Cách đây 79 năm, ngày 13/8/1945, Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc ban hành "Quân lệnh số 1", kêu gọi đồng bào, chiến sĩ toàn quốc ủng hộ và tham gia khởi nghĩa, giành chính quyền cách mạng.
Quân lệnh nêu rõ “Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng. Tổ quốc đang đòi hỏi những hy sinh lớn lao của các bạn. Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta”. Quân lệnh số 1 đã trở thành một mệnh lệnh lịch sử, mở ra tổng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc.
Quân lệnh số 1 được ban hành trong bối cảnh tình hình hết sức khẩn trương và gấp gáp. Nhật Bản đã tuyên bố đầu hàng quân đồng minh. Chính quyền bù nhìn thân Nhật đang mất kiểm soát. Nhiều địa phương đã nổi dậy, sẵn sàng hưởng ứng lời kêu gọi của Việt Minh.
Trong bối cảnh đó, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định chớp lấy thời cơ để giành chính quyền trước khi quân đồng minh tiến vào Việt Nam.
GS.TS Mạch Quang Thắng, chuyên gia nghiên cứu lịch sử Đảng cho biết, ngày 13/8/1945, thi hành Quân lệnh Tổng khởi nghĩa, lực lượng vũ trang của ta, cụ thể là đội quân Việt - Mỹ do đồng chí Võ Nguyên Giáp đứng đầu, từ Tuyên Quang tiến về Thái Nguyên đánh phát xít Nhật, làm chỗ dựa tinh thần cho cuộc đấu tranh giành chính quyền của tỉnh Thái Nguyên và của cả nước.
Trong phạm vi cả nước, ở nhiều địa phương, lực lượng vũ trang dù vũ khí thô sơ cũng đã phối hợp với quần chúng khởi nghĩa giành lấy chính quyền, có nơi giành thắng lợi trước cả Hà Nội, Huế và Sài Gòn.
Vào thời điểm lúc đó, Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân là Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Buổi họp Thành uỷ trong không khí căng thẳng để đưa ra quyết định khởi nghĩa vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí của ông.
Đại tướng Nguyễn Quyết cho biết, suốt tối 17/8/1945, Thành uỷ Hà Nội họp đấu tranh rất gay gắt, cuối cùng Thành uỷ quyết định ta phải tự lực giải phóng. Vì theo nhận định của Trung ương đây là thời cơ ngàn năm có một.
Sống lại những ngày tháng lịch sử của cách mạng Tháng Tám năm 1945, chúng ta thấy rõ hơn thời cơ là yếu tố quan trọng góp phần quyết định thành bại của cách mạng. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, Tổng bộ Việt Minh đưa ra Quân lệnh số 1 không chỉ là một quyết định sáng suốt mà còn là biểu tượng của sự chớp thời cơ một cách nhanh chóng và đúng lúc.
Theo Thiếu tướng Đỗ Hồng Lâm, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân, nếu Quân lệnh số 1 không được ban hành kịp thời, hoặc lúc đó chúng ta chần chừ, do dự có lẽ chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một để giành chính quyền cách mạng.
"Những người lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám đã khéo chọn lúc để ra một đòn chí tử, khéo chọn lúc để phát động khởi nghĩa. Đó là lúc đội tiên phong sẵn sàng chiến đấu đến cùng, hậu bị quân ta đã sẵn sàng ủng hộ đội tiên phong và hàng ngũ quân địch đã rối loạn, hoang mang đến cực điểm", Thiếu tướng Đỗ Hồng Lâm phân tích.
Sau khi Quân lệnh số 1 được ban hành vào ngày 13/8/1945, Việt Minh đã tổ chức các cuộc khởi nghĩa vũ trang trên toàn quốc. Các cuộc khởi nghĩa diễn ra liên tiếp từ Bắc vào Nam. Như vậy Quân lệnh số 1 ra đời đã đáp ứng đúng yêu cầu bức thiết của cách mạng và đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Do vậy, Quân lệnh số 1 đã tạo ra một sức mạnh tinh thần lớn, huy động toàn dân tham gia vào cuộc khởi nghĩa.
PGS.TS Đào Tuấn Thành, Khoa Lịch sử - Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, quần chúng nhân dân là những người đem tất cả sức lực, tất cả nhiệt huyết của mình để đi theo tiếng gọi của Đảng và dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua Mặt trận Việt Minh. Đó là một minh chứng rất cụ thể về chủ trương nhân dân là người tạo nên sức mạnh của cách mạng Việt Nam trong bất cứ thời kỳ nào.
Trước mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn, mỗi nhiệm vụ, việc đưa ra những quyết định có ý nghĩa đặc biệt trọng, nhất là những quyết định đó liên quan đến lợi ích, vận mệnh quốc gia dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi người cán bộ, đảng viên đặc biệt là những người đứng đầu cần có tư duy, tầm nhìn chiến lược, biết phân tích nhận định đánh giá đúng, trúng tình hình để đưa ra những quyết định hợp thời điểm, đúng thời cơ, mang lại lợi ích cho quốc gia dân tộc. Mặt khác, cần đổi mới phương pháp, nếp nghĩ, cách làm để theo kịp tình hình, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đó cũng là những bài học cần đúc rút từ việc ban hành Quân lệnh số 1, phát động toàn dân đứng lên khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/thoi-co-ngan-nam-co-mot-a59380.html