Lào là quốc gia Đông Nam Á duy nhất không giáp biển, có đường biên giới giáp 5 nước. Phía bắc của Lào giáp Trung Quốc, phía tây bắc giáp với Myanmar, phía đông giáp Việt Nam, phía nam giáp Campuchia, phía tây và tây nam giáp Thái Lan.
Dù không giáp biển, phía nam đất nước Lào lại sở hữu một đặc điểm độc đáo được thiên nhiên ban tặng. Đó chính là quần đảo Si Phan Don trên sông Mekong, thuộc tỉnh Champasak, với hơn 4.000 đảo lớn nhỏ.
Không có biển, sông Mê Kông với hàng nghìn đảo và hệ sinh thái đa dạng trở nên quan trọng với Lào. Đây là tuyến giao thông đường thủy lớn, cung cấp nước cho thủy điện, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản,...
Quần đảo Si Phan Don còn nổi tiếng là môi trường sống tự nhiên của loài cá heo Irawaddy. Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), chỉ còn khoảng 92 cá thể cá heo nước ngọt ở vùng sông Mekong giữa Campuchia và Lào. Tham gia một chuyến du ngoạn bằng thuyền hoặc chèo kayak, hướng dẫn viên sẽ đưa du khách tới nơi cá heo Irawaddy thường tụ tập.
Đất nước Lào có nguồn gốc lịch sử từ Vương quốc Lang Xang, được thành lập vào thế kỷ XIV bởi vua Phraya Fa Ngum. Sau khi thống nhất, vua đã xây dựng chế độ phong kiến tập trung, mở ra thời kỳ rực rỡ nhất của lịch sử phong kiến Lào.
Lang Xang có nghĩa là Vạn Tượng. Vì vậy, Lào được gọi là đất nước triệu voi. Trên thực tế, Lào từng là nơi sinh sống của rất nhiều voi. Tuy nhiên, ngày nay số lượng đã giảm. Để bảo tồn loài động vật có ý nghĩa lịch sử này, nhiều trại bảo tồn voi được thành lập ở khắp Lào. Ngoài biệt danh này, Lào còn được biết đến là Xứ sở hoa champa vì champa là quốc hoa của Lào.
Địa hình của Lào chủ yếu là đồi núi, còn lại là bình nguyên và cao nguyên. Được thiên nhiên ưu đãi, Lào có nguồn tài nguyên dồi dào và phong phú về lâm, nông nghiệp, khoáng sản như gỗ, thạch cao, thiếc, khí đốt,… Đất nước này còn có hệ thống sông ngòi giàu nguồn lợi thủy sản và phù sa.
Chủ nhân đầu tiên của Lào là người Lào Thơng - những cư dân bản địa đầu tiên sinh sống trên đất nước Lào. Đến thế kỉ XIII, có một nhóm người nói tiếng Thái di cư đến đây, sinh sống hòa hợp với người Lào Thơng, gọi là người Lào Lùm. Người Lào Lùm sống ở vùng thấp, phân biệt với người Lào Thơng ở vùng đồi núi cao.
Lào cũng sở hữu thác nước Khone Phapheng với chiều rộng 10.783m, trải dài khoảng 9,6km dọc theo dòng Mê Kông. Nó còn được coi là thác nước lớn nhất Đông Nam Á tính về lưu lượng (trung bình 11.610 m3/s, và mức kỷ lục là 49.000 m3/s). Thác nước này được mệnh danh là "Niagara của phương Đông".
Chùa Thạt Luổng được dát vàng bên ngoài, là một trong những tháp Phật lớn nhất ở Lào (chân rộng 90m x 90m và cao 44m) được xây dựng vào năm 1566. Thạt Luổng từng bị phá hủy trong cuộc xâm lược của người Thái vào thế kỷ XIX, sau đó được khôi phục nguyên trạng. Kiến trúc ngôi chùa tháp mang phong cách văn hóa và bản sắc Lào và đã trở thành một biểu tượng quốc gia của Lào, được in trên tiền giấy và quốc huy của Lào.
>> Quốc gia có độ cao trung bình đứng đầu thế giới rộng gần 40.000km2, không giáp biển, được mệnh danh là ‘vùng đất Rồng Sấm’
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/lao-co-bien-ko-a64005.html