1. Bệnh thủy đậu thường bị vào mùa nào?
Thủy đậu là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do một loại virus gây nên. Bệnh thủy đậu xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gặp nhất ở trẻ em trong độ tuổi đi học. Theo một thống kê cho thấy có tới 90% bệnh nhân bị nhiễm bệnh thủy đậu là trẻ em có độ tuổi từ 2-7 tuổi.
Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm xảy ra theo mùa, ở nước ta xảy ra quanh năm nhưng thời gian số người mắc bệnh thường tăng cao vào mùa xuân. Bệnh thủy đậu xảy ra vào tháng mấy? Trẻ mắc bệnh thủy đậu thường từ tháng 2 đến tháng 6, đặc biệt là tháng 3 và tháng 4 trong năm. Đây là khoảng thời gian mà độ ẩm trong không khí khá cao, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát tán và lây bệnh.
2. Bệnh thủy đậu lây truyền qua đường nào?
Bệnh thủy đậu rất dễ lây lan trong cộng đồng và lây chủ yếu qua đường hô hấp. Người lành có thể bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt bắn từ bệnh nhân bị thủy đậu khi hắt hơi hoặc ho. Đặc biệt ở trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị lây bệnh do sức đề kháng kém và môi trường tiếp xúc rộng.
Ngoài ra, một số cách lây nhiễm khác có thể xảy ra nếu như người lành không cẩn thận khi tiếp xúc với bệnh nhân bị thủy đậu như bệnh có thể lây từ bọng nước, nốt mụn khi vỡ ra, hoặc lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người bệnh. Đặc biệt ở phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.
3. Biến chứng bệnh thủy đậu nguy hiểm như thế nào?
Bệnh thủy đậu nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách đặc biệt là việc giữ vệ sinh da và vệ sinh cá nhân tốt thì sẽ khỏi bệnh trong vòng từ 10-14 ngày và không để lại bất kỳ biến chứng nào. Tuy nhiên, bệnh có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không được chăm sóc đúng cách như:
- Nhiễm trùng nốt đậu và dẫn tới lở loét da trẻ: Nếu không được điều trị đúng cách và tích cực có thể để lại sẹo xấu trên da.
- Nhiễm trùng huyết ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
- Biến chứng viêm màng não và viêm não do thủy đậu. Tuy nhiên những trường hợp này thường hiếm gặp nhưng để lại di chứng nặng nề như điếc, bại não, động kinh và chậm phát triển tâm thần,...
- Biến chứng viêm phổi có thể xuất hiện ở một số bệnh nhi do virus thủy đậu gây nên.
4. Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu
Trẻ em và người lớn sau khi bị nhiễm thủy đậu tự nhiên thì cơ thể có tính miễn dịch rất cao, hệ miễn dịch của cơ thể tạo được lượng kháng thể miễn dịch tự nhiên đầy đủ, tồn tại rất bền vững và hầu như hiếm gặp những trường hợp bị nhiễm thủy đậu lần thứ hai. Bên cạnh đó, cách phòng ngừa bệnh thủy đậu chủ động, hiệu quả và an toàn nhất là cho trẻ tiêm thủy đậu. Vaccine thủy đậu đã được kiểm chứng là rất hiệu quả với tỷ lệ bảo vệ sau khi tiêm phòng lên tới 95%.
Vaccine thủy đậu được chỉ định tiêm cho trẻ từ 1 tuổi và người lớn chưa từng mắc bệnh thủy đậu trước đó. Lịch tiêm thủy đậu cho trẻ cụ thể là:
- Trẻ từ 1 tuổi - 12 tuổi: tiêm hai mũi tiêm thủy đậu cách nhau tối thiểu 3 tháng. Đối với trẻ nhỏ dưới 4 tuổi, lịch tiêm thủy đậu được khuyến cáo là tiêm mũi 1 vào lúc 12 tháng tuổi và tiêm mũi 2 lúc trẻ được 4 - 6 tuổi.
- Trẻ từ 13 tuổi trở lên và người lớn: tiêm 2 mũi thủy đậu cách nhau ít nhất 1,5 tháng. Đối với phụ nữ nên hoàn thành lịch tiêm thủy đậu trước khi có thai ít nhất 3 tháng.
Tóm lại, bệnh thủy đậu là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính, có tính lây nhiễm rất cao trong cộng đồng. Trẻ em chính là nhóm đối tượng nguy cơ cao dễ bị lây bệnh thủy đậu do sức đề kháng còn yếu kém và cơ hội tiếp xúc với môi trường sống khá rộng. Bệnh thủy đậu có thể xảy ra quanh năm nhưng thời gian số người mắc bệnh thủy đậu thường bị vào mùa xuân từ tháng 2 có thể kéo dài tới tháng 6. Vì vậy, để phòng ngừa chủ động và hiệu quả nhất đó là tiêm phòng vắc xin thủy đậu. Cha mẹ cần cho con tiêm phòng theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để đạt được hiệu quả cao nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.