Hướng dẫn kỹ thuật thả cá phóng sinh trong ngày Tết ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp)

Hướng dẫn kỹ thuật thả cá phóng sinh trong ngày Tết ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp)

Vào dịp gần tết Nguyên Đán, tức vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người dân Việt Nam thường tiến hành làm lễ cúng thả cá phóng sinh, tiễn ông Công, ông Táo về Trời - Đây là một trong những phong tục cổ truyền mang nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, thể hiện ước muốn năm mới với nhiều hy vọng và niềm vui, sự từ bi, quý báu của người Việt. Việc thả cá phóng sinh không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản, cân bằng hệ sinh thái ngoài tự nhiên. Vì vậy sau khi làm lễ cúng xong, người dân thường đem cá đi thả ra sông, hồ để đưa tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách thả cá phóng sinh đúng mục đích, ý nghĩa, đúng phương pháp và có ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường khi phóng sinh. Sau đây là một số lưu ý, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân khi tiến hành thả cá phóng sinh ra sông, hồ tự nhiên.

1. Đối tượng thả

Đối tượng thả chủ yếu là loài Chép đỏ, Chép vàng ta, Chép lai... theo phong tục truyền thống (ngoài ra có thể khuyến khích thả các loài thủy sản bản địa, có nguy cấp, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao nhằm bảo vệ và phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo đảm cân bằng sinh thái trong các thủy vực tự nhiên). Người dân tuyệt đối không thả các loài thủy sản ngoại lai, xâm hại (hoặc có nguy cơ xâm hại) theo quy định của pháp luật.

2. Cách thả

- Thả cá đúng cách là thả từ từ, nhẹ nhàng xuống sông, hồ để tránh làm cho cá bị sốc khi thay đổi đột ngột môi trường nước. Khi thả cá, dùng tay từ từ nghiêng miệng bao túi nilon hoặc đồ đựng cá (xô, chậu… ) xuống dưới mặt nước để nước trong túi, xô, chậu.. và nước trong môi trường tự nhiên hòa với nhau, đồng thời để cho cá từ từ tự bơi ra ngoài môi trường.

- Không nên dùng tay nắm thân cá để thả, bởi như vậy có thể làm cá bị mất lớp nhớt nhầy trên vây vảy cá, khiến cá dễ bị nhiễm trùng và chết.

- Tuyệt đối không đứng trên thành cầu hoặc các điểm bờ trên cao ném cá xuống sông, hồ, khiến cá bị tổn thương do áp lực tiếp nước quá mạnh, ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng làm cá bị tổn thương dẫn đến chết.

- Không phóng sinh cá ở những nơi thủy vực có môi trường bị ô nhiễm vì khi thả cá sẽ bị ngạt khí độc, ít có cơ hội để sống sót.

- Tránh việc thả cá ồ ạt, theo phong trào, theo đám đông, không chú ý xem cá có cơ hội sống sót hay không mà người thả nên nán lại một lúc sau khi thả cá để xem cá có bơi xa ra khỏi bờ không (bằng cách này người thả cá có thể ngăn chặn việc đánh bắt cá phóng sinh để kiếm lời).

- Tuyệt đối không xả thải, vứt rác, túi ni-lon, các vật dụng thờ cúng xuống sông, hồ mà nên thu gom lại vào những nơi quy định.

- Tuyệt đối cấm sử dụng những loại ngư cụ khai thác, đánh bắt trái phép thủy sản như chất nổ, xung điện, kích điện đăng, đáy, vợt, bẫy cá, chài lưới mắt nhỏ...

Một số hình ảnh thả cá phóng sinh tròng ngày tết ông công ông táo trong ngày 23 tháng chạp hàng năm

Một số hình ảnh thả cá phóng sinh đúng cách và có ý thức bảo vệ môi trường: (ảnh minh hoạ)

Một số hình ảnh thả cá phóng sinh không đúng cách và gây ra ô nhiễm môi trường: (ảnh minh hoạ)

Hình ảnh đội tuyên truyền viên tình nguyện thu gom rác nilon bảo vệ môi trường:

Linh Văn Khiêm (Trung tâm Khuyến nông)

Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/tha-ca-phong-sinh-a65501.html