Chùa Bửu Lâm tọa lạc tại đường Anh Giác, phường 3, TP Mỹ Tho. Xung quanh chùa là những hàng dừa xanh ngát cùng những vườn cây ăn trái bốn mùa trĩu quả. Phía trước cổng, những cây dầu cao lớn vươn mình thẳng tắp với những tán lá rộng làm mát chốn tôn nghiêm. Đến TP Mỹ Tho, mà không đến chùa Bửu Lâm, hẳn là một thiếu sót, ngày xưa ở vùng đất này từng có câu ca:
"Về sông Bảo Định bờ đông
có ngôi chợ Cũ, có chùa Bửu Lâm"
Chùa Bửu Lâm Tượng Phật Bà Quan Âm
Tương truyền vào những năm đầu thế kỷ XVIII, Chúa Nguyễn di dân từ các tỉnh miền Trung vào miền Nam khai khẩn đất hoang để lập làng định cư, sinh sống. Trong đoàn người ấy có một vị ni cô (không rõ tên) am hiểu về cây thuốc nam, nên đã đến xóm Dầu (nơi ngày xưa nhân dân sống bằng nghề ép dầu mù u) lập am nhỏ để tu niệm và trồng cây thuốc chữa bệnh cho nhân dân quanh vùng. Với tinh thần từ bi, cứu khổ, danh tiếng ni cô được đồn xa, bá tánh đến cúng dường ngày một đông. Nhờ thế, ni cô cất được ngôi chùa khá khang trang vào khoảng năm 1742 (đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát). Sau khi ni cô viên tịch chùa trở nên vắng vẻ. Năm Gia Long thứ 2 (1803) bà Nguyễn Thị Đạt một Phật tử giàu có và mộ đạo nhất trong vùng sang Bến Tre vào chùa Hội Tôn đãnh lễ. Hoà Thượng Tổ Trí - Khánh Hưng cho đệ tử là ngài Tiên Thiện, pháp danh Từ Lâm về làm trụ trì chùa, nhờ vào sự cúng dường của bà Nguyễn Thị Đạt, hoà thượng Tiên Thiện đã cất mới ngôi chùa rộng lớn bằng gỗ căm xe và đã đặt tên chùa là "Bửu Lâm" với ước muốn bảo tồn và phát triển.
Từ năm 1803 đến nay, chùa đã qua nhiều lần trùng tu, nhưng kiến trúc ban đầu vẫn không thay đổi, chùa Bửu Lâm là một di tích kiến trúc nghệ thuật thuộc loại hình kiến trúc tôn giáo được xây dựng gồm 03 phần: tiền đường, chánh điện và hậu tổ. Trên bệ thờ của ngôi chánh điện, tượng Phật ngồi cao lớn, gương mặt nhân hậu như đang nhìn xuống phật tử bên dưới, chung quanh có hàng chục tượng lớn nhỏ làm bằng nhiều loại vật liệu với dáng vẻ khác nhau. Gian chánh điện được trang trí 9 bộ bao lam với những họa tiết và đường nét tinh xảo. Bộ bao lam trước bàn thờ chánh điện chạm lộng công phu với bộ "Cửu Long phún thủy" và đôi long trụ "Cá hóa rồng" sơn son thếp vàng óng ánh. Các bộ bao lam còn lại được chạm khắc mai điểu, song phụng chầu cuốn thư, mẫu đơn, chim trĩ và các họa tiết tứ linh, tứ quí, sen... Chùa thờ Phật theo Phật giáo Đại thừa thuộc dòng Lâm tế Chánh Tông. Tất cả nằm trên một nền cao 1m có diện tích gần 1.000m2, xung quanh có vườn cây ăn trái và khuôn viên hoa, kiểng.
Bên cạnh đó, nghệ thuật chạm khắc gỗ còn được thể hiện trên 12 tấm hoành phi nền là một tấm gỗ dày 20cm, trên chạm 2 đến 3 lớp với hoa văn được thể hiện công phu, sinh động, xung quanh chạm tứ linh, lưỡng long tranh châu... Đó là những tác phẩm khắc chữ nổi rất độc đáo, thực hiện bởi các đôi tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân chạm trổ cách đây trên 100 năm.
Tượng Phật Thích Ca bên trong chùa
còn có những tượng Phật cổ có niên đại thế kỷ XVIII - XIX cùng hàng trăm di vật quí hiếm khác.
Chùa Bửu Lâm cũng là nơi thành lập chi bộ Xóm Dầu, một trong những chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Tiền Giang, vào những năm 1930. Trong chùa, tại chánh điện có một tủ thờ Hộ pháp, rộng 2m x 3,5m có thể chứa được từ 6 - 10 người, nhờ vậy trong nhiều năm, chi bộ hoạt động nhưng không hề bị lộ. Năm 1945 chiếc đại hồng chung trong chùa được hòa thượng hiến cho cách mạng để sản xuất vũ khí, góp phần vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta.
Ngày 13/9/1999 chùa Bửu Lâm được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia.
Phòng QLDL (NTP)
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/nha-xe-buu-lam-a60471.html