Những đứa trẻ rồi sẽ đi xa nhà

Hôm nay mẹ hỏi mình: “Bao giờ đi Hà Nội?” Mình bảo: “Chiều con đi!” Mẹ bất ngờ: “Sao lại chiều đi?” “Thì hôm nọ con đã bảo hôm nay con đi mà.” Mẹ lại hỏi: “Sao đi vội thế? Sao không ở nhà hết tháng Giêng hẵng đi?” Mình tưởng mẹ đã biết rồi vì từ tuần trước mỗi lần họ hàng, làng xóm hỏi bao giờ đi mình đều bảo là sang tuần, thậm chí nói rõ đi vào ngày nào. Nhưng mình lại chưa nói rõ ràng với bố mẹ. Chắc mẹ nghĩ mình chỉ trả lời người ta cho xong. Mình biết mẹ hụt hẫng.

Mình cũng lưu luyến chứ. Mọi người trong gia đình mình đều là những người sống tình cảm nên xa là nhớ. Nhưng mình thường xuyên xa nhà từ nhỏ, đó là số phận của mình, cũng là lựa chọn của mình. Vậy nên, kỳ nghỉ vừa qua là khoảng thời gian hiếm hoi mình ở nhà lâu nhất, kể từ khi đi làm đến giờ. Đến mức người nhà còn kỳ vọng mình sẽ về quê làm việc và sống cùng gia đình. Cũng có lúc mình đã nghĩ tới điều đó, nhưng lần này mình vẫn chọn trở lại thành phố. Trước khi mình lên đường, mẹ dặn dò đủ thứ, bảo mình tìm một công việc ổn định mà làm. Mình phần nào hiểu cho nỗi lòng của mẹ, nửa muốn mình ở nhà nhưng vẫn mong mình có thể tìm được công việc tốt.

Mấy hôm trước trời âm u, mưa phùn lành lạnh, hôm nay là một ngày nắng đẹp để lên đường. Sau những phút quyến luyến, bịn rịn, mình đã sửa soạn một tâm thế sẵn sàng cho hành trình mới. Tuy nhiên, mình vẫn còn chút lo lắng. Mình không biết điều gì đang đợi mình phía trước. Liệu mình có cảm thấy cô đơn khi trở lại Hà Nội không? Liệu chặng đường phía trước của mình có gì mới mẻ, hay mình lại rơi vào cái vòng lặp nhàm chán từ ngày này qua tháng khác? Nhưng mình biết lần này mình không đơn độc và mình đã quyết tâm để sống tốt hơn.

Mình cũng không biết con người nên chấp nhận sống cuộc sống không như ý và chịu đựng nó hay họ có thể nỗ lực sống cuộc đời mình muốn. Nhưng điều quan trọng là mình phải biết mình muốn sống một cuộc đời thế nào. Chuyện gì cũng có thể xảy đến, đến thì mình sẽ tiếp. Chuyện gì cũng có thể đổi thay, đổi thay thì mình thay đổi cho phù hợp.

Hôm trước mình thấy một bài đăng trên FB rằng khi người ta lớn thì ngôi nhà từng sống hồi nhỏ lại trở thành “nhà trọ”, rồi ở bình luận còn những câu dễ khiến người ta chạnh lòng “còn về được bao nhiêu lần nữa”, “cuộc đời có bao nhiêu lần 10 năm”. Nói thế chứ mấy ai có thể về quê lập nghiệp để sống cùng hay ở gần bố mẹ, hay chỉ thấy người ta kéo nhau lên thành phố kiếm việc làm. Nhà mình có hai chị em, em mình quyết định về quê sống cùng bố mẹ, ngay cả khi nó gặp khó khăn trong công việc thì quyết định đó cũng không thay đổi. Nó là một thằng con trai có ý thức trách nhiệm của mình. Còn mình vẫn thích cuộc sống riêng tư, độc lập và được đi đó đây để trải nghiệm, ngắm nhìn thế giới. “Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”.

Có những hôm mình đứng ngắm mẹ trong gian bếp, nghĩ về một ngày căn nhà này sẽ không còn mẹ nữa. Rồi nghe tiếng nhạc ồn ào của bố, nghĩ “còn nhạc là còn bố, sau này bố không còn thì những bài hát này cũng chẳng bao giờ còn vang lên trong căn nhà này nữa”. Nhưng mà cứ nghĩ như thế thì buồn quá. Mình quyết định thay vì nghĩ đến những gì mình sẽ mất thì nên trân trọng những gì mình đang còn.

Từ giờ đến cuối đời còn về nhà được bao nhiêu ngày, bao nhiêu lần, đâu quan trọng bằng khoảng thời gian mà chúng ta chia sẻ cùng nhau. Chính vì lâu lâu mới có dịp về nhà nên người ta mới trân trọng từng cơ hội. Bố mẹ nào cũng muốn ở gần con, nhưng để con đi ra bên ngoài học hỏi, làm lụng và sống cuộc đời của nó quan trọng hơn việc giữ nó ở nhà.

“Những đứa trẻ sẽ phải đi xa nhàSẽ phải nếm rất nhiều mặn ngọt cay chua đắngMẹ chỉ muốn chúng mày phải tự lo cho mình”(Đem tiền về cho mẹ, Đen)

Mình thấy có một bạn bình luận là: “Sau khi đi lấy chồng thì mỗi khi về nhà được gọi là “về chơi” đấy bạn.” Cơ mà nhìn ở góc độ rộng hơn thì lấy chồng xong bạn ấy sẽ có nhiều hơn một mái nhà còn gì, nhà bố mẹ đẻ, nhà bố mẹ chồng, nhà riêng của vợ chồng bạn ấy (nếu có).

Mình nhận ra những đứa trẻ rồi sẽ đi xa nhà, chỉ là sớm hay muộn. Có người lập nghiệp nơi xa, có người di cư đến nơi khác sống, có người kết hôn và có cuộc sống riêng. Đó vốn dĩ là quy luật tự nhiên ở đời rồi. Bên nhau không có nghĩa là phải ở cạnh nhau trong suốt quãng đời còn lại. Bên nhau là luôn ở trong trái tim nhau.

Nhiều người định nghĩa nhà là một dạng tài sản hữu hình gắn với sự sở hữu, còn tất cả những nơi họ sống đều là “nhà trọ”. Còn mình lại nghĩ đến nhà như mái ấm chứ không chỉ là nơi che nắng, che mưa. Chính vì thế nên bất cứ nơi nào khiến tâm hồn mình bình yên thì mình đều có thể gọi đó là “nhà”. Dẫu mình chỉ sống ở nơi đó trong một quãng đời thì “khi nơi ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên). Trở lại căn phòng quen thuộc, nơi mình và Tôm từng gắn bó gần thập kỷ, thấy góc nào cũng thân thương. Dù bây giờ không còn Tôm bên đời nữa, mình vẫn sẽ tiếp tục cuộc hành trình của mình.

Mình đang học cách dũng cảm bước đi mà không sợ hãi. Chặng đường mình sẽ đi có thể suôn sẻ hoặc chông gai, dẫu thế mình vẫn muốn sống hết mình, làm những điều mình muốn làm, đi những nơi mình muốn đến.

Mình bắt đầu năm mới bằng việc tự thưởng cho bản thân một chuyến đi. Đây là lần đầu tiên mình đi trekking vào rừng để ngắm hoa cỏ mùa xuân. Cứ phải đi mới biết mình muốn gì, giới hạn bản thân mình đến đâu, còn hơn là ngồi một chỗ tưởng tượng. Hôm trước mình có nhắn tin hỏi xin bạn mình ít kinh nghiệm. Mình bảo, bây giờ mình mới bắt đầu trải nghiệm những thứ mà bạn đã trải qua từ lâu, ai cũng được sắp xếp những thời điểm phù hợp để trải nghiệm. Bạn ấy nói tuổi trẻ rực rỡ chỉ đơn thuần là đi thôi, còn ở tuổi này thì vừa đi vừa chiêm nghiệm cuộc sống, mình cứ thong thả tận hưởng. Mình đang hơi hồi hộp một chút, hy vọng sẽ có những trải nghiệm thú vị sau chuyến đi này.

I Am NGA

Nếu bạn thích bài viết này, hãy ủng hộ để tác giả có động lực chia sẻ nhiều bài viết tâm đắc hơn.

Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung trên blog.

Mời bạn nghe I Am NGA Podcast trên Spotify hoặc YouTube.

Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/nhung-dua-tre-roi-se-di-xa-nha-se-co-rat-nhieu-hanh-trinh-qua-trong-doi-a59235.html