Môi trường là gì?
Môi trường bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo. Môi trường tự nhiên gồm tất cả các yếu tố xuất hiện một cách tự nhiên trên Trái Đất. Nó là một môi trường mà các vật thể sống tương tác với nhau. Môi trường tự nhiên cung cấp cho chúng ta không khí để thở, cung cấp các loại tài nguyên khoáng sản, đất để trồng cây, xây dựng nhà cửa, chă nuôi…
Môi trường tự nhiên bao gồm 4 thành phần chính gồm thạch quyển, thuỷ quyển, khí quyển và sinh quyển. Cụ thể như sau:
- Khí quyển hay còn gọi là môi trường không khí. Đây là tầng không khí bao quanh Trái Đất.
- Sinh quyển hay còn gọi là môi trường sinh vật. Đây là bộ phần gồm thực vật, động vật và con người. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loại sinh vật nhỏ bé khác như ký sinh, cộng sinh, biểu sinh… Tất cả điều này đã tạo nên sự đa dạng sinh học trong môi trường tự nhiên.
- Thạch quyển hay còn gọi là địa quyển/môi trường đất. Đây là bộ phận gồm vỏ Trái Đất có bề dày 60-70km ở phần lục địa. Sâu hơn nữa là 2-8km dưới đáy đại dương. Các quần xã sinh vật sẽ sinh sống trên môi trường đất.
- Thuỷ quyển hay còn gọi là môi trường nước. Đây là phần nước trên Trái Đất, bao gồm: sông, hồ, suối, đại dương, nước ngầm, hơi nước, băng tuyết.
Không giống môi trường tự nhiên, môi trường nhân tạo là tất cả các yếu tố nhân tạo như thành phần hoá học, tính chất vật lý… Những yếu tố này do con người tạo ra và bị con người chi phối.
Bên cạnh đó còn có môi trường xã hội là mối quan hệ giữa người với người. Đó là các luật lệ, cam kết, thể chế, ước định… ở các cấp khác nhau. Môi trường xã hội có nhiệm vụ định hướng con người theo một khuôn khổ nhất định để cho sự phát triển được thuận lợi, khiến cuộc sống của con người khác với sinh vật khác.
Mặc dù các nhân tố này trái ngược nhau nhưng lại cùng tồn tại, đan xen nhau và tương tác chặt chẽ với nhau. Các thành phần sẽ luôn chuyển hoá và theo chu kỳ nhất định tạo sự cân bằng. Sự cân bằng này tạo cho sinh vật trên Trái Đất phát triển ổn định. Chu kỳ thường gặp là tuần hoàn cacbon, nitơ, lưu huỳnh… Các chu kỳ này được gọi chung là địa hoá học.
Trong khi đó, sinh vật và môi trường xung quanh tương hỗ lẫn nhau về cả năng lượng và vật chất thông qua các thành phần môi trường và hoạt động của hệ mặt trời.
Tại sao con người cần phải bảo vệ môi trường?
Bảo vệ môi trường là các hoạt động cải thiện môi trường và giữ cho môi trường luôn trong lành. Bảo vệ môi trường còn giúp đảm bảo cân bằng sinh thái, khắc phục những hậu quả mà con người gây ra cho môi trường.
Hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng môi trường của chúng ta đang bị ô nhiễm trầm trọng. Từ những điều nhỏ nhất như khói bụi cho đến những điều lớn như biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt hơn, mưa axit, nước biển dâng, sa mạc hoá…
Theo điều tra, nhiệt độ trung bình của Trái Đất đang nóng hơn gần 40°C so với kỷ băng hà cách đây 13.000 năm. Đặc biệt, trong 100 năm trở lại đây, nhiệt độ trung bình tăng 0.6 - 0.7°C và trong 100 năm tới sẽ tăng khoảng 1.4-5.8°C.
Sự nóng lên toàn cầu như vậy có tác động không nhỏ đến môi trường và xã hội. Cụ thể, nhiệt độ tăng sẽ làm băng tan và mực nước biển cũng tăng theo, gia tăng các cơn bão, suy giảm tầng ozon… Ngoài ra, một số loài không kịp thích ứng có thể bị tuyệt chủng.
Đặc biệt, con người sống trong môi trường bị ô nhiễm sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Khi sống trong môi trường bị ô nhiễm, con người có thể mắc các bệnh về phổi, tim mạch, gan, giảm trí thông minh ở trẻ em… Vì vậy, việc cấp thiết hiện nay đó là bảo vệ môi trường và cải thiện môi trường đang bị ô nhiễm. Nhận thức được vấn đề này, Liên Hợp Quốc đã quyết định ngày 5/6 là Ngày môi trường thế giới.