Những điều kiêng kỵ trong tháng 7 âm lịch

Tháng 7 âm lịch, hay còn gọi là "tháng cô hồn" (một số quốc gia khác còn gọi là "tháng ma đói") là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của nhiều quốc gia Á Đông như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore...

Theo quan niệm dân gian, đây là thời điểm Diêm Vương mở cửa âm phủ để các vong hồn trở về dương thế.

Theo SCMP, mặc dù có sự khác nhau trong phương thức thực hành và nghi lễ, song vẫn có một số điểm chung trong quan niệm về những điều kiêng kỵ trong tháng cô hồn, được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng dân tộc các quốc gia Á Đông.

SCMP cho rằng, theo dân gian có một số điều kiêng kỵ phổ biến như không được trả lời khi nghe gọi tên vào ban đêm, hạn chế ra ngoài vào buổi tối, hạn chế các hoạt động vui chơi ồn ào... vì sợ thu hút và làm náo động đến các vong hồn.

Người dân các nước châu Á có phong tục cúng cô hồn. Ảnh: Xinhua

Theo quan niệm của người Việt Nam, trong tháng này tránh cưới xin, động thổ, khai trương. Họ cũng kiêng gọi tên người đã mất và hạn chế đi chơi đêm. Người Việt Nam cũng quan niệm tháng cô hồn thường xảy ra các điều xui xẻo, tai bay vạ gió, làm việc lớn khó thành.

Ở Trung Quốc, người ta thường tránh đi lại, động thổ, xây nhà, kết hôn hay bắt đầu kinh doanh mới trong tháng này. Họ cũng kiêng đốt hương và thắp nến vào ban đêm vì sợ thu hút các vong hồn. Tránh chỉ tay vào ngọn lửa đèn cầy vì như vậy sẽ làm mất đi sự bảo vệ của ánh sáng.

Ở mỗi địa phương trong quốc gia này cũng có thêm các quan niệm như tránh phẫu thuật, mua xe hơi, bơi lội, huýt sáo, và thậm chí là chụp ảnh sau khi trời tối.

Người Đài Loan (Trung Quốc) biến tháng cô hồn trở thành lễ hội đường phố. Ảnh: Asia Property Awards

Ở Philippines, người dân tránh đưa ra các quyết định quan trọng về công việc, tài chính. Họ cũng kiêng ở ngoài muộn, đặc biệt là trẻ em và người già. Việc để thức ăn hay phơi quần áo qua đêm cũng bị coi là không nên vì đây được coi là cách để thu hút ma quỷ, và ban đêm cũng là thời gian các vong hồn hoạt động mạnh nhất.

Trong khi đó ở Nhật Bản, dù cùng có nguồn gốc từ câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ, song tháng 7 âm lịch ở xứ sở Phù Tang đã biến đổi thành lễ hội Obon - thời gian đoàn tụ gia đình. Thay vì có những điều kiêng kỵ, người Nhật thường về quê thăm và sửa sang lại mộ phần của tổ tiên trong dịp này.

Lễ hội Obon ở Nhật Bản thời kỳ Edo. Ảnh: Osurasma

Hiện nay, chưa có bất kỳ cơ sở khoa học nào cho những điều kiêng kỵ trong tháng cô hồn.

Việc kiêng kỵ trong tháng cô hồn hay không tùy vào quan niệm, tín ngưỡng riêng của mỗi người, song không thể phủ nhận quan niệm về tháng cô hồn và các hoạt động văn hóa, tâm linh trong tháng cô hồn vẫn là một phần quan trọng trong nền văn hóa tâm linh của nhiều quốc gia châu Á.

Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/nhung-dieu-cam-ki-trong-thang-7-a53747.html