Tổ quốc trong trái tim tôi 16:00, 30/01/2023 GMT+7

"Ánh sáng chủ quyền" biển đảo Tổ quốc

Được ví như “những cột mốc chủ quyền”, Trạm hải đăng đảo Song Tử Tây được xây dựng đầu tiên trên quần đảo Trường Sa vào năm 1993, cách khoảng 17 hải lý, tàu thuyền có thể nhìn thấy ánh đèn màu sáng trắng, chớp trắng chu kỳ 15 giây.

Ngọn hải đăng trên đảo đã hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của các tàu trên biển đảm bảo an toàn, góp phần hiện đại hóa giao thông đường biển và khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Ngoài ra còn tích cực giúp việc cứu hộ, cứu nạn trên biển được thuận lợi, nhanh chóng và kịp thời.

Tổ quốc trong trái tim tôi 16:00, 30/01/2023 GMT+7

Hải đăng trên đảo Đá Tây B, quần đảo Trường Sa - Ảnh: vietnam.vnanet.vn/TTXVN

Trạm hải đăng trên đảo Sơn Ca được xây dựng và đưa vào vận hành từ tháng 8-2010, do Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải biển Đông và hải đảo thuộc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam quản lý, vận hành. Hải đăng Sơn Ca cao 28m, tâm sáng 25,5m chớp trắng nhóm 2, chu kỳ 10 giây, tầm hiệu lực 15 hải lý. Ban ngày, vào những lúc thời tiết tốt, từ cách xa hàng chục hải lý tàu thuyền qua lại có thể nhìn thấy ngọn hải đăng này.

Theo cán bộ Trạm hải đăng Sơn Ca, đèn hải đăng hoạt động từ 17 giờ 30 phút ngày hôm trước đến 5 giờ 30 phút sáng hôm sau. Ngày nào có dông gió, sương mù, thời tiết xấu thì phải mở đèn sớm hơn và tắt muộn hơn. Khi gặp sự cố, đèn chính bị hỏng thì đèn phụ được bật lên để thay thế và ngay lập tức phải khắc phục sự cố đèn chính. Trong bất luận điều kiện nào, đèn hải đăng không được tắt. Bởi hải đăng Sơn Ca không chỉ làm mốc chỉ dẫn cho tàu thuyền hoạt động trong khu vực mà còn là ánh sáng của chủ quyền quốc gia trên biển.

Đèn hải đăng chạy điện năng lượng mặt trời và tự động bật, tắt nhưng luôn phải đảm bảo máy nổ, máy phát điện vận hành bình thường trong mọi điều kiện, nhất là mưa, bão kéo dài. Hơi muối mặn và gió biển dễ làm hư hỏng máy móc và các trang thiết bị kỹ thuật nên cán bộ, công nhân viên phải thường xuyên làm tốt việc kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng các trang thiết bị trên trạm.

Thầm lặng hy sinh

Hải đăng không bao giờ được phép tắt - đó là “mệnh lệnh trái tim” của cán bộ, nhân viên các trạm và những chiến sĩ hải quân nơi biển đảo Tổ quốc.

Khó khăn, vất vả tại các trạm hải đăng thì không kể hết được nhưng nếu không yêu nghề, không yêu biển, đảo thì cán bộ, nhân viên không thể hoàn thành nhiệm vụ. Công việc và điều kiện sinh hoạt giữa trùng khơi còn nhiều vất vả, song với tình yêu và mong muốn góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, các cán bộ, nhân viên của trạm luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thời gian qua, cán bộ, công nhân viên Trạm hải đăng Sinh Tồn đã làm tốt công tác phối hợp, xây dựng tốt mối quan hệ quân - dân với các lực lượng trên đảo, góp phần tích cực vào việc tăng cường sức chiến đấu và chủ động với mọi tình huống. Để trạm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao thì trạm trưởng phải thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, định hướng tư tưởng, xây dựng lối sống trong sạch, lành mạnh, tinh thần đoàn kết, gắn bó, tình yêu biển, đảo cho cán bộ, công nhân viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, công nhân viên trong trạm phải thường xuyên tự học tập, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ đủ khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Công việc bình dị nhưng đó chính là sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, công nhân viên các trạm hải đăng trên quần đảo Trường Sa. Giữa trùng khơi sóng vỗ, họ vẫn ngày đêm âm thầm bám biển, cống hiến tuổi thanh xuân để ngọn hải đăng không bao giờ tắt.

Thanh Trà (tổng hợp)

Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/ngon-hai-dang-de-lam-gi-a61204.html