Tim là một trong những cơ quan quan trọng bậc nhất trong cơ thể con người, bởi nó giữ chức năng bơm máu đi khắp cơ thể, giúp các tế bào và cơ quan khác có thể hoạt động tốt. Tim được bao bọc bởi lồng ngực và nhiều người thường lầm tưởng rằng tim nằm ở bên trái. Vậy, chính xác thì trái tim nằm ở đâu? Chức năng và cấu tạo của tim là gì, cũng như làm sao để duy trì một trái tim khỏe mạnh?
Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp cho những thắc mắc này trong bài viết này nhé!
Trái tim nằm ở đâu?
Trái tim có hình dạng tựa như một bàn tay đang nắm chặt. Tim nằm ở phía trước ngực và nằm trọn trong lồng ngực. Vị trí chính xác của tim là nằm giữa hai lá phổi, bên dưới lồng xương sườn, hơi hướng về bên trái lồng ngực.
Nhiều người vẫn thường thắc mắc không biết tim nằm bên nào hay tim bên trái hay phải? Nói trái tim nằm ở bên trái hay phải đều không đúng. Vị trí chính xác của nó là nằm ở giữa ngực, hơi lệch về bên trái. Cụ thể là hơi lệch về bên trái của xương ức giữa điểm nối của xương sườn thứ tư và thứ năm, gần khớp nối của xương sườn với các sụn sườn. Mặt trước tim nằm sâu đến gần xương ức, mặt sau gần thân của các đốt sống. Bên phải của tim bị lệch về phía trước và bên trái bị lệch về phía sau.
Trung thất của trái tim nằm ở đâu? Tim nằm ở khoang giữa của trung thất, là một khoang trung tâm nằm trong lồng ngực, giữa các khoang màng phổi. Trong trung thất, tim được ngăn cách với các cấu trúc khác bởi một màng cứng được gọi là màng ngoài tim và nằm trong không gian riêng được gọi là khoang màng ngoài tim.
Màng ngoài tim là một màng có hai lớp, như một chiếc túi bao quanh và bảo vệ trái tim. Nó tạo ra chất lỏng để bôi trơn trái tim và giữ cho tim không cọ xát với các cơ quan khác. Lớp ngoài của màng ngoài tim bao quanh rễ của các mạch máu chính của tim và được các dây chằng gắn với cột sống, cơ hoành và các bộ phận khác của cơ thể. Lớp trong của màng ngoài tim được gắn vào cơ tim. Một lớp chất lỏng bao phủ ngăn cách hai lớp màng ngoài tim, cho phép tim chuyển động khi nó đập.
Chức năng của tim
Tim nằm ở đâu và thực hiện chức năng gì? Tim được biết đến là một cơ quan quan trọng trong hệ tuần hoàn. Trái tim hoạt động như một máy bơm bơm máu giàu oxy và chất dinh dưỡng đến các cơ quan, mô và tế bào để duy trì các hoạt động sống của cơ thể. Máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến mọi tế bào, đồng thời cũng giúp loại bỏ carbon dioxide và các chất thải do các tế bào đó tạo ra.
Chức năng chính của tim là bơm máu đi khắp cơ thể. Ngoài ra, tim cũng giúp kiểm soát nhịp tim và duy trì huyết áp của bạn luôn ổn định.
Cấu tạo của tim
Bên cạnh việc nắm rõ trái tim nằm ở đâu, bạn cũng cần biết thêm về cấu tạo của tim. Cấu tạo của tim bao gồm các thành phần cụ thể như sau:
Thành tim
Thành tim là các cơ co lại và giãn ra để đáp ứng nhiệm vụ đưa máu đi khắp cơ thể. Một lớp mô cơ được gọi là vách ngăn chia thành tim thành hai bên trái và phải.
Thành tim có ba lớp bao gồm:
- Lớp nội tâm mạc (lớp trong cùng)
- Lớp cơ tim (lớp ở giữa)
- Lớp màng ngoài tim (lớp ngoài cùng).
Buồng tim
- Tâm nhĩ phải (buồng tim trên bên phải): Hai tĩnh mạch chủ thu thập máu nghèo oxy từ phần trên và phần dưới của cơ thể mang đến tâm nhĩ phải. Sau đó, tâm nhĩ phải bơm máu đến tâm thất phải.
- Tâm thất phải (buồng tim dưới bên phải): Buồng tim này chịu trách nhiệm bơm máu nghèo oxy đến phổi thông qua động mạch phổi. Phổi sẽ nạp oxy cho máu.
- Tâm nhĩ trái (buồng tim trên bên trái): Sau khi phổi nạp đầy oxy vào máu, các tĩnh mạch phổi đưa máu đến tâm nhĩ trái. Buồng tim này sẽ bơm máu giàu oxy đến tâm thất trái.
- Tâm thất trái (buồng tim dưới bên trái): Tâm thất trái là buồng tim lớn nhất trong trái tim. Nó chịu trách nhiệm bơm máu giàu oxy vào động mạch chủ và đến các phần còn lại của cơ thể.
Van tim
Các van tim sẽ đóng mở nhịp nhàng để cho phép máu chảy qua các buồng tim một cách hợp lý. Bốn van tim chịu trách nhiệm điều chỉnh lưu lượng máu qua các buồng tim bao gồm:
- Van ba lá là van giúp điều chỉnh lưu lượng máu nghèo oxy từ tâm nhĩ phải đến tâm thất phải.
- Van động mạch phổi kiểm soát lưu lượng máu từ tâm thất phải vào động mạch phổi, mang máu đến phổi để lấy oxy.
- Van hai lá cho phép máu giàu oxy từ phổi đi từ tâm nhĩ trái vào tâm thất trái.
- Van động mạch chủ mở đường cho máu giàu oxy đi từ tâm thất trái vào động mạch chủ, động mạch lớn nhất của cơ thể bạn.
Mạch máu
Máu giàu oxy được đưa từ tim đến đến các cơ quan, tổ chức trong cơ thể và máu nghèo oxy được mang trở lại tim thông qua một mạng lưới phức tạp các loại mạch máu bao gồm:
- Động mạch mang máu giàu oxy từ tim đến các mô của cơ thể. Ngoại trừ, động mạch phổi thì mang máu đi đến phổi.
- Các tĩnh mạch chịu trách nhiệm mang máu nghèo oxy trở lại tim.
- Mao mạch là những mạch máu nhỏ, nơi cơ thể bạn trao đổi máu giàu oxy và máu nghèo oxy.
Hệ thống dẫn điện
Hệ thống dẫn truyền tín hiệu điện trong tim chịu trách nhiệm kiểm soát nhịp tim. Chúng bao gồm:
- Nút xoang nhĩ (SA): Nằm ở đỉnh của tâm nhĩ phải, đóng vai trò là một máy tạo nhịp tim tự nhiên, chịu trách nhiệm gửi các tín hiệu điện khiến cho tâm nhĩ và tâm thất co lại, làm cho tim bạn đập.
- Nút nhĩ thất (AV): Truyền tín hiệu điện từ các buồng trên của tim đến các buồng dưới của tim.
Tuy nhiên, nhịp tim vẫn có thể thay đổi tùy thuộc vào yếu tố thể chất, tuổi tác, sức khỏe tổng thể và căng thẳng.
Những bệnh về tim phổ biến
Hiểu rõ tim nằm ở đâu, chức năng cũng như cấu trúc của tim, bạn sẽ biết được rằng việc duy trì một trái tim khỏe mạnh quan trọng như thế nào đối với sức khỏe tổng thể. Tiền sử bệnh gia đình, sức khỏe tổng thể cá nhân và lối sống hàng ngày đều là những yếu tố ảnh hưởng đến việc tim có hoạt động tốt hay không.
Tại Hoa Kỳ, bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho mọi người thuộc mọi giới tính và độ tuổi.
Các bệnh về tim phổ biến nhất có thể kể đến là:
- Rung tâm nhĩ: Nhịp tim không đều trong tâm nhĩ
- Rung tâm thất: Nhịp tim không đều trong tâm thấy
- Rối loạn nhịp tim: Nhịp tim bất thường, bao gồm tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc nhịp đập không đều
- Bệnh cơ tim: Cơ tim dày lên, to ra hoặc cứng bất thường
- Suy tim: Khi tim quá yếu để bơm máu đi khắp cơ thể
- Bệnh động mạch vành: Sự tích tụ mảng bám dẫn đến hẹp động mạch vành
- Đau tim (nhồi máu cơ tim): Sự tắc nghẽn động mạch vành đột ngột làm cắt oxy đến một phần cơ tim gây đau tim
- Viêm màng ngoài tim: Tình trạng nhiễm trùng màng bao quanh tim
- Đau thắt ngực
- Hở van tim
- Hẹp van tim
- Huyết khối tĩnh mạch sâu
- Huyết áp cao
- Cholesterol cao
- Đột quỵ.