Thái Nguyên được coi là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn của cả nước với quy mô tổng cộng hàng chục trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp, các Viện Nghiên cứu. Thái Nguyên cũng là một địa bàn chiến lược về quốc phòng, là nơi đóng trụ sở Bộ tư lệnh, cùng nhiều cơ quan khác của Quân khu 1. Phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Kạn, phía Tây giáp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, phía Đông giáp với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và phía Nam tiếp giáp với thủ đô Hà Nội; diện tích tự nhiên 3.562,82 km².
Vị trí địa lý và phạm vi hành chính
Tỉnh Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính: Thành phố Thái Nguyên; thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên và 6 huyện: Phú Bình, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương. Tổng số 178 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 32 phường, 9 thị trấn và 137 xã.
Với vị trí rất thuận lợi về giao thông, cách Sân bay Quốc tế Nội Bài 50 km, cách biên giới Trung Quốc 200 km, cách trung tâm Hà Nội 75 km và cảng Hải Phòng 200 km. Thái Nguyên còn là điểm nút giao lưu thông qua hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình rẻ quạt kết nối với các tỉnh thành, đường quốc lộ 3 nối Hà Nội đi Bắc Kạn; Cao Bằng và cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc; quốc lộ 1B Lạng Sơn; quốc lộ 37 Bắc Ninh, Bắc Giang. Hệ thống đường sông Đa Phúc - Hải Phòng; đường sắt Thái Nguyên - Hà Nội - Lạng Sơn.
Dân cư
Theo điều tra dân số ngày 1-4-2019, dân số tỉnh Thái Nguyên là 1.286.751 người, trong đó nam có 629.197 người và nữ là 657.554 người, là tỉnh đông dân thứ 27 toàn quốc và đứng thứ 3 các tình trong vùng Trung du miền núi phía Bắc. Tổng dân số đô thị là 410.267 người (31,9%) và tổng dân cư nông thôn là 876.484 người (68,1%). Cũng theo Tổng cục Thống kê, tỉ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2019 của Thái Nguyên là 1,36%. Tỷ lệ dân số sống ở thành thị của tỉnh đứng thứ 18 so với cả nước và đứng đầu trong số các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ hai trong vùng Thủ đô (chỉ sau TP Hà Nội). Tỷ lệ đô thị hóa của Thái Nguyên tính đến năm 2020 là 36%. Tỷ lệ tăng dân số bình quân hàng năm giai đoạn 2009-2019 đạt 1,36%/năm (trong đó, khu vực thành thị tăng bình quân 3,56%/năm và khu vực nông thôn tăng 0,48%/năm).
Dân cư Thái Nguyên phân bố không đều, vùng cao và vùng núi dân cư rất thưa thớt, trong khi đó ở thành thị và đồng bằng dân cư lại dày đặc. Mật độ dân số thấp nhất là huyện Võ Nhai 72 người/km², cao nhất là thành phố Thái Nguyên với mật độ 1.903 người/km ², thứ 2 là thành phố Sông Công với mật độ 1.511 người/km².
Trên địa bàn tỉnh hiện có 46 dân tộc trên tổng số 54 dân tộc tại Việt Nam sinh sống, trong đó 8 dân tộc đông dân nhất là: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, H’Mông, Hoa.
Tiềm năng, lợi thế
Thái Nguyên có khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 10 đến tháng 5. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.000 đến 2.500 mm; cao nhất vào tháng 8 và thấp nhất vào tháng 1. Mùa đông được chia thành 3 vùng rõ rệt: Vùng lạnh nhiều nằm ở phía bắc huyện Võ Nhai; Vùng lạnh vừa gồm các huyện Định Hóa, Phú Lương và phía nam huyện Võ Nhai; Vùng ấm gồm các huyện: Đại Từ, Thành phố Thái Nguyên, Đồng Hỷ, Phú Bình, Thị xã Phổ Yên và T.P Sông Công. Nhiệt độ trung bình của Thái Nguyên là 25 °C; chênh lệch giữa tháng nóng nhất (tháng 6: 28,9 °C) với tháng lạnh nhất (tháng 1: 15,2 °C) là 13,7 °C. Tại thành phố Thái Nguyên, nhiệt độ cao nhất và thấp nhất từng được ghi nhận lần lượt là 41,5 °C và 3 °C. Tổng số giờ nắng trong năm dao động từ 1.300 đến 1.750 giờ và phân phối tương đối đều cho các tháng trong năm. Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và đất đai, Thái Nguyên có nhiều khả năng để phát triển nông lâm, công nghiệp, du lịch và các loại hình dịch vụ khác. Tổng diện tích rừng của tỉnh là 188.466,37 ha. Trong đó diện tích rừng đặc dụng là 36.827,21 ha; diện tích rừng phòng hộ là 37.121,65 ha; diện tích rừng sản xuất 114.517,51 ha.
Nét đẹp của cô gái Tày trên nương chè Tân Cương, thành phố Thái Nguyên.
Diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh chiếm 23% diện tích tự nhiên, cây hàng năm chủ yếu là cây chè. Ngoài sản xuất lương thực, tỉnh còn có diện tích tương đối lớn để quy hoạch các đồng cỏ, phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc.
Tài nguyên khoáng sản phong phú về chủng loại, là một lợi thế so sánh lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp luyện kim, khai khoáng… Thái Nguyên được đánh giá là tỉnh có trữ lượng vonfram lớn nhất Thế giới (ngòai Trung Quốc); trữ lượng than lớn thứ 2 trong các cả tỉnh thành cả nước bao gồm than mỡ, than đá được phân bố tập trung ở 2 huyện Đại từ và Phú Lương.
- Than mỡ: khoảng trên 15 triệu tấn. Trong đó trữ lượng tìm kiếm thăm dò khoảng 8,5 triệu tấn, chất lượng tương đối tốt, tập trung ở các mỏ: Phấn Mễ, Làng Cẩm, Âm Hồn.
- Than đá với tổng trữ lượng tìm kiếm và thăm dò khoảng 90 triệu tấn tập trung ở các mỏ: Bá Sơn, Khánh Hoà, Núi Hồng.
Khai thác than tại Công ty Than Núi Hồng.
- Vonfram ở Núi Pháo, Đại Từ: trữ lượng: 21 triệu tấn
Toàn cảnh Nhà máy chế biến khoáng sản Núi Pháo
- Quặng Sắt: tập trung chủ yếu ở Cụm mỏ sắt Trại Cau có trữ lượng khoảng 20 triệu tấn có hàm lượng Fe 58,8% - 61,8% và Cụm mỏ sắt Tiến Bộ nằm trên trục đường ĐT 259 có tổng trữ lượng quặng khoảng 30 triệu tấn.
- Quặng Titan: Đã phát hiện 18 mỏ và điểm quặng sa khoáng và quặng gốc phân bố chủ yếu ở huyện Phú Lương và Đại Từ, trong đó có 01 mỏ đã thăm dò và khai thác (mỏ Cây Châm, Phú Lương), thành phần chính của quặng là Ilmenít, Tổng trữ lượng dự kiến khoảng 18 triệu tấn.
- Thiếc: Có ở 3 mỏ thuộc huyện Đại từ: Các mỏ Phục Linh, Núi Pháo, Đá Liền. Tổng trữ lượng của 3 mỏ này khoảng 13.600 tấn.
- Chì kẽm: Tập trung ở Làng Hích (huyện Đồng Hỷ), Thần Sa, Cúc Đường (huyện Võ Nhai) qui mô không lớn.
- Vàng: Bao gồm vàng sa khoáng ở khu vực Thần Xa, dãy núi Bồ Cu (huyện Võ Nhai), khu vực Ngàn Me, Cây Thị (huyện Đồng Hỷ), khu vực phía tây của huyện Phổ Yên.
- Ngoài ra còn có đồng, thủy ngân...trữ lượng quặng nhỏ, mức độ điều tra sơ bộ.
- Khoáng sản phi kim loại: Có pyrít, barít, phốtphorít... trong đó đáng chú ý là phốtphorít ở một số điểm quặng: Núi Văn, Làng Mới, La Hiên. Tổng trữ lượng khoảng 60.000 tấn.
- Thái Nguyên có nhiều khoáng sản vật liệu xây dựng trong đó đáng chú ý là đất sét xi măng ở 2 mỏ Cúc Đường và Khe Mo, trữ lượng khoảng 84,6 triệu tấn. Đá Cacbônat bao gồm đá vôi xây dựng, đá vôi xi măng, Đôlômit tìm thấy ở nhiều nơi. Riêng đá vôi xây dựng có trữ lượng xấp xỉ 100 tỷ m3, trong đó 3 mỏ Núi Voi, La Hiên, La Giang có trữ lượng 222 triệu tấn, ngoài ra gần đây mới phát hiện mỏ sét cao lanh tại xã Phú Lạc, Đại Từ có chất lượng tốt, hàm lượng AL2CO3 cao, trữ lượng dự kiến 20 triệu m3. Đó là vùng nguyên liệu dồi dào cho sự phát triển ngành vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng và đá ốp lát.
Kinh tế
Thái Nguyên có nền kinh tế phát triển từ rất sớm, trong đó công nghiệp đóng vai trò chủ yếu. Những thành tựu quan trọng có thể kể đến là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 11,1%/năm; GRDP bình quân đầu người tăng từ 51 triệu đồng/người năm 2015 lên 90 triệu đồng/người năm 2020; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 16,3%/năm, vươn lên đứng thứ 2 trong vùng Thủ đô Hà Nội, đứng đầu vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân 13,1%/năm về trước mục tiêu Nghị quyết 2 năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trong cân đối tăng bình quân 16,3%/năm (từ 7.484 tỷ đồng năm 2015 lên 15.555 tỷ đồng năm 2020), với kết quả này, trong 5 năm liên tiếp (2015 - 2019), Thái Nguyên là tỉnh đứng thứ nhất trong các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, đứng thứ 17 trong cả nước về thu ngân sách.
Khu tổ hợp sản xuất của Công ty Samsung Electronic Thái Nguyên - Việt Nam.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố (tăng 6 bậc so với năm 2018);Chỉ số cải cách hành chính - Par Index xếp thứ 14/63, tăng 04 bậc so với năm 2018, tăng 16 bậc so với năm 2017, tăng 40 bậc so với năm 2016; chỉ số hài lòng của người dân - SIPAS hàng năm đều đạt trên 80%, riêng năm 2017 Thái Nguyên là 1 trong 3 tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số này (tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Ninh Bình).
Đến nay, 100% cơ quan Nhà nước của tỉnh đã thực hiện liên thông văn bản điện tử được tích hợp chữ ký số từ các sở, ban, ngành và các đơn vị hành chính, đồng thời liên thông hồ sơ một cửa, hồ sơ dịch vụ công mức độ 3 từ tỉnh đến các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn. Thái Nguyên đã triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến tại Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, các thủ tục hành chính (TTHC) được cập nhật thường xuyên trước thời hạn trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC của Chính phủ... Kết quả của công tác cải cách hành chính (CCHC) chính là chìa khóa vàng để Thái Nguyên thực hiện thành công thu hút đầu tư trên địa bàn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 238 nghìn tỷ đồng. Thu hút đầu tư nước ngoài 156 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 8,3 tỷ USD. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tiếp tục phát triển với số lượng đăng ký thành lập mới bình quân mỗi năm khoảng 350 doanh nghiệp. Đặc biệt, từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018 được tổ chức với quy mô và tầm vóc lớn nhất trong nhiệm kỳ, đến nay đã có 41 nhà đầu tư đang triển khai 53 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 108.961 tỷ đồng. Hiện có 29/53 dự án đã hoàn thành về thủ tục đầu tư; 24/53 dự án đang hoàn thiện các thủ tục về đầu tư...Riêng các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện thu hút được trên 120.000 lao động, với thu nhập bình quân gần 7 triệu đồng/tháng.
Hiện Thái Nguyên đã và đang triển khai các khu công nghiệp sau:
+ KCN Nam Phổ Yên (120 ha), thuộc T.X Phổ Yên.
+ KCN Điềm Thuỵ (350ha) thuộc huyện Phú Bình.
+ KCN Quyết Thắng (105ha - đang triển khai) thuộc thành phố Thái Nguyên.
+ KCN Yên Bình (400ha) thuộc T.X Phổ Yên.
+ KCN Sông Công II (250ha) - đang triển khai, hiện đang mở rộng lên 450ha) thuộc thành phố Sông Công.
+ KCN Sông Công I (195ha) thuộc thành phố Sông Công.
Ngoài ra, Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung Khu Công nghệ thông tin tập trung Yên Bình - Giai đoạn 1 với quy mô 200ha vào Quy hoạch tổng thể phát triển Khu CNTT tập trung Quốc gia đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.
Khu công nghiệp Điềm Thụy thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài và trong nước đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thái Nguyên cũng quy hoạch một số cụm công nghiệp tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Đến hết năm 2019 đã có 20 cụm công nghiệp được phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích hơn 763 ha (7.63 km²), trong đó diện tích đất công nghiệp là 407,6 ha (4,076 km²). Theo Đề án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, sẽ hình thành 35 CCN với tổng diện tích 1.259 ha. Trung bình hàng năm (từ 2016-2019) tỉnh đã giải quyết bình quân mỗi năm trên 22 nghìn lao động có việc làm ổn định. Đến hết năm 2019, tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 68,6%, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 4,38%.
Nhìn chung, ngoài các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI đang triển khai trên địa bàn, các doanh nghiệp, tập đoàn địa phương của Thái Nguyên cũng tương đối mạnh và đa dạng ngành nghề, từ kinh doanh sắt thép, nguyên vật liệu cho tới bất động sản, khai khoáng, may mặc, hàng tiêu dùng. Trong danh sách top 500 thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2019, Thái Nguyên đóng góp tới 6 doanh nghiệp (nếu không tính SAMSUNG ELECTRONICS VIỆT NAM THÁI NGUYÊN) và đều có thứ hạng cao trong danh sách.
Diện mạo đô thị, kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật
Trong 5 năm trở lại đây (2015-2020), diện mạo đô thị tỉnh Thái Nguyên có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, dự án nâng cấp đô thị TP Thái Nguyên, dự án phát triển các Khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn TP Thái Nguyên, TP Sông Công, Thị xã Phổ Yên và tại trung tâm các huyện Đại Từ, Phú Bình. thành phố Sông Công trở thành đô thị loại II, thị xã Phổ Yên trở thành đô thị loại III, thị trấn Hùng Sơn huyện Đại Từ trở thành đô thị loại IV.
Với gần 30 tuyến cao tốc, Quốc lộ, đường tỉnh, hệ thống giao thông đối ngoại, đối nội, giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cấp và hoàn thiện. Sự kết nối các quốc lộ đi qua tỉnh với các tuyến đường địa phương đã tạo thành hệ thống đường giao thông rộng khắp, liên kết Thái Nguyên với các tỉnh phía Nam và vùng Trung du, Miền núi phía Bắc, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương trong khu vực. Đặc biệt, tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Thái Nguyên, tuyến đường vành đai V Thái Nguyên được đầu tư xây dựng đã kết nối nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, hòa nhập vào sự phát triển chung của cả nước, trong đó có Thái Nguyên. Thái Nguyên đã hoàn thành mục tiêu xóa xóm trắng về điện tại huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ, nâng tỷ lệ dân số được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,83%; 100% xóm, bản có điện lưới quốc gia. Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch là 97%. Tỷ lệ người dân ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 95%. Hạ tầng thương mại, dịch vụ được đẩy mạnh theo hướng xã hội hóa, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của nhân dân trên địa bàn và khu vực.
Cầu Bến Tượng được đưa vào sử dụng cuối năm 2018 tạo diện mạo mới cho đô thị Thành phố và giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Các dự án lớn, công trình trọng điểm của tỉnh được triển khai đồng bộ và quyết liệt như: Khai thác và đưa vào sử dụng Cầu Bến Tượng; Dự án Khu công nghiệp Sông Công 2, Khu công nghiệp Điềm Thụy, Dự án xây dựng đường Bắc Sơn kéo dài. Dự án Xây dựng khu hành chính mới huyện Đồng Hỷ; Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP Thái Nguyên.
Đặc biệt, dự án tôn tạo, phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm lưu niệm 60 TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái hoàn thành đã trở thành “Địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Công trình ý nghĩa này đã thể hiện tình cảm tri ân và trách nhiệm, ý Đảng, lòng dân khắc ghi, lan tỏa một bản hùng ca trong lịch sử. Trong nhiệm kỳ Quảng trường Võ Nguyên Giáp đã được xây dựng mang ý nghĩa lịch sử, chính trị lớn lao. Quảng trường là công trình văn hóa tiêu biểu nằm trong quần thể các thiết chế văn hóa đặc sắc của tỉnh Thái Nguyên, phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao lớn của tỉnh và sinh hoạt cộng đồng của nhân dân tạo điểm nhấn trong không gian đô thị của TP Thái Nguyên.
Du lịch
Theo số liệu tổng hợp của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên: Trong năm 2019, khách do cơ sở lưu trú du lịch phục vụ đạt hơn 1 triệu lượt; khách du lịch đến các điểm tham quan đạt hơn 1,8 triệu lượt; doanh nghiệp lữ hành phục vụ đạt hơn 150.000 lượt; doanh thu tại các doanh nghiệp du lịch đạt trên 430 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách tăng hơn gần 500.000 lượt, doanh thu từ các doanh nghiệp tăng hơn gần 30 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh có 435 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 01 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao đang được xây dựng của tập đoàn APEC, 50 khách sạn đạt từ 1 đến 4 sao, 386 cơ sở đạt tiêu chuẩn kinh doanh nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê.
Quanh cảnh Khu du lịch hồ Núi Cốc nhìn từ trên cao.
Thái Nguyên từng là nơi tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2007 hướng về cội nguồn chiến khu Việt Bắc thu hút hàng triệu khách du lịch đến thăm trong đó có nhiều khách nước ngoài.. Với lợi thế là trung tâm vùng, hạ tầng cơ sở phát triển, với hơn 800 điểm đến là các di tích lịch sử, di tích danh thắng, di tích khảo cổ học, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích tín ngưỡng đã được kiểm kê, bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hoá và 80 lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân… Trên địa bàn tỉnh, một trong những điểm đến được nhiều du khách quan tâm như:
+ Khu du lịch Hồ Núi Cốc, cách thành phố Thái Nguyên 20 km về phía tây (giáp dãy núi Tam Đảo) là khu du lịch lớn nhất của tỉnh. Mặt hồ rộng 25 km² và có đến 69 hòn đảo lớn nhỏ. Khu Du lịch Hồ Núi Cốc đón tiếp khoảng hơn 600.000 lượt du khách trong năm 2019.
+ Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam với diện tích 40.000 m², nằm ngay tại trung tâm thành phố Thái Nguyên. Bảo tàng có hệ thống 5 phòng trưng bày cố định và Khu trưng bày ngoài trời với 6 vùng văn hóa đặc trưng (vùng Núi cao, vùng thung lũng, vùng đồng bằng Bắc bộ, vùng ven biển miền Trung, vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, vùng đồng bằng Nam bộ). Hiện nay bảo tàng lưu trữ hơn 10.000 đơn vị tài liệu, hiện vật thuộc di sản văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam. Hệ thống trưng bày gồm 6 phòng, sử dụng hơn 2.000 tư liệu khoa học.
+ Di tích đền Đội Cấn, công viên Sông Cầu tại trung tâm thành phố Thái Nguyên.
+ Khu du lịch hang Phượng Hoàng và suối Mỏ Gà (là suối chảy ra từ núi đá) tại huyện Võ Nhai, cách thành phố Thái Nguyên 45 km.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đèo De, xã Phú Đình (Định Hóa).
+ Khu Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hoá. Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sinh sống nhiều năm trong Kháng chiến chống Pháp (1945-1954), đón tiếp, phục vụ 2.680 đoàn khách với gần 557.000 lượt khách
+ Thác nước 7 tầng Khuôn Tát, nằm trong khu di tích lịch sử ATK.
+ Các điểm du lịch tâm lịch như đền Đuổm thờ Dương Tự Minh (Phú Lương); chùa Hang, chùa Phù Liễn, đền Xương Rồng (thành phố Thái Nguyên).
+ Khu di tích núi Văn, núi Võ thờ danh tướng Lưu Nhân Chú (huyện Đại Từ) được nhà nước xếp hạng cấp quốc gia.
+ Khu Di tích Lịch sử Quốc gia - Địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên.
Thái Nguyên có thể hình thành các tuyến du lịch nối các điểm tham quan du lịch trong tỉnh với các điểm du lịch của các tỉnh lân cận. Cụ thể như:
Thành phố Thái Nguyên-Hồ Núi Cốc, vùng chè Tân Cương - Cây đa Tân Trào (Tuyên Quang).
Thành phố Thái Nguyên - Đền Đuổm - Khu di lịch ATK Định Hoá - Hồ Ba Bể (Chợ Đồn, Bắc Kạn) - Pác Bó (Cao Bằng).
Thành phố Thái Nguyên - Chùa Hang - Hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà - Động Tam Thanh, Nhị Thanh (Lạng Sơn).
Thành phố Thái Nguyên - Tam Đảo (Vĩnh Phúc) - Hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc).
Thành phố Thái Nguyên - Đền Hùng (Phú Thọ).
Thành phố Thái Nguyên - Côn Sơn, Yên Tử, Đền Kiếp Bạc, (Hải Dương).
Ngoài ra Thái Nguyên có nhiều dân tộc còn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc như dân tộc Tày, H’Mông, Dao có thể khai thác thành các điểm du lịch cho khách tham quan.
Tình hình phát triển kinh tế - xã hội
Trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, tác động do suy giảm kinh tế toàn cầu và đại dịch COVID-19, song được sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương và sự hợp tác của các tỉnh, thành phố bạn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy những kết quả, thành tựu đạt được của nhiều nhiệm kỳ trước, cùng đoàn kết chung sức một lòng nỗ lực phấn đấu giành được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, thu ngân sách Nhà nước năm 2020 đạt gần 16 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng, tăng 1,7 lần so với năm 2015.
Thái Nguyên là tỉnh đứng đầu 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc về xây dựng nông thôn mới; đứng thứ tư toàn quốc về giá trị sản xuất công nghiệp. Quốc phòng, quân sự địa phương, an ninh chính trị, an sinh xã hội luôn được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.
Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, đạt 11,1%/năm. Quy mô và năng lực sản xuất các ngành kinh tế đều tăng cao. Đến năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trong tỉnh (tính theo giá hiện hành) đạt 120.830 tỷ đồng (tương đương 5,1 tỷ USD), gấp 1,9 lần so với năm 2015.
GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 90 triệu đồng/người, gấp 1,76 lần so với năm 2015. Năng suất lao động bình quân chung các ngành kinh tế của tỉnh năm 2020 đạt trên 140 triệu đồng/lao động, gấp 1,5 lần so với năm 2015.
Công nghiệp, xây dựng có mức tăng bứt phá, tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt 16,3%/năm, đứng thứ tư về quy mô giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước về quy mô giá trị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp. Dịch vụ thương mại phát triển, hàng hóa phong phú, tiện lợi; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 166,5 nghìn tỷ đồng. Xuất khẩu có bước tăng trưởng cao, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,1%/năm.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng khá; bình quân 4,5%/năm. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục đạt nhiều kết quả. Hình thành các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tập trung, chuyên canh, quy mô lớn, với những giống mới có năng suất, chất lượng cao; trong đó, cây chè tiếp tục khẳng định là cây trồng thế mạnh, phát triển nhanh cả về sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trở thành địa phương có diện tích, sản lượng lớn nhất cả nước. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt năm 2020 đạt 103 triệu đồng, bình quân tăng 4%/năm. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật; toàn tỉnh đã có 103 xã đạt chuẩn nông thôn mới, về trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Công tác quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước được thực hiện chủ động, tích cực. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2020 gấp 2,1 lần so với năm 2015.
Quảng trường Võ Nguyên Giáp, thành phố Thái Nguyên.
Kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật được quan tâm đầu tư. Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 đạt 238 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với giai đoạn 2011-2015 và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Hệ thống giao thông đối ngoại, đối nội, giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cấp và hoàn thiện. Các khu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư, phát triển. Hạ tầng kỹ thuật điện, nước, thủy lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Các dự án khu dân cư, khu đô thị đã góp phần làm thay đổi diện mạo các đô thị trên địa bàn tỉnh.
Văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống giáo dục và đào tạo có bước phát triển; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm về chất lượng (100% đạt chuẩn trở lên). Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, giáo dục thường xuyên được nâng lên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học từng bước được đầu tư; đã bước đầu hình thành các cơ sở giáo dục ngoài công lập chất lượng cao.
Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2030 xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/gioi-thieu-ve-thai-nguyen-a67652.html