Triamcinolone là một hoạt chất thuộc nhóm thuốc glucocorticoid được kê đơn và có nhiều dạng bào chế như: thuốc mỡ, kem bôi da, thuốc viên nén hoặc hỗn dịch tiêm… Vậy triamcinolone có công dụng gì? Cách sử dụng ra sao? Có tác dụng phụ gì không? Bài viết sau của dược sĩ Phạm Thị Ý Nhi, khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ giải đáp cụ thể loại thuốc này.
Dược sĩ Phạm Thị Ý Nhi, khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Triamcinolone là thuốc gì?
Triamcinolone là glucocorticoid tổng hợp có tác dụng chống viêm, ức chế miễn dịch, chống dị ứng. Thuốc được bác sĩ chỉ định để điều trị các bệnh như: viêm da nặng; bệnh vảy nến; hội chứng Stevens-Johnson; viêm da thượng bì bóng nước; lupus ban đỏ dạng dĩa; viêm và loét miệng; viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc quanh năm (đã áp dụng các liệu pháp khác mà không hiệu quả); viêm khớp và mô mềm (viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, viêm màng hoạt dịch…). (1)
Hàm lượng và dạng bào chế của triamcinolone phụ thuộc vào mục đích điều trị cho nhiều bệnh khác nhau, cụ thể:
- Dạng triamcinolone: viên nén 4mg.
- Dạng triamcinolone acetonide:
- Kem bôi da: 0,025%, 0,1%, 0,5%.
- Thuốc mỡ: 0,025%, 0,1%, 0,5%.
- Hỗn dịch tiêm: 10mg/ml, 40mg/ml.
Dược học
1. Dược lực học
Khi sử dụng triamcinolone dưới dạng liều điều trị, thuốc có tác dụng giảm đáp ứng viêm theo cơ chế:
- Ổn định màng lysosom (màng sinh chất được cấu tạo từ lipid và protein) của tế bào bạch cầu, ngăn sự giải phóng các acid hydrolase khỏi bạch cầu, ức chế đại thực bào tập trung tại mô viêm, giảm kết dính bạch cầu với các nội mạc mạch máu, giảm tính thấm thành mạch và giảm phù nề.
- Giảm hoạt hoá bổ thể, đối kháng tác dụng với histamin, giảm quá trình biệt hoá tế bào sợi, giảm lắng đọng collagen (giảm hình thành mô sẹo).
Thuốc ức chế miễn dịch theo cơ chế giảm globulin miễn dịch và bổ thể, giảm phức hợp miễn dịch. Thuốc cũng kích thích tế bào dòng hồng cầu ở tủy xương, kéo dài sự sống của hồng cầu và tiểu cầu; tăng bạch cầu đa nhân trung tính và giảm bạch cầu ưa acid.
Triamcinolone cũng tăng sinh glucose, tái phân bố mỡ từ ngoại vi đến khu vực trung tâm, tăng dị hoá protein, giảm hấp thu calci ở ruột và tăng thải calci ở thận. Triamcinolone có tác dụng ức chế tuyến yên bài tiết hormon vỏ thượng thận (ACTH), giúp vỏ thượng thận ngừng tiết corticosteroid (chất gây suy tuyến thượng thận thứ phát). Mức độ và thời gian ức chế trục dưới đồi - tuyến yên - thượng thận (HPA) thay đổi giữa các người bệnh, phụ thuộc vào liều, tần suất và thời gian sử dụng thuốc.
2. Dược động học
- Hấp thu: lượng thuốc triamcinolone được hấp thu khi dùng tại chỗ trên da dao động từ 1%-36%, mức độ hấp thu phụ thuộc vào diện tích viêm, nồng độ thuốc, loại tá dược, dụng cụ băng thuốc. Triamcinolone được hấp thu tốt qua đường tiêu hoá.
- Khi tiêm trong khớp hay màng hoạt dịch, thuốc được hấp thu vào vòng tuần hoàn chung. Tuy nhiên, lượng thuốc hấp thu thấp, không có ý nghĩa lâm sàng, trừ khi tiêm liều cao vào các khớp lớn. Nhìn chung, thời gian khởi phát tác dụng thường sau 24 giờ sau tiêm, kéo dài 4-6 tuần.
- Sau tiêm bắp, triamcinolon acetonid được hấp thu chậm nhưng gần như hoàn toàn. Lượng thuốc hấp thu toàn thân đạt hiệu quả điều trị kéo dài (vài tuần đến vài tháng).
- Phân bố: triamcinolone được phân bố vào tất cả các mô trong cơ thể (cơ, gan, da, ruột, thận). Thuốc qua được hàng rào nhau thai và một lượng nhỏ tiết vào sữa.
- Chuyển hoá: triamcinolone chuyển hoá chủ yếu ở gan.
- Thải trừ: thuốc thải trừ chủ yếu qua thận, phần lớn dưới dạng đã chuyển hoá, chỉ 15% thải trừ nguyên vẹn qua thận. Một phần thuốc thải trừ qua mật. Nửa đời thải trừ (thời gian cần thiết để nồng độ thuốc trong huyết tương giảm xuống còn một nửa) của thuốc là 2-3 giờ.
Công dụng của thuốc triamcinolone
Triamcinolone có công dụng chống viêm, ức chế miễn dịch, chống dị ứng và điều trị các bệnh như: (2)
- Các bệnh ngoài da như: viêm da nặng, bệnh vảy nến, hội chứng Stevens-Johnson, viêm và loét miệng, viêm da thượng bì bóng nước, lupus ban đỏ dạng dĩa.
- Viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc quanh năm, đã áp dụng các liệu pháp khác nhưng không hiệu quả.
- Điều trị viêm khớp và mô mềm như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, viêm màng hoạt dịch,…
Thành phần triamcinolone
Triamcinolone có thành phần chính là triamcinolone acetonide, một dẫn xuất của corticosteroid tổng hợp có chứa fluor. Dạng bào chế và hàm lượng của triamcinolone có thể thay đổi tùy vào loại sản phẩm và mục đích sử dụng.
Triamcinolone phù hợp với những đối tượng nào?
Triamcinolone phù hợp với những đối tượng sau:
- Người bệnh viêm da nặng, vảy nến, hội chứng Stevens-Johnson (nốt ban đỏ trên da, nốt bóng nước, sau đó bong tróc), viêm da thượng bì bóng nước, lupus ban đỏ dạng dĩa, viêm và loét miệng.
- Người bệnh viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc quanh năm sau khi đã áp dụng các liệu pháp khác mà không hiệu quả.
- Người bệnh đang điều trị viêm khớp và mô mềm như viêm khớp dạng thấp, viêm màng hoạt dịch, thoái hóa khớp…
Chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định và chống chỉ định của triamcinolone:
1. Chỉ định
- Điều trị các bệnh ngoài da đáp ứng với corticosteroid, viêm và loét miệng.
- Điều trị viêm khớp và mô mềm: thấp khớp, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp ở thiếu niên, viêm màng hoạt dịch, viêm gân, viêm bao hoạt dịch.
- Tình trạng dị ứng: hen phế quản, viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc quanh năm sau khi đã áp dụng các liệu pháp khác mà không hiệu quả.
- Các bệnh trên da: viêm da nặng, hội chứng Stevens-Johnson, viêm da thượng bì bóng nước, bệnh vảy nến nặng, viêm da thần kinh, bệnh lupus ban đỏ dạng dĩa.
- Các bệnh khác cần tác dụng chống viêm và ức chế miễn dịch toàn thân.
2. Chống chỉ định
- Quá mẫn với thuốc triamcinolone.
- Nhiễm nấm toàn thân.
- Nhiễm khuẩn nặng, cấp tính, chưa khống chế bằng kháng sinh thích hợp.
- Đang sử dụng vắc xin sống (vắc xin được tạo ra bằng cách giảm độc lực của một tác nhân gây bệnh).
- Tiêm tĩnh mạch, tiêm trong nhãn cầu, tiêm ngoài màng cứng.
- Bệnh lao tiến triển.
- Viêm giác mạc do virus Herpes simplex.
- Rối loạn tâm thần cấp.
Lưu ý khi sử dụng thuốc triamcinolone
1. Thận trọng sử dụng thuốc trên một số đối tượng đặc biệt
Để hạn chế các tác dụng không mong muốn của thuốc triamcinolone, dùng thuốc với liều thấp nhất, trong thời gian ngắn nhất.
2. Trẻ em
Tránh sử dụng thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi do thuốc có thể gây chậm phát triển cho trẻ.
3. Người cao tuổi
Các tác dụng phụ toàn thân có thể nghiêm trọng hơn trên người cao tuổi, đặc biệt là loãng xương, tăng huyết áp, hạ kali huyết, đái tháo đường, nhạy cảm với nhiễm trùng, mỏng da.
4. Thời kỳ mang thai
Triamcinolone qua được hàng rào nhau thai. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy thuốc gây bất thường cho sự phát triển bào thai như: sứt môi, chậm phát triển bào thai, các ảnh hưởng trên não và tăng trưởng.
Chưa đủ bằng chứng cho thấy thuốc có nguy cơ gây bất thường bẩm sinh trên người như: sứt môi, hở hàm ếch. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc kéo dài trong suốt thời kỳ mang thai, thuốc làm tăng nguy cơ chậm phát triển bào thai. Trẻ sơ sinh có thể có nguy cơ suy tuyến thượng thận nếu tiếp xúc với corticosteroid từ mẹ trong thời kỳ mang thai. Chỉ sử dụng thuốc khi lợi ích cho mẹ vượt trội hơn nguy cơ tiềm ẩn với thai nhi.
Thời kỳ cho con bú
Triamcinolone bài tiết qua sữa mẹ. Trẻ bú mẹ có nguy cơ suy thượng thận nếu mẹ sử dụng thuốc liều cao trong thời gian dài. Việc quyết định dùng thuốc cho mẹ hay cho con bú nên cân nhắc dựa trên lợi ích - nguy cơ.
Liều lượng và cách sử dụng triamcinolone
Liều lượng và cách sử dụng triamcinolone, cụ thể như sau:
- Các bệnh ngoài da đáp ứng với corticosteroid: bôi 1 lớp mỏng kem, thuốc mỡ lên vùng da cần điều trị, 2-4 lần/ngày
- Viêm và loét vùng da miệng: bôi thuốc lên vị trí cần điều trị, 2-3 lần/ngày sau bữa ăn. Nếu các triệu chứng không cải thiện sau 7 ngày, cần chẩn đoán lại bệnh.
- Điều trị viêm khớp và mô mềm (thấp khớp, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp ở thiếu niên, viêm màng hoạt dịch, viêm gân, viêm bao hoạt dịch): tiêm trong khớp ở người lớn và trẻ em trên 12 tuổi, liều 2,5-15 mg triamcinolone acetonide, hiệu chỉnh liều tuỳ theo kích thước của khớp, không tiêm nhiều hơn 2 khớp/ngày, có thể lặp lại nếu cần sau mỗi 3-4 tuần.
- Các bệnh cần điều trị với corticosteroid toàn thân: dùng dạng tiêm bắp, người lớn và trẻ em trên 6 tuổi được tiêm bắp hỗn dịch triamcinolone acetonide liều duy nhất 40mg (tối đa 100mg), có thể lặp lại nếu cần, tuỳ theo đáp ứng của người bệnh.
Chú ý: không tiêm tĩnh mạch, tiêm trong da, nơi nhiễm trùng, khoang hoạt dịch, trực tiếp vào bao gân, vào sang thương.
Tương tác thuốc
Các thuốc, nhóm thuốc được liệt kê dưới đây cần tránh phối hợp với triamcinolone:
- Các thuốc kéo dài khoảng QT (thời gian tái phân cực ở các mô của tâm thất sau giai đoạn khử cực) hoặc gây xoắn đỉnh:
- Thuốc chống loạn nhịp nhóm Ia như: disopyramid, quinidin, procainamid.
- Thuốc chống loạn nhịp nhóm II như: amiodaron, bepridil, sotalol.
- Các thuốc dẫn xuất phenothiazin, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, terfenadin, astemizol, vincamin, erythromycin dạng tiêm tĩnh mạch, halofantrin, pentamidin và sultoprid.
- Các thuốc ức chế enzym gan như: ritonavir hoặc ketoconazol, phối hợp làm giảm chuyển hóa và tăng nguy cơ mắc hội chứng Cushing và suy thượng thận.
- Các thuốc gây mất cân bằng điện giải: các thuốc hạ kali huyết (thuốc lợi tiểu giảm kali, amphotericin B, thuốc nhuận tràng), các thuốc hạ magnesi huyết và hạ calci huyết, phối hợp làm tăng nguy cơ hạ kali huyết.
Tác dụng phụ không mong muốn có thể gặp phải
1. Thường gặp
- Nhiễm trùng: nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, nhiễm virus.
- Đau đầu.
- Đau khớp.
- Phản ứng tại vị trí tiêm thuốc và toàn thân.
2. Ít gặp
- Miễn dịch: phản ứng dị ứng, phản vệ.
- Nội tiết: hội chứng Cushing, ức chế tuyến thượng thận, suy thượng thận thứ phát, suy tuyến yên.
- Chuyển hoá và dinh dưỡng: giữ muối, giữ nước, hạ kali huyết, tăng glucose huyết, đái tháo đường kiểm soát kém.
- Thần kinh: động kinh, ngất, viêm dây thần kinh, chóng mặt, dị cảm.
- Tim: suy tim sung huyết, loạn nhịp tim.
- Tiêu hoá: loét dạ dày, xuất huyết dạ dày, cứng bụng, khó tiêu.
- Da và mô dưới da: mày đay, phát ban, tăng hoặc giảm sắc tố da, teo da, mỏng da, đốm xuất huyết trên da, bầm tím dưới da, tăng tiết mồ hôi, viêm da trứng cá, ngứa.
- Cơ xương khớp: yếu cơ, teo cơ, chậm phát triển, đau cơ.
- Thận, tiết niệu: glucose niệu.
- Hệ sinh sản và tuyến vú: rối loạn kinh nguyệt, mất kinh.
Hướng dẫn cách xử trí tác dụng không mong muốn của thuốc
Đa số các tác dụng không mong muốn của thuốc có thể phục hồi hoặc giảm thiểu bằng cách giảm liều. Để hạn chế tác dụng phụ, dùng thuốc với liều thấp nhất (có hiệu quả), trong thời gian ngắn nhất. Theo dõi người bệnh để hiệu chỉnh liều theo mức độ bệnh.
Người bệnh điều trị kéo dài với corticosteroid cần hạn chế dùng natri và bổ sung kali trong quá trình điều trị. Khi tiêm bắp, cần cung cấp đủ protein từ chế độ ăn để hạn chế giảm cân và phá huỷ tế bào cơ khi điều trị kéo dài.
Bổ sung calci và vitamin D để giảm nguy cơ gãy xương do corticosteroid khi điều trị kéo dài. Người bệnh có tiền sử loét hoặc có yếu tố nguy cơ gây loét dạ dày cần điều trị dự phòng bằng thuốc ức chế bơm proton.
Quá liều
Triệu chứng: với các dạng thuốc dùng tại chỗ (bôi ngoài da), tình trạng quá liều hiếm khi xảy ra. Người bệnh có thể bị rối loạn tiêu hoá nếu vô tình nuốt toàn bộ lọ thuốc. Khi dùng tiêm trong khớp, việc tiêm lượng lớn thuốc tại vị trí tiêm có thể gây teo da và cần vài tháng để hồi phục do tác dụng kéo dài của thuốc.
Xử trí: nếu quá liều, biện pháp chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng.
Cách bảo quản
Các cách bảo quản triamcinolone:
- Thuốc triamcinolone cần được bảo quản ở nhiệt độ phòng không quá 30℃, tránh ánh sáng và độ ẩm cao. Mỗi biệt dược thuốc quy định điều kiện bảo quản khác nhau, được ghi đầy đủ trên bao bì hoặc trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất.
- Không bảo quản thuốc trong ngăn đá tủ lạnh hoặc phòng tắm. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi. Không sử dụng thuốc khi đã quá hạn ghi trên bao bì hoặc gặp vấn đề về chất lượng và không vứt thuốc vào đường ống nước hoặc toilet.
Triamcinolone nằm trong nhóm corticosteroid, được sử dụng để điều trị ngứa, mẩn đỏ, khô, đóng vảy, viêm và khó chịu… Khi có nhu cầu sử dụng triamcinolone, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để thuốc phát huy hết tác dụng, ngừa biến chứng.