Hiện nay, tỷ lệ sinh mổ có dấu hiệu ngày càng gia tăng tại nước ta. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc sinh mổ nhiều lần có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của cả mẹ bầu lẫn con yêu. Đẻ mổ càng nhiều lần thì tỷ lệ biến chứng càng cao nên vấn đề sinh mổ được mấy lần là tối đa được rất nhiều chị em quan tâm.
Các trường hợp mẹ bầu được khuyến cáo sinh mổ
Trước khi giải đáp thắc mắc sinh mổ được mấy lần là tối đa, hãy cùng tìm hiểu các trường hợp mẹ bầu được bác sĩ chỉ định sinh mổ. Đẻ mổ được áp dụng với những mẹ bầu gặp khó khăn khi sinh thường hay người gặp các biến chứng bất thường trong giai đoạn mang thai. Cụ thể:
Chỉ định sinh mổ được định trước
Trong các lần thăm khám thai cuối thai kỳ, mẹ bầu có thể được chỉ định cần sinh mổ nếu rơi vào một trong những trường hợp dưới đây:
- Thai nhi không nằm ở ngôi thai thuận.
- Thai nhi không quay đầu xuống dù đã gần đến ngày sinh.
- Mẹ bầu mang đa thai (sinh đôi cùng trứng, sinh đôi khác trứng, sinh ba…).
- Mẹ có bệnh tim mạch.
- Mẹ mắc bệnh nhiễm khuẩn, có nguy cơ gây lây nhiễm cho bé nếu khi sinh thường.
- Mẹ bị tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, bệnh thận...
- Sản phụ đã sinh mổ nhiều lần trước đây.
- Người có tiền sử phẫu thuật tử cung.
Chỉ định sinh mổ không định trước
Thai phụ cũng có thể được chỉ định sinh mổ khẩn trong những trường hợp sau:
- Thai nhi có các biểu hiện suy thai như: Nhịp tim thai quá nhanh hay chậm.
- Trẻ có kích thước quá lớn (nặng trên 4kg hoặc chu vi đầu quá quá to).
- Bé bị ngạt vì dây rốn quấn cổ.
- Trẻ gặp phải các vấn đề liên quan tới nhau thai.
- Mẹ bị cạn ối.
- Thai phụ bị kiệt sức do thời gian chuyển dạ kéo dài.
- Mẹ bầu có các dấu hiệu như: Ngừng co thắt tử cung hay đau đẻ chấm dứt dù đang trong quá trình chuyển dạ.
Sinh mổ được mấy lần là tối đa?
Rất khó có đáp án chính xác cho thắc mắc sinh mổ được mấy lần là tối đa. Bởi trên thực tế, tùy cơ địa mỗi người có nhiều trường hợp sản phụ đẻ mổ lần 3, thậm chí lần 4 mà vẫn suôn sẻ nhưng cũng có tình trạng mẹ bầu mới mổ lấy thai lần 1, lần 2 đã gặp phải biến chứng.
Các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên áp dụng biện pháp sinh mổ lấy thai tối đa 2 lần. Các trường hợp còn lại, quyết định có tiếp tục sinh mổ hay không sẽ phụ thuộc vào kết quả đánh giá sức khỏe, tiền sử y tế của người mẹ. Điều này giúp bảo vệ sức khỏe của sản phụ, bởi vì sau mỗi lần sinh mổ, tử cung thường bị tổn thương và khó phục hồi hơn so với sinh thường. Vết sẹo sau sinh mổ trở thành một điểm yếu lớn trên thành tử cung và mỗi lần sinh mổ tiếp theo có thể tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng thai kỳ nghiêm trọng hoặc các bất thường sau sinh ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của mẹ. Đặc biệt, các chị em nên để khoảng cách giữa hai lần mang thai sau khi sinh mổ ít nhất là 2 năm để vết mổ lấy thai có thời gian hồi phục đầy đủ.
Mặc dù có một số trường hợp phụ nữ vẫn chọn sinh mổ lần 3 hoặc lần 4. Tuy nhiên, việc này có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi nên bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định sinh nhiều con để đảm bảo tương lai cho cả bản thân, em bé và gia đình.
Rủi ro từ việc sinh mổ liên tục
Ngoài chuyện nắm được sinh mổ được mấy lần là tối đa, bạn cũng nên tìm hiểu về những nguy cơ tiềm ẩn khi sinh con theo phương pháp này. Số lần đẻ mổ càng nhiều thì sản phụ càng dễ gặp phải những biến chứng nghiêm trọng sau:
- Vỡ tử cung là tình trạng tử cung bị xé rách một phần hoặc hoàn toàn gây ảnh hưởng đến bàng quang và hệ tiêu hóa.
- Mất máu nhiều đến mức phải truyền máu trong trường hợp thai bám vào vết sẹo mổ cũ trên thành tử cung hay còn gọi là hiện tượng chửa vết mổ.
- Các biến chứng ở bàng quang.
- Bắt buộc phải cắt bỏ tử cung tại thời điểm sinh con (nguy cơ tăng lên 1% sau lần đẻ mổ thứ 3 và 9% sau lần phẫu thuật thứ 6).
- Các vấn đề bất thường về nhau thai: Nhau bong non, nhau cài răng lược hay nhau tiền đạo.
- Dính ruột.
- Lạc nội mạc tử cung tại vết mổ.
- Tê và đau tại vết mổ.
Lưu ý khi mang thai sau sinh mổ lần 3
Nếu sản phụ đã trải qua 2 lần sinh mổ vẫn có ý định mang thai thì cần tuân thủ một số lưu ý khi sinh mổ lần 3 sau để có một thai kỳ ổn định và tránh những nguy cơ khi sinh. Cụ thể:
- Ngay khi có ý định mang thai, bạn nên khám siêu âm để kiểm tra vết mổ cũ. Đồng thời cung cấp cho bác sĩ thông tin lần sinh mổ trước đó như: Lý do mổ, thời gian mổ, thời gian phục hồi, biến chứng sau sinh đã gặp (nếu có)... để được tư vấn thời điểm phù hợp mang thai và đẻ mổ lần 3.
- Khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để kịp thời phát hiện các bất thường và có biện pháp xử trí, điều trị.
- Nghỉ ngơi, luôn giữ tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng, không lao lực quá sức.
- Nếu thấy có cơn đau bất thường ở vết mổ cũ cần nhập viện để được kiểm tra, theo dõi.
- Nếu gặp các bất thường như: Đau bụng, khó chịu, ra máu… cần tới ngay bệnh viện để kiểm tra.
- Lựa chọn bệnh viện uy tín để sinh nở.
- Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cần thiết cho việc sinh mổ. Thông thường, các sản phụ sẽ được chỉ định mổ vào tuần thai thứ 37-38 khi chưa có các dấu hiệu sắp sinh. Khi đó, thai nhi đã phát triển toàn diện và sẵn sàng thích ứng với môi trường ngoài bụng mẹ.
- Mang thai và sinh mổ lần 3 cần thời gian nghỉ sinh lâu hơn và có chế độ chăm sóc sau sinh phù hợp để đảm bảo phục hồi sức khỏe nhanh.
Có thể thấy rất nhiều sản phụ tỏ ra lo ngại, không biết đẻ mổ nhiều lần liệu có ảnh hưởng gì không? Những thông tin chia sẻ về vấn đề sinh mổ được mấy lần là tối đa trên đây hy vọng có thể giúp bạn có cơ sở lựa chọn nhằm đảm bảo việc sinh con diễn ra suôn sẻ đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.