Việt Nam thí điểm mô hình tăng cường tiếp cận điều trị bệnh viêm gan C

Với hỗ trợ từ WHO và Quỹ Toàn Cầu (Global Fund), một chương trình thí điểm ở Việt Nam đang áp dụng công nghệ mới nhằm cải thiện việc tiếp cận chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan C.

Khi anh Đàm Thế Hanh, 45 tuổi, xét nghiệm dương tính với viêm gan C vào năm 2014, anh không đủ khả năng chi trả để chữa bệnh.

“Tôi tìm hiểu về bệnh (viêm gan C), để chuyển biến thành ung thư thì rất nhanh,” anh Hanh kể lại. “Tôi nghĩ, mọi chuyện cũng chỉ là sớm hay muộn, nên mình cũng buông xuôi”.

Mười năm sau, anh Hanh tham gia vào một chương trình thí điểm do Bộ Y tế triển khai với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đưa các hoạt động xét nghiệm và điều trị bệnh viêm gan C đến y tế tuyến quận, huyện.

Từ tuyệt vọng đến hy vọng: Trong mười năm, Đàm Thế Hanh đã tin rằng anh sẽ không bao giờ khỏi bệnh viêm gan C. Ảnh: WHO Việt Nam/ Thùy Trang

Chị La Thị Tươi, 42 tuổi, cũng tham gia vào chương trình này. Chị bắt đầu đi khám khi sức khỏe có biểu hiện suy giảm rõ ràng.

“Em không ngủ được, mắt lúc nào díu vào nhưng không ngủ được. Người không biết đói, không biết no, ăn cái gì cũng đầy bụng,” chị Tươi kể lại.

Tại Trung tâm Y tế Quận Nam Từ Liêm, các nhân viên y tế đặt mẫu xét nghiệm của chị Tươi vào máy xét nghiệm tại điểm chăm sóc. Trong vòng 60 phút, chị được thông báo kết quả xét nghiệm có vi rút viêm gan C trong máu. Trong cùng ngày, chị được cấp thuốc điều trị của tháng đầu tiên trong liệu trình ba tháng.

Đã đến lúc hành động: chị La Thị Tươi, 42 tuổi, kêu gọi mọi người hãy tìm kiếm tư vấn từ cán bộ y tế nếu nghĩ rằng mình có thể bị nhiễm vi rút viêm gan C. Ảnh: WHO Việt Nam/ Thùy Trang

Viêm gan C lây truyền qua tiếp xúc với máu bị nhiễm vi rút hoặc qua quan hệ tình dục. Bệnh có thể lây qua việc dùng chung bơm kim tiêm, thực hiện thủ thuật y tế không đảm bảo vô khuẩn như truyền máu không được sàng lọc trước, hoặc quan hệ tình dục không an toàn. Vi rút viêm gan gây tình trạng viêm ở gan, có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan và suy gan, cuối cùng dẫn đến tử vong.

Việt Nam đứng trong top 5 nước có tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư gan cao nhất thế giới và có khoảng 8 triệu người mắc viêm gan vi rút B, vi rút C hoặc cả hai.

Tuy nhiên, khoảng 90% người mắc viêm gan C trên toàn cầu không biết mình mắc bệnh và vì vậy, họ không được chẩn đoán và dùng thuốc để được chữa khỏi.

Có một số rào cản ảnh hưởng đến việc xét nghiệm chẩn đoán và điều trị viêm gan C. Những rào cản này bao gồm việc xét nghiệm, chẩn đoán chỉ có thể được thực hiện tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương, người dân có thể không có triệu chứng hoặc không biết họ cần phải xét nghiệm, và thường phải chờ kết quả xét nghiệm rất lâu. Thêm vào đó, chi phí điều trị có thể cao gấp 4 lần thu nhập bình quân hàng tháng. Vì vậy, nhiều người mắc viêm gan C vẫn không được điều trị.

Từ năm 2023, Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, Hà Nội và Bệnh viện huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ đã gỡ bỏ những rào cản này bằng cách ứng dụng máy xét nghiệm tại điểm chăm sóc vốn được sử dụng để chẩn đoán bệnh lao và lao kháng thuốc. Cùng với hỗ trợ từ WHO và Bộ Y tế, các nhân viên y tế đã bắt đầu ứng dụng máy xét nghiệm tại điểm để đo tải lượng vi rút viêm gan C cho người bệnh. Cả xét nghiệm và thuốc điều trị đều miễn phí.

Xét nghiệm tại điểm chăm sóc giúp các bác sĩ đưa ra chẩn đoán và kê đơn điều trị ngay trong cùng ngày và vì vậy giảm nguy cơ lây truyền vi rút từ người bệnh sang người khác, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn, hoặc giảm mất dấu trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm.

Tổ chức Y tế Thế giới đã hỗ trợ việc thiết kế và triển khai chương trình thí điểm, phối hợp với Cục Phòng, Chống HIV/AIDS (VAAC) và Chương trình Chống lao Quốc gia, cùng sự tài trợ thuốc điều trị viêm gan C đến từ Quỹ Toàn Cầu.

Trong năm đầu tiên, Trung tâm Y tế Quận Nam Từ Liêm đã chẩn đoán được 371 người mắc viêm gan C và khoảng 98% đã được điều trị. Cho đến nay, đã có hơn 100 người hoàn thành liệu trình điều trị và 99% số bệnh nhân này đã khỏi bệnh.

Xét nghiệm tải lượng virút viêm gan C trên máy xét nghiệm tại điểm chăm sóc tại Trung tâm Y tế Nam Từ Liêm. Ảnh: WHO Việt Nam/ Thùy Trang

Chương trình thí điểm đã chứng minh viêm gan C hoàn toàn có thể được chẩn đoán và điều trị tại các cơ sở y tế tuyến huyện, gần nơi người dân sinh sống. Sắp tới, chương trình sẽ được mở rộng ra nhiều tỉnh thành hơn vào năm 2025 với sự hỗ trợ của Quỹ Toàn Cầu.

Đồng thời, vào cuối năm 2024, hai cơ sở y tế thí điểm trên sẽ bắt đầu cung cấp xét nghiệm tải lượng HIV, sử dụng cùng công nghệ xét nghiệm tại điểm chăm sóc. Điều này có nghĩa là người sống chung với HIV cũng được hưởng lợi từ dự án này.

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện của WHO tại Việt Nam cho biết việc tiếp cận với xét nghiệm đã thực sự là một sự thay đổi lớn cho cả người bệnh và hệ thống y tế nói chung.

“Đưa xét nghiệm chẩn đoán đến gần nơi người dân sinh sống có thể giúp làm tăng đáng kể số lượng người dân Việt Nam được xét nghiệm và chữa khỏi bệnh viêm gan C. Việc mở rộng khả năng tiếp cận chăm sóc y tế cho bệnh viêm gan góp phần giảm bớt gánh nặng cho cá nhân, cộng đồng, cả hệ thống y tế và nền kinh tế”.

“Mong rằng, chi phí cho xét nghiệm sẽ được bảo hiểm y tế chi trả trong tương lai, để giúp nhiều người dân được hưởng lợi từ dịch vụ y tế thiết yếu này”.

“Chúng tôi hy vọng kết quả của chương trình thí điểm sẽ đưa Việt Nam tiến gần hơn đến đến mục tiêu loại trừ bệnh viêm gan vi rút vào năm 2030.”

Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, xét nghiệm tại chỗ không chỉ mang đến lợi ích về mặt sức khoẻ mà còn là cách tận dụng nguồn lực y tế hiệu quả.

“Việc sử dụng các máy xét nghiệm tại điểm chăm sóc sẵn có tại các cơ sở y tế để xét nghiệm nhiều loại bệnh khác nhau có ý nghĩa đối với cả cơ sở y tế và bệnh nhân. Đây là một ví dụ tuyệt vời cho thấy việc tích hợp các dịch vụ và tăng cường năng lực tuyến y tế cơ sở đã cải thiện việc tiếp cận của người dân với các dịch vụ chẩn đoán và điều trị lao, viêm gan C và HIV.”

Cải thiện tiếp cận dịch vụ: cán bộ y tế Mai Thị Bích Hồng cho biết chương trình đã giúp nhiều người tiếp cận dịch vụ chăm sóc hơn. Ảnh: WHO Việt Nam/ Thùy Trang

Chị Mai Thị Bích Hồng là một trong những người tham gia triển khai chương trình thí điểm tại Trung tâm Y tế Quận Nam Từ Liêm, cho biết chương trình thí điểm đã mang đến sự khác biệt rất lớn cho bệnh nhân.

“Các nhân viên y tế cố gắng một chút thôi thì những người bệnh sẽ được hưởng lợi. Càng nhiều người được tiếp cận sớm với điều trị, sống khỏe mạnh sẽ giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho toàn xã hội,” chị Hồng cho biết.

Chương trình thí điểm sẽ triển khai đến tháng 6 năm 2025 với kết quả ban đầu rất khả quan.

Anh Hanh cảm thấy may mắn khi được tham gia chương trình.

“Tôi thấy tiến triển rất tốt, tôi cảm thấy con người mình khỏe hẳn, tăng tầm 3-4 cân. Nó có nhiều cái lợi, mình không phải lo nghĩ là bệnh nó tiến triển nặng, bớt được nỗi lo để cho mình yên tâm làm việc.”

Chị Tươi cho biết chị cảm thấy nhẹ nhõm khi khoẻ mạnh trở lại.

“Uống xong được một tháng tôi thấy sức khỏe cải thiện, công việc và mọi thứ trở lại bình thường như ban đầu. Sang tháng thứ ba, tôi thấy như là mình không còn bệnh nữa.”

Chủ đề của Ngày Viêm gan Thế giới 28 tháng 7, 2024 là “Đã đến lúc hành động”.

Khi được hỏi chị muốn gửi thông điệp nào đến mọi người, chị Tương thúc giục mọi người hãy hành động.

“Nếu chẳng may các bạn có triệu chứng tương tự, đừng tự mua thuốc uống mà trước mắt mình đến cơ sở y tế hỏi để được bác sĩ tư vấn.”

Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/42-tuoi-la-tuoi-con-gi-a51086.html