NGHE TẠI ĐÂY
Với ngọn thác rộng khoảng 70m, cao 08m, nước ào ào dội xuống vực thẳm, vang vọng cả một góc rừng. Về mùa mưa, nước ngập tràn mặt sông, chỉ có một con thác khổng lồ, dữ dội. Mùa khô, lưu lượng nước sông vơi hẳn, tạo thành 09 ngọn thác lớn nhỏ khác nhau. D’ray Sáp Thượng đã gắn bó với đồng bào Êđê ở buôn Kuôp từ bao đời nay, là cái tên tuyệt đẹp hiểu theo nghĩa tiếng Việt: “Thác khói” - đặc tả làn khói nước huyền ảo nơi ngọn thác đổ xuống.
Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian công du lên Đắk Lắk những năm 1935 - 1936, Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn cùng thuộc hạ cưỡi voi vào rừng săn bắn. Khi đến thác nước D’ray Sáp ngoạn cảnh, trước vẻ đẹp sinh động, quyến rũ của ngọn thác và phong cảnh xung quanh, vua Bảo Đại đã đặt cho ngọn thác một tên mới là thác Gia Long (tên vị vua đầu tiên của Triều Nguyễn).
Thắng cảnh D’ray Sáp Thượng từ xa xưa đã là biểu tượng tình yêu và sự gắn bó của người dân bản địa nơi đây. Điều đó được thể hiện qua câu chuyện cổ dân gian của người Ê đê đầy thi vị, về sự tích ngọn thác D’ray Sáp Thượng:
Chuyện kể rằng: “Thuở xa xưa, tại một buôn làng Ê đê nọ có một người con gái rất đẹp tên là H’Mi, nàng yêu một chàng trai cao lớn, khoẻ mạnh, hiền lành như đất. Hàng ngày đôi trai gái thường rủ nhau đi làm rẫy. Một hôm, sau khi làm xong việc, hai người rủ nhau đến nghỉ ngơi trên một tảng đá dưới tán cây cổ thụ sum suê. Ngồi nghỉ, chưa kịp ráo mồ hôi thì họ bỗng thấy một con quái vật, đầu to như quả núi, mắt lớn tựa nồi đồng, râu dài mấy sải tay, tóc nhọn như tên, toàn thân phủ 1 lớp vảy trắng, lấp lánh như bạc. Con quái vật bay lên bầu trời rồi bất thần sà xuống đất như quạ vồ mồi, chân nó đạp mạnh, làm cả một khoảng đất rộng lún xuống và tại đó một cây nước khổng lồ phun lên dữ dội, kéo theo cả nàng H’Mi đang khiếp đảm, còn người yêu của nàng bị cuốn tung ra nơi khác. Chàng trai như mãnh hổ, cố sức giằng kéo người yêu lại nhưng đành tuyệt vọng, nhìn nàng tan biến vào lớp sương mù, cùng những vảy trắng bay lấp lánh. Từ đó, chàng trai biến thành một thân cây lớn, gốc cắm sâu vào ghềnh đá, thân mang dáng dấp một người đau khổ đang dang tay than khóc. Còn cột nước khổng lồ thì biến thành ngọn thác D’ray Sáp Thượng hùng vĩ ngày nay”.
Thắng cảnh D’ray Sáp Thượng còn gắn với sự kiện: Khoảng những năm 1930 - 1933, thực dân Pháp xây dựng tuyến đường giao thông từ Buôn Ma Thuột đi Sài Gòn dài 345 km (Quốc lộ 14), phục vụ cho mục đích quân sự và kinh tế của chúng, trong đó có một đoạn vòng cung đi qua khu vực thác D’ray Sáp Thượng. Để hoàn thành con đường này, cùng với chiếc cầu treo qua sông Ea Krông cách thác Drai Sáp 40m, thực dân Pháp huy động dân phu là đồng bào dân tộc thiểu số, các tù nhân Nhà đày Buôn Ma Thuột lao dịch hết sức cực nhọc, gian khổ dưới làn roi vọt và cực hình. Biết bao dân phu và tù nhân là chiến sĩ cách mạng đã hy sinh nơi rừng sâu, vực thẳm bởi sự áp bức và bệnh tật.
Với đặc điểm tự nhiên đa dạng, môi trường sinh thái thuận lợi, ổn định, thiên nhiên hùng vĩ nên thơ, nằm gần một buôn làng Êđê vẫn còn giữ lại dáng dấp một buôn làng cổ và những tập tục văn hóa truyền thống, D’ray Sáp Thượng có nhiều ưu thế để khai thác phục vụ du lịch. Trong quần thể Di tích thắng cảnh D’ray Sáp Thượng, còn lưu giữ mốc cầu treo và con đường Gia Long như để khẳng định thêm giá trị lịch sử của Di tích. Với những giá trị to lớn đó, ngày 04/01/1999, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ban hành Quyết định số 01/1999/ QĐ - BVHTT xếp hạng D’ray Sáp Thượng là Di tích thắng cảnh quốc gia.
Di tích thắng cảnh D’ray Sáp Thượng từ lâu đã trở thành điểm tham quan du lịch đầy hấp dẫn, thú vị. Đến đây, du khách không chỉ thưởng ngoạn cảnh đẹp mà còn được tham gia nhiều loại hình trải nghiệm như: Cắm trại, đốt lửa trại, uống rượu cần và tham gia các trò chơi thể thao và giải trí như: leo núi, bơi thuyền trên sông Ea Krông. Hiện nay, Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê đang đầu tư, khai thác du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Di tích thắng cảnh D’ray Sáp Thượng.