Là phường nằm ở vùng ven thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), phường Thống Nhất là địa phương duy nhất có đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Người Dao sống ở khu vực xóm Đậu Khụ và xóm Đồng Chụa, thuộc xã Thống Nhất trước đây, hiện nay là tổ 9, phường Thống Nhất, thành phố Hòa Bình.
Việc gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc Dao cũng như ngôn ngữ, chữ viết là vấn đề cấp thiết cần thiết được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, coi đó là nền tảng giáo dục con cháu trong gia đình, dòng họ. Câu chuyện về một nữ thiếu tá công an trẻ tuổi dành nhiều tâm huyết lưu truyền chữ viết người Dao để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.
Có dịp tiếp xúc với nữ thiếu tá Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó trưởng Công an phường Thống Nhất, thành phố Hòa Bình, chúng tôi cảm nhận rõ nhiệt huyết đến cháy bỏng của nữ công an trẻ tuổi. Thiếu tá Thủy sinh ra và lớn lên ở vùng đất Lai Châu. Thế rồi, nghe theo tiếng gọi của trái tim, chị quyết định chuyển công tác về Công an tỉnh Hòa Bình cho đến nay.
Ở vùng đất mới, đơn vị công tác mới, chị được gặp gỡ, tiếp xúc nhiều đồng bào dân tộc, cảm nhận tính cách chất phác, thật thà của người dân nơi đây. Chị dành nhiều thời gian xuống địa bàn, nắm bắt đặc điểm, tình hình dân cư, phong tục tập quán của người dân bản địa. Làm sao để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, làm sao văn hóa dân tộc thấm sâu vào đời sống tinh thần, khơi dậy giá trị tốt đẹp, hướng tới một xã hội văn minh, văn hiến?
Chị thấy rằng, khu vực tổ 9 vốn là hai xóm Đậu Khụ và Đồng Chụa trước đây, là nơi có trên 95% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Số trẻ em trong độ tuổi đến trường chiếm khoảng 25% dân số. Hầu hết các em đều không biết ngôn ngữ, chữ viết dân tộc Dao, không hiểu phong tục tập quán của địa phương. Ngay cả những người cao tuổi cũng không biết, không hiểu văn hóa dân tộc thì làm sao các em nhỏ có thể hiểu được? Đây là vấn đề cấp thiết mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân tổ 9 rất quan tâm.
Trong các cuộc họp, người dân kiến nghị chính quyền phải có giải pháp gìn giữ văn hóa truyền thống, cụ thể là ngôn ngữ và chữ viết dân tộc Dao. “Học chữ viết, ngôn ngữ dân tộc sẽ giúp con cháu thấy được cái hay, cái đẹp, biết trân quý giá trị truyền thống của dân tộc. Từ đó nỗ lực, cố gắng tu dưỡng, rèn luyện, sống có lý tưởng, hoài bão, trở thành người có ích cho xã hội sau này” - Thiếu tá Thủy chia sẻ.
Ý tưởng về một lớp học để truyền dạy văn hóa, giáo dục chữ viết, ngôn ngữ truyền thống cứ lớn dần, chị âm thầm chuẩn bị các điều kiện mở lớp dạy tiếng dân tộc.
Chị đã gặp gỡ những già làng, trưởng bản, người uy tín trong cộng đồng người Dao để lắng nghe ý kiến, tranh thủ họ tham gia giảng dạy lớp học. Người đầu tiên mà Thiếu tá Thủy tiếp xúc là già làng Bàn Sinh Lương, một cây đại thụ, người có tiếng nói quyết định nhiều việc hệ trọng của xóm làng, dòng họ. Cuộc gặp gỡ tình cờ này đã chắp nối cho ước mơ gieo con chữ bay cao, bay xa hơn. Đó là sự kết hợp giữa nữ thiếu tá công an trẻ tuổi đầy nhiệt huyết và một già làng hiểu rộng, thâm sâu về truyền thống và văn hóa bản địa. Điều đó thực sự đáng trân quý trong một xã hội phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng ngày nay.
“Cây đại thụ” của bản Dao
Ở phường Thống Nhất không ai là không biết tới già làng Bàn Sinh Lương, là một người có uy tín trong dòng họ và được bà con nhân dân nơi đây rất quý trọng và tôn sùng. Điều đó càng đáng quý hơn khi già mang những kinh nghiệm, vốn sống của mình truyền dạy cho con cháu, giúp con cháu nhận ra điều hay lẽ phải, khuyên bảo những điều nên làm và không nên làm theo phong tục truyền thống của người Dao.
Tính cách người Dao hiền lành, giản dị, thẳng thắn, chân thật. Trong quá khứ hay hiện tại, thế hệ người Dao sống theo phương châm: “Người Dao không lấy của ai cái gì và cũng không để người khác lấy cái gì của mình. Phong tục tập quán, những luật lệ bất thành văn được truyền từ nhiều đời nay đã ngấm vào trong mỗi con người để nhắc nhớ họ phải biết trân trọng và giữ gìn bản sắc truyền thống của dân tộc mình”.
Nói về phong tục tập quán người Dao, già Lương kể rằng: Theo truyền thống người Dao từ xa xưa, một người con trai chỉ lấy một người con gái. Trong gia đình, ông cha thế nào thì dạy con cháu thế ấy. Trong sách cổ đã dạy, không ai được vi phạm điều cấm. Anh hút thuốc phiện là giết bản thân anh, gia đình, dòng họ anh và ảnh hưởng đến làng xóm. Từ đó đến nay, chúng tôi kiên trì giáo dục con cháu mình, không để chúng mắc phải các thói hư, tật xấu của xã hội. Nếu vi phạm, chúng tôi kiên quyết khai trừ khỏi dòng họ, dòng tộc. Như vậy, việc làm của anh đã ảnh hưởng tới gia đình và người thân, trở thành nỗi đau của dòng họ.
Với khả năng hiểu biết uyên thâm ở nhiều lĩnh vực, có thể nói thông, viết thạo tiếng đồng bào, già Lương đã tự tìm tòi, nghiên cứu, viết sách, sưu tầm sách cổ bằng chữ Dao để truyền dạy cho con cháu cái hay, cái đẹp trong văn hóa, chữ viết, tiếng nói dân tộc Dao. Mỗi cuốn sách chứa đựng kho tàng tri thức của dân tộc được đúc rút qua nhiều thế hệ, phản ánh nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Dao, lý giải các hiện tượng tự nhiên, ghi chép gia phả dòng tộc. Sách thì răn dạy cách đối nhân xử thế, truyền đạt kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, các phong tục tập quán và mọi mặt đời sống tinh thần. Già Lương say sưa nói, say sưa giảng giải gợi nhớ để hình ảnh già làng cao niên tu thành chính quả ở vùng cao đại ngàn.
Đời sống của con người nơi đây bị bủa vây bởi những khó khăn, cám dỗ bên ngoài tác động làm ảnh hưởng đến giới trẻ. Những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế chưa tới nhưng những mặt trái của cuộc sống xã hội đã tìm được đường tới nơi rồi.
Già Lương cho biết: người Dao vốn tính thật thà, chất phác, luôn chịu thương chịu khó, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Trước đây, mỗi khi nhắc tới công an, người dân sợ lắm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do thiếu sự giáo dục của gia đình, xã hội, bọn trẻ không còn giữ được bản chất tốt đẹp của dân tộc Dao nên các hành vi thiếu chuẩn mực, vi phạm pháp luật ngày càng diễn ra nhiều. Thanh niên sống buông thả, ham chơi, lười lao động, bị kẻ xấu dụ dỗ, xúi giục làm phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội, có cả người nghiện ma túy. Điều đó khiến già Lương rất buồn, già thấy trách nhiệm của mình phải giáo dục bọn trẻ thông qua việc học chữ viết, ngôn ngữ dân tộc mình, không để văn hóa bản địa dần mai một theo năm tháng.
Lớp học 0 đồng
Nhớ lại ngày đầu vận động con em dân tộc Dao, Thiếu tá Thủy cho rằng đó là hành trình vô cùng gian nan, nhiều thách thức. Hầu hết các gia đình đều không muốn con em mình đi học vì văn hóa bản địa đã lỗi thời, họ cho rằng, thời đại bây giờ phải cập nhật tiến bộ văn minh của xã hội như: internet, công nghệ cao... Về ngôn ngữ, họ định hướng học tiếng Anh, tiếng Pháp để giao tiếp với người nước ngoài, thuận lợi hơn trong việc kinh doanh, làm ăn và phát triển sự nghiệp. Thậm chí, một số người cao tuổi không còn mặc trang phục đồng bào Dao vào ngày lễ tết, không duy trì các phong tục truyền thống trong gia đình...
Ở khía cạnh khác, đó là điều đáng mừng thể hiện tư duy hiện đại của người dân để phát triển kinh tế địa phương. Thế nhưng, văn hóa sẽ dần mai một, ngôn ngữ, chữ viết dân tộc trở nên xa lạ với chính mình, đời sống tinh thần sẽ bị ảnh hưởng bởi lối sống thực dụng thì những giá trị kinh tế kia liệu có ích gì? Trăn trở với tương lai con em bản Dao, Thiếu tá Thủy đã kiên trì vận động mở lớp học tiếng Dao, dẫu biết rằng đó là điều không hề dễ dàng.
Được sự ủng hộ của già làng Bàn Sinh Lương, Thiếu tá Thủy đã bàn với Đoàn Thanh niên phường Thống Nhất xây dựng kế hoạch học tập chi tiết, vận động tất cả con, em trong độ tuổi đến học. Chị Bùi Thị Ngọc Bích - Bí thư Đoàn phường nhớ lại: Khi Thiếu tá Thủy đặt vấn đề mở lớp tiếng Dao, tôi băn khoăn vì địa phương chưa từng mở lớp như vậy. Ngoài kinh phí mở lớp, sách vở, tài liệu học tập còn giáo trình, giáo án, giáo viên đứng lớp, trợ giảng... Nhưng, ánh mắt biết nói của Thiếu tá Thủy đã thuyết phục tôi. Thiếu tá Thủy cho rằng, quan trọng nhất khi mở lớp phải có học viên, phải vận động càng nhiều em nhỏ càng tốt, như vậy mới đạt yêu cầu.
Về giáo viên đứng lớp, già làng Bàn Sinh Lương sẽ đảm nhận việc này, cùng với người em trai Bàn Sinh Lợi tham gia trợ giảng. Về kinh phí mở lớp, thiếu tá Thủy cam kết sẽ vận động các nhà hảo tâm tài trợ cho lớp, các em được miễn phí hoàn toàn. Cuối kỳ học sẽ trao tặng phần thưởng cho các em học sinh có thành tích tốt. Mọi người trong bản dần nhận ra tấm lòng nhân ái của nữ thiếu tá công an trẻ tuổi. Thế rồi, đã có những em học sinh đầu tiên đăng ký học. Tiếng lành đồn xa, một số gia đình người Dao ở huyện Đà Bắc xa xôi cũng đăng ký cho con theo học. Từ một lớp học ban đầu lác đác vài em nhỏ, đến nay đã có 55 em theo học. Em lớn tuổi nhất là 16, nhỏ nhất chỉ mới 4 tuổi.
Theo hướng dẫn của “thầy giáo” Bàn Sinh Lương, các em nhỏ chăm chú nghe giảng. Chữ Dao (hay còn gọi là chữ Nôm Dao) thoạt nhìn không khác gì hệ thống chữ Hán, nhưng đó là hệ thống ký tự chữ Hán được phiên âm ra tiếng Dao. Tức là người Dao mượn chữ Hán để ghi chép tiếng nói của mình. Học chữ viết, ngôn ngữ dân tộc không chỉ giúp các em nhỏ mà cả người luống tuổi nhận ra rằng, bản thân mình xa lạ với chính dân tộc mình.
Quá trình học tập, “thầy giáo” Lương tận tình hướng dẫn, chỉ bảo bằng động tác cơ thể, ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ. Già liên hệ với đời sống hằng ngày, phong tục tập quán của địa phương để minh họa cho bài giảng, cũng là cách để các em hiểu sâu hơn. Mỗi ngày đến lớp là một niềm vui, lớp học sôi nổi, náo nhiệt hơn. Cứ như vậy, chỉ sau thời gian ngắn, các em nhỏ dần nắm bắt được những nội dung cơ bản của chữ viết và ngôn ngữ dân tộc Dao. Các em có thể sử dụng chữ viết, tiếng nói dân tộc mình trong đời sống hằng ngày.
Cảm nhận thay đổi từng ngày của các em nhỏ, thiếu tá Thủy vui lắm. Những nỗ lực, cố gắng không biết mệt mỏi của chị đã đem lại trái ngọt. Các em đã thêm yêu, trân quý ngôn ngữ, chữ viết dân tộc mình, gìn giữ giá trị tốt đẹp của dân tộc. Đó sẽ là nền tảng, là hành trang để các em hướng tới tương lai, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/phim-sat-thu-hao-hoa-thuyet-minh-tieng-viet-a53952.html