Kỳ thú hang Dơi

Hang động kỳ bí giữa lòng xứ Tiên. Ảnh: LÊ TRẦN
Hang động kỳ bí giữa lòng xứ Tiên. Ảnh: LÊ TRẦN

Từ TP.Tam Kỳ thẳng tiến về thôn 3, xã Tiên An (Tiên Phước), đi theo chỉ dẫn của cư dân bản địa là người Co ở cuối làng, hang Dơi hiện ra trước mắt chúng tôi trong sự tò mò, thích thú bởi sự bí ẩn của tự nhiên.

Hang Dơi như miền cổ tích. Nơi đây có nhiều ngóc ngách, miệng hang không quá sâu nhưng rất tối, là nơi trú ngụ của dơi. Trước kia, du khách có thể nhìn thấy dơi bay từng đàn khi bị động nhưng nay dơi bị khai thác cạn kiệt, chỉ còn sót lại một số cá thể. Thỉnh thoảng bắt gặp vài con dơi vụt qua, có lẽ những bước chân khám phá hang động đã làm chúng thức giấc.

Đi sâu vào hang dưới, nhất là các ngóc ngách, du khách phải mang theo đèn pin để dễ soi rọi đường đi và đảm bảo an toàn. Đá hang Dơi có màu sắc đá, vân đá và những hình thù vô cùng kỳ lạ.

Đáng nói, dù quần thể hang đá, hang động ở đây không hề có sự tác động của mạch nguồn, suối nước nào, song đá dường như có dấu hiệu được bào mòn, mài nhẵn, lộ những vân thạch với những đường vân gợn sóng, chạy dài, như được khắc họa tinh xảo bởi bàn tay của tạo hóa.

Vào tiết mưa, rêu xanh bao phủ toàn bộ dãy đá núi, tạo nên sắc màu rất riêng, đặc trưng trên mỗi khung hình và khi buổi sáng, buổi trưa, ánh mặt trời soi rọi xuống tận đáy hang, tạo nên sắc màu ma mị.

Theo ông Huỳnh Văn Tý (63 tuổi), cựu chiến binh người Co sống ở cuối thôn trang, sát hang Dơi, những năm 1968 - 1974, hang Dơi là địa bàn hoạt động, trú ẩn của những người kháng chiến.

Thời kỳ này, cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn vô cùng khốc liệt, địch liên tục mở những đợt càn quét, hành quân thần tốc vào vùng hang Dơi và các địa bàn lân cận.

Nhiều cuộc giao tranh đẫm máu đã diễn ra ở gần quần thể hang Dơi và các xã lân cận. Song, theo người địa phương, dù địch có điên cuồng thả bom tàn phá, nhưng may mắn hang Dơi không bị ảnh hưởng. Kỳ thú, hấp dẫn, giàu giá trị văn hóa - lịch sử - du lịch là thế, song suốt thời gian dài, hang Dơi gần như bị rơi vào quên lãng.

Ngày nay, UBND xã Tiên An, huyện Tiên Phước đã có chủ trương xây dựng hang Dơi thành một khu du lịch sinh thái, cùng với các khu di tích lịch sử, thắng cảnh khác như: làng cổ Lộc Yên, Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, bãi đá Lò Thung...

Đáng mừng, một con đường bê tông khang trang đã mở ra tạo cơ hội cho du khách có thể chạy xe máy, ô tô tới tận cửa hang để tham quan. Tuy nhiên, để phát triển du lịch, xã Tiên An và huyện Tiên Phước cần quy hoạch, bảo tồn quần thể hang Dơi, tránh sự tác động tiêu cực bởi con người, chú trọng giữ rừng đầu nguồn để giữ mạch nước.

Cần có giải pháp bảo tồn và trồng phục hồi các loài cây bản địa, tránh tình trạng phá rừng trồng keo tự phát xung quanh khu vực hang làm nghèo nàn các tầng vỉa thực vật, ảnh hưởng đến cảnh quan chung...

Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/hang-doi-tien-an-a61407.html