Từ dấu ấn "thành phố của những cây cầu"...
Trên dải đất hẹp miền Trung, đa số con sông đều chảy từ tây sang đông. Bởi bắt nguồn từ sườn đông của dãy Trường Sơn đổ ra biển nên phần lớn sông ngắn, nhiều thác gềnh và rất dốc. Đặc biệt sông ở miền Trung thường kiệt nước, trơ đáy mùa khô, rồi lại gây lũ lụt dữ dội vào mùa mưa. Nhưng ngoài sông Hương chảy êm đềm qua thành phố Huế, thì sông Hàn tại Đà Nẵng là một trong số hiếm những dòng sông chảy bình yên qua thành phố ở miền Trung.
Có được sự ưu đãi đặc biệt này, ngoài điều kiện tự nhiên, sông Hàn được hình thành còn nhờ yếu tố nhân tạo. Bởi sông Hàn ngoài hợp lưu của các dòng sông nhỏ phía tây như sông Yên - Quá Giáng, sông Cẩm Lệ - Cầu Đỏ... còn có sự "góp nước" quan trọng từ hệ thống Vu Gia - Thu Bồn thông qua con sông đào Vĩnh Điện - Sông Cái. "Từ ngày Tây lại cửa Hàn, đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bông Miêu" - câu ca dao này đã kể về công trình đào sông này. Chính vì sự hình thành đặc biệt này mà sông Hàn đầy ắp nước cả bốn mùa, lại không gây lũ lụt.
Trong lịch sử, ở thời Nguyễn, đoạn giữa sông Hàn còn có 1 nhánh rẽ, chảy song song với bờ biển, vào tận Hội An. Con sông này có tên Cổ Cò, từng là tuyến giao thông quan trọng nối liền 2 thương Cảng Hội An và Touran-Faifo cho đến khi bị bồi lấp. Hiện 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng đang triển khai chung dự án khơi thông sông Cổ Cò để nối lại giao thương đường thủy và phát triển du lịch, đô thị sinh thái ven 2 bờ sông.
Dù là con sông êm đềm chảy qua thành phố, nhưng mãi đến khi chia tách tỉnh, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương, thì bờ đông sông Hàn vẫn còn nhiều cồn bãi, lau lách, nhà chồ, làng chài nghèo nàn xen kẽ. "Đứng bên ni Hàn ngó bê tê Hà Thân nước xanh như tàu lá/ Đứng bên tê Hà Thân, ngó bên ni Hàn thấy phố xá nghênh ngang" - đó là thực trạng dòng sông thời điểm trước năm 1997.
Nhưng rồi, chỉ sau gần 20 năm phát triển, công cuộc chỉnh trang đô thị, Đà Nẵng đã mở rộng diện tích thành phố hơn gấp 4 lần. Đặc biệt, từ khi chỉ có 1 câu cầu đường sắt được xây thời thuộc Pháp và cầu đường bộ dã chiến xây từ 1965 - khi Mỹ đổ bộ vào miền Nam, đến nay Đà Nẵng đã xây dựng hơn 10 cầu bắc qua sông Hàn. Xứ "Hà Thân xanh như tàu lá" trong câu ca năm xưa bây giờ là cả khu phố Đông sầm uất, kéo dài từ quận Ngũ Hành Sơn đến quận Sơn Trà.
Những cây cầu bắc qua sông Hàn không chỉ nối giao thông 2 bờ đông - tây của thành phố, vực dậy một vùng kinh tế ven biển, đánh thức bán đảo Sơn Trà, làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt đô thị theo hướng hiện đại... mà còn là những công trình kiến trúc tiêu biểu.
Cây cầu xoay Sông Hàn được xem là biểu tượng du lịch, có thiết kế mới lạ, độc đáo, vừa đảm bảo lưu thông khu vực trung tâm từ năm 1999, vừa trình diễn cho du khách mỗi đêm khuya với hoạt động xoay dọc, tạo 2 luồng thông thủy ở giữa sông. Tiếp đó, cầu dây văng Thuận Phước gần 2km - dài nhất nước, bắc qua cửa biển, nối con đường du lịch ven vịnh biển Đà Nẵng ra bán đảo Sơn Trà, được đánh giá là kỳ vỹ. Nhưng rồi, cầu Rồng hình thành năm 2013, nối từ sân bay quốc tế Đà Nẵng ra thẳng biển Mỹ Khê, được xem là tuyệt tác kiến trúc.
Hiệp hội các nhà thiết kế chiếu sáng chuyên nghiệp thế giới (IALD Awards) đã trao giải về thiết kế ánh sáng đẹp cho cầu Rồng, là 1 trong số 16 công trình cả thế giới được vinh danh. Hiện cầu Rồng giống như biểu tượng mới của Đà Nẵng. Cùng với các hoạt động trình diễn phun lửa, phun nước dịp cuối tuần và các ngày lễ, 2 đầu cầu Rồng hiện là tụ điểm của các hoạt động văn hóa, kinh doanh về đêm sôi động nhất...
Và tất nhiên, giá trị bất động sản hai bên bờ sông Hàn đã thay đổi, gia tăng gấp cả ngàn lần so với trước. Đã có ví von sự phát triển 2 bên bờ sông Hàn của Đà Nẵng tương tự đôi bờ sông Hoàng Phố ở Thượng Hải, Trung Quốc.
Đến danh xưng "Thành phố Sông Hàn"
Nhưng, tất cả những giá trị nêu trên chỉ mới phát huy trên 2 bờ sông Hàn. Con sông, dòng nước êm đềm và tràn đầy cả 4 mùa ấy chưa hoàn toàn khai thác hết tiềm năng, giá trị của nó. Mới đây, Đà Nẵng vừa liên kết với Quảng Ngãi, khai trương tuyến giao thông thủy liên tỉnh đầu tiên của miền Trung, đưa khách du lịch từ cảng Sông Hàn đi thẳng ra đảo Lý Sơn.
Tàu du lịch biển có tên Trưng Trắc với sức chứa 600 hành khách sẽ nối 2 địa danh du lịch Đà Nẵng - Lý Sơn chỉ hơn 2 giờ đồng hồ. Đây là tuyến du lịch được cả 2 địa phương kỳ vọng góp phần quan trọng cho việc phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, đồng thời phá thế độc đạo Lý Sơn - Sa Kỳ chỉ nội tỉnh Quảng Ngãi như lâu nay.
Với Đà Nẵng, thì sự kiện này chỉ mới là "phát súng" hiệu lệnh cho cuộc chạy đua "thắp sáng" các dòng sông của thành phố mà từ lâu đã có quy hoạch. Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - ông Trần Phước Sơn - cho biết, với thành công của tuyến du lịch biển Đà Nẵng - Lý Sơn, thành phố sẽ xúc tiến ngay việc tổ chức tiếp các tuyến du lịch biển, nối với các đảo ven bờ. Trong tương lai gần, Đà Nẵng sẽ có thêm các tuyến đi thẳng ra đảo Cù Lao Chàm, Hội An, ra đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị. Thậm chí sẽ kêu gọi đầu tư những con tàu biển lớn, hiện đại, cho du khách trải nghiệm trên biển Đông.
Ông Sơn cho biết, tình hình dịch bệnh COVOID-19 đã dần kiểm soát được, Đà Nẵng sẽ từng bước triển khai các dự án, chương trình phục hồi kinh tế, phát triển kinh tế xã hội theo định hướng, quy hoạch đã đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ trước nay. Trước mắt, thành phố kêu gọi nhà đầu tư đến với Đà Nẵng, triển khai các dự án, khai thác du lịch. Đà Nẵng cũng đặt vấn đề với các doanh nghiệp, phải hiện đại hóa, dần đóng mới, thay đổi hàng chục con tàu du lịch đã cũ trên sông Hàn. Đây vốn là các tàu cải hoán từ tàu hàng, tàu đánh cá của ngư dân. Các du thuyền trên sông Hàn trong thời gian tới sẽ đảm bảo an toàn cao nhất, hiện đại, đẹp và sang trọng.
Thành công việc khai thác trên sông Hàn thì Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển mô mình này trên các sông Cu Đê, sông Cẩm Lệ, sông Cái và đặc biệt là sông Cổ Cò, đi Hội An đang được khơi thông. Theo ông Trần Phước Sơn, không chỉ phát triển du lịch, mà thành phố sẽ phát triển giao thông đường thủy trên các dòng sông ở Đà Nẵng trong tương lai. Giới nhà giàu có thể đi lại bằng du thuyền cá nhân.
Đặc biệt, theo lãnh đạo Đà Nẵng, thành phố cũng đang xúc tiến nghiên cứu, kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp đóng du thuyền, tàu biển. Không chỉ cung ứng, phục vụ nhu cầu tại Đà Nẵng, trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Hiện, Công ty Sông Thu (Bộ Quốc phòng) tại Đà Nẵng đã có năng lực đóng tàu hàng, tàu cứu hộ, tàu kéo và các loại tàu hậu cần cho nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, hình thành ngành công nghiệp đóng du thuyền tại Đà Nẵng là hoàn toàn khả thi.
Đánh thức các dòng sông, khai thác tiềm năng, giá trị các dòng sông qua đô thị không chỉ từ việc xây cầu, tăng giá trị bất động sản, hiện đại hóa bộ mặt đô thị... mà Đà Nẵng còn đang hướng đến tầm chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong tương lai.
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/da-nang-co-song-gi-a52498.html