Để biết được quá trình hình thành, phát triển của 1 Quốc gia, bạn hãy đến các viện bảo tàng. Bởi Viện bảo tàng là nơi trưng bày và lưu giữ các tài liệu, hiện vật cổ quý hiếm liên quan đến một hoặc nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa của một dân tộc hay một giai đoạn lịch sử nào đó. Các bạn đến bảo tàng để học tập, nghiên cứu hoặc đơn giản để tham quan, chiêm ngưỡng những điều chưa từng được biết đến Các bảo tàng ở Hà Nội được chia thành 2 loại chủ yếu:
• Chủ đề lịch sử, quân sự Việt Nam: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Lịch sử quốc gia Việt Nam, Lịch sử quân sự Việt Nam …
• Chủ đề nghệ thuật - văn hóa - xã hội: Bảo tàng Phụ nữ, Mỹ Thuật, Dân tộc học Việt Nam …
I. Các bảo tàng ở Hà Nội về Chủ đề lịch sử, quân sự Việt Nam
1. Bảo tàng Hồ Chí Minh - Bảo tàng ở Hà Nội nên đi nhất
Địa chỉ: Số 19 Ngọc Hà, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội
Thời gian mở cửa: Bảo tàng Hồ Chí Minh mở cửa tất cả các ngày trong tuần từ 8h-16h30 Giá vé vào cửa: 30.000 đồng/lượt
Bến xe bus: Xe buýt số 09, 18, 33
Bảo tàng Hồ Chí Minh được xây dựng theo nguyện vọng của đồng bào Việt Nam nhằm tỏ lòng biết ơn và đời đời ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quyết tâm học tập tư tưởng, phong cách, đạo đức của Người: đoàn kết phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam thống nhất, hoà bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, hữu nghị và hoà bình với nhân dân toàn thế giới.
Bảo tàng Hồ Chí Minh nằm trong quần thể di tích lăng Bác, bởi vậy bạn có thể kết hợp tham quan lăng Bác, quảng trường Ba Đình, khu nhà sàn Bác Hồ, chùa Một Cột; vừa tìm hiểu về lịch sử nước nhà, vừa tham quan ngắm cảnh đẹp.
Tòa nhà bảo tàng mang biểu tượng bông sen trắng tượng trưng cho cuộc đời giản dị thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gian mở đầu (còn gọi là gian long trọng) tượng trưng cho nhụy của bông sen trắng, trung tâm của gian là tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phía sau tượng là biểu tượng mặt trời và hình ảnh cây đa tượng trưng cho ánh sáng và sự trường tồn của toàn dân tộc Việt Nam. Bất cứ ai lần đầu nhìn đều rất thích tác phẩm này, không chỉ bởi quy mô hoành tráng mà còn bởi tính dân tộc và nghệ thuật, mọi chi tiết đều được tạc rất tinh xảo và tỉ mỉ. Bên trong bảo tàng Hồ Chí Minh có nhiều hiện vật còn bảo lưu có liên quan đến sự nghiệp của Bác hay những tác phẩm tái hiện lại cuộc đời của Người, tiêu biểu là khu nhà mô phỏng Làng Sen quê Bác, được tái hiện rất tinh tế và gần gũi, giản dị.
Bảo tàng Hồ Chí Minh
2. Bảo tàng Công binh
Địa chỉ: Số 290 Lạc Long Quân, Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội
Thời gian mở cửa: Bảo tàng Công binh mở cửa từ T3 đến Chủ nhật. Từ 8h-11h15; 13h-16h15
Giá vé vào cửa: MIỄN PHÍ
Bến xe bus: Xe buýt số 13, 25, 55
Bảo tàng Công binh thuộc Cục Chính trị, Binh chủng Công binh, Quân đội nhân dân VN; thuộc loại hình lịch sử quân sự, có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, trưng bày, tuyên truyền giới thiệu các tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, phản ánh quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến đấu, của Bộ đội Công binh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Nếu muốn xem vũ khí của nước nhà từng đánh thắng các cường quốc bạn hãy đến đây để hiểu thêm về các vũ khí làm nên lịch sử nước nhà và hiểu thêm rằng đất nước ta vẫn còn ghánh chịu hậu quả chiến tranh ra sao do bom mìn để lại. Đồng thời cũng hiểu thêm về sức tàn phá của các loại bom mìn đối với cuộc sống con người.
3. Bảo tàng Địa chất
Địa chỉ: Số 6 Phạm Ngũ Lão, Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Thời gian mở cửa: Bảo tàng Địa chất mở cửa từ T3 đến Chủ nhật. Từ 8h-11h15; 13h-16h15
Giá vé vào cửa: MIỄN PHÍ
Bến xe bus: Xe buýt số 02, 03, 19, 35, 42, 43, 44, 48, 49, 51, 55
Bảo tàng Địa chất trưng bày các bộ mẫu địa chất theo ba chủ đề: Lịch sử địa chất Việt Nam và hành tinh của chúng ta, địa chất và khoáng sản VN và các sưu tập chuyên đề. Bảo tàng đang lưu giữ một khối lượng lớn mẫu vật địa chất, khoáng sản và cổ sinh vật của nước ta, trong đó có khối lượng mẫu không nhỏ của miền Tây Bắc Bộ. Các bạn có thể chiêm ngưỡng những khoáng vật mang vẻ đẹp kỳ thú, đầy màu sắc, có thể được xem như “những tác phẩm nghệ thuật của thiên nhiên”.
4. Bảo tàng Chiến thắng B52
Địa chỉ: Số 157 Đội Cấn, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội
Thời gian mở cửa: Bảo tàng Chiến thắng B52 mở cửa từ T3 đến Chủ nhật. (không có T2, T6) Từ 8h-11h30; 13h-16h30
Giá vé vào cửa: MIỄN PHÍ Bến bus:
Xe buýt: số 09
Bảo tàng chiến thắng B52
Bảo tàng Chiến thắng B52 trưng bày các loại vũ khí, khí tài, xác máy bay B52 bị bắn rơi, lưu giữ cả hình ảnh và hiện vật của quân và dân Hà Nội trong trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972 với không quân Hoa Kỳ, thể hiện 1 trong những chiến dịch quân sự hoành tráng nhất không chỉ của Việt Nam mà còn của Thế giới.
Bảo tàng Chiến thắng B52 được khánh thành vào ngày 22/12/1997, có 2 khu trưng bày:
• Khu trưng bày trong nhà khái quát về truyền thống của lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ, đặc biệt là chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” với nhiều hiện vật, tài liệu, các tác phẩm nghệ thuật, sa bàn tổng hợp diễn biến chiến đấu trong 12 ngày đêm tháng 12/1972.
• Khu trưng bày ngoài trời gồm có các loại vũ khí, khí tài của quân, dân Thủ đô Hà Nội trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; xác các máy bay B52 bị quân và dân Thủ đô bắn rơi trong 12 ngày đêm tháng 12/1972.
Để phục vụ du khách thăm quan và tạo cơ hội cho nhiều người dân trong, ngoài nước biết đến chiến thắng Điện Biên Phủ trên không lẫy lừng của Thủ đô Hà Nội, Bảo tàng B52 trong suốt những năm qua đã mở cửa tự do đón khách. Theo Giám đốc Bảo tàng, Thượng tá Phạm Ngọc Hạnh cho biết, lượng khách thăm quan trong năm nay tăng hơn năm ngoái, khoảng hàng vạn khách và thường năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt trong tháng 12 lượng khách tăng đột biến, do khách từ các tổ chức cơ quan, học sinh, cựu chiến binh… sẽ đến đông hơn.
Bình thường Bảo tàng sẽ đóng cửa vào thứ hai và thứ sáu hàng tuần để vệ sinh và bảo đảm công tác thăm quan cho du khách. Nhưng bắt đầu từ thứ hai tuần sau Bảo tàng sẽ mở cửa kín tuần để phục vụ khách thăm quan, vì đây chính là thời điểm kỷ niệm 12 ngày đêm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Theo chia sẻ của Thượng tá Phạm Ngọc Hạnh, Bảo tàng Chiến thắng B52 là nơi nghiên cứu, trưng bày và giới thiệu về quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, đặc biệt là chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Vì vậy, nơi đây luôn là niềm tự hào của Thủ đô Hà Nội cũng như nhân dân cả nước. Chính cái tên Bảo tàng chiến thắng B52 đã nói lên một phần kỳ tích của quân và dân Thủ đô trong cuộc chiến chống không kích của quân đội Mỹ. Nét độc đáo cũng nằm ở ngay cái tên của Bảo tàng và để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách đến thăm quan
5. Bảo tàng lực lượng Tăng Thiết giáp
Địa chỉ: Số 108 Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội
Thời gian mở cửa: Bảo tàng lực lượng Tăng Thiết giáp mở cửa từ T2 đến Chủ nhật. (không có T6) Từ 8h-11h; 14h-16h
Giá vé vào cửa: MIỄN PHÍ Bến bus:
Xe buýt: số 07, 14, 38, 45
Bảo tàng Lực lượng Tăng - Thiết Giáp, gọi tắt Bảo tàng Tăng Thiết giáp, là bảo tàng quân sự trực thuộc Cục Chính trị, Binh chủng Tăng - Thiết giáp, Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập ngày 12 tháng 9 năm 1995. Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, là bộ sách lịch sử sống động về bộ đội Tăng thiết giáp trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp thuộc loại hình lịch sử quân sự, có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, trưng bày, tuyên truyền giới thiệu các tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, phản ánh quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Bộ đội Tăng thiết giáp trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, kho tư liệu hiện vật của Bảo tàng có trên 7.000 hiện vật gốc hình và gốc khối; gần 3.000 hiện vật, hình ảnh tiêu biểu được giới thiệu trên diện tích trưng bày 2.600m2 trong nhà và 1.200m2 trưng bày ngoài trời. Hàng năm, Bảo tàng đón trên 30.000 lượt du khách tới thăm quan, tìm hiểu và là địa chỉ văn hóa, lịch sử, nơi gặp gỡ của những Cựu chiến binh, những người lính xe tăng năm xưa mỗi khi cùng nhau ôn lại một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
6. Bảo tàng Binh chủng Thông tin
Địa chỉ: Số 23 Giang Văn Minh, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội
Thời gian mở cửa: Bảo tàng Binh chủng Thông tin mở cửa từ T2 đến T6 Từ 8h-11h; 13h30-16h30
Giá vé vào cửa: MIỄN PHÍ
Bến xe bus: Xe buýt số 22, 32, 34, 50
Bảo tàng Binh chủng Thông tin trực thuộc Cục Chính trị, Binh chủng Thông tin thuộc loại hình lịch sử quân sự có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, trưng bày, tuyên truyền giới thiệu các tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, phản ánh quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Bộ đội Thông tin liên lạc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Bảo tàng Binh chủng Thông tin được thành lập ngày 19 tháng 05 năm 1985
7. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Địa chỉ: Số 28A Điện Biên Phủ, Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội
Thời gian mở cửa: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mở cửa từ T2 đến Chủ nhật Từ 8h-11h30; 13h-16h30
Giá vé vào cửa: 0-6 tuổi: MIỄN PHÍ, 6-15 tuổi: 10k, 15 tuổi trở lên: 20k
Bến xe bus: Xe buýt số 09, 18, 41
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là 1 trong 6 bảo tàng quốc gia và là bảo tàng đầu hệ của hệ thống bảo tàng Quân đội, được thành lập ngày 17/7/1956, địa chỉ tại số 28A đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội. Bảo tàng hiện đang trưng bày và lưu giữ hàng vạn hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm, đặc biệt là 04 Bảo vật Quốc gia, gồm: Máy bay MIG 21 số 4324, Máy bay MIG 21 số hiệu 5121, Tấm Bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh, Xe tăng T54B số hiệu 843.
Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam
Trải qua hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam từng bước phát triển cả về cơ cấu tổ chức cũng như chức năng, nhiệm vụ làm tốt vai trò của 1 thiết chế văn hoá, một bộ phận quan trọng trong hệ thống bộ máy tổ chức hoạt động công tác đảng, công tác chính trị của QĐND Việt Nam.
8. Bảo tàng Biên Phòng
Địa chỉ: Số 2 Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Thời gian mở cửa: Bảo tàng Biên Phòng mở cửa từ T2 đến T6 Từ 8h-11h30; 13h-16h30 Giá vé vào cửa: MIỄN PHÍ
Bến xe bus: Xe buýt số 02, 03, 35, 43, 49
Bảo tàng Biên phòng thành lập ngày 3/3/1989, trực thuộc Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Biên phòng. Bảo tàng Biên phòng xếp hạng 2, theo quyết định xếp hạng Bảo tàng Việt Nam. Bảo tàng Biên phòng là loại hình lịch sử quân sự có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, trưng bày, tuyên truyền giới thiệu các tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, phản ánh quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của bộ đội Biên phòng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
9. Bảo tàng Phòng không - Không quân
Địa chỉ: Số 171 Trường Chinh, Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội
Thời gian mở cửa: Bảo tàng Phòng không - Không quân mở cửa từ T2 đến Chủ nhật (Ngoại trừ T6) Từ 8h-11h30; 13h-16h30
Giá vé vào cửa: MIỄN PHÍ
Bến xe bus: Xe buýt số 16, 19, 24
Bảo tàng Phòng không - Không quân trực thuộc Cục Chính trị, Quân chủng Phòng không - Không quân, tiền thân là Phòng Truyền thống Bộ đội Phòng không thành lập năm 1958. Bảo tàng được xếp hạng 2 trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam. Bảo tàng được xây dựng mới vào năm 2004, khánh thành ngày 28/8/2007, là nơi lưu giữ những hình ảnh, tư liệu, hiện vật minh chứng cho quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng của Bộ đội Phòng không - Không quân Việt Nam 73 hiện vật khối lớn được trưng bày ngoài trời một cách khoa học, giới thiệu các bộ sưu tập hiện vật vũ khí độc đáo về Bộ đội Phòng không - Không quân pháo cao xạ, rađa, không quân, tên lửa.
Những vũ khí đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc: khẩu pháo 37 mm của khẩu đội Tô Vĩnh Diện tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ; cuộc hành trình của khẩu pháo 90 mm do Mỹ sản xuất tham gia chiến thắng trận đầu ngày 05/8/1964; Rađa phát sóng quản lý bầu trời bằng sóng điện từ, trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972, bắt được tín hiệu máy bay chiến lược B-52 sớm 35 phút thông báo cho quân và dân Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu; Bệ phóng tên lửa lập công bắn rơi máy bay B-52 đầu tiên trong Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972; Máy bay MiG-21 bắn rơi máy bay B-52 đêm 27/12/1972.
Ngoài ra, các bộ sưu tập hiện vật còn có các loại máy bay MiG-17, MiG-19, MiG-21, trực thăng vận tải, trực thăng săn ngầm và một số máy bay cường kích thu được của Mỹ Ngụy, trong đó có máy bay A-37, Phi đội Quyết Thắng đã sử dụng ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần giành thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…; một số loại vũ khí, phương tiện mà đối phương đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
10. Bảo tàng Công an Nhân dân
Địa chỉ: Số 1 Trần Bình Trọng, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Thời gian mở cửa: Bảo tàng Công an Nhân dân mở cửa từ T2 đến Chủ nhật (Ngoại trừ T6) Từ 8h-11h30; 13h-16h30
Giá vé vào cửa: MIỄN PHÍ
Bến xe bus: Xe buýt số 03, 11, 40, 43
Bảo tàng Công an nhân dân là nơi lưu giữ và bảo quản gần 20.000 hiện vật về lịch sử truyền thống chiến đấu, xây dựng và phát triển của Công an nhân dân Việt Nam, trong đó, riêng hệ thống trưng bày bảo tàng đã giới thiệu gần 2.000 hiện vật đến. Khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Công an “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.
Ra đời trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lực lượng CAND không ngừng lớn mạnh, lập nhiều thành tích đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bề dày truyền thống oanh liệt, hào hùng đó của CAND Việt Nam là tài sản vật chất và tinh thần to lớn, vô cùng quý giá của lực lượng CAND và của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự của Tổ quốc, cần được gìn giữ, kế thừa và phát huy từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Xuất phát từ ý nghĩa đó, để ghi nhận công lao to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an, lưu giữ lâu dài các hình ảnh, tài liệu, hiện vật lịch sử về lực lượng Công an, để làm tốt công tác giáo dục truyền thống, bồi dưỡng kiến thức và tình cảm cách mạng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an, phục vụ yêu cầu chính trị trước mắt cũng như lâu dài, việc xây dựng bảo tàng của lực lượng CAND đã được lãnh đạo Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) quan tâm chỉ đạo, chuẩn bị từ nhiều năm.
11. Bảo tàng Cách mạng Việt Nam
Địa chỉ: Số 25 Tông Đản, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Thời gian mở cửa: Bảo tàng Cách mạng Việt Nam mở cửa từ T3 đến Chủ nhật Từ 8h-11h30; 13h-16h30
Giá vé vào cửa: MIỄN PHÍ
Bến xe bus: Xe buýt số 03, 43, 43, 55
Bảo tàng Cách mạng Việt Nam là nơi tái hiện lịch sử đấu tranh hàng trăm năm của nhân dân Việt Nam chống Pháp, chống Nhật, chống Mỹ, chống phong kiến, giành lại độc lập tự do dân chủ cho Việt Nam Nơi đây nguyên là Sở thương binh Việt Nam, mặt chính quay ra đường Trần Quang Khải, mặt sau là Tôn Đản. Sau khi cải tạo gồm 29 phòng, trưng bày trên 4 vạn hiện vật. Phòng đầu tiên giới thiệu chung về con người và đất nước Việt Nam, phòng cuối cùng giới thiệu tình đoàn kết của thế giới với Việt Nam. 27 phòng khác trưng bày hiện vật về cuộc đấu tranh của chống Pháp, chống Nhật, chống Mỹ, từ thế kỷ 19 đến năm 1975.
Tại đây có những bộ sưu tập về hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh và các lãnh tụ khác, các sách báo của Đảng Cộng sản Việt Nam (1920-1945), cờ của Đảng năm 1930, cờ đỏ sao vàng năm 1941, sưu tập vũ khí trong đó đặc biệt có lưỡi mác của đội xích vệ ở Nghệ An năm 1930, súng khai hậu của du kích Bắc Sơn năm 1941, bệ phóng tên lửa bắn máy bay B-52…
12. Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày
Địa chỉ: Thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội
Thời gian mở cửa: Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày mở cửa từ T2 đến Chủ nhật Từ 8h-11h30; 13h-16h30
Giá vé vào cửa: MIỄN PHÍ
Bảo tàng được thành lập vào ngày 11/10/2006, nằm trong khuôn viên gần 2,000 m, nơi lưu giữ gần 3.000 hiện vật lịch sử. đã được nhiều báo đài trong và ngoài nước đưa tin và phản ảnh. Hàng năm bảo tàng thu hút trên 2,5 vạn lượt khách. Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày hấp dẫn không chỉ bởi các hình ảnh hiện vật, vô cùng sinh động về quá trình sinh hoạt, đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng trong các nhà tù của địch, mà nó còn hấp dẫn bởi cách thành lập và hoạt động của bảo tàng, đó đều là sự tự nguyện góp công góp sức của chính những nhân chứng sống của các hiện vật đó. Các nhân chứng sống, cựu chiến bình lặn lội mọi miền tổ quốc để sưu tập, lưu giữ, trưng bày và cũng chính họ sẽ là những hướng dẫn viên kể và thuật lại chính những việc mà họ và đồng đội đã trải qua.
II. Những bảo tàng ở Hà Nội về Chủ đề Nghệ thuật - Văn Hóa - Xã hội
13. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Địa chỉ: Số 1 Tràng Tiền, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Thời gian mở cửa: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam mở cửa từ T2 đến Chủ nhật Từ 8h-12h; 13h30-17h
Giá vé vào cửa: MIỄN PHÍ, 10k, 20k, tùy đối tượng
Bến xe bus: Xe buýt số 02, 03, 34, 35, 43, 43, 44, 48, 49, 51, 55
Được thành lập theo Quyết định 1674/QĐ-TTg ngày 26/09/2011 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam; Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một công trình văn hóa tọa lạc ngay tại quận Hoàn Kiếm, trung tâm của Thủ đô, gần với khu quần thể di tích linh thiêng của Thủ đô như Tháp Rùa - Hồ Gươm; Cầu Thê Húc - Đền Ngọc Sơn - Bút tháp, Nhà hát lớn… Đây là Bảo tàng lưu giữ, trưng bày, giới thiệu lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử đến thời hiện đại một cách tổng hợp, phong phú, liên tục và toàn diện nhất.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đứng đầu hệ thống các bảo tàng lịch sử - xã hội Việt Nam cũng như các Bảo tàng tại Hà Nội khác; có chức năng nghiên cứu khoa học, khai quật khảo cổ học, sưu tầm, lưu giữ, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giới thiệu, phát huy giá trị tài liệu, hiện vật về tiến trình lịch sử Việt Nam; tổ chức đào tạo, tư vấn, giám định, thẩm định, quản lý, khai thác dịch vụ thuộc phạm vi hoạt động của bảo tàng.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ và bảo quản khoảng 200.000 hiện vật, tư liệu lịch sử văn hóa Việt Nam, trong đó giai đoạn lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử đến năm 1945 có gần 110.000 tài liệu, hiện vật là di vật, cổ vật và 19 bảo vật quốc gia; trong đó có nhiều sưu tập quý hiếm vào bậc nhất so với các bảo tàng cùng loại hình ở trong nước và khu vực như: sưu tập hiện vật thuộc các nền văn hóa khảo cổ từ sơ kỳ thời đại đồ đá cũ đến thời đại đồng thau và sắt sớm (Hòa Bình- Bắc Sơn); Văn hóa Đông Sơn; Gốm men cổ Việt Nam; Đồ đồng thời Lê Nguyễn; Điêu khắc đá Chăm pa; Nghệ thuật trang trí nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước trong khu vực Đông Nam Á…
Giai đoạn lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến ngày nay có khoảng hơn 80.000 tài liệu, hiện vật quý về lịch sử cách mạng Việt Nam, về Đảng Cộng sản Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ. Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang duy trì 2 hệ thống trưng bày cố định tại 2 cơ sở: số 1 Tràng Tiền - Hà Nội, trưng bày Lịch sử Việt Nam giai đoạn cổ, trung đại; tại cơ sở số 216 Trần Quang Khải - Hoàn Kiếm- Hà Nội, trưng bày về Lịch sử Việt Nam thời kỳ cận - hiện đại.
14. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Địa chỉ: Số 66 Nguyễn Thái Học, Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội
Thời gian mở cửa: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mở cửa từ T2 đến Chủ nhật Từ 8h-12h; 13h30-17h
Giá vé vào cửa: 30k
Bến xe bus: Xe buýt số 02, 18, 23, 32, 34, 38, 41, 45
Bảo tàng được xây dựng thời Pháp thuộc, nguyên là Ký túc xá của 1 tổ chức kinh doanh của Giáo hội Gia tô, mang tên “Gia đình Janne d’Art”, làm nơi ăn ở cho con gái các quan chức Pháp toàn Đông Dương, về học tại Hà Nội. Sau năm 1945, ngôi nhà này được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Sau năm 1962, Nhà nước đã giao cho Bộ Văn hoá để sửa sang thành nơi sưu tập, trưng bày và lưu trữ các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, có giá trị của Việt nam từ thời Tiền sử cho đén ngày nay Từ một ngôi nhà có kiến trúc châu Âu, toà nhà đã được cải tạo mang nhiều nét kiến trúc Việt Nam, phù hợp với chức năng bảo tàng mỹ thuật.
Năm 1966, bảo tàng chính thức mở cửa đón khách tham quan. Diện tích toàn bộ khuôn viên bảo tàng khoảng 4200m2 và diện tích trưng bày là 1200m2. Từ năm 1997 -1999, bảo tàng đã được mở rộng với diện tích là 4737m2 với diện tích trưng bày trên 3.000m2. Bên cạnh trụ sở chính tại đường Nguyễn Thái Học, Bảo tàng còn có cơ sở 2 tại Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa với không gian lớn, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại, được sử dụng để bảo quản và phục chế các tác phẩm nghệ thuật cũng như tổ chức các cuộc hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.
Các sưu tập trong hệ thống trưng bày cố định của Bảo tàng được giới thiệu theo tiến trình lịch sử, theo loại hình và chất liệu về những giá trị điển hình của kho tàng mỹ thuật các dân tộc Việt Nam, mỹ thuật dân gian, mỹ thuật ứng dụng, mỹ thuật hiện đại… nhằm đem đến cho người xem dễ dàng sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam cũng như những nét độc đáo của các chuyên đề mỹ thuật. Bên cạnh hệ thống trưng bày cố định, Bảo tàng còn có phòng trưng bày chuyên đề dành cho các hoạt động triển lãm, giao lưu nghệ thuật trong và ngoài nước.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện lưu giữ hơn 20.000 hiện vật, trong đó có trên 2.000 hiện vật được trưng bày cố định với các chủ đề chính sau:
- Mỹ thuật thời tiền sử - sơ sử
- Mỹ thuật từ thế kỉ 11 đến thế kỉ 19
- Mỹ thuật từ thế kỷ thứ 20 cho đén này nay
- Mỹ thuật ứng dụng truyền thống
- Mỹ thuật dân gian
- Gốm nghệ thuật Việt Nam từ thế kỉ 11 đến thế kỉ 20 bao gồm sưu tập gốm trục với từ 5 con tàu cổ.
Trên 30 phòng trưng bày, suốt 3 tầng lầu, người tham quan bị thu hút vào các hiện vật phong phú, với nét sáng tạo độc đáo, óc thẩm mỹ và bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Từ những đường nét hoa văn rực rỡ trên các bộ quần áo dân tộc, đến những hiện vật bằng tre nứa khá tinh xảo và những bức tranh, gà, heo đơn sơ mà độc đáo của Đông Hồ hay tượng đồng, tượng đá, tượng gỗ…
Tất cả như đều phảng phất tâm linh dân tộc, đậm chất truyền thống. Khác với các hiện vật trưng bày theo tiến trình lịch sử, kho lưu giữ của bảo tàng còn có nhiều hiện vật được hệ thống thành bộ sưu tập và được bảo quản ở từng kho riêng với chế độ bảo quản thích hợp, gồm:
- Bộ sưu tập hội hoạ: trên 6.000 tác phẩm
- Bộ sưu tập điêu khắc: trên 1.000 hiện vật
- Bộ sưu tập mỹ thuật truyền thống: trên 2.000 hiện vật
- Bộ sưu tập gốm: trên 6.000 hiện vật
- Bộ sưu tập mỹ thuật nước ngoài: trên 400 hiện vật Bảo tàng mỹ thuật là kho báu vô giá của nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam và là một địa chỉ văn hoá hấp dẫn du khách bốn phương.
15. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Địa chỉ: Số 36 Lý Thường Kiệt, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Thời gian mở cửa: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mở cửa từ T2 đến Chủ nhật Từ 8h-17h, xuyên trưa
Giá vé vào cửa: 30k
Bến xe bus: Xe buýt số 08, 45, 49
Nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội, cách hồ Gươm và khu phố cổ hơn 500m, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam toạ lạc trên phố Lý Thuờng Kiệt, đây là con phố đẹp, cổ kính bậc nhất Hà Nội, nơi có nhiều toà nhà kiến trúc kiểu Pháp cổ, những đại sứ quán, nhiều cơ quan, khách sạn lớn. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được thành lập từ năm 1987, trực thuộc Hội LHPN Việt Nam. Là một bảo tàng Giới với chức năng nghiên cứu, lưu giữ bảo quản, trưng bày những di sản vật thể, phi vật thể về lịch sử, văn hóa của phụ nữ Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam; đồng thời là trung tâm giao lưu văn hóa của phụ nữ Việt Nam và phụ nữ quốc tế vì mục tiêu Bình đẳng, Phát triển và Hoà Bình. Từ khi khánh thành năm 1995, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã trưng bày thành công rất nhiều triển lãm phục vụ hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế mỗi năm. Bảo tàng cũng đã phát triển một bộ sưu tập hơn 25.000 tài liệu hiện vật liên quan đến phụ nữ Việt Nam.
16. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Địa chỉ: Nguyễn Văn Huyên, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội
Thời gian mở cửa: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mở cửa từ T3 đến Chủ nhật Từ 8h-17h
Giá vé vào cửa: 40k
Bến xe bus: Xe buýt số 07, 12, 38, 39
Trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam do Nhà nước đầu tư xây dựng và nằm trong hệ thống các bảo tàng quốc gia Việt Nam. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có nhiều chức năng: nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, phục chế hiện vật và tư liệu về các dân tộc; tổ chức trưng bày, trình diễn và những hình thức hoạt động khác để giới thiệu, giáo dục về văn hoá của các dân tộc ở Việt Nam cũng như các nước khác …
17. Bảo tàng Hà Nội
Địa chỉ: Phạm Hùng, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Thời gian mở cửa: Bảo tàng Hà Nội mở cửa từ T3 đến Chủ nhật Từ 8h-17h
Giá vé vào cửa: FREE
Bến xe bus: Xe buýt số 21B, 22B, 35A, 39, 50, 60
Tọa lạc trên đường Phạm Hùng và nằm trong cụm các công trình có kiến trúc độc đáo nhất Thủ đô Hà Nội, ngay cạnh Trung tâm hội nghị Quốc gia, Cung triển lãm kiến trúc quy hoạch xây dựng quốc gia, khách sạn JW Marriot, Bảo tàng Hà Nội nhìn từ xa như một viên kim cương bừng sáng cả một góc phía Tây của thành phố.
Bảo tàng Hà Nội
Với khuôn viên rộng hơn 50.000m2, tòa nhà gồm bốn tầng nổi và hai tầng hầm, chiều cao 30.7m, diện tích xây dựng 11.952m2, diện tích sàn xây dựng 30.208m2, chính khuôn viên rộng rãi và kiến trúc độc đáo đó đã làm cho bảo tàng trở thành một điểm đến thân quen của du khách tham quan trong và ngoài nước khi nhắc đến thủ đô Hà Nội.
18. Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
Địa chỉ: 18 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội
Thời gian mở cửa: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam mở cửa từ T2 đến Chủ nhật Từ 8h-17h
Giá vé vào cửa: FREE
Bến xe bus: Xe buýt số 13, 14, 33, 45
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam là bảo tàng cấp quốc gia, đầu hệ trong hệ thống các bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam. Được thành lập theo Nghị định 27/NĐ-CP, ngày 16/1/2004 của Chính phủ Việt Nam. Hiện nay, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam trực tiếp quản lý, đồng thời chịu sự quản lý nhà nước.
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam có nhiệm vụ sưu tầm, xây dựng và quản lý Bộ sưu tập vật mẫu quốc gia về thiên nhiên Việt Nam, tổ chức trưng bày, triển lãm, phổ biến kiến thức và tuyên truyền giáo dục về thiên nhiên và bảo vệ môi trường, tổ chức nghiên cứu khoa học và dịch vụ văn hoá, khoa học trong lĩnh vực sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường; ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ trong việc sưu tầm, chế tác, trưng bày, quản lý mẫu vật và nghiên cứu khoa học trong những lĩnh vực có liên quan, đào tạo chuyên gia, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho các bảo tàng thiên nhiên khu vực và chuyên ngành trong hệ thống bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, thực hiện hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực hoạt động nghiên cứu khoa học - văn hoá có liên quan.
Nguồn: timgiangon.com
Hung
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/cac-vien-bao-tang-o-ha-noi-a56893.html