PHẦN 2
CÂU “PHAN LÂM MÃI QUỐC, TRIỀU ĐÌNH KHÍ DÂN” VÀ CÂU CHUYỆN CHUNG QUANH NÓ NHƯ ĐÃ ĐƯỢC TRÌNH BÀY CÓ ĐÚNG VỚI LỊCH SỬ HAY KHÔNG?
Winston Phan Đào Nguyên
Khi nhìn lại quá trình xuất hiện của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” tại miền Bắc, từ lần đầu tiên vào tháng 8 năm 1955 trên tờ Văn Sử Địa với bài viết của ông Trần Huy Liệu cho đến khi nó trở thành vai chính trong phiên tòa đấu tố Phan Thanh Giản năm 1963, qua rất nhiều bài viết của các sử gia miền Bắc, đặc biệt là hai ông Trần Huy Liệu và Trần Văn Giàu, ta có thể thấy được đại ý của câu chuyện chung quanh nó mà các vị này muốn thuật lại cho người đọc, như sau:
- Trương Định và nghĩa quân là đại diện cho “giai cấp nông dân” và “nhân dân”.
- Phan Thanh Giản và triều đình Huế là đại diện cho “giai cấp phong kiến”.
- Giai cấp phong kiến đã câu kết với thực dân Pháp để bán nước của “nhân dân”.
- Phe “nhân dân” đã thể hiện “nguyện vọng” và “dư luận” của mình qua việc lên án phe “phong kiến” bằng câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” đề trên lá cờ khởi nghĩa.
Như vậy, khi sử dụng câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” trong các tác phẩm của mình, hai ông sử gia họ Trần đã kể lại một câu chuyện hay vẽ ra một bối cảnh lịch sử Việt Nam vào thập niên 1860 chung quanh câu này. Theo câu chuyện đó, hai ông đã giới thiệu với độc giả sáu nhóm người (hay nhân vật), và chia sáu nhóm người đó ra thành hai phe chính tà rõ rệt như sau:
- Phe “nhân dân” tức phe “chính nghĩa” gồm có: 1) nhân dân Nam Kỳ; 2) nghĩa quân Gò Công; 3) Trương Định, và
- Phe “phong kiến” câu kết với “thực dân”, tức phe “gian tà” gồm có: 4) Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp; 5) triều đình Huế; 6) Pháp .
Rồi như ông Trần Huy Liệu giải thích, Phan Lâm và triều đình Huế là những đại diện cho “giai cấp phong kiến” đã đàn áp và bóc lột “giai cấp nông dân” tức “nhân dân ta” từ bao đời nay. Đến khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam thì “giai cấp phong kiến” phản động này lập tức đầu hàng và câu kết với “thực dân” mà cũng là bọn “tư bản” để tạo nên một lực lượng “phản động” hay phe “gian tà”, nhằm mục đích cùng nhau tiếp tục bóc lột “nhân dân”. Nhưng phe “nhân dân” đã qui tụ chung quanh Trương Định và chống lại phe “phong kiến” gian tà phản động này để giữ nước. Và phe “nhân dân” đã thể hiện sự chống đối đó với một bằng chứng rõ ràng là tám chữ “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” đề trên lá cờ khởi nghĩa của Trương Định. Do đó, cái câu tám chữ nói trên chính là một lời tuyên ngôn và cũng là một bản án của phe “nhân dân” chính nghĩa dành cho phe “phong kiến” phản động của Phan Lâm và triều đình.
Như vậy, sự quan trọng của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” không phải chỉ nằm ở ý nghĩa của nó, mà còn ở chỗ ai đã nói ra nó và tại sao, trong hoàn cảnh nào. Nói cách khác, chính câu chuyện chung quanh câu này mới cho ta thấy được dụng ý của hai ông sử gia họ Trần. Vì khi thuật lại câu chuyện như trên, hai ông Trần Huy Liệu và Trần Văn Giàu đã công khai áp dụng cả “chủ nghĩa Mác” và “chủ nghĩa dân tộc” (nationalism), hai thứ chủ nghĩa không hề có mặt tại Việt Nam vào thế kỷ 19, để viết lại lịch sử của thời gian đó.
Chủ nghĩa Mác, theo lời ông Trần Huy Liệu[66], khi ông ta đứng trên lập trường giai cấp để tạo ra phe “nhân dân” với thành phần chủ lực là “nông dân” và đại diện bởi lực lượng nghĩa quân Trương Định. Bên cạnh đó, ông Trần Huy Liệu còn tạo ra thêm một lực lượng đối lập là “giai cấp phong kiến” bóc lột nhân dân, đại diện bởi Phan Thanh Giản và triều đình Huế .
Chủ nghĩa dân tộc[67], vì như cả hai ông sử gia họ Trần đã rất tự nhiên mà khẳng định, “nước ta” hay “tổ quốc ta” lúc đó là của “nhân dân ta”, của “dân tộc ta”. Do đó, việc triều đình Huế qua đại diện Phan Thanh Giản ký kết hiệp ước 1862 với Pháp đã được ông Trần Huy Liệu coi như là một hành động “dâng nước” của nhân dân cho giặc. Cũng như qua hành động đó, ông ta cho rằng “giai cấp phong kiến” đã phản bội nhân dân/dân tộc để thỏa hiệp với bọn “thực dân cướp nước”, nhằm bảo vệ quyền lợi của giai cấp mình. Còn đối với ông Trần Văn Giàu thì hành động kháng cự lệnh vua của “hào mục, sĩ phu” Trương Định cho thấy rằng tinh thần yêu nước/dân tộc của người Nam Kỳ đã chiến thắng chủ nghĩa trung quân của thời gian đó.
Tài tình hơn nữa, ông Trần Huy Liệu còn vượt qua được sự mâu thuẫn ắt phải có, khi áp dụng cả hai thứ chủ nghĩa này cùng một lúc cho thế kỷ 19 ở Việt Nam, bằng cách cho rằng “thực dân” cũng chính là “tư bản”, và “nhân dân” thì đã được lãnh đạo bởi những “nghĩa quân”/”nông dân”. Do đó, hai thứ chủ nghĩa tân thời nói trên chẳng những đã được ông Trần Huy Liệu sử dụng, mà còn trộn lẫn vào nhau, để tạo nên sự thuận tiện cho việc vẽ ra một bức tranh lịch sử của Việt Nam ở thế kỷ 19, với hai phe chính tà trắng đen rõ rệt.
Nhưng cả hai chủ nghĩa này lại là hai thứ chủ nghĩa chỉ được phổ biến và trở thành quan trọng tại Việt Nam vào thế kỷ 20, nhất là trong khoảng thời gian mà hai ông sử gia họ Trần viết về câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Điều chắc chắn là chúng không hề được biết đến tại Việt Nam vào những năm 1860 của thế kỷ 19, khi câu chuyện chung quanh câu này được cho là đã xảy ra.
Thế nhưng, điều hiển nhiên là hai ông Trần Huy Liệu và Trần Văn Giàu đã dựa vào hai thứ chủ nghĩa rất mới mẻ này, để thuật lại một câu chuyện lịch sử trước đó cả trăm năm. Mà khi dựa vào “dân tộc”, “nhân dân’ và “nông dân”, khi sử dụng hai chủ nghĩa của thế kỷ 20 để viết lịch sử thế kỷ 19 như vậy, thì hai ông đã phạm vào ngay lỗi lầm mà chính hai ông đã từng đưa ra và cảnh cáo người đọc. Đó là việc dùng quan điểm của thời nay để xét đoán lịch sử thời xưa.
Và như sẽ thấy trong Phần 2 dưới đây, một điều rõ ràng không thể chối cãi được là vào thế kỷ 19 tại Việt Nam, hay đúng hơn là tại nước Đại Nam của triều đình nhà Nguyễn, thì tất cả mọi người, từ vua quan cho đến dân chúng, đều chỉ biết đến chủ nghĩa trung quân dựa trên nền tảng nho giáo mà thôi. Và theo đó, trung quân cũng chính là ái quốc.
Mà như vậy thì có nghĩa là bức tranh lịch sử Việt Nam vào thế kỷ 19 của hai ông sử gia họ Trần không thể nào đúng với lịch sử! Có nghĩa là câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó không thể xảy ra vào thế kỷ 19 ở Nam Kỳ như hai ông đã kể.
Nhưng để kiểm nghiệm xem lịch sử thời đó có giống như câu chuyện mà hai ông Trần Huy Liệu và Trần Văn Giàu đã viết về câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” hay không, người viết xin trình bày với bạn đọc sự nghiên cứu của mình về các tài liệu lịch sử thời đó, trong Phần 2 này.
Mục tiêu chính xác của người viết là tìm hiểu về mối liên hệ giữa 6 nhóm người thuộc hai phe chính tà như đã được thuật lại bởi hai ông sử gia họ Trần với câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó, để xem có rõ rệt trắng đen như vậy hay không, và phe “chính nghĩa” của “nhân dân” có thể thật sự đã sử dụng câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” để lên án phe kia hay không?
Người viết sẽ giới thiệu mỗi tài liệu trong một chương riêng biệt ở Phần 2 này để bạn đọc tiện việc theo dõi.
CHƯƠNG IV.
ĐIỀU SỐ 11 CỦA HÒA ƯỚC 1862
Có lẽ tài liệu lịch sử quan trọng nhất và đã gắn liền với cuộc đời và danh tiếng của Phan Thanh Giản là hòa ước 1862 (Nhâm Tuất). Thế nhưng có lẽ không một sử gia nghiên cứu về Phan Thanh Giản nào lại chịu khó đọc hết nguyên văn của bản hòa ước cực kỳ quan trọng này khi viết về ông. Mà phần lớn đều chỉ lặp lại những gì đã được đọc về nó, qua ngòi bút của người khác. Và với các sử gia miền Bắc, thì điều này càng rõ ràng và tệ hại hơn nữa. Như đã thấy, họ gọi hòa ước này là “hàng ước”, và những người Việt điều đình rồi ký kết nó như Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp là những kẻ “đầu hàng” hay “bán nước”.
Điển hình là ông Viện Trưởng Viện Sử Học Trần Huy Liệu, dưới bút hiệu Hải Thu, đã viết như sau về hòa ước 1862:
“Lúc Phan Lâm ký hòa ước 1862, nghĩa quân Trương- Định đang hoạt động mạnh. Phan ba lần dụ Trương-Định theo chủ trương của triều đình mà bãi binh, Phan lại còn làm môi giới 4 lần đưa thư dụ hàng của Pháp cho Trương-Định. Lúc đầu Trương-Định đã muốn nghe theo lời Phan mà bãi binh, nhưng nghĩa quân khuyên Trương ở lại, và tôn Trương làm “Bình Tây đại nguyên soái”, tiếp tục kháng chiến với khẩu hiệu: “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Khẩu hiệu này chứng tỏ nghĩa quân rất sáng suốt sớm thấy rõ bản chất của Phan Lâm và triều đình nhà Nguyễn, biết gắn liền tội lỗi của Phan Lâm với triều đình một cách chính xác, gọn, cụ thể và đúng mức. Đó là một lời nguyền rủa, một tiếng thét căm hờn của nhân dân khắp nước ném vào mặt triều đình và bè lũ Phan Lâm.
Hòa ước 1862 thật vô cùng tai hại. Ngoài 12 điều khoản cụ thể phải thi hành một cách nhục nhã, ngoài ý nghĩa phản bội đối với nghĩa quân đương liên tiếp chiến thắng ở ba tỉnh miền Đông Nam-kỳ, hoà ước còn có mặt vô cùng tai hại về chính trị và tư tưởng đối với từng lớp trung gian và những người do dự hoang mang.”[68]
Nghĩa là đối với ông Trần Huy Liệu thì hòa ước 1862 này chính là cái mốc đánh dấu sự phản bội “nhân dân” của triều đình nhà Nguyễn và giai cấp phong kiến, mà đại diện của nó là Phan Thanh Giản, người đã ký kết hòa ước này với Pháp. Sự “đầu hàng” qua việc ký kết hòa ước này dẫn tới việc “phản bội” nhân dân, như đã được thể hiện qua việc Phan Thanh Giản ba lần bốn lượt dụ dỗ Trương Định bãi binh. Hơn nữa, theo ông Hải Thu - Trần Huy Liệu thì cả 12 điều khoản của hòa ước này đều tai hại, đều là sự nhục nhã.
Tuy nhiên, để thấy rằng ông Trần Huy Liệu cũng như các sử gia đàn em của ông đã không hề ngó tới nguyên văn của hòa ước này cho nên mới có những ý kiến như trên, người viết xin mời các bạn đọc nghiên cứu thêm về điều số 11 của hòa ước 1862. Đây là một điều khoản cực kỳ quan trọng mà chắc chắn là Phan Thanh Giản đã phải cực lực đàm phán và thương thuyết với Đề Đốc Bonard của Pháp và Đại Tá Palanca Gutierrez của Tây Ban Nha mới có được. Rồi sau đó, cũng chính Phan Thanh Giản đã thi hành điều khoản này, để đem lại một thắng lợi không nhỏ về ngoại giao cũng như về chính trị cho triều đình Huế. Và đó là việc lấy lại Vĩnh Long từ tay người Pháp, mà không mất một viên đạn hay một mạng người Việt nào.
Nhưng đương nhiên là ông Trần Huy Liệu cũng như các sử gia miền Bắc không bao giờ nhắc đến điều số 11 nói trên. Vì nó chính là một công trạng và thắng lợi về ngoại giao cũng như về chính trị của Phan Thanh Giản mà họ không hề biết, hoặc không muốn cho ai biết.
Như đã tóm tắt trong Phần 1, liên quân Pháp-Tây Ban Nha đánh bại Nguyễn Tri Phương tại đại đồn Chí Hòa năm 1861 và sau đó liên tiếp chiếm đóng bốn tỉnh lân cận là Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, và Vĩnh Long, chỉ trong vòng một năm. Và nếu như tỉnh Gia Định là thủ phủ của ba tỉnh miền Đông, thì có thể nói rằng Vĩnh Long là thủ phủ của ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Do đó, việc mất tỉnh thành Vĩnh Long vào tay liên quân Pháp-Tây đồng nghĩa với việc sẽ mất trọn cả Nam Kỳ.
Việc này cộng với những cuộc nổi loạn ở Bắc Kỳ đã làm cho vua Tự Đức nóng lòng muốn thương thuyết với Pháp ở Nam Kỳ, để rảnh tay đối phó với tình hình Bắc Kỳ. Vì vậy, triều đình nhà Nguyễn đã phải chấp nhận chịu mất ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường cho Pháp, theo hòa ước 1862.
Và đây chính là điều mà tất cả mọi sử gia đều nói về hòa ước 1862 và Phan Thanh Giản, người thương thuyết và ký kết hòa ước đó.
Nhưng không một ai nhắc đến điều số 11 của nó. Mà theo điều này, Pháp sẽ trả lại tỉnh thành Vĩnh Long cho vua An Nam, nếu vua An Nam ra lệnh và giải tán những lực lượng kháng Pháp tại hai tỉnh Gia Định và Định Tường.
Để bạn đọc tiện việc tham khảo nguyên văn của điều khoản cực kỳ quan trọng nhưng không ai nói tới này, người viết xin chép lại điều khoản đó bằng tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, và tiếng Hán - ba thứ chữ được dùng để thảo bản hòa ước 1862. Bạn đọc sẽ thấy rằng có những điểm nhỏ khác nhau giữa hai bản tiếng Pháp-Tây và bản tiếng Hán. Nhưng đại ý của điều khoản số 11 trong cả ba văn bản thì đều giống như nhau.
Bản tiếng Pháp:
Art. 11. La citadelle de Vinh-luong sera gardée jusqu’à nouvel ordre par les troupes Françaises, sans empêcher pourtant en aucune façon l’action des Mandarins Annamites. Cette citadelle sera rendue au Roi d’Annam aussitôt qu’il aura mis fin à la rébellion qui existe aujourd’hui par ses ordres dans les provinces de Gia-Định et de Định-Tường, et lorsque les chefs de ces rébellions seront partis et le pays tranquille et soumis comme il convient à un pays en paix.[69]
Người viết dịch ra tiếng Việt như sau:
Điều 11. Thành Vinh-luong (Vĩnh Long) sẽ được giữ bởi quân đội Pháp cho đến khi có lệnh mới, nhưng không ngăn trở bằng bất cứ cách gì những việc của các quan Annam. Thành này sẽ được trả lại cho vua Annam ngay khi nhà vua chấm dứt cuộc nổi loạn do ông ta ra lệnh ở các tỉnh Gia-Định và Định-Tường, và khi mà những lãnh tụ của những cuộc nổi loạn đó rời đi để xứ này yên ổn như một quốc gia thái bình.
Và bản tiếng Tây Ban Nha với ý nghĩa hoàn toàn giống như bản tiếng Pháp, do đại tá Palanca Gutierrez ghi lại trong cuốn sách hồi ký của ông ta[70]:
Art. 11. La Ciudadela de Vinh-luong será ocupada hasta nueva órden por las tropas francesas sin que por esto se impida en manera alguna la accion de los Mandarines annamitas, y dicha fortaleza será evacuada y entregada á S. M. el Rey de Annam, tan pronto como haya conseguido que cese la rebelion que hoy existe por su órden en la provincia de Gia-dinh y Ding-Tuong, y que los Gefes de dicha rebelion quedando el pais sometido y tranquilo como es consiguiente al estado de paz.
Còn đây là bản tiếng Hán[71]:
第拾壹款
永隆省現已爲富浪沙國所得,今暫爲駐守。但富浪沙國之官兵雖住扎於永隆,凡屬南國之事,歸南國官辦理者,富浪沙官兵毫無插進兼理以及 禁止等事。
惟南國現猶有奉命私探,乘隙進攻之各官,潛藏於嘉定,定详二 省,現旣已息兵又立和約,南國皇上必須將此等官員召囬,俾地方人民均得 平安,則富浪沙國即將永隆省交囬南國管属。
Đệ thập nhất khoản
Vĩnh Long tỉnh hiện dĩ vi Phú Lãng Sa quốc sở đắc, kim tạm vi trú thủ. Đãn Phú Lãng Sa quốc chi quan binh tuy trú trát ư Vĩnh Long, phàm thuộc Nam quốc chi sự, qui Nam quốc quan biện lý giả. Phú Lãng Sa quan binh hào vô sáp tiến kiêm lý dĩ cập cấm chỉ đẳng sự.
Duy Nam quốc hiện do hữu phụng mệnh tư thám, thừa khích tiến công chi các quan, tiềm tàng ư Gia Định, Định Tường nhị tỉnh, hiện ký dĩ tức binh hựu lập hoà ước, Nam quốc hoàng thượng tất tu tương thử đẳng quan viên triệu hồi, tỉ địa phương nhân dân quân đắc bình an tắc Phú Lãng Sa quốc tức tương Vĩnh Long tỉnh giao hồi Nam quốc quản thuộc.
Dịch:
Khoản thứ mười một
Tỉnh Vĩnh Long hiện do nước Pháp lấy được, nay tạm đóng giữ ở đó. Thế nhưng tuy quan binh nước Pháp đóng quân ở Vĩnh Long, hễ việc gì thuộc chuyện của nước Nam thì đưa về cho quan nước Nam giải quyết. Quan binh nước Pháp không được xen vào [để cùng giải quyết] hay ngăn cấm [việc đó] gì cả.
Riêng có các quan của nước Nam phụng mệnh [vua] xem xét để thừa kẽ hở mà tấn công hiện còn đang ẩn náu ở hai tỉnh Gia Định, Định Tường thì nay đã lập hoà ước và ngừng việc binh, vậy hoàng thượng nước Nam hãy triệu hồi những quan viên đó về để cho nhân dân đều được bình an, ắt nước Pháp sẽ lập tức đem tỉnh Vĩnh Long trả lại cho nước Nam quản thuộc.[72]
Như vậy, điều số 11 của hòa ước 1862 rõ ràng là một sự nhượng bộ của bên Pháp-Tây, và là một thắng lợi duy nhất của nhà Nguyễn. Vì nó sẽ giao trả lại Vĩnh Long cho nhà Nguyễn, trong khi quân Pháp lúc đó đang chiếm đóng tỉnh thành này. Và đó chắc chắn là nhờ công sức đàm phán và thương thuyết của Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp với Bonard và Palanca Gutierrez. Cần nhớ rằng liên quân Pháp-Tây đã chiếm được Vĩnh Long sau những trận chiến với nhiều xương máu của quân lính phe họ. Và như đã biết, Vĩnh Long là tỉnh quan trọng nhất của miền Tây Nam Kỳ. Do đó, sự nhượng bộ này của phe liên quân Pháp-Tây với nhà Nguyễn chắc chắn không phải là một sự ngẫu nhiên, mà chính là do tài ngoại giao của hai ông Phan, Lâm.
Nhưng sự thành công về mặt thương thuyết đó mới chỉ là phân nửa của vấn đề. Phần còn lại, quan trọng hơn nữa, là liệu người Pháp có giữ lời hứa và trả lại tỉnh thành Vĩnh Long như đã giao hẹn hay không, nếu như bên Việt thực hành điều khoản 11 này của hòa ước? Việc đó đòi hỏi một sự phán đoán chính xác về phía đối phương, cũng như sự thi hành điều ước của phe mình. Sau cùng, còn phải chứng tỏ cho bên đối phương thấy rằng bên mình đã hoàn thành trách nhiệm kêu gọi giải giáp các lực lượng kháng chiến ở hai tỉnh Gia Định và Định Tường, như đã giao ước bởi điều số 11.
Cho nên không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi hòa ước 1862 được ký kết thì vua Tự Đức ngoài mặt than thở đổ hết trách nhiệm mất đất cho hai ông Phan Lâm, rồi còn “phạt” hai ông bằng cách xuống chức Phan Thanh Giản làm tổng đốc Vĩnh Long, còn Lâm Duy Hiệp làm tuần phủ Bình Thuận. Nhưng bề trong thì rõ ràng là nhà vua đã giao cho hai ông đại thần này trọng trách phải thi hành điều số 11 mà họ vừa thương thuyết, để sao cho bên Pháp phải trả lại tỉnh thành Vĩnh Long cho nhà Nguyễn như đã giao hẹn.
Và nhiệm vụ của hai ông Phan, Lâm trong cương vị đứng đầu hai tỉnh giáp giới với vùng đất của Pháp (ba tỉnh miền Đông) này chính là việc thi hành mệnh lệnh của nhà vua mà giải giáp các lực lượng kháng chiến ở Gia Định và Định Tường. Quan trọng hơn nữa, hai ông còn phải chứng tỏ cho bên Pháp thấy rằng bên Việt đã hoàn thành trách nhiệm này, để đòi lại Vĩnh Long theo điều số 11 nói trên.
Đó là lý do tại sao Phan Thanh Giản phải thuyết phục người Pháp, hay đúng hơn là phải chứng minh cho Đề Đốc Bonard thấy, rằng ông đã từng đích thân viết thư kêu gọi Trương Định giải giáp và bãi binh theo lệnh nhà vua. Đó là lý do tại sao khi Trương Định không chịu làm theo lệnh vua thì Phan Thanh Giản tuyên bố với Bonard rằng Trương Định là một kẻ phản loạn, và do đó triều đình Huế không còn chịu trách nhiệm gì về ông ta nữa. Đó là lý do tại sao Phan Thanh Giản đã, nếu quả thật như vậy, “ba lần, bốn lượt” kêu gọi Trương Định bãi binh theo lệnh triều đình.
Và đây là một điều rất dễ hiểu, rất đơn giản và hoàn toàn rất hợp lý - nếu chịu khó đọc điều số 11 của hòa ước 1862. Bởi tất cả những gì Phan Thanh Giản đã làm về/với Trương Định, không ngoài mục đích là để “chứng minh” cho người Pháp thấy rằng bên ông đã giữ đúng lời hứa, cho nên bên Pháp phải trả lại tỉnh thành Vĩnh Long.
Nhưng người Pháp thì chắc chắn là không dại dột gì mà chẳng nhìn thấy những việc làm hợp lý và có kế hoạch đó của Phan Thanh Giản và triều đình Huế. Paulin Vial, một sĩ quan Pháp đã có mặt tại Việt Nam từ những ngày đầu cuộc chiến, và ở lại Việt Nam nhiều năm sau đó, để leo lên đến những chức vụ cao nhất trong guồng máy cai trị của chính quyền thuộc địa, đã nói rõ về những điều này trong bộ sách hồi ký đồ sộ “Les premières années de la Cochinchine, colonie française” của ông ta.
Đây là một bộ sách có nhiều chi tiết nhất về tình hình Nam Kỳ trong những năm 1860. Và theo Paulin Vial thì hai vị đại thần Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đã nhận lãnh những nhiệm vụ khó khăn nhất; nhưng đã đem lại một sự thành công lớn lao cho đất nước của họ:
“Ces deux hauts fonctionnaires avaient rendu un grand service à leur pays en arrêtant les progrès des Français. Ils avaient encore une mission délicate et périlleuse à remplir: ils devaient faire croire à la bonne foi, au sincère désir de tenir la parole donnée au nom de leur gouvernement. Phan-tan-giang s’installa modestement de l’autre côté du Longhô, dans un village en face de la citadelle de Vinh-long, occupée par les Français, et il entretient avec eux les relations les plus cordiales. Il engagea vivement l’amiral Bonard à ne pas précipiter les événements, à ne pas provoquer une effusion de sang inutile, se chargeant d’intervenir auprès des rebelles pour les amener à composition.”[73]
Người viết dịch lại như sau:
“Hai vị đại thần này đã cống hiến một lợi ích to lớn cho đất nước của họ qua việc ngăn chặn bước tiến của người Pháp. Họ vẫn còn một nhiệm vụ tế nhị và hung hiểm phải hoàn thành: họ phải làm cho người ta tin vào thiện ý, vào sự thành thực mong muốn giữ lời mà chính phủ của họ đã hứa. Phan-tan-giang (Phan Thanh Giản) đã tạm trú đóng một cách khiêm nhường ở phía bên kia của Longhô (Long Hồ), trong một làng đối diện với tòa thành Vinh-long (Vĩnh Long), (nơi) đang bị chiếm đóng bởi người Pháp, và ông ta giữ được những quan hệ thân thiện nhất với họ. Ông ta kêu gọi Đề Đốc Bonard đừng tạo ra những sự cố, đừng kích động sự đổ máu vô ích, (và ông ta) nhận lấy trách nhiệm can thiệp với những kẻ nổi loạn để đem họ đến một sự thỏa hiệp.”
Như vậy, một người Pháp thuộc loại “thực dân” nhất, và hiểu rõ tình hình Nam Kỳ nhất, Paulin Vial, đã công khai nhìn nhận rằng Phan Thanh Giản phải thi hành những nhiệm vụ khó khăn nhất từ phía ông ta, và đã thành công rực rỡ trong việc thi hành những công tác tế nhị và nguy hiểm này. Và đó là việc Phan Thanh Giản đã ngăn cản được sự tiến quân của Pháp, qua sự thuyết phục Đề Đốc Bonard hãy tạm ngưng chiến để cho ông có thời giờ mà kêu gọi những lực lượng kháng chiến phải tuân lệnh giải giáp của nhà vua theo hòa ước 1862.
Đối với Paulin Vial, đó là một kế hoạch câu giờ của triều đình Huế. Ông ta nhìn ra ngay một sự phối hợp giữa triều đình Huế và các lực lượng kháng chiến ở Nam Kỳ. Nhưng ông ta đã vừa tức tối mà phải vừa khâm phục để nhìn nhận rằng Phan Thanh Giản đã đóng một vai trò trung gian xuất sắc, cũng như đã thành công trong việc thuyết phục Bonard rằng hãy để ông giải quyết vấn đề. Nhờ đó, Phan Thanh Giản đã cho những lực lượng kháng chiến như Trương Định đủ thời gian để chuẩn bị cho sự tấn công của Pháp.
Nhưng vẫn chưa hết, Vial lại càng bực bội hơn nữa với sự thành công của Phan Thanh Giản trong việc thuyết phục vị chỉ huy Bonard của ông ta rằng phía Việt Nam đã hoàn thành điều số 11 trong việc giải giáp các lực lượng kháng chiến, và do đó bên Pháp phải trả lại Vĩnh Long cho nhà Nguyễn. Vial đã thuật lại những mốc thời gian chung quanh việc này vào cuối năm 1862 như sau
“Dès le commencement de novembre, l’amiral déclare à Phan-tan-giang que Quan-Dinh est un rebelle et traité comme tel; cependant il consent à faire une dernière proclamation de concert avec lui pour inviter les insurgés à se soumettre.”[74]
“Từ đầu tháng 11, đề đốc (Bonard) tuyên bố với Phan-tan-giang (Phan Thanh Giản) rằng Quan-Dinh (Quản Định) là một tên phản loạn và (cần được) đối xử như vậy, tuy nhiên, ông (Bonard) đồng ý cùng làm chung một bản tuyên cáo cuối cùng với ông ta nhằm kêu gọi những kẻ nổi loạn hàng phục.”
“Au commencement de décembre, l’amiral Bonard eut un moment l’espoir que les Annamites exécuteraient fidèlement le traité; le paiement du premier terme de l’indemnité lui parut une preuve suffisante de leur bonne foi. Il se décida à offrir à Phan-tan-giang la restitution de Vinh-long; les assurances de ce mandarin et les affirmations énergiques de quelques optimistes contribuaient à le tromper.”[75]
“Vào đầu tháng 12, Đề Đốc Bonard có một thoáng hy vọng rằng người Annam sẽ thực hành hòa ước một cách nghiêm chỉnh; số tiền bồi thường được trả đợt đầu đối với ông có vẻ đủ để chứng minh cho sự khả tín của họ. Ông quyết định hứa trả Vinh-long (Vĩnh Long) cho Phan-tan-giang (Phan Thanh Giản); những lời bảo đảm của vị quan này cùng với những thêm thắt nhiệt tình của vài kẻ lạc quan đã góp phần cho việc phỉnh gạt ông ta.”
Như vậy, Paulin Vial nói thẳng ra là Phan Thanh Giản đã thành công trong việc đánh lừa Đề Đốc Bonard, rằng bên Annam đã nghiêm chỉnh thực hành điều số 11 của hòa ước 1862. Rồi cũng chính vì sự lừa gạt này mà Bonard đã hứa với Phan Thanh Giản là sẽ trả lại Vĩnh Long. Đương nhiên, đây chỉ là ý kiến của một cá nhân người Pháp. Nhưng đó lại là một người có nhiều thẩm quyền nhất để nói lên những điều này, bởi ông ta là một nhân chứng đã sống qua và theo dõi sát sao những sự kiện nói trên trong thời gian đó tại Nam Kỳ.
Và rồi sau cùng thì Paulin Vial đã phải tức tối mà nhìn nhận sự thành công về đường lối chính trị của Phan Thanh Giản (sa politique), khi vị đại thần nhà Nguyễn tiếp thu tỉnh thành Vĩnh Long từ tay người Pháp vào tháng 5 năm 1863:
“Phan-tan-giang était revenu de Hué en même temps que les ambassadeurs, et il avait repris son poste à Vinh-long le 25 avril. Il était chargé de réoccuper la citadelle que l’amiral Bonard avait promis de lui remettre, il devait ensuite aller en France…
C’est le 25 mai que Phan-tan-giang put rentrer dans la citadelle de Vinh-long: ce fut un véritable triomphe pour lui et pour sa politique; ses compatriotes y virent le présage de la réoccupation prochaine de toutes les citadelles de Gia-dinh. Ce fut le commandant d’Ariès, le vaillant défenseur de Saïgon, qui eut la contrariété de remettre ce gage entre les mains de nos anciens ennemis.”[76]
“Phan-tan-giang (Phan Thanh Giản) trở về từ Huế cùng thời gian với các đại sứ, và ông ta trở lại chức vị cũ ở Vinh-long (Vĩnh Long) vào ngày 25 tháng 4. Ông ta giữ trách nhiệm tiếp quản tòa thành mà Đề Đốc Bonard đã hứa giao cho ông, kế đó ông phải đi qua Pháp…
Ngày 25 tháng 5 là ngày mà Phan-tan-giang (Phan Thanh Giản) có thể trở vào thành Vinh-long (Vĩnh Long): đó là một chiến thắng thực sự cho ông ta và đường lối chính trị của ông ta; những người của phe ông ta nhân đó mà thấy được điềm báo gần kề của sự tiếp quản trở lại tất cả các tòa thành của Gia-dinh (Gia Định). Vị chỉ huy D’Ariès, người hùng thủ thành Saigon, chính là người phải chịu đựng sự khó chịu trong việc trao của tin (Vĩnh Long) này vào tay những kẻ thù trước đây của chúng ta.”
Như vậy, chính những tay “thực dân” hạng nặng trong hàng ngũ Pháp như Paulin Vial, như D’Ariès, viên chỉ huy liên quân ở Sài Gòn từ 1859-1861, đã rất tức giận trong việc phải giao trả tỉnh thành Vĩnh Long lại cho Annam. Họ cho rằng vị chỉ huy của họ là Đề Đốc Bonard đã bị Phan Thanh Giản lừa gạt. Nhưng chính Paulin Vial cũng phải nhìn nhận rằng đường lối chính trị của Phan Thanh Giản trong việc ký kết hòa ước 1862 và lấy lại được tỉnh Vĩnh Long là một chiến thắng của Phan Thanh Giản. Và ông ta khen ngợi Phan Thanh Giản hết lời, vì ông ta biết rằng cho dù quả tình Phan Thanh Giản có lừa gạt vị chỉ huy của ông ta đi nữa, thì đó là do quyền lợi của đất nước mình mà thôi.
Trong khi đó, những “sử gia” người Việt như ông Trần Huy Liệu thì lại do không thèm, không chịu, hay không muốn, đọc hòa ước 1862, cho nên đã mạnh miệng tuyên bố rằng cả 12 điều của nó đều là sự nhục nhã cho nhà Nguyễn. Rồi những sử gia này còn quay sang nắm lấy và sử dụng tối đa việc Phan Thanh Giản viết thư cho Trương Định (mà chính ông đã gửi cho Bonard đọc) kêu gọi giải giáp, cũng như việc Phan Thanh Giản đã thuyết phục Bonard hãy khoan đánh mà cùng làm một bản tuyên cáo chung trước đó, để dựa vào đó mà quy hai trọng tội “đầu hàng” và “mãi quốc” cho Phan Thanh Giản.
Chứ nếu mà các “sử gia” này chịu khó đọc hòa ước 1862, hay ít nhất cũng có chút thắc mắc rằng tại sao nhà Nguyễn lại có thể lấy được Vĩnh Long chỉ trong vòng chưa đầy một năm sau khi ký kết hòa ước 1862, mà không mất một mạng người nào, thì có thể là họ đã không viết như trên.
Và nếu họ chịu đọc hòa ước 1862 hay lịch sử thời đó với một tấm lòng khách quan, thì họ sẽ thấy rằng mối liên hệ giữa Phan Thanh Giản như người đại diện cho triều đình Annam và đề đốc Bonard như người đại diện cho Pháp, là một mối liên hệ rất phức tạp và tế nhị. Cũng như việc thi hành điều số 11 của hòa ước là một công việc cực kỳ khó khăn và nguy hiểm, mà Phan Thanh Giản đã thực hiện được một cách hoàn hảo.
Bởi mặc dù đang đứng trên một vị trí rất yếu để thương lượng với người Pháp, sau khi nhà Nguyễn mất hết cả 4 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và Vĩnh Long vào tay Pháp; và mặc dù triều đình Huế đang phải đối phó với cuộc nổi loạn của Lê Duy Phụng ở Bắc Kỳ mà người Pháp biết rất rõ, nhưng Phan Thanh Giản đã điều đình được sự nhượng bộ của Pháp với điều khoản số 11 nói trên, và theo đó, cơ hội lấy lại tỉnh thành Vĩnh Long.
Để rồi tiếp theo thì Phan Thanh Giản phải nhận lãnh cùng một lúc hai trọng trách khác từ nhà vua, nhằm mục đích lấy lại tỉnh thành này. Đó là: (1) giải giáp các lực lượng kháng chiến ở Gia Định, Định Tường; và (2) chứng minh cũng như thuyết phục đề đốc Bonard rằng ông đã làm được điều trên, cho nên phía Pháp phải trả lại tỉnh Vĩnh Long cho triều đình Huế.
Rồi chỉ chưa đầy một năm sau khi ký hòa ước 1862 thì Phan Thanh Giản đã lấy lại được Vĩnh Long cho nhà Nguyễn. Chính vì thắng lợi vẻ vang về mặt ngoại giao này mà vua Tự Đức đã lập tức sai Phan Thanh Giản dẫn một phái đoàn qua Pháp để điều đình lấy lại ba tỉnh miền Đông. Rồi cũng chính vì thắng lợi đó mà Phan Thanh Giản đã được vua Tự Đức phong làm Kinh Lược Sứ sau khi từ Pháp trở về, lúc phương sách dùng quân sự để phòng thủ ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ đã không còn hy vọng.
Và những sự kiện trên mới chính là những điều thực sự cần biết về hòa ước 1862 cũng như những việc làm của Phan Thanh Giản sau đó, trong nỗ lực lấy lại đất đai cho nhà Nguyễn.
Chứ không phải là những gì mà ông Trần Huy Liệu đã viết. Rằng việc ký kết hòa ước 1862 cho thấy là Phan Thanh Giản phải trực tiếp chịu trách nhiệm cho sự “đầu hàng” của nhà Nguyễn. Hay việc Phan Thanh Giản kêu gọi Trương Định giải giáp sau hòa ước 1862 là bằng chứng cho tội “mãi quốc” và sự “câu kết” với thực dân, nên đã bị “nhân dân” lên án bằng câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”.
Dưới đây là bản chụp Điều số 11 của Hòa Ước 1862, lấy từ sách của bà Phan Thị Minh Lễ, “Phan Thanh Giản, Patriote et Précurseur du Vietnam Moderne “.[77]
CHƯƠNG V.
LÃNH BINH TRƯƠNG ĐỊNH TRUYỆN CỦA NGUYỄN THÔNG
Một tài liệu hiếm hoi và có thể độc nhất thuật lại tiểu sử của Trương Định là “Lãnh Binh Trương Định Truyện” của Nguyễn Thông. Nguyễn Thông là một nhà nho gốc Nam Kỳ sống cùng thời với Trương Định và làm quan với nhà Nguyễn suốt cả cuộc đời. Ông sinh năm 1827, đậu cử nhân năm 1849 và khởi đầu sự nghiệp làm quan với chức huấn đạo ở An Giang. Năm 1855, ông về Huế làm việc ở nội các. Năm 1859, ông tình nguyện tòng quân vào Nam đánh Pháp. Năm 1861, sau khi nhà Nguyễn thua trận Chí Hòa thì ông tham gia kháng chiến chống Pháp trong lực lượng của cậu ông là Trịnh Quang Nghi và bạn ông là Phan Văn Đạt, cùng một lúc với lực lượng của Trương Định. Nhưng lực lượng chống Pháp này của Nguyễn Thông sớm thất bại; thủ lãnh Phan Văn Đạt bị Pháp giết, còn ông và Trịnh Quang Nghi thoát chết. Sau khi hòa ước 1862 được ký kết, ông theo Phan Thanh Giản về làm đốc học tỉnh Vĩnh Long. Rồi sau khi Phan Thanh Giản tự tử năm 1867 và nhà Nguyễn bị mất luôn ba tỉnh miền Tây thì ông dời ra Bình Thuận và tiếp tục làm quan, cho đến khi mất vào năm 1884.[78] Ông để lại nhiều tác phẩm văn thơ bằng chữ Hán, trong số đó có hai tác phẩm tên là “Kỳ Xuyên Văn Sao” và “Độn Am Văn Tập”.
Theo các tài liệu còn lưu lại hiện nay thì có đến hai phiên bản khác nhau của “Lãnh Binh Trương Định Truyện”. Và đó là hai phiên bản được tìm thấy trong hai tác phẩm nói trên của Nguyễn Thông. Do đó, hiện nay có hai bản dịch của tiểu truyện này. Một là bản dịch theo “Kỳ Xuyên Văn Sao”[79] và bản kia là từ “Độn Am Văn Tập”. Bản trong “Độn Am Văn Tập” được Tô Nam - Bùi Quang Tung dịch và cho đăng trong Tập San Sử Địa - Số Đặc Khảo Về Trương Công Định. Tuy hai phiên bản nói trên của “Lãnh Binh Trương Định Truyện” có đại cương giống nhau, nhưng bản trong “Độn Am Văn Tập” có nhiều chi tiết hơn bản trong “Kỳ Xuyên Văn Sao”. Do đó, người viết sẽ dùng phiên bản này của “Lãnh Binh Trương Định Truyện”, qua bản dịch của Tô Nam - Bùi Quang Tung, để kiểm chứng với câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó.
Và dưới đây là những đoạn trích ra từ “Lãnh Binh Trương Định Truyện”, bản dịch trong “Độn Am Văn Tập” của Tô Nam - Bùi Quang Tung:
“L.T.S. Nguyễn Thông tự là Hy Phần, hiệu là Kỳ Xuyên, quê ở huyện Tân Thạnh, Gia Định, sống cùng thời với Trương Định, cùng tham gia kháng Pháp. Theo Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, sơ tập, quyển 37 tr. 14-16, ông đã soạn nhiều tác phẩm như bài Việt Sử Cương Giám, Kỳ Xuyên văn sao. Ngọa Du sao thi văn tập và Độn am văn tập. Chúng tôi nhận thấy Độn am văn tập là một tài liệu lịch sử giá trị vì chính Nguyễn Thông, người đương thời viết về các nhân vật kháng chiến, trong đó có Trương Định và Huân Nghiệp truyện mà chúng tôi xin trích đăng. Theo ông Tô Nam, dịch từ nguyên bản khắc năm Nhâm Ngọ tháng 5 triều Tự Đức (1882).
____________________________________
“Ông Định nguyên quán ở Quảng Ngãi phụ thân tên là Cầm. Vào khoảng giữa đời Thiệu-trị sung chức Lãnh-binh Gia-định, cưới con gái một nhà phú hào ở huyện Tân-hòa cho Định, sau khi Cụ mất thì ông lập luôn gia cư ở đấy chứ không về quê nữa.
Ông Định trông rất khôi ngô, tinh thông các môn võ nghệ và sở trường về môn bắn trăm phát đúng trăm! Đến thời Tự-Đức, ông bỏ hết gia tài để mộ dân lập sở đồn điền, triều đình thấy người có chí kinh doanh bèn trao cho chức Quản Cơ. tháng giêng năm Kỷ-vị Tự Đức 12 (1859) quân Pháp công hãm thành Gia-Định, hộ đốc Võ-duy-Ninh bị tử trận, lúc ấy ông đem Cơ binh (dân quân) theo quan quân đóng tại cầu Thuận, trận nào cũng xông lên trước, lập được khá nhiều chiến công, tháng giêng năm thứ 14 Tân dậu (1861), nghĩa là sau trận mất đồn Phú-thọ. Các tướng lui về giữ Biên-Hòa, ông Định cũng thu quân về đồn cũ Tân-hòa, vì lúc ấy quân Pháp còn đương mải vào việc đánh Biên-Hòa Vĩnh-Long, đối với cánh tàn quân của ông Định, chúng coi như một đám giặc cỏ. Không chú ý mấy, vì thế ông được rảnh tay, chiêu tập các nhân sĩ như tri huyện Lưu-tiến-Thiện, Bát phẩm thư lại Lê quang-Quyền trù biện quân lương, đúc thêm khí giới, chỉ thời gian ngắn, nghĩa binh đã lên tới hơn ngàn….
Năm Tự Đức thứ 15 Nhâm-tuất 1862 …tháng 5 thì viên thủy sư đề đốc Pháp Bonnard phái 1 chiến hạm ra Thuận-hóa yêu cầu triều đình Thuận-hóa cử ngay Toàn quyền đại thần vào Gia-định để hội nghị hòa ước, triều đình chấp thuận, thế là hòa ước ký kết ngay trong tháng 5, rồi tháng 7 bãi binh, xuống chiếu vời các ông Túc-Trưng về triều, còn ông Định thì được thăng chánh lãnh binh An-giang và phải giải tán quân đội để đi lãnh chức mới. Các ông Túc-Trưng tiếp được thông tư triệt binh cũng theo đường tắt rút đi nơi khác, còn ông Định thì thu xếp cho vợ con đi trước riêng mình ở lại kiểm điểm các việc rồi mới rút sau, nhưng khi đó các người hào nghĩa không muốn giải tán cố giữ ông ở lại, họ bàn luận với nhau rằng quân Tây luôn luôn bị bại, nếu ngày nay để chúng đắc chí tự do hoành hành thì chúng ta sẽ phải làm mồi cho chúng, vả lại cuộc hòa này chúng lấy binh lực ăn hiếp triều đình chứ đâu phải là thực bụng? Chắc gì mai đây chúng chả trở mặt tức thì??? Sau khi hòa ước đã định chúng ta còn biết trông cậy vào đâu? Chi bằng cứ việc tiếp tục kháng cự. Cố thủ lấy một miếng để mà đùm bọc lấy nhau vân vân…
Mấy câu cương quyết trên được toàn thể tán thành và đồng thanh thề chết chứ không khuất phục, thế rồi mọi người yêu cầu ông Định ở lại điều khiển trong khi ông còn do dự thì bỗng tiếp được thư của Phạm-tuấn-Phát ở Tân-long gửi đến cho nghĩa quân, trong thư cũng suy tôn ông làm Chủ-soái, và thề nhất định sống chết với địch chứ không hòa!
Bức thư của Tuấn-phát chẳng khác gì một ngòi lửa đúng thì giờ ấy nó đã châm vào kho thuốc, trái tim của đám nghĩa quân, làm cho tinh thần bất khuất lại thêm bồng bột! Hai tiếng thề chết ở trăm vạn miệng cùng hô, tưởng như long trời lở đất! Rồi trăm ngàn người cùng bắt tay vào việc! Chỉ trong chốc lát đã tạo nên ngay một cái đàn … suy tôn ông làm chủ soái, trong giờ phút ấy dẫu muốn theo lịnh triều đình, tìm câu thoái thát, ắt chẳng xong nào, nhất là bản tâm của ông cũng không muốn thế! … nên ông chẳng còn do dự, khảng khái bước lên tuyên thệ trước mặt mọi người rồi tự xưng là Bình -tây-đại-nguyên-soái … rồi lại gửi thư đi các nơi nói rõ cho các hào kiệt biết việc làm của nghĩa quân đây không phải là chống đối mà chính là để giúp đỡ cho trào đình, vì thế các nơi đều xin theo mệnh lệnh … nhưng cứ bề ngoài mà xét thì ai chả khấp khởi mừng thầm, nếu nói đến nội dung? Tướng sĩ dẫu nhiều? Dẫu có hăng hái? Nhưng sự thực thì vô kỷ luật lúc hợp lúc tan không gì ràng buộc? Riêng có đạo binh của Tuấn-phát ở Hắc-Khâu (Gò đen), đạo quân Bùi-huy-Diệu ở Cần-đức, Tuyên-phủ-sử Nguyễn-văn Trung ở Tân-Thịnh, mấy đạo ấy còn hơi chỉnh đốn, có thể gây thế lực cho ông phần nào? Chứ còn các đạo khác thì như trên đã nói: thiếu kỷ luật thì còn mong gì chiến thắng ….”[80]
Như vậy, qua tác phẩm này của Nguyễn Thông, một tài liệu gốc mà gần như là độc nhất còn sót lại trên giấy tờ về tiểu sử của Trương Định, có thể rút ra được những điểm sau đây để đối chiếu với câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó, như đã được thuật lại bởi hai ông Trần Huy Liệu và Trần Văn Giàu.
A. Quan Hệ Giữa Trương Định Và Triều Đình Huế
Trước nhất, Trương Định chẳng bao giờ có thể được gọi là thủ lãnh “nông dân” hay thuộc về giai cấp nông dân cả. Bởi vì ông hoàn toàn là một sản phẩm của giai cấp phong kiến thượng lưu của nhà Nguyễn. Cha ông là một vị quan võ rất lớn với chức Lãnh Binh Gia Định. Đó là chức võ quan cao nhất của một tỉnh quan trọng bậc nhất Nam Kỳ. Hơn nữa, Trương Định lại là một chàng công tử đẹp trai có tài võ nghệ và có tài bắn súng trăm phát trăm trúng, chứ hoàn toàn chẳng phải là một nông dân, thuộc loại “chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung; chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ”.[81]
Vì vừa là con quan lớn, vừa có tài võ nghệ, lại vừa đẹp trai, Trương Định được cha cưới vợ là con nhà “phú hào” ở Gò Công cho. Rồi sau đó ông đã dùng tài sản của mình để được làm quan, bằng cách bỏ tiền riêng ra chiêu mộ những người dân không có đất đai vào Nam làm lính đồn điền. Theo chính sách đồn điền của nhà Nguyễn thời bấy giờ, cũng nhờ việc chiêu mộ này mà Trương Định đã được triều đình Huế phong làm chức Quản Cơ, một chức quan võ có phẩm hàm khá cao của nhà Nguyễn.
Năm 1861, Trương Định đem quân lính đồn điền của ông ta tham gia lực lượng phòng thủ đại đồn Chí Hòa dưới trướng Nguyễn Tri Phương. Rồi sau khi đại đồn bị thất thủ thì ông rút về căn cứ địa của mình ở Tân Hòa (Gò Công) và tiếp tục chống Pháp tại đó. Nhờ việc này mà ông được triều đình Huế khen ngợi và cho thăng lên chức Phó Lãnh Binh. Rồi khi triều đình Huế ký hòa ước 1862 với Pháp thì Trương Định được thăng lên chức Lãnh Binh An Giang và điều đi nhậm chức mới tại tỉnh An Giang ở miền Tây Nam Kỳ.
Do đó, có thể nói rằng Trương Định là một người hoàn toàn thuộc về giai cấp “phong kiến phản động” của triều đình nhà Nguyễn, chứ ông ta chưa bao giờ là một “lãnh tụ nông dân”, hay là một đại diện cho “quần chúng nhân dân” gì cả. Những thủ hạ của ông ta có thể là nông dân, nhưng Trương Định thì chắc chắn là một sản phẩm của giai cấp phong kiến thượng lưu triều Nguyễn. Và ông ta luôn luôn lúc nào cũng ở trong vị thế một ông quan võ đại diện cho triều đình để lãnh đạo quân đội chống Pháp - trong cả hai thời gian trước và sau hòa ước 1862 - chứ không bao giờ là một “hào mục, sĩ phu” như ông Trần Văn Giàu đã gọi.
Bởi sau hòa ước 1862, khi tiếp được chiếu chỉ của triều đình điều động đi làm Lãnh Binh An Giang thì Trương Định đã sẵn sàng tuân lệnh, giống như người chỉ huy của ông lúc đó là Nguyễn Túc Trưng. Điều rõ rệt nhất cho thấy sự sẵn sàng này của Trương Định là việc ông đã thu xếp cho vợ con đi trước. Và chỉ khi ông sửa soạn đi theo thì mới bị chính quân sĩ của ông ép buộc ở lại, để tiếp tục đánh Pháp với họ.
Như vậy, dưới ngòi bút Nguyễn Thông, mối liên hệ giữa Trương Định và nghĩa quân của ông ta đã được thuật lại khá chi tiết; nó cho thấy hoàn cảnh của Trương Định và quân lính của ông rất khác nhau sau hòa ước 1862. Đó là vì Trương Định, một vị võ quan thuộc giai cấp phong kiến, đã nhờ công lao đánh Pháp mà được triều đình Huế thăng lên chức Lãnh Binh và điều đi đến An Giang, một tỉnh miền Tây còn thuộc về nhà Nguyễn. Và vị võ quan này cũng đã sửa soạn để tuân theo chiếu chỉ như một viên quan trung thành. Ông chỉ đổi ý vào phút chót, khi bị quân sĩ của ông ép ở lại mà thôi.
Rồi mặc dù đã được “mọi người yêu cầu … ở lại” như vậy, nhưng Trương Định cũng vẫn còn “do dự”, và chỉ đồng ý với quân sĩ sau khi nhận được lá thư của Phạm Tuấn Phát, một thủ lãnh nghĩa quân khác. Người viết sẽ trở lại với nhân vật Phạm Tuấn Phát này và ảnh hưởng của ông ta đối với lực lượng Trương Định như thế nào ở một chương sau của bài viết. Tại đây, chỉ xin bạn đọc lưu ý rằng theo Nguyễn Thông thì lá thư nói trên của Phạm Tuấn Phát chính là yếu tố cuối cùng đưa đến việc Trương Định quyết định ở lại chống Pháp. Cần biết rằng Phạm Tuấn Phát (hay Phạm Tiến) chính là một vị cựu quan có mối quan hệ mật thiết với triều đình Huế qua Cơ Mật Viện, cơ quan lãnh đạo tối cao của nhà Nguyễn.
Do đó, có thể thấy rằng việc Trương Định không tuân theo chiếu chỉ của triều đình chỉ xảy ra sau khi có những yếu tố khác ảnh hưởng đến quyết định này của ông mà thôi.
Rồi cũng theo Nguyễn Thông trong “Lãnh Binh Trương Định Truyện” thì hành động ở lại để tiếp tục đánh Pháp nói trên của Trương Định không phải là một hành động để chống lại lệnh vua hay chống lại cả chế độ và giai cấp phong kiến. Mà chính xác là để khẳng định lập trường trung quân của Trương Định, khi tiếp tục chống đối kẻ thù của nhà vua là quân Pháp. Lập trường đó đã được biểu hiện rõ ràng, vì ngay sau khi quyết định ở lại tiếp tục chiến đấu thì Trương Định đã lập tức “gửi thư đi các nơi nói rõ cho các hào kiệt biết việc làm của nghĩa quân đây không phải là chống đối mà chính là để giúp đỡ cho trào đình”. Tức là cho đến khi ấy, Trương Định vẫn nhìn nhận và vẫn tuyên bố với tất cả mọi người, đặc biệt với các lực lượng chống Pháp khác, là ông đang tiếp tục làm việc cho triều đình, chứ không phải là muốn phản lại triều đình.
Trong khi đó, theo câu chuyện của hai sử gia họ Trần thì sau khi nhận được lệnh thuyên chuyển đi An Giang, Trương Định đã quyết định “đi với dân” và lên án hết thảy giai cấp phong kiến nhà Nguyễn, từ đại thần Phan Thanh Giản cho đến triều đình Huế - bằng cách “tuyên bố”, rồi cho đề 8 chữ “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” lên trên lá cờ của mình.
Nhưng vậy thì câu chuyện của hai sử gia họ Trần lại không ăn khớp, nếu không muốn nói là trái ngược hẳn, với những gì mà “Lãnh Binh Trương Định Truyện” của Nguyễn Thông cho ta biết về Trương Định và hành động của ông, sau khi nhận được lệnh giải giáp của triều đình Huế.
Hơn nữa, nếu theo lẽ thường mà suy, thì không thể nào Trương Định lại có thể quay 180 độ, từ chỗ hoàn toàn thần phục triều đình nhà Nguyễn - một triều đình mà cả nhà ông ta từ cha tới con đã tận tình phục vụ trong bao nhiêu năm trời - đến một thái độ “khi quân” thái thậm, qua cách tuyên bố câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” như một hình thức phản kháng. Hoàn toàn không có một dấu hiệu nào trước đó để cho thấy rằng Trương Định đã được “giác ngộ cách mạng” và mở mắt ra, rằng ông ta phải đi với “giai cấp nông dân” để chống lại cả một “giai cấp phong kiến” phản động. Không có một dấu hiệu nào để cho thấy rằng Trương Định muốn từ bỏ giai cấp đặc quyền của mình để “đi với dân”, như hai sử gia họ Trần cho biết.
Nếu như Trương Định quyết tâm làm phản và chống lại triều đình để tự lập làm vua, thì đấy là điều có thể xảy ra vào thời gian đó và trong sự suy nghĩ của người thời đó. Nhưng nếu nói rằng ông ta đã từ bỏ giai cấp đặc quyền của mình để đi với giai cấp nông dân bị bóc lột và chống lại chính giai cấp của mình, thì hai ông sử gia họ Trần rõ ràng đã cho Trương Định đi trước thời gian của ông ta đến cả trăm năm!
Đó là chưa kể đến sự vô lý của thái độ khi quân để “đi với dân” này, khi mà theo “Lãnh Binh Trương Định Truyện” thì trước đó Trương Định đã thu xếp để cho vợ con đi trước, tức là đã di chuyển đến nhiệm sở mới của ông ta ở An Giang, rồi ông ta mới theo sau. Nên biết rằng An Giang là một tỉnh miền Tây mà lúc đó vẫn còn là đất đai của nhà Nguyễn, và vẫn còn ở dưới sự kiểm soát của các quan lại nhà Nguyễn. Trong số đó, vị quan đứng đầu lại chính là Phan Thanh Giản. Lẽ nào Trương Định lại không biết điều này, để ra mặt chống đối và phỉ báng cả Phan Thanh Giản lẫn triều đình Huế - trong khi vợ con của ông ta còn đang ở trong tay họ?
Thay vì vậy, theo như Nguyễn Thông thuật lại, thì mặc dù Trương Định ngoài mặt không chịu tuân theo mệnh lệnh chính thức của nhà vua sau hòa ước 1862 để đi nhận chức mới, mà tiếp tục đánh Pháp theo ý muốn của quân sĩ; nhưng ông ta lại muốn cho tất cả mọi người đều biết rõ là ông ta không hề chống lại triều đình. Ngược lại, ông ta tuyên bố là đang giúp đỡ cho triều đình, và còn dùng cả danh nghĩa của triều đình để tiếp tục chiêu mộ nghĩa quân và quyên góp tiền bạc. Và chắc chắn là ông ta vẫn còn phải liên lạc với triều đình để nhận được sự giúp đỡ - nếu không là tài chánh hay súng đạn thì cũng là sự ủng hộ về mặt tinh thần.
Do đó, nếu như Trương Định quả đã thật sự cãi lệnh triều đình, thì việc bất tuân này cũng không có nghĩa là ông ta đã hoàn toàn quay ra chống lại cả vừa triều đình vừa Pháp, như câu chuyện của hai sử gia họ Trần. Vì làm như vậy là đồng nghĩa với tự sát.
Tóm lại, “Lãnh Binh Trương Định Truyện” cho ta thấy rõ hơn mối quan hệ giữa Trương Định với triều đình Huế. Theo đó, Trương Định chính là một phần tử của “lực lượng phong kiến phản động” mà triều đình Huế là trung tâm, vì ông vừa là con quan lớn, vừa làm quan lớn, lại vừa lấy vợ là con nhà địa chủ phú hào. Ông lại luôn luôn bày tỏ lòng trung thành với nhà Nguyễn. Chứ Trương Định không hề là một nông dân, một đại diện của nhân dân, một lãnh đạo nghĩa quân “yêu nước”, như hai ông họ Trần và các sử gia miền Bắc xác định. Và khi từ chối đi An Giang thì Trương Định cũng đã hành xử theo tiền lệ trong lịch sử: đó là trong cương vị của một vị đại tướng ở trận tiền, có lúc cũng phải trái lệnh vua. Nhưng sự trái lệnh ấy, nếu có thật, thì chỉ là cực chẳng đã mà thôi, miễn sao mục đích tối hậu vẫn là sự phục vụ cho tương lai lâu dài của triều đình, bằng chiến thắng sau cùng.
Đương nhiên, đó là nếu ta tin được rằng Trương Định đã tự ý cãi lại lệnh vua mà tiếp tục kháng Pháp. Trong khi có thể thấy rằng chủ ý của vua Tự Đức là muốn gây khó khăn thường xuyên cho Pháp với những lực lượng kháng chiến như Trương Định; để họ bỏ, hoặc làm dễ dàng hơn cho việc nhà Nguyễn đòi lại ba tỉnh miền Đông. Và ngay trước mắt thì nhà vua rất muốn lấy lại tỉnh thành Vĩnh Long theo hòa ước 1862 bằng tài ngoại giao của Phan Thanh Giản, và bằng cách thực hành điều số 11 là chính thức ra lệnh cho những lực lượng kháng chiến như Trương Định giải giáp. Do đó, ngoài mặt thì nhà vua chính thức truyền lệnh giải giáp cho Trương Định. Nhưng bên trong, nhà vua có giao mật lệnh cho Trương Định để tiếp tục đánh Pháp hay không, thì lại là một chuyện khác.
B. Quan Hệ Giữa Trương Định Và Nghĩa Quân
Chẳng những mối quan hệ giữa Trương Định và triều đình Huế khác với câu chuyện chung quanh câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” của hai ông sử gia họ Trần, mà mối quan hệ giữa Trương Định và nghĩa quân của ông ta cũng hoàn toàn khác hẳn với những gì hai ông sử gia đã diễn tả.
Bởi theo câu chuyện của hai ông sử gia thì nghĩa quân Trương Định là đại diện cho “giai cấp nông dân”, tức cũng là “nhân dân”. Và những “nhân dân” này đã rộng lượng tạm gác mối mâu thuẫn giai cấp từ bao đời nay với giai cấp phong kiến, để cùng nhau chống quân xâm lược Pháp mà giữ nước. Thế nhưng giai cấp phong kiến đã phản bội sự tha thứ này của nhân dân, để quay qua câu kết với bọn thực dân. Và vì chúng đã đầu hàng thực dân qua việc cắt đất hay “bán nước”, cho nên “nhân dân” đã vạch rõ tội trạng của chúng - qua câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, rồi tiếp tục chiến đấu để chống lại cả hai lực lượng thực dân và phong kiến!
Nhưng theo “Lãnh Binh Trương Định Truyện” thì sao? Có phải là nghĩa quân dưới trướng Trương Định đã thét lên, hay đã hô to khẩu hiệu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” như các sử gia miền Bắc đã viết hay không? Xin hãy đọc lại đoạn văn trên của Nguyễn Thông để biết là nghĩa quân của Trương Định thật sự muốn gì và đã nói gì:
“ … còn ông Định thì thu xếp cho vợ con đi trước riêng mình ở lại kiểm điểm các việc rồi mới rút sau, nhưng khi đó các người hào nghĩa không muốn giải tán cố giữ ông ở lại, họ bàn luận với nhau rằng quân Tây luôn luôn bị bại, nếu ngày nay để chúng đắc chí tự do hoành hành thì chúng ta sẽ phải làm mồi cho chúng, vả lại cuộc hòa này chúng lấy binh lực ăn hiếp triều đình chứ đâu phải là thực bụng? Chắc gì mai đây chúng chả trở mặt tức thì??? Sau khi hòa ước đã định chúng ta còn biết trông cậy vào đâu? Chi bằng cứ việc tiếp tục kháng cự. Cố thủ lấy một miếng để mà đùm bọc lấy nhau”
Như vậy, những người nghĩa quân dưới trướng Trương Định đã không cho ông ta “đem con bỏ chợ”, mặc dù ý Trương Định thì rõ ràng là muốn làm như vậy, cho nên đã thu xếp cho vợ con đi trước rồi sẽ theo sau. Và những lời nói trên đây của nghĩa quân cho ta thấy rằng họ sợ bị trả thù vì đã từng đánh nhau và từng gây thù chuốc oán với quân Pháp. Mà nay nếu nghe theo lệnh triều đình để giải giáp thì họ sẽ phải sống trong lãnh thổ của Pháp và ở dưới quyền Pháp. Trong khi ông tân lãnh binh Trương Định có điều kiện để đưa vợ con đi trước và còn được lên chức, thì họ phải ở lại, vì gia đình nhà cửa của họ vẫn còn đó. Rồi vì không thể di tản như Trương Định, cũng như không tin tưởng vào sự thành thực của người Pháp, cho nên những người nghĩa quân này nghĩ rằng họ đã bị dồn đến đường cùng và không còn con đường nào khác hơn là tiếp tục đánh Pháp để tìm đường sống! Họ biết và nói rõ ra là triều đình Huế vì quá yếu sức nên bị Tây “ăn hiếp” đến nổi phải ký hòa ước 1862. Nhưng họ không hề trách móc triều đình là đã “bỏ” họ. Trong khi đó, rõ ràng là họ lại không cho phép vị lãnh tụ Trương Định được quyền “bỏ” họ để đi làm quan nơi khác!
Tóm lại, những người nghĩa quân của lực lượng Trương Định đã tiếp tục đánh Pháp chỉ vì muốn tìm một con đường sống. Chứ không phải vì họ đã có lý tưởng và lập trường giai cấp sẵn từ trước, rồi bây giờ do được giác ngộ thêm chủ nghĩa dân tộc nữa, nên đã quay ra chống hết cả vừa thực dân vừa phong kiến, để lập nên một chính phủ vô sản của nhân dân!
Và những gì Nguyễn Thông thuật lại về các nghĩa quân Trương Định rất hợp lý lẽ. Những người nghĩa quân này quả tình có lý do chính đáng để ép buộc Trương Định phải ở lại mà tiếp tục hùng cứ một phương. Đó là vì nếu Trương Định bỏ đi thì được an toàn, lại được lên chức. Còn họ thì không có lối thoát, vì họ là dân sở tại, lại thêm bấy lâu nay gây thù chuốc oán với quân Pháp và những người theo Pháp. Cho nên nếu bây giờ mà xếp giáp qui hàng và giao vũ khí cho Pháp thì họ biết chắc rằng sẽ bị trả thù.
Ngoài ra, cũng cần phải xét đến lý do là lâu nay những người “nghĩa quân” này vẫy vùng một cõi đã quen. Giờ nếu phải trở về với cuộc sống “nông dân” bình thường thì có thể là họ không muốn. Cho nên họ thà tiếp tục chiến đấu chống Pháp, để vừa có đường sống, lại vừa tiếp tục mặc sức tung hoành như xưa.
Tóm lại, qua lời kể của Nguyễn Thông trong “Lãnh Binh Trương Định Truyện”, có thể thấy rằng chẳng những Trương Định và nghĩa quân của ông ta thuộc về hai giai cấp khác nhau, mà họ còn thuộc về hai giai cấp đối nghịch nhau nữa. Do đó, quyền lợi và chí hướng của cả hai bên trước lệnh giải giáp của vua Tự Đức cũng khác nhau. Nhưng cuối cùng thì cả hai bên đều đã phải làm theo hoàn cảnh thực tế của họ lúc đó bắt buộc - chứ không phải vì đã sớm giác ngộ được những ý niệm thuộc về các ý thức hệ ra đời sau đó rất lâu. Nghĩa quân tiếp tục đánh Pháp là do sự sống còn của mình, còn Trương Định tiếp tục đánh Pháp là vì bị nghĩa quân ép buộc.
Đó chính là những gì mà người cùng thời và cũng từng là đồng chí của Trương Định trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ là Nguyễn Thông thuật lại, qua tác phẩm “Lãnh Binh Trương Định Truyện”.
Và hoàn toàn không phải vì cả hai bên, Trương Định và nghĩa quân, cùng đồng lòng lên án cả phong kiến lẫn thực dân đã câu kết với nhau bằng “tám chữ đề cờ” “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, như trong câu chuyện của hai ông sử gia Trần Huy Liệu và Trần Văn Giàu.
CHƯƠNG VI.
HỊCH QUẢN ĐỊNH
Như đã thấy, “Lãnh Binh Trương Định Truyện” là một tài liệu lịch sử giá trị do một người cùng thời và đồng chí của Trương Định là Nguyễn Thông viết về ông ta. Vì là một tài liệu độc nhất với nhiều chi tiết về Trương Định, nên tác phẩm này đã được trích dẫn nhiều lần, hoặc đã được dùng để làm điểm tựa cho những “sự thật lịch sử” kiểu như câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó. Nhưng có thể thấy rằng những sự trích dẫn tác phẩm này chỉ thường chú trọng vào việc Trương Định đã không tuân lệnh vua Tự Đức, mà không hề nhắc đến những chi tiết và lý do của sự bất tuân này, cũng như không nói gì đến mối quan hệ giữa Trương Định và triều đình Huế, như Nguyễn Thông đã diễn tả và người viết đã bàn đến ở chương trên.
May mắn là bên cạnh “Lãnh Binh Trương Định Truyện” còn có một tài liệu cùng thời rất giá trị khác về Trương Định và cuộc khởi nghĩa của ông ta - một tài liệu mà cũng ít được dùng hay trích dẫn, và nhất là đi sâu vào nội dung của nó. Mặc dù nó là tiếng nói chính thức duy nhất bằng tiếng Việt còn sót lại của Trương Định. Và đó là bài văn có tựa đề “Hịch Quản Định”[82].
Bài hịch này chính là lời tuyên bố của Trương Định với “nhân dân Nam Kỳ”, để thông báo cho họ biết lý do chống Pháp của ông ta. Và đặc biệt khác hẳn với những “tuyên ngôn” khác của Trương Định mà chỉ còn được lưu truyền đến ngày nay với bản dịch bằng tiếng Pháp, tờ hịch này được lưu lại bằng một bản tiếng Việt. Cho dù đó là một thứ tiếng Việt rất xưa, và rất Nam Kỳ, nhưng người đọc vẫn có thể hiểu được những tư tưởng mà Trương Định muốn chuyển đạt đến những người đồng bào cùng thời của ông.
Và tờ “Hịch Quản Định” này được lưu truyền cho đến ngày nay cũng là nhờ một người cùng thời với ông đã chép lại văn bản này bằng chữ Quốc Ngữ, và lưu lại trong những công trình sưu tầm nghiên cứu của ông ta. Người đó là học giả Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898). Và bài hịch này sau đó lại được một học giả đang cộng tác với tờ tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử là ông Trần Văn Giáp cho đăng trong số 51 của tờ này vào tháng 6 năm 1963.
Dưới đây là lời giới thiệu về bài hịch và nguyên văn toàn bài do ông Trần Văn Giáp chép lại, kể cả những chữ viết tắt hay viết sai. Kèm theo là những chú thích của ông Trần Văn Giáp trong ngoặc đơn. Những chú thích này được đánh số giống như trong nguyên bản đã đăng trên số 51 tờ Nghiên Cứu Lịch Sử:
“Gần đây, nhân xem tập Thoát thực truy biên, một tập giấy cũ của Trương-vĩnh-Ký, do chính tay ông chép bằng chữ Quốc ngữ, tôi tìm được bài hịch Quản Định, có lẽ là bài hịch của Trương Định gửi cho các nghĩa hào thời đó, hô hào đoàn kết chống xâm lăng. Bài hịch này không ghi rõ tác giả là ai, bài hịch ấy ở đâu, xuất hiện trong thời gian lịch sử nào và đầu đuôi ra sao, truyện Quản Định thế nào? Có một điều, đọc lên ta thấy rõ Quản Định đây là Quản Định đánh Tây. Vả lại Trương-vĩnh-Ký, tuy theo thiên chúa giáo, nhưng cũng là một học giả sống đồng thời với Trương Định và Nguyễn Thông, mà bài hịch lại do tay ông chép lại, thì nó sẽ có một giá trị tài liệu lịch sử đặc biệt quí báu. Vì vậy, tôi chép đúng nguyên văn bài Hịch Quản Định ấy ra sau đây, cốt để cống hiến tài liệu cho việc nghiên cứu lịch sử cận đại Việt-nam ….
BÀI HỊCH QUẢN ĐỊNH
(Chép đúng nguyên văn)
Tượng lời ca lời ca rằng:
Nước có nguồn cây hoa có gốc,
Huống ng. (người) sanh có da có tóc
Mà sao khg (không) biết chúa biết cha;
Huống ng. sanh có vóc có da,
Mà sao không biết trung biết hiếu,
Hai vai nặng trịu (trĩu); gánh chi bằng gánh (cang) cương thường?
Tất (tấc) dạ trung lương: gồng chi bg (bằng) gồng xã-tắc? (1)
Bớ nhg (những) người tai mắt!
Thử xem loài cầm thú:
Trâu ngựa còn điếc câm,
Mà biết đền ơn cho nhà chủ.
Muông (2) loài gà gáy sủa
Còn biết đáp ngãi cho chủ nuôi
Huống chi ng., chân đạp đất đầu đội trời,
Ở chi thói sâu dân mọt nước (3)?
Sao chẳng nghĩ sau nghĩ trước
Lại làm thằng nịnh thằng gian,
Sao rằng trai trí chúa an bang (4)
Sao rằng trai thừa gia khai quốc (5)
Lẽ cho ph (phải) trãi gan trung, bồi ngãi mật (6)
Mà đền thủa trg (trong) bụng mẹ 10 (mười) tháng mới sanh ra,
Lẽ cho ph (phải) vợ khiến chồng con lại giục cha,
Mà đền thủa ở đất vua, nắm rau mớ ốc.
Thậm tiếc nhg. ng. làm quan mà ăn lộc
Nỡ đem lg (lòng) mãi quốc mà cầu vinh (7)
Tiếc nhg tay tham lợi an mình
Mà lại khiến vong ân bội tổ (8)
Tai chẳng nghe mắt sao chẳng rõ?
Tổ tiên đâu mồ mả nước nào?
Lòng sao không xót, dạ sao không bào?
Bờ cõi loạn muôn dân đồ thán (9)
Ng. nc (nước) Hán mẹ cha nước Hàn, (1) hỏi chớ nào thảo nào ngay?
Đầu tây (2) ở với tây hỏi chớ nào tôi nào chúa?
Bởi mình lại tham lam tiền của
Để cho Tây bắt vợ giết chồng
Bởi mh (mình) tham ham hố bạc đồng
Để cho Tây lột da khỏ óc.
Thân sao không khóc,
Vinh vang chi cũng lấy tiếng tây,
Sung sướng không trọn đời,
Muôn thác chớ kêu trời
Sung sướng khg trọn kiếp
Cám th’’g (thương) kẻ nó hành nó hiếp!
Xóc tóc rứt đầu!
Cám th’’g (thương) ng nó móc nó treo!
Hoành thân hoại thể
Nghĩ thương khôn xiết kể.
Giận nỗi chẳng hay cùng
Giận phô loài bất hiếu bất trung!
Thương những kẻ oan con oan vợ
Th’’g ả chệt đêm nằm hơn năm ngủ
Nống gan son ra lập ngãi đường.
Giận thằng dân chg (chẳng) giữ phong cương
Lước (lướt) óc tới cùng tả đạo (3)
Trách nhg kẻ lg (lòng) muông dạ cáo,
Vinh vang chi sửa dép nưng khăn
Th’’g (thương) nhg tay bảng quế (4) trung thần,
Thửa gan dạ thẻ ngời bia tạc (5)
Làm người sao khỏi thác (6)
Thác trung thần thác cũng thơm danh
Làm ng. ai chg (chẳng) tham sanh (7)
Lòng địch khái xin cho rỡ tiết
Đêm năm canh th’’g ng. chánh liệt
Ngày sáu khắc nhớ kẻ trung thần.
Chốn biên thùy lãnh ấn Tổng binh,
Cờ đề chữ bình Tây đại tướng ( )
Trước, trí thân ư Nghiêu Thuấn thượng (9)
Sau vị xã tắc thần.
Phải cạn lời rao khắp muôn dân,
Sửa tấc dạ dắc (dắt) dìu về một mối,
Ai chg (chẳng) ra thú trước, ắt phải lụy thân sau.
Bớ trẻ già lớn bé ai ai!
Đều bội ám đầu minh (10) cho kịp
Chiếu phụng (11) dầu ta lãnh đặng,
Mũi thiên oai (12) thương kẻ sanh linh (13)
Phải cạn lời tỏ hết chơn (chân) tình
Cho con trẻ dân đen đặng biết.
(Trích trong Thoát thực truy biên của Trương-vĩnh-Ký, bản viết tay do tác giả chép trong tập Trương-vĩnh-Ký di chỉ, tập III, trang 146-148) ký hiệu : H. x H.E.6, tập III)
_______________________________________
(1) Xã Tắc: tên hai nền đất mà giai cấp phong kiến dùng để tế hai vị thần: Xã là thần đất, Tắc là thần lúa. Vì vậy, trong văn chương xưa, danh từ Xã Tắc là tượng trưng cho nhà nước cũng giống như Sơn hà hay giang sơn.
(2) Muông: con chó.
(3) Sâu dân mọt nước: nói bọn quan lại bóc lột nhân dân, tham ô của công, như loài sâu đục cây, loài mọt nghiến gỗ.
(4) Trí chúa an bang (Hán): giúp vua trị an đất nước.
(5) Thừa gia khai quốc (Hán): nối nghiệp nhà, mở mang nghiệp nước.
(6) trãi gan trung, bồi ngãi mật, gốc ở câu chữ Hán trong Tống sử: “Phi can lịch đảm” (trãi gan tưới mật) nghĩa là hết lòng trung nghĩa đối với tổ quốc.
(7) Mãi quốc cầu vinh (Hán): bán nước cho kẻ địch để được làm quan ăn lộc nhiều, danh giá hão.
(8) Vong ân bội tổ: quên ơn phản tổ quốc.
(9) Đồ thán: lầm than, nghĩa là bị khổ cực.
———-
(1) Câu này gốc ở danh từ chữ Hán cổ: “Thân Hán tâm Hàn” nghĩa là “thân mình tuy phục vụ nhà Hán nhưng tâm chí là cốt mong phục thù cho tổ quốc là nước Hàn”. Đó là câu của người sau ca ngợi Trương Lương, một danh tướng đời Hán, giúp Hán Cao-tổ diệt nhà Tần để báo thù cho tổ quốc mình là nước Hàn đời Chiến-quốc.
(2) Đầu tây: đầu hàng quân Pháp thời đó.
(3) Lước (lướt) óc: không nghĩ sâu xa. - Tả đạo: đạo không chính, đây ý muốn chỉ đạo Gia-tô thời đó.
(4) Tay bảng quế: người đã đậu tiến sĩ.
(5) Cả câu nghĩa là: cái gan dạ của họ đã được khắc vào biển ngợi khen và công lao của họ đã được khắc trên bia đá để truyền về sau.
(6) Thác: chết
(7) Tham sanh: muốn sống, không chịu chết.
(8) Địch khái: chống lại những kẻ thù của nhà vua, của tổ quốc.
(9) Cả câu nghĩa là: trước thì đem thân mình giúp vua làm cho vua mình hơn vua Nghiêu vua Thuấn xưa, là hai vua kiểu mẫu, tượng trưng cho cảnh thái bình. Sau nữa giúp sức cho các quan triều đình.
(10) Bội ám đầu minh: quay lưng lại, tức là bỏ hẳn con đường mờ tối, đi theo con đường sáng sủa.
(11) Chiếu phụng tức là Chiếu phượng dịch chữ Hán “Phượng chiếu” chiếu nhà vua, nghĩa là vâng lệnh triều đình.
(12) Thiên oai có 2 nghĩa: 1 - oai linh nghiêm nghiệt của vua; 2 - oai thần của vật gì, mũi thiên oai tức là mũi gươm thần của tướng quân.
(13) Sanh linh: nhân dân” [83]
Như đã thấy, bài hịch này có một giọng văn rất cổ và rặt ròng tính chất Nam Kỳ. Ngoài ra, như ông Trần Văn Giáp giới thiệu, bài hịch này là do chính tay học giả Petrus Trương Vĩnh Ký chép lại ra chữ Quốc Ngữ, nên độ chính xác của nó rất cao.
Vì bài hịch khá dài, nên để cho người đọc dễ theo dõi, người viết xin tạm chia nó ra ba phần với ba ý chính như sau:
Phần một, từ câu “Nước có nguồn cây hoa có gốc” đến câu “mà đền thủa ở đất vua, nắm rau mớ ốc”, khẳng định hệ tư tưởng và luân lý đạo đức của thời gian này. Đó là trung với vua chúa và hiếu với cha mẹ. Bởi do công ơn cha mẹ sanh ra, bởi đã sống nhờ trên đất đai của nhà vua, bởi đã kiếm ăn trên đất đai của nhà vua, cho nên dù chỉ là những thứ nhỏ mọn như “nắm rau mớ ốc” đi nữa, nếu theo đúng đạo lý làm người thì phải hết lòng mà đền ơn, một khi đã chịu ơn như vậy. Nhất là đối với nhà vua thì kẻ làm trai phải có những trách nhiệm như “giữ dạ trung lương”, “trí chúa an bang”, và “thừa gia khai quốc”.
Phần hai, từ câu “Thậm tiếc những người làm quan mà ăn lộc” đến câu “Sung sướng không trọn kiếp”, là lời chê bai trách móc những người Việt theo Tây đã vì tham lợi mà quên nghĩa vua tôi. Bên cạnh đó, tác giả cũng răn đe những người muốn làm điều này, bằng cách kể ra những sự mất mát đau khổ của người theo Tây - như là vừa bị chúng hành hạ, lại vừa phải mang tiếng xấu trọn đời.
Phần ba, từ câu “Cám thương kẻ nó hành nó hiếp” đến câu “Cho con trẻ dân đen đặng biết”, tuyên bố lý do chủ yếu của bài hịch này. Đó là tác giả Trương Định, vì vừa giận những kẻ đầu Tây, lại vừa thương những kẻ trung nghĩa phò vua giúp nước, nên đã tuyên bố là thừa lệnh triều đình (chiếu phụng) mà đánh Pháp. Với bài hịch này, Trương Định kêu gọi những người đã trót theo giặc hãy trở về hàng ngũ của triều đình - còn nếu không thì chớ trách ông rằng sao không cảnh cáo trước mà ra tay tiêu diệt.
A. Quan Hệ Giữa Trương Định Và Triều Đình - Khái Niệm Trung Quân
Tuy có thể tạm chia ra làm ba phần như trên, nhưng xuyên suốt bài hịch là một ý niệm duy nhất và cũng là nền tảng đạo đức dựa trên Nho Giáo của thời đó: ý niệm “trung quân”. Tác giả bài hịch, Trương Định, đã hoàn toàn dựa trên nền tảng “trung quân” này để làm căn bản cho cả bài. Ông ta đã sử dụng nó để giải thích cho lý do chiến đấu của mình, cũng như để thuyết phục tất cả “nhân dân” - từ những người đã theo Tây cho đến những người còn do dự lưng chừng.
Theo bài hịch, ý niệm trung quân là một chính nghĩa, hay một chân lý không thể chối cãi. Vì vậy, trong suốt bài hịch tác giả Trương Định đã dùng toàn những chữ nghĩa và điển tích đã được lưu truyền và chấp nhận từ lâu, để chứng minh cho ý niệm này. Đó là những chữ chiếm phần lớn của bài hịch và được tác giả lặp đi lặp lại, như “chúa, cha”, “tôi chúa” “cương thường, xã tắc”, “trí chúa an bang”, “thừa gia khai quốc” “bất trung”, “trung thần”, “Nghiêu Thuấn”, “chiếu phụng”, “thiên oai”, ...vv.
Dựa trên nền tảng “trung quân” nói trên, tác giả Trương Định nói rất rõ trong bài hịch rằng ông đã thừa lệnh của triều đình, qua việc ông công khai nhận lãnh vừa “chiếu phụng” vừa “ấn Tống binh”, để đánh Pháp. Và đó là lý do mà Trương Định làm ra bài hịch này để kêu gọi những người theo Tây hãy trở về với đạo lý làm người (trai) của thời ấy, là đền ơn đáp nghĩa cho nhà vua. Bởi vì những người này đã từng làm con dân, đã từng sống trên đất đai của nhà vua - nơi mà cả “nắm rau mớ ốc” cũng được coi là tài sản của nhà vua - cho nên họ phải biết đền ơn đó. Rồi Trương Định khuyên răn rằng đừng nên tham lợi mà theo Tây, vì chẳng những đã không sung sướng gì, mà còn bị chúng hành hạ. Trong khi nếu theo gương những bậc “trung thần” trong lịch sử, thì sẽ được muôn thuở lưu danh.
Như vậy, bài “Hịch Quản Định” này chính là một lời tuyên bố rõ ràng nhất của Trương Định, và bằng tiếng Việt mẹ đẻ, để thông báo với đồng bào người Việt của ông ta về lý do mà ông ta đánh Pháp: đáp đền ơn chúa. Bài hịch này là một văn kiện khả tín nhất về tư tưởng của Trương Định, vì nó hoàn toàn phù hợp với hệ thống tư tưởng chính thống đương thời. Theo đó, “nước” là tài sản của nhà vua, và “dân” cũng là tài sản hay tôi mọi của nhà vua. Chứ trong thập niên 1860 ở Việt Nam thì không hề có những tư tưởng chính trị về dân tộc và dân chủ như ở châu Âu. Mà phải đến thế kỷ 20, khi những nhà nho tại Việt Nam bắt đầu làm quen với tư tưởng dân chủ, qua những tác phẩm gọi là “Tân Thư” do các nhà nho cấp tiến Trung Quốc dịch ra chữ Hán, thì khái niệm về dân chủ mới bắt đầu được loan truyền trong nước Việt Nam.
Cần nhắc lại rằng Trương Định từ trước đến giờ vẫn là một vị võ quan của triều đình. Ông xuất thân từ một gia đình quan lại, rồi cùng chống Pháp với những đồng chí từng là tú tài, từng là cử nhân. Do đó, tư tưởng trung quân của Nho Giáo chắc hẳn đã ăn sâu vào óc ông, và đó là lý do tại sao mà bài hịch lại được viết như trên.
Ngoài ra, còn có thể thấy rằng tư tưởng trung quân trong bài hịch này rất ăn khớp với một chi tiết trong “Lãnh Binh Trương Định Truyện” của Nguyễn Thông. Đó là sau khi đồng ý ở lại với nghĩa quân để tiếp tục đánh Pháp, thì Trương Định đã “ … gửi thư đi các nơi nói rõ cho các hào kiệt biết việc làm của nghĩa quân đây không phải là chống đối mà chính là để giúp đỡ cho trào đình …”
Do đó, ý niệm trung quân xuyên suốt trong bài hịch này chứng tỏ rằng Trương Định không thể nào thốt ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” như hai sử gia họ Trần thuật lại được. Vì chính trong bài hịch Trương Định đã nói rất rõ rằng ông ta tiếp nhận chiếu phụng của vua, nhận lãnh ấn Tổng Binh của vua, và thừa lệnh nhà vua, để kêu gọi mọi người chiến đấu chống Pháp. Thì không thể nào trong cùng một lúc mà ông ta lại có thể lên án triều đình và “giai cấp phong kiến” của nhà vua, rằng họ đã câu kết với thực dân mà bán nước bỏ dân được!
B. Quan Hệ Giữa Trương Định Và Nhân Dân - Khái Niệm Chăn Dân
Ngoài ra, bài hịch này còn cho thấy rõ hơn quan điểm của Trương Định đối với “nhân dân”. Như đã thấy, theo các sử gia miền Bắc thì Trương Định đã chống lại lệnh vua để “đi với dân” - như là một hành động bỏ tối theo sáng, như một kẻ lầm đường lạc lối được nhân dân chấp nhận cho vào hàng ngũ của họ. Nhưng theo bài “Hịch Quản Định” thì quan điểm và thái độ của Trương Định hoàn toàn không phải như vậy, nếu không muốn nói là trái ngược như vậy.
Vì khi nói về “dân” trong bài hịch, thì Trương Định đã nói với tư thế của một người chăn dân, hay một người thuộc “giai cấp phong kiến” thống trị nhìn xuống. Chứ không phải như một người “công dân” bình đẳng với đa số “nhân dân” trong một lực lượng quần chúng, và cùng nhau đấu tranh để chống lại triều đình phong kiến.
Trước tiên, Trương Định diễn tả cảnh ngộ “Bờ cõi loạn muôn dân đồ thán” để kêu gọi những bậc đầu đội trời chân đạp đất hãy thương xót mà ra tay cứu vớt người dân. Chữ “muôn dân đồ thán” nơi đây cho thấy rằng không phải chính Trương Định đang ở trong tình cảnh khổ sở của đại đa số dân chúng như trên. Mà là ông ta đang ở trong vị thế của một đấng anh kiệt, có thể ra tay cứu giúp những người thường dân này.
Kế đến, Trương Định nói rằng “giận thằng dân chẳng giữ phong cương, lướt óc tới cùng tả đạo” với giọng điệu trách móc kẻ cả của một người trên đối với những kẻ dưới đã đi lầm đường lạc lối, giống như một người cha giận thằng con là đã không theo nếp nhà mà làm điều bất thiện.
Sau cùng, cách đối đãi trịch thượng với “nhân dân” của Trương Định đã được bày tỏ rõ ràng nhất qua câu cuối bài: “Cho con trẻ dân đen đặng biết”. Hiển nhiên, đối với Trương Định thì những người “nhân dân” thuộc “giai cấp nông dân” mà ông Trần Huy Liệu từng ca ngợi lại chính là “dân đen”, là “con trẻ”. Chứ họ không phải là những người ngang hàng cùng đẳng cấp, hay những người thuộc giai cấp nông dân lãnh đạo mà đã rộng lượng chấp nhận cho Trương Định vào hàng ngũ của họ để cùng nhau chống lại bọn phong kiến và thực dân, như ông Trần Huy Liệu mô tả.
Vì vậy, qua bài “Hịch Quản Định” nói trên, có thể thấy rằng Trương Định chính là một phần tử trong “lực lượng phong kiến” nhà Nguyễn, và chưa hay chẳng bao giờ rời bỏ hàng ngũ đó để làm một cuộc cách mạng “nhân dân” nào cả. Như đã thấy, Trương Định tuyên bố rõ ràng lý do đánh Pháp của ông ta là để thực hiện nghĩa vụ của một thần tử: đó là phải trung quân, phải đền ơn đáp nghĩa cho nhà vua; vì đã từng sống trên đất nhà vua và đã ăn lộc của nhà vua. Chính vì lý do lúc nào cũng đứng trong hàng ngũ phong kiến thống trị như vậy, cho nên Trương Định đã có một cái nhìn và những lời nói hoàn toàn phù hợp với một kẻ chăn dân, đại diện cho triều đình.
Tóm lại, theo như tài liệu xác thực nhất và khả tín nhất về cuộc kháng chiến của Trương Định là bài “Hịch Quản Định”, thì “yêu cầu của thời đại” không phải là “nguyện vọng của nhân dân” như ông Trần Huy Liệu đã khẳng định. Mà ngược lại, nó là sự đáp đền ơn chúa và cứu vớt muôn dân, theo lời tuyên bố của chính Trương Định trong bài hịch.
Ngoài ra, cũng nhờ bài hịch này mà ta còn được chính tác giả Trương Định cho biết rằng lá cờ của ông ta đã đề sẵn bốn chữ “Bình Tây Đại Tướng” rồi, chứ không phải là 8 chữ “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” như hai sử gia họ Trần đã kể. (Người viết sẽ trở lại với chi tiết này trong Phần 3, khi đi tìm nguồn gốc và tác giả của câu này).
Sau cùng, cần chú ý rằng trong cả một bài hịch dài như vậy, mà lại không hề có một dòng chữ nào, hay một ý tưởng nào, nhằm phê phán triều đình hoặc hai vị đại thần Phan, Lâm cả. Và lý do cũng khá đơn giản: đó là vì Trương Định lúc nào cũng vẫn là một phần tử của nhà Nguyễn. Ông ta lúc nào cũng chiến đấu cho triều đình Huế, và đã tuyên bố rõ ràng như vậy trong bài hịch. Đồng thời, ông ta biết rằng Phan Thanh Giản cũng là một thần tử của nhà vua, và cũng tìm cách lấy lại đất đai cho nhà vua, nhưng bằng một đường lối khác.
Cho nên Trương Định không phải và chắc chắn không bao giờ nghĩ rằng mình là người đại diện của giai cấp nông dân để lên án bọn phong kiến và bọn thực dân, bằng cách cho đề tám chữ “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” chồng lên trên lá cờ đã đề sẵn bốn chữ “Bình Tây Đại Tướng” của mình, như ông Trần Huy Liệu đã nói cả.
Dưới đây là ảnh chụp lại bài “Hịch Quản Định” (trích từ: Trần Văn Giáp, “Tài Liệu Mới Về Trương Công Định (1821-1864), Nghiên Cứu Lịch Sử, số 51, (6-1963), pp. 54-57.
CHƯƠNG VII.
HAI BẢN TẤU TRÌNH CỦA VÕ DUY DƯƠNG - TRIỀU ĐÌNH HUẾ PHONG CHO TRƯƠNG ĐỊNH CHỨC “BÌNH TÂY TƯỚNG QUÂN”
Qua hai tài liệu “Lãnh Binh Trương Định Truyện” và “Hịch Quản Định”, nếu để ý kỹ thì ta sẽ thấy có sự khác nhau về chức vị hay danh xưng của Trương Định, sau khi ông ta quyết định ở lại Gò Công để tiếp tục chiến đấu chống Pháp. Theo “Lãnh Binh Trương Định Truyện” của Nguyễn Thông thì Trương Định tự xưng là “Bình Tây Đại Nguyên Soái”. Còn theo “Hịch Quản Định” do Petrus Ký chép thì Trương Định tuyên bố rằng lá cờ của mình đề chữ “Bình Tây Đại Tướng”. Do đó, cùng là “Bình Tây”, nhưng chức vị và chữ “đại nguyên soái” quả có khác với chức vị và chữ “đại tướng”.
Tại sao lại có sự khác biệt như trên, và chức nào là đúng, hay cả hai đều đúng? Theo người viết tìm hiểu thì hình như chưa có tác giả nào đề cập đến sự khác biệt này. Và cách dùng chức danh nói trên của Trương Định trong các bài nghiên cứu lại rất tùy tiện cũng như thiếu sự chính xác, tùy theo tác giả là ai.
Theo ý nghĩa thường dùng thì “nguyên soái” là chữ để chỉ định cho một chức vụ chỉ huy và thống lãnh tất cả một quân đội. Còn “đại tướng” là chức được dùng cho một cấp chỉ huy lớn trong quân đội, nhưng thường chỉ là lãnh đạo một đội quân mà thôi, chứ không phải là lớn nhất quân đội như chức “nguyên soái”. Và theo lịch sử triều Nguyễn thời Tự Đức thì chức quan võ lớn nhất có lẽ là chức “Tổng Thống Quân Vụ Đại Thần” của Nguyễn Tri Phương, khi ông ta thống lãnh đại quân nhà Nguyễn tại đại đồn Chí Hòa, Sài Gòn. Còn chức danh “nguyên soái” hay thậm chí là “đại nguyên soái” như của Trương Định thì người viết chưa nghe thấy và cũng không biết rằng vua Tự Đức đã từng phong chức đó cho ai chưa.
Như vậy, nếu nhà Nguyễn quả tình không có chức vị “đại nguyên soái”, thì danh hiệu “Bình Tây Đại Nguyên Soái” này của Trương Định có nhiều khả năng là do Trương Định tự phong, và bởi ảnh hưởng của truyện Tàu, hoặc bởi các hào kiệt mưu sĩ chung quanh góp ý. Còn chức danh “đại tướng”, hay chính xác hơn nữa, chỉ đơn thuần là chức “tướng quân”, như trong “bình tây tướng quân”, mới chính xác là chức vụ mà triều đình nhà Nguyễn đã phong cho Trương Định.
Bởi theo một bài viết bằng tiếng Pháp để thuật lại nội dung hai bản tấu trình của một lãnh tụ nghĩa quân cùng thời với Trương Định tại Nam Kỳ là Thiên hộ Võ Duy Dương, thì Trương Định đã được triều đình Huế sai một viên quan thị vệ đến tận cứ địa Tân Hòa của ông ta để phong cho ông ta chức vụ“bình tây tướng quân”. Sự kiện này được chứng kiến bởi phó tướng của Võ Duy Dương là Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân, và đã được kể lại trong hai bản tấu trình nói trên.
Một thời gian sau sự kiện này, người Pháp bắt được hai bản tấu trình nói trên của Võ Duy Dương (mà có lẽ là viết bằng chữ Hán), và thuật lại nội dung của chúng trong một bài viết. Trong bài viết đó có đoạn liên quan đến sự kiện Trương Định được phong chức “bình tây tướng quân” như sau:
“Le 7e mois, Dương lança une proclamation invitant les habitants de Định-tường à se lever en masse et à recommencer la guerre.
A cette époque, le phó lãnh binh Trương-Đinh, qui était dans la province de Gia-định, écrivit à Võ-di-Dương pour lui représenter qu’il y avait danger à agir isolément, l’inviter à se joindre à lui et à unir leurs efforts. Il lui assignait, comme lieu d’entrevue, le huyện de Tân-hòa.
Dương envoya, pour régler cet accord, le giáo thọ Nguyễn-hứa-Huần (Nguyễn Hữu Huân), qui se rendit à Tân-hòa où il rencontra le thị vệ Nguyễn-Thi. Celui-ci apportait au quản-Định un message royal qui le nommait: bình tây tướng quân, général en chef des troupes des 3 provinces.
Le giáo thọ Huần retourna aussitôt dans la province de Định-tường. Dương et Huần acceptèrent, le premier, le grade de chánh đề đốc et Huần, celui de phó đề đốc; ils reçurent, l’un et l’autre, le grand et le petit cachet (ấn et truyện) de leur dignité.”[84]
Người viết dịch:
“Tháng 7, Dương làm một bản hiệu triệu kêu gọi dân chúng Định-tường nổi dậy và khởi sự chiến đấu.
Vào thời gian đó, viên phó lãnh binh Trương-Đinh, người trước đây từng ở Gia-định, viết thơ cho Võ-di-Dương và trình bày nỗi hiểm nguy nếu ông ta chỉ làm một mình, và mời ông ta đến cùng nhau họp sức. Ông(Trương Định) phong cho ông ta chức quan huyện Tân-hòa.
Để dàn xếp cho sự đồng ý này, Dương gởi viên giáo thọ Nguyễn-hứa-Huần (Nguyễn Hữu Huân), đến Tân-hòa, nơi ông ta gặp được quan thị vệ Nguyễn Thi. Viên quan này đem đến cho quản-Định một thánh chỉ phong ông ta chức: bình tây tướng quân, chức tướng thống lãnh quân đội của 3 tỉnh.
Viên giáo thọ Huần (Huân) trở về Định-tường ngay sau đó. Dương và Huần (Huân) nhận chức đề đốc và phó đề đốc, cùng với ấn và triện theo chức tước của họ”
Như vậy, theo hai bản tấu trình của Võ Duy Dương thì sau khi lãnh tụ Trương Định bàn việc hợp sức để cùng nhau đánh Pháp với Võ Duy Dương và phong cho ông ta chức tri huyện Tân Hòa, Võ Duy Dương liền gởi người đại diện là Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân, tức “Nguyễn-hứa-Huần” trong văn bản, đến Tân Hòa (Gò Công) là căn cứ địa của Trương Định để bàn về việc ấy. Và tại nơi đó, Thủ Khoa Huân gặp được một viên quan Thị Vệ tên là Nguyễn Thi, người đem thánh chỉ của vua Tự Đức đến Tân Hòa để phong cho Trương Định chức vụ Bình Tây Tướng Quân.
Cũng theo bài viết này thì cả Võ Duy Dương lẫn Thủ Khoa Huân đều được triều đình Huế phong cho chức tước và ban ấn triện trong dịp đó. Võ Duy Dương được phong chức Đề Đốc, còn Thủ Khoa Huân là Phó Đề Đốc. Và theo quan chế nhà Nguyễn đặt ra từ đời Minh Mạng năm 1827 trở về sau, thì chức vụ Đề Đốc là chánh nhị phẩm, còn Phó Đề Đốc là tòng nhị phẩm trong võ giai.
Trong khi chức vụ Bình Tây Tướng Quân nói trên của Trương Định thì người viết không thấy thuộc về phẩm hàm nào trong võ giai. Tuy vậy, phẩm hàm của Trương Định chắc chắn phải cao hơn của Võ Duy Dương, và do đó phải là tòng nhất phẩm hay chánh nhất phẩm. Bởi rõ ràng trong thời gian này thì Võ Duy Dương vẫn còn dưới vai của vị thủ lãnh kháng chiến Trương Định ở Nam Kỳ.
Mặc dù không thấy có phẩm hàm, nhưng chức vị hay danh hiệu “Bình Tây Tướng Quân” là một chức danh đã có tiền lệ trong hệ thống quan chức của triều đình nhà Nguyễn. Trước Trương Định đã có nhiều công thần nhà Nguyễn được phong chức này, như Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Nhân và Lê Văn Duyệt. Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên thì Lê Văn Duyệt đã được phong chức đó như sau: “… Cho Đô thống chế Tả dinh quân Thần sách là Lê Văn Duyệt làm Khâm sai chưởng Tả quân bình Tây tướng quân”.[85] Như vậy, có thể hiểu rằng chức danh “Bình Tây Tướng Quân” ở đây chỉ là một tước hiệu, và không có nhiệm vụ hay trách nhiệm gì rõ ràng.
Nhưng chức danh này lại là danh hiệu chính xác nhất mà triều đình nhà Nguyễn đã phong cho Trương Định, chứ không phải là chức “đại nguyên soái” mà Trương Định đã tự phong cho mình trước đó.
Tóm lại, lúc không đồng ý giải giáp theo lệnh vua sau hòa ước 1862, Trương Định đã tự xưng là “Bình Tây Đại Nguyên Soái” như “Lãnh Binh Trương Định Truyện” của Nguyễn Thông cho biết. Nhưng sau này, có thể là triều đình Huế vì không đồng ý với chức vụ “đại nguyên soái” tự phong đó của Trương Định, nên đã ngầm sai một viên quan thị vệ đến tận căn cứ Tân Hòa để chính thức phong cho ông ta chức “Bình Tây Tướng Quân” - chức vụ mà Trương Định đã nhận lãnh, theo lời kể của Võ Duy Dương. Và cái chức danh “tướng quân” này mới thật sự là gần giống với chức vụ “Bình Tây Đại Tướng” mà chính Trương Định đã từng tuyên bố là do triều đình ban cho, theo lời của bài “Hịch Quản Định”: “cờ đề chữ Bình Tây Đại Tướng”.
Như vậy, với sự thụ lãnh sắc phong và chức tước của triều đình, cùng với việc dùng danh nghĩa triều đình để truyền hịch kêu gọi lòng trung quân ái quốc của hào kiệt ba tỉnh, Trương Định lại một lần nữa cho thấy rằng ông ta chính là một ông quan lớn của triều đình Huế, và tiếp tục là một phần tử quan trọng của giai cấp phong kiến. Chẳng những vậy thôi, mà ông ta còn leo lên đến những bậc thang cuối cùng của quan chế nhà Nguyễn.
Do đó, hai bản tấu trình của Võ Duy Dương chính là một tài liệu xác nhận mối liên hệ mật thiết giữa Trương Định và triều đình Huế sau hòa ước 186, ngay trong thời gian mà đúng ra thì ông ta phải đang giương cao ngọn cờ có tám chữ “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và chiến đấu bên cạnh nhân dân để chống lại phong kiến và thực dân đang câu kết với nhau, theo lời kể của ông Trần Huy Liệu.
Nhưng thay vì làm vậy thì theo tài liệu nói trên Trương Định đã nhận lãnh chức vụ “Bình Tây Tướng Quân” mà triều đình phong cho. Để rồi sẽ hãnh diện đề nó trên lá cờ của mình. Để rồi sẽ tuyên cáo với bá tánh trong bài hịch của mình, rằng: “Cho con trẻ dân đen đặng biết”.
CHƯƠNG VIII.
NHỮNG THƯ TỪ VÀ TUYÊN NGÔN CỦA TRƯƠNG ĐỊNH BẰNG TIẾNG PHÁP
Như đã thấy, bài “Hịch Quản Định” là một tài liệu hiếm hoi, nếu không muốn nói là tài liệu hay tác phẩm duy nhất làm bằng tiếng Việt của Trương Định mà còn tồn tại đến ngày nay. Tuy vậy, khi đọc những bài viết của các sử gia miền Bắc về Trương Định, do sự chú thích không rõ ràng của họ nên nhiều lúc người đọc có cảm tưởng rằng Trương Định đã lưu lại rất nhiều văn thư bằng tiếng Việt. Thật ra, những tài liệu văn thư được cho là của Trương Định nói trên đều là những văn bản bằng tiếng Pháp đã được dịch ra tiếng Việt, nhưng các sử gia miền Bắc lại không hề chịu chú thích như vậy, mà chỉ viết như thể Trương Định đã nói và viết ra những văn thư này bằng tiếng Việt. Đó là chưa kể đến việc những sử gia này đã dịch thiếu hay dịch sai những văn bản bằng tiếng Pháp được cho là của Trương Định nói trên.
Nhưng những văn bản bằng tiếng Pháp này lại chính là nguồn tài liệu quan trọng nhất về Trương Định mà các sử gia miền Bắc, đặc biệt là những người giỏi tiếng Pháp như ông Trần Văn Giàu, đã dịch ra tiếng Việt, để sử dụng cho các bài vở sách báo của mình. Và họ lại không bao giờ đưa nguyên văn tiếng Pháp của các văn bản này ra, để cho người đọc có thể dùng mà đối chiếu với bản dịch.
Do đó , trong chương VIII dưới đây, người viết sẽ giới thiệu với bạn đọc những văn bản chính gốc bằng tiếng Pháp, mà đã được cho là của Trương Định. Để từ đó bạn đọc có thể thấy rằng mối liên hệ giữa Trương Định và các lực lượng cùng thời khác xa với câu chuyện đã được kể lại về câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” của hai sử gia họ Trần.
A. Hai Lá Thư Của Trương Định Ngay Sau Hòa Ước 1862 - Quan Hệ Giữa Trương Định Với Nghĩa Quân Và Với Phan Thanh Giản
Nếu có một người Pháp nào mà biết rõ về Trương Định nhất và gom góp được nhiều tài liệu về Trương Định nhất, thì đó chính là Paulin Vial, người đã được người viết nói đến trong chương IV. Ông này đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến giữa Pháp và nhà Nguyễn tại Nam Kỳ. Ông ta từng chiến đấu tại khắp chiến trường Nam Kỳ, và từng bị mang thương tích ở mắt do nghĩa quân gây ra.
Paulin Vial có viết một bộ sách tên là “Les premières années de la Cochinchine, colonie française” để kể lại một cách rất chi tiết về những năm đầu của Pháp tại Nam Kỳ. Và trong bộ sách này, Trương Định đã được Paulin Vial dành cho rất nhiều trang giấy. Những thư từ, hịch văn của Trương Định đều được Paulin Vial chép lại trong sách; và đương nhiên đó là những văn bản bằng (hay đã được dịch ra) tiếng Pháp. Phải nói rằng chính nhờ bộ sách nói trên của Paulin Vial mà những tài liệu hiếm hoi về/của Trương Định mới còn được tồn tại cho đến ngày nay. Và các tác giả người Việt nghiên cứu về Trương Định tại hai miền Nam Bắc, dù ở phương diện nào hay có lập trường nào, cũng vẫn phải dùng đến những tài liệu nói trên của Paulin Vial.
Trong số những thư từ của Trương Định được Paulin Vial cho đăng trong bộ sách trên, có hai lá thư mà Trương Định gửi cho một người “Annam” đang làm việc cho Pháp. Người này, theo các nhà nghiên cứu tiền bối thì chính là Tôn Thọ Tường[86]. Và hai lá thư nói trên đã được viết ngay sau hòa ước 1862, khi Trương Định nhận lệnh giải giáp của triều đình. Hai lá thư đó dẫu ngắn nhưng lại là những tài liệu hiếm hoi cho biết tâm trạng và hoàn cảnh của Trương Định trong thời gian này ra sao.
Lá thư đầu tiên được viết vào ngày 12 tháng 8 (ngày và tháng theo âm lịch, tức vào khoảng tháng 9 năm 1862). Bản nguyên văn lá thư bằng tiếng Pháp (mà có lẽ đã được dịch ra tiếng Pháp chứ không phải được viết bằng tiếng Pháp) đã được Paulin Vial chép lại như sau:
“Les milices me retiennent et ne veulent pas me a laisser aller occuper mon poste à An-giang. Le mois précédent j’ai reçu une lettre du gouverneur de Vinh-long prescrivant de remettre les armes entre les mains des phus et des huyêns français, mais les quâns ne veulent pas les rendre; ils disent qu’elles ne leur ont pas été données par les mandarins français. Nous abandonnerons Gocong. J’attends que de Vinh-long on fasse prendre les armes. Ma position est très-difficile.”[87]
“Những quân sĩ đã giữ tôi lại và không muốn cho tôi đến nhậm chức tại An-giang. Hồi tháng trước tôi có nhận được một lá thư từ quan Tổng Đốc Vĩnh Long (Vinh-long) ra lệnh rằng các vũ khí phải được giao lại cho các quan phủ (phus) và huyện (huyens) của Pháp, nhưng những quân (quans) lính không muốn giao; họ nói rằng những vũ khí đó không phải là của các quan Pháp giao cho họ. Chúng tôi sẽ bỏ Gò Công (Gocong). Tôi đang chờ phía Vĩnh Long lấy lại vũ khí. Tình cảnh của tôi thật là khó khăn.”[88]
Rồi chỉ bốn ngày sau, tức là vào ngày 16 tháng 8 âm lịch, Trương Định lại gửi một lá thư khác đến người bạn Annam đó, như sau:
“Mes milices ne veulent pas me laisser partir. Je suis dans une grande perplexité. En temporisant encore, je réunirai mes soldats et je pourrai prendre alors une décision. Je n’ai pas assez de prétentions pour vouloir me laisser instituer général en chef. Je crains la colère du vice-grand-censeur (Phan-tan-giang), et je ne sais si l’amiral me fera grâce après ma soumission. D’autre part, si je ne pas ce que veulent les quâns et les dôis, ils me feront périr…”
“Những quân lính của tôi không cho tôi đi. Tôi đang ở trong một sự bối rối rất lớn. Trong khi chờ đợi, tôi sẽ họp quân lính của tôi lại và quyết định. Tôi không tự phụ đến mức cho phép tôi lên làm chức đại tướng quân (đại nguyên soái?). Tôi sợ cơn giận của quan Hiệp Biện Đại Học Sĩ (Phan-tan-giang) (Phan Thanh Giản), và tôi không biết rằng quan đề đốc (Bonard) sẽ tha thứ cho tôi hay không sau khi tôi quy phục. Mặt khác, nếu tôi không làm những gì mà các quân (quâns) lính và đội (dôis) muốn, họ sẽ tiêu diệt tôi …” [89]
Như vậy, qua hai lá thư trên của Trương Định, có thể thấy là những sự việc sau hòa ước 1862 đã diễn ra đúng như những gì Nguyễn Thông viết trong “Lãnh Binh Trương Định Truyện”. Quan trọng hơn hết, Trương Định thú nhận với người bạn Annam của ông ta rằng sau khi nhận được lệnh của Phan Thanh Giản kêu gọi giao trả vũ khí và đi nhận chức mới ở An Giang, thì ông ta lâm vào một tình trạng rất khó xử. Một đàng thì ông ta có ý muốn giao vũ khí và đi nhận chức mới ở An Giang, bởi như trong thư có nói, Trương Định không ham làm đại tướng quân, và cũng không dám chọc giận Phan Thanh Giản. Nhưng đàng khác, Trương Định lại cho biết rằng ông ta thực sự không có chọn lựa, vì ông ta đang ở trên lưng cọp. Nếu bỏ quân lính mà đi, thì họ sẽ giết ông ta ngay tức khắc.
Như vậy, qua hai lá thư gửi cho người bạn Annam làm việc cho Pháp nói trên, có thể thấy được sự suy tính trước một tình trạng cực kỳ khó khăn của Trương Định. Bên cạnh đó, ta cũng thấy được mối quan hệ giữa ông và những quân sĩ của ông, cũng như với quan đại thần Phan Thanh Giản. Theo hai lá thư, mối quan hệ giữa Trương Định và những thuộc hạ của ông ta không phải là một sự đoàn kết gắn bó, mà thật ra thì Trương Định đã phải cẩn thận đề phòng với những người này. Bởi Trương Định biết và nói rõ ra rằng nếu ông ta bỏ họ mà đi, thì họ sẽ thủ tiêu ông ta ngay lập tức.
Ngoài ra, Trương Định còn cho thấy rằng ông ta không phải là một kẻ hám danh hay bốc đồng, mà chính là một người tính toán rất cẩn thận. Vì thế, Trương Định đã phải liên lạc với người bạn Annam đang làm việc với Pháp để thăm dò thêm một con đường khác, ngoài hai chọn lựa là ở lại chiến đấu hoặc ra đi nhậm chức. Và con đường thứ ba đó chính là về đầu hàng Pháp! Như Trương Định đã nói trong thư, ông ta không biết rằng liệu đề đốc (Bonard) có chịu tha thứ hay không, nếu ông ta về quy phục. Rất có thể rằng người bạn Annam nói trên chính là người đã khởi sự dụ hàng Trương Định trước đó, và đây là lời đáp trả của ông ta. Nhưng dù là vậy đi nữa, có thể thấy rằng Trương Định quả tình đã có suy nghĩ đến con đường về hàng Pháp.
Sau cùng, có thể thấy rằng Trương Định rất nể sợ vị quan đại diện triều đình và cũng là vị tiến sĩ đầu tiên ở Nam Kỳ, Phan Thanh Giản. Trong lá thư trên, Trương Định đã kêu đúng chức vụ của Phan Thanh Giản là Tổng Đốc Vĩnh Long, cũng như kêu đúng phẩm hàm của ông là Hiệp Biện Đại Học Sĩ (Vice-Grand-Censeur). Và Trương Định cũng nói thẳng với người bạn Annam của mình là ông ta rất sợ cơn thịnh nộ của Phan Thanh Giản.
Do đó, bên cạnh việc luôn luôn nhìn nhận là mình đang phụng sự cho nhà vua như đã trình bày trong hai chương trên, Trương Định còn tỏ ra rất kiêng nể vị đại thần xuất thân từ Nam Kỳ là Phan Thanh Giản. Và trong khi đó thì ông ta lại có một sự e dè phòng ngự với chính những quân sĩ và thuộc hạ của mình. Cho nên, thật khó mà tưởng tượng ra rằng ngay sau đó thì Trương Định lại quay ra tuyên bố và cho đề tám chữ “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” lên lá cờ khởi nghĩa của mình, để nói lên tiếng nói của “nhân dân” và nông dân trong cuộc đấu tranh giai cấp chống lại lực lượng phong kiến câu kết với thực dân Pháp, như các sử gia miền Bắc đã viết.
B. Tuyên Ngôn Của Trương Định Với Các Quan Vĩnh Long Năm 1863 - Quan Hệ Với Phan Thanh Giản Và Triều Đình
Thế nhưng chỉ khoảng bốn tháng sau khi viết hai lá thư nói trên thì Trương Định lại viết một lá thư khác vào tháng 1 năm 1863, với tựa đề là “Tuyên Ngôn Của Trương Định Với Các Quan Vĩnh Long” (Déclaration de Truong Dinh aux mandarins de Vinh Long). Đây là một lá thư mà Phan Thanh Giản đã chuyển giao cho tư lệnh quân đội Pháp lúc bấy giờ là đề đốc Bonard, nhằm giải thích lý do tại sao những lực lượng kháng chiến của nhà Nguyễn như Trương Định lại chưa chịu giải giáp theo điều 11 của hòa ước 1862. Và lá thư “tuyên ngôn” này cho thấy rằng giọng điệu và thái độ của Trương Định khác hẳn với hai lá thư mà ông gửi riêng cho người bạn Annam chỉ bốn tháng trước đó.
Lá thư “tuyên ngôn” nói trên đã được Paulin Vial trích đăng một đoạn trong sách, để cho thấy rằng Trương Định giờ đây tuyên bố tiếp tục chiến đấu chống Pháp, thay vì có một thái độ hòa hoãn hơn như khi viết hai lá thư cho người bạn Annam trước đó. Nhưng Vial lại tin rằng lá thư này đã được viết bởi triều đình Huế, chứ không phải do Trương Định.[90]
Năm 1971, tờ Tập San Sử Địa ở Sài Gòn đã cho đăng trọn vẹn lá thư này bằng tiếng Pháp, như đã được sao chép lại bởi ông Bùi Quang Tung tại Pháp.[91] Và cũng trong số báo này là bài dịch lá thư đó ra tiếng Việt, của ông Nguyễn Ngọc Cư.[92]
Đây là một tài liệu mà nhiều nhà nghiên cứu sau này về Trương Định thường trích dẫn một vài câu hay một đoạn ngắn trong đó để chứng minh cho quyết tâm chống Pháp và cắt đứt quan hệ với triều đình của Trương Định. Trong số đó, phải kể đến hai ông sử gia họ Trần. Nhưng điều đáng nói là bản dịch lá thư trên của ông Trần Văn Giàu lại rất tệ hại và sai lạc hoàn toàn với nguyên văn tiếng Pháp. Mà ông Trần Huy Liệu dưới bút hiệu Hải Thu thì lại rất hoan hỉ sử dụng những câu dịch sai nguyên văn đó của ông Trần Văn Giàu, để chứng minh cho tinh thần quyết đánh Pháp tức “nguyện vọng của nhân dân” ta trong thời gian này. Thí dụ như câu dịch “lôi địch đằng Đông, kéo địch đằng Tây” mà ông Trần Huy Liệu rất đắc ý, như sẽ thấy.
Cần chú ý rằng khác với hai lá thư gửi cho người bạn Annam bốn tháng trước, lá thư hay bản “tuyên ngôn” này của Trương Định đã đến tay Đề Đốc Bonard qua sự chuyển giao của người đại diện cho triều đình Huế để thương thuyết hòa ước 1862 với Pháp, và cũng là người đang cố gắng dùng chính sách ngoại giao để lấy lại Vĩnh Long cho nhà Nguyễn theo điều số 11: Phan Thanh Giản. Vì vậy, nghi vấn đã được đặt ra bởi Paulin Vial về tác giả thật sự của lá thư không phải không có lý do, nếu không muốn nói là rất hợp lý. Và nếu đọc kỹ lá thư tuyên ngôn được cho là của Trương Định này, ta sẽ thấy có thêm nhiều vấn đề cần được đặt ra về nó.
Để tiện việc theo dõi và so sánh, người viết sẽ chép lại nguyên văn lá thư bằng tiếng Pháp dựa theo ảnh chụp nguyên bản lấy từ phần phụ lục trong cuốn “Phan Thanh Gian, Patriote et Précurseur du Vietnam Moderne” (Document Annexe 10b) của bà Phan Thị Minh Lễ. Người viết sẽ giữ lại hoàn toàn nguyên văn những “lỗi chính tả” tiếng Việt trong lá thư này. Rồi tiếp theo đó là bản dịch ra tiếng Việt của người viết, cũng dựa theo đúng cấu trúc và nguyên văn của lá thư.
“Le Généralissime des rebelles valeureux, le pacificateur des occidentaux, général en chef Trưong Dinh, et le pacificateur des occidentaux général en second, Trâm-Tóan, aussi que les differens chefs de Troupes,
Adressent une déclaration aux mandarins de Vinh-Long:
Depuis la 12ème année Tu-Duc (1858) que les barbares de l’occident sont venus dans ce pays, ils n’ont cessé de combattre et se sont successivement emparés des trois provinces de Gia-Dinh, de Dinh-Tuong et de Bien-hoa. Le peuple de ces trois provinces a éprouvé toutes sortes de calamités, mais ses plaintes ont toujours été inutiles et son état n’a pu changer, car toujours il a été vaincu.
Plus tard a eu lieu un traité conclu avec la dynastie annamite, et ce traité n’a fait qu’augmenter la colère et le désespoir du peuple des trois provinces.
Nous appelâmes alors à nous les anciens mandarins et les engageâmes à lever des troupes, chacun de leur côté et sur les divers territoires; on arriva de la sorte à réunir parmi le peuple une milice de plusieurs fois 10,000 hommes, et l’argent volontaire, qui fut offert, ne s’est pas élevé à moins de 1,000,000. tout le monde a partout été très heureux de contribuer, soit en argent, soit en hommes pour combattre les brigands, chaque fois que nous avons eu des engagemens avec eux, il y a eu de part et d’autres des morts et des blessés, aussi nous ne les craignons pas.
Depuis que deux hauts dignitaires annamites, en se conformant aux ordres du Roi, ont conclu un traité par lequel les trois provinces sont cédées aux brigands, le peuple de ces tres provinces désirant très vivement revenir à sa condition première, nous a mis à sa têtes. Nous ne pouvons donc ne pas faire ce que nous faisons, c’est pourquoi nous sommes prêts à la guerre, et à l’Orient comme à l’Occident, nous nous opposerons et nous combattrons et finirons bien par abattre la force de ces brigands.
Les habitants des trois provinces se disent entr’eux que si les brigands veulent qu’on leur rachète les 3 provinces, ils n’ont qu’à dire combien ils veulent de 10,000 piastres donc les leur donnera - que s’il faut absolument que ces trois provinces soient séparées du royaume, nous préférons plutôt mourir, disent-ils, qu’être jamais les sujets des brigands.
Si par la voie des trams, il vient quelque envoyé de la capitale, ou bien si vous expédiez quelque dépêche ayant pour but la reddition des trois provinces, nous permettrons ces communications, mais pour peu que vous parliez de maintenir ce qui a été fait en cédant une partie du territoire et en venant à l’aide des soldats de ces brigande, alors nous nous opposerons aux ordres du gouvernement et certainement il n’y aura plus de paix ni de trêve entre vous et nous, et vous n’aurez plus alors le droit d’être surpris des évènements
C’est dans ce but que nous vous adressons cette déclaration.
Tu Duc 15ème année, 28ème jour, 11ème mois (17 Janvier 1863)
Les deux cachets réunis du pacificateur général en chef et du deuxième pacificateur général en sous-ordre.
Pour copie conforme
Le Vice-Amiral, Gouverneur et Commandant en chef
signé BONARD
Extrait Asie tome 29, Archives du Ministère des Affaires Étrangères, Paris”[93]
_________________________________________
Thống lãnh nghĩa dõng quân, Bình Tây Đại Tướng Trương Định (Truong Dinh), và Bình Tây Phó Tướng, Trâm-Tóan, cùng các thủ lãnh những đạo quân khác,
Gởi một tuyên ngôn đến các quan ở Vinh-Long:
Kể từ năm Tự Đức thập nhị niên (1858) khi mà lũ di địch từ Tây Dương tới nước này, chúng không ngừng đánh phá và liên tiếp chiếm ba tỉnh Gia-Dinh, Dinh-Tuong và Bien-hoa. Những người dân của ba tỉnh này phải chịu đủ loại tai ương, nhưng những lời than trách của họ thường là vô ích và tình trạng của họ không hề thay đổi, vì lúc nào họ cũng bị thua.
Sau đó một hòa ước được ký kết với triều đình Annam, và hòa ước này chỉ làm tăng thêm cơn giận dữ và sự thất vọng của người dân ba tỉnh.
Chúng tôi liền kêu gọi tất cả những quan lại cũ và khuyến khích họ chiêu mộ quân sĩ, mỗi người một đạo quân và ở khắp mọi lãnh thổ; bằng cách này họ đã thành công trong việc tập hợp được một đạo dân quân đông gấp mấy lần 10,000 người, và số tiền tự nguyện được tặng không ít hơn 1,000,000. Mọi người mọi nơi đều rất vui lòng đóng góp, hoặc bằng tiền bạc, hoặc bằng sức người cho việc đánh giặc, mỗi lần chúng tôi đụng độ với chúng, cả hai bên đều có người chết và bị thương, thành ra chúng tôi không hề sợ chúng.
Từ khi hai vị đại thần Annam, tuân theo mệnh lệnh của nhà vua, ký kết một hòa ước mà theo đó ba tỉnh bị nhường cho giặc, người dân của ba tỉnh đó rất nóng lòng muốn trở về tình trạng ngày xưa, đưa chúng tôi lên làm đầu cho họ. Cho nên chúng tôi không thể không làm những gì đang làm, đó là sẵn sàng cho chiến tranh, và ở bên Đông cũng như bên Tây, chúng tôi sẽ đối địch và chúng tôi sẽ chiến đấu và cuối cùng chúng tôi sẽ đập tan lực lượng quân giặc.
Cư dân của ba tỉnh nói với nhau rằng nếu bọn giặc muốn chúng ta chuộc lại ba tỉnh từ chúng, thì chúng chỉ cần nói muốn bao nhiêu vạn (10.000) đồng bạc rồi chúng ta sẽ đưa cho - còn nếu như ba tỉnh nhứt định phải bị cắt lìa ra khỏi vương quốc, thì chúng ta thà chết, họ nói, còn hơn làm dân của bọn giặc.
Nếu do phương tiện đường tram (trạm) có sứ giả từ kinh đô tới, hoặc nếu các ông gởi thông báo về việc trả lại ba tỉnh, thì chúng tôi sẽ cho qua những thông tin đó, nhưng một khi các ông nói về việc giữ chuyện đã rồi là cắt nhượng một phần lãnh thổ và giúp đỡ cho quân lính của bọn giặc, thì chúng tôi sẽ chống lại những lệnh của chánh phủ và chắc rằng sẽ không còn sự hòa bình hay hưu chiến giữa các ông và chúng tôi, và các ông sẽ không còn có quyền ngạc nhiên bởi những sự việc.
Vì mục tiêu đó chúng tôi gởi cho các ông tuyên ngôn này.
Tự Đức thập ngũ niên, nhị thập bát nhật, thập nhất nguyệt (17 tháng 1, 1863)
Bình Tây Đại Tướng và Bình Tây Phó Tướng đồng ấn ký
Sao y chánh bản
Hải Quân Đề Đốc, Thống Đốc kiêm Nguyên Soái
Ký tên Bonard
Trích Á-châu (Asie) tập 29, Văn Khố Bộ Ngoại Giao, Paris
Như đã nói trên, lá thư “tuyên ngôn” này của Trương Định được biết đến qua một bản sao bằng tiếng Pháp. Và không biết là nó đã được viết bằng tiếng Pháp, hay đã được dịch ra Pháp Văn từ tiếng Việt. Nhưng điều chắc chắn là nó đã được chuyển giao cho người Pháp từ một người đại diện của triều đình với trách nhiệm thi hành điều số 11 của hòa ước 1862 là giải giáp những lực lượng kháng chiến nhà Nguyễn tại Gia Định và Định Tường - trong số đó có lực lượng quan trọng nhất của Trương Định ở Gò Công. Người đại diện đó chính là Phan Thanh Giản. Và như đã giải thích trong chương IV, Phan Thanh Giản có trách nhiệm phải chứng minh với đề đốc Bonard rằng bên nhà Nguyễn đã nghiêm chỉnh thi hành điều ước này, do đó bên Pháp phải trả lại Vĩnh Long cho nhà Nguyễn.
Vì lý do trên, Phan Thanh Giản cần phải giải thích với phía Pháp là tại sao những lực lượng kháng chiến như Trương Định vẫn chưa giải tán. Ông cần phải cho Pháp thấy là Trương Định không chịu nghe lệnh của triều đình, mặc dù triều đình đã khuyến dụ rất rõ ràng về việc này.
Cho nên lá thư “tuyên ngôn” nói trên của Trương Định đã được Phan Thanh Giản chuyển cho Bonard để giải thích và cũng để chứng minh rằng Trương Định không chịu nghe lệnh của ông và triều đình, chứ không phải là Phan Thanh Giản đã không kêu gọi Trương Định buông súng.
Và người Pháp đương nhiên không tin rằng lá thư này là do chính Trương Định viết để “tuyên ngôn” với “các quan tỉnh Vĩnh Long”, cũng như không tin rằng Trương Định đã tự động chống Pháp một cách độc lập với triều đình Huế, vì có quá nhiều bằng chứng đi ngược lại điều đó. Nhưng ở đây, bài viết này không có mục đích đi sâu vào những bằng chứng nói trên. Mà người viết chỉ muốn khảo sát lá thư tuyên ngôn bằng tiếng Pháp này của Trương Định, để so sánh lại với câu chuyện chung quanh câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, như đã được kể bởi hai ông sử gia họ Trần mà thôi.
Do đó, dưới đây là những điểm chính cho thấy sự khác biệt giữa lá thư “tuyên ngôn” của Trương Định và câu chuyện chung quanh câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” của hai ông sử gia họ Trần:
1. Kính Trọng Phan Thanh Giản
Trước hết, nếu chấp nhận rằng đây là một lá thư do chính Trương Định chấp bút, thì rõ ràng là ông ta đã giữ đầy đủ sự kính nể hay tôn trọng đối với triều đình Huế và với vị đại thần Phan Thanh Giản. Có thể thấy rằng cả lá thư không có một chữ nào để trách móc triều đình Huế, đừng nói chi đến những từ ngữ như “bỏ dân”. Tương tự như vậy, toàn thể lá thư không có một lời trách móc hai ông đại thần Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp, mà chỉ toàn là những câu mắng chửi bọn “giặc” đã tạo ra sự khốn khổ cho người dân ba tỉnh ra sao. Do đó, không hề có một ý niệm nào để lên án Phan Thanh Giản là “bán nước” hay “mãi quốc” trong lá thư trên.
Ngược lại, lá thư còn cho thấy một sự tôn trọng Phan Thanh Giản rõ rệt của Trương Định.
Trước nhất, trong lá thư này Trương Định gọi Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp là hai vị “đại thần”, tức “deux hauts dignitaires”, chứ không phải cách kêu xách mé theo kiểu “Phan Lâm” trong câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Còn theo câu chuyện của hai sử gia họ Trần thì Trương Định và nghĩa quân của ông ta lúc đó đã coi Phan Thanh Giản là tội nhân và đã lên án bán nước cho ông rồi. Thì có đâu mà trong bản “tuyên ngôn” gửi cho Phan Thanh Giản nói trên, lãnh tụ kháng chiến Trương Định lại phải trang trọng kêu Phan Thanh Giản là một “vị đại thần”?
Rồi chẳng những vậy thôi, mà lá thư này còn rõ ràng bênh vực hay biện minh cho hành động ký kết hòa ước 1862 của Phan Thanh Giản. Rằng ông làm việc đó là do “tuân theo mệnh lệnh của nhà vua”, chứ không phải do tự ý. Tức là lá thư tuyên ngôn nói trên đã dồn hết trách nhiệm cho vua Tự Đức về việc cắt đất cho Pháp, khi nói rằng đó là lệnh của nhà vua. Mà nếu như vậy thì rõ ràng là Trương Định đã biện hộ cho Phan Thanh Giản trong thư- rằng vị đại thần này hoàn toàn không có trách nhiệm gì hết trong việc cắt đất giảng hòa của triều đình!
Tóm lại, lá thư tuyên ngôn nói trên nếu thật sự là của Trương Định thì chẳng những đã không hề buông lời trách móc Phan Thanh Giản, mà còn tỏ ra kính trọng ông đại thần này hết mực. Do đó, nếu chấp nhận rằng lá thư tuyên ngôn là do chính tay Trương Định viết, và nó thật sự phản ánh tư tưởng và thái độ của ông ta đối với triều đình, nhất là đối với Phan Thanh Giản, thì ta sẽ thấy rằng nó hoàn toàn trái ngược với câu chuyện chung quanh câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” của hai sử gia họ Trần.
2. Tác Giả Lá Thư Là Triều Đình Huế
Tuy nhiên, nội dung lá thư này cho thấy là nó không phải được viết bởi Trương Định, và cũng không phải để gửi cho Phan Thanh Giản. Mà nó chính là một lá thư của triều đình nhà Nguyễn gửi cho đề đốc Bonard của Pháp - dưới một sự ngụy trang khá ư vụng về.
Trước nhất, phải nhớ rằng mục đích của lá thư “tuyên ngôn” nói trên là để chứng minh cho Pháp thấy rằng Trương Định không có, hay không còn liên hệ gì đến nhà Nguyễn nữa. Như đã giải thích trong chương IV, điều số 11 của hòa ước 1862 giao hẹn rằng Pháp sẽ trả lại tỉnh thành Vĩnh Long cho bên Annam nếu nhà vua Annam giải tán các lực lượng kháng chiến ở Gia Định và Định Tường mà do chính nhà vua đã từng ra lệnh dấy động. Cho nên Phan Thanh Giản, người đại diện cho nhà Nguyễn trong việc ký kết hòa ước, và bây giờ là người thi hành điều khoản này, cần phải chứng tỏ cho Bonard thấy rằng ông đã cố gắng thi hành điều đó, qua việc viết thư kêu gọi Trương Định giải giáp. Nhưng rồi Trương Định không chịu nghe lệnh và đã viết lá thư “tuyên ngôn” như trên để nói ra lý do cho sự bất tuân này. Vì vậy, Phan Thanh Giản đã phải chuyển giao lá thư tuyên ngôn của Trương Định đến cho Bonard để chứng minh điều đó.
Có thể thấy rằng trong thời gian đó nhà Nguyễn muốn theo đuổi cả hai phương pháp ngoại giao và quân sự để lấy lại lãnh thổ vừa mất. Cho nên một mặt thì để Phan Thanh Giản sử dụng phương sách ngoại giao và uy tín cá nhân của ông để thúc đẩy Bonard, còn một mặt thì vẫn ngấm ngầm ủng hộ Trương Định dùng biện pháp quân sự tiếp tục kháng chiến để tạo áp lực với Pháp.
Nhưng nếu đi theo đường lối ngoại giao để lấy lại Vĩnh Long theo điều 11 của hòa ước 1862 thì nhà Nguyễn phải chứng minh với phía Pháp rằng người lãnh tụ kháng chiến ở Nam Kỳ là Trương Định đã tự xưng làm “đại nguyên soái”, đã lên tiếng phủ nhận mọi liên hệ, và đã tuyên bố là không nhận được sự trợ giúp nào từ triều đình. Ngoài ra, lại còn phải nói rõ như trong thư là tiền bạc và nhân lực của kháng chiến đều do dân chúng đóng góp mà ra.
Và điều rất vô lý ở đây là tại sao Trương Định không tuyên bố những lý do trên với người Pháp hay với triều đình Huế - những lực lượng chủ chốt trong cuộc chiến? Mà lại đi tuyên bố với … các quan tỉnh Vĩnh Long? Tại sao vẫn phải gọi Phan Thanh Giản là đại thần? Tại sao lại biện hộ cho Phan Thanh Giản về việc cắt đất? Những điểm trên cho thấy một sự mắc mứu không thông của lá thư “tuyên ngôn” này. Bởi một mặt thì nó tuyên bố rằng không dính dáng chi đến triều đình, nhưng mặt khác thì lại cho thấy rằng tác giả vẫn còn không dám … khi quân, vẫn không dám tuyên bố độc lập với nhà Nguyễn. Và đó là lý do mà tại sao ta lại có một lá thư “tuyên ngôn” nửa vời theo kiểu “từ con” như vậy.
Do đó, nội dung lá thư này cho thấy rằng nó đã được viết ra để biện minh với Pháp lý do tại sao Phan Thanh Giản không thể giải giáp lực lượng Trương Định theo điều số 11 của hòa ước 1862. Vì thế, nó đã được viết ra cho người đọc là Bonard chứ không phải Phan Thanh Giản hay các quan ở tỉnh Vĩnh Long. Và điều chắc chắn là Phan Thanh Giản đã có đóng góp hay chính là đạo diễn cho lá thư này. Bởi nếu lá thư được viết cho Phan Thanh Giản, hay được dùng để tuyên bố với Phan Thanh Giản, thì không lý gì nó lại đi trần tình với chính đương sự rằng “từ khi hai vị đại thần Annam, tuân theo mệnh lệnh của nhà vua”. Tức là nó đem kể lại cho Phan Thanh Giản nghe những chuyện mà chính ông đã làm, qua lời Trương Định! Ấy là chưa kể tới việc lá thư còn lên tiếng bênh vực Phan Thanh Giản và đổ hết trách nhiệm về việc mất đất cho vua Tự Đức.
Kế đến, tuy lá thư được viết như là một “tuyên ngôn” của nghĩa quân Trương Định với các quan lại tỉnh Vĩnh Long, nhưng toàn thể lá thư lại cho thấy rằng đó là một lời kêu gọi hay thuyết phục người Pháp hãy đồng ý cho nhà Nguyễn chuộc lại ba tỉnh miền Đông. Rõ ràng và lộ liễu nhất là câu “Cư dân của ba tỉnh nói với nhau rằng nếu bọn giặc muốn chúng ta chuộc lại ba tỉnh từ chúng, thì chúng chỉ cần nói muốn bao nhiêu vạn (10.000) đồng bạc rồi chúng ta sẽ đưa cho”. Nghĩa là câu này đã mượn lời của dân chúng ba tỉnh để nói thẳng với người Pháp rằng: “các ông muốn bao nhiêu tiền thì cứ nói, chúng tôi sẽ trả để chuộc lại ba tỉnh”! Và như vậy thì đó chính là một câu gợi ý cho người Pháp, chứ hoàn toàn chẳng có nghĩa lý gì khi được đem ra “tuyên bố” với các quan tỉnh Vĩnh Long.
Rồi tiếp theo cho sự gợi ý chuộc đất nói trên, lá thư còn nhắc đi nhắc lại rằng nhân dân ba tỉnh miền Đông muốn “trở lại tình trạng cũ”, tức là muốn trở lại làm dân nhà Nguyễn! Rồi lá thư phô trương sức mạnh về nhân lực cũng như về tài chánh của phe mình, để đi đến tuyên bố rằng: “còn nếu như ba tỉnh nhứt định phải bị cắt lìa ra khỏi vương quốc, thì chúng ta thà chết, họ nói, còn hơn làm dân của bọn giặc.” Câu văn này tuy bề ngoài có vẻ như để hăm dọa quân Pháp, nhưng thật sự thì lại hớ hênh để cho thấy rằng người được hưởng lợi chính là triều đình nhà Nguyễn, khi nó nói rằng người dân ba tỉnh muốn trở lại tình trạng như xưa, trước khi người Pháp tới.
Sau cùng, lỗi lầm rõ rệt nhất của lá thư là ở đoạn cuối, khi tác giả Trương Định viết về vấn đề thư từ bằng đường trạm phải đi qua vùng đất của ông ta. Theo đó, nếu là thư của triều đình, hoặc của các quan Vĩnh Long, mà nói về việc lấy lại ba tỉnh, thì Trương Định cho qua. Còn nếu thư đó nói về việc đã rồi, là hòa ước và việc thi hành hòa ước, thì ông ta sẽ chống lại.
Như vậy, đoạn thư cuối này đồng nghĩa với việc Trương Định đã tạo cho Phan Thanh Giản một lý do để giải thích với Bonard rằng tại sao Phan Thanh Giản không thể kêu gọi Trương Định giải giáp được nữa. Đó là vì như đoạn thư này tuyên bố, bất cứ khi nào Phan Thanh Giản muốn nói tới việc giải giáp thì Trương Định sẽ chống lại và không nhận thư từ. Ngược lại, chỉ khi nào Phan Thanh Giản muốn nói về chuyện lấy lại ba tỉnh hoặc thông báo về tin tức của triều đình thì Trương Định mới cho qua. Nghĩa là Trương Định không chịu nghe chuyện giải giáp, nhưng lại rất chịu nghe chuyện chuộc đất!
Ngoài ra, lá thư còn có những điều hớ hênh nho nhỏ khác, mà nếu để ý sẽ thấy. Thí dụ như câu:”sẽ không còn sự hòa bình hay hưu chiến giữa các ông và chúng tôi”. Với câu trên, tác giả lá thư ký tên Trương Định này có lẽ đã quên rằng ông ta đang viết cho các quan tỉnh Vĩnh Long, chớ không phải cho người Pháp! Vì lực lượng Trương Định và quan quân nhà Nguyễn có bao giờ đánh nhau đâu mà cần nói đến việc hòa giải hoặc hưu chiến giữa hai bên? Cuộc chiến từ trước đến nay hiển nhiên vẫn là giữa Trương Định và Pháp. Cho nên, một lần nữa, có thể thấy rằng đây chính là một câu để dành cho người Pháp đọc, cũng như cả lá thư “tuyên ngôn”. Và mục đích chính của nó là sự đối thoại và thuyết phục người Pháp phải trả đất cho nhà Nguyễn. Chứ hoàn toàn không phải là để “tuyên ngôn” độc lập với triều đình Huế.
3. Bản Dịch Của Trần Văn Giàu Và Cách Sử Dụng Lá Thư Của Hải Thu - Trần Huy Liệu
Tuy vậy, lá thư tuyên ngôn này lại được các sử gia miền Bắc hoàn toàn tin tưởng rằng do Trương Định viết, và do đó họ không hề có thắc mắc gì về tác giả của nó. Tệ hơn nữa, họ đã dịch sai cũng như diễn giải lệch lạc nội dung lá thư, để làm cho nó phù hợp với ý muốn của mình.
Điển hình là đoạn văn sau đây trong lá thư:
Depuis que deux hauts dignitaires annamites, en se conformant aux ordres du Roi, ont conclu un traité par lequel les trois provinces sont cédées aux brigands, le peuple de ces tres provinces désirant très vivement revenir à sa condition première, nous a mis à sa têtes. Nous ne pouvons donc ne pas faire ce que nous faisons, c’est pourquoi nous sommes prêts à la guerre, et à l’Orient comme à l’Occident, nous nous opposerons et nous combattrons et finirons bien par abattre la force de ces brigands.
Mà người viết đã dịch ra tiếng Việt như sau:
Từ khi hai vị đại thần Annam, tuân theo mệnh lệnh của nhà vua, ký kết một hòa ước mà theo đó ba tỉnh bị nhường cho giặc, người dân của ba tỉnh đó rất nóng lòng muốn trở về tình trạng ngày xưa, đưa chúng tôi lên làm đầu cho họ. Cho nên chúng tôi không thể không làm những gì đang làm, đó là sẵn sàng cho chiến tranh, và ở bên Đông cũng như bên Tây, chúng tôi sẽ đối địch và chúng tôi sẽ chiến đấu và cuối cùng chúng tôi sẽ đập tan lực lượng quân giặc.
Thế nhưng dưới ngòi bút dịch thuật của ông Trần Văn Giàu và sự diễn giải của ông Trần Huy Liệu với bút hiệu Hải Thu trong bài “Góp Ý Về Phan-thanh-Giản” trong phiên tòa đấu tố năm 1963, thì đoạn văn trên lại trở thành như sau:
“‘Nhân dân 3 tỉnh không muốn đất nước bị chia cắt, nên họ suy tôn chúng tôi cầm đầu. Chúng tôi không thể nào làm khác hơn điều mà chúng tôi đang làm, cho nên chúng tôi sẵn sàng tử chiến, lôi địch đàng đông, kéo địch đàng tây, chúng tôi chống địch, đánh địch và sẽ thắng địch (chúng tôi nhấn mạnh H.T.). Nếu ngài còn nói hòa nghị cắt đất cho địch thì chúng tôi xin không tuân lệnh triều đình, và chắc hẳn là như thế không bao giờ có hòa thuận giữa các ông và chúng tôi , ngài sẽ không lấy gì làm lạ cả’ (Chú thích số 1: Trích theo Trần-văn-Giàu trong cuốn Nam-kỳ kháng Pháp tr. 160, Xây dựng phát hành, 1956).
Bức thư của Trương-Định trả lời Phan-thanh-Giản lúc Phan theo lệnh Pháp dụ dỗ giải giáp đã nói với chúng ta nhiều điều quí báu: nhân dân không những ‘sẵn sàng tử chiến’, mà còn biết cách đánh ‘lôi địch đàng đông, kéo địch đàng tây và tin là đánh như vậy nhất định ‘sẽ thắng địch’.
Niềm tin ‘sẽ thắng địch” không phải là một niềm tin không có cơ sở thực tế. Thực tế đã chứng minh là nếu “sẵn sàng tử chiến’, nếu biết cách ‘lôi địch đàng đông, kéo địch đàng tây’ thì những vũ khí tối tân nhất của địch bấy giờ như tàu chiến, đại bác cũng khó bảo toàn …”[94]
Như vậy, trong khi nguyên văn lá thư viết rằng người dân của ba tỉnh miền Đông “nóng lòng muốn trở về tình trạng ngày xưa”, hay “le peuple de ces tres provinces désirant très vivement revenir à sa condition première”, thì ông Trần Văn Giàu lại dịch ra là họ “không muốn đất nước bị chia cắt”. Tức là trong lúc nguyên văn lá thư nói rằng người dân 3 tỉnh chỉ muốn trở lại với vương quyền nhà Nguyễn mà thôi, thì ông Trần Văn Giàu lại dịch ra thành ý niệm “không muốn đất nước bị chia cắt”, để cho thích hợp với tình hình thời sự trong thập niên 1950 của ông ta.
Nhưng chưa hết. Nguyên văn lá thư viết là: “Cho nên chúng tôi không thể không làm những gì đang làm, đó là sẵn sàng cho chiến tranh, và ở bên Đông cũng như bên Tây, chúng tôi sẽ đối địch”, để nói về tình trạng “chẳng đặng đừng” của Trương Định, khi phải tiếp tục đánh Pháp. Và đó là vì ông đã được nhân dân đưa lên làm lãnh đạo: “nous a mis à sa têtes. Nous ne pouvons donc ne pas faire ce que nous faisons” (“đưa chúng tôi lên làm đầu cho họ. Cho nên chúng tôi không thể không làm những gì đang làm”). Nghĩa là Trương Định đang ở trên lưng cọp, dù muốn xuống cũng không xong.
Nhưng dưới sự dịch thuật của ông Trần Văn Giàu thì nó lại thành ra “Chúng tôi không thể nào làm khác hơn điều mà chúng tôi đang làm, cho nên chúng tôi sẵn sàng tử chiến, lôi địch đàng đông, kéo địch đàng tây, chúng tôi chống địch, đánh địch và sẽ thắng địch”. Cách dịch đảo ngược thứ tự này tạo cho người đọc cảm giác rằng “điều mà chúng tôi đang làm” là “tử chiến”. Trong khi ý của tác giả là không thể không đánh, vì đã được nhân dân đưa lên lãnh đạo để đưa họ về tình trạng cũ.
Cuối cùng, tác giả lá thư Trương Định cho biết là sẽ đánh Pháp cả “ở bên Đông cũng như bên Tây”, mà theo người viết nghĩ thì có lẽ ông đang muốn nói đến miền Đông và miền Tây Nam Kỳ: “et à l’Orient comme à l’Occident”. Trong khi đó, dưới ngòi bút dịch thuật của ông Trần Văn Giàu thì câu văn trên lại trở thành “cho nên chúng tôi sẵn sàng tử chiến, lôi địch đàng đông, kéo địch đàng tây”. Mà như đã thấy, đoạn văn trên nào có gì gọi là, hay thậm chí liên hệ đến, “tử chiến”! Cũng như chẳng hề có vụ “lôi, kéo” gì ở đây cả!.
Thế nhưng ông Trần Huy Liệu dưới bút hiệu Hải Thu đã tỏ ra rất đắc ý với đoạn văn dịch nói trên của ông Trần Văn Giàu. Cho nên ông ta đã diễn giải, đã nhấn mạnh cho người đọc thấy rằng Trương Định thề quyết “tử chiến” - và thậm chí còn biết cả cách đánh du kích dằng dai “lôi địch đàng Đông, kéo địch đàng Tây” - để cho thấy sự khác biệt giữa tinh thần quyết chiến của Trương Định và “thất bại chủ nghĩa” của Phan Thanh Giản, cũng như để chứng minh cho sự “bịt mắt”, “bưng tai” của Phan Thanh Giản trước “nguyện vọng của nhân dân” là “tử chiến” với Pháp, như trong thư.
Theo người viết được biết thì ông Trần Văn Giàu học tiếng Pháp từ nhỏ, và sau đó có sang Pháp để du học một thời gian. Còn ông Trần Huy Liệu thì nổi danh với việc tự học tiếng Pháp trong thời gian ở tù Côn Đảo, đến mức thuộc lòng cả một cuốn tự điển tiếng Pháp.[95] Mà đoạn văn bằng tiếng Pháp nói trên trong lá thư tuyên ngôn của Trương Định lại khá đơn giản, đến mức khó có thể hiểu sai được. Vậy mà nó đã bị dịch sai một cách cố ý đến mức độ như ông Trần Văn Giàu đã dịch trên đây! Rồi nó lại được ông Trần Huy Liệu nắm lấy và sử dụng để diễn giải sao cho phù hợp với câu chuyện chung quanh câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” của ông ta.
Tóm lại, có thể thấy rằng lá thư “tuyên ngôn” của Trương Định thật ra chính là một lá thư đã được viết cho người Pháp đọc, qua sự chuyển giao của Phan Thanh Giản. Và mục đích của nó là để giải thích cho sự bất hợp tác của Trương Định trước lệnh giải giáp của triều đình, và nhất là để gợi ý cho người Pháp việc muốn chuộc lại ba tỉnh miền Đông của nhà Nguyễn. Chứ nó hoàn toàn không phải là một lá thư để “tuyên chiến” với triều đình Huế, như các sử gia miền Bắc và nhất là hai vị sử gia họ Trần đã khẳng định từ bấy lâu nay.
Còn nếu thật sự rằng đây là một “tuyên ngôn” của Trương Định, thì điều rõ ràng và trớ trêu trong thư là “nhân dân” ba tỉnh miền Đông lại nói rằng họ muốn trở lại tình trạng cũ trước kia, tức là muốn tiếp tục bị bóc lột bởi giai cấp phong kiến! Hơn nữa, một điều không thể chối cãi khác là tác giả lá thư đã tỏ lòng kính trọng, và chẳng những không hề trách móc Phan Thanh Giản, mà lại còn bênh vực ông đại thần này, qua việc đổ hết trách nhiệm mất đất cho vua Tự Đức. Do đó, nếu chấp nhận rằng đây là một tác phẩm của Trương Định, thì cũng phải chấp nhận rằng Trương Định không thể trong cùng lúc mà viết lên lá cờ khởi nghĩa tám chữ “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” được.
Dưới đây là ảnh chụp lá thư “tuyên ngôn” nói trên, lấy từ phần phụ lục cuốn “Phan Thanh Gian, Patriote et Précurseur du Vietnam Moderne” của bà Phan Thị Minh Lễ.[96]
CHƯƠNG IX.
BẢN BÁO CÁO CỦA PHẠM TIẾN TỨC PHẠM TUẤN PHÁT
Có lẽ tài liệu quan trọng nhất và chi tiết nhất về mối liên hệ giữa các lực lượng hay nhóm người trong câu chuyện chung quanh câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” vào thời gian ngay sau hòa ước 1862 là một tài liệu có tên gọi “Tình Hình Ba Tỉnh Nam-Kỳ Tự Đức Năm Thứ 16 (1863) - Tờ Bẩm Của Phạm Tiến (1863)”.
Đây là bản báo cáo của một viên cựu quan triều Nguyễn tên Phạm Tiến, lúc đó đang chống Pháp ở Nam Kỳ cùng với Trương Định. Bản báo cáo với nguyên tác bằng chữ Hán này đã được hai ông Tô Nam và Bùi Quang Tung dịch ra chữ quốc ngữ và cho đăng trong Tập San Sử Địa số 3 - Đặc Khảo Về Trương Công Định. Theo lời tòa soạn Tập San Sử Địa, đây là một tài liệu nằm trong số “những hồ sơ công văn của vua Tự-Đức, đã được xếp thành tập, nằm trong Tự Đức tập 155, trang 59a”.[97]
Và đây là một bản báo cáo rất dài, nói đến rất nhiều nhân vật liên quan đến cuộc chiến Pháp Việt trong thời gian từ sau hòa ước 1862 đến tháng 10 năm 1863. Bản báo cáo này quan trọng ở chỗ nó là một tài liệu thuộc loại “tối mật”, một báo cáo nội bộ được gửi về triều đình Huế, từ một nhân vật đang có vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ. Nó cho ta thấy rõ những diễn biến rất thật bên trong lực lượng kháng chiến của Trương Định, cũng như bên trong triều đình nhà Nguyễn. Nó cho ta thấy sự liên hệ giữa các phe phái và các nhân vật trong cuộc chiến Pháp-Việt tại Nam Kỳ lúc đó. Và những mối quan hệ này hoàn toàn không đơn giản như hai sử gia họ Trần đã diễn tả.
Nhưng trước hết, cần phải biết tác giả của bản báo cáo này là ai, để có thể thấy hết được tầm quan trọng và sự chân thực của nó. Người viết bản báo cáo này tự xưng là “ty chức Phạm Tiến”, và cho biết là ông ta đã từng làm quan cho nhà Nguyễn tại tỉnh Gia Định. Có rất nhiều khả năng người đó chính là một nhân vật mà ta đã từng nghe qua trong “Lãnh Binh Trương Định Truyện” của Nguyễn Thông, tuy với một cái tên hơi khác là Phạm Tuấn Phát.[98] Đây là một lãnh tụ kháng chiến có căn cứ tại Hắc Khâu (Gò Đen, Long An), và đã sát cánh cùng chiến đấu chống Pháp bên cạnh lực lượng nghĩa quân Trương Định ở Tân Hòa, Gò Công.
Để nhắc lại, theo “Lãnh Binh Trương Định Truyện”, trong khi Trương Định đang băn khoăn do dự không biết là có nên nhận chức vụ mới của triều đình đi làm Lãnh Binh An Giang, hay ở lại tiếp tục chiến đấu, thì ông ta nhận được một lá thư của Phạm Tiến, tức Phạm Tuấn Phát, kêu gọi tiếp tục đánh Pháp. Và chính lá thư này đã đưa Trương Định đến quyết định ở lại để tiếp tục kháng chiến:
“ .. thế rồi mọi người yêu cầu ông Định ở lại điều khiển trong khi ông còn do dự thì bỗng tiếp được thư của Phạm-tuấn-Phát ở Tân-long gửi đến cho nghĩa quân, trong thư cũng suy tôn ông làm Chủ-soái, và thề nhất định sống chết với địch chứ không hòa!… Bức thư của Tuấn-phát chẳng khác gì một ngòi lửa đúng thì giờ ấy nó đã châm vào kho thuốc, trái tim của đám nghĩa quân, làm cho tinh thần bất khuất lại thêm bồng bột!”[99]
Như vậy, theo lời Nguyễn Thông thuật lại, nhân vật Phạm Tiến hay Phạm Tuấn Phát này chính là một người có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của Trương Định trong việc tiếp tục đánh Pháp, thay vì đi đến nhiệm sở mới với vợ con.
Và bản báo cáo hay tờ bẩm của Phạm Tiến dưới đây sẽ cho ta thấy sự quan trọng của ông ta, trong vai trò là người liên lạc giữa triều đình Huế và các lực lượng kháng chiến ở Nam Kỳ, cũng như trong vai trò lãnh đạo chủ chốt của ông ta giữa các lực lượng kháng chiến nói trên.
Vì đây là một tài liệu với rất nhiều chi tiết về tình hình nội bộ của nhà Nguyễn tại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ vào thời gian 1862-1863, nên người viết trước hết xin chép lại nguyên văn dưới đây, rồi sẽ tiếp tục bàn đến những điểm chính của nó. Bản báo cáo này được đề ngày 16 tháng 9 âm lịch năm Tự Đức thứ 16, tức là vào khoảng tháng 10 năm 1863 dương lịch. Như vậy, nó đã được viết ra trong thời gian khoảng hơn một năm sau khi hòa ước 1862 được ký kết vào ngày 5 tháng 6 năm 1862.
TÌNH-HÌNH BA TỈNH NAM-KỲ - TỰ-ĐỨC NĂM THỨ 16 (1863)
TÔ-NAM và BÙI-QUANG-TUNG dịch
L.T.S. Những hồ sơ công văn của vua Tự Đức, đã được xếp thành tập. Tờ bẩm của Phạm-Tiến, nằm trong Tự Đức tập 155 trang 59a. Tờ khai thứ hai của ông Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Đức Tánh, chúng tôi không được rõ đã được khai trong trường hợp nào mà được lưu trữ vào Tự Đức tập 155 trang 114a. Theo ông Tô Nam, đây là bản dịch từ bản chép tay do ông Bùi Quang Tung đưa cùng dịch. Nguyên bản chưa được rõ hiện giờ ở đâu. Vì thấy hai tài liệu này rất có giá trị, liên quan tới tình hình ba tỉnh miền Đông, lúc Trương Định ứng nghĩa cũng như có nói tới Trương Định, nên chúng tôi đã trích đăng ra đây. Sau này chúng tôi biết rõ thêm về hai tài liệu trên chúng tôi sẽ cho quí đọc giả được biết.
TÌNH HÌNH ỨNG NGHĨA CỦA 3 TỈNH NAM-KỲ
Tự-Đức năm 16 tháng 9 ngày 28.
tờ bẩm của PHẠM-TIẾN
Ty chức Phạm Tiến kính bẩm về việc khai báo, nay thừa quí viện vâng mệnh sức xuống cho biết những lời châu phê như sau: “Cứ lời tên ấy trình bầy còn có nhiều chỗ chưa được tường tận, ngay đến các việc đã qua cùng việc hiện tại đều còn giấu diếm chứ chưa nói rõ nên làm thể nào có thể thu phục? Vậy sức cho viên ấy dự nghĩ tường khai: như việc Phan Lâm kháng cự ngày nào, hiện có người nào chứng kiến; Còn việc phái viên bí mật tới nơi chiêu dụ, là việc rất khó! Khâm Thử”. Nay xin kính vâng lời dụ nguyên vì Ty chức từng ở Gia-Định và cùng các người xướng nghĩa hai tỉnh Định-Tường, Biên-Hoà hoạt động nhưng vì kiến văn cũng chưa chu đáo, vậy nay cứ ngu muội thẳn thắng (sic) khai kê, cúi mong Cơ mật viện đường quan thu lục tiến lên ngự lãm, nay kính bẩm.
Kê Khai
Ty chức kể từ sau ngày tháng 5 năm Tự-Đức 14 đã có nhiều lần cùng với quan dân 3 tỉnh và các cử, tú, thân sĩ, hương, mục, binh, dân, cộng sự trong việc ứng nghĩa. Về sau có xảy ra việc Phan-văn-Đạt và Lê-cao-Dõng bị Tây thắt cổ. Triều đình gia phong khuyến khích, từ đấy sĩ phu các hạt lại càng phẫn khích phấn khởi thề giết quân thù.
Nhưng rồi từ khi Lãnh-đốc họ Phan và quan Lãnh-phủ cùng vào Gia-Định ký hoà ước xong, ra lệnh triệt hồi các quan từ trước vẫn ngầm hoạt động ở các thôn xã, làm cho sĩ phu khắp hạt, gào khóc như mưa, nhưng mà ai nấy vẫn phải vâng theo mệnh lệnh triều đình, đến ngày tháng 8 nhuận năm ngoái, đã từng mấy lần đến hầu tại Vĩnh-Long An-Giang Bình-Thuận, duy có viên cử nhân bát phẩm Lê-Liêm, và viên Tú Tài cửu phẩm Nguyễn-bá-Phan, Tự Thừa Nguyễn-văn-Tánh thì cho tuỳ ý muốn tới tỉnh nào ứng hậu cũng được, còn các người khác như viên quyền quản Hoàng-văn-Thiện và Hoàng-Trí-Viên, Tráng-sĩ-Nhàn, Phạm-quang-Cẩn, Trần-bá-Hồ, Ngô-Tỉnh, Phạm-văn-Duyên thì qua Vĩnh-Long thì Lãnh đốc Phan thu lại văn bằng do tỉnh cấp ngày trước, rồi cấp văn bằng khác đem về trình với phủ quan để về yên nghiệp, nhưng bọn đó đều không nhận bằng và cũng không tới trình chiếu.
Còn như Nguyễn-Thết cùng các quản suất của hai phủ huyện Phước-Tuy, Long-Thành khi qua trình diện ở Bình-Thuận thì viên Lãnh phủ Lâm cũng thu văn bằng của tỉnh cấp mà đợi mãi không thấy hỏi đến, rồi ngày tháng 10 thì bọn đó lại kéo nhau về huyện Tân-Hoà kể lại cho Tôi và Trương-Định biết.
Thế rồi cách đây ít lâu thì Phan-đốc lại nghiêm sức bắt giam Đoàn-Tiến-Thiện để ghép vào tội ăn cướp, Nguyễn-Trực thấy vậy trốn vào vùng Tây để nhờ quan Tây xin hộ, sĩ dân 3 tỉnh đối với việc này ai cũng bảo rằng: Phan-đốc xua dân bổn quốc đến làm tai mắt cho Tây! Ai cũng lấy làm kinh ngạc! Chẳng biết nương tựa vào đâu? Nên chỉ nhìn nhau mà khóc!
Nhưng cũng may sao! Ngay giữa lúc ấy lại có một viên thị vệ mới đi công vụ Vĩnh-Long trở về, khi qua Tân-Hoà viên ấy nghỉ lại mấy hôm, nhân tiện thuật lại cho nghe, thì các thân sĩ hào mục mới biết đại khái mà thôi. Vì thế nên các đoàn huyện vẫn cứ tập hợp thề thốt cùng nhau. Chúng tôi cùng với Trương-Định bàn định với nhau, trao cho viên cử nhân Bùi-Tấn và Cù-khắc-Kiệm chuyên coi công việc của huyện Tân-Thịnh, cử nhân Lý-duy-Phiên, Hà-mậu-Đức, Tú-Tài Nguyễn-văn-Trung chuyên biện công việc của hai phủ huyện Tân An và Cửu-An, Tú-Tài Hoàng-văn-Đạt và Bùi-văn-Lý chuyên biện việc huyện Tân-Long. Tri huyện Đặng-văn-Duy chuyên biện việc phủ huyện Tây Ninh và Quang-Hoá, bát phẩm Lê-Quang-Bính, cử nhân Nguyễn-Tánh-Thiện chuyên biện việc huyện Tân-Hoà, Thân sĩ Hồ-huân-Nghiệp, Tú Tài Mai-phương-Mỹ, và Nguyễn-duy-Thận chuyên biện việc huyện Tân-Bình, Bình-Dương và giao thông với Biên-Hoà, Định-Tường.
Còn các võ viên cử nhân, tú-tài, hương mục dân binh khác cùng với một số người Tầu thì chia từng chi, đặt từng toán để đi đắp lũy, kể từ nửa trên huyện Phúc-Lộc cùng với các hạt Bình-Dương, Bình-Long, Tân-Long đều do chính Tôi quản đốc, còn từ nửa dưới huyện Phúc-Lộc với huyện Cửu-An, Tân-Thạnh, Tân-Hoà thì do Trương-Định thống quản, ai nấy chiếu theo địa hạt phòng tiễu, gặp khi hữu sự thì thông báo cho nhau để cùng tiếp ứng, gặp lúc vô sự thì bảo vệ hương thôn, trừ có mấy người bị quân đội Tây sát hại như Nguyễn-văn-Niên, Đặng-văn-Cửu không kể. Còn từ ngày tháng 11-12 đến giờ, các trận giao chiến với quân đội Phú ở hạt Tân-Long, Phước-Lộc, nghĩa quân tử trận mất 12 người tức ông Nguyễn-văn-Tá cựu hương thân, Đoàn-thiện-Giáo thày đồ, và Trầm-thành-Ý, Trần-Hiển cùng viên ngũ-trưởng Trần-văn-Dỏ, đội trưởng Nguyễn-Sinh, binh Lê-văn-Hạch, dân Lê-Công-Nghiễn, Võ-văn-Phú, Nguyễn-văn-Bé, Nguyễn-văn-Lợi, Nguyễn-văn-Học, còn 6 người bị Tây bắt là : Tú Tài Lê-Thanh-Tề, suất đội Bùi-văn-Lô, đội trưởng Trần-Nhượng, học trò Lê-Tôn-Đán, Lê-Tuấn, và dân bang Quảng-Đông Hà Quốc. Các người này Tây đều giao cho hai viên Tri huyện của Tây là Nguyễn-Tường-Phong, Nguyễn-Tường-Vân giam cầm quyến dụ, nhưng chúng dụ đến 4, 5 ngày các người ấy cũng chẳng khuất phục lại còn chửi mắng om xòm (sic) làm chúng tức giận, đem ra thắt cổ 5 người, còn sót Lê-Tuấn vẫn bị giam giữ chưa biết ra sao? Còn bao nhiêu dân hạt bị chết trong lúc trận mạc thì Trương-Định, Nguyễn-hữu-Huân, Phan-Chánh đều có ghi ở trong cuốn nhật ký.
Ngoài ra lại còn một số chuyên biện các phủ huyện, hiện đương lẩn trong thôn xã chiêu dụ nhân dân, thì xã dân nào cũng vẫn có lòng nhớ cũ vui theo, có người cúng hết gia tài vào việc quân xướng ! Nhưng cũng có mấy kẻ nhẫn tâm theo địch như tên Hợp-Cương, Hợp-San, Thủ Nho thì Tây cho làm ký lục, Tổng Ca thì làm Tri huyện Bình-Long. Tổng Trinh làm Tri huyện Tân-Hòa, còn Phan-hiến-Đạo mỗi khi lai vãng với Tây. Y đều cắm cờ hiệu Tấn-Sĩ và cờ ba sắc lên trên mũi thuyền. Tới tỉnh Gia-Định cũ y ngồi nghe hát với Tây, việc này do viên nguyên Tri phủ phủ Tân-Bình là Nguyễn-Thành-Ý hiện đã phi trình tại nơi quân thứ Tân-Hòa. Còn Tôn-Thọ-Tường thì địch cho làm Tri phủ Tân-Bình. Nguyễn-Trực làm Tri phủ Tây Ninh. Nguyễn-Tường-Phong làm Tri huyện Tân-Long, Nguyễn-Tường-Vân làm Tri huyện Phước-Lộc, Nguyễn-xuân-Khải Tri huyện Long-Thành, Nguyễn-văn-Nguyên làm học chánh, đối với những tên kể trên, nhân dân 3 tỉnh đều gọi là lũ bạn nghịch, và muốn đón đường giết đi, nhưng sợ Phan Lãnh-đốc biết chuyện lại sức cứu xét lôi thôi nên không giám làm.
Lại như tên nguyên quản cơ thuộc cơ Gia-Tiền tên gọi Đào-Bao được Tây cho làm Thống quản, mỗi tháng cấp cho 30 đồng bạc sai đem giáo dân đi đào sông, từ cầu Nhiêu-Lộc đến sông Bến-đất bề rộng 7 thước, sâu cũng 7 thước, lấy đất đắp thành con lũy bao quanh cả vùng Mai-Sơn, Cảnh-Phước, Khải-Tường, Tràng Thi, Công-Thần, Kim-Tảo, Hiển-Trung, Từ-Bi, Hải-Nam, An-Định, Thành Gia-Định cũ, phủ Tân-Bình và Chợ Lớn, chợ Kinh, những sở của Tây đều ở bên trong lũy đó, chúng đã khai quật phần mộ tổ tiên của dân không biết bao nhiêu mà kể, vì thế viên quản suất nghĩa quân đã bắt Đào-Bao giữa lúc ban đêm, đem ra chém đầu, khiến cho Tả đạo và bọn Ma-tà Tứ dân thẩy đều hoảng sợ bỏ chạy tán loạn, không giám hung hăng như cũ.
Gần đây Phủ soái lại dựng học đường rồi sức đòi các Cử nhân, Tú tài, sĩ phu trong hạt, ai có học vấn, không kể rằng trước kia đã làm quản suất trong nghĩa quân, nay ra trình diện, chúng cũng miễn tội, cho làm các chức Giáo huấn và lại yết thị rằng sang năm là năm Giáp Tý bắt đầu mở một khoa thi, ai thông văn học Hán tự lại biết chữ Tây thì được đỡ đầu, lúc ấy Tôn-Thọ-Tường và Nguyễn-Tường-Phong có tiến cử nhà nho Hồ-huân-Nghiệp, Võ-Mẫn và Tú tài Bùi-văn-Lý, Nguyễn-Châu-Cơ, Mai-Phương-Mỹ, Hoàng-văn-Đạt, Võ-văn-Hữu, nhưng các người ấy đều lẩn tránh chứ không chịu ra, Tây lại sức đặt Tổng lý, nhưng các Tổng lý cũ trong hạt cũng chỉ có 1, 2 người nhận việc, còn người khác thì đều mượn cớ chối từ, rồi cho thường dân và các người già yếu lui tới mà thôi.
Hiện thời Tây lại đắp thêm 1 lũy đất ở chợ rạch Kén, 1 lũy ở chợ Gò Công, 1 ở chợ Gò-Đen, 1 ở chợ Cần-Đước, 1 ở thành Gia-Định cũ, còn các sở khác thì bồi đắp thêm ở chợ Kênh có dựng 1 chiếc cầu lớn qua sông, và 1 cầu ở bến Nghé.
Một mặt lại từ thành cũ đi đến đồn lũy mới cũ, cùng các phủ huyện chợ quán v.v… thì đều mở rộng đường lối giao thông chẳng còn đếm xỉa gì đến mồ mả đất tư của dân chúng, trên đường có dựng cột gỗ, đầu cột có chăng giây thép nối nhau, cột cao độ chừng 10 thước, cách nhau 100 thước, hỏi thăm mới biết ở tỉnh Biên-Hoà và tỉnh Định-Tường cũng thế. Ngày nay bọn Tây lại đã ra lệnh bắt lính và thâu thuế nhưng mà điều lệ không có nhất định cứ xã lớn thì bắt 3 lính ma tà, xã nhỡ 2 lính, xã nhỏ 1 lính, còn những xã ở nơi viễn cách không kịp đem nộp thì chúng cũng thôi, còn mỗi tên lính thì chúng cấp cho 30 đồng bạc, đó là trong lúc hữu sự, còn lúc vô sự thì chỉ cấp cho 10 đồng, thuế thì về huyện Phúc-Lộc, 10 phần chúng thâu 5 phần, huyện Tân-Long 10 phần thâu 6, phủ Tân-An và huyện Tân-Thạnh, 10 phần chỉ thu 3,4, huyện Tân-Hòa 10 phần thu cả, 2 phủ huyện Bình-Long và Tây-Ninh cũng thế, nhưng về khoản lính thì các dân xã mướn dân thành thị sung vào chứ không chịu bắt dân nội tịch, thuế thì dân xã viện cớ sau cuộc binh qua tàn phá để xin khất lại, chứ không nộp đủ, nhất là việc gì dân cũng báo cáo với các viên xướng suất nghĩa quân chứ không giám tự tiện vẫn để tài lực chờ đợi triều đình, ví bằng triều đình đem việc 3 tỉnh trao phó cho dân cứ việc ngấm ngầm đánh úp, e rằng việc làm không có đầu mối, rồi bọn xu lợi thông với ma tà, thao túng bên trong, hoặc chúng đón đường sông bể để cướp bóc, hoặc bắt người giầu để lấy tiền, làm cho lòng dân thêm oán, rồi sinh chán nản.
Vả lại từ tháng 11 năm nay, đạn dược cũng đã gần hết, nghĩa quân đã phái 1 viên quyền quản là Nguyễn-văn-Tá, giả dạng thuyền buôn, ngầm ra An-Giang để mua các thứ diêm-tiêu lưu-huỳnh, và mật trình với các quan tỉnh để xin một số đạn dược, nhưng các quan tỉnh lại họp hội đồng đem Nguyễn-văn-Tá ra đánh rồi bảo không được sinh sự.
Lại cứ như viên Tiền cơ của Gia-Định cũ, hiện đương lưu thú tại tỉnh An-Giang và như các chức vị Đội-trưởng Bang biện cùng suất đội Nguyễn Nhung, lên vì bổn quán nói rằng : Tú Tài Trịnh-quang-Nghi, trước đây ở huyện Tân-Thịnh, cùng Phan-văn-Đạt bí mật chiêu mộ nghĩa binh, đến sau chạy sang tỉnh này tấm lòng oán hận vẫn còn chưa hả, tức như trước khi chưa có cuộc hòa, một bọn giáo-dân cỡi 10 chiếc thuyền trốn vào Gia-Định, Quang-Nghi ngầm sai nghĩa quân đón đường triệt sát, lấy hết của cải cấp cho nghĩa dân, đến khi thổ phỉ tỉnh đó nỗi lên, địa phương bẩm tỉnh xin phái quân đi đàn áp, Quang-Nghi tình nguyện đem nghĩa quân đi, dẹp xong thổ phỉ rồi trở về tỉnh đợi lệnh khá lâu, thế mà quan tỉnh vẫn cứ làm lơ không hỏi gì đến? Cố nhiên là kẻ sợ oai, đành nằm ở nơi thôn giã, chứ không chịu ra nhận việc!
Thế thì ngày nay cảnh thổ 3 tỉnh dẫu đã bị Tây chiếm cứ, nhưng mà lòng dân vẫn còn nhớ cũ, phong tục vẫn chẳng đổi thay, lễ nhạc y quan vẫn thế, thờ thần lễ phật, tế tự xướng ca, khắp hạt vẫn theo tục cổ, chúng tôi nghe nói trước đây ngụy Tây [1] chiếm cứ Gia-Định hơn 10 năm giời, thánh giá ở bên Vọng-Các sai người về nước chiêu dụ nhân dân mà bọn Quốc công Võ-Tánh nhờ đó để xướng nghĩa, dân đều vui theo nên mới rước Ngài trở về Gia-Định phục đặng cố đô, đều là nhân có lòng người để đi đến chỗ thành sự đó vậy.
Thế mà ngày nay lòng người cũng vẫn như cũ dẫu việc ủy người lẻn vào chiêu dụ có khó khăn đấy, nhưng mà kén chọn lấy người am thục thì cũng không sợ tiết lậu sự cơ, tức như những người trước kia đã làm biện lý công bộ tỉnh Gia-Định là Ý, Án sát cũ tỉnh An-Giang là Nguyễn Đức-Trứ, Tri phủ cũ Tân-Bình là Nguyễn-Thành-Ý đều là những người am hiểu nhân tâm phong tục của dân bổn xứ, cùng với những người như Võ-doãn-Thanh trước đã từng làm huyện lệnh Tân-Hòa và được thăng binh bộ viên ngoại, và Nguyễn-hoài-Vĩnh trước đã Tri phủ Tân-An rồi sau bị cách, rồi lại được nhiếp chức Lệnh phủ Tân-Bình và huyện Phước-Lộc, đối với tình dân các hạt đã rất am tường, nếu có viên nào tình nguyện vâng mạng triều-đình lẻn vào chiêu dụ, chúng tôi cũng xin đi theo, tùy cơ hướng dẫn để được thuận lợi trong lúc đi đường, nếu có xẩy ra chuyện gì bất trắc? Tôi xin liều chết để giữ bí mật chứ không để lộ hình tích, như vậy thì công việc ta làm dẫu chúng có nghe biết, cũng thuộc vô bằng khó lòng tìm ra cho đủ chứng cứ.
Chúng tôi trộm nghĩ quân địch ở vùng Gia-Định hiện đương bắc cầu đắp lộ, dựng lũy đắp thành, xây lâu đài mở phố xá, đặt khoa thi bổ các phủ huyện cấp cho hậu lương, và nói giối dân về vụ giảm tô giảm binh, mưu thâm của chúng là muốn mua chuộc lòng dân để còn tính kế tràng cửu. Nhưng dân 3 tỉnh vẫn còn mến cũ chẳng chịu phục tòng, tưởng nên nhân đấy mà trước hãy thi hành những việc thăm viếng người chết, an ủi người sống, để cho lòng dân càng thêm phẫn khích, vững chí thờ vua, cái cơ khôi phục là ở nơi đó, vậy nay chúng tôi có chút ý kiến thô thiển, vâng lệnh trình bày.
Ty chức PHẠM-TIẾN ký
Tự-Đức năm 16 tháng 9 ngày 28
[1] Tây-Sơn.
Như đã thấy, đây là một tài liệu đầy ắp những chi tiết và cực kỳ quí giá, vì nó tường thuật rất rõ ràng tình hình tại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cũng như nội bộ của triều đình nhà Nguyễn. Quan trọng hơn nữa, tài liệu này còn cho thấy những mối liên hệ chồng chéo giữa các phe phái và các nhân vật trong cuộc chiến Pháp-Việt vào thời gian 1862-63 tại Nam Kỳ. Những mối quan hệ nói trên khác hẳn với sự mô tả đơn giản và đầy màu sắc chủ nghĩa dân tộc cũng như chủ nghĩa cộng sản của hai sử gia họ Trần.
A. Mối Liên Hệ Giữa Lãnh Tụ Nghĩa Quân Phạm Tiến Và Triều Đình Huế: Nhiệm Vụ Báo Cáo Tình Hình Và Liên Lạc Với Các Lực Lượng Kháng Chiến
Trước hết, cho dù Phạm Tiến có phải là Phạm Tuấn Phát đã viết thư cho Trương Định hay không đi nữa, khi đọc bản báo cáo này của ông ta thì có thể thấy được rõ ràng tầm quan trọng của nhân vật này. Vì ở ngay phần đầu, Phạm Tiến đã tóm lược mục đích của bản báo cáo như sau:
“Ty chức Phạm Tiến kính bẩm về việc khai báo, nay thừa quí viện vâng mệnh sức xuống cho biết những lời châu phê như sau: “Cứ lời tên ấy trình bầy còn có nhiều chỗ chưa được tường tận, ngay đến các việc đã qua cùng việc hiện tại đều còn giấu diếm chứ chưa nói rõ nên làm thể nào có thể thu phục? Vậy sức cho viên ấy dự nghĩ tường khai : như việc Phan Lâm kháng cự ngày nào, hiện có người nào chứng kiến; Còn việc phái viên bí mật tới nơi chiêu dụ, là việc rất khó ! Khâm Thử”. Nay xin kính vâng lời dụ nguyên vì Ty chức từng ở Gia-Định và cùng các người xướng nghĩa hai tỉnh Định-Tường, Biên-Hoà hoạt động nhưng vì kiến văn cũng chưa chu đáo, vậy nay cứ ngu muội thẳn thắng (sic) khai kê, cúi mong Cơ mật viện đường quan thu lục tiến lên ngự lãm, nay kính bẩm.”
Với cách tự xưng “ty chức” như trên, có thể thấy rằng Phạm Tiến đã từng là một viên quan của nhà Nguyễn. Hơn nữa, ông ta còn nói rõ là trước kia đã từng làm việc ở Gia Định, rồi sau khi đại đồn Chí Hòa và tỉnh Gia Định bị thất thủ thì ông ta đã cùng với các nghĩa quân ở Định Tường, Biên Hòa nổi dậy tiếp tục chống Pháp.
Và theo đoạn văn trên thì Phạm Tiến chính là người giữ nhiệm vụ liên lạc giữa nghĩa quân ở Nam Kỳ và triều đình Huế. Ông ta có nhiệm vụ trình bày với vua Tự Đức những diễn biến tại ba tỉnh miền Đông sau khi bị Pháp chiếm đóng. Và đây không phải lần đầu, mà Phạm Tiến đã đệ trình ít nhất là một bản báo cáo khác trước đó. Nhưng có lẽ vì ông ta trình bày không được rõ ràng trong bản báo cáo trước với vua Tự Đức, nên nhà vua đã “châu phê” rằng ông ta phải “tường khai” lại hai vấn đề. Những chữ “châu phê”, “khâm thử”, “ngự lãm” trong bản báo cáo cho thấy rằng chính vua Tự Đức đã đọc những báo cáo của Phạm Tiến. Hơn nữa, nhà vua còn theo dõi rất sát sao, cũng như đòi hỏi một sự báo cáo rõ ràng chính xác hơn từ Phạm Tiến.
Cũng trong đoạn văn mở đầu bản báo cáo này, Phạm Tiến cho thấy rằng ông ta được làm việc trực tiếp với bộ tư lệnh tối cao của triều đình Huế là Cơ Mật Viện. Như bản báo cáo cho thấy, ông ta đang đối thoại với “quí viện” và viết rằng “cúi mong Cơ mật viện đường quan thu lục”. Do đó, “quí viện” này không có gì khác hơn là Cơ Mật Viện, còn đây chính là một bản báo cáo tối mật về tình hình ba tỉnh Nam Kỳ sau hòa ước 1862, do một viên quan tai mắt của triều đình soạn ra và gởi về cho triều đình Huế.
Sau cùng, như đoạn văn trên cho biết, Phạm Tiến đã nhận được mệnh lệnh chính xác từ vua Tự Đức là phải báo cáo tỏ tường về hai việc: 1) việc Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp “kháng cự”; và 2) việc cần gửi một viên quan “bí mật” tới để chiêu dụ những người ứng nghĩa. Do đó, “tờ bẩm” rất dài và chi tiết này của Phạm Tiến chính là một bản báo cáo chủ yếu về hai việc đó và những vấn đề liên quan, dành cho nhà vua.
Và như vậy, có thể thấy rằng triều đình Huế đã vẫn giữ một mối liên lạc mật thiết với các lực lượng nghĩa quân ở Nam Kỳ, sau khi bị mất ba tỉnh miền Đông vào tay Pháp. Đó là nhờ Phạm Tiến, một cựu quan chức của triều đình tại Gia Định và hiện đang là một thủ lãnh nghĩa quân. Hơn nữa, cũng có thể thấy rằng mối quan hệ vua tôi và cấp trên cấp dưới của nhà Nguyễn vẫn còn tồn tại như trước khi bị mất ba tỉnh. Trong bản báo cáo, Phạm Tiến lúc nào cũng nhún nhường tự xưng là “ty chức” với các vị đại thần trong Cơ Mật Viện, và tỏ ra vẫn hết lòng kính sợ nhà vua.
Ngoài ra, sau khi trình bày với vua Tự Đức về tình hình ba tỉnh miền Đông và mối nguy là dân chúng sẽ theo Pháp vì những chính sách mua chuộc lòng dân của họ, Phạm Tiến đã nêu lên sự khẩn cấp cần phải có người đến để chiêu dụ dân chúng trở về với triều đình. Và Phạm Tiến đề nghị với nhà vua một danh sách của các vị quan lại cũ ở Gia Định mà theo ông ta có thể làm được công việc thu phục lòng dân nói trên. Sau cùng, chính Phạm Tiến đã tình nguyện làm người hướng dẫn cho viên quan sắp nhận lãnh trọng trách chiêu dụ này, và hứa là sẽ liều chết để giữ bí mật cho việc ấy, nếu bị Pháp bắt:
“Thế mà ngày nay lòng người cũng vẫn như cũ dẫu việc ủy người lẻn vào chiêu dụ có khó khăn đấy, nhưng mà kén chọn lấy người am thục thì cũng không sợ tiết lậu sự cơ, tức như những người trước kia đã làm biện lý công bộ tỉnh Gia-Định là Ý, Án sát cũ tỉnh An-Giang là Nguyễn Đức-Trứ, Tri phủ cũ Tân-Bình là Nguyễn-Thành-Ý đều là những người am hiểu nhân tâm phong tục của dân bổn xứ, cùng với những người như Võ-doãn-Thanh trước đã từng làm huyện lệnh Tân-Hòa và được thăng binh bộ viên ngoại, và Nguyễn-hoài-Vĩnh trước đã Tri phủ Tân-An rồi sau bị cách, rồi lại được nhiếp chức Lệnh phủ Tân-Bình và huyện Phước-Lộc, đối với tình dân các hạt đã rất am tường, nếu có viên nào tình nguyện vâng mạng triều-đình lẻn vào chiêu dụ, chúng tôi cũng xin đi theo, tùy cơ hướng dẫn để được thuận lợi trong lúc đi đường, nếu có xẩy ra chuyện gì bất trắc? Tôi xin liều chết để giữ bí mật chứ không để lộ hình tích, như vậy thì công việc ta làm dẫu chúng có nghe biết, cũng thuộc vô bằng khó lòng tìm ra cho đủ chứng cứ.”[100]
Như vậy, Phạm Tiến đã tự nhận với vua Tự Đức rằng ông ta là một người nắm rõ tình hình về các lực lượng kháng chiến ở Gia Định; hay ít ra cũng đủ để làm người hướng dẫn. Hơn nữa, Phạm Tiến còn khẳng định với nhà vua là ông ta hiểu rõ tầm quan trọng của việc chiêu dụ này, và đủ can đảm để tự sát nếu sự việc bị lộ. Đó là vì sau khi hòa ước 1862 được ký kết, thì việc triều đình Huế tiếp tục ủng hộ và khuyến khích các cuộc kháng chiến trong vùng đất đã nhượng cho Pháp là một sự vi phạm hòa ước nói trên, chính xác là điều số 11. Vì vậy, Phạm Tiến chẳng những đã tình nguyện làm hướng dẫn viên mà còn cam đoan là sẽ liều chết để bảo vệ bí mật nếu bị bắt, để không lưu lại chứng cớ gì cho Pháp về việc triều đình Huế cố tình vi phạm hòa ước 1862.
Do đó, qua những gì Phạm Tiến tiết lộ về mối liên hệ giữa ông ta và triều đình Huế - như việc ông ta báo cáo trực tiếp với Cơ Mật Viện và những báo cáo của ông ta được chính vua Tự Đức xem xét - có thể thấy rằng triều đình Huế vẫn giữ một mối liên lạc chặt chẽ với các lực lượng kháng chiến tại ba tỉnh miền Đông, và trong thời gian hơn một năm sau khi đã ký hòa ước 1862 để nhường ba tỉnh này cho Pháp.
Hơn nữa, các lãnh đạo của những cuộc kháng chiến ở ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ như Trương Định, như Phạm Tiến, như Nguyễn Thông … hầu hết đều là những quan lại cũ của nhà Nguyễn; do nghe theo lời hiệu triệu của triều đình nên đã nổi lên “ứng nghĩa”. Chính vì vậy, các lực lượng nghĩa quân kháng chiến ở ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, trong đó có lực lượng của Trương Định, thực sự chỉ là một cuộc kháng chiến chống Pháp của nhà Nguyễn do các quan lại cũ của nhà Nguyễn cầm đầu. Cuộc kháng chiến này được khởi đầu từ sau thất bại ở đại đồn Chí Hòa năm 1861, và theo bản báo cáo của Phạm Tiến thì vẫn tiếp tục hơn một năm sau khi hòa ước 1862 được ký kết. Mục đích của cuộc kháng chiến không có gì khác hơn là để lấy lại ba tỉnh miền Đông cho nhà Nguyễn.
Do đó, cuộc kháng chiến nói trên ở Nam Kỳ chẳng bao giờ là một cuộc khởi nghĩa của “nhân dân” nhằm đánh đổ chế độ phong kiến đang câu kết với thực dân như ông Trần Huy Liệu đã khẳng định cả.
B. Mối Quan Hệ Giữa Phạm Tiến Và Các Lãnh Tụ Nghĩa Quân Khác: Bộ Óc Lãnh Đạo Và Vai Trò Điệp Viên?
Như vậy, theo bản báo cáo thì Phạm Tiến là người giữ trách nhiệm liên lạc giữa các lực lượng nghĩa quân tại Nam Kỳ và triều đình Huế. Hơn nữa, ông ta còn là người có một ngôi vị rất cao trong hàng ngũ nghĩa quân: hoặc ngang hàng với Trương Định, hoặc chỉ thua kém một bậc mà thôi. Và có thể nói rằng Phạm Tiến mới chính là bộ óc của các lực lượng kháng chiến này, vì những lý do sau đây.
Trước nhất, như Phạm Tiến cho biết, những vị quan lại cũ như “Nguyễn-Thết cùng các quản suất của hai phủ huyện Phước-Tuy, Long-Thành khi qua trình diện ở Bình-Thuận thì viên Lãnh phủ Lâm cũng thu văn bằng của tỉnh cấp mà đợi mãi không thấy hỏi đến, rồi ngày tháng 10 thì bọn đó lại kéo nhau về huyện Tân-Hoà kể lại cho Tôi và Trương-Định biết.”[101] Câu văn này cho thấy rằng Phạm Tiến và Trương Định lúc đó đang cùng ở tại Tân Hòa, tổng hành dinh của Trương Định. Tức là hai vị chỉ huy nghĩa quân đang ở cùng một chỗ để chờ nghe các vị cựu quan thuật lại chuyện bị Lãnh Phủ Lâm Duy Hiệp thâu văn bằng cũ mà không cấp văn bằng mới để đi nhiệm sở khác như thế nào. Và rõ ràng là qua câu văn trên thì Phạm Tiến đã tự coi mình ngang hàng, hay thậm chí là vai trên của Trương Định. Vì ông ta đã cố tình nói về “tôi” trước khi nói đến Trương Định, dù cho người sau này mới chính là vị “Bình Tây Đại Tướng”.
Rồi sau khi một viên quan thị vệ của nhà vua ghé qua Tân Hòa để giải thích cho nghĩa quân biết về kế hoạch của triều đình sau hòa ước 1862, thì một lần nữa Phạm Tiến lại cho thấy mức độ quan trọng của ông ta trong lực lượng nghĩa quân Trương Định: “chúng tôi (Phạm Tiến) cùng với Trương Định bàn định với nhau”. Và sau khi bàn định xong thì họ tiến hành việc phong phủ huyện cho ba tỉnh miền Đông, tức là họ cùng nhau xây dựng lại một bộ máy chính quyền nhà Nguyễn ở những nơi bị Pháp chiếm đóng và đã được cắt giao cho Pháp theo hòa ước 1862. Và theo sự phân chia công việc giữa hai người lãnh đạo kháng chiến nói trên thì rõ ràng là Phạm Tiến có uy quyền ít nhất cũng ngang ngửa với Trương Định, bởi mỗi người được chia phần làm “thống quản” ba huyện rưỡi:
“Nhưng cũng may sao ! Ngay giữa lúc ấy lại có một viên thị vệ mới đi công vụ Vĩnh-Long trở về, khi qua Tân-Hoà viên ấy nghỉ lại mấy hôm, nhân tiện thuật lại cho nghe, thì các thân sĩ hào mục mới biết đại khái mà thôi. Vì thế nên các đoàn huyện vẫn cứ tập hợp thề thốt cùng nhau. Chúng tôi cùng với Trương-Định bàn định với nhau, trao cho viên cử nhân Bùi-Tấn và Cù-khắc-Kiệm chuyên coi công việc của huyện Tân-Thịnh, cử nhân Lý-duy-Phiên, Hà-mậu-Đức, Tú-Tài Nguyễn-văn-Trung chuyên biện công việc của hai phủ huyện Tân An và Cửu-An, Tú-Tài Hoàng-văn-Đạt và Bùi-văn-Lý chuyên biện việc huyện Tân-Long. Tri huyện Đặng-văn-Duy chuyên biện việc phủ huyện Tây Ninh và Quang-Hoá, bát phẩm Lê-Quang-Bính, cử nhân Nguyễn-Tánh-Thiện chuyên biện việc huyện Tân-Hoà, Thân sĩ Hồ-huân-Nghiệp, Tú Tài Mai-phương-Mỹ, và Nguyễn-duy-Thận chuyên biện việc huyện Tân-Bình, Bình-Dương và giao thông với Biên-Hoà, Định-Tường.
Còn các võ viên cử nhân, tú-tài, hương mục dân binh khác cùng với một số người Tầu thì chia từng chi, đặt từng toán để đi đắp lũy, kể từ nửa trên huyện Phúc-Lộc cùng với các hạt Bình-Dương, Bình-Long, Tân-Long đều do chính Tôi quản đốc, còn từ nửa dưới huyện Phúc-Lộc với huyện Cửu-An, Tân-Thạnh, Tân-Hoà thì do Trương-Định thống quản …”[102]
Do đó, qua toàn bản báo cáo này, ta không hề thấy có một sự kính nể nào mà Phạm Tiến dành cho vị “Bình Tây Đại Nguyên Soái” cả. Trái lại, Phạm Tiến còn có vẻ coi thường Trương Định, qua cách ông ta chỉ gọi Trương Định cộc lốc bằng tên chứ không gọi bằng chức vụ, khác hẳn với khi ông nói về các nhân vật lãnh đạo kháng chiến khác. Và như đã thấy, Phạm Tiến luôn luôn chứng tỏ rằng mình là người lãnh đạo chứ không phải Trương Định, với cách ông ta lúc nào cũng nói về “tôi” trước khi nói tới Trương Định.
Ngoài ra, Phạm Tiến còn tỏ ra rất am tường về tình hình nghĩa quân Nam Kỳ cũng như tình hình của Pháp và dân chúng trong vùng Pháp chiếm. Và những chi tiết của ông ta đưa ra có vẻ rất trung thực - như việc Pháp áp dụng chính sách giảm thuế để mua chuộc lòng dân, hay việc có những lãnh tụ kháng chiến mượn danh “ứng nghĩa” để làm trò cướp bóc.
Tóm lại, bản báo cáo này cho ta thấy tầm quan trọng đặc biệt của nhân vật Phạm Tiến trong lực lượng kháng chiến của nhà Nguyễn ở Nam Kỳ, mặc dù trong chính sử hầu như không lưu lại một dấu vết nào về ông ta. Nhưng cũng nhờ bản báo cáo rất chi tiết này của Phạm Tiến mà ta có thể xác định được rằng triều đình Huế và các lực lượng nghĩa quân ở Nam Kỳ vẫn luôn luôn giữ mối liên hệ chúa tôi giống như trước hòa ước 1862. Ngoài ra, còn có một chi tiết mới lạ và thú vị nữa, là dường như nhân vật Phạm Tiến mới chính là người lãnh đạo chủ chốt trong hàng ngũ nghĩa quân Nam Kỳ, và là một vị lãnh tụ có quyền lực ngang ngửa với lãnh tụ Trương Định, hoặc có thể quan trọng hơn thế nữa.
C. Mối Liên Hệ Giữa Nghĩa Quân Trương Định Và Triều Đình Huế: Triều Đình Ủng Hộ Cho Việc Tiếp Tục Kháng Pháp Sau Hòa Ước 1862
Như bản báo cáo của Phạm Tiến cho thấy, sau khi hoà ước 1862 vừa được ký kết xong thì triều đình Huế đã phải tuân theo hòa ước mà “giải giáp” các lực lượng kháng chiến, vì mục đích muốn được Pháp trả lại Vĩnh Long theo điều số 11. Việc này làm cho các lãnh tụ đang kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ theo lệnh triều đình phải “gào khóc như mưa”, hoặc “ôm nhau mà khóc”.
Nhưng không lâu sau đó thì một sứ giả của triều đình đã ghé qua tổng hành dinh của Trương Định ở Tân Hòa để giải thích cho nghĩa quân biết về chủ trương hay kế hoạch của triều đình. Để rồi công cuộc kháng chiến chống Pháp lại được tiếp tục xúc tiến với sự “thề thốt” và xếp đặt các chức quan phủ huyện tại vùng Pháp chiếm:
“Nhưng cũng may sao ! Ngay giữa lúc ấy lại có một viên thị vệ mới đi công vụ Vĩnh-Long trở về, khi qua Tân-Hoà viên ấy nghỉ lại mấy hôm, nhân tiện thuật lại cho nghe, thì các thân sĩ hào mục mới biết đại khái mà thôi. Vì thế nên các đoàn huyện vẫn cứ tập hợp thề thốt cùng nhau. Chúng tôi cùng với Trương-Định bàn định với nhau, trao cho viên cử nhân Bùi-Tấn và Cù-khắc-Kiệm chuyên coi công việc của huyện Tân-Thịnh, cử nhân Lý-duy-Phiên, Hà-mậu-Đức, Tú-Tài Nguyễn-văn-Trung chuyên biện công việc của hai phủ huyện Tân An và Cửu-An, Tú-Tài Hoàng-văn-Đạt và Bùi-văn-Lý chuyên biện việc huyện Tân-Long. Tri huyện Đặng-văn-Duy chuyên biện việc phủ huyện Tây Ninh và Quang-Hoá, bát phẩm Lê-Quang-Bính, cử nhân Nguyễn-Tánh-Thiện chuyên biện việc huyện Tân-Hoà, Thân sĩ Hồ-huân-Nghiệp, Tú Tài Mai-phương-Mỹ, và Nguyễn-duy-Thận chuyên biện việc huyện Tân-Bình, Bình-Dương và giao thông với Biên-Hoà, Định-Tường.
Còn các võ viên cử nhân, tú-tài, hương mục dân binh khác cùng với một số người Tầu thì chia từng chi, đặt từng toán để đi đắp lũy, kể từ nửa trên huyện Phúc-Lộc cùng với các hạt Bình-Dương, Bình-Long, Tân-Long đều do chính Tôi quản đốc, còn từ nửa dưới huyện Phúc-Lộc với huyện Cửu-An, Tân-Thạnh, Tân-Hoà thì do Trương-Định thống quản, ai nấy chiếu theo địa hạt phòng tiễu, gặp khi hữu sự thì thông báo cho nhau để cùng tiếp ứng, gặp lúc vô sự thì bảo vệ hương thôn, trừ có mấy người bị quân đội Tây sát hại như Nguyễn-văn-Niên, Đặng-văn-Cửu không kể. Còn từ ngày tháng 11-12 đến giờ, các trận giao chiến với quân đội Phú ở hạt Tân-Long, Phước-Lộc, nghĩa quân tử trận mất 12 người tức ông Nguyễn-văn-Tá cựu hương thân, Đoàn-thiện-Giáo thày đồ, và Trầm-thành-Ý, Trần-Hiển cùng viên ngũ-trưởng Trần-văn-Dỏ, đội trưởng Nguyễn-Sinh, binh Lê-văn-Hạch, dân Lê-Công-Nghiễn, Võ-văn-Phú, Nguyễn-văn-Bé, Nguyễn-văn-Lợi, Nguyễn-văn-Học, còn 6 người bị Tây bắt là : Tú Tài Lê-Thanh-Tề, suất đội Bùi-văn-Lô, đội trưởng Trần-Nhượng, học trò Lê-Tôn-Đán, Lê-Tuấn, và dân bang Quảng-Đông Hà Quốc. Các người này Tây đều giao cho hai viên Tri huyện của Tây là Nguyễn-Tường-Phong, Nguyễn-Tường-Vân giam cầm quyến dụ, nhưng chúng dụ đến 4, 5 ngày các người ấy cũng chẳng khuất phục lại còn chửi mắng om xòm làm chúng tức giận, đem ra thắt cổ 5 người, còn sót Lê-Tuấn vẫn bị giam giữ chưa biết ra sao ? Còn bao nhiêu dân hạt bị chết trong lúc trận mạc thì Trương-Định, Nguyễn-hữu-Huân, Phan-Chánh đều có ghi ở trong cuốn nhật ký.”[103]
Như vậy, theo bản báo cáo thì ngay sau khi hòa ước 1862 được ký kết, các lãnh tụ kháng chiến Nam Kỳ đã không hiểu được chính xác chủ trương của triều đình Huế ra sao, hay hòa ước 1862 gồm có những điều khoản nào và đòi hỏi những gì. Do đó, việc vua Tự Đức sai Phan Thanh Giản (Phan Lãnh Đốc) và Lâm Duy Hiệp (Lâm Lãnh Phủ) nhận lãnh nhiệm vụ giải giáp để thu hồi văn bằng và điều động các thủ lãnh kháng chiến đi các tỉnh khác theo qui định của hòa ước 1862 đã làm cho họ phải “gào khóc như mưa”.
Nhưng rồi ngay giữa lúc ấy thì lại có “một viên thị vệ” tức là một viên quan trực thuộc triều đình “đi công vụ Vĩnh Long”, tức là đem chiếu chỉ hay mật lệnh gì đó từ vua Tự Đức đến cho Phan Thanh Giản, Tổng Đốc Vĩnh Long. Và khi trên đường trở về Huế thì viên thị vệ này đã ghé qua để “nghỉ (sic) lại mấy hôm” ở Tân Hòa, lúc đó đang là tổng hành dinh kháng chiến của Trương Định. Việc viên quan thị vệ ghé qua Gò Công đến mấy ngày như trên chắc chắn không phải là một sự ngẫu nhiên hay chỉ để “nghỉ” ngơi, mà chính là để “thuật lại” cho các lãnh tụ kháng chiến một điều gì đó - và phần chắc là một kế sách của triều đình Huế dành cho nghĩa quân. Bởi thế cho nên sau chuyến ghé ngang Tân Hòa của viên quan thị vệ này thì “các đoàn huyện vẫn cứ tập hợp thề thốt cùng nhau”. Còn hai lãnh tụ nghĩa quân là Phạm Tiến và Trương Định thì tiếp tục việc sắp xếp chỉ định các quan phủ huyện mới ở vùng Pháp chiếm, cũng như chia nhau thống lãnh nghĩa quân ở những địa bàn rõ rệt như trên.
Do đó, có thể suy ra từ đoạn văn trên là viên quan thị vệ đã thông báo với nghĩa quân rằng việc triều đình và Phan Thanh Giản đang làm là phương sách ngoại giao của triều đình, nhằm lấy lại tỉnh thành Vĩnh Long theo điều số 11 của hòa ước 1862. Còn việc các lực lượng nghĩa quân đang đánh Pháp thì triều đình khuyến khích cứ việc tiếp tục, nhằm mục đích gây rối để tạo áp lực ép Pháp phải trả lại luôn cả ba tỉnh miền Đông cho nhà Nguyễn.
Ngoài ra, tuy bản báo cáo của Phạm Tiến không nói rõ ràng mục đích của việc chỉ định các viên quan phủ huyện mới trong vùng đất thuộc về Pháp là để làm gì, nhưng ta có thể suy ra là triều đình nhà Nguyễn vẫn còn muốn duy trì sự chính thống của họ ở đó, qua những quan chức mà không có phủ đường này. Lý do có thể là để các viên quan ấy tiếp tục làm công việc thâu thuế má cho triều đình. Mặc dù theo hòa ước 1862 thì những vùng đất mà triều đình Huế tiếp tục đặt phủ huyện như trên là thuộc về ba tỉnh miền Đông và nay đã là lãnh thổ của Pháp.
Như vậy, nhờ bản báo cáo của Phạm Tiến, có thể thấy rõ việc triều đình Huế đã sử dụng nghĩa quân Trương Định trên mặt trận quân sự cùng một lúc với việc sử dụng Phan Thanh Giản trên mặt trận ngoại giao để đối phó với Pháp ra sao. Đó là một chủ trương hai mặt - “vừa đánh vừa đàm” - mà chẳng có gì là lạ lùng hay đáng ngạc nhiên cả. Nếu như triều đình Huế không chịu theo đuổi chính sách hai mặt này, thì đó mới là chuyện lạ!
Và chủ trương hai mặt nói trên của triều đình Huế đã được biểu hiện rất rõ qua bản báo cáo của Phạm Tiến. Về mặt ngoại giao, vua Tự Đức sai Phan Thanh Giản vào làm Tổng Đốc Vĩnh Long để thu hồi văn bằng của các quan lại cũ và kêu gọi nghĩa quân giải giáp, nhằm chứng minh cho người Pháp về sự hợp tác của phía Annam theo điều 11 của hòa ước 1862. Nhưng về mặt quân sự, vua Tự Đức vẫn bí mật khuyến khích những lực lượng kháng chiến như Trương Định tiếp tục đánh Pháp, để gây khó khăn cho Pháp ở vùng đất mới chiếm. Và đồng thời thì triều đình Huế vẫn có thể chối bỏ trách nhiệm vi phạm hòa ước 1862, qua sự chứng tỏ rằng các lực lượng kháng chiến không còn nghe lệnh của nhà vua nữa.
Tóm lại, mục đích tối hậu của triều đình Huế là bằng bất cứ giá nào cũng phải lấy lại tất cả đất đai Nam Kỳ từ Pháp; và hai lá bài đã được vua Tự Đức đưa ra sử dụng cùng một lúc là Phan Thanh Giản và Trương Định. Cả hai đều đã, và đang, hay bất cứ lúc nào, cũng vẫn là những thần tử ở dưới quyền sai khiến của nhà vua. Cả hai đều là những đại diện cho giai cấp phong kiến trợ giúp vương quyền nhà Nguyễn trong việc phục hồi lãnh thổ của vương quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ là họ đã được nhà vua sử dụng trong hai phương sách riêng biệt, ngoại giao và quân sự, mà thôi.
Cho nên không thể nào mà Trương Định lại tự ý đề câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” trên lá cờ khởi nghĩa của mình, để nói lên tiếng nói của “nhân dân” và nông dân trong cuộc đấu tranh giai cấp chống lại lực lượng phong kiến câu kết với thực dân Pháp, như các sử gia miền Bắc đã viết cả.
D. Việc “Phan Lâm Kháng Cự” - Trường Hợp 1: Quan Hệ Giữa Phan Thanh Giản Và Các Cựu Quan Lãnh Tụ Nghĩa Quân
Nhưng với chủ trương hai mặt này của vua Tự Đức thì một điều không thể tránh khỏi là hai bên ngoại giao và quân sự, cho dù cùng phe, sẽ dẫm lên chân nhau. Chính vì vậy mà vua Tự Đức muốn Phạm Tiến, tức một lãnh đạo của cánh quân sự/kháng chiến của Trương Định, phải báo cáo tường tận về cánh ngoại giao của Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp cho triều đình. Và ngay từ đầu bản báo cáo thì Phạm Tiến đã cho thấy sự lo ngại của triều đình về vấn đề này, khi Phạm Tiến được vua Tự Đức đích thân đòi hỏi phải trình bày cho nhà vua biết rõ thêm về hai vấn đề: đó là việc ”Phan Lâm kháng cự” và việc “chiêu dụ” nhân dân.
Việc “Phan Lâm kháng cự” ở đây là một vấn đề khá tối nghĩa. Nhưng vì hiện nay không có nguyên văn bản báo cáo bằng chữ Hán của Phạm Tiến, mà chỉ có bản dịch bằng chữ quốc ngữ của hai ông Tô Nam và Bùi Quang Tung, cho nên không thể nào xác định được chính xác từ nguyên bản; rằng Phan, Lâm “kháng cự” ai hay cái gì đó, hoặc hai ông bị người nào “kháng cự” về điều gì đó.
Vì lý do trên, theo người viết thì vấn đề “Phan Lâm kháng cự” trong bản báo cáo của Phạm Tiến có thể được hiểu với hai ý nghĩa: 1) các quan chức cũ của nhà Nguyễn đã “kháng cự” lại lệnh giải giáp của triều đình đang được thi hành bởi hai viên đại thần này ra sao, hoặc 2) hai ông Phan, Lâm đã “kháng cự” lại một mật lệnh hay chủ trương nào đó của vua Tự Đức thế nào.
Do không thể xác định được ý nghĩa chính xác của việc “Phan Lâm kháng cự” này là gì, và vì cả hai trường hợp nói trên đều có thể xảy ra, nên người viết sẽ xin tìm hiểu cả hai.
Trước hết, người viết xin xét đến trường hợp số 1), tức là trường hợp các quan lại cũ đã kháng cự với Phan Thanh Giản như thế nào, khi ông Tổng Đốc này lãnh trách nhiệm giải giáp các lực lượng kháng chiến của họ.
Như đã thấy trong bản báo cáo, Phạm Tiến thuật lại khá nhiều chi tiết về việc các quan lại cũ mà nay là thủ lãnh kháng chiến đã kháng cự lại lệnh giải giáp theo hòa ước 1862 của triều đình như sau:
“Ty chức kể từ sau ngày tháng 5 năm Tự-Đức 14 đã có nhiều lần cùng với quan dân 3 tỉnh và các cử, tú, thân sĩ, hương, mục, binh, dân, cộng sự trong việc ứng nghĩa. Về sau có xảy ra việc Phan-văn-Đạt và Lê-cao-Dõng bị Tây thắt cổ. Triều đình gia phong khuyến khích, từ đấy sĩ phu các hạt lại càng phẫn khích phấn khởi thề giết quân thù.
Nhưng rồi từ khi Lãnh-đốc họ Phan và quan Lãnh-phủ cùng vào Gia-Định ký hoà ước xong, ra lệnh triệt hồi các quan từ trước vẫn ngầm hoạt động ở các thôn xã, làm cho sĩ phu khắp hạt, gào khóc như mưa, nhưng mà ai nấy vẫn phải vâng theo mệnh lệnh triều đình, đến ngày tháng 8 nhuận năm ngoái, đã từng mấy lần đến hầu tại Vĩnh-Long An-Giang Bình-Thuận, duy có viên cử nhân bát phẩm Lê-Liêm, và viên Tú Tài cửu phẩm Nguyễn-bá-Phan, Tự Thừa Nguyễn-văn-Tánh thì cho tuỳ ý muốn tới tỉnh nào ứng hậu cũng được, còn các người khác như viên quyền quản Hoàng-văn-Thiện và Hoàng-Trí-Viên, Tráng-sĩ-Nhàn, Phạm-quang-Cẩn, Trần-bá-Hồ, Ngô-Tỉnh, Phạm-văn-Duyên thì qua Vĩnh-Long thì Lãnh đốc Phan thu lại văn bằng do tỉnh cấp ngày trước, rồi cấp văn bằng khác đem về trình với phủ quan để về yên nghiệp, nhưng bọn đó đều không nhận bằng và cũng không tới trình chiếu.
Còn như Nguyễn-Thết cùng các quản suất của hai phủ huyện Phước-Tuy, Long-Thành khi qua trình diện ở Bình-Thuận thì viên Lãnh phủ Lâm cũng thu văn bằng của tỉnh cấp mà đợi mãi không thấy hỏi đến, rồi ngày tháng 10 thì bọn đó lại kéo nhau về huyện Tân-Hoà kể lại cho Tôi và Trương-Định biết.
Thế rồi cách đây ít lâu thì Phan-đốc lại nghiêm sức bắt giam Đoàn-Tiến-Thiện để ghép vào tội ăn cướp, Nguyễn-Trực thấy vậy trốn vào vùng Tây để nhờ quan Tây xin hộ, sĩ dân 3 tỉnh đối với việc này ai cũng bảo rằng : Phan-đốc xua dân bổn quốc đến làm tai mắt cho Tây ! Ai cũng lấy làm kinh ngạc ! Chẳng biết nương tựa vào đâu ? Nên chỉ nhìn nhau mà khóc!”[104]
1. Bất Mãn Nhưng Rất Nể Trọng Và Tuân Lệnh
Qua đoạn văn trên trong bản báo cáo của Phạm Tiến, có nhiều chi tiết cần được lưu ý. Trước nhất, Phan Thanh Giản, nay được Phạm Tiến gọi theo đúng chức danh là “Lãnh Đốc” (Tổng Đốc Vĩnh Long kiêm thống lãnh hay lãnh mệnh vua?), và Lâm Duy Hiệp được gọi là “Lãnh Phủ” (Tuần Phủ Bình Thuận). Như đã trình bày, hai ông đại thần này trên danh nghĩa thì bị vua Tự Đức “xuống chức” để phạt tội ký kết hòa ước 1862.
Nhưng trên thực tế là ngay sau khi ký kết hòa ước vào tháng 6 năm 1862 thì hai ông Phan, Lâm lập tức được nhà vua cử vào Nam Kỳ để làm thống lãnh hai tỉnh địa đầu giáp giới ba tỉnh miền Đông mà nay đã thuộc về Pháp, với nhiệm vụ “giải giáp” các lực lượng kháng chiến địa phương. Và đây chính là những lực lượng kháng chiến mà trước đó đã từng được vua Tự Đức khuyến khích “ứng nghĩa” để tiếp tục cuộc chiến tranh chống Pháp, sau thất bại của nhà Nguyễn tại đại đồn Chí Hòa vào năm 1861.
Như vậy, hai ông đại thần Phan, Lâm này đã được vua Tự Đức giao cho một nhiệm vụ rất tế nhị và khó khăn, là thuyết phục các vị quan lại cũ nay đang kháng chiến hãy buông súng, rồi thu hồi văn bằng của các vị quan lại cũ này và điều động họ về các tỉnh khác. Không phải ngẫu nhiên mà vua Tự Đức đã điều động hai viên quan đại thần Phan, Lâm để làm công việc trên, bởi hai ông là những người xuất thân từ địa phương, và có uy tín rất lớn tại những vùng đất này.
Và đó cũng chính là lúc mà những lãnh tụ đang kháng chiến ở Nam Kỳ được triều đình phong cho chức tước mới và lãnh nhiệm vụ mới; như Trương Định được phong làm lãnh binh An Giang, hay Nguyễn Thông được điều về làm đốc học Vĩnh Long. Những người này đã được thuyên chuyển về các tỉnh miền Tây Nam Kỳ, mà lúc đó vẫn còn thuộc về triều đình Huế. Và những việc giải giáp và thuyên chuyển nói trên là để chứng tỏ cho Pháp thấy rằng triều đình Huế đã thực thi điều số 11 của hòa ước 1862; do đó, Pháp phải trả lại tỉnh thành Vĩnh Long cho nhà Nguyễn.
Theo bản báo cáo của Phạm Tiến thì phần lớn những quan chức cũ mà nay đang lãnh đạo kháng chiến đã đồng ý thuyên chuyển theo lệnh triều đình (“nhưng mà ai nấy vẫn phải vâng theo mệnh lệnh triều đình”). Nhưng cũng có những người không đồng ý, và họ đã “kéo nhau về huyện Tân-Hòa” để kể lại cho “Tôi và Trương Định biết”.
Do đó, có thể thấy rằng mặc dù bất mãn với lệnh giải giáp của triều đình, như đang được thi hành bởi hai đại thần Phan, Lâm, mặc dù “gào khóc như mưa” vì việc này, nhưng rồi phần lớn các vị lãnh tụ kháng chiến vẫn phải tuân theo lệnh vua. Và họ vẫn tỏ ra đầy đủ sự kính trọng đối với hai vị đại thần đang thi hành công việc này. Nếu như họ có bất mãn không tuân lệnh triều đình, thì cũng chỉ tỏ ra bằng cách không nhận văn bằng mới, rồi về kể lại cho Trương Định và Phạm Tiến nghe sau đó mà thôi.
Chứ họ không hề, và cũng không thể nào, mà thốt ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” được - một khi ta đọc bản báo cáo của Phạm Tiến, và thấy rõ thái độ của họ đối với Phan Thanh Giản và triều đình ra sao.
2. Tố Cáo Phan Thanh Giản Bắt Lãnh Tụ Nghĩa Quân
Một chi tiết khác cũng không kém phần quan trọng trong đoạn văn này, là bên cạnh việc giải giáp và thu hồi văn bằng cũ thì Phan Thanh Giản lại còn thanh tra và bắt tội một vài lãnh tụ kháng chiến đã thừa cơ hội mà cướp của dân lành, dưới chiêu bài “ứng nghĩa”. Trong đoạn văn trên, Phạm Tiến có nhắc đến hai người trong số này, là Đoàn Tiến Thiện và Nguyễn Trực. Người viết sẽ nói đến Đoàn Tiến Thiện ở phần sau. Còn về nhân vật Nguyễn Trực thì như Phạm Tiến báo cáo, sau khi thấy Đoàn Tiến Thiện đã bị Phan Thanh Giản truy xét, ông ta bèn chạy qua xin Pháp che chở, rồi ở lại làm quan luôn cho Pháp!
Như vậy, qua đoạn báo cáo nói trên về việc Phan Thanh Giản truy tố Đoàn Tiến Thiện và Nguyễn Trực, rõ ràng là các lãnh tụ kháng chiến như Phạm Tiến đã không hài lòng mà cho rằng Phan Thanh Giản “xua dân bổn quốc làm tai mắt cho Tây”! Người viết sẽ xét đến những vụ án loại này ở mục tiếp theo. Tại đây, chỉ xin bạn đọc lưu ý là những lãnh tụ kháng chiến như Phạm Tiến đã tỏ ra rất bất bình trước việc Phan Thanh Giản truy xét tội trạng của những người đồng chí của họ.
Tức là nếu như việc “Phan Lâm kháng cự” trong bản báo cáo có ý nói về sự kháng cự của các lãnh tụ kháng chiến đối với hai vị đại thần đang thừa hành lệnh giải giáp của triều đình, thì qua đoạn văn trên của Phạm Tiến, có thể thấy rằng các vị lãnh tụ kháng chiến mà cũng là những vị cựu quan này đã rất bất bình với mệnh lệnh đó của triều đình, cũng như rất phẫn nộ với việc truy xét tội nhũng lạm của những người trong bọn họ, bởi quan Lãnh Đốc Phan Thanh Giản.
Tuy nhiên, cho dù không đồng ý với lệnh giải giáp của triều đình, cho dù bất mãn với việc Phan Thanh Giản đã truy tố vài lãnh tụ khác, nhưng những vị thủ lãnh kháng chiến này chỉ biết “nhìn nhau mà khóc” hoặc “gào khóc như mưa”, và “vẫn phải vâng theo mệnh lệnh triều đình” mà thôi. Chứ chẳng hề có chuyện họ cho đề tám chữ “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” lên trên lá cờ khởi nghĩa để lên án “bọn phong kiến bán nước”, như hai sử gia họ Trần đã viết.
E. Việc “Phan Lâm Kháng Cự” - Trường Hợp 2: Quan Hệ Giữa Phan Thanh Giản Và Triều Đình Huế
Trường hợp thứ hai của “Phan Lâm Kháng Cự” trong bản báo cáo của Phạm Tiến có thể là việc Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đã “kháng cự” lại một mật lệnh hay chủ trương nào đó của vua Tự Đức. Và bởi vậy, nhà vua đã chỉ thị cho Phạm Tiến phải báo cáo tỏ tường về vấn đề này thực hư ra sao.
Để nhắc lại, theo câu chuyện chung quanh câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” của ông Trần Huy Liệu thì Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp và triều đình Huế đều cùng chung một phe nhóm phong kiến phản động, và cùng chung một âm mưu là dâng đất đầu hàng giặc Pháp. Đương nhiên là ông Trần Huy Liệu chưa bao giờ chứng minh được âm mưu này.
Thế nhưng ngoài những tài liệu thuộc loại “chính thống” như Đại Nam Thực Lục, mà theo đó nhà vua và các hành động của ông ta đã được các sử gia trình bày dưới cái nhìn chủ quan nhất, thì rất khó để tìm thấy được những tài liệu nào khác để cho thấy mối liên hệ thực sự giữa vua Tự Đức và Phan Thanh Giản.
Và bản báo cáo của Phạm Tiến chính là một tài liệu quí báu hiếm hoi đó. Nó cho ta thấy sự bất đồng chính kiến giữa vua Tự Đức với Phan Thanh Giản; sự bất đồng mà nếu chỉ đọc những tài liệu thuộc loại “chính sử” như Đại Nam Thực Lục không thôi, thì không thể nào thấy được. Đối với vua Tự Đức, điều quan trọng nhất là lấy lại được các tỉnh miền Đông Nam Kỳ, nơi dựng nghiệp của tổ tiên và cũng là đất có mồ mả bên ngoại của nhà vua. Trong khi đó, đối với Phan Thanh Giản thì ngoài nhiệm vụ phải hoàn tất trách nhiệm của một thần tử, như việc bảo toàn đất đai của nhà vua, ông còn có trách nhiệm của một ông quan đối với những người dân, với luật pháp, cũng như với thể diện của quốc gia.
Vì vậy, một khi hai thứ trách nhiệm nói trên trở nên đối nghịch với nhau, Phan Thanh Giản cuối cùng đã phải chọn lấy cái chết, khi không làm tròn được trách nhiệm giữ đất cho nhà vua.[105]
Và trong thời gian ngay sau hòa ước 1862 thì sự mâu thuẫn giữa hai nhân vật này được hé lộ, nhờ bản báo cáo rất chi tiết của Phạm Tiến. Như đã trình bày, vua Tự Đức muốn nuôi dưỡng các lực lượng kháng chiến ở ba tỉnh miền Đông để tiếp tục gây khó khăn cho người Pháp trong việc điều hành vùng đất mới chiếm, nhằm mục đích thúc đẩy họ phải trả nó lại cho nhà Nguyễn. Chính vì vậy mà nhà vua sẵn sàng làm ngơ hay bỏ qua những vụ nhũng lạm, cướp của, giết người vô tội của các lãnh tụ nghĩa quân ở Nam Kỳ. Trong khi đó, Phan Thanh Giản, với trách nhiệm của một viên quan phải bảo vệ người dân và trừng phạt tội ác, đã đi ngược lại với mục đích và quyền lợi tối hậu nói trên của vua Tự Đức.
Như đã thấy trong bản báo cáo, vua Tự Đức ra lệnh cho Phạm Tiến phải tường thuật rõ ràng việc Phan Lâm đã “kháng cự” thế nào. Và Phạm Tiến đã thuật lại những trường hợp mà Phan Thanh Giản ra mặt chống lại chủ trương dung dưỡng các lãnh tụ kháng chiến của vua Tự Đức ra sao.
Do đó, cho dù chữ “kháng cự” ở đây không có ý nói đến việc Phan Thanh Giản đã kháng cự lệnh vua Tự Đức - là phải nương tay với các lãnh tụ kháng chiến phạm luật - đi nữa, thì những vụ án đã được nhắc đến trong bản báo cáo của Phạm Tiến cho ta thấy một sự mâu thuẫn rất rõ rệt giữa hai nhân vật trong cùng một giai cấp phong kiến này; hai nhân vật mà ông Trần Huy Liệu cho là đã chủ mưu thông đồng với nhau để dâng đất cho người Pháp: Phan Thanh Giản và vua Tự Đức.
Dưới đây là ba vụ án xử phạt các lãnh tụ kháng chiến Nam Kỳ do Phan Thanh Giản thi hành, và như Phạm Tiến trình bày với vua Tự Đức trong bản báo cáo:
1. Vụ Án Đoàn Tiến Thiện
Phạm Tiến đã tâu với vua Tự Đức như sau về việc Phan Thanh Giản gây khó dễ cho một số “thủ lãnh kháng chiến”, trong đó có một người tên là Đoàn Tiến Thiện:
“Thế rồi cách đây ít lâu thì Phan-đốc lại nghiêm sức bắt giam Đoàn-Tiến-Thiện để ghép vào tội ăn cướp, Nguyễn-Trực thấy vậy trốn vào vùng Tây để nhờ quan Tây xin hộ, sĩ dân 3 tỉnh đối với việc này ai cũng bảo rằng : Phan-đốc xua dân bổn quốc đến làm tai mắt cho Tây ! Ai cũng lấy làm kinh ngạc ! Chẳng biết nương tựa vào đâu ? Nên chỉ nhìn nhau mà khóc!”
Vậy nhân vật Đoàn Tiến Thiện này là ai? Có phải thật sự là “dân bổn quốc” đã bị Phan Thanh Giản “xua đến làm tai mắt cho Tây” như Phạm Tiến đã viết hay không? Sau đây là những gì mà chính sử nhà Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, viết về nhân vật này và vụ án nói trên:
“Trước đây, Cử nhân ứng nghĩa ở Vĩnh Long là Đoàn Tiến Thiện bắn giết được quân nước Phú (ở Mỹ Đức, Mỹ Đông, Mỹ Trung 3 lần đặt quân phục bắn giết) thưởng thụ cho chức Tri huyện. Đến đây, Phan Thanh Giản cho là Tiến Thiện họp giặc để lấy lương, tâu xin cách chức và tra xét.
Vua nói : Xử mau cho biết rõ người thiện, người ác, đừng theo tư tình mà khinh suất định án. Tiến Thiện bị cách chức lại về đứng tên trong sổ là Cử nhân. Rồi sau chuẩn cho khai phục lĩnh Huấn đạo huyện Kiên Giang.”[106]
Như vậy, Đoàn Tiến Thiện là một vị Cử Nhân triều Nguyễn đã từng “ứng nghĩa” đánh Pháp và có công trạng với triều đình. Nhưng khi Phan Thanh Giản đến nhậm chức tại Vĩnh Long thì ông lại cho bắt giam ông này vì “tội ăn cướp”, theo bản báo cáo của Phạm Tiến. Còn theo Đại Nam Thực Lục thì do tội “họp giặc để lấy lương”. Trong vụ án Đoàn Tiến Thiện nói trên, vua Tự Đức đã tỏ ra công bằng, hay ít ra thì cũng đồng ý với sự xét xử của Phan Thanh Giản, qua việc nhà vua đồng ý cho cách chức Đoàn Tiến Thiện.
Thế nhưng có lẽ không lâu sau đó thì triều đình lại “khai phục” cho ông ta và phái đi làm quan Huấn Đạo ở Kiên Giang. Không thấy nói rằng trước khi quân Pháp đến thì Đoàn Tiến Thiện làm quan chức gì, nhưng sau vụ án này thì ông ta lại được nhà vua cho làm quan Huấn Đạo. Mặc cho tiền án của ông ta là “ăn cướp” hay “họp giặc để lấy lương”, và đã được nhà vua đồng ý xử phạt trước đây.
Có phải đó là do công trạng từng đánh Pháp thắng lợi của Đoàn Tiến Thiện? Bởi vì điều chắc chắn là vua Tự Đức đã đích thân tra xét vụ án này, như được thuật lại trong Đại Nam Thực Lục. Nếu Đoàn Tiến Thiện vô tội, hay không có tội như Phan Thanh Giản truy tố, thì chắc rằng vua Tự Đức đã bác bỏ hình phạt cách chức ông ta rồi. Đằng này chính nhà vua đã phải chấp nhận việc cách chức Đoàn Tiến Thiện. Nhưng rồi sau đó nhà vua lại “khai phục” và phong cho ông ta một chức quan khác.
Do đó, trái với cách diễn tả một chiều của Phạm Tiến, qua việc mượn lời của “sĩ dân ba tỉnh” mà cho rằng Phan Thanh Giản đã “xua dân bổn quốc làm tai mắt cho Tây”, vụ án Đoàn Tiến Thiện là một vụ án từng được báo cáo lên vua Tự Đức cũng như chép trong chính sử nhà Nguyễn, và sự thực không phải như vậy. Theo bộ chính sử Đại Nam Thực Lục này, Phan Thanh Giản đã không hề xử oan cho Đoàn Tiến Thiện, vì chính vua Tự Đức đã phải chấp nhận bản án đó.
Thế nhưng, chính vì công trạng đánh Pháp của Đoàn Tiến Thiện, mà bộ chính sử Đại Nam Thực Lục đã không quên nhắc lại, nên vua Tự Đức đã mau lẹ khôi phục quan chức cho ông ta. Và việc làm này của nhà vua chắc chắn là để gửi một thông điệp đến các lãnh tụ kháng chiến Nam Kỳ về thái độ chấp nhận của nhà vua đối với những gì họ làm, kể cả những điều phi pháp. Miễn là họ gây khó dễ cho kẻ thù của nhà vua là người Pháp, và từ đó tạo thuận lợi cho triều đình trong việc lấy lại ba tỉnh miền Đông.
Tóm lại, vụ án Đoàn Tiến Thiện cho thấy một sự mâu thuẫn rõ rệt giữa Phan Thanh Giản và vua Tự Đức, khi cuộc sống của người thường dân và vấn đề đạo đức của người có quyền chức được đưa lên bàn cân. Trong khi vua Tự Đức tỏ ra bất cần về đạo đức của những vị quan mà nhà vua sử dụng, miễn là có lợi cho việc lấy lại đất đai của nhà mình, thì Phan Thanh Giản lại không chấp nhận những hành động phạm pháp của các vị quan đó, nên đã xử tội họ để bảo vệ người thường dân, cũng như uy tín của triều đình mà ông là một phần tử.
2. Vụ Án Trịnh Quang Nghi
Và đến vụ án kế tiếp được nói đến trong bản báo cáo của Phạm Tiến thì sự mâu thuẫn giữa hai người và sự thiên vị của vua Tự Đức đối với các lãnh tụ kháng chiến trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Nhất là khi xét đến hành vi giết người cướp của rất dã man của một viên thủ lãnh kháng chiến tên là Trịnh Quang Nghi trong vụ án này.
Nhân vật Trịnh Quang Nghi đó là ai?
Sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ năm 1861, một số khoa bảng địa phương đã mộ quân “ứng nghĩa” và khởi binh chống Pháp. Cùng với Trương Định, Đỗ Trình Thoại (Huyện Toại) … là lực lượng của hai lãnh tụ Phan Văn Đạt và Trịnh Quang Nghi. Và Trịnh Quang Nghi chính là một người bà con với tác giả “Lãnh Binh Trương Định Truyện”, Nguyễn Thông.
Theo “Truyện Phan Văn Đạt” của Nguyễn Thông thì Trịnh Quang Nghi là chú của Phan Văn Đạt và là cậu của Nguyễn Thông. Ông ta trước đó là thủ hạ của Tán Lý Nguyễn Duy (em của Nguyễn Tri Phương). Sau trận Chí Hòa, Trịnh Quang Nghi cùng “ứng nghĩa” với Phan Văn Đạt, rồi sau khi Phan Văn Đạt bị Tây bắt và hành quyết thì Trịnh Quang Nghi “thu nhặt tàn quân về đóng ở tỉnh An Giang”[107] .
Và lúc Trịnh Quang Nghi dẫn tàn quân về An Giang, một trong ba tỉnh miền Tây mà lúc đó còn thuộc nhà Nguyễn, thì chuyện gì đã xảy ra?
Theo bản báo cáo của Phạm Tiến:
“ … Tú Tài Trịnh-quang-Nghi, trước đây ở huyện Tân-Thịnh, cùng Phan-văn-Đạt bí mật chiêu mộ nghĩa binh, đến sau chạy sang tỉnh này tấm lòng oán hận vẫn còn chưa hả, tức như trước khi chưa có cuộc hòa, một bọn giáo-dân cỡi 10 chiếc thuyền trốn vào Gia-Định, Quang-Nghi ngầm sai nghĩa quân đón đường triệt sát, lấy hết của cải cấp cho nghĩa dân …”
Còn theo bộ chính sử của nhà Nguyễn, Đại Nam Thực Lục Chính Biên, thì vụ án này diễn tiến như sau:
“Trước đây, Tú tài ứng nghĩa ở An Giang là Trịnh Quang Nghi đi đường gặp bọn dân theo đạo (44 người) lẻn đi theo giặc. Quang Nghi khuyên bảo không nghe, bèn giết hết. Đến đây, Phan Thanh Giản xin bắt tội Quang Nghi. Vua nói: Khi đó cho giảng hòa, đó là lòng vì việc nghĩa mà căm giận. Bèn tha tội cho.”[108]
Như vậy, đây là một vụ án rất lớn và có liên hệ đến sinh mạng của 44 người dân Việt theo đạo Thiên Chúa. Tổng hợp bản báo cáo của Phạm Tiến và Đại Nam Thực Lục, có thể thấy rằng những người giáo dân này đã đi trên 10 chiếc thuyền (có lẽ gồm 10 gia đình?) trên đường chạy đến Gia Định để trốn tránh việc bắt đạo của triều đình nhà Nguyễn. Không biết chính xác là họ từ đâu đến, nhưng có lẽ đã từ An Giang chạy lên Sài Gòn. Và họ đã không may gặp phải tàn quân của Trịnh Quang Nghi trên đường chạy trốn. Vì kết cuộc là Trịnh Quang Nghi cho lính tàn sát hết cả 44 mạng người này, rồi lấy hết tất cả của cải của họ, mà Phạm Tiến viết là cấp cho “nghĩa” dân. Không biết những người “nghĩa” dân này là ai, và có phải là đồng bọn của Trịnh Quang Nghi hay không?
Cần nhớ rằng Phạm Tiến cũng chính là một thủ lãnh nghĩa quân như Trịnh Quang Nghi, nhưng ông ta đã tâu lại với Cơ Mật Viện và vua Tự Đức khá nhiều chi tiết về cuộc thảm sát cướp của giết người này của Trịnh Quang Nghi. Ông ta không quên biện hộ cho Trịnh Quang Nghi rằng đó là do “tấm lòng oán hận vẫn còn chưa hả”, thế nhưng đồng thời ông ta cũng lại viết rõ rằng Trịnh Quang Nghi đã “ngầm sai nghĩa quân đón đường triệt sát” và “lấy hết của cải” của những người xấu số này. Như vậy, theo sự diễn tả của Phạm Tiến thì đây chính là một cuộc phục kích ám hại để giết người cướp của, không hơn không kém.
Rồi theo Đại Nam Thực Lục thì Phan Thanh Giản lúc đó đang làm Tổng Đốc Vĩnh Long đã tâu với vua Tự Đức xin bắt tội Trịnh Quang Nghi. Thế nhưng, đối với một vụ án mạng trọng đại như vậy, một vụ cướp của giết người bởi một thủ lãnh “nghĩa quân” là tú tài Trịnh Quang Nghi dã man như vậy, mà vua Tự Đức lại điềm nhiên phán rằng “đó là lòng vì việc nghĩa mà căm giận” nên “èn tha tội cho”! Và không như bản báo cáo của Phạm Tiến, Đại Nam Thực Lục lại chẳng hề nói gì đến việc Trịnh Quang Nghi đã lấy hết của cải của những người xấu số này. Mà còn viết những lời chữa tội cho Trịnh Quang Nghi rằng vì ông ta “khuyên bảo không nghe, bèn giết hết”!
Có nghĩa là vua quan nhà Nguyễn thời đó coi tính mạng của 44 người dân Việt ở Nam Kỳ thật sự không ra gì!
Tưởng cũng cần nhắc lại là theo hòa ước 1862 mà nhà Nguyễn vừa ký kết với Pháp, thì những người giáo dân này có quyền được đến Gia Định là nơi thuộc vùng kiểm soát của Pháp. Tức là họ hoàn toàn không làm điều gì sai trái hay phạm luật của nhà Nguyễn. Thế nhưng một vị tú tài nhà Nguyễn và cũng là một vị thủ lãnh nghĩa quân, nhưng không phải là một viên quan sở tại, đã ngang nhiên ra lệnh cho những “nghĩa quân” của ông ta đón đường tàn sát cả 44 nhân mạng, rồi cướp hết của cải của họ.
Nếu nói như Đại Nam Thực Lục là chỉ vì “khuyên bảo không nghe” mà nhân vật Trịnh Quang Nghi này có thể lạnh lùng cho “giết hết” 44 mạng người thường dân Nam Kỳ một cách dễ dàng như vậy, thì tội ác của ông ta và quân sĩ của ông ta quả thật đáng sợ, và không hiểu làm sao mà vua Tự Đức lại có thể cho rằng đó là “lòng vì việc nghĩa” mà ra!
Trong khi đó thì Phan Thanh Giản, một vị quan nổi tiếng công minh ngay thẳng, đã tâu xin vua Tự Đức bắt tội Trịnh Quang Nghi, cũng như ông đã từng bắt tội Đoàn Tiến Thiện trước đó. Cho dù ông thừa biết rằng triều đình nhà Nguyễn rất cần những người như Trịnh Quang Nghi, như Đoàn Tiến Thiện, để gây khó khăn cho Pháp.
Thế nhưng vua Tự Đức thì rõ ràng là vì cần dùng những vị “nghĩa sĩ” kiểu như Trịnh Quang Nghi, nên đã nhắm mắt làm ngơ và mặc cho họ muốn làm gì thì làm đối với thường dân. Cho nên có thể nói rằng đây mới chính là một bằng chứng cụ thể cho việc “triều đình khí dân” - qua cách nhà vua bênh vực cho những thủ lãnh nghĩa quân như Trịnh Quang Nghi, trong lúc không coi mạng sống con dân của mình ra gì!
Nhưng cũng chính nhờ vụ án này mà ta có thể thấy được cách đối xử với người dân của vua Tự Đức, của Phan Thanh Giản, và của một người thủ lãnh “nghĩa quân” là Trịnh Quang Nghi. Cũng như mối liên hệ với nhau giữa các nhân vật đứng trong cùng một phe “phong kiến” này. Việc Phan Thanh Giản xử tội Trịnh Quang Nghi cho thấy rằng ông đã đứng về phía người dân và lẽ phải để đòi hỏi công lý, cho dù việc này đi ngược lại với chủ trương và quyền lợi cấp thời của vua Tự Đức. Do đó, có thể coi đây chính là một hành vi “kháng cự” mệnh lệnh của nhà vua bởi Phan Thanh Giản.
Như bạn đọc đã thấy, người viết chắp nối lại vụ án Trịnh Quang Nghi nói trên từ hai tài liệu là bản báo cáo mật của Phạm Tiến và bộ chính sử Đại Nam Thực Lục của nhà Nguyễn. Do đó, đây là một vụ án được tìm ra hoàn toàn từ tài liệu Việt chớ không phải tài liệu Pháp, và vì vậy không thể nào nói rằng “thực dân Pháp” đã bịa chuyện để bêu xấu những người thủ lãnh kháng chiến chống lại họ như Trịnh Quang Nghi. Mà thật sự thì đây chính là một vụ án sát nhân tập thể trọng đại và rõ rệt, được vua Tự Đức đích thân tra xét, rồi lại đích thân … “èn tha tội cho”.
Có lẽ đây là lý do tại sao người Pháp luôn luôn tỏ ra sự kính trọng Phan Thanh Giản, cho dù ông đã “phỉnh gạt” họ đi chăng nữa! Nhưng họ lại có vẻ khinh bỉ vua Tự Đức và những thủ lãnh nghĩa quân kiểu như Trịnh Quang Nghi. Và chẳng riêng gì người Pháp, mà tất cả những người dân Nam Kỳ thời đó đều có một lòng kính trọng hết mực đối với Phan Thanh Giản. Trong khi thái độ của những người dân Nam Kỳ đối với “nghĩa quân” và với triều đình nhà Nguyễn thì lại là chuyện khác, mà ta sẽ thấy rõ hơn ở chương sau.
Người viết cũng xin nói thêm về vụ án Trịnh Quang Nghi này qua cách nhìn của các sử gia miền Bắc. Mặc dù vụ án sát nhân dã man nói trên đã được ghi lại rõ ràng như vậy, ít nhất là trong bộ chính sử Đại Nam Thực Lục, nhưng một sử gia miền Bắc đã không ngần ngại xuyên tạc lịch sử - bằng cách sửa đổi chi tiết của vụ án nói trên để lên án Phan Thanh Giản. Và đó là trong phiên tòa đấu tố Phan Thanh Giản trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử vào năm 1963, khi một trong những bài viết dùng để đả kích cá nhân Phan Thanh Giản do tác giả Đặng Việt Thanh chấp bút, đã nói như thế này về vụ án Trịnh Quang Nghi:
“Trong lúc đó thì các bạn học của Phan khi xưa đã làm gì? Họ đều đi với nhân dân kháng Pháp, Phan không những không ủng hộ họ mà còn nghe theo Pháp chiêu dụ họ bãi binh. Chính Phan đã bốn lần chuyển giao thư của Pháp cho Trương Định, và đích thân cũng đã ba lần dụ hàng Trương Định, có lần lại còn suýt chém đầu Trần-xuân-Võ là người của Trương Định phái đến xin Phan giúp lương, Phan đã tích cực hiểu dụ nhân dân đừng “nghịch” với Pháp đến nỗi đã báo cáo về triều xin trị tội Trịnh Quang Nghị (sic) là người tổ chức toán võ sĩ phục kích đánh úp Pháp. Nhưng vì Tự-đức thấy không có hại gì nên đã tha cho Nghị.”[109]
Như vậy, tác giả Đặng Việt Thanh trong việc lên án Phan Thanh Giản - theo con đường đã được vạch ra từ ông Viện Trưởng Trần Huy Liệu là bằng bất cứ thủ đoạn nào - đã cố gắng chứng minh tội “mãi quốc” của Phan Thanh Giản bằng cách dẫn ra vụ án Trịnh Quang Nghi. Và để làm được điều này thì ông Đặng Việt Thanh đã “sáng tạo” ra, hay đúng hơn là đã xuyên tạc, sử liệu. Bởi theo đoạn văn trên, ông ta cho rằng Phan Thanh Giản đã dám xin triều đình trị tội những nghĩa sĩ như Trịnh Quang Nghi (mà ông gọi là Nghị), do Trịnh Quang Nghi đã “tổ chức toán võ sĩ phục kích đánh úp Pháp”. Và nếu Trịnh Quang Nghi chỉ vì đã tổ chức một toán võ sĩ để đánh Pháp mà lại bị Phan Thanh Giản đòi trị tội như vậy, thì Phan Thanh Giản phải là một kẻ theo Pháp, và là một tên “bán nước” không sai!
Thế nhưng như người viết đã dẫn, cả hai tài liệu nói về vụ án này là bản báo cáo của Phạm Tiến và Đại Nam Thực Lục đều cho biết rằng Trịnh Quang Nghi và quân lính của ông ta sau khi chạy về An Giang đã phục kích giết chết những giáo dân người Việt đang tìm đường chạy trốn, chứ chẳng có một mống người Pháp nào trong đây hết. Nếu như ông Đặng Việt Thanh vì ở miền Bắc mà không có được bản báo cáo của Phạm Tiến đăng trong tờ Sử Địa ở miền Nam, thì chắc chắn ông ta cũng phải có Đại Nam Thực Lục trong tay, và do đó mà mới biết được rằng vụ án Trịnh Quang Nghi là do Phan Thanh Giản khởi tố.
Tuy nhiên, ông Đặng Việt Thanh đã trơ trẽn viết ra như trên, rằng Trịnh Quang Nghi vì tổ chức phục kích đánh úp Pháp mà bị Phan Thanh Giản đòi xử tội. Khi làm điều này, ông ta vừa đạt được mục đích bôi nhọ Phan Thanh Giản, lại vừa có thể dấu biệt luôn bản án sát nhân của lãnh tụ “nghĩa quân” Trịnh Quang Nghi. Thủ đoạn này rất giống như việc ông Trần Huy Liệu đã gán cho dân Nam Kỳ ý định sắp xếp Phan Thanh Giản đồng hàng với Phan Hiển Đạo và Tôn Thọ Tường là Nam Kỳ “Danh Nhơ” thay vì “Danh Nho”, như người viết đã dẫn ra ở phần trên. Hay cũng giống như việc ông Trần Huy Liệu quả quyết rằng Phan Thanh Giản đã “ký nhượng ba tỉnh miền Tây” cho Pháp.
3. Vụ Án Phan Hiển Đạo
Vụ án sau cùng được nhắc đến trong bản báo cáo của Phạm Tiến là vụ án Phan Hiển Đạo. Phan Hiển Đạo là một vị khoa bảng lớn của Nam Kỳ. Sau Phan Thanh Giản, ông ta là người Nam Kỳ thứ nhì đậu tiến sĩ triều Nguyễn, và ông từng nổi tiếng là một bậc phong lưu tài tử bậc nhất của xứ Nam Kỳ. Sau khi đậu tiến sĩ, Phan Hiển Đạo bắt đầu làm quan cho nhà Nguyễn, lên đến chức Đốc Học Định Tường. Rồi khi Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Đông thì ông cũng có “ứng nghĩa” theo lời hiệu triệu của triều đình, nhưng bị Pháp bắt. Và sau khi bị bắt, không rõ là Phan Hiển Đạo có chấp nhận theo Pháp hay không. Nhưng theo lời đồn đãi thì chính vì vấn đề không được rõ ràng đó mà ông đã tự tử - do bị Phan Thanh Giản phê phán về việc này rằng: “thất thân chi nữ, hà dĩ vi trinh.”[110]
Còn theo bản báo cáo của Phạm Tiến, sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông:
“ … Phan-hiến-Đạo (sic) mỗi khi lai vãng với Tây. Y đều cắm cờ hiệu Tấn-Sĩ và cờ ba sắc lên trên mũi thuyền. Tới tỉnh Gia-Định cũ y ngồi nghe hát với Tây, việc này do viên nguyên Tri phủ phủ Tân-Bình là Nguyễn-Thành-Ý hiện đã phi trình tại nơi quân thứ Tân-Hòa.”
Như vậy, theo lời báo cáo của Phạm Tiến thì quả không rõ là Phan Hiển Đạo có thật tình theo Pháp như Tôn Thọ Tường hay chưa. Nhưng vì ông ta đã có một mối liên hệ khá thân thiết với người Pháp như trên, nên Phan Thanh Giản đã quyết liệt đòi cách chức ông ta.
Theo Đại Nam Thực Lục:
“Trước đây, nguyên Đốc học Định Tường là Phan Hiển Đạo (người ở Vĩnh Long, đỗ Đồng tiến sĩ, nguyên hàm Biên tu lĩnh chức Đốc học, mộ quân chống nhau với Tây dương, được thưởng thăng hàm Thị giảng, Thương biện tỉnh vụ). Cáo bệnh về, bị người Phú bắt được, rồi được tha về. Phan Thanh Giản cho là cùng đi lại với người Phú, xin cách chức.
Vua cho là Hiển Đạo từng mộ quân đánh Tây dương, Phan Thanh Giản chủ hòa, nói chưa chắc đã đúng. Sai bộ cứu xét. Hiển Đạo nghe tin ấy, đến chỗ mồ cha tự thắt cổ chết. Bộ Lại bàn cũng như lời Phan Thanh Giản, xin truy đoạt quan chức của Hiển Đạo.
Vua cho là tâm tích còn chưa rõ ràng, sai 2 tỉnh Long, Giang hỏi cho xác thực, trả lời về Bộ sẽ bàn. Đến đây, hai tỉnh ấy tâu nói : Hiển Đạo vì có bệnh đau tim, say tỉnh không thường, trước đây bị người Phú bắt giam, cho làm Đốc học, viên ấy lấy cớ là có bệnh không nhận. Rồi sau được tha bèn đem cờ, bài, mặc quần áo Tây dương cùng đi lại với Tây dương, mọi lẽ như thế. Bộ Lại cho là viên ấy tuy không theo Tây dương nhưng không biết tránh chỗ ở. Lại hành động như thế, tưởng cũng có phần xấu xin theo nghị trước.
Vua bảo: Danh tiết của một người sĩ phu, ta rất lấy làm thương tiếc nên phải xét rõ tâm tích mới được. Lại giao cho đình thần xét lại, cũng như Bộ bàn. Bèn chuẩn cho truy đoạt chức hàm và bỏ tên trong sổ tiến sĩ, đục bỏ tên trong bia tiến sĩ đi.”[111]
Do đó, qua vụ án Phan Hiển Đạo như trên, có thể thấy rằng vua Tự Đức tuy sử dụng Phan Thanh Giản nhưng lại tỏ ra không tin tưởng Phan Thanh Giản, nhất là với những việc Phan Thanh Giản làm mà có hại cho mưu tính lấy lại đất đai của nhà vua.
Trước nhất, theo bản báo cáo của Phạm Tiến thì nhà vua đã đặc biệt sai Phạm Tiến theo dõi những việc làm của Phan Thanh Giản và báo cáo lên, để xem những thủ lãnh nghĩa quân có phục tùng Phan Thanh Giản hay là kháng cự.
Có lẽ vì uy tín rất lớn của Phan Thanh Giản đối với sĩ phu và nhân dân Nam Kỳ, cũng như đối với người Pháp, cho nên vua Tự Đức đã bắt buộc phải sử dụng ông trong những công việc trọng yếu - như việc giải giáp các lực lượng kháng chiến và thương thuyết với người Pháp để lấy lại Vĩnh Long.
Nhưng vua Tự Đức cũng đồng thời sai người theo dõi và báo cáo việc làm của Phan Thanh Giản. Và nhà vua đã tỏ ra có một lập trường cứng rắn “chủ chiến” - khác với Phan Thanh Giản - ít ra là ngoài mặt và đối với các triều thần. Điển hình là với vụ án Phan Hiển Đạo. Trong khi Phan Thanh Giản buộc tội Phan Hiển Đạo đã “đi lại” với Pháp và do đó tâu xin nhà vua cách chức ông ta, thì vua Tự Đức lại cho rằng vì Phan Thanh Giản “chủ hòa”, nên “nói chưa chắc đã đúng”! Nhưng nếu như Phan Thanh Giản quả đúng là “chủ hòa” triệt để như vua Tự Đức đã nói, thì cớ gì ông ta lại không chấp nhận được những hành động thân thiện hòa hoãn với người Pháp của Phan Hiển Đạo?
Mà có lẽ lý do thực thụ là vì vua Tự Đức rất ưa chuộng thành tích đã “từng mộ quân đánh Tây dương” của Phan Hiển Đạo, một vị cựu quan và cũng là một cựu lãnh tụ kháng chiến. Cho nên mặc dù Phan Hiển Đạo đã tỏ ra thân thiện với người Pháp, vua Tự Đức vẫn muốn bảo vệ vị quan/lãnh tụ này. Nhà vua đã nói rõ ra rằng đó là vì Phan Hiển Đạo đã từng có thành tích đánh Pháp. Còn Phan Thanh Giản thì nhà vua cho rằng lúc nào cũng “chủ hòa”, cho nên nhà vua nghi ngờ là trong vụ án này Phan Thanh Giản đã cố tình làm hại Phan Hiển Đạo. Hơn nữa, khi nói ra điều trên với triều thần, vua Tự Đức có lẽ muốn gửi một thông điệp đến các lãnh tụ kháng chiến; là nhà vua sẽ bảo vệ cho họ, nếu họ bị làm khó dễ bởi nhân vật “chủ hòa” Phan Thanh Giản.
Do đó, việc vua Tự Đức viện cớ rằng do Phan Thanh Giản “chủ hòa” nên khi nói về Phan Hiển Đạo “chưa chắc đã đúng”, chính là vì nhà vua muốn bảo vệ những vị cựu quan, những người đã từng “kháng chiến”, bởi họ có thể giúp cho nhà vua lấy lại ba tỉnh miền Đông. Như Đoàn Tiến Thiện, như Trịnh Quang Nghi, và thậm chí cả những người có vẻ thân thiện với Tây như Phan Hiển Đạo.
Tóm lại, qua ba vụ án Đoàn Tiến Thiện, Trịnh Quang Nghi và Phan Hiển Đạo kể trên, có thể thấy rằng đối với vua Tự Đức trong thời gian đó là nếu vị quan nào đã từng có thành tích đánh Pháp, thì dù nay có làm điều gì sai trái - kể cả việc thân thiện đi lại với Pháp hay cướp của giết người - cũng vẫn được nhà vua thông cảm và che chở cho. Bởi vì họ là những người có ích cho nhà vua trong việc khôi phục lãnh thổ. Trong khi đó, đối với một viên quan tôn trọng chính nghĩa và luật pháp như Phan Thanh Giản, thì nhà vua lại không tin tưởng, bởi vị đại thần họ Phan đã không ngần ngại kỷ luật những thủ lãnh nghĩa quân có thể giúp ích cho nhà vua. Và vì vậy, nhà vua đã viện cớ rằng do Phan Thanh Giản là người “chủ hòa” nên đâm ra thù ghét hết tất cả những “thủ lãnh nghĩa quân” muốn “chiến” với Pháp.
Do đó, trong khi những người giới thiệu câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó muốn cho độc giả của họ tin rằng Phan Thanh Giản và triều đình Huế thuộc về một bọn “phong kiến phản động” với nhau, và cùng toa rập với nhau để cắt đất của nhân dân mà dâng cho thực dân Pháp, nên đã bị nhân dân và nghĩa quân Trương Định viết tám chữ kia lên lá cờ khởi nghĩa để tố cáo, thì thực tế hoàn toàn ngược lại như vậy.
Hóa ra, chính các lãnh tụ nghĩa quân như Trương Định và triều đình Huế mới chính là cùng một phe, với cùng một mục đích tối hậu là lấy lại đất đai và duy trì chế độ cũ - một chế độ có lợi cho họ, những người thuộc giai cấp có đặc quyền đặc lợi. Điều này dẫn đến việc dung túng lẫn nhau của họ, việc bất chấp tất cả mọi thủ đoạn, kể cả giết người cướp của, của họ. Như trường hợp Trịnh Quang Nghi nói trên, mà triều đình Huế và chính vua Tự Đức đã ngang nhiên “bèn tha tội cho”, bất kể cả công lý lẩn công luận.
Còn trong khi đó thì Phan Thanh Giản mặc dù cũng là một phần tử trong giai cấp đặc quyền này, và mặc dù phải mang gánh nặng “trung quân”, nhưng đồng thời ông vẫn giữ được ý thức về trách nhiệm của một vị quan, là bảo vệ con dân của ông cũng như luật pháp nhà nước. Vì vậy, cho dù biết rằng những vị cựu quan/lãnh tụ kháng chiến như Trịnh Quang Nghi là những người hữu dụng cho việc lấy lại đất đai của triều đình, Phan Thanh Giản vẫn cương quyết theo đuổi lẽ phải mà truy tố những người đó khi họ phạm tội. Cho dù ông biết chắc rằng khi làm như thế thì đấng quân phụ của ông sẽ không hài lòng.
Nhưng đó lại chính là lý do mà tại sao dân chúng Nam Kỳ đã hết lòng thương mến vị quan này, như người viết sẽ trình bày ở chương kế tiếp.
F. Mối Liên Hệ Của “Nhân Dân” Ở Giữa Triều Đình Huế (Nghĩa Quân Trương Định - Sĩ Phu) Và Pháp
Sau cùng, theo bản báo cáo của Phạm Tiến, có thể thấy rằng các lực lượng kháng chiến ở Nam Kỳ và triều đình Huế thực sự chỉ là một. Và các lực lượng kháng chiến như cuộc “khởi nghĩa nông dân” của Trương Định thật ra chẳng có một anh nông dân nào làm lãnh đạo cả, mà chỉ toàn là những quan chức cũ của triều Nguyễn. Còn triều đình Huế thì luôn luôn tiếp tục điều khiển những lực lượng kháng chiến này một cách gián tiếp, qua những lãnh đạo thực sự của nghĩa quân như Phạm Tiến.
Điều đó làm cho những vị quan lại cũ/thủ lãnh kháng chiến nói trên bị mất phương hướng ngay sau khi hòa ước 1862 được ký kết, và khi triều đình Huế ra lệnh giải giáp cho họ trên giấy tờ, thông qua người đại diện là quan đại thần Phan Thanh Giản. Chỉ đến khi tiếp được mật lệnh của triều đình thì họ mới hiểu ra kế sách của nhà vua, và do đó đã tiếp tục công việc thề thốt rồi đặt ra bộ máy chính quyền địa phương giống như hệ thống cũ của triều đình.
Do đó, thật sự thì cả hai lực lượng thủ lãnh nghĩa quân và triều đình Huế lúc nào cũng ở trong cùng một “giai cấp phong kiến” và cùng muốn đánh Pháp để tạo dựng lại chế độ cũ mà họ là những kẻ hưởng lợi. Chứ không phải đột nhiên mà lại xuất hiện ra những nhân vật “tiến bộ” như Trương Định, đã thình lình “giác ngộ cách mạng” để “đi với dân” và chống lại triều đình. Chứ không phải là bọn phong kiến nói trên đã “câu kết” với thực dân Pháp để hòng dâng đất và bán nước của “nhân dân ta” cho chúng, như ông Trần Huy Liệu khẳng định.
Trong khi đó, người Pháp lúc này đang ở trong vị thế của những kẻ xâm lược và có ý đồ muốn tạo nên một thuộc địa mới ở Nam Kỳ, cho nên họ rất cần phải mua chuộc lòng dân bản xứ để được giúp đỡ. Hoặc ít nhất là để những người dân này không theo các lực lượng kháng chiến của chế độ cũ mà chống lại mình. Vì vậy, theo bản báo cáo của Phạm Tiến, có thể thấy rằng không ít, nếu không muốn nói là khá nhiều những nhà khoa bảng, những quan lại cũ, những hậu duệ của các công thần nhà Nguyễn, đã quay sang hợp tác với Pháp, ngay tại vùng đất Nam Kỳ, nơi dựng nghiệp của nhà Nguyễn.
Đó là vì người Pháp đã có một chính sách rõ rệt để chiêu dụ những người có học thức, hay các “sĩ phu”, ra làm quan cho họ để cai trị vùng đất mới chiếm, mà Phạm Tiến đã thuật lại như sau:
“Nhưng cũng có mấy kẻ nhẫn tâm theo địch như tên Hợp-Cương, Hợp-San, Thủ Nho thì Tây cho làm ký lục, Tổng Ca thì làm Tri huyện Bình-Long. Tổng Trinh làm Tri huyện Tân-Hòa, còn Phan-hiến-Đạo (sic) mỗi khi lai vãng với Tây. Y đều cắm cờ hiệu Tấn-Sĩ và cờ ba sắc lên trên mũi thuyền. Tới tỉnh Gia-Định cũ y ngồi nghe hát với Tây, việc này do viên nguyên Tri phủ phủ Tân-Bình là Nguyễn-Thành-Ý hiện đã phi trình tại nơi quân thứ Tân-Hòa. Còn Tôn-Thọ-Tường thì địch cho làm Tri phủ Tân-Bình. Nguyễn-Trực làm Tri phủ Tây Ninh. Nguyễn-Tường-Phong làm Tri huyện Tân-Long, Nguyễn-Tường-Vân làm Tri huyện Phước-Lộc, Nguyễn-xuân-Khải Tri huyện Long-Thành, Nguyễn-văn-Nguyên làm học chánh, đối với những tên kể trên, nhân dân 3 tỉnh đều gọi là lũ bạn nghịch, và muốn đón đường giết đi, nhưng sợ Phan Lãnh-đốc biết chuyện lại sức cứu xét lôi thôi nên không giám làm…
Gần đây Phủ soái lại dựng học đường rồi sức đòi các Cử nhân, Tú tài, sĩ phu trong hạt, ai có học vấn, không kể rằng trước kia đã làm quản suất trong nghĩa quân, nay ra trình diện, chúng cũng miễn tội, cho làm các chức Giáo huấn và lại yết thị rằng sang năm là năm Giáp Tý bắt đầu mở một khoa thi, ai thông văn học Hán tự lại biết chữ Tây thì được đỡ đầu…”[112]
Bên cạnh chính sách chiêu dụ các sĩ phu như trên, người Pháp cũng đồng thời tiến hành việc mua chuộc lòng người dân Nam Kỳ, qua việc xây dựng các cơ sở hạ tầng như đường sá và hệ thống thông tin… Quan trọng nhất là việc họ đã giảm thuế so với nhà Nguyễn, hoặc tha luôn thuế cho dân. Chính vì lý do này mà Phạm Tiến đã phải trấn an triều đình trong bản báo cáo là dân chúng Nam Kỳ vẫn còn nghĩ đến chúa cũ. Thậm chí ông ta còn phải nhắc nhở triều đình về việc Nguyễn Ánh ngày xưa cũng đã từng thua trận và mất đất Gia Định, rồi sau nhờ có Võ Tánh mà lấy lại đất và dần dà khôi phục cơ đồ.
Nhưng Phạm Tiến cũng phải nhìn nhận một mối nguy cơ rất lớn, là nhân dân Nam Kỳ sẽ theo Pháp nếu triều đình không hành động ngay lập tức:
“Thế thì ngày nay cảnh thổ 3 tỉnh dẫu đã bị Tây chiếm cứ, nhưng mà lòng dân vẫn còn nhớ cũ, phong tục vẫn chẳng đổi thay, lễ nhạc y quan vẫn thế, thờ thần lễ phật, tế tự xướng ca, khắp hạt vẫn theo tục cổ, chúng tôi nghe nói trước đây ngụy Tây [1] (tức Tây Sơn) chiếm cứ Gia-Định hơn 10 năm giời, thánh giá ở bên Vọng-Các sai người về nước chiêu dụ nhân dân mà bọn Quốc công Võ-Tánh nhờ đó để xướng nghĩa, dân đều vui theo nên mới rước Ngài trở về Gia-Định phục đặng cố đô, đều là nhân có lòng người để đi đến chỗ thành sự đó vậy.
Chúng tôi trộm nghĩ quân địch ở vùng Gia-Định hiện đương bắc cầu đắp lộ, dựng lũy đắp thành, xây lâu đài mở phố xá, đặt khoa thi bổ các phủ huyện cấp cho hậu lương, và nói giối dân về vụ giảm tô giảm binh, mưu thâm của chúng là muốn mua chuộc lòng dân để còn tính kế tràng cửu. Nhưng dân 3 tỉnh vẫn còn mến cũ chẳng chịu phục tòng, tưởng nên nhân đấy mà trước hãy thi hành những việc thăm viếng người chết, an ủi người sống, để cho lòng dân càng thêm phẫn khích, vững chí thờ vua, cái cơ khôi phục là ở nơi đó, vậy nay chúng tôi có chút ý kiến thô thiển, vâng lệnh trình bày.”[113]
Tóm lại, cả hai phe đối nghịch trong cuộc chiến Pháp-Việt tại Nam Kỳ lúc đó là triều đình Huế và Pháp đều biết rằng phải mua chuộc lòng dân Nam Kỳ để đem họ về phe mình. Và “nhân dân” của ba tỉnh miền Đông chính là những người đứng giữa hai lực lượng đối nghịch nhau là “phong kiến” và “thực dân”.
Nhưng trong khi người Pháp lập tức thi hành những chính sách để mua chuộc lòng dân thì triều đình Huế lại tỏ ra chần chừ trong việc này. Bên cạnh đó, như đã thấy, vì mưu đồ lấy lại lãnh thổ, nên triều đình Huế đã tỏ ra đặc biệt ưu ái với những lực lượng “nghĩa quân” hay những lãnh tụ kháng chiến; bất kể rằng những lực lượng nói trên đã thừa cơ hội mà nhũng nhiễu làm hại “nhân dân” ra sao.
Còn những lực lượng “nghĩa quân” ở Nam Kỳ thì thật sự lúc nào cũng vẫn là một phần của lực lượng phong kiến và lúc nào cũng vẫn thần phục vua Tự Đức và triều đình Huế. Họ chiến đấu chống Pháp là để khôi phục lại đất đai cho vua Tự Đức, cũng như để khôi phục lại địa vị xã hội cũ của họ. Chứ không phải là để tạo nên một chính quyền nông dân vô sản, như hai ông sử gia họ Trần muốn người đọc phải tin tưởng.
Trong khi đó thì Phan Thanh Giản dù là một người thuộc về giai cấp phong kiến nhà Nguyễn, nhưng lại quyết định lựa chọn con đường lo cho dân và hết lòng vì sự an nguy của người dân. Cần nói rõ thêm rằng ông làm những điều này là do trách nhiệm của một viên quan có lòng thương dân, chứ không phải vì ông “đi với dân” chi cả. Nhưng cũng chính vì vậy mà Phan Thanh Giản đã được những người thường dân Nam Kỳ thực thụ ca tụng ngay từ lúc đó, và bạn đọc sẽ thấy qua tài liệu “Thơ Nam Kỳ” trong chương X kế tiếp dưới đây.
CHƯƠNG X.
THƠ NAM KỲ - NHÂN DÂN NAM KỲ THỰC SỰ NGHĨ GÌ VỀ PHAN THANH GIẢN
Như đã trình bày, ông Viện Trưởng Trần Huy Liệu cố gắng chứng minh rằng “nhân dân” ba tỉnh miền Đông, hay cả lục tỉnh Nam Kỳ, đã làm ra “bản án lịch sử muôn đời” về tội “mãi quốc” cho Phan Thanh Giản từ một trăm năm trước, với câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Rồi ông Trần Huy Liệu lại quả quyết thêm rằng đây là một bản án rất “công minh”. Cho dù ông ta chỉ có một “bằng chứng” duy nhất cho bản án này của “nhân dân”, nếu có thể gọi đó là một bằng chứng: câu chuyện ông kể về việc nghĩa quân Trương Định đem tám chữ “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” đề lên lá cờ khởi nghĩa của họ. Rồi để nâng thêm tầm quan trọng của câu trên, ông Trần Huy Liệu đã mập mờ trong cách gọi tác giả của nó. Từ những nghĩa quân của Trương Định, ông đã biến hóa ra thành đại diện cho dân chúng ba tỉnh miền Đông, thậm chí cho “nhân dân” của cả Nam Kỳ lục tỉnh, và cuối cùng là cho “nhân dân cả nước”.
Đó là vì sự thiếu thốn bằng chứng, hay nói thẳng ra là do ông Trần Huy Liệu không hề có một bằng chứng nào hết, cho sự phê phán của dân gian Nam Kỳ đối với Phan Thanh Giản. Cũng chính vì sự thiếu thốn này cho nên ông Trần Huy Liệu đã phải mập mờ chơi chữ để tạo ra bằng chứng, và để thay đổi ý nghĩa của những câu thơ dân gian Nam Kỳ khen ngợi Phan Thanh Giản, Phan Hiển Đạo, và Tôn Thọ Tường là những “danh nho” giúp nước.
Như đã thấy, ông Trần Huy Liệu thực hiện điều này bằng cách giả vờ đặt câu hỏi rằng phải chăng những chữ trong câu thơ nói trên đúng ra phải là “danh nhơ” thay vì “danh nho”. Mục đích là để chứng minh rằng đó mới thật tình là sự phê phán của nhân dân Nam Kỳ đối với ba nhân vật này. Và lý do là vì ông Trần Huy Liệu không kiếm đâu ra được bằng chứng cho việc nhân dân Nam Kỳ phê phán Phan Thanh Giản.
Thế nhưng đó là những câu thơ đã truyền bá lâu năm ở Nam Kỳ, của chính “nhân dân” Nam Kỳ dùng để khen ngợi cả Phan Thanh Giản và Tôn Thọ Tường, dù cho hai người này ở hai phe đối nghịch nhau. Bởi vì hai người này là những người có ân uy với “nhân dân” và được “nhân dân” Nam Kỳ kính phục. Những người thường dân Nam Kỳ nói trên không có thành kiến giai cấp như ông Trần Huy Liệu, cũng như không bị mang gánh nặng trung quân như các nhà nho thời đó, cho nên họ sẵn sàng chấp nhận những quan chức của cả hai phe Pháp Việt, nếu những người này đối xử tốt với họ.
Do đó, ngoài những câu thơ nói trên về Phan Thanh Giản, còn có những câu đố hay câu vè khác được loan truyền trong “nhân dân” Nam Kỳ để khen tặng ông, như câu đố sau đây ở tỉnh Bến Tre:
“Ông nào ích nước lợi dân
Trọng nghĩa quân thần danh lợi chẳng ham? (xuất danh nhân)”[114]
Câu trả lời là Phan Thanh Giản.
Và bên cạnh những câu vè, câu đố khen ngợi Phan Thanh Giản như trên, hiện nay vẫn còn tồn tại một tài liệu rất đặc biệt của chính “nhân dân” Nam Kỳ làm ra, tên là “Thơ Nam Kỳ”. Trong đó có một đoạn rất dài cho thấy tình cảm thực sự của người dân Nam Kỳ đối với “quan Phan”.[115]
“Thơ Nam Kỳ” là một tác phẩm bằng thơ lục bát dài 346 câu. Không biết tác giả của nó chính xác là ai, là một hay nhiều người. Nguyên bản bằng chữ nôm, bài thơ này đã được ông Michel Đức Chaigneau sưu tầm, dịch thuật và cho in lại bằng hai thứ chữ quốc ngữ và Pháp văn. Nội dung bài thơ diễn tả thời kỳ Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Đông, qua cái nhìn của người thường dân Nam Kỳ. Vì lý do đó, người đọc sẽ bắt gặp trong bài thơ rất nhiều chữ mà người Nam Kỳ ngày xưa thường dùng, nhưng nay không còn thấy nữa.
Giống như cách nói chuyện của người Nam Kỳ, với những chữ dùng “sai” chính tả y hệt phong thái của người bình dân, bài thơ đã diễn tả rất trung thực những cảm nghĩ của người dân Nam Kỳ thời đó đối với người Pháp (Tây), với triều đình Huế, với những người “ứng nghĩa”, với những ông quan nhà Nguyễn hèn nhát, cũng như với những ông quan nhà Nguyễn mà họ kính phục, đặc biệt là với vị “quan Phan” tức Phan Thanh Giản.
Có người cho rằng tác giả bài thơ này là một giáo dân Thiên Chúa Giáo. Nhưng trong toàn bài thơ không thấy có một câu nào cho thấy điều này. Ngoài ra, bài thơ cũng không hề diễn tả những việc bắt đạo, hành hạ giáo dân …v.v, như thường thấy trong văn thơ của những người theo Thiên Chúa Giáo thời đó.
Và bài thơ cũng không cho thấy là bị ảnh hưởng bởi quan điểm trung quân của các sĩ phu thời này, như thường thấy trong thơ văn của các nhà nho Nguyễn Đình Chiểu hay Phan Văn Trị… Không có những sự “mong ngóng tin vua”, không có những việc ”báo đền ơn chúa”.
Trái lại, bài thơ này phê bình tất cả mọi người, mọi phe trong cuộc chiến, và bằng một thứ ngôn ngữ châm biếm chua cay nhưng cũng rất bình dân khôi hài. Từ vua tới quan, bài thơ không chừa một ai.
Do đó, nếu bản báo cáo của Phạm Tiến là một tài liệu quí giá cho thấy những mối liên hệ trong nội bộ triều đình nhà Nguyễn, như giữa vua Tự Đức, Phan Thanh Giản và các các lãnh tụ kháng chiến, và qua lời kể của một người cựu quan/lãnh tụ kháng chiến, thì bài “Thơ Nam Kỳ” cũng là một tài liệu cực kỳ hiếm có, cho thấy những ý nghĩ trung thực của người thường dân Nam Kỳ đối với các lực lượng có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, trong cuộc chiến Pháp-Việt vào thập niên 1860.
A. Với Người Pháp
Ở phần đầu, tác giả bài thơ cho thấy quan điểm của người dân Nam Kỳ khi quân Pháp vừa chiếm và đốt thành Gia Định:
“63. Ai ngờ Tây đốt thành trì!
Tháng hai, mười bảy, ngọ thì tàu lui
Người người tay vỗ lòng vui
Tưởng là tặc đảng đã xuôi tàu về”[116]
Những câu thơ trên cho thấy sự vui mừng của dân chúng Nam Kỳ sau khi Phó Đô Đốc Rigault de Genouilly, chỉ huy liên quân Pháp-Tây Ban Nha, cho đốt thành Gia Định và kéo phần lớn lực lượng quân sĩ trở về Đà Nẵng, chỉ để lại một số nhỏ thống lãnh bởi “người hùng” D’Ariès cố thủ Sài Gòn. Như tác giả bài thơ diễn tả, mọi người vỗ tay mừng rỡ vì nghĩ rằng “tặc đảng” tức đảng giặc đã bỏ đi luôn rồi.
Và đây không phải lần duy nhất, mà trong suốt bài thơ có rất nhiều lần người Pháp được gọi là “giặc” như vậy, nhất là ở đầu bài. Điều này cho thấy rằng đối với tác giả bài thơ, hay với người dân Nam Kỳ, thì người Pháp là những kẻ đối nghịch với họ, và chính xác hơn là những kẻ cướp, qua sự ngang nhiên đánh chiếm thành trì như trên.
B. Với Anh Em Nguyễn Tri Phương
Nhưng rồi quân Pháp đã trở lại Sài Gòn vào năm 1861 với nhiều viện binh và mở cuộc tổng tấn công đại đồn Chí Hòa của nhà Nguyễn, lúc đó đang được phòng thủ dưới sự lãnh đạo của quan Tổng Thống Quân Vụ Đại Thần Nguyễn Tri Phương, một vị quan được nhiều cảm tình của dân chúng Nam Kỳ:
“73. Thuận kiều binh đóng nghỉ ngơi
Có quan Tổng thống đúng người trí tri
Thới binh tấn lủy (lũy) phiêu phi
Chí hòa, Phú thọ chơn nghi đóng đồn
…
- Ba trăng mảng tải dần dà
Chỉ sai đại sứ Nguyễn là trị phương”[117]
Và khi quân Pháp tấn công đại đồn Chí Hòa thì cả hai vị quan được cho là tài giỏi nhất của nhà Nguyễn này đều bị loại ra khỏi vòng chiến: quan Tán Lý Nguyễn Duy tử trận, còn người anh của ông là Tổng Thống Nguyễn Tri Phương bị trúng đạn ở tay.
Theo bài “Thơ Nam Kỳ”, sau khi những người “trí cả anh tài” này bị chết và bị thương thì quan binh triều đình dù rất đông người (vạn binh thiên tướng), cũng vẫn phải chạy dài trước quân đội Pháp:
“149 Nguyễn quan Táng (Tán) lý[118] xuất chinh
Hậu đồn mạng một thống tình dân thương
Nguyễn Tri[119], đại sứ (sự) nang (nan) đương;
Tay lâm thương đạn quân tương phục đài
Hết người trí cả anh tài
Vạn binh thiên tướng chạy dài hồi quê”
Như vậy, các câu thơ trên cho thấy rằng người dân Nam Kỳ rất thương mến và kính phục những vị quan nhà Nguyễn tài giỏi đã cố hết sức chống “giặc” Tây, như Nguyễn Tri Phương và người em của ông là quan Tán Lý Nguyễn Duy. Chứ không phải là họ có thành kiến với tất cả các quan chức triều Nguyễn.
C. Với Các Vị Quan “Phụ Mẫu”
Nhưng trong khi cho thấy sự thương tiếc hai vị quan có tài nói trên, thì người dân Nam Kỳ lại không nể nương với những ông quan triều đình mà ngày thường tự xưng là “phụ mẫu chi dân”, nhưng đến lúc có việc thì bỏ chạy mặc dân. Vì vậy, bài thơ đã có những câu châm biếm rất chua cay để diễn tả những ông quan nói trên. Điển hình là sau khi thua trận phải chạy từ đại đồn Chí Hòa qua khỏi “Lương kiều” (tức cầu Tham Lương) thì các ông quan này truyền lệnh “dứt bỏ” cầu. Nhưng chưa kịp làm thì Tây đã tràn tới, và thế là các ông quan bỏ chạy luôn, để mặc dân chúng ra sao thì ra. Người dân do đó chỉ còn biết ngậm ngùi tự trách cho số phận xui xẻo vì đã có nhằm “mẹ cha” như vậy: những bậc “phụ mẫu chi dân” mà tài nói chuyện kinh sử giỏi hơn tài đánh giặc, và “già miệng” nhưng lại “yếu sức”!
“165. Tỉnh quan truyền dức (dứt) Lương kiều
Tây binh lước (lướt) tới sẳn (sẵn) dèo chạy ngang
Bỏ dân bỏ xả (xã) bỏ làng
Nơi gần đồn lủy (lũy) tiêu tang (tan) cửa nhà
Duyên hư nguyên tại mẹ cha
Bởi vì sức yếu miệng già truyện kinh”
D. Với Triều Đình
Và không chỉ dừng lại ở việc phê phán các ông quan nhát gan nhưng già miệng thích nói chuyện kinh sử như trên, mà người dân Nam Kỳ còn trách cả triều đình Huế là chẳng chịu cầu hòa cho sớm ngay từ năm 1859 (Mùi); lại để dần dà cho đến năm 1863 (Hợi) mới chịu làm, khiến cho người dân phải khốn khổ chịu đựng liên tiếp bao nhiêu cuộc binh đao trong thời gian đó. Rồi cũng theo họ thì cho dù triều đình lưỡng lự không chịu giảng hòa với Pháp, nhưng rồi sau này cũng vẫn mất luôn cả bốn tỉnh Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long và Gia Định:
“Chúng dân luống chịu liên thinh
Co tay lần kể sự tình công danh
Dê qua, gà chạy, khỉ tranh
Ba năm sành sỏi tròn trành thêm hư
Trách vì nhà nước lương lư (lưỡng lự?)
Mùi không hòa trước quí trư (hợi) mới hòa
Sự này vì bởi dần dà:
Mất luôn Biên, Định, Vỉnh (Vĩnh Long), Gia bốn thành”
E. Với “Nghĩa Quân”
Một khía cạnh độc đáo nhất của bài thơ, mà ta không thấy trong các sách vở thuộc loại “chính thống”, là việc những người dân Nam Kỳ diễn tả cảnh khổ mà họ phải chịu đựng trong vùng kháng chiến; với những người mà họ gọi là “các cha lập nghĩa”, tức những “nghĩa quân” kháng chiến chống Pháp sau khi ba tỉnh miền Đông bị thất thủ. Trong mắt người dân thì quân binh triều đình ngày xưa hùng hậu như vậy mà còn thua trận, nên một bọn “nằm bờ ở bụi” như những tay “lập nghĩa” này thì chỉ giỏi hành dân, chứ làm sao đánh Tây cho nổi.
Đoạn thơ dưới đây với lời lẽ rất cay đắng đã trực tiếp chỉ trích những người mượn danh trung nghĩa với triều đình để hành dân, để phá làng phá xóm, nhưng khi gặp Tây thì lập tức chạy trốn. Đoạn thơ này mỉa mai những người “lập nghĩa” nói trên là bọn suốt ngày “nằm bờ ở bụi”, kết bè kết đảng để làm trò dậu đổ bìm leo:
“181. Ách bồi nạn lại phải tai!
Các cha lập nghĩa khoe tài tôi ngay!
Khốn dân nhiều nổi (nỗi) đắng cay
Nằm bờ ở bụi mua ngày hôm mai
Nước nhà pháo giái (khí giới) rở mài
Vạn binh thiên tướng đồn đài khôn tranh
Tài chi giáo mạt các anh?
Thấy Tây trốn chạy phá tang (tan) xóm làng
Cũng là ứng nghĩa lập đoàn?
Trồng cây dây vấn bắt quoàn (quàng) cho mau”
F. Với Phan Thanh Giản
Rồi sau khi chỉ trích không nương tay các ông quan bỏ dân chạy trốn, triều đình Huế trong việc chậm trễ cầu hòa, và cả các nghĩa quân trong việc mượn danh triều đình kháng Pháp để nhũng nhiễu dân lành, thì người dân Nam Kỳ lại dành một đoạn thơ rất dài để khen ngợi và thương xót cho Phan Thanh Giản. Họ thương cho Phan Thanh Giản là dù tuổi già nhưng vẫn hết lòng phò chúa chăn dân qua ba đời vua. Họ khen ông là người từng trải, là một vị quan thanh liêm cần mẫn, và là một ông quan hết lòng vì nước. Nhưng họ cho rằng vì thời vận xui khiến như vậy, nên dù ông có cố hết sức mình, thì cũng chẳng thể cưỡng lại được ý trời, để rồi sau cùng đã phải nhịn ăn tự vận.
Và những người dân Nam Kỳ này cũng cho thấy là họ rất hiểu biết thời cuộc, khi đặt ra câu hỏi về cái chết của Phan Thanh Giản là “tại đâu lòng chịu dạ cam”, mà ta có thể hiểu là “bụng làm dạ chịu”. Có phải họ nói rằng Phan Thanh Giản đã đứng ra để lãnh hết mọi búa rìu dư luận cho Tự Đức? Có phải họ cho rằng Phan Thanh Giản đã làm một “Lê Lai cứu chúa” cho vua Tự Đức, khi ông đứng ra nhận lãnh hết mọi trách nhiệm làm mất ba tỉnh miền Tây?:
“207. Quan Phan sành sỏi tuổi cao
Ba đời tôi chúa sống (sóng) xao không sờn;
Chăn dân đặng chữ thanh cần
Trèo non qua biển suối lần chi nao;
Dầu hao tim bất (bấc) chẳng hao:
Tác gì mặc tác tâm lao ân cần
Đông tây lặng (lặn) lội châu trần
Cầu an nhà nước nghĩ thân chi già!
Chẳng qua thì (thời) vận nước nhà
Vì chơn (chân) cơ hội chánh tà lập công
Số là trời định chẳng không
Vần xây Tây trị dân trong Nam kỳ
Nào ai dễ cải vận thì (thời)
Ông Phan tức bụng chớ gì nhìn (nhịn) cơm
Tại đâu lòng chịu dạ cam
Nhịn ăn một tháng chẳng kham hơi mòn”
Ngoài ra, bài thơ còn cho thấy Phan Thanh Giản chính là một chỗ tựa an toàn duy nhất cho người dân Nam Kỳ trong thời buổi nhiễu nhương này. Sau khi ông chết thì người dân mất đi người bảo vệ và cuộc sống của họ trở thành bấp bênh không còn kiểm soát được. Vì lý do đó, mọi người già trẻ đều khóc than thương tiếc vị quan đại thần này.
Và bài thơ cũng cho biết rằng chẳng những người dân Việt thương tiếc ông, mà người Pháp cũng tôn kính vị lão thần trung cang hiền đức này, cho dù họ ở phe đối nghịch với ông. Và họ đã an táng Phan Thanh Giản một cách trọng thể. Đối với những người dân Nam Kỳ tác giả bài thơ, thì đó là một hành động nhân nghĩa.
Cũng có thể vì vậy mà người dân Nam Kỳ đã có một cái nhìn khác đi về thời cuộc, ở cuối bài thơ. Nếu như ở đầu bài thơ họ gọi người Pháp là “giặc” hay “tặc đảng”, thì ở cuối bài dường như họ đã sẵn sàng chấp nhận một sự thay đổi “mệnh trời” - với câu “Đổi thay Nam địa Tây thiên”, tức là đất của nước Nam nhưng trời bây giờ là của người Tây:
“Ông Phan chung mạng chi còn
Chúng ta thể gỏ (gỗ) lăng (lăn) tròn như cây
Hùm đà gảy (gãy) kiếng (cánh) mất vây
Dầu hay bay nhảy khó vầy cho nên
Trẻ già lụy nhỏ dưới trên
Quan Tây tôn kính đứng danh trung hiền
Đổi thay Nam địa Tây thiên
Ông Phan mạng một Tây phiền lòng thương,
Táng chôn đưa đón phô trương,
Thỏa an linh táng phỉ dường nghĩa nhân”
Tóm lại, với một đoạn thơ rất dài như trên, người dân Nam Kỳ đã cho thấy rõ ràng tình cảm chân thực của họ đối với Phan Thanh Giản. Đó là sự tuyệt đối kính trọng một vị quan tài giỏi hết lòng vì nước vì vua, nhưng do thời vận mà phải chịu chết và chịu tiếng xấu dùm cho nhà vua. Đó là sự tiếc thương một ông quan thanh liêm cần mẫn đã ra sức bảo vệ cho họ, những người thường dân Nam Kỳ. Đó cũng là sự thay đổi cái nhìn đối với người Pháp, qua việc họ tỏ lòng tôn kính Phan Thanh Giản, cho dù ông là địch thủ của họ.
Và những điều trên mới chính xác là tâm tình của người dân Nam Kỳ đối với Phan Thanh Giản, chứ chắc chắn không phải là “lời nguyền rủa”, là “bản án muôn đời” “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, như hai ông sử gia họ Trần đã tuyên bố.
G. Với Các “Lãnh Tụ” Kháng Chiến
Như đã thấy, theo bài thơ thì Phan Thanh Giản chính là người giữ gìn được trật tự cho Nam Kỳ thời bấy giờ. Sau khi ông mất đi thì người Việt ở Nam Kỳ như rắn mất đầu, như thuyền mất cột buồm. Và sau khi các quan chức cũ được triệu hồi về kinh đô thì đó chính là lúc mà những người còn ở lại thừa cơ hội tranh tối tranh sáng này để phô trương thanh thế “lãnh tụ kháng chiến” mà bóc lột đàn áp người dân:
“Bấy lâu gắn (gắng) gổ (gỗ) keo sơn;
Nay bờ xoi lở đường trơn như dầu;
Ngu ngơ hình rắn trun đầu;
Đầu trơn trường (trườn) tới sông cầu sụt lui
Lụt trành nhành ngọn loi nhoi
Chim không chỗ đậu ngậm ngùi nơi nương,
Nguyệt dư thầy tớ các phương;
Tạ từ đưa lụy vọng dương xuống tàu
Các quan mặt khó dàu dàu
Xuống tàu giả tớ về chầu đế kinh
Thôi rồi tức bụng thở thinh
Giận lòng giục miệng ăn môn ngứa mồm
Bờ rơm cóc nhảy bôn chôn;
Chàng hiêu (hiu) nhái nhảy lồm cồm trong tranh;
Ảnh (Ễnh) ương phình bụng phô trương
Quá hơi nức (nứt) bụng dễ bường (bằng) bò chăng
Thuyền buồm cột chẳng giử (giữ) chằng
Dẻ dàng gió vụt đứt văng trôi bè
Té đau lại bị cây đè
Các cha sập sận hè hè làm gân
…
- Bắt dân làm nống làm nề
Uổi xuôi xít chó mắc về bụi gai
Đêm xưng ông đội thầy cai;
Vầy đoàn láo miệng có tài có gân
Giả bằng ấn triện hiếp dân
Quyên tiền quyên gạo vang rân xóm làng
Tổng binh thống quản đầy tràng,
Nằm chưng tréo mảy (ngoảy) niêm hoàn trảo nha:
Rằng: người trung chánh quấc gia
Những đều (điều) hư hại nước nhà chẳng hay
Đánh giàu thâu khó phải vay
Nào ai mở miệng dao phay chém bằm
Chúng dân hắt hẻo ruột tằm
Nhà quê con vợ đêm nằm nào an
Váy tai đàng điếm lắm trang
Tôi là đốc chiến nghinh ngang dập diều (dìu)
Quẹo tay một mắt chưng (chân) quều
Tự xưng bằng sắt (sắc) quấc (quốc) triều ấn ban
Đặt tđều (sic) (điều) thêm hổ trào đàng (triều đình)
Thiếu chi tài ngỏ dùng trang đui què
Nói ra chận cổ chém đè
Đến nhà phải chạy chẳng chè thời cơm
Khổ dân thể cá mắc nơm
Đoạt như già đảy chận cơm cổ cò
Đất bằng thành đống nổi gò
Ngả lòng ngay vạy hết trò hết tôi
Miệng rằng: trung nghĩa ngoài môi
Đêm mong ăn cướp ngày lui núp rừng
…
- Coi ta như thảo như sài
Đánh Tây thì dở có tài đánh xiêm (Xiêm)”
Qua đoạn thơ trên, người dân Nam Kỳ đã tường thuật cảm nghĩ khinh bỉ của họ với những lãnh tụ “nghĩa quân” một cách rất tận tình. Họ mỉa mai rằng sau khi Phan Thanh Giản chết và các quan phải về Huế thì những loài ếch nhái ễnh ương được thời lên mặt mà ức hiếp dân lành: “các cha sập sận hè hè làm gân”. “Các cha” này tự xưng là ông đội, là thầy cai, là tổng binh, là thống lãnh, là quản cơ. Rồi họ lại giả mạo ấn triện triều đình và mượn danh nghĩa kháng chiến để quyên tiền quyên gạo, làm tiền dân chúng. Thậm chí có những người tật nguyền mà bài thơ diễn tả là “quẹo tay một mắt chân quều” nay cũng tự xưng là người của triều đình để làm tiền người dân, đến nổi họ phải cười mỉa rằng những “lãnh tụ” kiểu này chỉ tổ làm xấu danh tiếng triều đình mà thôi. Hơn nữa, thậm chí có những “trang (sic) đàng điếm” mà giờ này cũng tự xưng là ông này ông nọ, làm cho người dân càng thêm lo lắng cho vợ con của mình ở nhà với những “trang” đó gần bên!
Rồi cũng theo bài thơ Nam Kỳ thì những người tự xưng “trung chánh quấc gia” nói trên hành hạ ức hiếp người dân, cả giàu lẫn nghèo. Họ thâu tiền người giàu và bắt người nghèo phải vay tiền của họ. Họ ăn chận tiền bạc của dân chúng, họ đòi hỏi dân chúng phải cung phụng đồ ăn thức uống, và họ kiêu căng phách lối với kiểu “nằm chưng tréo ngoảy”, trong khi tự xưng là người “trung chánh quốc gia”.
Nhưng nếu người dân có thắc mắc gì với những vị tự xưng là “tổng binh thống quản” này thì lập tức sẽ bị “dao phay chém bằm” hay “chận cổ chém đè”. Vì vậy, họ đã có những nhận xét rất cay độc về các vị lãnh tụ đó: ấy là những người “trung nghĩa ngoài môi”, nhưng “đêm mong ăn cướp ngày lui núp rừng”!
Tóm lại, đây là một bài thơ diễn tả rất chi tiết và rất thật thà tất cả những cảm nghĩ của người dân Nam Kỳ lúc đó trước thời cuộc, với một ngôn ngữ rất ư bình dân, với những hình tượng so sánh linh hoạt, và với một vẻ hài hước kèm theo những châm biếm sâu cay về các nhân vật phản diện.
Nhưng quan trọng hơn cả, bài thơ này cho ta thấy lòng kính trọng của người dân Nam Kỳ dành cho những vị quan nhà Nguyễn hết lòng vì nước vì dân. Đối với hai anh em Nguyễn Tri Phương, họ tỏ lòng kính trọng một - thì đối với Phan Thanh Giản, sự kính trọng đó tăng lên gấp mấy lần. Họ hoàn toàn không có một lời trách móc ông về việc làm mất các tỉnh Nam Kỳ. Ngược lại, họ coi ông như một người lãnh đạo thực sự của xứ Nam Kỳ, một vị quan tài giỏi thanh liêm. Theo họ, vì thời vận đổi thay, cho nên dù Phan Thanh Giản đã làm hết sức mình cũng không thể cãi lại, rồi sau cùng thì ông đã thản nhiên nhận lấy trách nhiệm và cái chết. Nhưng cái chết này đã làm cho tất cả già trẻ lớn bé ở Nam Kỳ đều thương xót. Hơn nữa, cái chết của Phan Thanh Giản đã làm cho người dân mất đi một người bảo vệ, làm cho họ phải chịu thêm khổ sở với những tay “lãnh tụ kháng chiến” đã thừa cơ hội không còn Phan Thanh Giản để mặc tình làm tiền cướp đoạt của dân.
Đó là những gì có thể thấy được qua lời thơ chân tình mộc mạc nói lên lòng kính trọng của người dân Nam Kỳ đối với vị “quan Phan” của họ. Và đó mới chính là những gì mà “nhân dân” ba tỉnh miền Đông thực sự suy nghĩ và bộc lộ, chứ không phải, và không thể nào, là “Phan Lâm mãi quốc”.
Ngoài ra, bài thơ Nam Kỳ này còn nói rõ một điều mà từ trước đến giờ những sách vở giáo khoa “chính thống” ở cả hai miền đều không bao giờ nhắc đến. Đó là sự tiết lộ rằng trong thời gian tranh tối tranh sáng nửa Việt nửa Tây này, đã có rất nhiều người Việt tự xưng là nghĩa quân đánh Tây, nhưng lại lợi dụng thời cơ để làm tiền dân chúng cũng như mượn tiếng triều đình để làm điều phi nghĩa. Đó là những “lãnh tụ kháng chiến” kiểu như Trịnh Quang Nghi, mà ta đã thấy ở trên.
Sau cùng, bài thơ này cho thấy rằng tác giả của nó mới chính thật là người đại diện cho “nhân dân” Nam Kỳ. Bởi do không hề bị ảnh hưởng của Khổng (Nho) Giáo như các nhà nho Nam Kỳ cùng thời, nên bài thơ này đã thật lòng nói lên những cảm nghĩ của những người thường dân trước thời cuộc. Theo đó, với họ thì chế độ cai trị nào cũng vậy; họ chỉ thương mến những người có chức quyền nào mà chăm lo cho họ như ông “quan Phan” Thanh Giản. Chứ họ không cần biết, và cũng không cần phải trung thành với vua Tự Đức hay triều đình Huế như những “sĩ phu” đương thời. Theo sự suy nghĩ đơn giản nhưng không vô lý của họ, một khi thời vận nhà Nguyễn đã hết ở xứ Nam Kỳ thì sẽ bị Tây lấy, cho nên “Nam Địa Tây Thiên” là điều tất nhiên không tránh khỏi!
CHƯƠNG XI.
NHỮNG Ý NGHĨ VÀ LỜI NÓI CỦA PHAN THANH GIẢN VỀ HÒA ƯỚC 1862
Những tài liệu lịch sử vừa được dẫn trong các chương trên của Phần 2 cho thấy rõ hơn tâm trạng của các nhân vật và phe phái trong câu chuyện chung quanh câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” - từ Trương Định đến nghĩa quân và “nhân dân”, từ Phan Thanh Giản đến triều đình Huế và Pháp. Qua đó, người đọc có thể suy xét để xem rằng mối liên hệ giữa các nhóm người nói trên có thật sự là đơn giản và trắng đen giữa hai phe chính tà, như hai ông sử gia họ Trần đã thuật lại hay không.
Sau cùng, trong chương XI ở cuối Phần 2 này, người viết xin giới thiệu với bạn đọc một tài liệu mới tìm được gần đây. Đó là một tài liệu nhỏ nhưng cũng rất quí, vì nó ghi lại những lời nói bằng tiếng Việt của chính Phan Thanh Giản trong một cuộc đối thoại.
Là một vị đại thần triều Nguyễn, những tác phẩm của Phan Thanh Giản để lại cho hậu thế gồm rất nhiều bài thơ, nhưng phần lớn đều bằng chữ Hán. Và không có một tác phẩm nào nói về những vấn đề chính trị đương thời, như việc ký kết hòa ước 1862 hoặc chuyến đi Pháp năm 1863.
Vì vậy, những dòng chữ tiếng Việt trong tài liệu nhỏ này tuy ngắn ngủi nhưng lại rất độc đáo; ở chỗ nó được ghi lại bằng tiếng Việt của một người Nam Kỳ vào năm 1863. Nó giúp cho ta cảm nhận và thấu hiểu được, dù chỉ một phần nào, sự suy nghĩ của vị lão quan này, cũng như của triều đình Huế, về việc ký kết hòa ước 1862 và chuyến đi Pháp năm 1863.
Như đã kể trong các chương trên, sau khi thua trận Chí Hòa và bị mất 4 tỉnh ở Nam Kỳ thì triều đình Huế đã phải ký hòa ước 1862 để nhường ba tỉnh miền Đông cho Pháp. Tuy vậy, lúc nào vua Tự Đức cũng muốn lấy lại phần lãnh thổ đã mất này, và do đó năm 1863 nhà vua đã cử một phái đoàn do Phan Thanh Giản lãnh đạo sang Pháp để điều đình nhằm lấy lại ba tỉnh miền Đông. Trên chuyến tàu viễn dương trong chuyến đi đó, Phan Thanh Giản thường đàm đạo với viên sĩ quan trưởng phái đoàn Pháp, và cũng là người chịu trách nhiệm hướng dẫn phái đoàn Annam, Henri Rieunier. Những lần đàm đạo nói trên giữa hai người này đương nhiên cần phải có thông ngôn. Và người thông dịch cho Phan Thanh Giản với Henri Rieunier trong những lần trò chuyện ấy chính là học giả Petrus Trương Vĩnh Ký.
Đi theo phái đoàn Pháp trong chuyến du hành này với vai trò thông dịch viên hạng nhất của soái phủ Pháp, Petrus Ký là bạn và cũng là thầy dạy tiếng Việt cho Henri Rieunier. Bên cạnh đó, Petrus Ký còn là một người đồng hương Vĩnh Long với Phan Thanh Giản. Vì thông thạo nhiều thứ tiếng, và có thể nói là người Việt giỏi tiếng Pháp nhất thời đó, nên Petrus Ký đã được giao vai trò thông dịch cho những cuộc nói chuyện giữa hai nhân vật nói trên.
Và cũng nhờ cách thông dịch rất cẩn thận của Petrus Ký mà những câu đối thoại bằng tiếng Việt của Phan Thanh Giản còn được lưu lại đến ngày nay. Đó là vì khi thông dịch thì Petrus Ký đã ghi lại những gì Phan Thanh Giản nói bằng chữ quốc ngữ, rồi sau đó dịch ra tiếng Pháp cho Rieunier. Điều may mắn là những trang giấy do Petrus Ký viết ra những câu nói chuyện giữa hai người trong cuộc đàm đạo nói trên đã được con cháu của Rieunier giữ lại. Rồi gần đây, một người cháu của Rieunier là sử gia Hervé Bernard đã chụp một vài dòng trong cuốn sổ có những lời đối thoại nói trên và cho đăng lên mạng. Và nhờ đó mà ta mới có được những dòng chữ của Petrus Ký ghi chép lại những lời nói bằng tiếng Việt của Phan Thanh Giản trong cuộc đàm đạo với Henri Rieunier.[120]
Dưới đây là những dòng chữ hiếm hoi ghi lại một cuộc đối thoại giữa Phan Thanh Giản và Henri Rieunier. Chúng cho ta đọc được tư tưởng và lời nói của một vị đại thần người Việt vào năm 1863, bằng tiếng Việt, như sau:
“Quan lớn annam sẽ đi cống sứ vua phalansa, có ý xin vua châm chước một hai đều về việc giao hòa(.) vua annam cũng muốn cho hai đàng hòa hảo, mà bởi vì mất ba tỉnh thì tiếc lắm. nếu vua phalansa không muốn châm chước một hai đều về việc giao hòa, thì vua annam sẽ không bằng lòng.”
Mặc dù chỉ có vài dòng ngắn ngủi như trên, có vài điều có thể được rút ra từ cuộc nói chuyện này.
Thứ nhất, rõ ràng là triều đình Huế đã tự đặt mình vào vai trò của một phiên quốc đến chầu thượng quốc, nên đã dùng chữ “cống sứ”, và “xin” vua Pháp “châm chước” cho một hai điều (đều) về việc “giao hòa”. Tức là triều đình Huế muốn thương thuyết lại với hoàng đế nước Pháp về hòa ước 1862.
Thứ hai, mặc dù đang ở trong thế yếu như vậy, nhưng họ không phải chỉ xin xỏ mà còn tỏ ra có chút cứng rắn và khéo léo trong đó. Theo giọng điệu của câu nói, nếu như Pháp cứ giữ y hòa ước 1862 mà không nhân nhượng vài điều, thì nhà vua nước Annam sẽ “không bằng lòng”. Và sự “không bằng lòng” này cho thấy có thể dẫn đến việc mất tình hòa hảo của đôi bên.
Thứ ba, qua lời nói của Phan Thanh Giản, có thể thấy rằng vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn vẫn luôn luôn coi đất đai Nam Kỳ là sản nghiệp của dòng họ nhà vua. Bởi vậy cho nên mới có một câu khá thật thà là nếu nhà vua bị “mất ba tỉnh thì tiếc lắm”.
Như vậy, những dòng chữ dù cho ngắn ngủi này cũng đã cho ta thấy sự cố gắng của vua tôi nhà Nguyễn trong việc lấy lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vì việc này mà họ đã phải chịu hạ mình đi “cống sứ”, để xin vua Pháp “châm chước” cho một hai điều về hòa ước 1862. Có thể thấy rằng đó là vì họ tiếc đất đai cơ nghiệp của tiên vương để lại. Nhưng đó cũng chính là điều hiển nhiên của thời gian này, khi lãnh thổ và dân chúng được coi như tài sản riêng của nhà vua.
Chứ hoàn toàn không phải như ông Trần Huy Liệu đã tưởng tượng ra: một đất nước Việt Nam ở thế kỷ 19 của “nhân dân” hay “giai cấp nông dân”, và đã bị bọn phong kiến phản động câu kết với bọn thực dân cướp nước để dâng đất đai của nhân dân cho bọn cướp nước.
Ngoài ra, tài liệu nhỏ này cũng cho ta thấy sự cố gắng của một ông lão đã gần 70 tuổi nhưng vẫn phải làm một chuyến hải trình suốt mấy tháng trời lênh đênh trên biển để đi “cống sứ”, để dùng đường lối ngoại giao mà lấy lại đất đai cho chủ mình. Đó là vì trách nhiệm trung quân đè nặng trên hai vai. Và sự gian khổ này của ông cũng đã được mọi người thời đó biết đến, điển hình là sự diễn tả về nỗi khó nhọc này trong bài “Thơ Nam Kỳ”.
Và nghĩ cho cùng, nếu như Phan Thanh Giản đã “câu kết”, đã “đầu hàng”, đã “dâng đất”, hay đã “mãi quốc” cho Pháp rồi, thì vị lão quan này còn phải tốn công sức, thời gian, sức khỏe, để dẫn cả một phái đoàn mấy chục người qua Pháp làm gì?
Tóm Tắt Phần 2
Tóm lại, một cuộc khảo sát về các tài liệu lịch sử của thế kỷ 19 vào thời gian Pháp đánh chiếm Nam Kỳ cho thấy rằng câu chuyện được dựng lên chung quanh câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” bởi hai sử gia họ Trần là hoàn toàn sai sự thật.
Thứ nhất, và rõ ràng nhất, là không hề, và không thể, có hai phe trắng đen đơn giản, chính nghĩa và gian tà, như đã diễn tả. Những sự gán ghép nhằm mục đích làm cho cuộc diện trở thành đơn giản, để giành lấy chính nghĩa về phe mình cũng như bôi xấu những kẻ bị coi là địch thủ, chỉ cho thấy một sự gượng ép vụng về mà thôi.
Bởi như đã thấy, nhà Nguyễn và Pháp trong thời gian này là hai lực lượng hoàn toàn đối nghịch nhau. Chứ không phải là nhà Nguyễn và Pháp sau khi Pháp đánh chiếm kinh thành Huế và vua Tự Đức đã qua đời. Khi còn sống, vua Tự Đức lúc nào cũng có chủ quyền và hoàn toàn quyết định mọi sự trong việc đối đầu với Pháp. Do đó, nói rằng “thực dân và phong kiến” đã cấu kết với nhau khi Pháp vừa đánh Nam Kỳ vào đầu thập niên 1860 - như ông Trần Huy Liệu đã làm - là một sự xuyên tạc lịch sử trắng trợn.
Kế đến, Trương Định và Phan Thanh Giản chính là những người cùng một phe, dưới quyền của vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn. Họ là đại diện cho hai trường phái: đánh và đàm, hay quân sự và ngoại giao. Vua Tự Đức đã sử dụng Trương Định để quấy rối Pháp ở ba tỉnh miền Đông, nhằm thúc đẩy cho việc đàm phán của Phan Thanh Giản có nhiều cơ hội thành công hơn. Nhưng để chứng tỏ thiện chí và lấy lại tỉnh thành Vĩnh Long theo điều số 11 của hòa ước 1862, thì triều đình Huế qua người đại diện là Phan Thanh Giản phải chứng tỏ cho Pháp thấy rằng Trương Định không còn dưới quyền của mình, cũng như không chịu tuân lệnh giải giáp của triều đình.
Trong khi đó, Trương Định, cũng như nhiều lãnh tụ kháng chiến khác, và nghĩa quân của ông ta, là những người chiến đấu chống Pháp vì lòng trung thành với nhà vua và với lãnh tụ của mình. Tuy vậy, những người nghĩa quân cho thấy rằng họ cũng có sự suy nghĩ lo lắng của riêng họ, khi vua Tự Đức ra lệnh giải giáp theo hòa ước 1862. Đến lúc đó thì những người nghĩa quân này đã phải tiếp tục chiến đấu cho sự sống còn của mình, chứ không phải là vì nhà vua hay vì Trương Định nữa. Và điều chắc chắn là họ đã không hề chiến đấu để giữ gìn “độc lập cho đất nước”, bởi lẽ chẳng có một ai trong thời gian đó biết được khái niệm “độc lập” của quốc gia là cái gì!
Nhưng cũng có một số người trong những lực lượng “nghĩa quân” nói trên đã thừa cơ hội tranh tối tranh sáng lúc này để làm trò nước đục thả câu, để xưng bá xưng hùng và quấy nhiễu “nhân dân” nhằm thu lợi cho riêng mình. Đối với những người “ứng nghĩa” kiểu này, “nhân dân Nam Kỳ” đã tỏ rõ sự kinh tởm và khinh ghét qua những câu thơ châm biếm sâu cay. Do đó, không phải lực lượng nghĩa quân nào cũng giống nhau. Và chắc chắn rằng những “nghĩa quân” loại như Trịnh Quang Nghi không phải, và càng không thể, là những người đại diện cho “nhân dân Nam Kỳ”.
Đối với những “nghĩa quân” thuộc loại này, Phan Thanh Giản trong vai trò chỉ huy tối cao ở Nam Kỳ đã thẳng tay trừng trị, cho dù ông thừa biết rằng họ có thể làm lợi cho triều đình Huế trong việc quấy nhiễu quân Pháp. Và đó là do Phan Thanh Giản giữ trọn tư cách của một vị quan có tinh thần trách nhiệm và tấm lòng thương dân. Vì vậy, ông đã đứng ra đòi hỏi công lý cho dân chúng Nam Kỳ, khi họ bị cướp bóc hãm hại bởi những lực lượng nghĩa quân như Trịnh Quang Nghi, như Đoàn Tiến Thiện. Cho dù việc ông xử tội những người này đã làm cho đấng “quân phụ” của ông là vua Tự Đức không mấy hài lòng.
Nhưng đồng thời thì Phan Thanh Giản cũng cho thấy sự trung thành tuyệt đối của ông với nhà vua, qua việc ông muốn trừng trị những kẻ đã từng làm quan cho nhà Nguyễn mà nay lại “có vẻ” theo Tây như Phan Hiển Đạo. Quan trọng hơn cả, ông bằng lòng nhận lãnh tất cả những công việc khó khăn nhất mà nhà vua giao cho, kể cả việc đi “cống sứ” bên Pháp khi đã gần 70 tuổi.
Cả hai điều này, lòng trung thành với triều đình và lòng thương dân của Phan Thanh Giản, đã được chính những người dân Nam Kỳ ghi nhận. Họ tỏ lòng kính trọng ông vì ông đã làm hết sức mình và đã hy sinh để nhận hết mọi trách nhiệm cho chủ. Cũng như vì lòng thương dân của ông khi giao thành cho Pháp, do không muốn người dân phải chịu cảnh chiến tranh chết chóc thêm nữa.
Tóm lại, dựa vào các tài liệu lịch sử của thời gian đó, những mối liên hệ chồng chéo giữa các lực lượng phe nhóm như đã trình bày trong Phần 2 ở trên mới chính là những sự thật lịch sử của thế kỷ 19 khi Pháp xâm lăng Nam Kỳ. Chứ không phải là một bức tranh trắng đen giữa địch và ta, giữa chính nghĩa với gian tà, giữa dân tộc với ngoại xâm, như đã được diễn tả bằng câu chuyện được dựng lên chung quanh câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” của hai ông sử gia họ Trần.
Và đó là kết luận thứ nhất của Phần 2.
Thứ hai, những tài liệu lịch sử trong Phần 2 này cho thấy rằng tư tưởng hay chủ nghĩa chính trị duy nhất tại Nam Kỳ trong thời gian đó là lòng trung quân. Có thể thấy rằng hai nhân vật chính trong câu chuyện chung quanh câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” là Phan Thanh Giản và Trương Định đều hành xử đúng theo chủ nghĩa này.
Trương Định đã vì lòng trung quân và vì quyền lợi của triều đình, mà ông cũng là một phần tử trong đó, để quyết định chống Pháp tới cùng. Ông có thể do dự trước những quyết định quan trọng, hoặc tỏ ra có những hành động hay thái độ có vẻ như bất tuân lệnh vua với người Pháp, nhưng cuối cùng thì ông vẫn phải nhìn nhận với các đồng chí và với người dân Nam Kỳ, là ông chiến đấu vì lòng trung nghĩa với nhà vua.
Còn Phan Thanh Giản thì do trung quân mà phải đứng ra nhận lãnh tất cả những trách nhiệm khó khăn nhất do nhà vua đã giao cho - như việc đàm phán, ký kết và thi hành hòa ước 1862. Ông đã dùng tài ngoại giao của mình để cố gắng cứu vãn tình hình cho nhà Nguyễn, và đã đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, phương pháp ngoại giao có sự hạn chế của nó. Bên cạnh đó, Phan Thanh Giản còn là một ông quan có trách nhiệm đối với những con dân của ông. Do đó, Phan Thanh Giản đã bị kẹt ở giữa chủ nghĩa trung quân và lòng thương dân của mình (trong cương vị của một kẻ chăn dân chứ không phải do chủ nghĩa dân tộc), khi đường lối ngoại giao không còn hiệu quả nữa. Cũng chính vì vậy mà ông đã đi đến sự bế tắc và phải giao ba tỉnh miền Tây cho Pháp vào năm 1867, sau khi phương pháp ngoại giao của ông và triều đình Huế đã thất bại. Đó là khi Pháp quyết định dùng vũ lực để chiếm đất, và Phan Thanh Giản thì không muốn cho nhân dân Nam Kỳ phải chịu thêm cảnh lầm than vì chiến tranh nữa. Vì lòng thương dân nói trên, và cũng vì trách nhiệm của một thần tử trung quân nhưng đã không làm tròn nhiệm vụ của nhà vua giao phó, cho dù đó là một nhiệm vụ hoàn toàn bất khả thi, nên Phan Thanh Giản sau cùng đã phải dùng cái chết của mình để tạ tội với nhà vua.
Tóm lại, như các tài liệu lịch sử trong Phần 2 cho thấy, thì vào thế kỷ 19 tại Việt Nam, hay đúng hơn là tại nước Đại Nam của triều Nguyễn, chỉ có chủ nghĩa trung quân dựa trên nền tảng nho giáo mà thôi. Và theo đó, trung quân mới chính là ái quốc. Còn chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản thì chưa hề được biết tới trên mảnh đất này. Cả hai thứ chủ nghĩa nói trên chỉ được phổ biến và trở thành quan trọng tại Việt Nam vào thế kỷ 20 mà thôi.
Và đó là kết luận thứ nhì của Phần 2.
Thế nhưng một điều rõ ràng là hai ông sử gia Trần Huy Liệu và Trần Văn Giàu đã dựa vào hai thứ chủ nghĩa tân thời này để thuật lại một câu chuyện lịch sử rất đơn giản với hai phe chính tà ở Nam Kỳ cách đó cả trăm năm. Như đã thấy trong Phần 1, hai ông và các sử gia miền Bắc đã áp dụng cả hai thứ chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản nói trên để chế tạo ra câu chuyện chung quanh câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, để phân chia các lực lượng đương thời ra thành hai phe theo lằn ranh giai cấp và dân tộc dựa trên hai chủ nghĩa này. Trong khi sự thật qua các tài liệu lịch sử thì không phải vậy, mà còn hoàn toàn ngược lại như vậy.
Do đó, câu chuyện chung quanh câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” của hai ông sử gia họ Trần là hoàn toàn sai với lịch sử của thời gian này. Cũng như câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” hoàn toàn không thể hiện hữu trong thời gian này.
Mà nó chỉ có thể là một sản phẩm được chế tạo ra sau này.
Đó chính là kết luận sau cùng của người viết cho Phần 2.
Vài Nét Về Tác Giả
Winston Phan Đào Nguyên là Luật Sư Tiểu Bang California và Liên Bang Mỹ. Hành nghề tại California từ năm 1990. Cử Nhân Khoa Lịch Sử Bằng Danh Dự (B.A., cum laude, History Departmental Honors) tại UCLA, 1987, và Tiến Sĩ Luật Khoa (J.D.), Boalt Hall School of Law, UC Berkeley, 1990. Là tác giả của hai bài nghiên cứu về Petrus Trương Vĩnh Ký: - Minh Oan Cho Petrus Trương Vĩnh Ký Về Câu “Ở Với Họ Mà Không Theo Họ”, 2017 - Petrus Key Và Petrus Ký - Chuyện Một Lá Thư Mạo Danh Trương Vĩnh Ký Vào Thế Kỷ 19, 2018