Cây cảnh trồng trong nhà không những giúp làm đẹp không gian sống của gia đình bạn mà còn giúp mang lại sự trong lành và đặc biệt là có ý nghĩa phong thủy khá lớn.
Trong quan niệm dân gian, trồng cây phong thủy trong nhà sẽ giúp gia đình hòa thuận, mọi việc suôn sẻ, thuận lợi. Việc trồng ngoài nên lựa chọn loại cây phù hợp với ngũ hành, cung mệnh, tuổi của mỗi người thù cũng nên cân nhắc tới hướng.
Cây cối và những ảnh hưởng vận khí của ngôi nhà
Cây cối xum xuê tạo không gian xanh mát giúp tăng sinh khí và ngầm mạch đất tạo nên cục thế phú quý. Ở các miền ngược, nơi nhà cửa được xây dựng trên núi non hiểm trở hay miền thung lũng hút gió, nếu không có cây che chắn thì dễ sinh ra đau ốm do không đủ sức chống đỡ với gió lạnh. Với các vùng quê, nếu có cây cối xanh tốt xung quanh sẽ tạo cảm giác về sự trù phú của đất đai, hướng đến cuộc sống ấm no thịnh vượng.
Hướng trồng cây vô cùng quan trọng
Người xưa có câu: "Bắc trồng ngân hạnh, Nam trồng mai táo, Đông trồng đào liễu, Tây trồng cây du" ngụ ý mỗi hướng lại thích hợp với một số loại cây khác nhau.
Theo đó: Phía Bắc có thể trồng ngọc lan, táo, lê, mẫu đơn, ngân hạnh; Phía Nam trồng đào, mận,táo, hoa hồng, hoa mai; Phía Đông trồng đào, liễu, ngọc lan, anh đào, đinh hương, dương hoa trà; Phía Tây nên trồng cây thiết mộc lan, sung, chi tử. Nếu bốn phía quanh nhà có trồng tre trúc sẽ là điềm lành cho ngôi nhà. Ngược lại nếu trồng hạnh ở phía Đông; đào ở phía Tây; táo ở phía Bắc; lý ở phía Nam là không tốt sẽ sinh tà khí, nảy sinh điều không hay.
Các nhà phong thủy cũng khuyên nên dùng la bàn để làm phương hướng khi trồng cây cho ngôi nhà. Theo đó, phương Nhâm Tý, Quý Sửu (Bắc) thích hợp với trồng cây dâu; phương Giáp Dần, Ất Mão (Đông Bắc) hợp với việc trồng thông và bách; phương Bính Ngọ, Đinh Mùi (Nam) thích hợp để trồng cây dương liễu; phương Canh, Tân Dậu (Tây) thích hợp cho việc trồng thạch lựu; phương Tỵ, Thìn, Tốn (Đông Nam) nếu có rừng lớn là đại cát; phương Tuất càn Hợi (Tây Bắc) thích hợp với rừng cây bụi nhỏ…
Theo Em đẹp