Hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV thuộc Đơn vị bầu cử số 1 của TP Hà Nội. (Ảnh: Đăng Khoa)
Phát triển lý luận và thực tiễn về dân chủ xã hội chủ nghĩa là một trong những thành tựu to lớn của Đảng ta qua 35 năm đổi mới, góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển đường lối đổi mới của Đảng vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đáp ứng được khát vọng của nhân dân, phù hợp với quy luật khách quan và thực tiễn Việt Nam. Tổng kết về vấn đề này, khẳng định: “Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng nền dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ thực sự thuộc về nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”(1). Đây là một trong những luận điểm khái quát cốt lõi về bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Thứ nhất: “Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước ta là một nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới là trách nhiệm của dân... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(2), trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã khẳng định, dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, chế độ xã hội xã hội “do nhân dân làm chủ”(3), ở đó, quyền làm chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ và làm chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội theo nguyên tắc Đảng Cộng sản - đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động lãnh đạo, thực hiện nhất nguyên về chính trị. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình bằng các hình thức trực tiếp và gián tiếp, thông qua các tổ chức trong hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, trên cơ sở nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Nhà nước “đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối của Đảng; có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội”(4).
Với bản chất và đặc điểm nêu trên, dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta là chế độ dân chủ thực sự, không phải là dân chủ hình thức, cực đoan, vô chính phủ. Nó đối lập với chuyên quyền độc đoán, đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, quan liêu. Nói một cách khác, dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ thấm nhuần đầy đủ và sâu sắc nhất tính pháp lý và tính nhân văn. Khẳng định điều này, đồng chí Tổng Bí thư đã viết: “Chúng ta cần một xã hội, mà trong đó, sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người”(5).
Trong những năm thực hiện đổi mới, Đảng đã nhận thức sâu sắc rằng để đi lên chủ nghĩa xã hội, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.., nhất thiết phải xây dựng thành công nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Bởi vì “dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển”(6), không có dân chủ thì không có chủ nghĩa xã hội. Với tư cách là đỉnh cao trong toàn bộ lịch sử tiến hoá của dân chủ, dân chủ xã hội chủ nghĩa kết tinh trong bản thân mình toàn bộ những giá trị dân chủ đạt được trong lịch sử và nảy sinh những giá trị dân chủ mới về chất. Ở đây, dân chủ trở thành giá trị phổ biến của xã hội, thâm nhập vào mọi quan hệ chính trị - xã hội, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, bao quát mọi góc độ trong sự tồn tại của con người, tạo ra ngày càng đầy đủ những điều kiện cho sự giải phóng mọi năng lực sáng tạo của con người. Đây cũng là căn cứ để Đảng ta xác định, dân chủ là một trong những thành tố quan trọng trong hệ mục tiêu của chủ nghĩa xã hội Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trên cơ sở những chỉ báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ “dân là chủ” đến “dân làm chủ” là một bước phát triển về chất, Đảng ta không chỉ xác định vị thế, tư cách chủ thể xã hội là của nhân dân, “dân là gốc”, mà quan trọng hơn, bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là phải làm cho nhân dân được hưởng quyền làm chủ và có năng lực, phương pháp, bản lĩnh làm chủ trên thực tế... khi đó, dân chủ trở thành động lực để xây dựng, phát triển đất nước. Tại Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định: “…thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “Dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ””(7).
Thứ hai: “Xây dựng nền dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ thực sự thuộc về nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”
Thực tiễn cách mạng Việt Nam, đặc biệt qua 35 năm đổi mới, thể hiện rất rõ và hết sức sinh động những tiến bộ đạt được trong phát huy dân chủ, cũng như xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Quan niệm về dân chủ ngày càng được mở rộng. Dân chủ được xem xét trên nhiều khía cạnh: là chế độ chính trị; là giá trị; là phương thức và nguyên tắc tổ chức xã hội; dân chủ chung đối với xã hội và dân chủ riêng đối với mỗi cá nhân; dân chủ được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Dân chủ phải được thể hiện trong tất cả các cấp độ: Từ cơ quan lãnh đạo cao nhất đến từng cơ sở; đặc biệt quan trọng là dân chủ ở cơ sở.
Bên cạnh đó, Đảng ta chỉ rõ: “Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật”(8), nguyên nhân của hạn chế này là do hoạt động của hệ thống chính trị chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả, các điều kiện để người dân làm chủ chưa đầy đủ, sự thiếu gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên, sự thiếu ý thức dân chủ, lợi dụng dân chủ của một bộ phận nhân dân… Do vậy, đồng chí Tổng Bí thư chỉ rõ: “Xây dựng nền dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ thực sự thuộc về nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”.
Để xây dựng, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu đòi hỏi phải có “…một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”(9). Phải phát huy vai trò chủ thể của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, nhằm huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng thông qua Nhà nước lãnh đạo toàn xã hội phát triển theo đúng con đường xã hội chủ nghĩa. Nhà nước là tổ chức quyền lực của nhân dân, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật, tổ chức quản lý, điều hành xã hội để hiện thực đường lối chính trị của Đảng, hành động vì quyền lợi của nhân dân, điều gì có lợi cho dân phải cố gắng làm, điều gì có hại cho dân phải hết sức tránh, chăm lo phát triển, bồi dưỡng và tiết kiệm sức dân như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do vậy: “Mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(10). Nhân dân là người chủ xã hội, cho nên nhân dân không chỉ có quyền, mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định, thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Như vậy, trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ là một trong những mối quan hệ lớn cần được tăng cường nắm vững và giải quyết hiện nay nhằm hiện thực hóa mục tiêu: “Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích” như ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư nêu trong bài viết.
Là ước vọng hàng ngàn năm của tuyệt đại đa số nhân dân lao động, tuy nhiên, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản nói chung, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa nói riêng là thực tiễn chưa có tiền lệ, khác với nền dân chủ tư sản đã có lịch sử hàng nhiều trăm năm và bản thân nó cũng đã và đang tiếp tục phải cải tiến, điều chỉnh. Do vậy, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, theo ý kiến của đồng chí Tổng Bí Thư, cần phải nhận thức là quá trình lâu dài của cách mạng Việt Nam. Chỉ có như thế mới khắc phục các biểu hiện chủ quan duy ý chí nóng vội, cũng như tâm lý chán nản, dễ chấp nhận khiến cho quá trình dân chủ hóa trì trệ, bất cập với yêu cầu đổi mới. Chúng ta vừa tăng cường thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, nhưng cũng cần tránh các biểu hiện dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan, dân chủ kiểu phương Tây, lợi dụng dân chủ - nhân quyền để gây mất ổn định, thực hiện cách mạng “sắc màu” hòng thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, không được phiến diện trong nhận thức về mối quan hệ giữa “đa đảng”, “đa nguyên” với mức độ cao thấp của dân chủ; khắc phục sự mơ hồ về thực chất và hình thức biểu hiện của nền dân chủ tư sản như đồng chí Tổng Bí thư đã nêu: “Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do”… không hề bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân hay vì nhân dân”(11). Cũng như vậy, nếu ai đang đồng nhất giữa dân chủ trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với dân chủ trong xã hội xã hội chủ nghĩa đầy đủ sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Song song với những bất cập trên, còn cần phải khắc phục tính biệt lập trong xây dựng, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tuy khác biệt về bản chất chính trị với dân chủ tư sản, nhưng điều đó không ngăn trở việc kế thừa, tiếp thu có chọn lọc các thành quả của nhân loại trong xây dựng nền dân chủ của Việt Nam.
Xây dựng chế độ dân chủ phải được coi là sự nghiệp cách mạng lâu dài như khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư, nhưng được coi là nhiệm vụ trọng yếu, bởi dân chủ vừa thể hiện bản chất của chế độ ta vừa là mục tiêu, động lực của sự phát triển đất nước. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí và tin tưởng rằng, dân chủ xã hội chủ nghĩa là một trong những “giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang định, kiên trì theo đuổi”, như ý kiến của đồng chí Tổng Bí Thư./.
-
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1), (4), (5), (9), (10), (11). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, ngày 16 tháng 5 năm 2021
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG - ST, tr.232
(3), (6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, tr.70
(7), (8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, tr.27, 89
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/nen-dan-chu-xa-hoi-chu-nghia-dua-tren-co-so-kinh-te-nao-duoi-day-a59034.html