Mới đây, trong bộ ảnh kỉ niệm, vợ chồng anh Thào A Hoàng (1997, Lào Cai) - chị Vũ Anh Thư (2000, Lai Châu) đã lựa chọn chụp ảnh tại Sa Pa (Lào Cai) với trang phục và lối trang điểm kiểu Tây Tạng. Bộ ảnh được chụp tại một khu du lịch vào ngày nắng đẹp, nhiều mây, tạo nên bối cảnh ấn tượng.
"Vợ chồng mình đều rất yêu Sa Pa nên từng chụp một vài bộ ảnh kỉ niệm tại đây. Mình thường chọn các điểm du lịch nổi tiếng như bản Cát Cát, suối Tiên Sa... và mặc trang phục truyền thống dân tộc Mông. Nhưng lần này, khi thấy các bạn trẻ khác chụp ảnh phong cách Tây Tạng rất sáng tạo, ấn tượng, mình thử đặt lịch trải nghiệm", chị Thư chia sẻ.
Chị Thư rất hài lòng với bộ ảnh kỉ niệm này. "Mình chụp vào một ngày thời tiết đẹp nên có bối cảnh không gian núi rừng hùng vĩ, biển mây ấn tượng. Trang phục Tây Tạng sặc sỡ nên kết hợp cùng bối cảnh rất hợp", chị Thư chia sẻ.
Chị Nguyễn Hồng Thu Trang (Hà Nội) thường xuyên du lịch tại Sa Pa (Lào Cai). Mỗi chuyến đi, chị Trang đều cố gắng tìm kiếm và chia sẻ những hình ảnh mới lạ về Sa Pa. Trong chuyến đi vào cuối tháng 12/2021, chị đặt dịch vụ chụp ảnh với trang phục Tây Tạng.
"Đây vốn không phải trang phục của các dân tộc Việt Nam nhưng nó lại phù hợp với cảnh sắc mây, núi hoang sơ, vừa thơ mộng vừa hùng vĩ của Sa Pa. Mình muốn trải nghiệm một hình ảnh mới lạ hơn", chị Trang chia sẻ. Khi bộ ảnh hoàn thành, chị rất ưng ý. Theo chị, toàn bộ trang phục, phụ kiện hay bối cảnh, cách trang điểm đều được ekip làm kĩ càng, chỉnh chu.
"Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp như hiện tại, mình khó lòng có thể đến Mông Cổ dù đã dự định từ khá lâu. Bộ ảnh này như một trải nghiệm mới lạ, mang đến cảm xúc khác về Sa Pa. Với mình nếu không phải những hình ảnh phản cảm thì đây cũng là một sự giao lưu văn hóa thôi", chị Trang nói.
Chị Lan Phương (Sa Pa, Lào Cai) - một trong những người đầu tiên khơi nguồn ý tưởng chụp ảnh theo phong cách du mục Mông Cổ - Tây Tạng tại Sa Pa chia sẻ: "Mình và ekip cũng rất bất ngờ khi phong cách ảnh này được nhiều du khách yêu thích và ủng hộ".
Theo chị Phương, Mông Cổ vốn nổi tiếng với những dải thảo nguyên bạt ngàn, những đồng cỏ xanh đến tận chân trời cùng cuộc sống tự do tự tại của người dân du mục. So với Mông Cổ, Sa Pa có những nét thiên nhiên tương đồng: đồi núi trập trùng, nhiều vùng bản làng còn hoang sơ, cỏ dại mọc bạt ngàn.
"Sa Pa có nhiều địa điểm rất phù hợp hoang sơ, mộc mạc để du khách hóa thân thành cô gái du mục. Trang phục của người Mông Cổ - Tây Tạng còn rất bắt mắt, thu hút nữa. Do đó mình quyết định tìm hiểu và triển khai phong cách chụp này", chị Phương cho biết. Hiện cơ sở của chị Phương có 12 bộ trang phục Tây Tạng nhưng thường xuyên trong tình trạng "cháy lịch", du khách phải đặt cọc sớm để giữ.
Tương tự như chị Phương, anh Hoàng Trung Hiếu - một nhiếp ảnh gia tại Sa Pa cũng mở mô hình kết hợp cho thuê và chụp ảnh phong cách Tây Tạng cho du khách tại đây. Từ tháng 10/2021 tới nay, lượng khách đặt hàng rất đông, nhiều khi "cung không đủ cầu". Dịp Tết Nguyên đán, dù thời tiết Sa Pa lạnh, sương mù và mưa, nhiều du khách vẫn đặt lịch thuê trang phục này.
Anh Hiếu cho biết, trang phục được anh đặt mua từ Trung Quốc, đầu tư thêm các phụ kiện như mũ lông, giày vải, cung tên, trượng may mắn, vòng xương... Mỗi bộ có chi phí hơn 3 triệu đồng. Hiện du khách có thể thuê trang phục với mức giá 400.000 đồng/bộ, trang điểm từ 250.000 - 300.000 đồng/người, bên cạnh đó là chi phí chụp ảnh.
"Trước đây mình đã chụp phong cách này tại Hà Giang. Khi đưa về Sa Pa, mình thường chọn bối cảnh tại các khu checkin có tiếng như Best View, núi đá Sky Hill, vườn Green Farm, một vài điểm trên đèo Ô Quý Hồ. Các điểm này còn khá hoang sơ, ít sử dụng các vật liệu xây dựng sắt thép nên tạo nên bối cảnh phù hợp. Ngày thời tiết đẹp sẽ có biển mây", anh Hiếu cho hay.
Những bộ ảnh phong cách Tây Tạng được chia sẻ nhiều trên các hội nhóm du lịch. Bên cạnh ý kiến yêu thích, khen ngợi sự sáng tạo, kết hợp mới lạ thì cũng nhiều người cho rằng không nên lạm dụng trang phục của dân tộc khác khi chụp ảnh ở cảnh đẹp Việt Nam. Hiện phong cách chụp ảnh này vẫn tiếp tục tạo nên những tranh cãi trái chiều.
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/chup-anh-mong-co-sapa-a57121.html