Thi cử và giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc (P1)

Tác giả: Trần Bích San

Năm Nhâm Tuất 1862 Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ gồm 3 tỉnh Gia Định, Định Tường và Biên Hòa. Năm Đinh Mão 1867 Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Hòa ước năm Giáp Tuất 1874 công nhận chủ quyền của Pháp trên toàn thể lãnh thổ Nam Kỳ. Nam Kỳ trở thành thuộc địa (colonie) của Pháp.

Hai hòa ước năm Quí Mùi 1883 và Patenôtre năm Giáp Thân 1884 công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Bắc Kỳ và Trung Kỳ trở thành đất bảo hộ (protectorat) của Pháp. Ở miền Bắc, trên danh nghĩa, triều đình Huế còn quyền hành nhưng trên thực tế mọi việc do người Pháp điều khiển. Trung Kỳ do triều đình Huế cai trị nhưng được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Pháp (1).

Khi đô hộ Việt Nam, nhu cầu cấp bách của người Pháp là phải hủy diệt nền Nho học và thay thế bằng một hệ thống giáo dục phục vụ cho guồng máy cai trị. Do đó, chiếm được Nam Kỳ xong là người Pháp lập tức khai tử nền giáo dục Nho học. Năm 1864 là kỳ thi Hương cuối cùng ở Nam Kỳ (tổ chức ở ba tỉnh miền Tây trước khi bị Pháp chiếm). Từ 1878 chữ Hán trong giấy tờ công văn các cơ quan hành chánh được thay thế bằng chữ Pháp và chữ quốc ngữ.

Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, dưới quy chế bảo hộ, sự thay đổi về giáo dục chậm hơn. Kỳ thi Hương cuối cùng ở Bắc là năm Ất Mão 1915, và ở Huế năm Mậu Ngọ 1918. Chế độ giáo dục và khoa cử Nho học thực sự cáo chung với khoa thi Hội chót năm Kỷ Mùi 1919 ở Huế. Tuy vậy mãi đến năm 1932 bộ máy quan lại của triều đình mới bỏ việc dùng chữ Hán và thay thế bằng chữ Pháp hay chữ quốc ngữ.

Mục Đích Nền Giáo Dục Của Người Pháp ở Việt Nam

Nhìn thấy quá khứ Việt Nam nặng về Hán học, chủ tâm của người Pháp là muốn cắt đứt liên lạc văn hóa giữa người Việt với người Tàu. Để đạt mục đích hướng tinh thần người Việt về với Pháp, chữ Hán cũng như chữ Nôm cần phải triệt bỏ (2) và thay thế bằng chữ Pháp, còn văn tự cho tiếng nói người bản xứ nếu cần đã có chữ quốc ngữ cùng một họ mẫu tự La Tinh (3). Năm 1865 súy phủ Sài Gòn cho ra đời tờ Gia Định Báo là tờ Công Báo đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ (4). Trong tinh thần ấy, trước tiên người Pháp dựng lên những cơ sở văn hóa để truyền bá chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Đáp ứng nhu cầu cấp bách trong thời gian đầu Pháp thiết lập các trường đào tạo thông ngôn. Ngày 8/5/1861 Đô Đốc Charner ký nghị định lập trường Collège d’Adran để đào tạo thông ngôn người Việt và cho cả người Pháp muốn học tiếng Việt (5). Trường Thông Ngôn (Collège des Interprètes) được thiết lập ở Sài Gòn năm 1864, ở Hà Nội năm 1905. Pháp còn thiết lập các Trường Hậu Bổ (chuẩn bị bổ ra làm quan Apprenti Mandarin) ở Hà Nội năm 1903 và ở Huế năm 1911. Đây là những bước đầu trong việc thiết lập một nền giáo dục của Pháp.

Khi xây dựng nền giáo dục thay thế Nho giáo, người Pháp có ba mục đích. Mục đích quan trọng nhất nhằm đào tạo lớp người thừa hành chính sách của Pháp là cai trị và khai thác ở Việt Nam và cả Đông Dương. Tầng lớp này bao gồm các viên chức trong các ngành hành chánh, giáo dục, y tế và xây dựng. Thứ đến là truyền bá tư tưởng Pháp, lòng biết ơn sự khai hóa của Pháp và sự trung thành với Pháp. Cuối cùng với mục đích mị dân, làm người Việt tin rằng hệ thống giáo dục của Pháp ở Việt Nam là văn minh và tiến bộ. Hai mục đích đầu là căn bản, mục đích thứ ba chỉ dùng để đối phó với sự đòi hỏi một nền giáo dục tiến bộ của người Việt trong tương lai mà thôi.

Hệ thống giáo dục của nước Pháp đã được người Pháp ở Việt Nam điều chỉnh và thêm bớt cho phù hợp với ba mục đích trên cũng như để thích hợp với thực tế ở Việt Nam. Đây là hệ thống Giáo Dục Pháp Cho Người Bản Xứ” (Enseignement Franco-Indigène), thường được gọi là Giáo Dục Pháp-Việt. Trong nền giáo dục này tiếng Pháp là chuyển ngữ tức tiếng Pháp được dùng để trao đổi trong lớp học (giảng bài, làm bài, sách giáo khoa viết bằng tiếng Pháp). Riêng ba lớp tiểu học đầu là được dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ, sau đó tiếng Việt được học như một ngoại ngữ. Ngoại ngữ thứ hai thường là tiếng Anh ở bậc Tú Tài. Chữ Hán được học theo tự nguyện. một tuần một giờ ở các lớp trên của bậc tiểu học nếu có thầy dạy.

Để điều hành, Pháp thiết lập tại mỗi kỳ một Sở Giáo Dục Cho Người Bản Xứ (Service de L’Enseignement Local) do một Chánh Sở (Chef de Service) người Pháp đứng đầu. Các cơ sở giáo dục này đặt trực thuộc tòa Khâm Sứ. Mọi sự bổ nhiệm, thuyên chuyển, thăng thưởng, kỷ luật các giáo chức từ bậc tiểu học trở lên đều phải do khâm Sứ quyết định. Khi Pháp thành lập liên bang Đông Dương (gồm Bắc, Trung, Nam Kỳ, Cao Miên và Lào), một số việc phải được Toàn Quyền Đông Dương (Gouverneur de l’Indochine) chuẩn y. Nha Học Chính Đông Pháp (Direction de l’Instruction Publique de l’Indochine) ra đời do một Giám Đốc người Pháp chỉ đạo trực tiếp 5 sở giáo dục của liên bang Đông Dương. Năm 1933, Phạm Quỳnh được Bảo Đại bổ nhiệm làm Thượng Thư Bộ Học. Nhờ sự đòi hỏi quyết liệt của họ Phạm, Pháp phải nhượng bộ cho Việt Nam quyền quản lý các trường tiểu học ở Trung Kỳ nhưng dưới sự kiểm soát của tòa Khâm Sứ Pháp.

Hệ thống giáo dục Pháp-Việt gồm 2 phần: giáo dục phổ thông và giáo dục cao đẳng chuyên nghiệp, đại học.

Tổ Chức Của Hệ Thống Giáo Dục Phổ Thông Pháp-Việt

Trong thời kỳ phôi thai, Pháp thiết lập vài trường để làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục phổ thông là các trường trung học Le Myre de Vilers ở Mỹ Tho (1879) (6), trường Quốc Học Huế (1896), trường trung học Bảo Hộ (Collège du Protectorat) tức trường Bưởi Hà Nội (1908) (7). Ba trường này khi mới mở chỉ có bậc tiểu học, mấy chục năm sau mới giảng dạy đến các bậc cao hơn. Riêng chỉ có 2 trường Quốc Học Huế và trường Bưởi sau này có đến bậc Tú Tài. Từ 1910 đến 1930 là thời kỳ hình thành hệ thống giáo dục có tính cách hệ thống. Từ 1930 đến 1945 là thời kỳ tổ chức hệ thống giáo dục cho người bản xứ của Pháp ở Việt Nam đã được hoàn chỉnh.

Song song với hệ thống giáo dục phổ thông Pháp-Việt, Pháp thiết lập 3 trường hoàn toàn như ở Pháp dành riêng cho con cái người Pháp ở Việt Nam và con cái những người Việt thân Pháp. Đó là các trường Chasseloup Laubat (8) ở Sài Gòn (1874), trường Albert Sarraut ở Hà Nội (1918) và trường Yersin ở Đà Lạt (1935). Cả 3 trường này lúc đầu cũng được hình thành từ bậc tiểu học trước rồi sau mới có đến bậc Tú Tài.

Kiến Trúc Của Nền Giáo Dục Phổ Thông Pháp-Việt

Tới khi hình thành đầy đủ, hệ thống giáo dục phổ thông Pháp-Việt có 3 bậc với học trình là 13 năm:

Bậc Tiểu Học 6 năm:

- Lớp Đồng Ấu (Cours Enfantin) - Lớp Dự Bị (Cours Préparatoire) - Lớp Sơ Đẳng (Cours Élémentaire) - Lớp Nhì năm thứ nhất (Cours Moyen 1ère année) - Lớp Nhì năm thứ hai (Cours Moyen 2è année) (9) - Lớp Nhất (Cours Supérieur)

Ba lớp đầu còn được gọi là bậc sơ học. Học xong lớp Sơ Đẳng học sinh thi lấy bằng Sơ Học Yếu Lược (Primaire Élémentaire) Những học sinh được tuyển thẳng lên lớp Nhì năm thứ nhất không bắt buộc phải thi Sơ Học Yếu Lược. Học hết lớp Nhất học sinh được thi bằng Tiểu Học Yếu Lược hay Sơ Đẳng Tiểu Học (Certificat d’Études Primaire Franco-Indigène, viết tắt là CEPFI), phải có bằng này mới được dự tuyển học lên lớp trên.

Bậc Cao Đẳng Tiểu Học (Primaire) 4 năm:

Học xong 4 năm được thi lấy bằng Cao Đẳng Tiểu Học (Diplôme d’Étude Primaire Supérieurs Franco-Indigène) còn gọi là bằng Thành Chung. Phải có bằng Thành Chung mới được dự thi lên bậc Trung Học tức bậc Tú Tài. Các trường dạy bậc Cao Đẳng Tiểu Học được gọi là Collège.

Bậc Trung Học (Enseignement Secondaire) 3 năm:

Còn được gọi là bậc Tú Tài Pháp-Việt, bậc Trung Học gồm 3 năm. Học xong 2 năm đầu được thi lấy bằng Tú Tài phần thứ nhất (Baccalauréat, 1ère partie). Đậu bằng này được học tiếp năm thứ ba không phải thi tuyển. Năm thứ 3 được chia làm 2 ban: ban Triết và ban Toán. Hai ban có những môn học hoàn toàn giống nhau như Sử. Địa, Ngoại Ngữ. Có những môn giống nhau nhưng số giờ học khác nhau như Đại Số, Thiên Văn. Có những môn chỉ học ở ban này mà ban kia không có như ban Triết có Tâm Lý Học, Siêu Hình Học, ban Toán có Hình Học, Cơ Học, Số Học. Từ niên học 1937-1938 trên toàn cõi Việt Nam đều áp dụng chương trình Pháp-Việt đủ 3 ban: Toán, Khoa Học, Triết. Ngoài ban mình học, học sinh được phép thi tốt nghiệp các ban khác nhưng phải tự học thêm những môn mà ở ban mình theo học không có. Học sinh cũng được phép thi bằng Tú Tài Pháp. Học xong năm này thi lấy bằng Tú Tài Toàn Phần (Certificat de Fin d’Études Secondaire Franco-Indigènes). Học sinh tốt nghiệp 2 hoặc 3 ban hoặc thêm bằng Tú Tài Pháp (10) được ưu tiên khi thi vào các trường Đại Học có thi tuyển như các trường Grandes Écoles ở Pháp hoặc các trường Cao Đẳng Chuyên Nghiệp ở Hà Nội lúc đó.

Từ niên học 1926-1927 Pháp thiết lập thêm chế độ Tú Tài Bản Xứ (Baccalauréat Local) học thêm các môn về văn chương Việt Nam, lịch sử, triết học Đông Phương và Cận Đông (Ấn Độ, Trung Hoa, Do Thái). Chương trình rất nặng, bị chỉ trích và ta thán rất nhiều nên đã bị hủy bỏ từ niên học 1937-1938.

Các Đặc Điểm Của Nền Giáo Dục Phổ Thông Pháp-Việt

Một đặc điểm của nền giáo dục phổ thông Pháp-Việt là hễ có bằng Tú Tài Toàn Phần thì đương nhiên được vào học các trường Đại Học (Université), nhưng muốn vào các trường Cao Đẳng thì phải qua một kỳ thi tuyển rất khó. Trước 1945, Việt Nam chỉ có một trường Đại Học và vài trường Cao Đẳng Chuyên Nghiệp ở Hà Nội như Sư Phạm, Canh Nông, Thú Y, Công Chánh và Mỹ Thuật.

Một đặc điểm khác nữa là chương trình học do nhà nước quy định có tính cách bắt buộc trong việc giảng dạy nhưng sách giáo khoa lại hoàn toàn do các nhà xuất bản mời người biên soạn và các sách này chỉ được dùng để tham khảo mà thôi. Tất nhiên những sách giáo khoa do các nhà giáo có kinh nghiệm và uy tín được sử dụng nhiều hơn. Riêng ở bậc Tiểu Học sách giáo khoa do Nha Học Chính Đông Pháp chủ trì việc biên soạn và xuất bản, bán rẻ cho học sinh. Từ bậc Cao Đẳng Tiểu Học trở lên thì dùng sách giáo khoa xuất bản ở Pháp (trừ vài quyển về Lịch Sử Việt Nam, Địa Lý Đông Dương, Văn Học Việt Nam do các giáo chức người Pháp hay người Việt soạn và xuất bản ở Hà Nội.

Giáo Chức Nền Giáo Dục Phổ Thông Pháp-Việt

Các giáo chức giảng dạy tại các trường thuộc hệ thống giáo dục phổ thông Pháp-Việt đa số là người Việt Nam. Ở các lớp thuộc bậc Cao Đẳng Tiểu Học và nhất là ở bậc Tú Tài cũng có một số giáo chức người Pháp. Trái lại, tại các trường hoàn toàn Pháp như Albert Sarraut, Chasseloup Laubat các giáo chức chủ yếu là người Pháp. Dạy bậc Sơ Học giáo chức phải tốt nghiệp Tiểu Học và học thêm một năm lớp Sư Phạm (Cours de Pédagogie). Giáo chức dạy bậc Tiểu Học phải tốt nghiệp bằng Cao Đẳng Tiểu Học và được bổ túc về khoa Sư Phạm. Nhằm đào tạo các giáo viên tiểu học, có các lớp sư phạm(Section Normal) vừa học sư phạm vừa học chương trình Cao Đẳng Tiểu Học. Các giáo chức bậc Cao Đẳng Tiểu Học thì phải tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư Phạm Hà Nội. Dạy bậc Tú Tài thì phải tốt nghiệp Cử nhân ở Pháp về hoặc phải có bằng cao hơn Cử Nhân như học vị Thạc Sĩ (Agrégé) (11).

Trường Ốc Của Hệ Thống Giáo Dục Phổ Thông Pháp-Việt

Các trường phổ thông công lập Pháp-Việt là những nhà gạch lợp ngói kiên cố và có phòng thí nghiệm. Xét vào thời điểm 1940-1945 thì trường ốc như thế thuộc loại tốt.

Ở các huyện lỵ có trường Sơ Học. Ở các tỉnh lỵ và một vài huyện lỵ lớn có trường Tiểu Học. Các tỉnh lỵ lớn có trường Sơ Học hay Tiểu Học dành riêng cho nữ sinh. Trung bình một tỉnh có khoảng từ 2 đến 4 trường Tiểu Học, mỗi trường có từ trên 100 đến vài trăm học sinh. Các thành phố lớn mới có trường Cao Đẳng Tiểu Học như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định Lạng Sơn (Bắc Kỳ), Thanh Hóa, Nghệ An (Vinh), Huế, Quy Nhơn (Trung Kỳ), Sài Gòn, Cần Thơ, Mỹ Tho (Nam Kỳ). Các trường Cao Đẳng Tiểu Học dành riêng cho nữ sinh chỉ có ở Hà Nội (trường Đồng Khánh), Huế (trường Đồng Khánh), Sài Gòn (trường Gia Long còn gọi là trường Áo Tím). Bậc Trung Học (bậc Tú Tài) chỉ có ở Hà Nội (trường Bưởi), Huế (trường Khải Định), Sài Gòn (trường Pétrus Ký). Mỗi trường có khoảng từ 100 đến 200 học sinh. Bậc Tú Tài cũng có ở các trường hoàn toàn Pháp tại Hà Nội (trường Albert Sarraut), Sài Gòn (Chasseloup Laubat).

Ngoài hệ thống trường công còn có các trường tư phần lớn do giáo hội Thiên Chúa Giáo xây dựng ngay từ những ngày đầu Pháp chiếm Việt Nam. Hai trường của Thiên Chúa Giáo có tiếng là trường Pellerin ở Huế và trường Taberd ở Sài Gòn. Sau năm 1930 có một số tư thục do tư nhân mở ra ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn và ở một vài tỉnh lỵ lớn đa số là các trường bậc Tiểu Học. Tư thục bậc Cao Đẳng Tiểu Học chỉ có ở Hà nội, Huế và Sài gòn. Riêng tư thục bậc Tú Tài chỉ có ở Hà Nội và Sài Gòn nhưng chỉ có lớp cho 2 năm đầu vì học sinh đậu Tú Tài phần thứ nhất đương nhiên được thu nhận vào trường công.

Hệ thống giáo dục phổ thông Pháp-Việt do Pháp thiết lập rất nhỏ. Trước nhất vì đó là một chương trình giáo dục chỉ nhằm đào tạo một số người thừa hành cho mục tiêu cai trị và khai thác của người Pháp. Thứ nữa vì dân số nước ta lúc đó không nhiều, chỉ có khoảng 20 triệu người (12). Sau khi Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương chương trình giáo dục phổ thông Pháp-Việt bị bãi bỏ ở Bắc và Trung Kỳ năm 1945 và được thay thế bằng chương trình Hoàng Xuân Hãn. Riêng miền Nam đến khi Quốc trưởng Bảo Đại thành lập chính quyền quốc gia mới chấm dứt áp dụng chương trình giáo dục Pháp-Việt vào năm 1949.

———————

Chú thích:

(1) Ở Huế có tòa Khâm Sứ, mỗi tỉnh có tòa Công Sứ. Mọi việc lớn nhỏ ở tỉnh phải báo cáo cho tòa Công Sứ, triều đình nhà Nguyễn phải báo cáo cho tòa Khâm Sứ ở Huế. (2) Thư của Paulin Vial, Giám Đốc Nội Vụ, Súy Phủ Nam Kỳ gửi Quan Bố Sài Gòn ngày 15 tháng 1 năm 1866: “Dès les premiers jours, on a reconnu que la langue Chinois était une barrière de plus entre nous et les indigènes; l’instruction donné par le moyen de caractères hiéroglyphiques nous échappait complètement; cette écriture ne permet que difficilement de transmetre à la population les notions diverses qui lui sont nécessaires au niveau de leur nouvelle situation politique et commercial. Nous sommes obligés en conséquence de suivre les traditions de notre propre enseignement; c’est le seul qui puisse nous rapprocher des Annamites de la colonie en leur inculquant les principes de la civilisation européenne et en les isolant des influences hostiles de nos voisins” (3) Người Pháp đã phải chấp nhận sự hiện hữu của chữ quốc ngữ một cách bất đắc dĩ. Việc truyền bá chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ thực ra không phải là không gặp nhiều chống đối. Báo Le Saigonnais ra ngày 10 tháng 12 năm 1885 có đăng một kiến nghị của thân hào nhân sĩ xin Hội Đồng Thuộc Địa can thiệp để triệt bỏ chữ quốc ngữ, coi như một thứ chữ vô giá trị. Chữ quốc ngữ do các giáo sĩ Bồ Đào Nha chế tạo ra theo lối ghép vần của Bồ ngữ. Người Việt biết chữ quốc ngữ không thể dùng để học chữ Pháp. Người Pháp nếu đọc chữ quốc ngữ theo vần Pháp thì đọc sai, nhất là đối với các nhân danh và địa danh. Do đó giới người Pháp cũng không ngớt chê bai chữ quốc ngữ là thứ chữ vô tích sự vì đã không giúp ích gì trong việc truyền bá chữ Pháp. (4) Đến năm 1868 tờ Gia Định Báo được giao cho Trương Vĩnh Ký trông coi. (5) Trường Collège d’Adran do Linh Mục Croc là thông ngôn của Đô Đốc Charner làm Quản Đốc. Từ 1866 đến 1868 Trương Vĩnh Ký trông coi trường này. (6) Sau này là trường Nguyễn Đình Chiểu. (7) Bưởi là tên làng Thụy Khê gần Hà Nội, trường Bưởi là tiền thân của trường Chu Văn An ngày nay. (8) Dưới thời Đệ Nhất VNCH đổi thành J. J. Rousseau, nay là trường Lê Quý Đôn. (9) Lớp Nhì năm thứ 2 (Cours Moyen 2ème année) này đến niên học 1927-1928 mới áp dụng. Như vậy từ năm 1900 đến 1927 học sinh Tiểu Học chỉ học 5 năm (nghị định ngày 18/09/1924 của Toàn Quyền Merlin ký sửa đổi một phần Học Chánh Tổng Quy của Toàn Quyền Albert Sarraut ký ngày 21/12/1917). (10) Bằng Tú Tài Pháp-Việt hoặc Tú Tài Bản Xứ có giá trị như bằng Tú Tài Pháp (sắc lệnh của Toàn Quyền Đông Dương ký ngày 12/10/1930) nhung nhờ chương trình học của Tú Tài Pháp-Việt và Tú Tài Bản Xứ nặng hơn chương trình học của Tú Tài Pháp nên có nhiều học sinh trường Bưởi và Pétrus Ký một năm đỗ 2 hoặc 3 bằng Tú Tài như các ông Nguyễn Quang Xước (Luật Sư), Nguyễn Hữu (Thạc Sĩ Y Khoa), Hoàng Cơ Thuỵ (Bác Sĩ), Phạm Biểu Tâm (Thạc Sĩ Y Khoa), Vũ Văn Mẫu (Thạc Sĩ Luật), Chương Văn Vĩnh (Dược Sĩ) v.v. (11) Trước năm 1945 học vị Thạc Sĩ (Agrégé) không giống học vị Thạc Sĩ (Master) được sử dụng hiện nay ở Việt Nam (năm 2004). (12) Theo V. Thompson trong French Indochina, London, 1967 thì tính đến năm1939 ở Việt Nam có: - Bậc Trung Học: 4 trường, 553 học sinh - Cao Đẳng Tiểu Học: 19 trường, 5,637 học sinh - Sơ Đẳng Tiểu Học: 447 trường, 149,805 học sinh - Sơ Học: 3,521 trường, 236,720 học sinh - Các loại giáo huấn khác: 3,143 trường, 132,212 học sinh (theo Nguyễn Thế Anh dẫn trong Việt Nam Dưới thời Pháp Đô Hộ, nxb Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1970)

Tài liệu tham khảo: - Bộ Quốc Gia Giáo dục, Chương Trình Trung Học, Nhóm Cựu Học Sinh Trường Bưởi xb, Hà Nội, 1945. - Đặng Thái Mai: Nguyên Tắc Cơ Bản Của Nền Giáo Dục Việt Nam Ngày Nay, Giáo dục Tân San, 1/1946, Hà Nội, 1946. - Lê Văn Giạng: Lịch Sử Giản Lược, Hơn 1000 Năm Nền Giáo Dục Việt Nam, nxb Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2003. - Nguyễn Q. Thắng: Khoa Cử và Giáo Dục Việt Nam, nxb Văn Hóa, Hà Nội, 1998. - Nguyễn Thế Anh: Việt Nam Dưới Thời Pháp Đô Hộ, nxb Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1970. - Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, quyển 3, nxb Quốc Học Tùng Thư, Sài Gòn, 1963. - Trần Trọng Kim: Việt Nam Sử Lược, quyển 2, nxb Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục, Sài Gòn, 1971. - Vũ Ngọc Khánh: Tìm Hiểu Nền Giáo Dục Việt Nam Trước 1945, nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1985.

Hình: Đại học Đông Dương.

Nguồn: ntt2016.td8895.com

Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/bang-thanh-chung-la-gi-a65217.html