Rối loạn tâm lý: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị bệnh
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê, năm 2019, cứ 8 người có 1 trường hợp, tương đương 970 triệu người trên thế giới mắc rối loạn tâm lý, trong đó phổ biến là rối loạn lo âu và trầm cảm [1]. Ngoài ra, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng khiến số người mắc rối loạn tâm lý gia tăng đáng kể. Vậy rối loạn tâm lý là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị bệnh ra sao?
Rối loạn tâm lý là gì?
Rối loạn tâm lý là tình trạng ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm giác, thái độ và hành vi của một người. Rối loạn tâm lý có thể xảy ra từng đợt hoặc kéo dài, với nhiều loại, mức độ và biểu hiện khác nhau. Một người có thể có nhiều hơn một loại rối loạn tâm lý.
Các loại rối loạn tâm lý phổ biến
Có hơn 200 loại rối loạn sức khỏe tâm lý. Những loại rối loạn sức khỏe tâm lý phổ biến nhất gồm [2]:
Rối loạn lo âu: tình trạng này đặc trưng bởi sự sợ hãi, lo lắng quá mức cùng các rối loạn hành vi liên quan. Rối loạn lo âu gồm nhiều loại khác nhau, chẳng hạn như: rối loạn lo âu tổng quát (biểu hiện qua sự lo lắng quá mức); rối loạn hoảng sợ (đặc trưng bởi các cơn hoảng loạn); rối loạn lo âu xã hội (sợ hãi và lo lắng quá mức trong các tình huống xã hội); rối loạn lo âu chia ly (sợ hãi và lo lắng quá mức về việc phải xa cách những người có mối quan hệ tình cảm sâu sắc).
Rối loạn tăng động/giảm chú ý (ADHD): một trong những rối loạn phát triển thần kinh phổ biến nhất ở trẻ em và thường kéo dài đến tuổi trưởng thành. Trẻ mắc chứng ADHD thường mất tập trung, hiếu động thái quá và bốc đồng.
Rối loạn phổ tự kỷ (Autism spectrum disorder) liên quan đến sự phát triển não bộ, ảnh hưởng đến cách 1 người nhận thức và trao đổi với người khác, gồm các kiểu hành vi hạn chế và lặp đi lặp lại.
Trầm cảm: khi mắc trầm cảm, người bệnh có tâm trạng chán nản, thay đổi thất thường hoặc mất niềm vui, hứng thú với các hoạt động hàng ngày. Một số triệu chứng khác cũng xuất hiện, chẳng hạn như khả năng tập trung kém, hạ thấp giá trị bản thân, tuyệt vọng về tương lai, ý nghĩ tự tử, giấc ngủ gián đoạn, thay đổi khẩu vị, mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng.
Rối loạn lưỡng cực: chứng rối loạn tâm trạng mạn tính khiến tâm trạng, năng lượng và hành vi thay đổi mãnh liệt. Các giai đoạn hưng phấn và hưng phấn nhẹ là dấu hiệu chính của tình trạng này.
Rối loạn hành vi gây rối, chẳng hạn như rối loạn thách thức chống đối.
Rối loạn ăn uống: người mắc hội chứng này có dấu hiệu chán ăn, cuồng ăn hoặc ăn uống không kiểm soát. Chứng chán ăn thường khởi phát ở tuổi thiếu niên. Trong khi người mắc chứng cuồng ăn có nguy cơ sử dụng chất gây nghiện, tự tử và phát sinh những vấn đề tiêu cực khác.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD): tình trạng sức khỏe tâm thần trong đó, người bệnh thường xuyên có những suy nghĩ khiến họ phải thực hiện các hành vi lặp đi lặp lại.
Rối loạn nhân cách gồm rối loạn nhân cách ranh giới và rối loạn nhân cách chống đối xã hội.
Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD): tỷ lệ mắc PTSD và các rối loạn tâm thần khác có xu hướng gia tăng ở những nơi chịu ảnh hưởng bởi xung đột. Hội chứng có thể phát triển sau khi tiếp xúc với một hoặc chuỗi sự kiện đau thương
Tâm thần phân liệt: người mắc bệnh này có tuổi thọ thấp hơn người bình thường, dao động từ 10 - 20 năm. Tâm thần phân liệt đặc trưng bởi sự suy giảm đáng kể về nhận thức và thay đổi hành vi. Các triệu chứng gồm ảo tưởng dai dẳng, ảo giác, có suy nghĩ và hành vi vô tổ chức, kích động mạnh.
Rối loạn sử dụng chất gây nghiện gồm nghiện ma túy, rượu.
Triệu chứng rối loạn tâm lý
Những triệu chứng rối loạn tâm lý gồm [3]:
Thường xuyên sử dụng thuốc kích thích hoặc rượu.
Tránh xa các tình huống, hoạt động xã hội.
Thay đổi trong ham muốn tình dục.
Khó khăn trong việc nhận thức thực tế, bao gồm ảo tưởng hoặc nảy sinh ảo giác.
Lo lắng hoặc sợ hãi quá mức.
Mệt mỏi hoặc rối loạn giấc ngủ.
Cảm giác buồn bã hoặc cô lập.
Không thể đưa ra đánh giá hoặc biểu lộ cảm xúc.
Khó chịu hoặc tức giận dữ dội.
Nỗi ám ảnh về ngoại hình, cân nặng hoặc thói quen ăn uống.
Mất tập trung trong học tập hoặc công việc hàng ngày.
Tâm trạng thay đổi đột ngột.
Có ý nghĩ tự tử hoặc tự gây thương tích cho bản thân.
Rối loạn tâm lý ở trẻ em có những biểu hiện gồm:
Những thay đổi trong kết quả học tập ở trường hoặc cách trẻ tương tác với bạn bè xung quanh.
Không quan tâm đến các hoạt động hoặc sở thích mà họ từng yêu thích.
Lo lắng quá mức.
Thường xuyên nổi giận, không vâng lời hoặc tỏ vẻ hung hăng.
Hành vi hiếu động, chẳng hạn như khó tập trung hoặc không thể ngồi yên.
Nằm mơ thấy ác mộng.
Nguyên nhân rối loạn tâm lý
Không có nguyên nhân duy nhất nào gây rối loạn tâm lý. Tình trạng này có thể do di truyền và tác động từ môi trường sống. Ngoài ra, những yếu tố nguy cơ sau đây có thể làm tăng khả năng mắc bệnh:
Tiền sử gia đình có người thân mắc rối loạn tâm lý.
Lạm dụng ma túy và rượu.
Các yếu tố sinh học: mất cân bằng hóa học trong não.
Tiền sử thời thơ ấu: trải qua sự kiện đau thương trong cuộc sống hoặc có tiền sử bị lạm dụng.
Chấn thương và căng thẳng: ở tuổi trưởng thành, những biến cố đau thương trong cuộc sống hoặc căng thẳng liên tục có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn tâm lý.
Rối loạn thần kinh: bệnh Alzheimer hoặc chứng mất trí nhớ.
Rối loạn giấc ngủ.
Thai phụ tiếp xúc với virus hoặc hóa chất độc hại khi mang thai.
Yếu tố tính cách: một số đặc điểm như cầu toàn, lòng tự trọng thấp có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm hoặc lo lắng.
Biến chứng rối loạn tâm lý
Bệnh rối loạn tâm lý có thể dẫn đến một loạt các biến chứng, tác động tiêu cực đến cuộc sống và sức khỏe người bệnh. Các biến chứng của rối loạn tâm lý gồm:
Tác động tiêu cực đến tâm lý và cảm xúc: tình trạng này khiến người bệnh có cảm giác lo âu, sợ hãi, buồn bã, trầm cảm và căng thẳng. Từ đó giảm chất lượng cuộc sống và gây khó khăn trong mối quan hệ xã hội.
Ảnh hưởng đến hiệu suất, kết quả học tập và công việc.
Mối quan hệ xã hội: làm xa cách, thiếu gắn kết, thậm chí khó khăn trong việc duy trì mối quan hệ xã hội lành mạnh.
Tác động đến sức khỏe: một số rối loạn tâm lý có thể gây các triệu chứng như đau đầu, đau bụng, mệt mỏi, mất ngủ, thậm chí những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Tự tử hoặc tự làm hại bản thân: một số dạng rối loạn tâm lý, chẳng hạn như trầm cảm và rối loạn tâm thần có thể khiến người bệnh tìm cách tự tử hoặc tự làm hại bản thân.
Tác động đến gia đình và người thân: tạo căng thẳng và khó khăn trong mối quan hệ với gia đình và người thân.
Tìm đến các chất kích thích.
Chẩn đoán rối loạn tâm lý
Rối loạn tâm lý được chẩn đoán dựa trên các bước sau:
Bác sĩ kiểm tra tiền sử bệnh.
Bác sĩ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm, chẳng hạn như xét nghiệm máu hoặc kiểm tra hình ảnh, nhằm loại trừ các tình trạng khác ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
Đánh giá tâm lý: bác sĩ đặt các câu hỏi về suy nghĩ, cảm xúc và hành vi và yêu cầu bạn trả lời.
Cách điều trị rối loạn tâm lý
Bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý sẽ dựa vào mức độ nghiêm trọng, tình trạng bệnh mà đưa phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị gồm:
1. Thuốc
Một số rối loạn tâm lý đáp ứng tốt với thuốc, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm và thuốc chống loạn thần. Những loại thuốc này làm thay đổi các chất hóa học trong não, giảm xuất hiện triệu chứng. Điều quan trọng, người bệnh cần dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn, không tự ý ngưng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
2. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu có thể giúp người bệnh kiểm soát các triệu chứng. Ngoài ra, có thể áp dụng phương pháp trị liệu hành vi nhận thức (CBT) nhằm cải thiện những thay đổi hành vi, lối suy nghĩ tiêu cực, hướng dẫn người bệnh cách quản lý cảm xúc.
3. Liệu pháp thay thế
Một số rối loạn tâm lý, chẳng hạn như trầm cảm có thể cải thiện bằng liệu pháp thay thế gồm: điều trị bằng thảo dược, xoa bóp, châm cứu, yoga và thiền. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng những phương pháp này vào điều trị.
4. Liệu pháp kích thích não
Không phải tất cả các rối loạn đều cải thiện khi dùng thuốc. Trường hợp thuốc không có tác dụng, bác sĩ đề nghị dùng liệu pháp kích thích não. Phương pháp này giúp thay đổi cách thức hoạt động, xử lý của các dây thần kinh và tế bào trong não. Liệu pháp này gồm: điện não và kích thích từ trường xuyên sọ (TMS).
Phương pháp phòng ngừa rối loạn tâm lý
Không có phương pháp cụ thể nào ngừa rối loạn tâm lý. Tuy nhiên, bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý sẽ có các lưu ý, hướng dẫn, hỗ trợ bạn kiểm soát triệu chứng. Những lưu ý gồm [4]:
Chế độ dinh dưỡng cân đối: ăn uống lành mạnh và cân đối bằng cách hạn chế tiêu thụ thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ; bổ sung rau xanh, trái cây. Đồng thời, hạn chế sử dụng đồ uống có cồn.
Tăng cường các hoạt động thể chất: tập thể dục có thể giúp giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng và tăng cường sức đề kháng. Hãy cố gắng và duy trì tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Ngủ đủ giấc: nên tập thói quen ngủ đúng giờ và đủ giấc.
Quản lý căng thẳng: học cách xử lý căng thẳng và giải tỏa áp lực trong cuộc sống bằng các phương pháp như thiền, yoga,…
Duy trì mối quan hệ xã hội lành mạnh và nhờ sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình.
Tìm hiểu về các dạng rối loạn tâm lý và dấu hiệu bệnh để kịp thời điều trị.
Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây căng thẳng.
Kiểm tra sức khỏe tinh thần định kỳ: khi cảm thấy lo lắng, áp lực hoặc có dấu hiệu của rối loạn tâm lý, hãy đến gặp bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý để được kiểm tra và điều trị sớm.
Tránh sử dụng chất kích thích: thuốc lá, rượu và các chất gây nghiện có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý.
Quan sát, hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên khi những đối tượng này gặp phải các rối loạn tâm lý.
Khoa Khám bệnh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM quy tụ đội ngũ bác sĩ, chuyên gia đầu ngành có trình độ chuyên môn cao, phong cách làm việc chuyên nghiệp, tận tình chu đáo, đảm bảo công tác khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời và tư vấn chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người bệnh. Đội ngũ nhân viên chăm sóc khách hàng thực hiện nhiệm vụ đón tiếp, chỉ dẫn, giới thiệu, cung cấp thông tin tư vấn về khám chữa bệnh, chính sách với người bệnh, người nhà trong suốt quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện.
Bài viết trên đã cung cấp những thông tin về rối loạn tâm lý là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị bệnh. Hiện rối loạn tâm lý đang trở nên phổ biến, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Hy vọng những kiến thức hữu ích nói trên sẽ giúp bạn nhận biết dấu hiệu bất thường về tâm lý, từ đó có biện pháp điều trị sớm.