Dân sinh

Ở Hà Nội, số lượng sinh viên lên thành phố học ngày càng tăng cao, dẫn đến nhu cầu nhà trọ cũng tăng mạnh. Hiện nay thị trường phòng trọ cho thuê tại Hà Nội chủ yếu được giới thiệu theo hình thức đăng tải thông tin trên các hội nhóm môi giới.

Phần lớn người thuê sẽ chỉ được làm việc qua người môi giới mà không được gặp trực tiếp chủ nhà trọ. Điều này có thể tạo ra những rủi ro cho người thuê, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên trong quá trình tìm phòng trọ.

Tại hầu hết các khu vực tập trung đông nhiều trường đại học ở Hà Nội như quận Cầu Giấy (đường Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu...), quận Ba Đình, quận Đống Đa (phố Chùa Láng), quận Thanh Xuân..., giá phòng trọ cho thuê hiện đang dao động ở mức từ khoảng 3 - 6 triệu đồng/tháng (chưa tính tiền dịch vụ và điện nước), tùy vào diện tích và cơ sở vật chất theo phòng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo khảo sát, phòng trọ gần các trường đại học ở quận Cầu Giấy có mức giá dao động từ 2,5 - 3 triệu đồng/ tháng. Còn phòng trọ cao cấp đầy đủ tiện nghi hơn, phòng có nội thất cơ bản như giường, tủ quần áo, bàn học, điều hòa... sẽ dao động từ 4 - 6 triệu đồng/ tháng. Giá điện và nước ở các khu trọ này khoảng 5 nghìn đồng/ số điện và 30 nghìn đồng/ khối nước.

Nếu tính thêm điện nước và các chi phí dịch vụ như tiền gửi xe, tiền wifi, tiền vệ sinh... trung bình sinh viên sẽ tốn hơn 2 triệu đồng tiền trọ mỗi tháng (đối với phòng trọ tầm trung). Số tiền này đã chiếm đến một phần ba hoặc một nửa chi phí sinh hoạt hàng tháng của sinh viên.

Bạn Ngọc Anh, sinh viên năm thứ hai đại học Thương Mại cho biết năm ngoái bạn thuê phòng trọ 20m2 tại Mai Dịch (quận Cầu Giấy) 2,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên thời điểm này, sau khi đã tìm hiểu thông tin trên các hội nhóm cho thuê trọ tại Hà Nội, năm nay không còn mức giá đó nữa. Các phòng trọ có mức "giá rẻ" đều dao động từ 2,8 - 3 triệu đồng/tháng.

Việc tìm được phòng trọ phù hợp với mức tài chính, thuận tiện di chuyển cũng một một vấn đề khiến các sinh viên đau đầu. Bởi ngoài tìm kiếm phòng trò gần trường học, giá cả thì về an toàn phòng chống cháy nổ được ưu tiên hàng đầu, nhất là khi các vụ cháy liên tiếp xảy ra trên địa bàn Hà Nội gần đây.

Bạn Minh Hoà,sinh viên của trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Khi đi tìm thuê trọ, tôi thường ưu tiên chọn các phòng có cửa sổ, thoáng mát và ở trong ngõ to để phòng khi có hoả hoạn có thể tự mình thoát thân và xe cứu hoả cũng có thể tiếp cận. Một tiêu chí nữa để tôi thuê trọ là hỏi người dân xung quanh hoặc những người thuê trọ trước đó về tính cách chủ trọ vì chủ trọ cũ của tôi đã tự ý mở cửa phòng tôi để lấy đồ”.

Theo chủ một nhà trọ tại phường Mai Dịch, việc tìm phòng trọ ở khu vực các quận trung tâm, đông dân cư không hề khó, tuy nhiên chi phí thuê cũng không rẻ, thường dao động từ 3,5 - 6 triệu đồng/tháng với những phòng có nội thất cơ bản như giường, tủ quần áo, bình nóng lạnh, điều hòa... Với phân khúc phòng trọ có giá khoảng dưới 3 triệu đồng, người thuê sẽ nhận được phòng trọ có diện tích dưới 20m2 (tùy khu vực), thường sẽ không có nội thất cơ bản, thậm chí là phòng trọ không có bất cứ vật dụng gì, không có nơi để xe và không có điều hòa. Để tiết kiệm, nhiều người thuê trọ, đặc biệt là học sinh, sinh viên phải ở ghép thêm cùng 2 - 3 người nhằm giảm tải chi phí cho mỗi cá nhân.

Ngoài phòng trọ và chung cư mini tại Hà Nội thì ký túc xá từ lâu đã được coi là lựa chọn lý tưởng cho sinh viên khi bước chân vào đời sống học tập xa nhà. Với mức giá thuê rẻ, vị trí gần trường và môi trường an toàn, ký túc xá giúp sinh viên giảm bớt nhiều gánh nặng tài chính. Tuy nhiên, phần lớn các trường đại học ở Hà Nội hiện chưa đủ chỗ ở ký túc xá đáp ứng nhu cầu của sinh viên.

Tại ký túc xá Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, phần lớn tân sinh viên năm nhất, là con em dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách rất phấn khởi khi được nhà trường ưu tiên xếp ở khu ký túc xá mới xây dựng. Bạn Hoa Nguyên, quê Tuyên Quang cho biết trước khi nhập học đã thử lên mạng tìm hiểu chỗ thuê trọ, nhưng giá tăng chóng mặt. Với diện chính sách con em dân tộc thiểu số, Hoa Nguyên đăng ký chỗ ở ký túc xã Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và may mắn được nhận phòng ngay.

Đai học Quốc gia Hà Nội cũng chỉ đủ chỗ xét ưu tiên một số đối tượng được ở ký túc xá như diện chính sách xã hội, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của người có công; học sinh, sinh viên khuyết tật; có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số; có hộ khẩu thường trú tại vùng cao... Được biết, hiện ký túc xá của nhà trường chỉ đáp ứng ứng khoảng 1/6 nhu cầu của sinh viên.

Còn theo đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội, nhu cầu ở ký túc xá cao hơn hẳn những năm gần đây. Trường sắp xếp hơn 1.000 chỗ cho tân sinh viên nhưng khoảng 4.000 em đăng ký. Học viện Báo chí và Tuyên truyền, và Đại học Kinh tế Quốc dân cũng ghi nhận nhu cầu ở ký túc xá tăng 20-100% và đã hết chỗ từ tháng 8.

Có thể thấy tìm nhà trọ là một phần tất yếu trong cuộc sống của sinh viên, đặc biệt là những sinh viên sống xa nhà. Khi tìm nhà trọ, các bạn sinh viên cần thận trọng và lựa chọn kỹ các phòng trọ đảm bảo an toàn và phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình.Ngoài ra, sinh viên hãy kiểm tra tình trạng đồ dùng trước khi thuê;có thể nhờ người lớn hoặc anh, chị đã có kinh nghiệm sống ở thành phố đi tìm và ký hợp đồng thuê nhà trọ cùng.

Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/hoc-sinh-vao-nha-tro-a63919.html