Nơi đây cũng đã ghi dấu bước chân lưu đày của các chiến sỹ cách mạng yêu nước, là trường đào tạo bản lĩnh chính trị, lòng trung kiên bất khuất trước roi vọt và sự tra tấn dã man phi nhân tính của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Đặt chân đến Côn Đảo, được tận mắt chứng kiến những chuồng cọp kiểu Pháp, kiểu Mỹ, lắng nghe những câu chuyện kể về tội ác của kẻ thù xâm lược mới cảm nhận được hết những mất mát, đau thương và càng thêm cảm phục tinh thần quả cảm, ý chí quật cường của người Cộng sản.
Cổng Trại giam Phú Tường, Phú Bình - Côn Đảo. Ảnh: PVNgay từ khi thành lập nhà tù, thực dân Pháp đã đày ra Côn Đảo 50 phạm nhân, rồi tiếp sau là hàng ngàn người nông dân và sỹ phu yêu nước trong các phong trào: Cần Vương, Đông du, Đông kinh nghĩa thục... rồi những năm sau đó là hàng vạn cán bộ đảng viên cộng sản như: Ngô Gia Tự, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Hà Huy Tập, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Linh... Hệ thống nhà tù Côn Đảo qua hai thời kỳ Pháp - Mỹ được xây dựng với nhiều lao, trại khác nhau, với tổng cộng 127 phòng giam, 44 xà lim, 504 phòng “Biệt lập chuồng cọp”, bên cạnh đó còn có 18 sở tù để đày ải người tù làm lao dịch khổ sai nhằm giết dần, giết mòn sinh mạng người tù, đồng thời phục vụ toàn diện các mặt đời sống cho bộ máy hành chính của địch.
Phân khu trại giam trong nhà tù Côn Đảo. Ảnh: PVTrại giam lớn và cổ nhất ở Côn Đảo là trại Phú Hải, nơi đây mang đậm dấu tích của các thời kỳ lịch sử và cũng là nơi "khởi đầu của địa ngục trần gian". Trại này bao gồm 10 phòng giam tập thể, 1 phòng giam tù đặc biệt, 20 xà lim, 1 hầm xay lúa và 1 khu đập đá. Ngoài ra còn có các trại: Phú Sơn, Phú Thọ, Phú Tường, Phú Phong, Phú An, Phú Bình, Phú Hưng. Nếu gọi nhà tù Côn Đảo là “địa ngục trần gian” thì hầm xay lúa là “địa ngục của địa ngục trần gian”. Nếu thời Pháp, hầm xay lúa được xây dựng như một hình thức khổ sai để tận dụng sức lao động của tù nhân. Người tù phải lao động quần quật 12 tiếng một ngày trong căn hầm chật chội, bao phủ đầy bụi cám, trấu, cối xay quay ầm ầm. 6 người tù mới xay nổi một cối xay lúa. Trong khi xay, chân của hai người tù bị cột chung một sợi xích với quả tạ nặng 5 kg, thì thời Mỹ - Nguỵ, địch còn sử dụng hầm phân bò với hệ thống cống ngầm từ chuồng nuôi bò dẫn sang để ngâm người tù xuống đó tra tấn, hành hạ.
Thực dân Pháp giam giữ người tù theo mùa, trời nắng nóng, trong phòng giam chật hẹp có khoảng 7-8 người để người tù bị ngột ngạt, khó thở, trời lạnh chúng chỉ giam từ 1-2 người khiến người tù thiếu hơi ấm cảm thấy lạnh hơn. Chuồng cọp Pháp bên trên có song sắt kiên cố và có hành lang ở giữa dành cho cai ngục, trật tự đi lại kiểm soát. Khi tra tấn, ban ngày bọn cai ngục rải vôi bột rồi đổ nước xuống làm cho da thịt người tù bị bỏng rộp, lở loét, ban đêm chúng dội nước bẩn khiến cho toàn thân người tù ẩm ướt dẫn đến bệnh tật. Chỉ cần nghe phòng nào có tiếng động, bọn cai ngục lập tức cầm sào tre chọc xuống "chuồng cọp", trúng đầu thì vỡ đầu, trúng lưng thì gãy xương, chảy máu. Trong cái không gian chật hẹp đó, người tù không thể nào né tránh được.
Mô phỏng những màn tra tấn. Ảnh: PVKhác với "chuồng cọp" kiểu Pháp, "chuồng cọp" kiểu Mỹ lại gồm các phòng giam biệt lập chia ra làm 4 khu. Ở nơi đây, chưa cần đến sự tra tấn bằng đòn roi nhưng đã giết dần, giết mòn sinh mạng người tù bởi lối kiến trúc khắc nghiệt. Đây là kiểu nhà giam đặc biệt làm bằng bê tông không có bệ nằm, người tù phải nằm dưới nền xi măng ẩm thấp, tiểu tiện tại chỗ, bên trên chúng làm bằng mái tôn, ban ngày trời nắng nóng thì oi bức, khó chịu, ban đêm người tù phải chịu khí ẩm ướt từ dưới đất xông lên. Hai dãy nhà giam có lối đi hẹp, nhưng riêng khoảng sân Đế quốc Mỹ lại để rất rộng, ý đồ của chúng là để người tù bên trong lúc nào cũng khát khao tự do bên ngoài. Mỗi khi tù nhân đấu tranh, chúng không cho đổ thùng vệ sinh từ 3-5 ngày, hoặc cũng có khi là 1 tuần lễ, có thời điểm lâu nhất là 53 ngày, cộng với ăn uống đói khát, khổ sở lâu ngày tù nhân sinh bệnh...
Mặc cho những đòn roi và sự tra tấn dã man của kẻ địch, ý chí của người tù Cộng sản vẫn không chịu khuất phục, họ vẫn kiên cường đấu tranh, giữ vững khí tiết cách mạng. Sự kiện giải phóng miền Nam 30/4/1975 cũng đã khép lại trang sử hào hùng về Côn Đảo, để rồi từ đó, Côn Đảo nhận được sự ngưỡng mộ của Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, trở thành vùng đất thiêng liêng, là một biểu tượng của Chủ nghĩa anh hùng Cách mạng Việt Nam./.
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/con-dao-nha-tu-a55840.html