Nhật Bản là xứ sở của những truyền thống văn hóa phong phú và nghệ thuật độc đáo, một thiên đường dành cho các tín đồ mua sắm. Vì vậy rất nhiều khách du lịch băn khoăn không biết nên tặng quà lưu niệm gì mang nét đặc trưng của đất nước mặt trời mọc. Dưới đây là gợi ý từ Sakos giúp bạn chọn được những món quà ý nghĩa nhất từ đất nước Nhật Bản nhé!
Sensu là quạt gấp truyền thống của Nhật Bản. Không chỉ có công dụng làm mát và trang trí. Sensu còn là một đạo cụ quan trọng trong kịch Noh, kịch Kabuki, trà đạo, hôn lễ, tế lễ,…
Bên cạnh đó, đây là một vật lấy may (engimono) biểu thị cho tình bạn, cho sự tôn kính và lòng thiện chí. Trong trà đạo, nghi thức đặt Sensu trước gối mang hàm ý biểu thị sự kính trọng của mình dành cho đối phương.
Có rất nhiều loại sensu với màu sắc và hoa văn khác nhau, được bán ở hầu hết các cửa hàng lưu niệm trong thành phố với giá khoảng 1.000 yên. Quạt gấp sensu là biểu tượng cho sự quan tâm yêu thương và may mắn nên đây được xem là món quà lý tưởng cho những người thân yêu.
Những chiếc kẹo Wagashi Nhật Bản không chỉ là đồ ngọt mềm mại, ngọt ngào mà còn là một trải nghiệm đắm chìm trong sự xốp mịn của hương vị truyền thống. Sự quyến rũ của loại kẹo này sẽ khiến bạn muốn thưởng thức chúng thường xuyên.
Mochi là loại bánh giầy nhân ngọt rất phổ biến ở xứ Phù Tang. Những chiếc bánh nhỏ nhắn và xinh xắn này thường được thưởng thức vào những dịp lễ Tết hoặc trong những ngày hội đặc biệt trong năm, tạo nên không khí truyền thống đặc sắc.
Tokyo Banana được biết đến như một trong những “Siêu phẩm đến từ Tokyo”, chiếc bánh này là lựa chọn phổ biến của nhiều du khách khi muốn mang một phần nhỏ của vị thủ đô Nhật Bản về làm quà. Bánh mềm mại và xốp, kết hợp với lớp nhân kem chuối thơm ngon.
Chuông gió (tiếng Nhật là furin) thường có hình quả cầu tròn, trên thân chuông có gắn đầu treo vào điểm giữa, phía dưới có treo một tờ giấy nhỏ. Nó không chỉ tạo âm thanh nhẹ nhàng mà còn là biểu tượng của sự bảo vệ và xua đuổi tà ma trong truyền thống người Nhật Bản.
Đặc biệt trong các dịp lễ tết truyền thống ở Nhật Bản, người dân thường viết những điều ước tốt lên tờ giấy treo dưới chuông, hy vọng rằng điều ước của họ sẽ được thần linh lắng nghe mỗi khi chuông vang.
Được chế biến từ gạo lên men và thưởng thức trong những chiếc cốc nhỏ đầy tinh tế, Sake là biểu tượng của sự đa dạng và sự phong phú văn hóa Nhật Bản. Nguyên liệu ủ rượu đa dạng tùy thuộc vào từng vùng, tạo nên sự độc đáo cho mỗi loại Sake.
Có bốn loại phổ biến, bao gồm Daiginjo, Ginjo, Junmai và Honjozo, mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy tại các cửa hàng và siêu thị. Mỗi giọt Sake là một hành trình qua vị giác, đưa bạn đến với hương thơm và hương vị đặc trưng của đất nước mặt trời mọc.
Một món quà không chỉ tiện lợi mà còn mang đến giá trị lịch sử lâu dài là ô Wagasa. Chiếc ô này không chỉ xuất hiện trong nhiều lễ hội và sự kiện lớn tại Nhật Bản mà còn đậm chất truyền thống. Nếu bạn đang phân vân không biết nên mua gì khi đến Nhật, ô Wagasa chắc chắn là một lựa chọn ý nghĩa và độc đáo.
Nếu bạn là một tín đồ Phật giáo thì chắc không còn lạ lẫm với hình tượng Bồ Đề Đạt Ma. Daruma là một con búp bê có hình dáng tựa như vậy, thân hình cầu, có màu đỏ. Người Nhật Bản xem đó như một vật cầu may mắn, thịnh vượng và nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh để thực hiện mơ ước.
Có một điều khá thú vị là khi bày bán búp bê Daruma, người ta sẽ không vẽ mắt của nó mà để người mua chính tay vẽ mắt cho nó sau khi nói ra điều ước của mình. Tuy nhiên, bạn chỉ vẽ một con mắt thôi, con mắt còn lại sẽ được vẽ sau khi ước muốn ấy trở thành sự thật.
Có nhiều hội chợ chuyên về Daruma tổ chức khắp Nhật Bản, đặc biệt là dịp đầu năm. Hội chợ lớn nhất là ở đền Daremadera - Takasaki.
Omamori, trong ngôn ngữ Nhật, có nghĩa là “bảo vệ”. Đây là những lá bùa hộ mệnh thường được coi là biểu tượng của các vị thần Shinto. Mỗi omamori có một mục đích đặc biệt: bùa cầu duyên, bùa học tập, bùa trừ tà,…
Omamori có kích thước nhỏ, vừa vặn trong lòng bàn tay, thường được đặt trong một chiếc túi gấm. Bên trong thường chứa một viên gỗ hoặc tờ giấy được bọc kín. Bạn có thể mua những chiếc omamori này với giá vài trăm yên khi thăm các đền, chùa tại Nhật Bản.
Nếu bạn quyết định tặng cho người thân, hãy nhắc họ rằng việc giữ túi omamori đóng kín sẽ giúp bảo toàn năng lượng tích cực và may mắn mà nó mang lại.
Kendama là một món đồ chơi tung hứng với quả bóng gỗ được giới thiệu đến Nhật Bản vào những năm 1700 thông qua con đường tơ lụa. Nó được làm bằng gỗ truyền thống của Nhật Bản, có giá từ khoảng 1.000 yên. Khi chơi Kendama bạn cần phải khéo léo đưa lỗ của quả bóng vừa khít vào đỉnh của tay cầm, hoặc đặt quả bóng lên 3 vị trí khác nhau trên tay cầm.
Mặc dù có thiết kế đơn giản với một quả bóng nhỏ được nối với thanh kiếm thông qua một sợi dây, nhưng trò chơi này đầy thách thức. Kendama không chỉ là một món quà dân gian thú vị mà còn là một phần của văn hóa Nhật Bản, đem lại trải nghiệm độc đáo cho người nhận.
Búp bê truyền thống của Nhật thường được làm bằng gỗ với rất nhiều kích thước khác nhau. Nếu các bạn muốn làm quà cho trẻ nhỏ có thể chọn mua búp bê Kokeshi (có cấu trúc thân đơn giản chỉ gồm có đầu và thân, khuyết chân tay).
Nếu muốn cầu may mắn thì có thể mua búp bê Daruma (có hình dạng tròn, rỗng và nặng ở phía dưới), còn để trang trí thì chọn búp bê Hina hoặc búp bê Kimekomi. Giá của búp bê truyền thống Nhật Bản cũng rất đa dạng, dao động từ vài nghìn yên đến trăm nghìn yên.
Maneki neko là một chú mèo luôn vẫy vẫy tay chào khách được đặt ở những cửa hàng, nhà hàng, cơ quan,… Người dân Nhật Bản tin rằng, sự hiện diện của chú mèo Maneki neko sẽ mang đến sự thịnh vượng.
Đặc biệt, khi nhìn thấy Maneki neko với nhiều chủng loại, kích thước, màu sắc, chắc chắn bạn sẽ bị mê mệt. Mèo thần tài được bán ở nhiều quầy lưu niệm nhưng nếu bạn muốn mua đúng hàng thì hãy ghé ngôi đền Gotoku-ji, nơi xuất xứ chính gốc của Maneki Neko.
Những đôi đũa truyền thống Nhật Bản không giống với những đôi đũa của Việt Nam hay Trung Quốc. Đũa Nhật thường được làm từ gỗ sơn mài với một đầu vót nhọn được vẽ hoặc sơn khá đẹp với những họa tiết đặc trưng của Nhật Bản.
Kimono thường là trang phục truyền thống nổi tiếng nhất của Nhật Bản, nhưng trừ khi bạn biết cách mặc hoặc có dịp mặc phù hợp, nếu không đó là thứ đắt tiền và hơi khó sử dụng.
Một số trang phục đậm chất Phù Tang khác mà bạn có thể lựa chọn là Yukata - phiên bản Kimono mùa hè bằng vải cotton nhẹ. Các địa điểm tham quan như Asakusa (Tokyo) hay trung tâm của Kyoto là những địa điểm lý tưởng để tìm kiếm bộ Yukata.
Hoặc một chiếc Haori - áo khoác bên ngoài một bộ Kimono - để sử dụng hàng ngày. Hay Happi dùng mặc trong dịp lễ hội, Hanten mặc để giữ ấm vào mùa đông cũng rất dễ phối đồ.
Tenugui, một loại khăn truyền thống của Nhật Bản, không chỉ mang đến giá trị văn hóa mà còn là một món quà tuyệt vời, đặc biệt là dành cho phái nữ. Có thể sử dụng Tenugui như khăn tay, khăn đầu, khăn cổ, hoặc đơn giản chỉ để lau mồ hôi.
Với chiều dài khoảng 90cm và hình dạng chữ nhật, khăn Tenugui thường được làm từ cotton, được in đa dạng với các hoạ tiết như chấm bi, caro, hoa văn, tạo nên sự đa dạng và phong cách.
Origami là một loại hình nghệ thuật gấp giấy có xuất xứ từ Nhật Bản. Các tác phẩm origami có thể đơn giản như chiếc thuyền, hạc giấy, nhưng cũng có thể hết sức phức tạp như hình rồng, phượng, tháp Eiffel,…
Ở Nhật Bản bạn có thể dễ dàng tìm thấy giấy origami chất lượng với nhiều màu sắc và hoa văn phong phú được bán ở nhiều nơi như các cửa hàng văn phòng phẩm, LOFT, Tokyu Hands. Hoặc các cửa hàng đồng giá 100 yên với giá chỉ từ vài trăm yên trở lên.
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/dac-san-nhat-ban-lam-qua-a54736.html