Hạt dổi – Gia vị truyền thống của vùng núi Tây Bắc

Hạt dổi là một trong những loại gia vị đặc trưng nhất của vùng núi Tây Bắc, Việt Nam. Người dân ở đây còn dùng hạt dổi làm thuốc chữa đau bụng, khó tiêu. Hãy cùng YouMed tìm hiểu về nguồn gốc và những lợi ích của loại gia vị này nhé!

Giới thiệu về Hạt dổi

Hạt dổi là hạt của cây dổi ăn hạt, có tên khoa học là Michelia tonkinensis A.Chev. Cây dổi là một loại cây gỗ thường xanh thuộc họ Ngọc lan (Magnoliaceae). Cây dổi còn được gọi với một số tên dựa vào nguồn gốc như giổi xanh, giổi bắc, dổi Tây Nguyên, dổi Hoà Bình,…

Cây dổi là loại cây đặc hữu của Việt Nam, cây gỗ đa tác dụng và có giá trị kinh tế cao. Tại Việt Nam, loài cây này có phân bố từ Lào Cai đến các tỉnh Bắc Trung bộ và Tây Nguyên. Hiện nay các quần thể dổi trong rừng tự nhiên đang bị suy giảm nghiêm trọng do bị khai thác kiệt và số lượng cây tái sinh tự nhiên còn ít do hạt bị thu hái quá mức.

Ở nhiều vùng của Việt Nam cây dổi ăn hạt đang được coi là một trong những loài cây gỗ bản địa chính để phục vụ công tác trồng rừng và phục hồi rừng tự nhiên.

Đặc điểm hình thái

Loài cây dổi vốn có 2 loại, một là dổi hạt (Michelia tonkinensis) và dổi xanh (Michelia mediocris). Dổi xanh hạt đắng không ăn được mà chỉ trồng để lấy gỗ. Cây dổi thường mọc ở độ cao 700-1500m.

Chúng thường mọc trên các sườn phía Đông và Đông Nam của các núi đất. Cây ra hoa quả thường có 2 vụ trong năm. Hoa ra tháng 2-3 thương cho quả chín và thu hoạch hạt vào tháng 9-10, hoa ra tháng 7-8 thường cho quả chín và thu hoạch hạt vào tháng 3-4.

Hình ảnh của các quả dổi
Hình ảnh của các quả dổi

Cây dổi thuộc dòng gỗ lớn cổ thụ lâu năm, trung bình 50 - 60 năm, có cây sống đến trăm năm. Thân cây mọc thẳng, tròn đều, phân cành tầng cao. Cây gỗ trưởng thành cao khoảng 20 - 30m, đường kính 5 - 7 m, màu nâu sáng nhẫn bóng. Hoa dổi màu vàng nhạt, có 9 cánh chia nhiều lớp, mùi rất thơm.

Quả dổi mọc dạng chùm, có eo thắt, vỏ quả màu xanh bóng, bên trong chứa từ 1-4 hạt. Hạt cây dổi có màu đỏ đậm, khi phơi khô chuyển dần sang màu nâu đen. Cây dổi ra hoa, quả 2 vụ trong năm. Hoa ra tháng 3 - 4 và tháng 7 - 8, sau đó khoảng 7 tháng thì cho thu hoạch quả.

Hạt sau khi thu hái được phơi nắng để tạo điều kiện nứt vỏ. Khi quả nứt dùng tay để để tách hạt ra khỏi vỏ. Đối với hạt không dùng để làm giống, thì phơi khô hoặc gác bếp để hong khô.

Hạt dổi có màu đỏ đậm, khi phơi khô chuyển dần sang màu nâu đen.
Hạt tươi có màu đỏ đậm, khi phơi khô chuyển dần sang màu nâu đen

Thành phần hoá học

Vỏ cây dổi chứa 0,24% alcaloid. Thân cây dổi chủ yếu chứa camphor 23,8%. Tinh dầu vỏ thân chứa camphor 15,7%, safrol 14,3%. Các thành phần trên có tác dụng làm thuốc kích thích tiêu hoá, trị đau bụng, ăn không tiêu.

Thành phần làm nên mùi thơm và giá trị của hạt dổi là Tinh dầu. Thịt quả và hạt chứa chủ yếu tinh dầu safrol (lần lượt là 70,2 và 72,9%). Hạt già có hàm lượng tinh dầu cao hơn so với hạt non. Bên cạnh đó, hạt còn chứa một số loại flavonoid và alkanoid.

Tác dụng của hạt dổi

Đối với người dân Tây Bắc, hạt dổi là vị thuốc quý với tác dụng chữa các chứng bệnh về tiêu hoá và xương khớp.

Lợi ích cho hệ tiêu hoá

Hạt dổi giã nhỏ dùng làm gia vị cho vào các món ăn giúp kích thích tiêu hoá. Kinh nghiệm dân gian cho thấy cho loại hạt này vào một số món như tiết canh, sẽ giúp hiệu tiêu hoá hoạt động hiệu quả hơn, không bị tiêu chảy hay ngộ độc.

Hạt dổi cũng là một vị thuốc giúp trị chứng đầy bụng, khó tiêu sau một bữa ăn thịnh soạn hay uống nhiều bia rượu. Một kinh nghiệm của người Mường - Hoà Bình, cho biết, khi đau bụng, chỉ cần lấy 1 hạt ra nhai nuốt là sẽ hết. Nhai nguyên hạt sẽ có vị cay và hơi hắc.

Hạt dổi là vị thuốc quý với tác dụng chữa các chứng bệnh về tiêu hoá và xương khớp.
Hạt cây dổi là vị thuốc quý với tác dụng chữa các chứng bệnh về tiêu hoá và xương khớp

Lợi ích trên xương khớp

Hạt dổi lấy ngâm rượu làm thuốc xoa bóp cho các bệnh đau nhức cơ, nặng mỏi tay chân rất hiệu quả. Một số kinh nghiệm dân gian cho thấy hạt cây dổi giúp hỗ trợ các triệu chứng bệnh xương khớp như thoái hoá khớp, viêm khớp dạng thấp,…

Hạt cây dổi dùng để ngâm rượu theo tỷ lệ 1 kg hạt khô với 3 lít rượu trắng. Ngâm ngập hạt, phải ngâm ít nhất 3 tháng. Đặc biệt vào những tháng mùa đông, dùng rượu dổi 2 - 3 lần/ngày ở các khớp sẽ giúp giảm tình trạng sưng, đau.

Gia vị tuyệt vời cho các món ăn

Cùng với hạt mắc khén, hạt dổi là một trong những gia vị độc đáo nhất của miền Tây Bắc. Với thành phần chính là tinh dầu, loại gia vị này có mùi thơm và vị hơi cay. Loại hạt dùng để ướp thịt, cá cùng với một số gia vị khác. Đặc biệt, hạt này là một thành phần không thể thiếu của “Thịt trâu gác bếp” - một món ăn đậm chất núi rừng Việt Nam.

Lưu ý khi dùng hạt dổi

Hạt dổi được mệnh danh là “vàng đen” của Tây Bắc với giá cả khá cao nên bị làm giả rất nhiều. Người dân cần chọn mua ở những cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Tuy là một trong những gia vị khá lành tính, tuy nhiên những người dễ bị tiêu chảy, có cơ địa hàn lạnh, không nên sử dụng nhiều.

“Vàng đen” của núi rừng Tây Bắc ngoài công dụng làm tăng hương vị cho nhiều món ăn đặc sản, còn có nhiều lợi ích sức khoẻ khác. Nổi bật là tác dụng trong các bệnh về đường tiêu hoá và xương khớp.

Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/hat-doi-de-lam-gi-a55851.html