Ở một số trường, tỷ lệ sinh viên ra trường sau khi hết hạn (7 năm) chỉ còn 70-72% số sinh viên nhập học. Số sinh viên ra trường đúng hạn (4 năm) chỉ được 50%, nguyên nhân là do các em chọn sai ngành nghề, sai trường, sinh viên không theo kịp chương trình nên tụt lại phía sau.
Tại chương trình Tư vấn hướng nghiệp xét tuyển Cao đẳng -Trung cấp năm 2019 chủ đề “Đại học không phải con đường duy nhất”, ông Trần Anh Tuấn - Phó viện trưởng, Giám đốc chương trình Dự báo nguồn nhân lực Viện nghiên cứu Đào tạo kinh tế quốc tế cho biết mỗi năm có khoảng 30% sinh viên bỏ đại học (ĐH) chuyển xuống học cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC).
Đây là thực trạng vừa buồn vừa vui. Buồn vì sự lãng phí không nhỏ về thời gian, tiền bạc cho chính bản thân các em, gia đình và xã hội, nhưng vui vì các em đã biết dừng lại đúng lúc.
Bất kỳ ngành học nào, bậc học nào nếu giỏi thì sẽ thành công.
Một thực tế rằng chúng ta đã phạm sai lầm khi chọn nghề nghiệp mặc dù mục tiêu là đi đến việc làm. Những năm trước, nhiều phụ huynh học sinh cho rằng chỉ học ĐH thì mới có lương cao và được làm thầy, còn học CĐ TC ra chỉ làm thợ. Tuy nhiên theo ông Trần Anh Tuấn thì ĐH chỉ là một trong những con đường dẫn đến thành công, thành công thì có thất bại. Và để đi đến thành công thì còn rất nhiều con đường khác như CĐ, TC. Thợ thầy là quan điểm cũ. Học ĐH làm thợ, TC làm thầy là chuyện hết sức bình thường trong xã hội hiện nay.
Trong cơ cấu việc làm trình độ CĐ chiếm 20%, TC 35%. Tuy nhiên hiện tại thì CĐ mới chỉ đáp ứng được 8%, TC mới chỉ đạt 6%. Do đó mà nhiều trường hợp học ĐH ra làm những việc của CĐ, TC. Ông Trần Anh Tuấn cho rằng đó là chuyện bình thường của cung cầu và giá trị sức lao động. Khi có giá trị sức lao động thì chúng ta mới hành nghề được. Giá trị đó là nghề nghiệp, kỹ năng, công nghệ thông tin, kỷ luật, ngoại ngữ. Kết cấu bao gồm 5 yếu tố chứ không phải là bằng cấp cao.
Nhiều trường hợp “liên thông ngược” để tìm kiếm cơ hội việc làm
Chọn bậc học nào không quan trọng, quan trọng là chọn nghề phù hợp. Bất kỳ ngành học nào, bậc học nào nếu giỏi thì sẽ thành công.
Cách đây chục năm khi học cao được cho là lao động trí thức nhưng hiện nay quan điểm đã thay đổi. Chúng ta đang ở thời đại công nghiệp 4.0 khi mà robot có thể thay thế sức lao động của con người thì xuất hiện một loại lao động mới là lao động tri thức bao gồm lao động trí thức, gồm cả ĐH, TC, CĐ. Lao động này gắn liền với công nghệ máy móc tương tác với robot để thay thế robot làm những công việc mà robot không làm được.
Cấp bậc nào cũng có giá trị, tuy nhiên chúng ta cần xác định làm sao để trở thành nguồn nhân lực phù hợp với sự phát triển của xã hội trong tương lai. Thực trạng thất nghiệp hiện nay là do mơ hồ ảo tưởng và chọn sai ngành nghề.
Các chuyên gia giáo dục khuyên rằng, học sinh đừng tự tạo áp lực cho mình, phụ huynh không nên tạo áp lực cho con em ở điểm khởi đầu mà hãy để các em đi trên chính đôi chân của mình. Con đường đi như thế nào không quan trọng, quan trọng là đích đến thành công.