đến khu gia cư ở đô thị. Mỗi thời đại trong thời gian 30,000 năm qua đã để lại những dấu ấn trong nghệ thuật của mình.

Về Quyển Sách Này

Trong sách này, tôi sẽ hướng dẫn bạn qua thế giới lịch sử nghệ thuật. Chuyến đi này sẽ mô tã những nét nghệ thuật và kiến trúc vĩ đại nhất từng được sáng tạo. Trên hành trình, tôi sẽ chỉ ra những đặc điểm chính của những công trình và kiến trúc này; thường tôi sẽ đưa ra những giải thích có thể và tôi hy vọng sẽ tạo cảm hứng cho bạn đưa ra những lối giải thích của riêng mình. Tôi cũng góp thêm những giai thoại thú vị và những sự kiện đầy màu sắc khiến cho những lần dừng chân sẽ thêm vui.

Sách này là một tài liệu tham khảo __ nghĩa là bạn có thể quay lại lần này và lần khác, rút ra bất kỳ mẫu thông tin nào khẩn thiết nhất đối với bạn lúc đó. Bạn không cần đọc một mạch từ trang đầu đến trang cuối. Dùng bảng mục lục để tìm những đề mục bạn quan tâm và đọc từ đó. Lẽ dĩ nhiên, nếu bạn muốn bắt đầu từ Chương 1 và đi đến trang cuối, thì càng tốt __ nhưng điều đó không bắt buộc khi muốn hiểu thông tin trong những trang này.

Bạn Không Cần Đọc Gì

Đây là một ý tưởng mới: Đừng đọc những gì bạn không quan tâm. Nếu bạn cho rằng những lăng tẩm Ai cập đáng sợ, hoặc nếu trường phái Hậu Hiện Đại làm bạn chóng mặt, hãy lướt qua những đề mục này. Bạn cũng không cần phải nhớ những gì đã đọc. Sau cùng, tôi không kiểm tra bạn điều gì cả. Bạn có thể bỏ qua những nội dung trong khung màu mà không sợ bỏ sót thông tin tôi đang đề cập đến. NHững khung văn bản này thường chứa thông tin thú vị, nhưng không thiết yếu cho đề mục đang trình bày.

Những Giả Định Điên Rồ

Bạn không cần đã học môn lịch sử nghệ thuật ở trung học mới hiểu được và tìm thấy lợi ích từ quyển sách này. Đây là Lịch Sử Nghệ Thuật cơ bản và không cần điều kiện sơ khởi! Tôi giả định ít nhất bạn đã từng nghe nói về Mona Lisa của Leonardo da Vinci và bích họa trên mái vòm nhà thờ Sistine của Michelangelo. Nhưng nếu không, cũng chẳng nhằm nhò gì __ vì bạn sẽ biết thôi. Bạn không cần có vốn liếng gì về lịch sử nghệ thuật hay nghệ thuật. Tôi sẽ cung cấp cho bạn vốn liếng ấy khi chúng ta sánh vai đi.

Tôi cũng giả định bất kỳ điều gì dính líu đến từ lịch sử cũng làm bạn e ngại. Vì nó làm liên tưởng đến những niên lịch và chủ thuyết phải nhớ từ thời còn đi học. Không sao. Tôi sẽ cho một số niên lịch và định nghĩa một số chủ thuyết, nhưng tôi không lân la với chúng, tôi thích tập trung vào và nội dung hấp dẫn của nghệ thuật. Thay vì đặt những niên lịch và chủ thuyết ra trước mỗi đề mục, trong sách này tôi đặt câu chuyện về nghệ thuật ra trước và ở giữa. Hàng cuối cùng: Bạn không cần phải nhớ ngày tháng. Thật ra, bạn không cần phải nhớ gì cả!

Sách Này Được Dàn Dựng Thế Nào

Tôi chia các chương trong Lịch Sử Nghệ Thuật ra thành từng phần, được mô tả trong các bài sau.

Phần I: Nhân Loại trong Chiếc Gương Soi: Lịch Sử Nghệ Thuật Cơ Bản

Chương 1 giúp bạn chọn lựa chương nào bạn muốn đọc trước và chương nào bạn muốn bỏ qua, ít nhất tại thời điểm đó. Tôi đã sắp xếp chương theo thứ tự niên đại. Nhưng bạn không cần đi theo thứ tự đó; bạn có thể nhảy từ trường phái Siêu Thực đến nghệ thuật hang động nếu thích, hay từ Phục Sinh đến trường phái Ấn Tượng.

Trong phần này, tôi cũng giới thiệu bạn những công cụ và quan niệm nghệ thuật giúp bạn đi qua quyển sách này và đi qua thế giới nghệ thuật và lịch sử nghệ thuật. Những công cụ và những quan niệm này bao gồm việc đối chiếu và tương phản, nhìn vào sự cân bằng và kiểu dạng, đọc những biểu lộ thị giác, rút ra những biểu tượng, và nhận ra được thông điệp của người nghệ sĩ.

Cuối cùng, trong Chương 3, tôi trinh bày sơ lược về những thời kỳ và các phong trào chủ yếu, từ nghệ thuật thời tiền sử đến Hậu Hiện Đại và những sự kiện ở khoảng giữa. Có thể bạn sẽ muốn thỉnh thoảng tham khảo trở lại chương này để thấy được bằng cách nào những thời kỳ gắn kết nhau và ảnh hưởng đến nhau.

Phần II: Từ Hang Động đến Colosseum: Nghệ Thuật Cổ Đại

Trong phần này, tôi đề cập đến nghệ thuật Thời Đồ Đá và nguồn gốc của nó trong tôn giáo lễ nghi và sơ khai. Sau đó, tôi sẽ khảo sát nghệ thuật tôn giáo và chính trị của những nền văn minh đầu tiên ở Mesopotamia và Ai Cập. Sau đó, tôi khám phá các tác phẩm trên bình sứ và bích họa, điêu khắc, cũng như kiến trúc của Hy Lạp và Minoan cổ và kể cho bạn nghe văn hóa Hy Lạp đã đặt nền móng cho thế giới hiện đại như thế nào. Tôi sẽ cho bạn thấy bằng cách nào nghệ thuật Etruscan và La Mã phần nào đó phát triển từ nghệ thuật Hy Lạp. Trong phần nói về nghệ thuật La Mã, tôi giải thích nghệ thuật, kiến trúc và chính trị đan xen nhau như thế nào.

Phần III: Nghệ Thuật sau thời La Mã Suy Vong: A.D. 500 - A.D. 1760

Nghệ thuật cô điển sụp đổ cùng với La Mã vào A.D. 476. Những phong cách nghệ thuật mới thiên về tôn giáo xuất hiện ở cả châu Âu lẫn Á. Trong phần này, tôi giải thích nền nghệ thuật rực rỡ của Byzantine trong Đế Quốc La Mã phía Đông (sống lâu hơn Đế Quốc phía Tây 1,000 năm), nghệ thuật Thiên Chúa giáo buổi sơ khai ở Âu châu, và nghệ thuật Hồi giáo. Tôi đi theo dòng tiến hóa của nghệ thuật tôn giáo ở châu Âu trong thời Trung cổ, tập trung vào những minh họa bản thảo, chạm nổi, kiến trúc, dệt thảm, và họa phẩm. Sau đó tôi khám phá sự tái sinh của nghệ thuật cổ điển trong thời Phục Hưng và những truyền thống nghệ thuật khai sinh từ sự tái sinh này: kiểu Mannerism, Baroque, và Rococo.

Phần IV: Cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ và Thoái Trào của Nghệ Thuật: 1760-1900

Cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ đã làm biến đổi thế giới __ lẫn cách nhìn và cách mô tả của các nghệ sĩ. Trong phần này, tôi sẽ cho bạn thấy bằng cách nào một số nghệ sĩ cố quay ngược thời gian __ nghệ thuật của họ quay về chủ nghĩa cổ điển: Một số náu mình trong những vinh quang của tự nhiên không tì vết, trong khi một số khác bay lên cao khỏi mùi ô nhiễm của các nhà máy trên đôi cánh của trí tưởng tượng. Cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ cũng kéo theo những cơn lốc chính trị như các cuộc cách mạng Hoa kỳ và Pháp. Tôi sẽ cho bạn thấy bằng cách nào nghệ thuật La Mã và Hiện Thực phản ánh và thường cổ xúy cho những phong trào độc lập, sự dân chủ, và cải cách xã hội.

Phần V: Nghệ Thuật Thế Kỷ 20 và Sau Đó

Trong thế kỷ 20, nghệ thuật tỏa ra theo nhiều hướng, khó mà theo dõi cho hết được. Nhưng tôi sẽ cố gắng ghi nhận tối đa. Thế chiến I, Thế chiến II, và Chiến Tranh Việt Nam tất cả đều có những tác động lớn đến các nghệ sĩ sống qua những thảm họa này. Trong phần này, tôi sẽ cho bạn thấy bằng cách nào chiến tranh đã cho ra đời những phong trào nghệ thuật, mà mục tiêu của nó đôi khi làm cho nhân loại tốt đẹp hơn lên. Tôi cũng cho bạn thấy bằng cách nào các nghệ sĩ đã phấn đấu để phản ánh một thế giới không ngừng phức tạp và cách thức họ sử dụng công nghệ để tăng thêm mãnh lực cho tác phẩm của mình. Cuối cùng, tôi khám phá nhiếp ảnh thời mới khai sinh và nhận dạng ra những cách thức mà những nhà nhiếp ảnh tiền phong đã dần dần học được lối biểu hiện của một bộ môn nghệ thuật mới.

Phần VI: Mười điều tâm niệm

Mười điều tâm niệm, một đặc điểm của loại sách tự học này, là nơi để đi tiếp khi bạn thiếu hụt thời gian nhưng khao khát thông tin. Trong phần này, tôi cung cấp một danh sách mười bảo tàng nghệ thuật bạn phải ghé thăm. Tôi mô tả vắn tắt những sưu tập của các viện bảo tàng và nhấn mạnh một ít các tác phẩm nổi tiếng nhất.

Tôi cũng giới thiệu đến bạn mười quyển sách nghệ thuật vĩ đại do mười nghệ sĩ vĩ đại chấp bút. Tôi mạnh dạn đề nghị bạn chọn một trong số sách này để khám phá chính những người nghệ sĩ nghĩ gì về nghệ thuật và cuộc đời của mình nói chung. Nếu là sinh viên, bạn có thể sử dụng bất kỳ sách nào trong số đó để viết báo cáo về đề tài nghệ sĩ-tác giả. Nếu không phải là sinh viên, những quyển sách này đơn giản là sẽ làm giàu bạn hơn và tạo cảm hứng cho bạn nhiều hơn.

Cuối cùng, tôi giới thiệu cho bạn mười cuộc cách mạng về khẩu vị xuất phát từ ngọn cọ vẽ. Một số cuộc cách mạng này non yểu, như trường phái Điểm Họa của Seurat (vẽ bằng những chấm màu), những phong trào khác lại có tầm ảnh hưởng lớn lao. Tôi sẽ cho bạn no nê ở phần này.

Từ Đây Đi Về Đâu

Bạn có thể lao vào quyển sách này tại bất cứ chỗ nào bạn thích. Tôi đã tổ chức cuốn Lịch Sử Nghệ Thuật sao cho bạn có thể đọc nó bằng hai cách:

Nếu bạn không bắt đầu ngay từ đầu, tôi đề nghị bạn bắt đầu từ chương nói về nghệ thuật bạn thích nhất. Nếu đó là Michelangelo và Leonardo, hãy bắt đầu bằng Chương 11 về thời Phục Hưng; nếu đó là Frida Kahlo, bắt đầu với Chương 23, bao gồm trường phái Siêu thực và những trường phái khác. Rồi tỏa ra từ đó. Mỗi thời kỳ hay phong trào sẽ đưa bạn đến những thời kỳ từ đó nó xuất phát hay xuất phát từ đó, giúp bạn hiểu tường tận hơn tại sao Leonardo da Vinci, Michelangelo hay Frada Kahlo có phong cách vẽ như vậy.

Cuối cùng, nếu bạn có câu hỏi và có ý kiến nào về quyển sách này, bạn có thể viết thư điện từ cho tôi theo địa chỉ jesse_bryan_wilder@hotmail.com.

Mục Lục

Phần I: Nhân Loại qua Tấm Gương Soi: Lịch Sử Nghệ Thuật Cơ Bản

Chương 1: Nghệ Thuật Qua Các Thời Đại

Đã là cổ sử, sao lại đào lên

Thế giới nghệ thuật sụp đỗ khi La mã suy vong, hay chỉ là đổi chiều

Trong thời đại máy móc, khi nào nghệ thuật nắm được quyền lực?

Thế giới hiện đại và tấm gương vỡ nát

Chương 2: Tại Sao Con Người Làm Nghệ Thuật và Nghệ Thuật Có Ý Nghĩa Gì?

Tập trung vào chủ đích của nghệ sĩ

Phát hiện thiết kế

Giải mã ý nghĩa

Chương 3: Những Thời Kỳ và Phong Trào Nghệ Thuật Chủ Yếu

Hiểu rõ sự khác biệt giữa thời kỳ và phong trào

Tổng quan về những thời kỳ chủ yếu

Tổng quan về những phong trào chủ yếu

Phần II: Từ Hang Động đến Colosseum: Nghệ Thuật Cổ Đại

Chương 4: Các Thợ Săn Ma Thuật và nghệ sĩ Hang Động

Nghệ thuật hang động tuyệt vời hay tranh vẽ thời kỳ đồ đá: Tại sao giữ nó bí mật?

Đùa cợt với nữ thần sinh sôi

Kiến trúc Stonehenge,Menhirs, và Đồ Đá Mới

Chương 5: Thần Thánh Thất Thường, Nghệ Thuật Chiến Chinh, và Khai Sinh Chữ Viết: Nghệ Thuật Mesopotamia

Trèo lên mây: Kiến trúc Sumerian

Nhìn qua kiến trúc Sumerian

Chơi đàn lia Puabi

Làm sáng tỏ Chuẩn Ur

Những chiến binh đá rình rập: Nghệ thuật Akkadian

Dấu ấn đá: Bộ luật của người Hammurabi

Giải mã nghệ thuật Assyrian

Babylon sinh con: Tân Babylon

Chương 6: Một Chân trong Lăng Tẩm: Nghệ Thuật Ai Cập Cổ Đại

Ai Cập cổ đại

Bảng màu của Narmer và sự thống nhất Ai Cập

Phong cách Ai Cập

Khai quật kiến trúc vương triều cổ

Thời kỳ vương triều Trung đại và phong cách hiện thực

Nghệ thuật thời vương triều Mới

Chương 7: Nghệ Thuật Hy Lạp, Cá Tính Olympia, và các nhà Sáng Tạo Thế giới Hiện Đại

Giao hảo với người Minoan: Nữ thần rắn, nhân ngư, và người nhảy bò

Điêu khắc Hy Lạp: Từ đối xứng trần trụi đến cân bằng tinh tế

Tìm hiểu các tranh vẽ trên bình sứ Hy Lạp

Lục lọi qua phế tích: Kiến trúc Hy Lạp

Hy Lạp không biên giới: thời kỳ Hellenism

Chương 8: Nghệ thuật Etruscan và La Mã: Đối với tôi cũng là Hy Lạp!

Những người Etruscan Bí Ẩn

Rong chơi qua Cộng Hòa La Mã

Phần III: Nghệ Thuật sau khi La Mã Suy Vong: a.d. 500- a.d.1760

Chương 9: Hình khắc: Nghệ Thuật Thiên Chúa giáo Sơ Khai, Byzantine và Hồi giáo

Sự đi lên của Constantinople

Nghệ thuật Thiên Chúa giáo sơ khai ở phương Tây

Nghệ thuật Byzantine gặp gỡ vàng son của đế chế

Nghệ thuật Hồi giáo: Những lộ trình kiến trúc đi đến Thượng đế

Chương 10: Thần Bí, Bọn Thảo Khấu, và Bản Thảo: Nghệ Thuật Thời Trung Cổ

Ánh sáng Ái nhỉ lan: Các bản thảo được minh họa

Charlemagne: Ông vua của thời Phục Hưng tự tạo

Thêu Dệt trận chiến Hastings: Thảm thêu của Bayeux

Kiến trúc Rô-man (kiểu La mã): Các nhà thờ ngồi xổm

Điêu khắc rô man

Thánh tích và vật giữ thánh tích: Những thứ còn lại huyền diệu

Nét hùng vĩ gô-tích: Nhà thờ vươn cao

Kính màu kể chuyện

Điêu khắc Gô-tích

Gô-tích Ý

Hội họa Gô-tích: Cimabue, Duccio, và Giotto

Chương 11: Văn Hóa Tái Sinh: Thời Phục Hưng Sơ Khai và Hưng Thịnh

Thời Phục Hưng sơ khai ở Trung Tâm nước Ý

Thời Phục Hưng Hưng thịnh

Chương 12: Phục Hưng Venice, Gô tích Cuối Kỳ và Phục Hưng ở phía Bắc

Đi thuyền qua thời Phục Hưng ở Venice

Gô tích cuối kỳ: Trường phái Tự Nhiên phương Bắc

Phục Hưng phương Bắc: Hà Lan và Đức

Chương 13: Nghệ Thuật Kéo Dài Cổ Bạn: Chủ nghĩa Mannerism

Pontormo: Trước và giữa

Các biểu tượng hậu cảnh và vẽ lớp phong cảnh của Bronzino

Parmigianino: Ông ta không phải là phô mai

Arcimboldo: Nghệ thuật theo món

El Greco: Kéo dài đến giới hạn

Tìm chỗ đứng của bạn ở Palazzo Te của Giulio Romano

Phần IV: Cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ và sự Chuyển Giao Nghệ Thuật: 1760-1900

Chương 16: Mọi Con Đường Đều Đưa Đến La Mã và Hy Lạp: Nghệ Thuật Tân Cổ Điển

Jacques_Louis David: Ông vua của Tân Cổ Điển

Jean Auguste Dominique Ingres: Ông hoàng của chân dung Tân Cổ Điển

Elizabeth-Louise Vegee-Le Brun: Tươi tắn và tự nhiên

Canova và Houdon: Duyên dáng Hy Lạp và điêu khắc Tân Cổ Điển

Chương 17: Trường Phái Lãng Mạn: Đi Đến Bên Trong và Vươn Ra Ngoài

Hôn không phải là lãng mạn, nhưng có tấm lòng mới là lãng mạn

Lật trong ra ngoài: Caspar David Friedrich

Các nhà Lãng mạng cách mạng Pháp: Gericault và Delacroix

Francisco Goya

  1. M. W. Turner phóng hỏa bầu trời

Chương 18: Thấy Gì Hiểu Nấy: Trường Phái Hiện Thực

Courbet và Daumier: Vẽ nông dân và cảnh cùng khổ nơi đô thị

Trường phái Barbizon và ngoài trời là tuyệt vời

Cứ giữ tính chân thực ở Mỹ

Hội huynh đệ Tiền Raphael: Tầm nhìn Trung Cổ và văn chương hội họa

Chương 19: Những Ấn Tượng Đầu Tiên: Trường Phái Ấn Tượng

Manet và Monet

Renoir và Degas: Vẽ các phụ nữ đẹp

Chương 20: Tạo Ra Ấn Tượng của Riêng Mình: Họa sỹ Hậu Ấn Tượng

Trường Phái Điểm Họa và George - Pierre Seurat

Nghệ thuật Đèn-Đỏ: Henri de Toulouse-Lautrec

Lần theo “Người Hoang Dã Cao Quý”: Paul Gauguin

Vẽ bùng năng lượng: Vincent van Gogh

Đúc tình yêu bằng đá: Rodin và Claudel

Ngọn đồi là hình học sống: Paul Cezanne

Phần V: Nghệ Thuật Thế Kỷ 20 và Xa Hơn Nữa

Chương 21: Từ trường phái Dã Thú đến phái Biểu Hiện

Phái Dã Thú: Màu sắc đấu tranh như dã thú

Biểu Hiện Đức: Hình thể dựa trên cảm xúc

Biểu Hiện Áo: Từ giấc mơ đến ác mộng

Chương 22: Lập Thể Khó Hiểu và Tìm Làn Đường Nhanh với trường phái Tương Lai

Phái Lập Thể: Nhìn bao quanh một lượt

Phái Tương Lai: Nghệ thuật phá vỡ giới hạn tốc độ

Chương 23: Thấy Mà Chẳng Hiểu: Từ Nghệ Thuật Phi Vật Thể đến Biểu Hiện Trừu Tượng

Phái Tối Cao: Sự tái tạo không gian của Kazimir Malevich

Phái Kiến Tạo: Phô trương bộ xương của bạn

Piet Mondrian và phong trào De Stijl

Dada quay ngược thế giới

Phái Siêu Thực và những Giấc Mơ chia lìa

Nhà tôi là một cỗ máy: Kiến trúc của chủ nghĩa Tân thời

Phái Biểu Hiện Trừu Tượng: Pháo hoa trên mặt toan

Chương 24: Nghệ Thuật Mì Ăn Liền: Những năm 50 Thần Kỳ và 60 phiêu phê

Biếm họa lòe loẹt: Pop Art

Hiện Thực Lập Dị

Ít hơn là nhiều hơn: Rothko, Newman, Stella, và những người khác

Chương 25: Nhiếp Ảnh: Từ Khoa Học đến Nghệ Thuật

Sự ra đời của nhiếp ảnh

Từ khoa học đến nghệ thuật

Alfred Stieglitz: Làm Sống lại khỏanh khoắc

Henri Cartier-Bresson: Khoảnh khoắc quyết định

Nhóm f/64: Edward Weston và Ansel Adams

Dorothea Lange: Sự suy thoái đến Dust Bowl

Margaret Bourke-White: Từ nhà máy thép đến cái chết của Gandhi

Tiến nhanh về phía trước: Thời đại tiếp theo

Chương 26: Thế giới Mới: Nghệ Thuật Hậu Hiện Đại

Kim tự tháp kính của I. M. Pei

Kiến trúc Phản kiến tạo

Robert Smithson và nghệ thuật cát bụi

Phần VI: Mười Điều Tâm Niệm

Chương 27: Mười viện bảo tàng nghệ thuật phải viếng thăm

Louvre (Pháp)

Uffizi (Florence)

Vatican (Rome)

National Gallery (London)

Metropolitan (Newyork)

Prado (Madrid)

Hermitage (St.Peterburg)

Rijksmuseum (Amsterdam)

British Museum (London)

Kunsthistorisches (Vienna)

Chương 28: Mười bộ sách vĩ đại của mười nghệ sĩ vĩ đại

Bàn Về Hội Họa của Leonardo da Vinci

Cuộc Đời Của Những Họa Sĩ, Điêu Khắc Gia, Và Nhà Kiến Trúc Lừng Danh Nhất của Giorgio Vasari

Thơ Toàn Tập Và Thư Tuyển của Michelangelo

Ghi Chép của Eugene Delacroix

Những Bức Thư của Van Gogh

Rodin Bàn Về Nghệ Thuật của Paul Gsell

Niên Giám Kỵ sĩ Xanh, do Kandinsky và Franz Marc biên tập

Bàn về Tính Tâm Linh trong Nghệ Thuật của Kandinsky

Nhật Ký của Frida Kahlo: Một chân dung tự họa thân tình

Kiến Trúc Hundertwasser: Vì một nền Kiến Trúc Nhân Bản Hơn Hài Hòa với Tự Nhiên, của Hundertwasser.

Chương 29: Mười Nét Cọ Làm Rung Chuyển Thế Giới

Người Tạo Xu Thế cho Sơn Dầu: Jan van Eyck

Sương Khói Đó Là Gì Vậy? Leonardo da Vinci

Đánh Mất và Tìm Được trong Bóng Tối của Rembrand

Gã Kia Có Cần Đeo Kính Không? Monet và phái Ấn Tượng

Phong Cách Điểm Màu của Seurat

Nét Cọ Điên Cuồng: Van Gogh

Vẽ Cho Xanh: Picasso

Vẽ Màu Sắc Có Nhạc Điệu: Kandinsky

Pollock Ném Sơn

Vẽ Bằng Nùi Cao Su và Richter

PHẦN I: NHÂN LOẠI QUA TẤM GƯƠNG SOI

Trong phần này. . .

Trong phần này, tôi sẽ nói cho bạn biết lịch sử nghệ thuật là gì, tại sao con người làm nghệ thuật không ngừng nghỉ qua bao thời đại, và cách thức ngắm nhìn nghệ thuật. Bạn sẽ thấy tại sao nghệ thuật xứng đáng cần học hỏi (nghệ thuật cho bạn những loạt ảnh về sự tiến hóa của con người, trước và sau khi máy ảnh được phát minh). Và bạn sẽ nhìn thấy điều gì phân biệt nghệ thuật với lịch sử nghệ thuật __ và những gì kết nối chúng. Tôi kết thúc phần này bằng những mô tả ngắn gọn, hữu ích của mọi thời kỳ và phong trào nghệ thuật.

Chương 1

Nghệ Thuật qua các Thời Đại

Trong Chương Này

Tại sao học lịch sử nghệ thuật mà không học lịch sử âm nhạc, văn học sử, hay lịch sử tem bưu chính? Lịch sử nghệ thuật, bắt đầu khoảng 30,000 B.C. với những bức họa hang động xa xưa nhất (xem Chương 4), có trước chữ viết 26,500 năm! Điều này cho thấy lịch sử nghệ thuật còn xưa hơn lịch sử, chỉ bắt đầu khi có chữ viết khoảng 3,500 B.C .

Cùng với ngành khảo cổ, lịch sử nghệ thuật là một trong những cửa sổ chính yếu nhìn vào thời tiền sử (những chuyện xảy ra trước 3,500 B.C.). Tranh hang động, điêu khắc cùng kiến trúc thời tiền sử đã góp phần vẽ nên bức tranh sinh động __ mặc dù còn dở dang __ về cuộc sống thời Đồ Đá và Đồ Đồng. Không có lịch sử nghệ thuật, ta sẽ biết ít hơn nhiều về tổ tiên của mình.

Đồng ý, nhưng bạn cần lịch sử nghệ thuật để làm gì sau khi lịch sử đã có mặt khoảng 3,500 B.C.? Lịch sử là nhật ký của quá khứ __ người thời cổ viết về họ kết hợp với cách giải thích của chúng ta về những gì họ nói. Lịch sử nghệ thuật là tấm gương soi của quá khứ. Nó cho ta biết mình là ai, thay vì kể chuyện cho ta, như lịch sử đã làm. Giống như phim kỷ niệm gia đình lưu trữ hình ảnh gia quyến (bạn ăn mặc thế nào lúc lên năm, và bạn nhận được quà gì trong ngày sinh nhật), lịch sử nghệ thuật là “phim kỷ niệm gia đình” của gia đình toàn nhân loại qua các thời đại.

Lịch sử là nghiên cứu về chiến tranh và các cuộc chinh phạt, những chuyến di cư đông đảo, và những thử nghiệm xã hội và chính trị. Lịch sử nghệ thuật là chân dung của cuộc sống nội tâm của nhân loại: những khát vọng và niềm hứng khởi, những hy vọng và nỗi sợ hãi, sự thiêng liêng và ý thức bản ngã.

Đã là cổ sử, sao lại đào lên

Nếu chúng ta biết ta là ai cách đây 10,000 năm, ta sẽ hiểu rõ hơn mình là ai ngày hôm nay. Ngay cả nghiên cứu những bình cổ thời Hy Lạp Cổ Đại có thể tiết lộ nhiều điều về xã hội hiện đại __ nếu bạn biết cách nhìn và đọc các bình gốm.

Nhiều bình gốm Hy Lạp cho ta thấy hí viện Hy Lạp có hình dáng ra sao; sân khấu và rạp chiếu bóng hiện đại là hậu duệ trực tiếp của hí viện Hy Lạp (xem Chương 7), những bình gốm Hy Lạp mô tả những nhạc khí xa xưa, những vũ công nhảy múa, và những vận động viên tranh tài trong những kỳ Olympic cổ đại, tiền thân của thế vận hội Olympic ngày nay. Một số bình sứ cho thấy vai trò của phụ nữ và nam giới: Các bà mang các bình sứ gọi là hydrias; còn các ông thì trang trí chúng.

Nghệ thuật thời cổ cho ta biết những tôn giáo xa xưa (vẫn còn ảnh hưởng đến tôn giáo ngày nay của chúng ta) và những nỗi khủng khiếp của chiến tranh thời cổ. Lăng tẩm Rameses II ca tụng cuộc chiến của ông chống lại dân Hittites (xem Chương 6) và Cột Trụ Trajan (xem Chương 9), mô tả cuộc chinh phạt xứ Dacia (Ru-ma-ni ngày nay) của Hoàng đế Trajan, là những nhân chứng lâu đời ghi chép những cuộc chiến thời xưa định dạng các quốc gia và xác định ngôn ngữ chúng ta nói ngày nay.

Nghệ thuật không chỉ giới hạn cho hội họa và điêu khắc. Kiến trúc, một hình thái nghệ thuật khác, tiết lộ cách thức các ông và các bà đáp ứng lại và sống sót qua môi trường của mình, cũng như cách thức họ xác định và tự bảo vệ mình. Họ có xây dựng tường thành bất khả xâm phạm bao quanh thành thị của mình không? Họ có xây dựng lăng tẩm để thỏa mãn cái tôi như nữ hoàng Hatshepsut và pha-ra-ông Rameses II quang vinh (xem Chương 6)? Họ có xây dựng những đền đài để thờ phụng các vị thần của mình hay tôn vinh nền văn minh của mình như người Hy Lạp (xem Chương 7)? Hay họ khoa trương quyền lực của mình qua kiến trúc nhằm hù dọa kẻ thù của mình như người La Mã (xem Chương 8)?

Thế giới nghệ thuật sụp đỗ khi La mã suy vong, hay chỉ là đổi chiều

Nghệ thuật đổi chiều một cách rõ ràng với sự bùng phát của Thiên chúa giáo trong giai đoạn cuối cùng của Đế quốc La mã.

Suốt trong thời Trung Cổ, nghệ thuật và kiến trúc có sứ mạng thiêng liêng: nhằm hướng dẫn sự chú ý của con người đến Thượng đế. Nhà thờ vươn cao lên theo hướng đó, và điêu khắc cùng tranh vẽ chỉ đường đến thiên đường. Chúng mô tả những nỗi đau của Christ, các tông đồ, những kẻ tử vì đạo, ngày Phán Xét Cuối Cùng . . .

Những đặc điểm thể chất của con người không mấy quan trọng đối với nghệ sĩ trung cổ bằng những phấn đấu và khát vọng tâm linh. Vì thế họ có khuynh hướng biểu thị con người một cách tượng trưng hơn là hiện thực (xem Chương 10). Ở Byzanium, nghệ thuật tôn giáo có vai trò kép là tôn vinh Nhà Thờ Chính Thống cùng với Đế quốc La mã, kéo dài cho mãi đến 1453. Thế giới Hồi giáo dồn hết năng lực sáng tạo của mình vào kiến trúc và công trình trang trí tuyệt mỹ chưa hề bị vượt qua (xem Chương 9). Trong thời Phục hưng, tâm điểm tinh thần của con người lại dịch chuyển một lần nữa. Bạn có thể nói rằng những người Phục hưng có tầm nhìn kép: Họ mang kính hai tròng để có thể nhìn thật gần (những vật trần thế) và nhìn xa (thiên đường). Với tầm nhìn kép này, các nghệ sĩ Phục hưng tôn vinh con người lẫn Thượng đế mà không hạ bệ ai. Kính nhìn gần cho phép chủ nghĩa hiện thực trở lại mà ta gọi là Phục hưng: con người đòi lại di sản cổ điển (Hy lạp và La mã) của mình (xem Chương 11 và 12).

Cuộc Cải cách tách Thiên chúa giáo ra làm hai, kéo theo một loạt các cuộc chiến tôn giáo không khoan nhượng giữa Thiên chúa và Tin lành trong gần 200 năm. Để khôi phục lại thế lực đã mất, Nhà Thờ Thiên chúa phát động cuộc Kháng Cách vào giữa thế kỷ 16. Một trong những vũ khí Nhà thờ sử dụng là nghệ thuật tôn giáo khẳng định những giá trị Thiên chúa trong khi đánh bóng chúng cho có vẻ thân thiện với con người hơn. Những ông thánh Ba rốc tỏa ra vẻ rực rỡ duy tâm họ có trong thời Phục hưng và bắt đầu trông như thuộc tầng lớp lao động __ tầng lớp mà Nhà thờ cố bám víu vào (xem Chương 14). Nghệ thuật và kiến trúc Ba rốc đặc trưng bởi sự trang trí lộng lẫy, kỹ thuật chiếu sáng đầy ấn tượng, và những điệu bộ kịch trường hình như chạm đến người xem, pha trộn với tính hiện thực trần thế.

Trong thời đại máy móc, khi nào nghệ thuật nắm được quyền lực?

Nhiều nghệ sĩ trong thế kỷ 18, 19 tẩy chai, công kích cuộc Cách mạng Kỹ nghệ. Thay vì nâng cao con người, kỹ nghệ hình như làm con người băng hoại và mất nhân tính. Đàn ông, đàn bà, và trẻ em bị cưỡng bách làm việc 14 giờ một ngày, 6 ngày một tuần trong các nhà xưởng đô thị, không có trợ cấp hay nghỉ phép. Các xưởng máy gây ô nhiễm cho các thành phố, làm con người xa lìa đất đai, và hình như chỉ làm lợi cho người sở hữu chúng. Điều này khiến nhiều nghệ sĩ quay về với tự nhiên hay thời quá khứ hay thời Hoàng kim tưởng tượng khi cuộc sống tươi đẹp và công chính. Mặt khác nó thúc giục các nghệ sĩ khác cải cách xã hội thông qua nghệ thuật.

Những nghệ sĩ Tân cổ điển không vẽ xưởng máy, không tôn vinh mặt nổi của cuộc Cách mạng Kỹ nghệ: sự gia tăng sản phẩm. Thay vào đó, phái Tân cổ điển quay nhìn lại không khí trong lành và vẻ đẹp chắt lọc của thời kỳ cổ điển. Thường các nghệ sĩ mặc cho các nhân vật đương thời những trang phục La mã và vẽ họ trong tư thế những đấu sĩ Olympic. Trong nghệ thuật Tân cổ điển, không ai đổ mồ hôi hay gắng sức, tóc tai không rối bời; và mọi thứ đều lành lặn, duyên dáng, và ngăn nắp (xem Chương 16).

Người Lãng mạn tin vào tự do cá nhân và quyền con người. Họ cổ xúy và tích cực ủng hộ các phong trào dân chủ và công bằng xã hội; họ chống đối chế độ nô lệ và sự bóc lột lao động trong các xưởng máy. Tự do, bình đẳng, và sáng tạo là những thuật ngữ ưa thích của họ, và không ít người sẵn sàng chết cho lý tưởng ấy. Nhiều nghệ sĩ Lãng mạn nỗ lực cải tạo con người bằng cách đề cao mối liên hệ thiêng liêng của họ với tự nhiên. Một số khác tìm đến sự đồng cảm tinh thần với thần thánh qua sự sáng tạo của họ. Phái Lãng mạn là một nghệ thuật của những cảm xúc và nhiệt huyết nồng nàn làm thăng hoa sự tự do của con người, trong khi đương đầu với cái vô hạn và ngay cả cái chết (xem Chương 17).

Thế hệ sau của nghệ sĩ, các nhà Hiện thực (xem Chương 18), cố lôi kéo tầng lớp trung và thượng lưu quan tâm đến cuộc đấu tranh của người cùng khổ (những công nhân xưởng máy và nông dân) bằng cách thể hiện họ chân thật và hiền lương. Sự sáng chế ra ống màu sơn dầu vào năm 1841 khiến các họa sĩ có thể vẽ ngoài trời, nắm bắt được hình ảnh người lao động vào vải vẽ khi họ đang làm việc.

Các họa sĩ Ấn tượng cố nắm bắt và đưa vào mặt vải toan khoảnh khắc lướt qua và những hiệu ứng thay đổi của ánh sáng (xem Chương 19). Những nét cọ tới tấp của họ (bạn phải vẽ nhanh nếu muốn bắt được phút giây thoáng qua) khiến tác phẩm của họ có vẻ lờ mờ, hơi phơn phớt. Vào thập niên 1870, người ta cho rằng những bức họa của họ trông như còn dang dở__hoặc là các nghệ sĩ không đeo kính cận. Ngày nay phái Ấn tượng là phong cách phổ thông nhất trong suốt lịch sử nghệ thuật.

Phái Hậu- Ấn tượng (xem Chương 20) không có một lối nhìn chủ đạo như phái Ấn tượng. Thật ra, mỗi họa sĩ Hậu- Ấn tượng có một triết lý riêng của mình. Van Gogh theo đuổi một sức sống phổ quát bên dưới mọi vật; Gauguin lần theo những cảm xúc sơ khai và ”người thổ dân cao quý” đến tận Tahiti; Cezanne vẽ những khối hình học của tự nhiên; và Ensor lột trần xã hội bằng cách cho mỗi người một mặt nạ!

Thế giới hiện đại và tấm gương vỡ nát

Vào đầu thế kỷ 20, máy ảnh hình như chiếm độc quyền về tính hiện thực. Đó có thể là một lý do cho các họa sĩ không ngớt ngã về phía trừu tượng. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất. Lấy Cezanne làm ví dụ, nhiều nhà họa sĩ cố giản lược hình thể (thân thể con người, chẳng hạn) thành những thành tố hình học; mục tiêu đó một phần là động lực cho phái Lập thể (xem Chương 22). Phái Dã thú biểu hiện tình cảm bằng màu sắc, và phái Biểu Hiện thì bằng cách bóp mép hình thể (xem Chương 21).

Thế chiến I đóng sầm cánh cửa về quá khứ đối với nhiều nghệ sĩ vì trật tự cũ đã tạo ra chiến tranh __ cuộc chiến tệ hại nhất trong lịch sử. Cái gọi là phong trào “chống-nghệ thuật”, Dada (xem Chương 23), là một phản ứng trực tiếp đối với Thế chiến I. Nếu chiến tranh hợp lý, các nghệ sĩ sẽ không có lý. Lý thuyết của Sigmund Freud về vai trò của phần vô thức tạo cảm hứng cho phái Siêu thực (con cháu của Dada) vẽ nên những giấc mộng của mình và dụ dỗ phần vô thức trồi lên bề mặt để họ có thể dẫn nó vào nghệ thuật của mình (xem Chương 23). Thuyết tương đối của Eistein (xuất bản năm 1905) kích thích phái Tương lai đem kích thước thứ tư là thời gian vào tác phẩm của mình (xem Chương 22).

Những hành động bất công khủng khiếp trong thời suy thoái toàn cầu thập niên 1930, nạn phân biệt chủng tộc, và Thế chiến II thắp lửa nhiều nghệ sĩ, nhất là các nhiếp ảnh gia, tạo ra nghệ thuật dấn thân. Công nghệ mới khiến nhà nhiếp ảnh có thể nắm bắt con người đúng lúc và lén lút, cho thấy bộ mặt không dàn dựng và chưa bao giờ chân thực hơn của cuộc sống. Các ống kính của những nhà nhiếp ảnh báo chí tiền phong như Henri Cartier-Bresson, Dorothea Lange, và Margaret Bourke-White chụp cận cảnh cuộc sống nghèo khổ của thành thị, và chiến tranh, và cho thấy toàn cảnh tối tăm của thế giới (cũng như những hình ảnh tươi đẹp) trước đây đã bị cho vào sọt rác (xem Chương 25).

Sau cuộc tàn sát khủng khiếp người Do thái và nấm mồ Hiroshima, nhân loại hình như trễ hẹn cho một cuộc trị liệu phân tâm học. Đó chính xác là nơi mà một số nghệ sĩ và nhà tư tưởng đi đến. Các nhà phân tâm học tạo hứng khởi cho một họa sĩ Mỹ thời hậu chiến đi đầu trường phái Biểu hiện Trừu tượng (xem Chương 23), phong trào nghệ thuật Mỹ đầu tiên có ảnh hưởng và được nhiều người tham gia. Đó là Jackson Pollock, người đầu tiên bỏ những quả bom màu tung tóe lên mặt toan. Đúng ra, ông chỉ nhểu, đỗ, và ném màu vào vải vẽ thay vì dùng cọ.

Hội họa hành động của Pollock và de Kooning __ một thuật ngữ chỉ việc nhểu và ném sơn __ báo hiệu nghệ thuật đã chuyển từ thủ công sang hình thức biểu hiện thuần túy và khái niệm sáng tạo. Nhiều hình thức nghệ thuật mới thoát thai từ khái niệm cho rằng tiến trình thì quan trọng hơn sản phẩm. Kỹ thuật thủ công đã từng là viên đá tảng của nghệ thuật qua hàng thiên niên kỷ. Nhưng sau chiến tranh, Pollock và de Kooning hình như đã thả một quả bom nguyên tử lên chính nghệ thuật, giải phóng năng lượng sáng tạo thuần túy (và làm nổ tung hình thể thành từng mảnh nhỏ). Khái niệm hóa bắt đầu lèo lái tác phẩm của càng ngày càng nhiều họa sĩ. Tuy nhiên, trong khi khuynh hướng này tiếp tục trong nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật sắp đặt, và nghệ thuật khái niệm, một số nghệ sĩ quay trở về cách trình bày cũ. Phái Quang Hiện thực, chẳng hạn, cho thấy hội họa có thể giành lại tính hiện thực từ máy ảnh (xem Chương 25).

Hậu hiện đại (xem Chương 26) là một thuật ngữ kỳ cục. Nó gợi ý là chúng ta đã đi đến một ngõ cụt văn hóa, là chúng ta đã cạn kiệt ý tưởng và không thể tạo ra điều gì mới mẻ hay “hiện đại”. Tất cả điều còn lại chỉ là tái chế quá khứ hay thụt lùi về thời kỳ hang động. Các nghệ sĩ Hậu hiện đại đúng là có tái chế quá khứ, thường theo từng lớp: một bình của Hy lạp, một cốc của phái Kiến tạo, một cân của Baubaus, và một muỗng đầy của phái Hiện đại. Mục tiêu là gì? Các lý thuyết gia Hậu hiện đại cho rằng xã hội không còn là tâm điểm. Trong thời Trung cổ, nghệ thuật xoay quanh tôn giáo. Trong thế kỷ 19, nghệ thuật Hiện thực tập trung vào cải cách xã hội, và Siêu thực đắm chìm trong những giấc mơ và cõi vô thức. Nhưng từ thập niên 1970, quan điểm đã trở nên mềm dẽo. Ngay cả cánh tả và cánh hữu bên chính trị cũng đôi khi trộn lẫn nhau. Để biểu hiện sự tồn tại không có nền móng và không định hướng, các nghệ sĩ cố chứng tỏ mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại. Một số phê bình gia lập luận rằng Hậu hiện đại là một đoản mạch tinh thần, một cái nhìn chán chường tách rời ý nghĩa khỏi cuộc sống. Bạn hãy là người phán xét.

Chương 2

Tại Sao Con Người Làm Nghệ Thuật và Nghệ Thuật Có Ý Nghĩa Gì?

Trong Chương Này

Nghệ thuật đôi khi là hình thức giao tiếp bí ẩn. Điều gì họ muốn nói lên khi điêu khắc một tảng đá thành một nữ thần sinh sản hay một dạng hình học nứt nẻ? Trong chương này, tôi giúp bạn giải mã ngôn ngữ thị giác mà chúng ta gọi là nghệ thuật.

Tập Trung Vào Chủ Đích Của Nghệ sĩ

Tại sao nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật? Để vinh danh thần thánh, để ca ngợi nhà nước, để lật đỗ chính quyền, để người ta phải suy nghĩ, hay để được tiếng tăm và của cải? Hay họ chỉ làm nghệ thuật vì, đối với họ, sáng tạo cần thiết như hơi thở __ họ phải làm mà thôi.

Nghệ sĩ sáng tạo vì tất cả những lý do trên và thêm nữa. Trên hết, các nghệ sĩ lớn muốn diễn tả một điều gì đó sâu xa hơn những hình thức giao tiếp thông thường __ như nói hay viết __ có thể chuyển tải Họ nỗ lực đưa ra những ý nghĩa vượt quá tầm với của ngôn ngữ thường ngày. Vì thế họ sáng tạo ra ngôn ngữ thị giác để giải thích cho con người. Mỗi người có thể “đọc” ra ngôn ngữ hình ảnh này __ ngôn ngữ không có tự điển __ một cách khác nhau.

Sự khác biệt này trong cách mỗi người “đọc” một tác phẩm nghệ thuật thực sự là có thật đối với nghệ thuật được tạo tác trong vòng 500 năm qua. Nghệ thuật thời cổ hay Trung cổ (nghệ thuật làm trước 1400) thường có mục tiêu cộng đồng và một ngôn ngữ chung gồm những biểu tượng mà ai cũng hiểu; thường mục tiêu cộng đồng đó gắn liền với tôn giáo, nghi lễ, hoặc thần thoại.

Tôn giáo, nghi lễ, và thần thoại

Những tác phẩm nghệ thuật sớm sủa nhất __ những bức họa hang động thời tiền sử từ 30,000 B.C. đến 10,000 B.C. (xem Chương 4) __ chắc chắn là một phần chủ yếu của một nghi lễ Saman giáo (trong đó thầy tế lễ đóng vai ông đồng bước vào thế giới thần linh trong lần xuất hồn). Trong nhiều văn hóa tiền sử, con người tin rằng tôn giáo và nghi lễ giúp họ kiểm soát được môi trường của mình (chẳng hạn, những nghi lễ sinh sản kết nối với thần mùa màng và được thiết kế để bảo đảm một mùa bội thu) hay chuẩn bị cho thế giới bên kia. Nghệ thuật (và thường là nhảy múa và âm nhạc) luôn có một vai trò trong những nghi lễ tôn giáo này.

Các học giả không biết nhiều về tôn giáo của người tiền sử (những người sống cách đây giữa 30,000 B.C. và 3500 B.C). Nhưng họ hiểu rõ về những tôn giáo của những nền văn minh xa xưa nhất ở Mesopotamia và Ai cập (bắt đầu khoảng 3,500 B.C.). Một số nghệ thuật của Mesopotamia và hầu hết nghệ thuật Ai cập đều mang đề tài tôn giáo. Nghệ thuật Ai cập điển hình tập trung vào thế giới bên kia và mối liên hệ của con người với thần thánh.

Trong thời kỳ La mã (476 B.C - A.D. 500), nghệ thuật tôn giáo ít phổ biến hơn nghệ thuật thế tục (nghệ thuật nói về cuộc sống con người trên mặt đất). Nhưng nghệ thuật tôn giáo thống trị thời Trung cổ (500-1400), mất một số ưu thế trong thời Phục hưng nhân văn (1400-1520) và thời kỳ Mannerism (1520-1600) và trở lại trong thời kỳ Ba rốc (1600-1700) trong cuộc chiến tranh tôn giáo giữa Thiên chúa và Tin lành.

Chính trị và tuyên truyền

Hiến pháp Mỹ tuyên bố nhà thờ đứng ngoài nhà nước. Nhưng trong nhiều nền văn minh sớm sủa tôn giáo và chính trị là hai mặt của một đồng tiền. Các phara-ông Ai cập, chẳng hạn, tự coi mình là đại diện thiêng liêng của Thượng đế trên mặt đất. Nghệ thuật Ai cập đồng thời mang tính tôn giáo và chính trị. Khái niệm thần quyền của nhà vua, trong đó vua chúa mặc định là được Thượng đế chỉ định để cai trị nhân dân (và khái niệm này tiếp tục cho mãi đến cách mạng Pháp và Hoa kỳ trong cuối thế kỷ 18), đã bắt rễ trong những thông lệ Ai cập cổ xưa.

Ở Hy lạp cổ, Pericles (thủ lĩnh Athens ở thời điểm đỉnh cao văn hóa và chính trị) ra lệnh và trả chi phí cho việc xây dựng điện Parthenon và những đền đài khác (dùng tiền mượn vô thời hạn của các đồng minh của Athens) để khắc ghi quyền lực và thế lực của Athens. “Những công trình này sẽ sống mãi như một chứng tích của sự vĩ đại của chúng ta,” ông tuyên bố. Nghệ thuật có mục đích tôn vinh nhà nước.

Vào đầu thế kỷ 19, họa sĩ lãng mạn Pháp Eugene Delacroix đã đốt lên ngọn lửa chiến đấu cho nền dân chủ của nhân dân với bức họa Tự Do Dẫn Dắt Nhân Dân (xem Chương 17 và hình dưới).

1

Khi tôi nói nhảy … : Nghệ thuật do chủ đặt hàng

Một số công trình nghệ thuật được các ông chủ giàu có và có thế lực ủy nhiệm để phục vụ cho mục đích của họ. Một số chủ nhân đặt vẽ những bức họa tôn giáo trong đó có cảnh mình quỳ bên các thánh, nhằm muốn minh chứng cho lòng mộ đạo của mình để lấy điểm của Thượng đế. Những người khác đặt vẽ những bức họa nhằm tôn vinh họ và gia đình __ chẳng hạn, Philip II của Tây Ban Nha trả tiền cho họa sĩ Diego Velssquez nhằm làm gia đình Phil trở nên bất tử trong thời kỳ Ba rốc.

Một số chủ nhân ông chỉ muốn làm đầy ắp kho sưu tập nghệ thuật của mình và gia tăng uy thế__ như Pieter van Ruijven (1624-1674) là một trong số những người giàu có nhất ở Delt và là nhà bảo trợ chính của danh họa Vermeer.

Nhịp điệu

Nghệ thuật thị giác cũng có nhịp điệu, như âm nhạc. Mặc dù bạn không thể đánh nhịp theo nó, nhưng nhịp thị giác cũng làm mắt bạn đi từ màu nóng đến màu mát (như trong Niềm Vui Cuộc Sống của Matisse (xem ảnh), từ ánh sáng đến bóng tối, hay từ một đường uốn khúc đến một đường thẳng. Không có nhịp điệu biến hóa, tác phẩm sẽ đơn điệu (như tranh dán tường có cùng một nhịp điệu thị giác lặp đi lặp lại mãi), và mắt bạn sẽ dừng lại tại một điểm hoặc không nhận ra được điều gì cả.

Tính cân bằng

Mỗi phần của một bức tranh có một sức nặng thị giác. Người nghệ sĩ cẩn thận phân bố sức nặng này để cân bằng tác phẩm nghệ thuật. Hãy ngắm sự phân bố sức nặng thị giác trong bức Primavera của Botticelli: Hai nhân vật nam hai đầu đối diện nhau cân bằng bức tranh như một kệ giữ sách. Venus đứng ở giữa phân phát tình yêu từ trái qua phải ___ đến ba nàng tiên (bên trái người xem) và đến các nữ thần hoa cỏ (bên phải người xem). Nếu Botticelli đặt các thần và nàng tiên qua một bên, bức họa sẽ lệch hẳn. Ngoài ra, Botticelli đang kể hai câu chuyện tình trong cùng một bức tranh.

3

Niềm Vui Cuộc Sống (Henri Matisse)

4

Thường thường, một tác phẩm càng đối xứng và cân bằng (đôi khi đến độ cứng nhắc), càng cho thấy đó là tác phẩm mô tả một sự kiện thần thánh, quan trọng, hay lý tưởng, như trong bức Bữa ăn tối cuối cùng của Leonardo da Vinci (xem ảnh).

5

Tính tương phản

Sự cứng nhắc mà tính cân bằng thường mang lại có thể là vấn đề lớn nhất của tính cân bằng. Chẳng hạn, phần lớn các bức tượng Ai cập quá đối xứng đến nổi chúng hình như cứng nhắc và không thể di chuyển. Nghệ thuật cần một điều gì đó làm cán cân lệch đi một tí.

Tính tương phản có thể phá vỡ thế cân bằng trong khi duy trì nó, như trong bức Người Mang Giáo của Polykleito (xem Chương 7 và hình dưới). Bức tượng cân bằng, nhưng các chi co duỗi theo các chiều trái ngược nhau. Đầu gối trái và cánh tay phải co lại theo hướng ngược nhau cân bằng nhau trong khi tạo ra sự tương phản và căng thẳng.

Sự tương phản cũng có những vai trò khác trong nghệ thuật ngoài sự phá vỡ và duy trì tính cân bằng. Nó tạo ra sự thú vị và sôi nổi. Các nghệ sĩ có thể tạo ra sự tương phản bằng cách bù đắp những đường gợn sóng với các đường thẳng (một con đường uốn khúc bò qua một mạng lưới, chẳng hạn) hay bằng cách xếp kế cận những hình thể hữu cơ với hình thể hình học (như trồng một cây đào cạnh một khối chóp). Rene Magritte đã tạo ra những tương phản đầy kinh ngạc bằng cách đặt một phụ nữ mềm mại, gợi cảm cạnh một bức tường vững chắc hình hộp và một tảng đá (xem ảnh); màu của bức tường và phần cơ thể bên dưới của người phụ nữ hầu như giống nhau, nhưng bức tường thì nhám và có hình chữ nhật trong khi người phụ nữ thì mềm mại và gợi cảm. Đó là tương phản.

Nhấn mạnh

Nhấn mạnh __ một điều gì đó nổi bật đôi với phần còn lại trong một tác phẩm __ là yếu tố quan trọng. Các nghệ sĩ có thể đạt được sự nhấn mạnh bằng màu sắc bắt mắt, sự tương phản, hay sắp xếp một nhân vật (vào trung tâm của bức tranh, chẳng hạn). Như ký tự X được đánh dấu trên một địa điểm của bản đồ, sự nhấn mạnh kéo sự chú ý của người xem đến phần quan trọng nhất và duy nhất __ đến kho báu trong tác phẩm.

Đôi khi người nghệ sĩ đạt được sự nhấn mạnh bằng cách đặt một cái gì đó lạ lùng hay nổi bật vào giữa bức tranh (như một hình người tối, trong khi những hình người khác sáng tỏ) hay bằng cách vẽ một phụ nữ khỏa thân đang đi picnic cùng các ông trong trang phục chỉnh tề (như bức Bữa Ăn Trưa Trên Cỏ của Manet).

8

Giải mã ý nghĩa

Dĩ nhiên, nghệ thuật cũng chuyên chở ý nghĩa. Đôi khi nó kể một câu chuyện (chuyện kể thị giác); đôi khi nó gợi lên một ý nghĩa thông qua biểu tượng và ẩn dụ như một bài thơ; và ở lúc khác ý nghĩa hình như bơi lội bên trong cảm xúc bạn nắm bắt được từ nghệ thuật __ giống như trong âm nhạc (bạn như cảm nhận một ý nghĩa mơ hồ nào đó, nhưng cảm xúc lấn lướt nó).

Chuyện kể thị giác ABC

Làm sao bạn biết khi nào nghệ sĩ kể một câu chuyện? Để xác định xem một bức tranh có phải là một chuyện kể thị giác hay không, bạn nên tự hỏi ba câu hỏi sau:

Nếu trả lời đều là “Có”cả, thế thì nghệ sĩ chắc chắn đang kể một câu chuyện.

Làm thế nào bạn đọc được các câu chuyện này? Để đọc được một chuyện kể thị giác, bạn không cần phải bắt đầu từ bên trái và chuyển cái nhìn sang bên phải như bạn đang đọc sách __ dù đôi khi bạn làm thế như trong các thảm dệt Bayeux (xem Chương 10). Thay vào đó, bạn bắt đầu từ tiêu điểm (điểm mà nghệ sĩ dẫn dắt mắt bạn). Tiêu điểm có thể là đoạn đầu của câu chuyện __nhưng cũng có thể là cao trào.

Chìa khóa là tìm ra mối liên hệ trong bức tranh giữa những con người và giữa người và môi trường của họ. Có ai đang yêu không, thất tình không, ghen tuông không, hay thù hận không? Người ấy đang gắn bó với nơi chốn hay là kẻ vong thân? Bạn cũng tự hỏi mình điều gì đã xảy ra cho nhân vật trong bức tranh ngay trước lúc được mô tả, điều gì đang xảy ra ngay lúc đó, và điều gì sẽ xảy ra sau đó. Tìm ra manh mối, như hình người chỉ tay, nét biểu cảm của gương mặt, và những cử chỉ có ý nghĩa như trong bức Kêu Gọi Thánh Matthew của Caravaggio (ảnh dưới). Người trong tranh đang nhìn vào vật gì hay người nào? Hãy để ánh mắt y hướng dẫn mắt bạn.

9

Rút ra các biểu tượng

Biểu tượng thường là phần chủ yếu của chuyện kể thị giác và ngay cả của tranh chân dung và tĩnh vật. Hiểu được biểu tượng giúp bạn đi vào thế giới và cảnh ngộ của bức tranh. Nếu không, bạn có thể bỏ sót nhiều thông điệp của người nghệ sĩ. Chẳng hạn, nhiều nhà quan sát tin rằng con đường quanh co trong bức Mona Lisa của Leonardo da Vinci (xem Chương 11 và hình dưới trái) biểu tượng đường đời, hoặc như ban nhạc the Beatles đã gọi nó,”Con Đường Dài Ngoằn Ngoèo.” Sọ người trong Chàng Thanh Niên với Sọ Người của Frans Hal (hình dưới phải) hiển nhiên biểu tượng cho cái chết, và quả táo trong bức Gia Đình Thần Thánh trên Bậc Thang của Nicolas Poussin (hình dưới cùng) rõ ràng ám chỉ Vườn Địa Đàng mặc dù bạn không thấy Adam và Eve hay con rắn.

1011

Chương 3

Những Thời Kỳ và Phong Trào Nghệ Thuật Chủ Yếu

Trong chương Này

Lịch sử nghệ thuật được chia thành từng thời kỳ và phong trào. Trong chương này, tôi dẫn bạn thăm qua những mốc thời gian phân chia này, mô tả cho bạn một tham khảo nhanh gọn về những thời kỳ và phong trào chủ yếu.

Hiểu Được sự Khác Nhau giữa Thời Kỳ và Phong Trào

Phong trào nghệ thuật và thời kỳ nghệ thuật biểu thị nghệ thuật của một nhóm nghệ sĩ qua một khoảng thời gian nhất định nào đó. Sự khác biệt giữa một thời kỳ và một phong trào nằm ở khoảng thời gian và chủ đích.

Phong trào nghệ thuật

Phong trào nghệ thuật được khởi xướng có chủ đích bởi một nhóm nhỏ nghệ sĩ muốn cổ xúy và phát động một sự thay đổi. Một phong trào thường gắn liền với một phong cách nghệ thuật và thường một ý thức hệ. Giống như phong trào phụ nữ hay phong trào nhân quyền, một phong trào nghệ thuật có thể thúc đẩy một phối cảnh mới cho một vấn đề cụ thể. Chẳng hạn, những thành viên trong phong trào có thể chống đối chiến tranh hay một hệ thống chính trị nào đó. Đôi khi họ viết thỉnh nguyện thư nói rõ mục tiêu của họ và tổ chức họp nhóm hoạt động.

Điển hình, các nghệ sĩ trong phong trào sánh vai bên nhau, tổ chức những cuộc triển lãm chung. Nghệ thuật của họ chia sẽ những đặc điểm phong cách và tập trung vào những chủ đề như nhau.

Thời kỳ nghệ thuật

Thời kỳ nghệ thuật thường không lèo lái bởi một sự lựa chọn có ý thức về phần các nghệ sĩ. Những thời kỳ điển hình có tuổi thọ dài hơn phong trào và phát triển dần dần do những áp lực chính trị hay văn hóa lan rộng.

Thường thì thời kỳ nghệ thuật gắn với thời kỳ lịch sử song song với nó. Chẳng hạn, nghệ thuật Thiên chúa sơ khai ám chỉ nghệ thuật được làm trong thời kỳ Thiên chúa sơ khai. Các nghệ sĩ vẽ những đề tài Thiên chúa và chia sẻ chung những tín điều tôn giáo. Nhưng họ không viết thỉnh nguyên thư hay họp hành trong đó họ thảo luận về ý thức hệ và những kim chỉ nam về phong cách. Các sử gia nghệ thuật tập hợp họ với nhau vì họ sống trong cùng thời kỳ, vẽ những chủ đề giống nhau, và bị lèo lái bởi một tinh thần như nhau __ tinh thần của tôn giáo họ, văn hóa họ, và thời đại họ.

Tổng Quan về các Thời Kỳ Chủ Yếu

Thời kỳ nghệ thuật có thể kéo dài từ 20,000 năm đến chỉ 50 năm, tùy thuộc vào tốc độ biến đổi của văn hóa. Nghệ thuật hang động bắt đầu khoảng 30,000 B.C. và kết thúc cùng với thời kỳ Đồ Đá, hay Đồ Đá cũ, giữa 10,000 B.C. và 8,000B.C., tùy thuộc bạn sống ở đâu đối với Kỷ Băng Hà đang lui dần. Trong thời gian này, văn hóa thay đổi cũng nhanh như băng tan __ và việc này xảy ra trước sự ấm lên toàn cầu. Thời kỳ Tân cổ điển, trái lại, chỉ kéo dài khoảng 65 năm, từ 1765 đến 1830. Cuộc Cách mạng Kỹ nghệ làm tăng tốc sự biến đổi văn hóa và xã hội sau giữa thế kỷ 18.

Đôi khi sự phân biệt giữa một thời kỳ và một phong trào rất mờ nhạt. Thời Phục hưng Đỉnh cao __ mà một số người gọi là tiểu thời kỳ nằm trong thời Phục hưng dài 150 năm, còn người khác gọi là phong trào __ chỉ kéo dài từ 1495 đến 1520 vì hai trong ba trụ cột của thời Phục hưng Đỉnh cao chết vào năm 1519 và 1520. (Bạn không thể có một phong trào __ hay một thời kỳ __ nếu chỉ có một nghệ sĩ, cho dù đó là Michelangelo!)

Phái Mannerism (Kiểu cách) cũng có lần được coi là một thời kỳ, nhưng bây giờ được phần đông xem là một phong trào được khởi xướng vào giữa thập niên 1520 với những tác phẩm của Rosso Fiorentino, Pontormo, và Parmigianino. Chuyện là các nghệ sĩ này không cho mình là người theo phái Mannerism __ họ cho rằng nghệ thuật và phong cách của họ chỉ là phần kéo dài của những gì Raphael và những người khác hẳn sẽ làm trong thời Phục hưng Đỉnh cao. Dù biết hay không, họ cũng khai sinh một “kiểu cách” làm nghệ thuật, cùng với Michelangelo, rất khác biệt về mặt phong cách và trở thành một phong trào.

Thời kỳ tiền sử (30,000 B.C. - 2500B.C.)

Thời kỳ nghệ thuật tiền sừ tương ứng với Thời kỳ Đồ Đá Cũ và Đồ Đá Mới, khi con người dùng các công cụ bằng đá, sống sót nhờ săn bắt và hái lượm (trong thời Đồ Đá Cũ) hay nông nghiệp (trong thời Đồ Đá Mới), và chưa có chữ viết.

Mặc dù không thể viết, họ rõ rằng là biết cách vẽ và khắc chạm. Trong thời Đồ Đá Cũ, các nghệ sĩ vẽ những bức tranh thú trên vách động và điêu khắc đá thành hình thú và người. Nghệ thuật của họ hình như là một phần nghi lễ huyền bí hay lên đồng __ một hình thức sớm sủa của sự thấu thị __ giúp họ săn bắn. Ngay cả hành động vẽ trên vách chắc hẳn là một phần của nghi lễ này.

Trình độ vẽ đi xuống trong thời Đồ Đá Mới, cho dù họ sở hữu những công cụ bằng đá tinh xảo hơn, những đàn gia súc chăn nuôi, và những khu định cư sinh sống quanh năm. Nhưng kiến trúc thực sự đã chiếm hết mối quan tâm của họ với những lăng tẩm đá khổng lồ như Stonehenge, các đền đài, và những thành phố đầu tiên.

Thời kỳ Mesopotamia (3500 B.C - 500 B.C.)

Thời kỳ Mesopotamia bao gồm vài nền văn minh:

Nghệ thuật Mesopotamia thường là nghệ thuật chiến tranh, nghệ thuật tuyên truyền, hay tôn giáo và lăng tẩm. Mặc dù mỗi nền văn minh đóng góp những đặc điểm khác nhau cho văn hóa Mesopotamia __ người Assyria hiếu chiến phát triển lối kể chuyện thị giác, chẳng hạn __ nghệ thuật phát triển trong cùng một vùng (miền đất giữa các sông Tigris và Euphrates), và những dân tộc khác nhau sinh sống trên đó ảnh hưởng lẫn nhau. Nghệ thuật Mesopotamia thường là ca tụng bậc nam nhi, nhưng cũng tinh tế, và đôi lúc hài hước và có óc tưởng tượng cao.

Một bích họa thời kỳ Mesopotamia

Thời kỳ Ai cập (3100B.C. - 332 B.C.)

Nghệ thuật Ai cập có thể gọi là “nghệ thuật của người chết”, vì hầu hết nghệ thuật Ai cập được dành cho lăng tẩm. Phong cách Ai Cập thiên về đối xứng, cứng nhắc nhưng duyên dáng, phần lớn là không thay đổi, nhiều màu sắc, và có tính biểu tượng. Các nghệ sĩ Ai Cập cũng dùng lối kể chuyện thị giác, nhưng chuyện tranh của họ ít kịch tính và hiện thực hơn nghệ thuật Mesopotamia (xem phần trước).

Tượng Viên Thư Lại Đang Ngời (Ai cập)

Minoan, Hy lạp cổ, và nghệ thuật Hy lạp

Nhờ các cuộc chinh phạt của Alexander Đại Đế (356 B.C. _323 B.C.) và tình yêu của người La mã sau này đối với văn hóa Hy lạp, nghệ thuật trong các thành phố của Hy lạp cổ lan truyền từ Anh đảo đến Ấn độ, làm thay đổi bộ mặt của thế giới mãi mãi. Những người Minoan cổ ảnh hưởng đến văn hóa Hy lạp, nhưng thành tựu của họ bé nhỏ so với người Hy lạp.

Thời kỳ Minoan (1900 B.C. - 1350 B.C.)

Văn hoá và nghệ thuật Minoan có cuộc sống ngắn ngủi so với nghệ thuật Ai cập và Hy lạp. Nghệ thuật Minoan vui tươi và tập trung vào những nghi lễ tôn giáo, thể thao, cộng đồng, và những lạc thú thường ngày. Đó là nghệ thuật đầu tiên đã ca tụng cuộc sống thường ngày.

Thời kỳ Hy lạp cổ (c. 850 B.C. - 323 B.C.)

Nghệ thuật Hy lạp được chia thành thời kỳ cổ xưa (lỗi thời) và thời kỳ cổ điển và chuyển dần về hướng hiện thực. Người Hy lạp sáng chế những kỹ thuật như vẽ hình người màu đỏ, tư thế contrapposto (xem Chương 7, tư thế đứng bất đối xứng với vai và tứ chi xoay xoắn nhưng vẫn cân bằng), và phối cảnh cho phép nghệ sĩ biểu thị thế giới một cách hiện thực. Nhưng dù trông rất hiện thực nghệ thuật cổ điển Hy lạp cũng được gọi là lý tưởng hóa (tức làm đẹp hơn đời thực). Các tượng Hy lạp không có bụng bự, mụn nhọt, hay đường chân tóc lùi ra sau. Nghệ thuật của thời cổ điển (khi nghệ thuật Hy lạp lên đến đỉnh cao) được biết đến vì tính điềm đạm và vẽ đẹp thoát tục.

14

Một tượng Hy lạp

Thời kỳ Hellenistic (323 B.C. - 30 B. C.)

Thời kỳ Hellenistic (Hy Lạp hóa) bắt đầu với cái chết của Đại Đế Alexander và kết thúc với sự cố nữ hoàng Cleopatra tự tử. Đó là nghệ thuật Hy lạp đã tước bỏ hầu hết tính lý tưởng của nó (mặc dù không phải là tất cả). Phần lớn tượng thời Hellenistic vẫn còn hoàn hảo về mặt tạo tác, nhưng thay vì dáng trầm mặc, chúng có thể diễn tả sự thịnh nộ, nổi thống khổ, hay cơn khiếp sợ.

Nghệ thuật Etruscan và La mã

Bạn có thể gọi nghệ thuật Etruscan và La mã là văn hóa sao chép. Chúng vay mượn triệt để từ Hy lạp, nhưng cũng có đóng góp một phần nhỏ vốn của mình.

Thời kỳ Etruscan (thế kỷ 8 - thế kỷ thứ 4 B.C.)

Người Etruscan sống ở Etruria (ngày nay là Tuscany) không để lại nhiều công trình kiến trúc cho đời sau, và người La mã chinh phạt họ và xây dựng lên khắp đất đai họ. Nhưng người La mã không đào xới lăng mộ của Etruscan. Vì thế chúng ta hiểu được cuộc sống Etruscan phần lớn qua nghệ thuật lăng mộ của họ, một nghệ thuật vui tươi đáng kinh ngạc __ cũng dễ hiểu thôi, vì người Etruscan xưa xem cái chết là một tiếp nối dễ chịu của cuộc sống.

15

Bích họa Etruscan

Thời kỳ La mã (300 B.C. đến A.D. 476)

Người La mã cũng sao chép người Hy lạp. Nhưng các sử gia nghệ thuật không gọi thời kỳ La mã là sự rập khuôn theo Hy lạp. Giống như Etruscan, người La mã không chỉ bắt chước __ họ cũng thêm thắt chút ít vào phong cách Hy lạp. Về kiến trúc, người La mã đóng góp cổng vòm La mã, một sáng tạo giúp họ xây dựng hệ thống đường xá và cầu cống lớn nhất mà thế giới từng biết. Trong hội họa và điêu khắc, người La mã đẩy tính hiện thực xa hơn người Hy lạp thời Hellenistic. Những bức tượng bán thân các nghị sĩ và các hoàng đế trông trung niên, cương nghị, và thế tục.

Nghệ thuật Byzantine và Hồi giáo cổ

Thời kỳ Byzantine ( A.D.500- A.D. 1453)

Nghệ thuật Byzantine là kết hôn giữa sự tráng lệ La mã, truyền thống nghệ thuật Hy lạp, và chủ đề Thiên chúa. Nghệ thuật Byzantine có tính biểu tượng và ít tính tự nhiên hơn nghệ thuật Hy lạp và La mã đã tạo cảm hứng cho nó. Nó hướng về thế giới bên kia hơn là ở đây và bây giờ.

Dạng phổ biến nhất của hội họa trong thời kỳ Byzantine là hội họa tượng thánh. Tương thánh (hình ảnh thiêng liêng của Jesus, Mary, và các thánh) được dùng trong những buổi cầu kinh. Các nghệ sĩ Byzantine cũng thích làm việc trong lãnh vực khảm (ảnh được tạo ra bởi việc lắp ráp nhiều mảnh đá hay kính nhỏ).

Thời kỳ Hồi giáo (thế kỷ thứ 7 -)

Như Moses, Mohammed kết án hình tượng thờ, do đó trong nghệ thuật Hồi giáo không có nhiều tác phẩm mô tả con người. Các xứ Trung Đông và Bắc Phi đã cải sang đạo Hồi cũng là những nơi gìn giữ kiến thức uyên bác nhất của toán học và hình học. Một số kiến thức này hình như đã lọt ra giới nghệ thuật. Các nghệ sĩ Hồi giáo thường gắn kết những kiểu dạng đầy màu sắc và tinh vi không thể tin được vào thảm, bản thảo, đồ men sứ, và kiến trúc.

18

Thảm Hồi giáo

Thời Trung cổ (500-1400)

Nghệ thuật Trung cổ hầu như có tính Thiên chúa được tạo ra ở Âu châu sau thời La mã suy vong và trước thời Phục hưng. Hình dạng quen thuộc nhất của nó là những cửa sổ kính màu, những bản thảo được minh họa, bình chứa thánh tích (xương và bộ phận thân thể của các thánh) bằng vàng và bạc, bích họa kiến trúc, và các nhà thờ Rô man và Gô tích sừng sững. Nghệ thuật trung cổ chìm đắm trong thần bí và biểu tượng, tập trung vào sự phục sinh Thiên chúa.

Thời kỳ Phục hưng

Phục hưng nghĩa là “tái sinh.” Trong thời kỳ Phục hưng, các nghệ sĩ trở về với kiểu mẫu cổ điển trong hội họa, điêu khắc, và kiến trúc. Nghệ thuật tôn giáo Thiên chúa còn thống trị thị trường, nhưng những câu chuyện và hình ảnh trong nghệ thuật có khuynh hướng ca tụng con người và những sự vật trần thế. Giá trị ngày càng cao của cá nhân dẫn đến nhiều đơn đặt hàng vẽ chân dung, một thể loại đã biệt tăm trong thời Trung cổ. Với sự tập trung vào ở đây-bây giờ, chủ nghĩa hiện thực trở nên quan trọng không kém chủ nghĩa biểu tượng. Để làm tranh và hình chạm nổi trông như ba kích thước (như cửa sổ mở ra thế giới thực), các nghệ sĩ Phục hưng sáng tạo ra luật phối cảnh toán học.

Phục hưng Đỉnh cao (1495-1520)

Leonardo da Vinci, Michelangelo, và Raphael định hướng phong trào được biết là Phục hưng Đỉnh cao cho dù tác phẩm nghệ thuật của họ trông rất khác nhau. Cả ba người đều nỗ lực vươn đến sự hoàn thiện và thường tìm thấy điều này qua một bố cục hình học vững chãi.

Lý tưởng của Phục hưng Đỉnh cao là “cao” vì ba nghệ sĩ này mô tả những chủ thể được lý tưởng hóa, cho dù chủ thể có thể chỉ là một chiến binh trẻ tuổi xông xáo như David bất tử

Phái Mannerism (Kiểu cách) (1530-1580)

Tranh theo phái Mannerism

Sau khi chế ngự được tự nhiên, các nghệ sĩ bắt đầu bóp méo nó có chủ ý. Các nghệ sĩ phái Mannerism kéo dài thân thể con người, tạo ra những tư thế vặn vẹo, và những phong cảnh méo mó, thường tích hợp thêm tính biểu tượng và năng lượng tinh thần hoặc tình dục. Nghệ thuật không còn là một cửa sổ mở ra một phiên bản lý tưởng hóa của thế giới thực, mà là một cửa sổ mở vào một sự tưởng tượng kỳ quái và trù phú của nghệ sĩ.

Nghệ thuật Ba rốc và Rococo

Các nghệ sĩ Ba rốc đổi tính điềm tĩnh hình học của thời Phục hưng lấy kịch tính liên quan đến người xem. Nghệ thuật Rococo bỏ bi kịch của Ba rốc trong khi đưa khía cạnh trang trí của nó lên cực điểm.

Thời kỳ Ba rốc (1600-1750)

Ba rốc phát triển trong thời Kháng Cách (nỗ lực cải cách của Nhà Thờ Thiên chúa trong thế kỷ 16) và trở thành vũ khí tuyên truyền trong các cuộc chiến tôn giáo giữa Cơ đốc và Tin lành trong thế kỷ 16 và 17. Nhà thờ Thiên chúa muốn nghệ thuật tạo ra lời kêu gọi tình cảm mạnh mẽ và trực tiếp nhằm nắm bắt được sự chú ý của đám dân thường và trói buộc họ vào lòng tin Thiên chúa. Các nhà thờ Ba rốc chứa đầy các tác phẩm điêu khắc và hội họa đầy kịch tính.

Trong miền đất Tin lành, các nghệ sĩ Ba rốc vượt ra ngoài khuôn khổ để hạ thấp tầm quan trọng của các thánh, ưa thích hơn những đề tài biểu tượng cho những bức tranh mang tính đạo lý như phong cảnh tích hợp ý nghĩa, những cảnh sinh hoạt thường ngày mang tính ngụ ngôn, và những bức họa vẽ cây trái cho thấy tính vô thường của cuộc sống trên mặt đất. Các vua chúa cũng mướn các nghệ sĩ Ba rốc ca tụng sự giàu có và quyền thế của mình.

Thời kỳ Rococo (1715-1760)

Rococo là nghệ thuật Ba rốc đang say sưa. Đây là loại hình nghệ thuật được vua chúa, và các giám mục giàu sụ ưa thích. Tính trang trí của tranh, bản khắc, điêu khắc, và kiến trúc Rococo thường quan trọng hơn đề tài.

Tân cổ điển và Lãng mạn

Tân cổ điển và Lãng mạn xuất hiện trong thời Khai sáng và các cuộc cách mạng Mỹ, Pháp, và Kỹ nghệ. Theo một nghĩa nào đó, Tân cổ điển và Lãng mạn không chỉ là những thời kỳ mà còn là phong trào. Một số biện pháp có ý thức được các nghệ sĩ Tân cổ điển và Lãng mạn lựa chọn : Họ chọn phong cách nghệ thuật chuyên chở thông điệp chính trị và/hay tinh thần.

Tân cổ điển (1765-1830)

Tân cổ điển cũng là một sự trở về khác với phái Cổ điển Greco-Roman. Đó là môn nghệ thuật được đề cao nhằm mô tả những nhân vật của thời kỳ như là những thần thánh và anh hùng Hy lạp. Tư thế và cử chỉ thường khoa trương của họ thì lớn lao hơn sự thật.

Phái Lãng mạn (cuối những năm 1700- đầu những năm 1800)

Các nghệ sĩ Lãng mạn tránh né cuộc Cách mạng Kỹ nghệ, tấn công số vua chúa dư thừa, và đấu tranh cho quyền con người. Một số náu mình nơi tự nhiên; số khác tìm đến sự pha trộn mạnh mẽ giữa nổi sợ hãi và niềm kính sợ trong những tranh vẽ cảnh đất và cảnh biển. Tưởng tượng với chữ T hoa và Tự nhiên với chữ T hoa là suối nguồn của sức sáng tạo không kềm hãm.

Tổng Quan Về Những Phong Trào Chủ Yếu

Khi khuynh hướng thiên về “phong trào”, thời kỳ từ từ bị đẩy ra ngoài khung cảnh. Từ thế kỷ 19, định hướng nghệ thuật không còn nhận lệnh từ nhà thờ hay nhà nước, mà chỉ từ chính các nghệ sĩ mà thôi.

Phái hiện thực (thập niên 1840-thập niên 1880)

Các nhà hiện thực xác quyết sự vẹn toàn của thế giới vật lý bằng cách lột bỏ tất cả những gì họ xem là mơ màng hay mờ mịt. Họ vẽ cuôc sống với một sự chân thật trần trụi__hay ít ra họ tuyên bố như vậy.

Phái Huynh Đệ Tiền-Raphaelite (1848-thập niên 1890) và phong trào Nghệ Thuật và Thủ Công (thập niên 1850-thập niên 1930)

Trong giữa thế kỷ 19, nhóm Huynh Đệ Tiền-Raphaelite ở Anh tạo ra một nghệ thuật nhằm phản kháng những hiệu quả tiêu cực của cuộc Cách mạng Kỹ nghệ: những thành phố bụi bặm, cảnh nghèo khổ, và vân vân. Họ khước từ xã hội duy vật do cuộc Cách mạng Kỹ nghệ nuôi dưỡng và đạp xe lốc cốc trở về chủ nghĩa thần bí của thời Trung cổ, thường mô tả những chuyện lãng mạn thời Arthur và những huyền thoại trung cổ khác trong những bức họa và cửa sổ kính màu. Phong trào Nghệ thuật và Thủ công, do William Morris sáng lập, một trong những phong trào Tiền Raphaelite, ưa thích những xưởng thợ trung cổ thủ công hơn là những xí nghiệp bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Họ ưa thích đồ thủ công mỹ nghệ làm ra trong những xưởng nhỏ hay làng nghề nghệ sĩ.

Phái Ấn tượng (1869-cuối thập niên 1880)

Phái Ấn tượng vẽ những lát cắt của cuộc sống thường nhật dưới ánh sáng tự nhiên: dân chúng đi picnic, tản bộ trong công viên, một cuộc khiêu vũ mùa hè ngoài trời. Nhưng nghệ thuật Ấn tượng không đóng băng đời sống theo cách mà tranh cổ điển mô tả. Thay vào đó, bằng cách nắm bắt những biến đổi tinh tế của không khí và ánh sáng dịch chuyển, những bức tranh của phái Ấn tượng chuyển tải giây phút thoáng qua của cuộc sống.

22

Hậu-Ấn tượng (1886-1892)

Hậu-Ấn tượng không phải là một phong trào đúng nghĩa, mà chỉ là sự phân loại một nhóm các nghệ sĩ khác nhau như Vincent van Gogh và Henri de Toulouse-Lautrec vẽ trong sự tĩnh thức của phái Ấn tượng.

Phái Dã thú và Biểu hiện

Cả hai phong trào trong đầu thế kỷ 20 này đẩy nghệ thuật theo chiều hướng trừu tượng bằng cách lược giản hay bóp méo hình thể và bằng cách dùng những màu sắc biểu hiện hơn là tự nhiên.

Phái Dã thú

Phái Dã thú là một phong trào non yểu đứng đầu là Henri Matisse và Andre Derain. Phái này giản lược hình thể bằng cách cách điệu hóa nó. Họ cũng làm dẹt phối cảnh. Khiến tranh họ trông không như cửa sổ mở ra thế giới mà giống giấy dán tường hơn. Người lãnh đạo phong trào, Henri Matisse, tin rằng nghệ thuật nên gây hứng khởi và có tính trang trí, và trông vui mắt. Nghệ thuật Dã thú đúng là có nét hấp dẫn của giấy dán tường. Đó là loại nghệ thuật bạn có thể treo trong phòng chơi của trẻ con.

23

Phái Biểu hiện (1905-1933)

Phái Biểu hiện là hai phong trào Đức: Die Brucke (Chiếc Cầu) và Der Blaue Reiter (Kỵ sĩ Xanh). Mỗi phong trào này có những mục tiêu hơi khác, nhưng chúng sử dụng những kỹ thuật giống nhau và vẽ những đề tài giống nhau.

Các nghệ sĩ Biểu hiện bóp méo vẻ ngoài của con người và nơi chốn để biểu hiện nội giới. Trên mặt toan của một họa sĩ Biểu hiện, một tiếng thét bóp méo không chỉ gương mặt mà còn toàn thân. Tương tự, sự điên dại bên trong một nhà thương điên vặn vẹo kiến trúc của nó khiến nó trông cũng như “điên”luôn.

Tiếng Thét (Edward Munch)

Phái Lập thể và Tương lai

Cả hai phái này bẻ gãy thực tế vật lý thành những miếng nhỏ, nhưng với những lý do rất khác nhau.

Phái Lập thể (1908-thập niên 1920)

Phái Lập thể có thể gọi là khía cạnh nghệ thuật của thuyết tương đối của Einstein. Tất cả đều tương đối; những gì bạn thấy tùy thuộc vào góc nhìn của bạn. Georges Braque và Pablo Picasso sáng tạo ra trường phái Lập thể để người xem có thể quan sát một người hay một vật dưới nhiều góc nhìn khác nhau trong cùng một lúc.

Cô Gái Chơi Đàn Mandolin (Pablo Picasso)

Phái Tương lai (1909-thập niên 1940)

Không như hầu hết phong trào nghệ thuật, thay vì quay lung lại với thời đại máy móc, những người Tương lai ôm lấy công nghệ, tốc độ, và rủi thay, cả bạo lực và chủ nghĩa Phát xít. Họ cảm thấy chủ nghĩa Phát xít là loại chính quyền duy nhất có thể thực hiện cuộc tẩy rửa văn hóa mà họ tin xã hội đó cần đến. Phong trào của họ đặt cơ sở chủ yếu ở Ý và Nga trước Cách mạng

26

Nhà Chọc Trời và Đường Hầm

Phái Dada và Siêu thực

Thế chiến I gây ra sự tàn phá và thống khổ chưa từng có ở Âu châu. Các nghệ sĩ vỡ mộng phản ứng lại bằng cách chối bỏ những giá trị truyền thống và loại hình nghệ thuật của nền văn hóa mà họ tin là đã châm ngòi cho cuộc chiến.

Phái Dada (1916-1920)

Sự điên cuồng của Thế chiến I đã đẻ ra Dada, khởi phát ở nước Hà lan trung lập và sau đó nhanh chóng lan truyền khắp châu Âu, “Nghệ thuật” của họ chế giễu nền văn hóa đương thời, bao gồm nghệ thuật chính thống bằng biểu tình,”hành động”, và nghệ thuật - nhạo báng. Những người theo Dada lập luận rằng lối suy nghĩ có lý trí đã gây ra chiến tranh do đó, thuốc chữa cho chiến tranh sẽ là lối suy nghĩ phi lý.

Phái Siêu thực (1924-thập niên 1940)

Phái Siêu thực lấy cảm hứng từ Dada và những lý thuyết về vô thức của Freud. Như phái Dada, phái Siêu thực (nhiều người trước đây theo phái Dada) hy vọng chữa lành bệnh cho loài người bằng cách khinh rẻ thế giới duy lý. Nhưng thay vì nhạo báng nghệ thuật và truyền thống nghệ thuật hiện có như phái Dada, họ tìm cách giao tiếp với thực tại bản năng, sâu thẳm của cõi vô thức. Họ vẽ lên những giấc mơ của mình, thực tập những kết hợp tự do, và trộn lẫn trật tự duy lý của cuộc sống trong nghệ thuật của họ bằng cách sắp kề cận những vật thể mà thông thường và theo lý thì không phù hợp nhau: một máy hút bụi cắm điện từ một thân cây, một đầu máy xe lửa chạy ra từ một lò sưởi, một đồng hồ tan chảy vắt qua một cành cây khô.

27

Phái Tối cao, Kiến tạo, và De Stijl: Nghệ thuật Phi Vật thể

Phái Dã thú, Lập thể, Dada, và Siêu thực giải phóng các nghệ sĩ nhằm khám phá thực tại theo những cách phi truyền thống. Phái Tối cao, Kiến tạo, và phong trào nghệ thuật De Stijl sóng bước bên nghệ thuật biểu thị một cách toàn diện, đi lại trong lĩnh vực trừu tượng thuần túy, hay nghệ thuật phi vật thể.

Phái Tối cao (1813-1934)

Lãnh tụ của phái Tối cao, Kazimir Malevich, nỗ lực giải phóng cảm xúc khỏi hình thể, cắt đứt mối kết hợp của nó với nghệ thuật biểu thị. Ông tin rằng hiện thực như nhiếp ảnh __ giống như bạn thấy trong bức Mona Lisa __ đặt một bức tường ngăn cách giữa người xem và cảm xúc tinh túy mà nghệ sĩ cố gắng biểu hiện. Ông tin rằng phần đông người xem chỉ thấy bức họa mà không trải nghiệm “cảm xúc nội tâm.” Vì thế ông lột bỏ đi sự biểu thị hay hình ảnh để giải phóng cảm xúc.

Bố Cục (Kazimir Malevich)

Phái Kiến tạo (1914-1934)

Những họa sĩ Nga thuộc phái Kiến tạo từ chối làm nghệ thuật để triển lãm hay giữ trong viện bảo tàng. Họ muốn tạo ra bộ môn nghệ thuật thực hành mà những công nhân bình thường có thể sử dụng và biểu thị thế giới không tưởng mà chủ nghĩa xã hội hứa hẹn sẽ tạo ra.

Phái De Stijl (1917-1931)

De Stijl là hình học nghệ thuật, chỉ sử dụng một ít hình thể và màu cơ bản __ đỏ, xanh, và vàng __ cùng với đen và trắng. Lãnh tụ phong trào De Stijl, Piet Mondrian, tin rằng có hai loại vẻ đẹp: vẻ đẹp chủ quan (trong đó ông liên kết với thế giới của giác quan) và khách quan (mà ông xem là phổ quát và trừu tượng). Các nghệ sĩ DeStijl muốn mô tả vẻ đẹp khách quan, vì thế họ tránh lối biểu thị như nhiếp ánh (hiện thực) vì nó đánh thức cảm xúc chủ quan.

Một tranh của Piet Mondrian

Phái Biểu hiện Trừu tượng (1946-thập niên 1950)

Sau Thế chiến II, y như là các nghệ sĩ Mỹ đã thả bom xuống chủ nghĩa Biểu hiện Đức, phá tung tóe khía cạnh biểu thị của nó và chỉ để lại sự biểu hiện trần trụi. Trong phái Biểu hiện Đức, xúc cảm bóp méo bộ mặt của thực tại (cách mà mặt người bị bóp méo bởi những cảm xúc cực kỳ, nhưng vẫn còn nhận diện được). Trong Biểu hiện Trừu tượng, xúc cảm bóp méo bộ mặt thực tại không còn nhận diện được. Một trong những nhà Biểu hiện Trừu tượng nổi tiếng nhất của Mỹ, Jackson Pollock, đạt được hiệu quả này bằng cách ném sơn vào mặt vải vẽ.

Phái Pop Art (thập niên 1960)

Trong những năm đầu của thập niên 1960, các nghệ sĩ Pop Art quyết định kết nạp những phong cách quảng cáo mới, những quái chiêu của ngôi sao màn bạc, và sự khát khao những thứ luôn đổi mới đặc trưng nước Mỹ thời hậu chiến. Nghệ thuật của họ đôi khi khó phân biệt với phim ảnh và quảng cáo mà họ vay mượn.

Một tác phẩm của Jackson Pollock

Nghệ thuật khái niệm, trình diễn, và nghệ thuật nữ tính (cuối thập niên 1960-thập niên 1970)

Vào cuối thập niên 1960, thế giới nghệ thuật tách ra nhiều phong trào nhỏ khó mà lần theo hết được. Trong một của những phong trào cực đoan này, các nghệ sĩ tin rằng họ không cần tạo ra tác phẩm gì hết (hơi giống phái Dada) mà chỉ đơn giản khai sinh những khái niệm hay ý tưởng. Thực tế, nghệ thuật khái niệm này, như được biết, thường là một dạng trình diễn hay “sự kiện” có thể rất tự phát và dẫn dắt bới khán giả. Đôi khi đơn giản chỉ là viết chữ lên tường. Một họa sĩ theo phái khái niệm đã dựng lều với một con sói đồng cỏ suốt một tuần lễ trong phòng triển lãm mỹ thuật để bắt người xem suy nghĩ về cách đối xử người da đỏ Bắc Mỹ. Nghệ thuật nữ tính liên kết với nghệ thuật khái niệm theo cách nó tập trung vào bất bình đẳng mà phụ nữ bị đối xử và nỗ lực cổ xúy sự thay đổi. Phong trào không có phong cách cố định. Nó có thể bao gồm một bức vẽ trên vải hay một nhóm các bà ăn mặc trang phục khỉ đột gây náo loạn tại một sự kiện công cộng để phát truyền đơn.

Phái Hậu hiện đại (1970-)

Hậu hiện đại có nghĩa cuộc sống “sau chủ nghĩa Hiện đại.” Và chủ nghĩa Hiện đại chỉ đến một phong cách nghệ thuật xuất hiện khoảng giữa 1890 và 1970. Các tư tưởng gia của phái này nhìn xã hội đương thời như một thế giới bị phân mảnh không có trung tâm, không có gì tuyệt đối, không có nền tảng văn hóa. Nhưng thường nó được xây dựng trên quá khứ, vốn sở hữu những chất lượng ấy một cách thừa thải.

Làm thế nào bạn nắm bắt được hình mosaic của thế giới Hậu hiện đại phức hợp trên mặt vải toan hay trong một tòa nhà? Các nghệ sĩ và kiến trúc sư Hậu hiện đại đôi khi thực hiện điều này bằng cách vay mượn quá khứ và bằng cách trộn lẫn những phong cách cũ cho đến khi chúng dệt nên một phong cách mới phản ánh xã hội đương thời.

Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/su-nghe-thuat-a40634.html