Quan niệm của người Việt về phong tục "mùng 1 tết cha"

Những ký ức về một ngày Tết cổ truyền với nhiều phong tục văn hóa ý nghĩa là điều không thể thiếu trong hành trình lớn lên với người Việt.

Trong số đó, hầu hết mọi người đều có nghe đến câu nói: "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy" vậy người trẻ quan niệm thế nào về "mùng 1 Tết cha"?

Quan niệm của người Việt về phong tục

Thứ tự chúc Tết đầu năm

Tết là quãng thời gian để mỗi người nhớ về cội nguồn, do đó câu thành ngữ: "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy" chính là lịch trình để mọi người đi lại, hỏi thăm và chúc tết những người đã nuôi dưỡng mình.

Theo quan niệm của ông cha ta, "cha" là đại diện của "họ hàng bên nội". Do đó, "mùng 1 Tết cha" có nghĩa là sáng ngày mồng 1 Tết, vợ chồng con cái, anh em ruột thịt sẽ tập trung bên nội để cúng bái gia tiên và chúc Tết ông bà, cha mẹ để tỏ lòng thành kính. Tuy nhiên, ngày nay nhiều gia đình đã gộp chung 2 ngày đầu năm là để chúc Tết cả 2 bên nội ngoại.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Mỗi năm tết đến xuân về thì gia đình mình đều cố gắng sắp xếp thời gian để có thể về thăm hỏi và chúc Tết cả 2 bên nội ngoại. Do đó, mấy năm trước cả 2 vợ chồng đều thống nhất với nhau từ 27 tết gia đình mình sẽ về Sơn La đón Tết với ông bà ngoại, đến mùng 2 Tết thì chúng mình sẽ về Hà Nội thăm ông bà nội. Chỉ riêng năm nay do dịch bệnh phức tạp nên gia đình mình sẽ ăn Tết ở Hà Nội và gửi quà về cho ông bà ngoại thôi."

Lưu truyền ý nghĩa về sự đền ơn cho thế hệ sau

Ngày nay, khi công nghệ và việc hội nhập đã phát triển, giới trẻ ngày một "Tây hóa" và dần dần đã quên mất những phong tục xa xưa của ông cha. Do đó, Tết Nguyên là một dịp quan trọng để phụ huynh có thể nhắc nhở và truyền lại cho con trẻ những quan niệm ý nghĩa.

Nói về phong phục chúc Tết, chị Phạm Thị Hường (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chia sẻ: "Gia đình 2 bên nội ngoại gần nhau nên mỗi năm gia đình mình đều cho con cái mùng 1 thì cả nhà sẽ về nhà ông bà, cô chú, họ hàng họ nội trước, sau đó mùng 2 sẽ về nhà ngoại. Phong tục này gia đình mình đã có từ lâu nên mình luôn muốn truyền lại cho các con. Bởi, bây giờ công nghệ phát triển, trẻ con rất dễ bị nghiện các thiết bị điện tử và quên đi mất những giá trị cốt lõi về ngày Tết Việt Nam"

Không chỉ những người lớn mà với nhiều bạn trẻ việc chúc Tết đầu năm cũng là một phong tục vô cùng ý nghĩa và thú vị. Bạn Nguyễn Tường Vy (trường THPT Phan Đình Phùng - Hà Tĩnh) cho biết: "Gia đình em không ở chung với ông bà, mặt khác bố mẹ lại luôn phải làm việc nên chỉ có dịp Tết Nguyên đán là cả nhà mới có thể về quê để thăm và chúc tết ông bà, cô chú ở quê.

Mỗi năm cứ đến sáng mùng 1 Tết tất cả con cháu sẽ xếp hàng để chúc Tết ông bà nội và nhận lì xì. Em thấy đây là một phong tục vô cùng ý nghĩa mà chúng ta nên cần giữ lại và lưu truyền cho các thế hệ mai sau."

Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/mung-mot-tet-a60764.html